Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
838
116.684.248
 
Gregor Samsa yêu (Truyện ngắn của Haruki Murakami)
Hiếu Tân

 

 

 

Hiếu Tân dịch

 

Thức dậy, anh phát hiện ra rằng anh đã trải qua một cuộc biến hình và trở thành Gregor Samsa[i].

Anh nằm ngửa sóng soài trên giường, nhìn lên trần nhà. Phải mất một lúc mắt anh mới quen với bóng tối. Trần nhà có vẻ như một cái trần bình thường, có thể trông thấy hằng ngày ở bất cứ đâu. Trước đây nó đã từng được sơn màu trắng, hay có lẽ màu kem nhạt. Tuy nhiên nhiều năm bụi và bẩn đã biến nó thành màu sữa hỏng. Không có trang trí, không có nét gì đặc biệt. Không lí lẽ, không thông điệp. Nó thực hiện vai trò kiến trúc của nó nhưng không gợi hứng gì.

 

Ở một bên căn phòng phía tay trái anh, có chiếc cửa sổ cao, nhưng rèm che đã bị tháo đi, và những tấm ván gỗ dày được đóng đinh vào khung cửa sổ. Giữa các tấm ván là các khe ngang cỡ hai ba cm, chẳng hiểu có mục đích gì hay không, những tia nắng sớm chiếu qua, tạo những vệt sáng song song trên nền nhà. Tại sao phải chắn cửa sổ một cách thô thiển như thế? Ngoài khơi có bão hay lốc xoáy gì chăng? Hay để chặn không cho ai đó đột nhập vào? Hay để ngăn không cho ai đó (như anh chẳng hạn?) thoát ra?

 

Vẫn nằm ngửa, anh từ từ quay đầu và xem xét phần còn lại của gian phòng. Anh không thấy có đồ đạc gì, ngoài cái giường mà anh đang nằm. Không tủ ngăn kéo, không bàn viết, không ghế. Không có tranh ảnh, đồng hồ, hay gương soi treo trên tường. Không có bóng đèn hay cây đèn nào. Anh cũng không thấy có tấm thảm nào trên sàn. Chỉ có gỗ trần. Các bức tường được bọc bằng giấy dán tường hoa văn phức tạp, nhưng nó quá cũ và bạc màu trong cái ánh sáng nhợt nhạt đến nỗi không thể nhận ra mẫu mã gì nữa.

 

Căn phòng này có lẽ trước đây được dùng làm một phòng ngủ bình thường. Thế nhưng bây giờ mọi vết tích về cuộc sống của con người đã bị xóa sạch. Vật duy nhất còn lại là chiếc giường cô độc kê ở giữa. Và không có vải trải giường, chăn, màn, gối gì ráo. Chỉ một chiếc đệm cũ.

 

Samsa không biết anh đang ở đâu, hay nên làm gì. Tất cả mội thứ anh biết chỉ là bây giờ anh là một người có tên là Gregor Samsa. Và sao anh biết điều đó? Có lẽ có ai đó đã thì thầm vào tai anh trong khi anh nằm ngủ chăng? Nhưng anh là ai trước khi trở thành Gregor Samsa? Anh đã từng là cái gì?

 

Tuy nhiên, lúc anh bắt đầu nghiền ngẫm câu hỏi này, thì có cái gì giống một cột đen muỗi xoáy quanh đầu anh. Cái cột ấy dày đặc dần lên và nó di chuyển qua phần mềm hơn của não anh, vù vù liên tục. Samsa quyết định ngừng suy nghĩ. Cố nghĩ cho ra một điều gì đó vào lúc này là một gánh nặng quá lớn.

 

Dù sao, anh cần phải biết cử động thân thể anh như thế nào. Anh không thể cứ nằm trừng trừng nhìn lên trần nhà mãi. Cái tư thế ấy khiến anh rất dễ bị tổn thương. Anh sẽ không có cơ may nào sống sót nếu bị tấn công – bởi bọn cướp chẳng hạn. Đầu tiên, anh cố sử động những ngón tay. Có mười ngón tất cả, những vật dài gắn chặt vào các bàn tay anh. Mỗi ngón được trang bị một số khớp, khiến cho việc đồng bộ hóa các chuyển động của chúng vô cùng phức tạp. Tệ hơn nữa, cơ thể anh cảm thấy tê, như thể nó bị nhúng vào một chất lỏng nặng, dính, do đó rất khó chuyển sức mạnh đến các đầu mút.

 

Tuy nhiên sau nhiều lần thử và thất bại, anh nhắm mắt và tập trung tinh thần, anh đã có thể đưa các ngón tay vào tầm kiểm soát nhiều hơn. Dần dần từng tí một, anh đang học cách phối hợp chúng với nhau. Khi các nhón tay đã thuần thục hơn, thì tình trạng tê liệt đang bao phủ thân thể anh rút đi. Thay cho nó – giống như một đợt thủy triều rút đi để lộ giải đá ngầm độc ác và tối tăm –  một cơn đau dữ dội ập đến.

 

Phải mất một lúc Samsa mới nhận ra rằng cơn đau ấy là đói. Cái cảm giác đói cào đói cấu này là mới đối với anh, hay ít nhất anh không nhớ đã trải qua cái gì tương tự. Cứ như thể cả tuần nay anh chẳng có mẩu gì bỏ vào miệng. Như thể cả thân mình anh bây giờ là một cái hốc trống rỗng. Xương anh kêu răng rắc; các bắp thịt co rút; phủ tạng xoắn lại.

 

Không thể chịu nổi cái đau này lâu hơn nữa, Samsa tì khuỷu tay xuống nệm và từ từ nâng người dậy. Xương sống của anh phát ra những tiếng răng rắc trầm đục trong lúc đó. Trời ơi, Samsa nghĩ, mình đã nằm ở đây bao lâu rồi. Thân thể anh cưỡng lại từng chuyển động. Nhưng anh quyết tâm vật lộn, dẫn dắt sức mạnh của mình để cuối cùng cố ngồi dậy được.

 

Samsa hốt hoảng nhìn xuống thân hình trần truồng của mình. Sao nó ốm o quá đỗi! Còn tệ hơn cả ốm o. Nó không có một phương tiện nào để tự bảo vệ. Là da trắng mịn (chỉ được bao phủ bởi những sợi lông thưa thớt) qua nó có thể thấy những mạch máu xanh yếu ớt; cái bụng mềm, trơ ra không có gì che chở, bộ phận sinh dục trông lố bịch chẳng ra hình thù gì; những cẳng tay cẳng chân lòng khòng; cái cổ ngẳng như muốn gãy; một cái đầu to tướng dị dạng với mớ tóc rễ tre cứng quèo trên đỉnh; hai vành tai ngớ ngẩn thò ra như những chiếc vỏ sò. Cái vật này có thật là anh không?  Có thể nào một thân thể trông phi lí, rất dễ bị hủy hoại như thế này (không có vỏ bọc để bảo vệ, không có vũ khí để tấn công) tồn tại được ở trên đời? Tại sao anh lại không biến thành một con cá nhỉ? Hay một bông hướng dương? Một con cá hay một bông hướng dương còn có nghĩa. Dù sao cũng có nghĩa hơn cái con người này, Gregor Samsa.

