Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
809
116.677.810
 
Chủ nghĩa thế tục và những nỗi bất bình của nó.
Hiếu Tân

James Wood, Newyorker, August 15, 2011

http://www.newyorker.com/arts/critics/atlarge/2011/

08/15/110815crat_atlarge_wood?currentPage=all

 

 

Sự biến mất của Chúa thường được coi như bi thảm, hay mất mát. Nhưng chủ nghiã thế tục cũng có thể là một khẳng định về thực tại, ở đây và bây giờ.

 

Tôi có một người bạn, một nhà triết học phân tích và một người vô thần tin tưởng; bà nói với tôi rằng đôi khi bà thức giấc trong đêm khuya, lo lắng băn khoăn về hàng loạt câu hỏi cội nguồn: "Làm sao thế giới này có thể là kết quả của một vụ nổ lớn (Big Bang) ngẫu nhiên?  Làm sao có thể không có một ý định, một mục đích siêu hình? Có thể chăng, mọi cuộc đời – bắt đầu từ cuộc đời tôi, cuộc đời của chồng tôi, của con tôi, và mở rộng ra [mọi cuộc đời] – là không thích đáng theo ý nghĩa hài hòa vũ trụ?" Trong không khí trí tuệ ngày nay, những người vô thần dường như không có những ý nghĩ như thế. Chúng ta bị hãm vào những niềm tin chắc chắn đối địch nhau của chúng ta– một bên là lòng mộ đạo, bên kia là vô tôn giáo /vô thần /thế tục – và thú nhận nhân nhượng cái trật tự này giống như một nữ đảng viên Dân chủ tự hỏi phải chăng thật ra bà là một người Cộng hòa, hay ngược lại.  

 

Đây là những câu hỏi thần học mà không có những câu trả lời thần học, và, nếu người vô thần không trăn trở với chúng, thì, với những lý do chỉ hơi khác một chút, tín đồ tôn giáo cũng không. Tôn giáo giả định rằng chúng không phải là những câu hỏi hợp lệ bởi vì nó đã trả lời chúng rồi. Vô thần giả định rằng chúng không phải là những câu hỏi hợp lệ bởi vì nó không thể trả lời được chúng. Nhưng khi người ta già đi, cha mẹ chú bác dần dần chết cả, và những cáo phó trên báo không phải là từ xa đến mà từ thư tín địa phương và những dự định của người ta dường như vô vọng và phù du hơn, những khoảnh khắc khiếp sợ và hoang mang như thế dường như ngày càng dày và càng dữ, và, tôi thấy, chúng rất có thể xuất hiện vào giữa trưa cũng như lúc nửa đêm. Tôi nghĩ về những nỗi lo lắng như Câu hỏi Virginia Woolf, sau một trong những đoạn văn siêu hình nhất của tiểu thuyết "Đến ngọn hải đăng", khi họa sĩ Lily Briscoe đang ngồi bên giá vẽ, khóc người bạn quá cố là Bà Ramsay. Bên cạnh bà, thi sĩ Augustus Carmichael đang ngồi, và bỗng nhiên Lily tưởng tượng rằng bà và ông Carmichael có thể đứng dậy và yêu cầu "một lời giải thích" về đời sống.

 

Trong một khoảnh khắc bà cảm thấy nếu cả hai đứng dậy bây giờ, ở đây trên bãi cỏ này, và đòi hỏi một lời giải thích, tại sao ngắn ngủi đến thế, tại sao không thể giải thích được ,  khi hai con người - được trang bị đầy đủ và không có gì dấu được họ - có thể nói lên điều đó một cách mãnh liệt, thì cái đẹp sẽ tự nó bất chợt hiện ra; khoảng không được lấp đầy; những cử chỉ trống rỗng ấy bỗng trở nên có hình thù; và nếu họ kêu lên thật to thì Bà Ramsay có thể quay trở về. "Bà Ramsay!" bà kêu to, "Bà Ramsay!" những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt bà.

 

Tại sao cuộc sống lại ngắn ngủi đến thế, tại sao không thể giải thích được nó? Đó là những câu hỏi mà bà Lily muốn trả lời. Chính xác hơn, đây là câu hỏi mà bà cần phải hỏi, nhận rõ một cách trớ trêu rằng không thể có một câu trả lời nếu không có ai để đòi hỏi một câu trả lời. Chúng ta có thể hy vọng rằng "Không nên giấu giếm chúng ta điều gì" nhưng những lời giải thích chắc chắn chỉ có thể bị che dấu. Đúng như Bà Ramsay đã chết và không thể gào to về phía cuộc sống, Chúa cũng đã chết, và không thể cầu khẩn ngài trở về tồn tại. Và như bộ phim đẹp và kỳ quặc của Terrence Malick  "Cây Đời" nhắc chúng ta, những câu trả lời vẫn còn bị giấu kín ngay cả nếu chúng ta tin Chúa. Câu hỏi "Tại sao?" của Lily Briscoe không khác nhiều với câu hỏi của Job: "Tại sao, thưa Chúa?"

