Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
859
116.683.800
 
Diễn văn Habana
Hiếu Tân

 

 

 

10: 10am,  22 March 2016

 

Tổng thống OBAMA:  Cám ơn. (Vỗ tay). Muchas gracias. Cám ơn. Cám ơn rất nhiều.

Thưa Tổng thống Castro, thưa nhân dân Cuba, xin cám ơn các bạn về sự đón tiếp nồng nhiệt mà tôi và gia đình tôi cùng phái đoàn của chúng tôi nhận được ở đây. Có mặt ở đây ngày hôm nay là một vinh dự đặc biệt.

  Trước khi bắt đầu, xin các vị cho phép tôi bình luận về những cuộc tấn công khủng bố diễn ra ở Brussels. Nhân dân Mỹ hướng suy nghĩ và những lời cầu nguyện của mình về phía nhân dân Bỉ.  Chúng tôi đoàn kết với họ lên án những cuộc tấn công vô nhân đạo chống lại những người dân vô tội. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì cần thiết để giúp đỡ bạn bè và đồng minh của chúng tôi, nước Bỉ, để đưa ra công lí những kẻ chịu trách nhiệm trong vụ này. Và điều này lại một lần nữa nhắc nhở rằng thế giới cần đoàn kết lại, chúng ta phải sát cánh bên nhau, bất kể quốc tịch, chủng tộc, hay niềm tin, trong cuộc đấu tranh chống  tai họa khủng bố. Chúng ta có thể – và nhất định sẽ – đánh bại những kẻ đe doạ an toàn và an ninh của các dân tộc trên toàn thế giới.

Tôi muốn cảm ơn chính phủ và nhân dân Cuba đã bày tỏ tình cảm nồng hậu với tôi và Michelle, Malia, Sasha, và mẹ vợ tôi, Marian.

Cultivo una rosa blanca.” (Tôi ươm một đóa hoa hồng trắng.[1]) (Vỗ tay.) Trong bài thơ nổi tiếng nhất của mình, Jose Marti đã đưa ra lời chào mời hoà bình và hữu nghị cho cả bạn bè và kẻ thù của ông. 

Hôm nay, với tư cách tổng thống Hoa Kỳ, tôi mang đến nhân dân Cuba el saludo de paz – (lời chào hoà bình). (Vỗ tay).

Habana chi cách Florida 90 dặm, nhưng để đến được đây chúng tôi đã phải vượt một khoảng cách lớn – vượt qua những rào cản lịch sử và tư tưởng hệ; những rào cản của nỗi đau và chia cách. Biển xanh dưới cánh máy bay Không lực Một[2] đã có lần đưa những tàu chiến Mỹ đến đảo này, để giải phóng, nhưng cũng để cố sức kiểm soát Cuba. Vùng biển này cũng từng đưa các thế hệ cách mạng Cuba đến Hoa Kỳ để xây dựng lực lượng ủng hộ cho sự nghiệp của họ. Và hàng trăm ngàn người Cuba lưu vong cũng đã vượt khoảng cách ngắn ngủi này – trên những bè đóng tạm và trên máy bay – đến Mỹ để tìm kiếm tự do và cơ hội, có khi phải bỏ lại đằng sau những người thân yêu và mọi thứ họ có.

Giống như nhiều người trong hai nước chúng ta, đời tôi đã trải qua khoảng thời gian cách li giữa hai nước. Cách mạng Cuba diễn ra vào năm cha tôi từ Kenya đến Mỹ. Sự kiện Vịnh Con lợn diễn ra vào năm tôi ra đời. Năm sau, cả thế giới nghẹt thở theo dõi hai nước chúng ta, khi nhân loại đến gần bờ vực cuộc chiến tranh hạt nhân khủng khiếp. Các thập kỉ trôi đi,  các chính phủ của chúng ta gần như yên vị với cuộc đối đầu vĩnh viễn, những cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Trong một thế giới liên tục làm lại bản thân mình, có một bất biến là xung đột giữa Hoa Kỳ và Cuba.

Tôi đến đây để chôn đi tàn dư cuối cùng của Chiến tranh Lạnh ở châu Mỹ. (Vỗ tay.) Tôi đến đây để chìa bàn tay hữu nghị cho nhân dân Cuba (Vỗ tay.)

Tôi muốn minh bạch: những khác biệt giữa các chính phủ chúng ta trong nhiều năm là có thực và quan trọng. Tôi chắc Tổng thống Castro cũng sẽ nói như vậy – tôi biết, vì trong một thời gian dài tôi đã nghe ông ấy đề cập những khác biệt này. Nhưng trước khi thảo luận những vấn đề này, chúng ta cũng cần nhận biết chúng ta có gì chung. Bởi vì Hoa Kỳ và Cuba giống như hai anh em bất hoà ghẻ lạnh trong nhiều năm, cho dù chúng ta có chung dòng máu.