 

Dùng hết nghị lực, anh thả đôi chân qua mép giường cho đến khi hai gót chân chạm sàn. Cái lạnh bất ngờ của sàn gỗ khiến anh hổn hển. Sau nhiều cố gắng thất bại khiến anh đổ sụp xuống sàn nhà, cuối cùng anh đã có thể đứng thăng bằng trên hai chân. Anh đứng đó, mình mẩy thâm tím và đau nhức, một tay nắm chặt khung giường làm chỗ dựa. Đầu anh quá nặng và khó giữ. Mồ hôi túa ra ở nách, dương vật co rúm lại vì căng thẳng. Các bắp thịt co thắt lại, anh phải hít thở sâu mấy hơi chúng mới bắt đầu dãn ra.

 

Khi đứng đã quen, anh phải bắt đầu tập đi. Bước đi bằng hai chân thật là một cực hình, mỗi cử động  là một cuộc luyện tập trong đau đớn. Bất kể anh nhìn nó cách nào, thì việc lần lượt đưa chân phải rồi lại chân trái lên phía trước là một nhiệm vụ kì quặc chế nhạo mọi qui luật tự nhiên, trong khi khoảng cách từ mắt đến sàn làm anh rúm người lại vì sợ. Anh phải học cách phối hợp cử động hông với các khớp gối. Mỗi lần bước lên một bước, hai đầu gối anh run rẩy, và anh phải chống cả hai tay lên tường để giữ vững.

 

Nhưng anh biết rằng anh không thể ở lại trong phòng này mãi. Nếu anh không tìm thấy thức ăn, và tìm thật nhanh, thì cái bụng đói ngấu sẽ ăn luôn thịt anh, và anh sẽ tiêu đời.

Anh lảo đảo đi về phía cửa, hai tay bấu vào tường khi bước đi. Hành trình ra đến cửa dường như mất đến mấy giờ, mặc dầu ngoài cái đau anh không có phương tiện gì để đo thời gian cả. Chuyển động của anh lóng ngóng, bước đi như sên bò. Anh không thể bước đi nếu không tì vào vật gì làm chỗ dựa. Ra ngoài đường phố, hi vọng lớn nhất của anh là người ta nhìn thấy anh tàn tật như thế này.

 

Anh nắm lấy tay nắm cửa và kéo. Nó không nhúc nhích. Đẩy ra cũng không ăn thua. Cuối cùng, anh xoay tay nắm sang bên phải và kéo. Cửa cót két mở hé ra. Anh thò đầu qua đó ngó ra ngoài. Hành lang vắng tanh. Nó im lặng như dưới đáy đại dương. Anh thò chân trái ra, một tay bám khung cửa, đu nửa người trên ra ngoài, rồi đưa chân phải ra theo. Anh lết chậm theo hành lang, tay bám trên tường.

Trong hành lang có bốn cửa, kể cả cái mà anh vừa ra. Tất cả giống nhau, cùng một loại gỗ tối xỉn. Ai, hay cái gì, nằm phia sau chúng? Anh khao khát muốn mở chúng ra để xem. Có lẽ lúc ấy anh có thể bắt đầu hiểu cái hoàn cảnh bí mật mà anh thấy mình trong đó. Hay ít nhất cũng có một manh mối gì đấy. Tuy nhiên, anh đi qua từng cánh cửa, cố gắng ít gây tiếng động nhất có thể. Cái nhu cầu lấp đầy bụng đã át tính tò mò. Anh phải tìm cái gì có chất để ăn.

Và bây giờ anh biết tìm nó ở đâu.

Cứ theo cái mùi này, anh vừa khịt khịt mũi vừa nghĩ. Nó là mùi thơm của thức ăn đã nấu chín, những hạt li ti qua không khí bay thoảng vào anh. Thông tin do cơ quan thụ cảm khứu giác trong mũi anh thu nhận đang được chuyển lên não, tạo ra một sự tỉnh thức thật sống động, một cơn thèm ăn thật mãnh liệt, đến nỗi anh cảm thấy ruột gan cuộn xoắn cả lên, như thể bởi một kẻ tra tấn lành nghề. Nước dãi tứa ra đầy miệng.

Tuy nhiên muốn đến được cái nguồn của mùi thơm này, anh phải đi xuống một dãy bậc thang dốc đứng, gồm mười bảy bậc. Anh đang quá khó nhọc bước đi trên đất bằng – mà bây giờ đi qua những bậc thang này thì thật là một ác mộng. Anh bám cả hai tay lên thanh vịn cầu thang và bắt đầu bước xuống. Hai mắt cá xương xẩu cảm thấy sẵn sàng gãy vụn ra dưới sức nặng của anh, và anh gần như đổ nhào xuống các bậc.

Và cái gì diễn ra trong đầu Samsa khi anh lần xuống những bậc thang này? Cá và hoa hướng dương, chủ yếu. Giá mà ta biến thành một con cá hoặc một bông hoa hướng dương, anh nghĩ, thì ta đã có thể sống một cuộc đời êm đềm, không phải cực khổ leo xuống leo lên những bậc thang như thế này.

Khi Samsa xuống đến bậc cuối cùng của mười bảy bậc, anh cố đứng thẳng lên, thu thập sức lực còn lại, tập tễnh đi về phía mùi thơm cám dỗ. Anh đi ngang qua gian có trần cao, qua cửa phòng ăn đang mở. Thức ăn được bày trên chiếc bàn ô van rộng. Có năm chiếc ghế, nhưng không có dấu hiệu có người. Một làn hơi trắng bay lên từ các đĩa. Một bình hoa bằng thủy tinh cắm mười hai bông loa kèn chiếm chính giữa bàn. Bốn chỗ có đặt khăn ăn và dao dĩa, xem ra còn tinh khôi chưa ai đụng đến. Dường như người ta đã ngồi ăn sáng ở đây mới vài phút trước, bỗng nhiên có một sự kiện gì đó bất ngờ xảy ra khiến mọi người chạy đi cả. Chuyện gì đã xảy ra? Họ chạy đi đâu? Hay họ bị đưa đi đâu? Họ có quay trở lại ăn sáng không?

 

Nhưng Samsa không có thời gian đâu mà tự hỏi những câu đó. Thả rơi mình xuống một chiếc ghế gần nhất, anh giơ bàn tay trần ra bốc vội bất cứ thức ăn gì anh có thể với tới và tống vào mồm, hoàn toàn không đếm xỉa gì đến dao, thìa, nỉa, khăn ăn. Anh xé bánh mì thành những mảnh nhỏ và nuốt chửng mà không cần phết bơ hay mứt, tọng nguyên cả khúc dồi rán, ngốn ngấu những quả trứng luộc vội vàng đến nỗi quên cả bóc vỏ, xúc một thìa khoai tây nghiền còn đang nóng và chộp lấy những quả dưa ngâm dấm bằng mấy ngón tay. Anh nhai tất cả chúng với nhau, và rửa những thứ còn sót lại bằng nước lấy trong bình. Mùi vị không thành vấn đề. Ngon hay nhạt nhẽo, cay hay chua – với anh cũng thế thôi. Tất cả vấn đề là lấp đầy cái hang rỗng bên trong anh. Anh ăn một cách hoàn toàn tập trung, như thể chạy đua với thời gian. Anh chìm đắm  vào việc ăn đến nỗi có lúc đang liếm những ngón tay răng anh vô tình bập vào đấy. Các mẩu thức ăn vung vãi khắp nơi, và khi một đĩa rơi xuống đất vỡ tan anh chẳng hề để ý.