 

Từ thế kỷ mười chín, sự biến mất của Chúa đã thường được coi một cách bi thảm như một mất mát hay một sự thiếu vắng. Cách đây một thế kỷ, nhà xã hội học Đức Max Weber đã khẳng định rằng thời hiện đại không-có-Chúa được đặc trưng bằng một cảm giác "tỉnh ngộ." Dường như Weber muốn nói rằng không có Chúa hay tôn giáo con người hiện đại chuyển động trong một thế giới hợp lý, khoa học, mà không kêu gọi đến siêu nhiên và cứu chuộc, và có lẽ bị buộc phải tìm kiếm một cách vô vọng cái ý nghĩa cuộc đời đã từng được ban cho những tín đồ tôn giáo.

 

Ngày nay khúc bi thương này có lẽ đã mang lại một niềm hoài cổ dịu êm – dựa vào hình thức nổi tiếng trong "Không có gì để sợ" của Julian Barnes (trong đó nhà tiểu thuyết thú nhận rằng ông không tin Chúa nhưng tuy nhiên vẫn "nhớ" Ngài) và hình thức phức tạp trong cuốn "Một thời đại trần tục" (2007) của nhà triết học Canada Charles Taylor. Trong cuốn sách đồ sộ này, Taylor, một tín đồ Thiên Chúa giáo trình bày một câu chuyện trong đó tính thế tục là một thành tựu, nhưng cũng là một tình huống khó chịu: người Vô thần hiện đại bị tước mất những quỷ thần xưa cũ và bị ném vào một thế giới trong đó không có ai để cầu khấn ở bên ngoài trí tuệ của y, thấy khó mà trải nghiệm sự "viên mãn" về tinh thần mà tổ tiên của y đã trải nghiệm.

 

"Niềm vui của Tinh thần thế tục: 11 tiểu luận về Ngày nay Chúng ta Sống Thế nào" (Princeton; $35), một tuyển tập do George Levine biên tập, ông là học giả về văn học thời đại Victoria, cố gắng phản đối cái lối nhăn nhó và khóc than như thế. Levin giải thích rằng mục đích của cuốn sách là "Khảo sát cái ý tưởng cho rằng chủ nghĩa thế tục là một điều kiện tích cực chứ không phải tiêu cực, không phải là sự phủ nhận thế giới của tinh thần và tôn giáo, mà là sự khẳng định cái thế giới mà hiện tại chúng ta đang sống, rằng việc xây dựng thế giới của chúng ta trên một nền tảng thế tục là thiết yếu đối với hạnh phúc đời người trong hiện tại; và rằng một thế giới như thế có thể mang đến cho chúng ta tình trạng "viên mãn/đầy đủ về tinh thần" mà tôn giáo đã luôn luôn hứa hẹn." Nó là một công trình có giá trị mặc dầu không phải là không có khó khăn. Một vấn đề là: những gì mà Levine và những cộng sự của ông muốn nói thông qua thuật ngữ 'thế tục' không phải lúc nào cũng rõ ràng. Đôi khi tôi nghĩ ông chỉ muốn nói đến chủ nghĩa vô thần hay thuyết bất khả tri thực tế (có nghĩa là, sống mà không cầu khấn đến - hay tin tưởng vào - lực lượng siêu nhiên). Tất nhiên một cuộc sống như thế về phương diện công dân tương thích với sự tồn tại liên tục của tôn giáo có tổ chức. Thường xuyên hơn, định nghĩa có thể chấp nhận được ở đây là về chủ nghĩa thế tục như một lực lượng lịch sử cuối cùng đã đắc thắng: một quan điểm về tương lai như sự vượt qua tôn giáo.

 

Một khó khăn khác là trong những thế kỷ qua, dù người ta có cảm thấy viên mãn hoặc hoan lạc hay không thì cũng không thể đồng hóa tôn giáo với hứa hẹn viên mãn hay say mê. Cả Cơ đốc giáo lẫn Hồi giáo đều thách đố khắc nghiệt bản ngã bằng cách nhấn mạnh sự thần phục, hy sinh và dâng hiến – sự trút hết ra ngoài bản ngã, một cuộc trao đổi loại sai/dở của cái tròn đầy lấy cái đúng của sự khiêm nhường – và đạo Phật đi tìm cách xói mòn chính cái ý tưởng về tính tự chủ của cái ngã thống nhất. Chủ nghĩa khổ hạnh cách mạng, là cái mà những tôn giáo nói trên là hiện thân theo những cách khác nhau, có thể nói là nó dứt khoát tỉnh ngộ.