Cả hai nước chúng ta sống ở Tân Thế giới, đã từng bị châu Âu chiếm làm thuộc địa. Giống như Hoa Kỳ, Cuba được xây dựng một phần bởi những nô lệ bị đưa từ châu Phi đến. Giống như Hoa Kỳ, nhân dân Cuba có thể soi lại dòng dõi của mình từ cả nô lệ lẫn chủ nô. Chúng ta đã chào đón cả hai loại di dân đã vượt khoảng cách rất lớn để bắt đầu cuộc sống mới của họ ở châu Mỹ.

Qua nhiều năm, các nền văn hóa của chúng ta đã hoà trộn vào nhau. Công trình của bác sĩ Carlos Finlay ở Cuba đã mở đường cho các thế hệ bác sĩ, trong đó có Walter Reed, người đã dùng tác phẩm của Finlay để giúp chống bệnh Sốt Vàng da. Đúng như Marti đã viết những lời nổi tiếng nhất của ông ở New York, Ernest Hemingway đã làm một ngôi nhà ở Cuba, và tìm cảm hứng từ biển ở những bờ này. Chúng ta có chung môn thể thao đại chúng, môn bóng chày – La Pelota – và cuối buổi hôm nay các đấu thủ của chúng tôi sẽ tranh tài trên chính sân chơi Habana mà Jackie Robinson đã trước kia đã lập kì tích. (Vỗ tay.) Và người ta nói võ sĩ quyền Anh vĩ đại nhất của chúng tôi, Muhammad Ali đã có lần tỏ lòng ngưỡng mộ một người Cuba mà ông chưa bao giờ đấu với – nói rằng ông chỉ có thể hoà với đấu thủ Cuba tuyệt vời này, Teofilo Stevenson. (Vỗ tay).

Như vậy cho dù các chính phủ chúng ta có trở thành địch thủ, thì nhân dân của chúng ta vẫn chia sẻ những niềm say mê chung, đặc biệt ở những người Cuba đến Mỹ sinh sống. Ở Miami hay ở Habana, bạn có thể thấy những nơi nhảy cha-cha-cha hay Salsa, ăn ropa vieja. Nhân dân hai nước chúng ta đã hát cùng Celia Cruz hoặc Gloria Estefan, và nay nghe nhạc reggaeton hay Pitbull. (Cười.) Hàng triệu người hai nước chúng ta có một tôn giáo chung – một tín ngưỡng mà tôi tỏ lòng kính trọng  ở điện thờ Đức bà Nhân ái của chúng tôi ở Miami, một sự an bình mà người Cuba tìm thấy ở La Cachita.

Với tất cả những sự khác biệt của chúng ta, nhân dân Cuba và nhân dân Mỹ chia sẻ những giá trị chung trong cuộc sống của họ. Một tình cảm yêu nước và một cảm giác tự hào – rất đỗi tự hào. Một tình yêu sâu sắc đối với gia đình. Một tình yêu say mê với trẻ em của chúng ta, một trách nhiệm với việc giáo dục chúng. Và vì thế tôi tin tưởng các cháu nội cháu ngoại của chúng ta sẽ nhìn lại giai đoạn chia cách này như một chương lầm lạc trong câu chuyện dài về gia đình và tình hữu nghị.

Nhưng chúng ta không thể và không nên bỏ qua những khác biệt mà chúng ta có – về cách tổ chức chính phủ của chúng ta, về nền kinh tế  của chúng ta, về xã hội của chúng ta. Cuba có chế độ độc đảng, Hoa Kỳ là nền dân chủ đa đảng. Cuba có mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa; Hoa Kỳ là một thị trường mở. Cuba nhấn mạnh vai trò và các quyền của nhà nước, Hoa Kỳ dựa trên các quyền của cá nhân.

Mặc dầu có những khác biệt này, ngày 17 Tháng Mười Hai năm 2014 Tổng thống Castro và tôi đã tuyên bố mở đầu quá trình bình thường hoá quan hệ giữa hai nước chúng ta. (Vỗ tay.) Kể từ đó, chúng ta đã thiết lập những mối quan hệ ngoại giao và mở các sứ quán. Chúng ta đã khởi động những sáng kiến hợp tác về y tế và nông nghiệp, giáo dục và luật pháp. Chúng ta đã đạt được những thoả thuận về việc khôi phục những chuyến bay trực tiếp và dịch vụ thư tín. Chúng ta đã mở rộng những mối liên hệ thương mại, và tăng khả năng người Mỹ đến du lịch và kinh doanh ở Cuba.

Tất cả những thay đổi này đã được hoan  nghênh,  cho dù vẫn còn những người chống đối những chính sách này. Nhưng có nhiều người ở cả hai phía cuộc tranh cãi này đã đặt câu hỏi: Tại sao vào lúc này? Tại sao vào lúc này?