Khi Samsa ăn đã no nê, anh ngồi lấy lại hơi thở, hầu như chẳng còn lại gì, và chiếc bàn ăn bày ra một cảnh xấu xí. Nó giống như có một bầy quạ nhặng xị bay vào qua cửa sổ mở, ăn ngấu nghiến rồi lại bay ra. Chỉ có một vật duy nhất không bị động đến là chiếc bình hoa loa kèn; giá như thức ăn ít hơn chưa chừng anh ngốn luôn cả những bông hoa này.

 

Anh ngồi trên ghế, choáng váng một lúc lâu. Hai bàn tay đặt trên bàn, anh nhìn dán vào những bông hoa loa kèn qua cặp mắt mở hé, và hít thở những hơi dài, chậm, trong khi thức ăn trôi xuống hệ tiêu hóa, từ thực quản xuống đến ruột. Một cảm giác no nê thỏa mãn đến với anh như một đợt triều lên. Anh nhấc một chiếc bình kim loại và rót cà phê vào một chiếc tách sứ trắng.   Cái mùi hăng hăng này gợi cho anh nhớ tới một điều gì. Tuy nhiên, nó không đến ngay một lần, mà đến theo từng giai đoạn. Đó là một cảm giác kì lạ, như thể anh đang nhớ lại hiện tại từ tương lai. Như thể thời gian đã tách làm hai thế nào đó, sao cho kí ức và kinh nghiệm quay trong một vòng tròn kín, cái này theo sau cái kia. Anh rót một lượng kem kha khá vào tách cà phê, dùng ngón tay khuấy nó, rồi uống. Mặc dù cà phê đã nguội, nó vẫn còn hơi âm ấm. Anh ngậm nó trong miệng trước khi cẩn thận cho nó trôi từ từ xuống họng. Anh thấy nó làm anh bình tâm lại đôi chút.

Bỗng nhiên, anh thấy lạnh. Cường độ của cái đói đã phong tỏa các giác quan khác của anh. Bây giờ khi đã no nê, cái ớn lạnh trên da khiến anh run rẩy. Lửa đã tắt. Không có lò sưởi nào được bật lên. Tệ nhất là anh lại đang trần như nhộng – ngay cả đôi chân cũng để trần .

Anh biết rằng anh phải kiếm cái gì để mặc. Anh rét quá. Hơn nữa, việc anh không có quần áo thế này lại là vấn đề lớn khi có ai xuất hiện. Có thể có người gõ cửa. Hoặc những người ngồi ăn sáng ở đây lúc nãy có thể quay về. Có trời biết họ sẽ phản ứng ra sao khi thấy anh trong tình trạng này?

 

Anh hiểu tất cả điều đó. Anh không phỏng đoán, hay nhận thức nó bằng lí trí; anh biết điều này một cách thuần túy và đơn giản. Samsa chẳng biết tri thức này từ đâu đến. Có lẽ nó liên quan đến những kí ức quay vòng mà anh đang có.

Anh đứng dậy khỏi ghế và bước tới tiền sảnh. Anh vẫn lúng túng khốn khổ, nhưng bây giờ ít ra anh còn có thể đứng lên và bước đi trên hai chân mà không cần bám vào vật gì. Có một chiếc giá thép đặt đứng trong sảnh giữ nhiều gậy chống. Anh rút lấy một cây gậy đen làm bằng gỗ sồi để giúp anh di chuyển; chỉ cần nắm chặt cái tay cầm vững chắc của nó là nó giúp anh dễ chịu và động viên anh. Và bây giờ anh đã có một vũ khí để đánh lại lũ chim nếu chúng tấn công anh. Anh đi đến bên cửa sổ nhìn qua lỗ trống trong những tấm rèm đăng ten.

Ngôi nhà nhìn ra phố. Không phải một phố lớn. Cũng không có nhiều người. Tuy nhiên, anh nhận thấy tất cả mọi người đi trên phố đều mặc đầy đủ áo quần. Quần áo của họ đủ mầu sắc và kiểu dáng. Đàn ông đàn bà mặc quần áo khác nhau. Những đôi giày da bền chắc ôm gọn chân họ. Một số người chưng diện những đôi giày bóng nhoáng. Anh nghe tiếng gót giày nện côm cốp trên đường lát đá. Nhiều đàn ông đàn bà đội mũ. Hình như họ chẳng bạn tâm gì đến việc đi trên hai chân và có gì đó che bộ phận sinh dục của họ lại. Samsa so sánh hình ảnh của anh phản chiếu trong tấm gương hết chiều dài căn phòng với những người đi bên ngoài. Người đàn ông anh thấy trong gương là một sinh vật trông thảm hại oặt oẹo. Bụng của anh nhem nhuốc vì nước sốt, những mẩu vụn bánh mì bám vào lông mu trông như những mẩu bông. Anh dùng tay phủi chúng đi

Phải, anh lại nghĩ, mình phải tìm cái gì che thân.

Anh nhìn ra phố một lần nữa, kiểm tra xem có chim không. Nhưng không có con nào trong tầm mắt.

Tầng trệt ngôi nhà gồm có hành lang, phòng ăn, bếp và một phòng khách. Tuy nhiên, trong phạm vi anh thấy, không phòng nào có bất cứ thứ gì giống như quần áo. Điều này có nghĩa là việc mặc vào và cởi ra quần áo phải làm ở một nơi nào khác. Có lẽ là một phòng trên tầng hai.

Samsa trở lại cầu thang và bắt đầu leo lên. Anh ngạc nhiên phát hiện ra rằng đi lên dễ dàng hơn đi xuống biết bao nhiêu. Bám chắc thanh vịn, anh có thể lên hết mười bảy bậc với một tốc độ nhanh hơn và không đau nhức hay sợ hãi quá đáng, không phải dừng nhiều lần giữa chừng (dù không lâu) để lấy lại hơi thở.

Có thể nói anh đã gặp may, vì không có cái cửa nào ở tầng hai khóa. Anh chỉ cần xoay tay nắm và đẩy vào, thế là từng cái bật mở ra. Tất cả có bốn phòng, ngoài căn phòng lạnh lẽo mà anh thức dậy, các phòng còn lại đều đủ đồ đạc tiện nghi. Mỗi phòng có một cái giường với ga gối tinh tươm, một tủ quần áo, một bàn viết, một đèn gắn trên trần hoặc trên tường, một tấm thảm với hoa văn rắc rối. Sách vở xếp gọn ghẽ trên các giá sách, và những bức tranh phong cảnh sơn dầu trang trí cho các bức tường. Mỗi phòng có một bình hoa bằng thủy tinh cắm hoa rực rỡ. Không phòng nào có những tấm ván thô kệch đóng ngang các cửa sổ. Cửa sổ của các phòng này che rèm đăng ten, qua đó mặt trời chiếu vào như phúc lành từ trên cao rót xuống. Những chiếc giường có dấu hiệu người nằm. Anh nhìn thấy dáng đầu in lõm trên các gối.

Samsa tìm thấy một chiếc áo choàng cỡ người anh trong một chiếc tủ của căn phòng lớn nhất. Nó giống như một món đồ mà anh có thể mua được. Anh chẳng biết làm gì với các quần áo khác, mặc chúng thế nào. Một mặt thì chúng quá phức tạp: quá nhiều nút, và không thể biết mặt nào là trước mặt nào là sau, hay đâu là đầu đâu là đít. Cái nào là cái mặc ngoài, cái nào là đồ lót? Mặt khác, cái áo choàng thì đơn giản, tiện dụng, và chẳng có trang trí gì cả. Làn vải  nhẹ, mềm cọ xát vào da dễ chịu, và mầu của nó là xanh đậm. Anh thậm chí còn xỏ thêm đôi dép.