 

Dùng chủ nghĩa thế tục để lấp đầy khoảng trống mê vọng là nguy cơ làm cho nó trong trường hợp tốt nhất thành lòng cuồng tín mộ đạo, và trong trường hợp xấu nhất thành cái "tích cực" lạc quan ngây ngô, và ở đây không phải khi nào cũng tránh được cái nguy cơ ấy. Tuy nhiên phần lớn cuốn sách là một công trình có giá trị về mảnh đất trung gian, khoảng không mà cả những người mộ đạo giáo điều và những người vô thần giáo điều đều bỏ trống. Nó bao dung và thậm chí quan tâm đến tính đa dạng của tu tập tôn giáo và duy trì một giọng nói vô tư và cam kết. Chúng ta có thể gọi nó là Tinh thần Thế tục Mới, tất cả những phẩm chất này có thể tìm thấy trong tiểu luận đầu tiên của cuốn sách của nhà triết học Columbia Philip Kitcher, người đã đặt ra nhiều thuật ngữ của cuộc thảo luận lớn hơn. Kitchen không thích cái mà ông gọi là những nhà vô thần theo chủ nghĩa Darwin (tức là, những nhà Vô thần Mới ), những người rất thường "nghĩ rằng một khi đã làm một trường hợp chống lại cái siêu nhiên, thì công việc của họ sẽ xong." Ông ngụ ý rằng triết học phải chiến đấu và giáo dục thành kiến tôn giáo thông thường, và bằng thí dụ, ông gợi ý rằng làm việc đó dễ có hiệu quả hơn báo chí hoặc tuyên truyền.

 

Chẳng hạn nhiều người tin rằng đạo đức là một sự cứu rỗi của Chúa, và rằng không có Chúa thì không có đạo đức – trong từ ngữ thế tục gọi là "tất cả đều được phép." Bạn có thể nghe thấy điều đó trong Fox News,  nó nằm sau cái khao khát có Mười Điều Răn hiện lên trong các phòng xử án. Nhưng những nhà triết học như Kitcher nhớ những gì Socrates nói với Euthyphro, người cho rằng điều thiện có thể được định nghĩa bằng những gì các vị thần đã muốn: nếu đìều các vị thần muốn dựa trên những tiêu chuẩn khác về cái thiện, thì ý chí thần thánh không phải là cái làm cho một điều gì đó thành tốt; nhưng nếu điều thiện đơn giản được xác định bởi ý chí thần thánh, thì chúng ta sẽ không có cách nào đánh giá điều xác quyết này. Nói cách khác, nếu bạn tin rằng Chúa ban ra đạo đức – ngài lập ra nó theo ý chí của ngài – thì bạn vẫn còn cần phải quyết định Chúa đã lấy đạo đức ấy từ đâu. Nếu bạn ngả về câu trả lời, "À, Chúa chính điều thiện; Người sáng tác ra nó," thì bạn có nguy cơ biến đạo đức thành đồ chơi của Chúa, và bạn tước đi của bản thân bạn mọi khả năng phán xét cái đạo đức ấy.

Kinh Thánh chứa đựng nhiều thí dụ về Chúa trời và Jesus hiện ra để ban phép những điều dường như tùy hứng hay độc ác: ra lệnh cho Abraham giết con trai của mình, sự dày vò Job (một trò chơi do Satan, kẻ dường như rất thân cận với Chúa, xúi bẩy), việc Jesus vô tình giết hại những con lợn Gadarene. Cựu ước dường như đã nắm được ý nghĩa của lưỡng luận Plato, khi nó cho Abraham cầu khẩn đấng Yahweh[1] đầy ý muốn trả thù để xin tha cho những cư dân vô tội của thành Sodom. Abraham mặc cả với Chúa: Người có chịu tha cho thành đô này để đổi lấy năm chục mạng người vô tội không? Bốn mươi lăm? Hay bốn mươi? Hay ba mươi? Ông khiến Yahweh chịu giảm xuống đến mười, và gần như để làm cho Ngài xấu hổ, hay để dạy Ngài, hay có lẽ để giữ Ngài trong sự độc lập về đạo đức đối với những bốc đồng của chính Ngài: "Hãy để nó tránh xa khỏi Ngài!" ông quở trách Yahweh. "Vị quan toà của toàn trái đất lại không thực thi lẽ công bằng hay sao?"