Có một câu trả lời đơn giản: Những gì Hoa Kỳ đang làm đã không hiệu quả. Chúng ta phải có can đảm  thừa nhận sự thật này. Một chính sách cô lập được vạch ra cho Chiến tranh Lạnh sẽ không còn mấy ý nghĩa ở thế kỉ 21. Cấm vận chỉ làm tổn thương nhân dân Cuba thay vì giúp họ. Và tôi luôn luôn tin vào điều mà Martin Luther King, Jr. gọi là “tính vô cùng cấp bách của khoảnh khắc hiện tại” – chúng ta không nên sợ thay đổi, chúng ta nên vồ vập nó. (Vỗ tay.)

Điều này dẫn tôi đến một lí do lớn hơn và quan trọng hơn cho những thay đổi này: Creo en el pueblo Cubano - tôi tin tưởng nhân dân Cuba. Đây không phải chỉ là chính sách bình thường hoá quan hệ với chính phủ Cuba. Hoa Kỳ đang bình thường hóa quan hệ với nhân dân Cuba. (Vỗ tay.)

Và hôm nay tôi muốn chia sẻ với các bạn quan điểm của tôi về tương lai của chúng ta có thể sẽ như thế nào. Tôi muốn nhân dân Cuba – đặc biệt các bạn trẻ – hiểu rằng tại sao tôi tin rằng các bạn nên hi vọng khi nhìn về tương lai; không phải là một lời hứa hão rằng mọi sự rồi sẽ tốt đẹp hơn thực tế của nó, hay niềm lạc quan mù quáng rằng tất cả mọi vấn đề của chúng ta sẽ biến mất ngay ngày mai. Hi vọng bắt rễ trong cái tương lai mà các bạn có thể lựa chọn, mà các bạn có thể định hướng, mà các bạn có thể xây dựng cho đất nước của các bạn.

Tôi hi vọng bởi vì tôi tin rằng nhân dân Cuba là một dân tộc đổi mới như bất kì dân tộc nào trên thế giới.

Trong một nền kinh tế toàn cầu, có sức mạnh nhờ những ý tưởng và thông tin, tài sản lớn nhất của một nước là nhân dân của nó. Ở Mỹ chúng tôi có một tượng đài rõ rệt về những gì mà nhân dân Cuba có thể xây dựng: nó có tên là Miami. Ở Habana này chúng tôi thấy cũng tài năng ấy trong những cuentapropistas, (người tự làm chủ) những hợp tác xã và những chiếc xe cũ vẫn chạy, El Cubano inventa del aire. (Cuba sinh ra từ không khí.) (Vỗ tay.)

Cuba có nguồn tài nguyên tuyệt vời – một hệ thống giáo dục coi trọng từng cậu trai cô gái, (Vỗ tay.) Và trong những năm gần đây, chính phủ Cuba đã bắt đầu mở cửa ra thế giới, và mở rộng không gian cho tài năng ấy phát triển, Chỉ trong vài năm chúng ta đã thấy những cuentapropistas có thể thành công trong khi vẫn giữ được tinh thần riêng của Cuba. Tự làm-chủ không phải là trở nên giống Mỹ, mà là trở thành chính bạn.

Chúng ta hãy xem Sandra Lidice Aldama, người đã quyết định mở một doanh nghiệp nhỏ. Chị nói “người Cuba có thể đổi mới và thích nghi mà không đánh mất bản sắc của mình... bí quyết của chúng ta không phải nằm trong việc sao chép và bắt chước, mà đơn giản hãy là chính mình.”

Chúng ta hãy xem Papito Valladeres, một người thợ cạo, thành công của anh cho phép anh cải thiện  những điều kiện trong khu mình ở. Anh nói, “Tôi thừa nhận mình không giảỉ quyết mọi vấn đề của thế giới. Nhưng nếu tôi có thể giảỉ quyết những vấn đề trong một khu vực nhỏ của thế giới nơi tôi sống, nó có thể lan tỏa khắp Habana.”

Đó là nơi hi vọng bắt đầu – với khả năng tự kiếm sống cho mình, và xây dựng một cái gì đó bạn có thể tự hào. Đó là lí do những chính sách của chúng tôi tập trung vào giúp đỡ những người Cuba thay vì làm tổn thương họ. Đó là lí do chúng tôi bỏ giới hạn tiền gửi về nước, sao cho những người Cuba bình thường có được nguồn vốn nhiều hơn. Đó là lí do chúng tôi khuyến khích du lịch, - nó sẽ xây những chiếc cầu mới giữa nhân dân hai nước, và đem lại nhiều thu nhập cho các doanh nghiệp nhỏ Cuba. Đó là lí do chúng tôi mở rộng không gian cho buôn bán trao đổi – để người Mỹ và người Cuba có thể cùng nhau làm việc, tìm cách chữa trị các bệnh tật, tạo thêm nhiều việc làm, và mở ra nhiều cơ hội cho nhân dân Cuba.