 

Anh mặc chiếc áo choàng lên thân thể trần truồng của mình, rồi sau bao nhiêu lần thử và sai, đã buộc được chiếc đai quanh thắt lưng. Anh nhìn bóng mình trong gương, bây giờ có áo và có dép. Chắc chắn là tốt hơn trần như nhộng mà đi khắp nơi. Nó có lẽ không còn ấm như trước, nhưng chừng nào anh còn ở trong nhà thì nó cũng ngăn được cái lạnh. Điều tốt nhất là, anh không còn lo phải phơi da ra trước lũ chim quái ác kia nữa. 

 

Khi chuông cửa reo, Samsa đang ngủ lơ mơ trong căn phòng rộng nhất (và trên cái giường to nhất) của ngôi nhà. Dưới tấm chăn bông thật ấm áp dễ chịu như nằm ngủ trong một quả trứng. Anh vừa tỉnh một cơn mơ. Anh không thể nhớ chi tiết, nhưng đó là một giấc mơ dễ chịu và vui vẻ. Thế nhưng, tiếng chuông vang vọng trong ngôi nhà, kéo giật anh trở về với thực tế lạnh lùng.

Anh lê ra khỏi giường, buộc nút áo choàng, xỏ đôi dép màu xanh xẫm, cầm chiếc gậy đen,và , tay bám thanh vịn, loạng choạng xuống cầu thang. Lần này nhanh hơn lần đầu nhiều. Tuy nhiên nguy cơ lộn nhào vẫn còn. Anh không dám buông lơi cảnh giác. Mắt nhìn xuống chân, anh bước mỗi lần xuống một bậc, trong khi tiếng chuông cửa vẫn reo. Cái người đang nhấn nút chuông hẳn là một người vừa nóng nảy vừa ngoan cố.

Câm gậy chống bằng tay trái, Samsa bước đến cửa, Anh vặn tay nắm sang phải và kéo, cánh cửa bật vào.

Một phụ nữ hỏ nhắn đứng bên ngoài. Một phụ nữ thật nhỏ bé. Lạ là cô ta có thể với tới nút bấm chuông. Tuy nhiên, khi anh nhìn kĩ hơn, anh nhận ra vấn đề không phải là ở vóc người cô ta. Đó là cái lưng của cô ta, nó còng gập hình thước thợ. Nó làm cho cô ta nom có vẻ nhỏ bé, nhưng thật ra khung người của cô có kích thước bình thường. Cô buộc tóc bằng một dây cao su để nó khỏi xõa che kín mặt. Mái tóc cô màu hạt dẻ và rất dày. Cô mặc chiếc áo vét bằng vải tuýt đã sờn, chiếc váy rộng chùng đến mắt cá chân. Một chiếc khăn vải kẻ soọc quàng quanh cổ. Cô không đội mũ. Đôi giày của cô thuộc loại giày cao có buộc giây, và trông cô khoảng ngoài hai mươi tuổi. Ở cô còn có cái gì của một cô bé con. Mắt cô to, mũi cô nhỏ, đôi môi cô hơi vẹo một chút về một bên, giống như một mảnh trăng gày. Đôi lông mày rậm tạo hành hai đoạn thẳng vắt ngang qua trán tạo cho cô một nét nhìn ngờ vực.

“Đây có phải nhà ở của Samsa không?” người đàn bà ngẩng đầu lên nhìn anh, nói. Rồi cô ta vặn cả người đi. Y như thể mặt đất vặn đi trong một trận động đất cực mạnh.

Lúc đâu anh hơi lùi lại, nhưng rồi đứng thẳng lên. “Vâng,” anh nói. Vì anh là Gregor Samsa , thì đây ắt phải là nhà của Samsa rồi. Dù sao đi nữa, nói thế chẳng có hại gì.

Tuy nhiên người phụ nữ cảm thấy câu trả lời không thỏa mãn tí nào. Một thoáng cau mày. Có lẽ cô ta đã tóm được một nét bối rối trong giọng nói của anh.

“Vậy đây đích thực là nhà của Samsa?” cô hỏi giọng sắc. Giống như một người gác cửa có kinh nghiệm chất vấn một vị khách trông tồi tàn.

“Tôi là Geogor Samsa,” Samsa nói, cố lấy giọng thoải mái nhất. Ít nhất thì anh chắc chắn về điều này.

“Tôi hi vọng ông nói đúng,” cô ta nói và cúi xuống lấy chiếc túi vải ở cạnh chân cô. Nó mầu đen, trông có vẻ rất nặng. Sờn mòn qua nhiều nơi, chắc chắn nó đã qua nhiều chủ. “Vậy chúng ta bắt đầu nào.”

Không đợi trả lời cô ta đi vào nhà. Samsa đóng cửa sau lưng cô ta. Cô ta đứng đó nhìn anh từ đầu đến chân. Hình như chiếc áo choàng và đôi dép dấy lên trong cô những nghi ngờ.

“Hình như tôi đã đánh thức anh,” cô ta nói giọng lạnh lẽo.

“Điều ấy không sao đâu, ” Samsa trả lời. Nhìn vẻ mặt u ám của cô ta anh thấy rằng quần áo của anh rõ ràng không thích hợp cho dịp này. “Tôi phải xin lỗi về quần áo của tôi,” anh tiếp tục, “Có những lí do..”

Người đàn bà phớt lờ câu nói này. “Vậy đấy, rồi sao?” cô hỏi qua đôi môi mím.

“Vậy, sao?” Samsa lặp lại.

“Vậy đấy, rồi sao, cái khóa gây ra tất cả chuyện này đâu?” người đàn bà nói.

“Cái khóa nào?”

“Cái khóa hỏng,” cô ta nói. “Anh bảo chúng tôi đến để sửa nó.”

“À,” Samsa nói. “Cái khóa hỏng.”

Samsa lục lọi trong đầu. Nhưng anh vừa mới tập trung được vào một điểm thì cái cột đen những muỗi lại dựng dậy.

“Tôi chưa nghe nói gì đặc biệt về một chiếc khóa,” anh nói. “Tôi đoán nó là của một trong những cánh cửa trên tầng hai.”

Người đàn bà quắc mắt nhìn anh. “Anh đoán?” cô nói, săm soi nhìn vào mặt anh. Giọng cô càng giá băng hơn. Một bên lông mày nhướng lên vẻ không tin. “Một trong những cánh cửa?” cô tiếp tục.

Samsa có thể cảm thấy mặt anh đỏ bừng lên. Việc anh không biết gì về chuyện cái khóa khiến anh cực kì bối rối. Anh hắng giọng định nói, nhưng chẳng nghĩ được lời nào cả.

“Samsa, bố mẹ anh có nhà không? Tôi nghĩ tốt nhất là nói chuyện với họ.”

“Hình như họ ra ngoài đi loanh quanh đâu đó,” Samsa nói.

“Đi loanh quanh?” cô hoảng sợ nói, “Giữa lúc rắc rối như thế này?”

“Tôi thật sự không biết gì cả. Sáng nay tôi thức dậy thì mọi người đã đi rồi.” Samsa nói.