 

Hay lấy vấn đề sự bất tử, mà hàng triệu người bám vào, làm điều an ủi và đe dọa. Như Kitcher giải thích, người ta có xu hướng nghĩ rằng cái chết "sẽ phá huỷ giá trị mà chúng ta nhằm tạo ra bằng cuộc sống của chúng ta."Chúng ta sợ dần dần mất đi những khả năng của chúng ta khi chúng ta già đi; cái chết non là điều đặc biệt khủng khiếp. Nhưng, ông nhẹ nhàng chỉ ra, sự bất tử không giúp được chuyện này:

 

Nếu đời bạn hướng vào việc nuôi nấng những người khác cần đến sự bảo vệ và dẫn đường của bạn, và nếu chẳng may bạn chết trước khi họ sẵn sàng đương đầu với cuộc đời mà không  có bạn – sự kiện bạn sẽ tái sinh – và có thể tái sinh đối với họ trong một trạng thái hoàn toàn khác – là không cần thiết. Dự định của bạn, trong đó bạn đã tập trung cả sự sống của bạn vào, vẫn còn bị cái chết trước thời hạn làm tổn thương.

 

Nhiều tín đồ tôn giáo chờ đợi để gặp những người thân yêu trên Thiên đàng, Kitcher nhận xét, và tuy vậy sự tái hợp không thể đơn giản là sự tiếp nối cuộc sống chung trên trái đất. Chẳng hạn, nếu một người cha mất đứa con nhỏ, như nhà bất khả tri luận Thomas Huxley thời Victoria mất đứa con nhỏ Noel, Thiên đường không trả lại cái mà ông mong mỏi nhất, đó là thấy đứa con của ông tiếp tục sống trên trái đất.  "Hơn nữa, bất kỳ một cuộc tái ngộ nào cũng rõ ràng là làm cho hai con người xa lạ đối diện với nhau, một người cha mà cuộc sống đã mở rộng theo những hướng khác sau cái chết của Noel và một đứa trẻ không còn chiếm không gian cảm xúc mà cái chết sớm của nó đã bỏ lại" Kitcher viết.

 

Tiểu luận của ông đặc trưng bởi lòng nhân đạo, và bằng việc nó tự nguyện vay mượn từ tôn giáo. Ông sẽ không được tưởng thưởng gì từ những người vô thần theo Darwin về chuyện này, nhưng ông tin một cách mãnh liệt những gì tôn giáo làm tốt, nhận xét những gì nó mang lại cho cộng đồng, tình bạn và sức mạnh trong lúc ngặt nghèo, và nó thường xuyên tạo hứng khởi cho những con người bình thường làm nên những hành động kiệt xuất của lòng khoan dung nhân hậu và lòng vị tha quên mình. Ông chỉ ra rằng nhiều tín đồ tôn giáo hiện đại không dính dáng gì với loại niềm tin tầm thường phàm tục vào Chúa mà những ngwời vô thần chiến đấu gán cho họ. Để cho tinh thần thế tục có được sự hấp dẫn rộng rãi, ông viết, nó sẽ cần phải trở thành chủ nghĩa nhân đạo thế tục hơn là "sự chối bỏ thô lỗ" nhưng là hòa hợp với nhu cầu con người như tôn giáo đã là, và có trách nhiệm với bất công xã hội như những lời dạy của Jesus hay Muhammad.

 

Đó không phải một thử thách tầm thường. Để lấy một thí dụ trung tâm, nhiều tín đồ mộ đạo cho rằng cuộc sống không có Chúa sẽ là sống không ý nghĩa. Trong khi những người thế tục yêu sự tự chủ và tự do lựa chọn như những phẩm chất làm cho cuộc sống của họ có ý nghĩa, những người mộ đạo thường nhấn mạnh sự xả thân quên mình và quy phục một quyền uy cao hơn. Sự cách biệt này có thể hiện ra như một vực thẳm. Nhưng Kitcher gợi ý rằng những người mộ đạo và những người thế tục thật ra nhất trí về việc tạo ra ý nghĩa cuộc sống như thế nào. Ông chỉ ra rằng, nhiều tín đồ nghĩ về sự quy phục Chúa của họ không phải là sự bắt buộc, mà trái lại như "xuất phát từ sự lựa chọn nhân cách phục tùng." Cuộc sống hiện lên những ý nghĩa bởi vì ai đó đồng nhất với mục đích của Chúa. Sự đồng nhất này phải nảy sinh từ một hành động đánh giá, một quyết định rằng phục vụ một vị thần mà mục đích của ngài được coi là tốt, là có giá trị. Vậy thì những tín đồ lựa chọn tự chủ "từ bỏ tự do ý chí để phục vụ cái mà sự đánh giá tự chủ đã coi là tốt." Cả những người thế tục lẫn những tín đồ đều bị thu hút vào việc làm ra những đánh giá độc lập về điều gì là ý nghĩa cuộc sống. Họ rút ra những kết luận khác nhau về ý nghĩa cuộc sống là gì, nhưng họ đi tìm nó bằng những cách tương tự nhau.