Là Tổng thống Hoa Kỳ, tôi đã kêu gọi quốc hội bỏ cấm vận (Vỗ tay.) Đó là một gánh nặng quá cũ trên nhân dân Cuba. Nó cũng là một gánh nặng đối với những người Mỹ muốn đến đây làm việc và kinh doanh hoặc đầu tư vào Cuba. Đây là thời gian để bỏ cấm vận. Nhưng dù chúng tôi có bỏ cấm vận ngay ngày mai, thì người Cuba cũng không nhận thức được những tiềm năng của họ nếu không tiếp tục thay đổi ở Cuba này. (Vỗ tay.) Nên làm sao để mở kinh doanh dễ dàng hơn ở đây, ở Cuba này. Nên để cho người công nhân có thể kiếm được việc làm trực tiếp với các công ti đầu tư vào Cuba. Không nên để hai đồng tiền ngăn cách loại tiền lương mà người Cuba kiếm được. Nên để cho Internet có mặt khắp nơi trên hòn đảo này, sao cho người Cuba có thể kết nối với thế giới rộng lớn bên ngoài, (Vỗ tay.) và với một trong những động cơ mạnh nhất của phát triển trong lịch sử loài người.

Không có hạn chế nào từ phía Mỹ trong khả năng của Cuba đi những bước nói trên. Nó tùy thuộc ở các bạn. Và vói tư cách một người bạn tôi có thể nói với các bạn rằng sự thịnh vượng bền vững trong thế kỷ 21 phụ thuộc vào giáo dục, chăm sóc sức khỏe và bảo vệ môi trường. Nhưng nó còn phụ thuộc vào trao đổi tư tưởng tự do và cởi mở. Nếu bạn không thể tiếp cận thông tin trên mạng, nếu bạn không thể bày tỏ các quan điểm khác, thì bạn sẽ không đạt tới đầy đủ tiềm năng của mình. Và với thời gian, bạn sẽ mất hi vọng.

Tôi biết những vấn đề này là nhạy cảm, đặc biệt khi chúng được nói ra từ miệng một tổng thống Mỹ. Trước năm 1959 một số người Mỹ coi Cuba là một cái gì đó để khai thác, họ bỏ mặc cho nghèo khổ, để tham những tự do hoành hành. Và từ 1959 chúng ta đã là những đấu thủ vô hình trên võ đài địa chính trị và nhân cách. Tôi biết lịch sử, nhưng tôi không để bị sập bẫy của nó. (Vỗ tay.)

Tôi đã làm sáng tỏ rằng Hoa Kỳ không có cả khả năng lẫn ý định áp đặt thay đổi lên Cuba. Thay đổi sẽ phụ thuộc nhân dân Cuba. Chúng tôi sẽ không áp đặt hệ thống kinh tế và chính trị của chúng tôi lên các bạn. Chúng tôi nhận thức rằng mọi đất nước, mọi dân tộc, phải lập ra lộ trình của mình và tạo ra mô hình cho chính mình. Nhưng sau khi đã vứt bỏ cái bóng của lịch sử khỏi các mối quan hệ của chúng ta, tôi phải thành thật nói về những điều mà tôi tin tưởng, những điều mà chúng ta – những người châu Mỹ – tin tưởng. Như Marti đã nói: “Tự do là quyền của mọi người được là người tử tế, suy nghĩ và nói năng không đạo đức giả.”

Vậy hãy để tôi nói với các bạn tôi tin vào điều gì. Tôi không thể bắt bạn phải đồng ý, nhưng bạn nên biết tôi nghĩ gì.

Tôi tin rằng mọi người nên bình đẳng trước pháp luật. (Vỗ tay.) Mọi đứa trẻ xứng đáng với phẩm giá mà giáo dục mang đến, được chăm sóc sức khỏe và có thức ăn trên bàn và mái nhà trên đầu. (Vỗ tay.) tôi tin rằng các công dân nên được tự do nói lên suy nghĩ của mình mà không phải sợ hãi, (Vỗ tay.) tự do tổ chức phê phán và phản đối ôn hoà chính phủ của họ, và nhà nước pháp quyền thì không được tùy tiện bắt giữ những người thực thi các quyền ấy. (Vỗ tay.)

Tôi tin rằng mọi người nên có tự do thực hành tín ngưỡng của họ một cách hoà bình và công khai. Và, tuy thế, tôi tin rằng các cử tri nên được lựa chọn chính phủ của mình trong những cuộc bầu cử tự do và dân chủ. (Vỗ tay.)