“Trời!” người đàn bà trẻ nói. “Tôi đã bảo họ là hôm nay có người đến vào giờ này rồi cơ mà.”

“Tôi vô cùng xin lỗi.”

Cô gái đứng đó một lúc. Rồi, chậm chạp, cô cụp lông mày xuống, và nhìn cây gậy đen trong bàn tay trái Samsa. “Đôi chân của anh gây phiền hà cho anh lắm hả, Gregor Samsa?”

“Vâng, một chút,” anh lập lờ.

Một lần nữa, người đàn bà lại bỗng dưng vặn cả người đi. Samsa không biết hành động này có ý nghĩa hay mục đích gì. Tuy nhiên anh bị bản năng kéo đi theo diễn trình phức tạp của các chuyển động.

“Chà, biết làm gì bây giờ” người đàn bà nói giọng cam chịu. “Tôi đi xem qua các cửa trên tầng hai một chút. Tôi đi qua cái cầu ấy, xuyên qua cả thành phố, qua cả biến cố khủng khiếp này mới đến được đây. Liều cả mạng sống, đúng thế. Bởi vậy, sao có thể nói ‘Ô thế không có ai ở đây thật à? Tôi sẽ quay lại sau’, đúng không?”

Biến cố khủng khiếp này? Samsa không thể nắm bắt cô ta đang nói về điều gì. Đã diễn ra biến cố kinh khủng gì vậy? Nhưng anh quyết định không hỏi rõ chi tiết. Tốt nhất là tránh để lộ sự mù tịt của mình thêm nữa.

Còng lưng, người phụ nữ trẻ cầm chiếc túi đen nặng bằng bàn tay phải và khó nhọc bước lên cầu thang, trông rất giống một con sâu đang bò. Samsa khó nhọc bước theo cô ta, tay bám vào thanh vịn. Dáng bò vất vả của cô khiến anh thấy thương hại – nó gợi nhớ đến một cái gì đó.

Người đàn bà đứng trên bậc thang cao nhất và quan sát hành lang. “Vậy là” cô ta nói, “một trong bốn cái cửa này có lẽ có cái khóa hỏng phải không?”

Samsa đỏ mặt lên. “Phải,” anh nói. “Một trong những cái này. Có thể là cái ở cuối hành lang về bên trái, có lẽ thế” anh nói ngập ngừng. Đấy là cái cửa của căn phòng trống mà sáng nay anh thức dậy.

Có thể lắm,” người đàn bà nói bằng một giọng không sức sống như một đám lửa đã tắt. “Có thể,” cô ta quay lại quan sát vẻ mặt Samsa.

“Có thể thế mà cũng có thể không,” Samsa nói.

Người đàn bà lại thở dài. “Gregor Samsa,” cô ta nói khô khan. “Nói chuyện với anh vui thật. Một vốn từ đến là phong phú, và anh luôn luôn đi vào trọng tâm.” Rồi giọng cô thay đổi. “Nhưng không sao. Trước hết chúng ta hãy kiểm tra cánh cửa bên trái cuối hành lang đã.”

Người đàn bà đến bên cửa. Cô ta xoay qua xoay lại tay nắm và đẩy, nó mở vào trong. Căn phòng vẫn nguyên như lúc trước: chỉ có một chiếc giường với tấm nệm trần không thể nói là sạch. Sàn nhà cũng trống trơn. Các tấm ván dóng ngang cửa sổ. Chắc người đàn bà phải nhận thấy tất cả những điều này, nhưng cô ta không hề tỏ vẻ ngạc nhiên. Thái độ của cô ta gợi ý rằng những căn phòng như thế này có thể thấy trong khắp thành phố.

Cô ta ngồi xổm xuống, mở chiếc túi đen, lấy ra một mảnh vải flanel trắng, trải ra sàn. Rồi cô lấy ra một số dụng cụ, xếp chúng ngay ngắn trên tấm vải, giống như một kẻ tra tấn chai sạn bày ra những đồ nghề tàn độc của hắn trước con người khốn khổ bị hành hình.

Chọn một sợi dây thép có bề dày vừa phải, cô ta luồn nó vào ổ khóa, và bằng bàn tay thành thạo, cô xoay nó theo nhiều góc độ khác nhau. Mắt cô nheo nheo để tập trung, tai cô cảnh giác với từng tiếng động nhỏ nhất. Rồi cô chọn một sợi dây mảnh hơn và lặp lại qui trình ấy. Nét mặt cô ảm đạm hơn, miệng cô xệch đi thành một dạng tàn nhẫn, giống một thanh gươm Trung hoa. Cô lấy một chiếc đèn soi lớn, và với cái nhìn đen tối trong mắt, cô bắt đầu xem xét tỉ mỉ ổ khóa.

“Anh có chìa của ổ khóa này không?” cô hỏi Samsa.

“Tôi chẳng biết mô tê gì về chìa khóa ở đâu” anh thật thà trả lời.

“Ôi, Gregor Samsa, đôi lúc anh làm tôi muốn chết.” cô ta nói.

Sau đó, cô ta hoàn toàn không để ý gì đến anh nữa. Cô chọn một chiếc tuốc nơ vit từ những dụng cụ xếp hàng trên mảnh vải và tiến hành tháo ổ khóa ra khỏi cửa. Động tác của cô chậm rãi và thận trọng. Chốc chốc cô lại dừng để vặn xoắn thân người như lúc trước.

Trong khi đứng đằng sau cô, xem cô vặn vẹo kiểu đó, cơ thể của chính Samsa cũng đáp ứng một cách kì lạ. Cả người anh nóng dần lên, và các lỗ mũi loe ra. Miệng anh khô đến nỗi anh nuốt nước miếng thành những tiếng kêu ừng ực. Dái tai anh ngứa ngáy. Và dương vật, cho đến lúc ấy vẫn lõng thõng đung đưa, bắt đầu cương cứng lên. Nó ngỏng lên, làm thành một chỗ lồi ở phía trước chiếc áo choàng của anh. Tuy nhiên, vì anh đứng trong bóng tối nên chỗ ấy chưa lộ ra.

Sau khi đã tháo ổ khóa, người đàn bà trẻ đưa nó đến bên cửa sổ đế xem xét nó dưới ánh mặt trời chiếu qua khe giữa các tấm ván. Cô ta dùng một dây thép mảnh chọc nó và lắc mạnh nó để nghe xem thế nào, mặt cô cau có và môi cô trề ra. Cuối cùng, cô thở dài lần nữa và quay lại đối mặt với Samsa.

“Bên trong bị rão,” người đàn bà nói. “Nó hỏng rồi. Chính là cái này, đúng như anh nói.”

“Thế thì tốt,” Samsa nói.

“Không, không tốt đâu,” người đàn bà nói. “Tôi không thể nào sửa chữa tại chỗ, ngay ở đây được. Đây là loại khóa đặc biệt. Tôi sẽ phải đem nó về để cho cha tôi hay các anh tôi chữa. Có thể họ chữa được. Tôi chỉ là thợ học việc, tôi chỉ xử lí được các loại khóa thường.”

“Tôi hiểu,” Samsa nói. Như vậy là người đàn bà trẻ này có một người cha và mấy người anh. Cả một gia đình thợ khóa.