 

Một tác phẩm  thông minh sâu sắc của nhà văn và học giả thần học Bruce Robbins tấn công một cách khác, cái ý tưởng cho rằng chủ nghĩa thế tục hàm ý tính vô nghĩa hay trong trường hợp khá nhất, ý nghĩa hạng hai. Robbins để ít thời gian nói đến cái "mê đắm," cái từ này dường như tâng bốc những cảm xúc hay hành động nào đó (như sự hiển linh hay những cái thế tục thay thế nó) trong khi vứt bỏ những cái khác. Chủ nghĩa thế tục phải tìm ra và tạo ra những giá trị của chính nó, và những giá trị này có thể là hết sức đa dạng – chẳng hạn, "giúp con cái làm bài tập ở nhà hay nấu những bữa ăn ngon," hay "những người vận động bảo vệ các bác sĩ khỏi những nhà hoạt động chống-phá-thai khắc nghiệt, hoặc những người Do Thái vận động chống những khu định cư Israel trên Bờ Tây [sông Jordan]". Ông trách Taylor vì đã cho rằng đời sống thế tục hiện đại "bị vây bọc trong sự khó chịu của tính vô nghĩa," từ của Weber để tả sự khôngmêđắm, Entzauberung, thật sự có nghĩa là "sự loại trừ cái huyền diệu" nhưng nó sai lầm ở chỗ từ việc mất tính huyền diệu suy ra mất ý nghĩa cuộc sống. Nếu một sự khó chịu vây bọc cuộc sống hiện tại, có thể nó đã được tạo ra không phải bởi bước đi hùng dũng của tiến bộ, mà bởi sự ngập ngừng e ngại của tiến bộ - "bởi việc ngày nay không đạt được một trình độ công bằng xã hội mà thế giới tiền hiện đại thậm chí đã không cố để đạt được."

 

Thật ra tiểu luận của Charles Taylor trong tập này mang tựa đề "Tỉnh ngộ và Trở lại mê đắm" gợi ý những nhất trí đáng kể với Robbins. Taylor miêu tả một vực thẳm ngăn cách một thế giới đầy những thần, những quỉ và ma thuật với cái thế giới lấy trí tuệ làm trung tâm của chúng ta. Trong cái thế giới hữu thần xưa cũ, người ta tin rằng ý nghĩa và giá trị vốn có trong bản thân thế giới, bên ngoài trí óc con người: trong Thượng đế, trong vũ trụ, và trong thế giới tự nhiên của Thượng đế, dù là những đồ vật mang ý nghĩa (như những thánh tích tôn giáo) hay những cấu trúc của bản thân vũ trụ. Ý nghĩa từ đó mà đến với bạn. Trong một thế giới thế tục, những ý nghĩa và giá trị được coi là sinh ra từ trí tuệ của chúng ta và phóng chiếu vào thế giới.

 

Tuy nhiên đối với Taylor, cái quan niệm "lấy trí tuệ làm trung tâm" là một sai lầm. Ông cho rằng nó không đi theo những thắng lợi của khoa học sau Galile, mà những quy kết của chúng ta về giá trị chỉ là tùy hứng. Chúng ta có thể tranh cãi về nó một cách hữu lý, và một số trong những giá trị đó được coi là "những đánh giá mạnh" về một trạng thái khách quan của sự vật. Bằng quan niệm "đánh giá mạnh" Taylor muốn nói một phán xét mạnh mẽ và rộng lớn đến nỗi, khi một ai khác không có khả năng chia sẻ nó, thì điều đó cho thấy về phần anh ta hay chị ta có sự hạn chế nào đó. Khi người hàng xóm của chúng ta không đồng ý với chúng ta rằng những cảnh giết người ở một khu trại trên hòn đảo nhỏ ở Na Uy là sai, thì chúng ta không nhún vai mà nói "Chacun ses goûts", mỗi người có sở thích của riêng mình. Khi Tolstoy gọi Shakespeare là nhà văn xoàng, thì đó là một sự đánh giá nó xét đoán về chính Tolstoy, và đánh dấu tính lập dị của ông.

 