Không phải tất cả mọi người đều đồng ý với tôi về điều này. Không phải tất cả mọi người đều đồng ý với nhân dân Mỹ về điều này. Nhưng tôi tin rằng những quyền con người này là phổ quát. Tôi tin rằng đó là những quyền của nhân dân Mỹ, của nhân dân Cuba và nhân dân ở mọi nơi trên thế giới .

Chẳng có gì là bí mật cái chuyện các chính phủ của hai nước chúng ta bất đồng trên nhiều vấn đề. Tôi đã có những cuộc nói chuyện thẳng thắn với tổng thống Castro. Trong nhiều năm, ông đã chỉ ra những kẽ hở trong hệ thống của Mỹ – sự bất bình đẳng về kinh tế; án tử hình, nạn phân biệt chủng tộc, những cuộc chiến tranh ở nước ngoài. Đó chỉ là một ví dụ.  Ông ấy còn một danh sách dài hơn nhiều. (Cười) Nhưng đây là điều mà nhân dân Cuba cần hiểu: tôi hoan nghênh cuộc tranh luận và đối thoại công khai này. Nó là tốt và lành mạnh. Tôi không sợ nó.

Đúng là ở Mỹ chúng tôi chính trị cần rất nhiều tiền. Nhưng ở Mỹ vẫn có cơ hội cho một người như tôi - một đứa trẻ được nuôi bởi một bà mẹ đơn thân, một đứa trẻ lai và không có nhiều tiền - theo đuổi và thành công trong cương vị cao nhất của đất nước. Đó là điều có thể xảy ra ở Mỹ. (Vỗ tay)

Đúng là chúng tôi đang có những thách đố với khuynh hướng phân biệt chủng tộc – trong các cộng đồng của chúng tôi, trong hệ thống pháp lý hình sự, trong xã hội chúng tôi, tàn dư của chế độ nô lệ và sự phân biệt. Nhưng việc chúng tôi có những cuộc tranh luận công khai trong nội bộ nền dân chủ của chúng tôi cho phép chúng tôi cải thiện. Năm 1959, khi cha tôi chuyển đến Mỹ, việc ông cưới mẹ tôi – người da trắng – là bất hợp pháp, tại nhiều bang nước Mỹ. Khi tôi bắt đầu đi học, chúng tôi vẫn còn phải tranh đấu để bãi bỏ sự phân biệt ở khắp các bang miền nam. Nhưng nhân dân đã tổ chức lại, họ phản đối; họ tranh luận những vấn đề này; họ thách thức các quan chức chính phủ. Và vì có những cuộc phản đối này, vì có những cuộc tranh luận này, vì có phong trào quần chúng, nên hôm nay tôi mới có thể đứng đây với tư cách một người Mỹ gốc Phi và với tư cách Tổng thống Hoa Kỳ. Chính nhờ các quyền tự do mà chúng tôi có được ở Hoa Kỳ mà chúng tôi có khả năng đem lại những thay đổi.

Tôi không nói điều này là dễ dàng. Vẫn còn những vấn đề khổng lồ trong xã hội chúng tôi. Nhưng dân chủ là cách chúng tôi giải quyết chúng. Đó là cách chúng tôi mở rộng chăm sóc sức khỏe cho nhiều người hơn trong nhân dân chúng tôi. Đó là cách chúng tôi đạt được những bước tiến khổng lồ trong vấn đề quyền của phụ nữ và quyền của những người đồng tính. Đó là cách chúng tôi xử lí tình trạng bất bình đẳng tập trung quá nhiều của cải vào tầng thượng đỉnh trong xã hội chúng tôi. Bởi vì công nhân có thể tổ chức và những người bình thường có tiếng nói của mình, nền dân chủ Mỹ đã cho nhân dân chúng tôi cơ hội theo đuổi những ước mơ của họ và hưởng một mức sống cao. (Vỗ tay)

Tuy vậy, vẫn còn những cuộc chiến đấu gay go. Tiến trình dân chủ không phải lúc nào cũng êm đẹp. Nó thường xuyên làm nản lòng người. Bạn có thể thấy điều này trong cuộc bầu cử ở quê nhà. Nhưng xin hãy dừng lại và xem xét sự kiện này trong chiến dịch bầu cử đang diễn ra ở Mỹ ngay lúc này. Các bạn có hai người Mỹ gốc Cuba trong đảng Cộng hoà, vận động chống lại di sản của một người da đen đang là tổng thống, trong khi lập luận rằng họ là những người xứng đáng nhất để đánh bại ứng viên Dân chủ, nếu không phải một phụ nữ thì cũng là một người Xã hội Dân chủ (Cười và vỗ tay). Vào năm 1959 ai có thể tin được điều này? Đó là thước đo tiến bộ của nền dân chủ chúng tôi.