“Đúng ra, một trong các anh tôi phải đến đây hôm nay, nhưng vì có cuộc náo loạn ngoài kia nên họ cử tôi đến đây thay. Thành phố đang soát xét kĩ lắm ở các trạm kiểm soát.” Cô nhìn lại ổ khóa trên tay cô. “Nhưng tại sao ổ khóa lại hư hỏng như thế này? Thật khó hiểu. Chắc đã có ai moi bên trong nó ra bằng một loại dụng cụ đặc biệt. Không có cách giải thích nào khác.”

Cô ta lại vặn người. Những cánh tay của cô ta xoay như thể cô là một người bơi đang thực hành một kiểu bơi mới. Anh thấy hành động này quyến rũ và rất hào hứng.

Samsa quyết định. “Tôi xin phép hỏi cô một câu?” anh nói.

“Hỏi một câu?” cô ta nói, ném sang anh cái nhìn nghi ngờ. “Tôi không thể hình dung đó là câu hỏi gì, nhưng xin mời.”

“Sao cô cứ luôn vặn vẹo người thế?”

Cô ta nhìn anh với đôi môi hơi hé mở “Vặn vẹo à?” cô ta nghĩ ngợi một lát. “Ý anh là thế này ấy à?” cô biều diễn động tác ấy cho anh.

“Ừ, đúng đấy.”

“Cái nịt vú của tôi không vừa, thế thôi,” cô nói một cách nghiêm khắc.

“Nịt vú à?” Samsa nói bằng giọng rất ngố. Cái từ này anh không tìm thấy trong trí nhớ.

“Cái nịt vú. Anh biết nó là cái gì, đúng không?” người đàn bà nói. “Hay anh thấy lạ là một người gù mà cũng mang nịt vú? Anh có nghĩ như vậy là táo bạo quá không?”

“Gù à?” Samsa nói. Lại một từ nữa rơi vào khoảng trống rỗng to lớn bên trong anh. Anh không hiểu cô ta đang nói về điều gì. Nhưng anh vẫn nghĩ anh phải nói một cái gì đó.

“Không, tôi không nghĩ thế đâu,” anh lầm bầm.

“Nghe đây này. Những người gù chúng tôi cũng có hai vú như mọi người đàn bà khác, và chúng tôi phải dùng nịt vú để đỡ chúng. Chúng tôi không thể đi lại như loài bò cái với hai hàng vú thõng đung đưa.”

“Tất nhiên rồi.” Samsa hoảng.

“Nhưng nịt vú không được vẽ kiểu cho chúng tôi. Chúng quá lỏng. Cơ thể chúng tôi khác với những người đàn bà bình thường, đúng không? Do đó chúng tôi cứ phải vặn người luôn luôn để chỉnh nó về vị trí cũ. Những người gù có nhiều vấn đề hơn anh tưởng. Có phải vì thế mà anh cứ nhìn chằm chằm từ phía sau lưng tôi không? Có phải anh lấy thế làm thích thú không?”

“Không, không đâu. Tôi chỉ tò mò tại sao cô làm thế.” 

Như vậy, anh suy luận, một chiếc nịt vú là một trang bị được thiết kế để giữ cho vú ở đúng vị trí, và một người gù là một người có dạng đặc biệt như người đàn bà này. Chà, trong thế giới này có quá nhiều thứ mà anh cần phải học.

“Anh có chắc là anh không định chế nhạo tôi không?” người đàn bà hỏi.

“Tôi không chế nhạo cô.”

Người đàn bà nghểnh đầu lên nhìn Samsa. Cô ta biết rằng anh nói thật – trông anh không có vẻ gì láu cá hay nham hiểm. Anh ta chỉ hơi khờ, thế thôi. Anh ta có lẽ hơn cô một vài tuổi. Ngoài thân thể ốm yếu, anh ta dường như còn bị thiểu năng về mặt trí tuệ. Nhưng anh ta xuất thân từ một gia đình tốt, và tư cách của anh ta không có gì đáng chê trách. Trông anh ta cũng bảnh trai, mặc dù hơi gày còm xanh xao.

Đúng lúc ấy cô nhận ra chỗ phồng lên nhô ra ở phần dưới chiếc áo choàng của anh.

“Cái quỉ gì thế này?” cô nói một cách lạnh lùng. “Cái chỗ lồi kia đang làm cái trò gì thế?”

Samsa nhìn xuống phía trước cái áo choàng của anh. Cái bộ phận ấy của anh quả thật quá lồi ra. Nghe giọng cô anh đoán được rằng tình trạng này không thích đáng thế nào đó.

“Tôi hiểu rồi,” cô bật ra. “Anh đang tự hỏi fich một người gù thì sẽ như thế nào chứ gì, đúng không?”

“Fich?” thêm một từ nữa anh không thể nhớ là gì.

“Anh đang tưởng tượng rằng, vì một người gù gập lại ở hông, anh có thể chơi cô ta từ đằng sau không vấn đề gì, đúng không?” người đàn bà nói. “Tin tôi đi, có rất nhiều kẻ đồi trụy như anh ở khắp nơi, những kẻ nghĩ rằng chúng tôi sẽ để cho chúng muốn làm gì thì làm vì chúng tôi gù. Này, nghĩ lại đi, cậu cả! Chúng tôi không dễ thế đâu.”

“Tôi vô cùng bối rối,” Samsa nói. “Nếu tôi có làm gì khiến cô khó chịu, tôi thành thực xin lỗi. Tôi xin tha lỗi. Hãy bỏ quá cho tôi. Tôi không có ý định làm gì hại cả. Tôi mới ốm dậy, và có quá nhiều thứ tôi không hiểu.”

“Thôi được, tôi hiểu rồi.” Cô thở dài. “Anh hơi chậm hiểu, đúng không? Nhưng cái mẩu xúc xích của anh có hình dạng rất tuyệt. Những lời vừa rồi là lỡ lời, tôi đoán thế.”

“Tôi xin lỗi” Samsa nói lại.

“Thôi quên đi.” Cô dịu lại. “Tôi có bốn người anh không tốt ở nhà, và vì tôi là em út nên các ông ấy cho tôi thấy đủ thứ. Họ coi như một trò đùa. Những kẻ chó chết tồi tệ, tất cả bọn họ. Bởi vậy tôi không đùa khi nói rằng tôi biết cái trò này.”    

Cô ngồi thụp xuống để cất đồ nghề vào túi, bọc chiếc khóa hỏng vào mảnh vài flanel và nhẹ nhàng đặt nó bên cạnh.

“Tôi mang chiếc khóa này về nhà,” cô đứng lên và nói. “Anh nói với bố mẹ anh. Chúng tôi sẽ sửa hoặc thay nó. Nếu chúng tôi phải mua cái khác, sẽ mất một thời gian, vì mọi việc cần phải thế. Đừng quên nói với bố mẹ anh nhé, ô kê? Anh có nghe tôi nói không? Anh có nhớ không?”

“Tôi sẽ nói với họ.” Samsa nói.

Cô bước chậm rãi xuống cầu thang, Samsa lê theo sau. Hai người tạo thành hình ảnh trái ngược: cô như bò bằng cả hai tay hai chân, trong khi anh nghiêng ra sau trong một tư thế rất trái tự nhiên. Thế nhưng bước chân của họ cùng một nhịp. Samsa cố sức để dấu cái “chỗ lồi” của anh, nhưng cái vật ấy không trở lại trạng thái ban đầu của nó. Nhìn chuyển động của cô từ phía sau khi cô đi xuống cầu thang, tim anh đập thình thình. Luồng máu nóng hôi hổi chạy rần rật qua các mạch máu của anh. Chỗ lồi vẫn cứ bướng bỉnh như cũ.