Những cách giải thích thế tục về thế giới (vật lý hiện đại, thiên văn, tiến hóa) đã không làm thế giới bớt kỳ lạ ngỡ ngàng và đã không làm xói mòn hiệu lực hoặc thẩm quyền của sự ngỡ ngàng vui thích của chúng ta. Niềm vui thích ngắm nhìn đường bay của một con chim không bị bào mòn bởi việc biết nhiều hơn tổ tiên chúng ta rằng con chim đã tiến hóa, mà ngược lại. Diễn ngôn hiện đại làm Taylor bối rối tìm cách giải thích không phải thế giới mà chính tâm trí chúng ta. Điều gì xảy ra khi, chẳng hạn, khoa thần kinh học "giải thích" sự ngạc nhiên của chúng ta chẳng qua chỉ là sản phẩm được quy định về mặt tiến hóa của những quá trình nào đó trong bộ não chúng ta? Phải chăng định giá mạnh mẽ có thể bảo trợ cho những sự ngạc nhiên như vậy bị xói mòn bởi một vật thay thế có tính cơ giới? Lòng vị tha chẳng hạn, có thể kéo theo định giá cực mạnh: chúng ta ngưỡng mộ nó như một cái gì lớn lao hơn bản thân chúng ta, và nhữnng người không chia sẻ sự ngưỡng mộ ấy dường như là người không xứng đáng, hay tệ hơn. Nhưng chúng ta bị bỏ lại chỗ nào khi sinh học tiến hóa cố gắng giảm nhẹ sự định giá mạnh của chúng ta về lòng vị tha bằng cách khẳng định rằng, giống như mọi hành vi động vật, nó chỉ là một sự trù liệu để làm lợi cho những gene ích kỷ của chúng ta? Theo thuật ngữ của Taylor, vấn đề là liệu một "ngôn ngữ bậc trên" trong đó chúng ta mô tả lòng vị tha là cao quí và đáng ngưỡng mộ, có thể hoàn toàn bị chiếm đoạt bởi "ngôn ngữ bậc thấp" của những sự giải thích công cụ và sinh học, một ngôn ngữ tránh né một cách cực kỳ thận trọng mớ từ vựng về mục đích, chủ định, mưu toan, cứu cánh.

 

Taylor ngờ rằng nó có thể làm được điều đó, ông lo lắng về sự cám dỗ có tính phá hoại của những sự qui giảm như thế, và không phải không có lý do. Ngày nay người ta liên tục chạy đua chống lại một chủ nghĩa thực dụng thần kinh học tiến hóa thô thiển mà các nhà tâm lý học tiến hóa nổi tiếng và các nhà bình luận báo chí ưa chuộng (thuộc loại người lập luận rằng chúng ta thích sống ở ngoại ô và bầu cho Đảng Cộng hòa bởi vì khoa thần kin học đã "chứng minh" rằng một mẩu nào đó trong não chúng ta sáng lên khi xem Chevy Chase[2] hay Greenwich; hoặc rằng tất cả chúng ta đều thích những cuốn tiểu thuyết bởi vì những câu chuyện chắc đã phải dạy chúng ta từ nhiều thiên niên kỷ trước, cách dàn xếp cái xã hội săn bắn – hái lượm rắc rối của chúng ta như thế nào - tôi hơi cường điệu một chút). Taylor đúng khi ông khẳng định rằng tính đại chúng của loại qui giảm này là "một trong những vấn đề trí tuệ nóng bỏng trong đời sống hiện đại."

 

Nhưng có lẽ ông quá nghiêng về thất bại. Có qui giảm tốt và qui giảm xấu. Taylor không tấn công qui giảm xấu lần lượt từng trường hợp một, mà hành xử như thể nói chung nó đã thắng rồi – như thể nó đang làm bại hoại những viễn cảnh của một lối sống tinh thần và đầy ý nghĩa. Điều này hơi giống với việc hạ thấp lý thuyết âm mưu bởi vì nó đã phá hoại một sự thật thiêng liêng, thay vì tấn công vào lý thuyết âm mưu như một sự không-thật đơn giản. Theo nghĩa này, tiểu luận của Taylor dường như là tự sự của mất mát và than vãn, ngay cả khi ông phản đối rằng nó không phải như thế. Đặt vấn đề giản hóa luận trước cửa những hình thức qui giảm đặc biệt (nhiều cánh cửa này hơi lớn hơn những mặt tiền cửa hàng tạm thời), còn hơn là đặt nó trước cánh cửa rất rộng của "khoa học hậu-Galileo"  Cái trước là thói hay tranh cãi của thế tục, cái sau gần với khúc bi thương tôn giáo.

 

Thật ra "Niềm vui của Tinh thần thế tục" tìm thấy con đường riêng của nó để chống lại những nỗi lo âu của Taylor. Một tiểu luận có giá trị của Frans B. M. de Waal, một nhà nghiên cứu môn động vật linh trưởng người Mỹ gốc Hà Lan, đưa ra một thí dụ về sự qui giảm "tốt", một sự qui giảm  được làm dịu đi nhờ sự nhận biết những giới hạn của nó. Trong một bản miêu tả về lòng vị tha tự phát và sự thấu cảm ở loài tinh tinh – những hành động của lòng tốt "chân chính" mà ông và những người cộng tác nhgiên cứu của ông đã ghi lại – de Vaal suy luận rằng đạo đức của loài người "phải xưa hơn tôn giáo và văn minh một chút", và "thật ra có thể già hơn bản thân loài người." Trên bề mặt của nó, câu chuyện về cội nguồn đạo đức nhân loại trong hành vi động vật là thuộc loại "ngôn ngữ bậc thấp" của cách giải thích sự qui giảm có thể khiến Charles Taylor rùng mình. Tuy nhiên de Vaal tách sự suy đoán của ông khỏi chủ nghĩa công cụ di truyền học. Một khi một khuynh hướng đã được tự nhiên đặt vào vị trí, ông viết, "không phải nhất thiết mỗi một biểu hiện của nó đều giúp cho sự sống còn và sinh sôi nảy nở. Nó hơi giống với khao khát tình dục: có nó để giúp cho sinh sản, nhưng không có nghĩa là con người và con vật làm tình chỉ để sinh sản.  Hành vi đi theo sức thúc đẩy mạnh mẽ có tính tự chủ của chính nó". De Vaal cảnh báo đúc kết thành một "những lý do tại sao hành vi tiến hóa và những lý do tại sao vai diễn diễn nó, một sự phân biệt  đối với những nhà sinh vật cũng thiêng liêng như sự phân biệt giữa nhà thờ và nhà nước trong xã hội hiện đại." Như ông nói, "Những lý do tiến hóa cho hành vi vị tha không nhất thiết là lý do của con vật. Nói cách khác, có thể giải thích đạo đức con người mà không phải thanh minh.