Vậy đây là thông điệp đến chính phủ Cuba và nhân dân Cuba: Các lí tưởng vốn là điểm xuất phát của mọi cuộc cách mạng – cuộc cách mạng Mỹ, cuộc cách mạng Cuba, các phong trào giải phóng trên khắp thế giới –  những lý tưởng ấy tìm thấy biểu hiện chân chính nhất của chúng trong nền dân chủ, tôi tin thế. Không phải vì nền dân chủ Mỹ là hoàn hảo, mà đúng ra là vì chúng tôi không hoàn hảo. Và chúng tôi, giống như mọi nước khác, cần một không gian mà dân chủ tạo ra cho chúng tôi để thay đổi. Nó cho mọi cá nhân cái năng động để suy nghĩ theo cách mới, để hình dung lại xã hội của chúng ta nên như thế nào, và làm cho chúng trở nên tốt hơn.

Đã có một tiến triển diễn ra trong lòng Cuba, một thay đổi của thế hệ. Nhiểu người cho rằng tôi đến đây để yêu cầu nhân dân Cuba kéo đổ một cái gì đó, - nhưng tôi đang kì vọng vào giới trẻ Cuba, những người sẽ nâng lên một cái gì đó, sẽ xây dựng một cái gì mới mẻ. (Vỗ tay) El futuro  de Cuba tiene que estar en las manos del pueblo Cubano. (Tương lai của Cuba nằm trong tay nhân dân Cuba). (Vỗ tay)

 Còn với tổng thống Castro – mà tôi cảm kích thấy ông có mặt ở đây hôm nay, tôi muốn ông biết rằng, cuộc viếng thăm của tôi chứng tỏ ông không cẩn phải sợ một mối đe doạ từ Hoa Kỳ. Tôi biết ông quyết tâm bảo vệ chủ quyển và quyển tự quyết của Cuba, nhưng tôi tin rằng ông không cần phải sợ những tiếng nói khác biệt của nhân dân Cuba, và khả năng họ phát biểu, hội họp và bầu những lãnh đạo của họ. Thực tế tôi hi vọng vào tương lai của Cuba vì tôi tin rằng nhân dân Cuba sẽ có những quyết định đúng đắn.

Cũng như các bạn, tôi tin rằng Cuba có thể tiếp tục đóng một vai trò quan trọng ở tây bán cầu và trên toàn địa cầu – và hi vọng của tôi là, các bạn có thể làm thế như một người cùng đứng một bên với Hoa Kỳ.

Chúng ta giữ những vai trò rất khác nhau trên thế giới. Nhưng không ai có thể phủ nhận sự phục vụ mà hàng ngàn bác sĩ Cuba đã cống hiến cho người nghèo và những người đau khổ. (Vỗ tay.) Năm ngoái, những nhân viên y tế  – và quân đội – Hoa Kỳ đã sát cánh làm việc với những người Cuba để  cứu sống bếnh nhân và dập tắt dịch Ebola ở Tây Phi. Tôi cho rằng chúng ta nên tiếp tục kiều hợp tác như thế ở các nước khác.

Chúng ta đã từng đứng đối lập nhau trong rất nhiều cuộc xung đột ở châu Mỹ. Nhưng hôm nay, người Mỹ và người Cuba ngồi cạnh nhau bên bàn đàm phán, và chúng ta đang giúp nhân dân Colombia giải quyết một cuộc nội chiến đã kéo dài nhiều thập niên. (Vỗ tay.) Loại hợp tác này là tốt cho tất cả mọi người. Nó mang lại hi vọng cho mọi người ở bán cầu này.

Chúng ta đã đi những chặng đường khác nhau để đến trợ giúp cho nhân dân Nam Phi kết liễu apartheid. Nhưng tổng thống Castro và tôi, cả hai chúng tôi có thể cùng tới Johannesburg để đóng góp cho di sản của Nelson Mandela vĩ đại. Và trong việc nghiên cứu cuộc đời và những tác phẩm của ông, tôi tin rằng cả hai chúng tôi sẽ thấy có nhiều việc cần làm để xúc tiến bình đẳng trong chính đất nước của mình – giảm tình trạng phân biệt đối xử theo chủng tộc trong chính đất nước của chúng ta. và ở Cuba, chúng tôi muốn cam kết nâng cao vị thế của những người Cuba gốc Phi – (Vỗ tay) những người đã chứng tỏ rằng không gì họ không làm được nếu cho họ cơ hội.

Chúng ta đã từng đứng ở hai phe khác nhau trong bán cầu này, và chúng ta sẽ tiếp tục có những khác biệt sâu sắc trong cách thức ủng hộ hoà bình, an ninh, cơ hội và các quyền con người. Nhưng khi chúng ta bình thường hoá quan hệ của chúng ta, tôi tin rằng nó có thể giúp nuôi dưỡng một tình cảm đoàn kết lớn hơn ở châu Mỹ – todos somos Americanos. (Tất cả chúng ta đều là người Mỹ.) (Vỗ tay.)