“Như tôi đã nói với anh, một người anh của tôi sẽ đến đây hôm nay,” người đàn bà nói khi cả hai ra đến cửa trước. “Nhưng các đường phố đang lúc nhúc những lính và xe tăng. Nhân dân đang bị bố ráp. Đó là lí do đàn ông trong nhà tôi không ra ngoài được. Một khi anh đã bị bắt, thì đừng có nói khi nào sẽ được về. Đó là lí do cử tôi đến. Đi ngang qua Prague, một mình. ‘Không ai để ý đến một đứa con gái gù’, họ bảo thế”

“Xe tăng?” Samsa lầm bầm.

“Ờ, tăng nhiều lắm. Xe tăng với pháo và súng máy. Khẩu pháo của anh ấn tượng đấy,” cô nói, chỉ vào chỗ lồi bên dưới áo choàng anh, “Nhưng những khẩu pháo này to hơn và mạnh hơn, giết được nhiều người hơn. Tôi hi vọng mọi người trong nhà anh trở về bình an.”

Samsa quyết định nắm lấy sừng con bò tót. “Liệu có khả năng chúng mình gặp lại?” anh nói. “Anh nói là anh muốn gặp lại tôi?”

“Vâng. Tôi muốn gặp cô lần nữa.”

“Với cái vật của anh dựng đứng lên như thế kia ấy à?”

Samsa nhìn lại lần nữa lồi ra. “Tôi không biết phải giải thích thế nào, nhưng nó không có liên quan gì đến những cảm giác của tôi. Chắc nó là một loại bệnh tim.”

“Không đùa chứ,” cô nói, cảm động. “Anh bảo, một bệnh tim. Đó là một cách nhìn thú vị. Tôi chưa bao giờ nghe nói.”

“Cô thấy không, nó ra ngoài tầm kiểm soát của tôi.”

“Và nó không liên quan gì đến giao hợp?”

“Trong đầu tôi không nghĩ đến giao hợp. Thật đấy.”

“Vậy để tôi nói thẳng. Khi cái vật của anh to lên và cứng như thế kia, nó không phải do đầu anh mà tim anh gây ra, đúng không?”

Samsa gật đầu đồng ý.

“Thề trước Chúa đi?” người đàn bà nói

“Chúa?” Samsa lặp lại. Lại một từ nữa anh không nhớ đã bao giờ nghe chưa. Anh im lặng.

Người phụ nữ lắc đầu chán chường. Cô ta vặn người và trở lại để chỉnh lại nịt vú.

“Thôi quên đi. Dường như Chúa đã bỏ Prague đi mấy hôm nay rồi. Quên ông ấy đi.”

Trên mặt cô gái hiện lên một vẻ khác – mắt cô dường như đang dán vào một phong cảnh xa xăm và mơ hồ. “Anh thật sự muốn gặp lại tôi à?”

Samsa gật.

“Rồi chúng ta sẽ làm gì?”

“Chúng ta sẽ nói chuyện với nhau.”

“Về chuyện gì?”

“Về nhiều thứ lắm.”

“Chỉ nói chuyện thôi à?”

“Có nhiều cái tôi muốn hỏi cô.”

“Về cái gì?”

“Về thế giới này. Về cô. Về tôi. Tôi cảm thấy có nhiều thứ chúng ta cần nói. Xe tăng, chẳng hạn. Và Chúa. Và những cái nịt vú. Và những cái khóa.”

Một thoáng im lặng nữa rơi giữa hai người.

“Tôi không biết,” cuối cùng người đàn bà nói. Cô chậm rãi lắc đầu, nhưng trong giọng nói của cô không còn thấy vẻ lạnh lẽo nữa. “Anh được nuôi dạy tốt hơn tôi. Và tôi nghi cha mẹ anh sẽ rùng mình kinh sợ khi cậu con trai quí tử của ông bà dính liu đến một cô gái gù lưng từ cái khu nghèo khổ của thành phố. Cho dù người con trai ấy hơi tàn tật và chậm hiểu. Trên tất cả, thành phố của chúng ta lúc này đang tràn ngập binh lính và xe tăng nước ngoài. Ai biết được cái gì đang chờ ở phía trước.”

Samsa chắc chắn không biết cái gì đang chờ ở phía trước. Anh ta tối mù về mọi thứ: về tương lai, tất nhiên, nhưng cả về hiện tại và quá khứ nữa. Cái gì là đúng, cái gì là sai? Chỉ mới học cách mặc quần áo vào mà đã rối tinh rối mù.

“Dù sao, trong vài ngày nữa tôi cũng trở lại lối này,” người đàn bà gù trẻ tuổi nói. “Nếu chúng tôi chữa được, tôi sẽ mang chiếc khóa lại, và nếu không được thì dù sao tôi cũng phải trả nó lại cho anh. Anh sẽ phải trả tiền gọi thợ, tất nhiên. Nếu anh ở đây, thì chúng ta còn gặp nhau. Tôi không biết liệu chúng ta có thể nói chuyện lâu với nhau hay không. Nhưng nếu tôi là anh thì tôi đã giấu cái chỗ phồng lên kia khỏi cha mẹ anh. Nói thật, anh không kiếm được lời khen vì phô cái của kia ra đâu.

Samsa gật đầu. Tuy nhiên, anh hoàn toàn không rõ vì sao cái của kia lại phải giấu đi cho khuất mắt.

“Thật là lạ, phải không?” người đàn bà nói giọng trầm ngâm. “Mọi thứ đang nổ tung xung quanh chúng ta, thế mà ở đây lại có người lo về mấy cái khóa hỏng, và những người khác lại lo cố mà sửa…. Nhưng có lẽ nên như thế chăng. Có lẽ làm những việc nhỏ mọn một cách ngoan ngoãn và lương thiện như chúng tôi là cách để giữ cho khỏi điên khi thế giới đang bị sụp đổ.”

Người đàn bà nhìn lên mặt Samsa. “Tôi không có ý định tọc mạch, nhưng chuyện gì đã xảy ra trong cái căn phòng trên tầng hai ấy? Tại sao cha mẹ anh lại cần đến một cái khóa to như thế cho một căn phòng chẳng có gì ngoài một chiếc giường, và sao họ lo lắng thế khi ổ khóa bị hỏng? Và còn những mảnh ván đóng ngang cửa sổ là cái gì? Có cái gì bị khóa trong đó chăng – có đúng không?”

Samsa lắc đầu. Nếu có ai hoặc cái gì bị khóa kín trong đó, thì đó phải là anh. Nhưng tại sao lại cần làm thế? Anh chẳng có manh mối nào. “Tôi nghĩ có hỏi anh cũng như chuyện,” người đàn bà nói. “Thôi, tôi phải đi đây. Họ sẽ lo lắng về tôi nếu tôi về muộn. Cầu nguyện cho tôi đi ngang qua thành phố mà yên lành. Cho những người lính ấy sẽ bỏ qua một con bé gù khốn khổ. Cho không có ai trong bọn họ đồi bại hư hỏng. Chuyện đàn bà chúng tôi bị hiếp vẫn thường xảy ra như cơm bữa.”

“Tôi sẽ cầu nguyện,” Samsa nói. Nhưng anh không có ý niệm nào về “hư hỏng đồi bại” nghĩa là gì. Hay “cầu nguyện” cũng vậy.