 

Và có lẽ bản thân Darwin không phải là người qui giảm vĩ đại sao? Một tiểu luận tuyệt vời của nhà sử học và triết gia Robert J. Richards lập luận một cách thuyết phục rằng Darwin rất chậm từ bỏ ngôn ngữ về mục đích và mưu toan trong việc bàn về tiến hóa và chọn lọc tự nhiên. Trong khi ông đang viết "Nguồn gốc các loài" dường như ông đã một mực tin rằng "Những sự vật trong tự nhiên phải được hiểu như xảy ra thông qua qui luật tự nhiên." Trong bản tháo cuốn "Nguồn gốc," ông định nghĩa giới tự nhiên như "những qui luật mà Chúa ban ra để điều hành Vũ trụ." Richards khẳng định rằng, đến năm tám mươi sáu tuổi, Darwin đã bắt đầu dao động trong niềm tin của ông rằng qui luật tự nhiên đòi hỏi một sự trù liệu trí tuệ độc lập để cấp cho nó sức mạnh"; vào cuối thập kỷ đó ông đã rút mọi sự nương tựa vào niềm tin Chúa trời. Và tuy vậy, Charles kết luận, "điều mà dường như ông không bao giờ từ bỏ là việc qui cho bản thân chọn lọc tự nhiên những thuộc tính phân biệt, quyền lực và quan tâm đạo đức được tác dụng siêu nhiên trao trước cho nó. Những thuộc tính này cho phép luật chọn lọc tự nhiên dẫn đến mục đích mà Darwin đã tiên đoán như mục đích của quá trình tiến hóa...tức là, sự sáng tạo tự nhiên con người như một tạo vật đạo đức."

 

Những tiểu luận giống như tiểu luận này, của Adam Phillips (về tình trạng bơ vơ không nơi nương tựa) và Rebecca Stott (sự ngạc nhiên thú vị của Darwin) được viết cho một tuyển tập đầy mầu sắc, trong đó những người đóng góp theo đuổi một cách thích thú những mối quan tâm riêng của mình, và thường là trong trạng thái thế tục nhất của họ khi họ không cố gắng hết sức để làm ra thế tục. Cuốn sách tỏa ra bên ngoài từ chủ đề biên tập của nó như một đô thị cổ xưa lý tưởng có thể tỏa rộng ra bên ngoài – từ một trung tâm thanh thản và không bị cảnh sát theo dõi.

 Đôi khi người ta cảm thấy trung tâm này có vẻ hơi quá thanh bình. Việc nhấn mạnh "niềm vui" và "cảm xúc tràn đầy" chắc hẳn đòi tinh thần thế tục cung cấp cái mà Bruce Robbins gọi là một câu chuyện cải tiến – để mang những tin tốt về sự an ủi của tinh thần thế tục. Tuy nhiên những vấn đề siêu hình học dày vò của Lily Briscoe, (hay của Terrence Malick, hay của nhà triết học bạn tôi) vẫn còn đó, và không thể được trả lời bằng tinh thần thế tục một cách hiệu quả hơn bằng tôn giáo chút nào. Có những ngày những dòng của Philip Larkin về cuộc sống "ban đầu là buồn chán, sau là sợ hãi" dường như chính xác một cách khó chịu, và trong những ngày đó tôi có thể thích quay về một lý thuyết thần học Cơ đốc buồn thảm như của Donald M. MacKinnon hơn là vào quyển sách này, trong đó cái nhìn bi thảm hay phi lí không được dung dưỡng nhiều. Cách đây ba mươi năm, Thomas Nagel viết một tiểu luận nhan đề "Cái Phi lí" trong đó ông lập luận rằng: đúng như chúng ta có thể rút lui khỏi những mục đích của đời sống cá nhân và nghi ngờ giá trị của chúng, chúng ta cũng có thể rút lui khỏi tiến bộ của lịch sử loài người, và vinh quang của Chúa, và đặt tất cả những thứ đó thành câu hỏi theo cùng cách đó." Tinh thần thế tục dường như cũng có thể vô nghĩa như tôn giáo khi nỗi nghi ngờ như vậy tấn công. Naval đã đi tới kết luận một cách bình thản, rằng chúng ta không nên lo lắng quá nhiều, bởi vì nếu chúng ta lo lắng, dưới con mắt của vĩnh cửu không có gì là quan trọng cả "thì điều [lo lắng] đó cũng không quan trọng, và chúng ta có thể tiếp cận đời sống phi lí của chúng ta với thái độ mỉa mai thay vì chủ nghĩa anh hùng hay tuyệt vọng." Điều này hoàn hảo về mặt logic, và đưa ra một cách ranh ma một loại giải trừ cấu trúc có tính thế tục về tinh thần thế tục, nhưng nó là niềm an ủi khá lạnh lẽo giữa đêm khuya.