Từ đầu nhiệm kì tổng thống của tôi, tôi đã cố gắng thuyết phục các nước châu Mỹ hãy bỏ lại phía sau các cuộc chiến tư tưởng hệ trong quá khứ. Chúng ta đang ở trong một kỉ nguyên mới. Tôi biết rằng nhiều vấn đề tôi đã nói thiếu vắng kịch tính của quá khứ. Và tôi biết rằng một phần bản sắc của Cuba là niềm tự hào là một quốc đảo nhỏ bé dám đứng lên giành quyền của mình và làm rung chuyển thế giới. Nhưng tôi cũng biết rằng Cuba luôn luôn nổi trội về tài năng, lao động cần cù và niềm tự hào của nhân dân Cuba. Đó là sức mạnh của các bạn. (Vỗ tay.) Cuba không cần phải được định nghĩa là chống Mỹ, cũng như Mỹ không cần được định nghĩa là chống Cuba. Tôi hi vọng vào tương lai vì sự hoà giải đang diễn ra giữa nhân dân Cuba.

Tôi biết rằng một số người Cuba trên đảo có thể có cảm giác rằng những người đã bỏ đảo ra đi dường như muốn ủng hộ trật tự cũ ở Cuba. Tôi chắc những người còn ở lại cho rằng những người Cuba lưu vong đã không đếm xỉa gì đến những vấn đề của Cuba trước Cách mạng, và đã từ bỏ cuộc đấu tranh để xây dựng một tương lai mới. Nhưng hôm nay tôi có thể nói với các bạn rằng nhiều người Cuba lưu vong mang một kí ức về sự chia cắt đau đớn – và đôi khi bạo liệt. Họ yêu Cuba. Một bộ phận trong số họ vẫn coi đây là quê hương thật sự. Đó là lí do tình cảm của họ mãnh liệt đến thế. Đó là lí do nỗi đau của họ lớn lao đến thế. Và đối với cộng đồng người Mỹ gốc Cuba mà tôi biết và kính trọng, đây không phải chỉ là chính trị. Đây là gia đình, kí ức về một tổ ấm đã mất, nỗi khát khao xây dựng lại một mối quan hệ đã tan vỡ, hi vọng về một tương lai tốt đẹp hơn, hi vọng trở về và hoà giải.

Đối với mọi nền chính trị, nhân dân là nhân dân, người Cuba là người Cuba. Và tôi đã đến đây, tôi đã vượt khoảng cách này – trên một cây cầu được xây bởi người Cuba ở hai bờ của Eo biển Florida. Đầu tiên tôi biết đến tài năng và tình cảm mãnh liệt của người Cuba ở Mỹ. Và tôi biết họ đã chịu đau khổ lớn hơn nỗi đau lưu vong như thế nào – họ cũng biết thân phận của người ngoài lề là như thế nào, và đấu tranh, lao động miệt mài hơn để bảo đảm cho con cháu họ có thể tiến xa hơn trên đất Mỹ.

Như vậy cuộc hoà giải của người Cuba – những người con người cháu của cách mạng, và những người con người cháu của lưu vong – đó là nền móng cho tương lai của Cuba. (Vỗ tay.)

Bạn thấy nó (cuộc hòa giải) ở Gloria Gonzalez, người du lịch đến đây năm 2013, lần đầu tiên sau 61 năm xa cách, và được em gái của bà, Llorca, đón. “Em nhận ra chị, nhưng chị không nhận ra em.” Gloria nói sau khi ôm cô em ruột. Các bạn hãy tưởng tượng đi, sau 61 năm!

Bạn thấy nó ở Melinda Lopez, người đến ngôi nhà cũ của gia đình bà. Và khi bà đi dạo trên phố, một người đàn bà đứng tuổi nhận ra bà là con gái của mẹ bà ta, và bắt đầu khóc. Bà ta đưa bà về nhà và cho xem một chồng ảnh, trong đó có tấm ảnh sơ sinh của Melinda, mà mẹ bà đã gửi cách đây 50 năm. Melinda sau đó nói “rất nhiều người chúng tôi bây giờ trở lại thời rất xa xưa.”

Bạn thấy nó ở Cristian Miguel Soler, một thanh niên trở thành người đầu tiên trong gia đình du lịch đến đây sau 50 năm, và gặp họ hàng lần đầu tiên, anh nói “tôi nhận ra rằng gia đình vẫn là gia đình dù cách xa bao nhiêu chăng nữa.”

Có khi những thay đổi quan trọng nhất lại diễn ra ở  những nơi tầm thường. Những thăng trầm của lịch sử có thể để người ta lại trong xung đột, lưu vong, nghèo khổ. Cần có thời gian cho những hoàn cảnh này thay đổi. Nhưng nhận thức của một con người bình thường, sự hoà giải của những con người có liên hệ máu mủ hay lòng tin vào người khác – là khởi đầu của tiến bộ. Hiểu biết, lắng nghe, và tha thứ. Và nếu người Cuba cùng nhau hướng về tương lai, thì những người trẻ ngày nay sẽ có nhiều khả năng sống với chân giá trị của mình và đạt được ước mơ của mình ngay ở đây, ở Cuba này.