Người đàn bà nhặt chiếc túi đen lên, và vẫn còng lưng, đi ra phía cửa.

“Tôi có gặp lại cô không?” Samsa hỏi lần cuối.

“Nếu anh nghĩ nhiều về một người, chắc chắn anh sẽ gặp lại người đó,” cô nói lúc ra đi, lần này trong giọng cô đã có hơi ấm thật sự.

“Cẩn thận lũ chim,” anh gọi với theo cô. Cô quay lại và gật đầu. Rồi cô đi ra phố.

Samsa nhìn qua lỗ hổng ở rèm khi cái dáng còng còng của cô đi khuất qua đoạn đường rải sỏi. Cô đi lóng ngóng nhưng nhanh lạ thường. Anh thấy ở cô mọi cử chỉ đều duyên dáng. Cô làm anh nhớ đến một con côn trùng rời mặt nước để leo lên chỗ đất khô. Theo anh nghĩ thì đi như cô còn có ý nghĩa hơn đi thẳng người mà lẩy bẩy trên hai chân.

Cô đi khỏi tầm mắt chưa bao lâu thì anh nhận ra dương vật của anh đã trở về trạng thái mềm và co lại như cũ. Sự phồng lên ngắn ngủi và mãnh liệt đã biến mất. Bây giờ bộ phận sinh dục của anh đung đưa giữa hai chân giống như một trái cây vô hại, không gây gổ và không được bảo vệ. Hai tinh hoàn vẫn nằm thoải mái trong bìu. Chỉnh lại cái đai áo choàng, anh ngồi xuống bàn ăn và uống chỗ cà phê lạnh còn lại của anh.

Những người sống ở đây đã đi chỗ khác. Anh không biết họ là ai nhưng anh tưởng tượng rằng họ là gia đình anh. Một chuyện gì đã xảy ra hết sức đột ngột, và họ đã ra đi. Có lẽ họ không bao giờ trở lại nữa. “Thế giới đang suy sụp” có nghĩa là gì? Gregor Samsa chẳng có một ý niệm nào. Lính nước ngoài, trạm kiểm soát, xe tăng – tất cả mọi thứ bị bọc kín trong bí mật.

Sự việc duy nhất anh biết chắc chắn là anh muốn gặp lại cô gái gù. Để ngồi mặt đối mặt và nói chuyện với cô cho thỏa lòng. Để cùng với cô tháo gỡ những câu đố về thế giới. Anh muốn nhìn từ mọi góc độ cái cách cô vặn và xoắn người khi cô chỉnh lại cái nịt vú của cô. Nếu có thể được, anh muốn xoa tay lên thân thể cô, để sờ lên làn da mịn màng và cảm thấy hơi ấm của cô trên mấy đầu ngón tay anh. Để cùng cô sánh bước lên xuống các cầu thang của thế giới.

Chỉ mới nghĩ về cô mà anh đã thấy trong người nóng lên. Anh không ước là con cá hoặc hoa hướng dương nữa – hoặc thành bất cứ cái gì khác. Anh sung sướng được là một con người. Chắc chắn, phải bước đi trên hai chân và mặc quần áo là một sự phiền hà lớn. Có quá nhiều thứ anh không biết. Tuy nhiên nếu anh là một con cá hay một bông hướng dương, mà không phải một con người, thì anh không bao giờ trải nghiệm được mối xúc cảm này. Anh cảm thấy thế.

Samsa ngồi đó hồi lâu với đôi mắt nhắm. Rồi, anh quyết định  đứng dậy, cầm chiếc gậy đen, hướng về phía cầu thang. Anh sẽ trở lại tầng hai và hình dung ra cách mặc quần áo đúng. Bây giờ, ít ra, đó là sứ mệnh của anh.

Thế giới đang chờ anh tìm hiểu.

 

Bản tiếng Việt: Hiếu Tân, 30, Oct 2013

 Theo bản tiếng Anh của Ted Goossen tại

http://www.newyorker.com/fiction/features/2013/10/28/131028fi_fiction_murakami?currentPage=all

 



[i] Nhân vật chính trong tiểu thuyết Hóa Thân của F. Kafka, buổi sáng tỉnh dậy thấy mình bị biến thành một con côn trùng.

 

Hiếu Tân
Số lần đọc: 2719
Ngày đăng: 31.10.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tình yêu và mùa xuân ở biển - Nguyễn Văn Toàn
Mùi thơm buổi sáng - Elena Pucillo Truong
Alice Munro - thị trấn bên đường - Nguyễn Đức Tùng
Thản nhiên mây trời - Ngọc Vinh
Hoa chiều tàn - Nguyễn Thị Ngọc Lan
Những hạt mưa màu tím - Nguyễn Thị Ngọc Lan
Thiên thu 3 - Bùi Thanh Xuân
Sài Gòn, một lần trở lại - Bùi Thanh Xuân
Tôi đi dạy bổ túc - Bùi Thanh Xuân
Cơn đau vô hình - Bùi Thanh Xuân
Cùng một tác giả
Chuyện xứ Mitoman (truyện ngắn)
Vi đan (truyện ngắn)
Bàn tay phải (truyện ngắn)
Luận về nô tài (tiểu luận)
Putois (truyện ngắn)
Phá (truyện ngắn)
Khi Bắc Triều Tiên Đổ (nhìn ra thế giới)
Nô tài thi sĩ (tạp văn)
Putin nói trên truyền hình (nhìn ra thế giới)
WikiLeaks, theo kiểu Belarus (nhìn ra thế giới)
Ngăn cản WikiLeaks (nhìn ra thế giới)
Tại sao lại xóa từ-n ...? (nhìn ra thế giới)
20 tác giả dưới 40 tuổi (nhìn ra thế giới)
“Công lý” Nga (nhìn ra thế giới)
Say sưa với Tự do. (nhìn ra thế giới)
Cách mạng bằng Internet (nhìn ra thế giới)
Bật mí WikiLeaks (nhìn ra thế giới)
Bật mí WikiLeaks- tiếp (nhìn ra thế giới)
Học Để Yêu Cách Mạng (nhìn ra thế giới)
Shakespeare, chán ! (nhìn ra thế giới)
Rủi ro hạt nhân (nhìn ra thế giới)
Những tư tưởng lỗi thời. (nhìn ra thế giới)
Nước Nga sợ gì ở châu Á? (nhìn ra thế giới)
Tại sao nước Mỹ bị ghét (nhìn ra thế giới)
Nhà nước đỏ (nhìn ra thế giới)
Trung hoa là kẻ xâm lược? 1 (nhìn ra thế giới)
Trung hoa là kẻ xâm lược? 2 (nhìn ra thế giới)
The Internet và Iran (nhìn ra thế giới)
Mười năm mất mát (nhìn ra thế giới)
Gặp ông Mao mới (nhìn ra thế giới)
Kiếp sau của Tây Tạng (nhìn ra thế giới)
Nhân dân đấu với Putin (nhìn ra thế giới)
Tương lai của Lịch sử (nhìn ra thế giới)
Bụt nghe cổ tích (truyện ngắn)
BẮN MỘT CON VOI (truyện ngắn)
Gót chân Asin của Putin (nhìn ra thế giới)
The Duniazát (truyện ngắn)
Người xin lỗi (truyện ngắn)
Diễn văn Habana (nhìn ra thế giới)