[1] Yahweh (hay Jéhovah) tên Chúa trong Cựu ước

[2] Cornelius Crane "Chevy" Chase , sinh 1943, nhà hài kịch, nhà văn, diến viên điện ảnh và truyền hình Mỹ 

Hiếu Tân
Số lần đọc: 3333
Ngày đăng: 05.09.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Liên Xô - Nhà nước phong kiến trá hình (Kì 5) - Phạm Nguyên Trường
Hoa Kỳ, Trung Quốc, và học thuyết Kissinger - Trần Ngọc Cư
Liên Xô - Nhà nước phong kiến trá hình (Kì 4) - Phạm Nguyên Trường
Mười huyền thoại chính về cuộc chiến tranh và cách mạng ở Libya. - Phạm Nguyên Trường
Liên Xô - Nhà nước phong kiến trá hình (Kì 3) - Phạm Nguyên Trường
Libya : Đánh chiếm Tripoli . Cuộc tấn công vũ bão kết liễu ách thống trị của Gadhafi - Hiếu Tân
Liên Xô - Nhà nước phong kiến trá hình (Kì 2) - Phạm Nguyên Trường
Liên Xô - Nhà nước phong kiến trá hình (Kì 1) - Phạm Nguyên Trường
Nghĩ lại về chiến tranh: Hòa bình thế giới có thể gần hơn bạn nghĩ (tiếp theo và hết ) - Hiếu Tân
Libya, Tiếng Gọi Của Bổn Phận - Chân Phương
Cùng một tác giả
Chuyện xứ Mitoman (truyện ngắn)
Vi đan (truyện ngắn)
Bàn tay phải (truyện ngắn)
Luận về nô tài (tiểu luận)
Putois (truyện ngắn)
Phá (truyện ngắn)
Khi Bắc Triều Tiên Đổ (nhìn ra thế giới)
Nô tài thi sĩ (tạp văn)
Putin nói trên truyền hình (nhìn ra thế giới)
WikiLeaks, theo kiểu Belarus (nhìn ra thế giới)
Ngăn cản WikiLeaks (nhìn ra thế giới)
Tại sao lại xóa từ-n ...? (nhìn ra thế giới)
20 tác giả dưới 40 tuổi (nhìn ra thế giới)
“Công lý” Nga (nhìn ra thế giới)
Say sưa với Tự do. (nhìn ra thế giới)
Cách mạng bằng Internet (nhìn ra thế giới)
Bật mí WikiLeaks (nhìn ra thế giới)
Bật mí WikiLeaks- tiếp (nhìn ra thế giới)
Học Để Yêu Cách Mạng (nhìn ra thế giới)
Shakespeare, chán ! (nhìn ra thế giới)
Rủi ro hạt nhân (nhìn ra thế giới)
Những tư tưởng lỗi thời. (nhìn ra thế giới)
Nước Nga sợ gì ở châu Á? (nhìn ra thế giới)
Tại sao nước Mỹ bị ghét (nhìn ra thế giới)
Nhà nước đỏ (nhìn ra thế giới)
Trung hoa là kẻ xâm lược? 1 (nhìn ra thế giới)
Trung hoa là kẻ xâm lược? 2 (nhìn ra thế giới)
The Internet và Iran (nhìn ra thế giới)
Mười năm mất mát (nhìn ra thế giới)
Gặp ông Mao mới (nhìn ra thế giới)
Kiếp sau của Tây Tạng (nhìn ra thế giới)
Nhân dân đấu với Putin (nhìn ra thế giới)
Tương lai của Lịch sử (nhìn ra thế giới)
Bụt nghe cổ tích (truyện ngắn)
BẮN MỘT CON VOI (truyện ngắn)
Gót chân Asin của Putin (nhìn ra thế giới)
The Duniazát (truyện ngắn)
Người xin lỗi (truyện ngắn)
Diễn văn Habana (nhìn ra thế giới)