Lịch sử của Hoa Kỳ và Cuba đầy cách mạng và xung đột; đấu tranh và hi sinh, thù hằn; và bây giờ là hoà giải. Bây giờ là lúc để chúng ta bỏ lại quá khứ đằng sau. Bây giờ là lúc để chúng ta cùng nhau nhìn về tương lai, một tương lai de esperanza – (đầy hi vọng).  Nó không dễ, và có những bước thụt lùi. Nó cần thời gian. Nhưng thời gian của tôi ở đây ở Cuba này làm mới lại hi vọng và niềm tin của tôi vào những gì nhân dân Cuba sẽ làm. Chúng ta có thể coi cuộc đến thăm này như các bạn bè, láng giềng, gia đình, đến với nhau. Si se puede. (Nếu có thể) Muchas gracias. Xin cám ơn rất nhiều.

HẾT

Hiếu Tân dịch, 28-29 March 2016.



[1] Trich thơ Jose Marti.

[2] Chuyên cơ của Tổng thống Mỹ.

 

Hiếu Tân
Số lần đọc: 3412
Ngày đăng: 02.05.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Danh tiếng Kundera ngày nay ra sao? - Hiếu Tân
Nhà thơ Tomas Transtromer: Thợ rèn chữ nghĩa - Lý Đợi
Có cần phải sợ Trung Hoa không ?* (tiếp theo) - Hiếu Tân
Có cần phải sợ Trung Hoa không ?* - Hiếu Tân
Gót chân Asin của Putin - Hiếu Tân
Tân Cương đang đến gần khủng hoảng - Hiếu Tân
Tân Cương đang đến gần khủng hoảng - Hiếu Tân
Những người lãnh đạo cuộc phản kháng của Hong Kong ra cho chính phủ hạn cuối cùng của Cải cách là 1 tháng Mười - Hiếu Tân
Quốc Gia Duy Nhất Coi "Hạnh Phúc Của Dân" Là Sự Thịnh Vượng - Trần Vấn Lệ
Tại sao Trung hoa đặt giàn khoan dầu bên trong vùng biển của Việt Nam? - Hiếu Tân
Cùng một tác giả
Chuyện xứ Mitoman (truyện ngắn)
Vi đan (truyện ngắn)
Bàn tay phải (truyện ngắn)
Luận về nô tài (tiểu luận)
Putois (truyện ngắn)
Phá (truyện ngắn)
Khi Bắc Triều Tiên Đổ (nhìn ra thế giới)
Nô tài thi sĩ (tạp văn)
Putin nói trên truyền hình (nhìn ra thế giới)
WikiLeaks, theo kiểu Belarus (nhìn ra thế giới)
Ngăn cản WikiLeaks (nhìn ra thế giới)
Tại sao lại xóa từ-n ...? (nhìn ra thế giới)
20 tác giả dưới 40 tuổi (nhìn ra thế giới)
“Công lý” Nga (nhìn ra thế giới)
Say sưa với Tự do. (nhìn ra thế giới)
Cách mạng bằng Internet (nhìn ra thế giới)
Bật mí WikiLeaks (nhìn ra thế giới)
Bật mí WikiLeaks- tiếp (nhìn ra thế giới)
Học Để Yêu Cách Mạng (nhìn ra thế giới)
Shakespeare, chán ! (nhìn ra thế giới)
Rủi ro hạt nhân (nhìn ra thế giới)
Những tư tưởng lỗi thời. (nhìn ra thế giới)
Nước Nga sợ gì ở châu Á? (nhìn ra thế giới)
Tại sao nước Mỹ bị ghét (nhìn ra thế giới)
Nhà nước đỏ (nhìn ra thế giới)
Trung hoa là kẻ xâm lược? 1 (nhìn ra thế giới)
Trung hoa là kẻ xâm lược? 2 (nhìn ra thế giới)
The Internet và Iran (nhìn ra thế giới)
Mười năm mất mát (nhìn ra thế giới)
Gặp ông Mao mới (nhìn ra thế giới)
Kiếp sau của Tây Tạng (nhìn ra thế giới)
Nhân dân đấu với Putin (nhìn ra thế giới)
Tương lai của Lịch sử (nhìn ra thế giới)
Bụt nghe cổ tích (truyện ngắn)
BẮN MỘT CON VOI (truyện ngắn)
Gót chân Asin của Putin (nhìn ra thế giới)
The Duniazát (truyện ngắn)
Người xin lỗi (truyện ngắn)
Diễn văn Habana (nhìn ra thế giới)