Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
641
116.673.671
 
Trò chuyện với Mario Vargas Llosa
Hiếu Tân

Heidi Johnson-Wright thực hiện-Tạp chí JANUARY (Mỹ) –Hiếu Tân dịch

 

Nhà văn Pê ru Mario Vargas Llosa hoạt động trên nhiều lĩnh vực, nhưng mô tả hay nhất về ông là nhà Phục hưng của thời hiện đại. Chính trị gia, nhà biên kịch, nhà phê bình và tiểu luận về nghệ thuật hội họa, điện ảnh và văn học, ông có lẽ được biết nhiều nhất như một trong vài nhà tiểu thuyết đã đưa văn học Mỹ Latin đương đại lên hàng đầu trên trường quốc tế.

 

Vốn rất mê văn hóa và văn chương Mỹ Latin tôi nhớ nhiều năm trước đây khi cầm lên cuốn Dì Julia và nhà văn quèn của Vargas Llosa, một tiểu thuyết hài hước và nửa tự thuật đầy những nhân vật kỳ quặc và một cốt truyện pha trộn giữa hiện thực và tưởng tượng. Ngay từ chương một tôi đã bị hút vào cuốn sách và Vargas Llosa nhà văn.

 

Tôi đọc Cái chết trong dãy núi Andes (Death in the Andes) trên chuyến bay từ Ohio đến Miami. Chỉ cần tập hợp lại các hồi ức về chuyến đi đó là tôi lại một lần nữa bị lôi thẳng vào câu chuyện tai ác, bất an về vụ giết người bí ẩn: một loại  Blue Velvet[1] nguyên sơ trong vùng núi Pêru.

 

Tôi vẫn còn nhớ một mùa hè vừa mới hồi phục sau ca phẫu thuật tôi lao vào đọc ngấu nghiến Những cuốn sổ tay của Don Rigoberto (The Notebooks of Don Rigoberto), một cuốn sách bẩn đầy rối rắm theo nghĩa chính xác nhất của từ này.

 

Tôi thích thú nhớ lại việc đọc cuốn Người kể chuyện, một điệp khúc về văn hóa và nhân loại học. Những truyện ngụ ngôn đầy màu sắc mà Vargas Llosa đặt rải rác trong suốt tuyến chuyện kể thật sự gây choáng, chúng đẹp một cách đau đớn.

 

Giành được nhiều giải thưởng cao quý, trong đó có giải thưởng Cervantes của Tây Ban Nha và Giải thưởng Quốc gia về Phê bình sách, thất bại trong cuộc tranh cử tổng thống Pê ru năm 1990, Vargas Llosa không bao giờ dè dặt trong việc đưa ra những hiểu biết thấu đáo của ông trên nhiều lĩnh vực, từ văn chương đến chính trị.

 

Tôi gặp ông trong Hội chợ Sách Quốc tế ở Miami. Được lập ra từ năm 1884, sự kiện nổi tiếng thế giới này tôn vinh sách, đọc và viết, trên nền một cộng đồng hỗn tạp của Miami. Trong tám ngày của tháng mười một, các nhà văn được hoan nghênh trên khắp thế giới đọc các tác phẩm của họ, nói chuyện và giao lưu với công chúng trong những buổi thuyết trình và hội thảo. Ngoài chương trình văn học còn có ba ngày hội chợ sách khổng lồ với hàng trăm cuộc triển lãm quốc gia và quốc tế có những nhà xuất bản lớn nhất thế giới tham gia.

 

Năm 2001 hội chợ sách này tôn vinh Vargas Llosa, cùng với nhà văn đoạt giải Nobel V. S. Naipaul, Vernon E. Jordan, Jr., Laura Esquivel, Rabbi Harold Kushner và rất nhiều nhà văn tài danh khác, từ những người có uy tín vững vàng đến những người mới nổi trên sân khấu văn chương.

 

Trong những năm qua đội ngũ kiệt xuất này có thêm Edward Albee, Isabel Allende, Maya Angelou, Saul Bellow, Oscar Hijuelos, Stephen King, Norman Mailer, Joyce Carol Oates và John Updike.

 

Đặc biệt thích hợp là lần này Vargas Llosa dừng chân ở Miami  để quảng bá cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông, Bữa tiệc của con dê. Bữa tiệc là miêu tả hư cấu của triều đại áp bức tàn nhẫn của nhà độc tài Dominic Rafael Trujillo trong đời thực, bị ám sát năm 1961.

Với một cộng đồng lớn người Cuba lưu vong cũng như những cộng đồng người nhập cư khác từ các nước vùng Caribe và Mỹ Latin, cư dân Miami đặc biệt nhạy cảm với những vấn đề đàn áp chính trị và lạm dụng quyền lực. Chỉ cần ghé vào một quán cà phê hay quán ăn tự phục vụ của thành phố này là có thể gặp những người đã liều mình với tất cả để đến được đây. Một số người đến bằng máy bay, nhiều người khác đến bằng thuyền, lại có cả những người đến bằng những con tàu tự tạo một cách thô sơ dường như chỉ có nhờ thánh thần phù hộ họ mới vượt qua được eo biển Florida để đến được nơi này, nơi những làn gió biển nhiệt đới thì thầm những lời hứa hẹn một cuộc sống tốt đẹp hơn. Những lời hứa được người ta tin tưởng nhiệt thành đến nỗi một bi kịch gia đình riêng tư của một cậu bé đã có thể phân cực những nhà quan sát trên quy mô quốc tế.

 

Miami vấn đề cá nhân riêng tư thường là vấn đề chính trị.

Vargas Llosa gặp tôi ở hành lang khách sạn Inter-Continental. Ông mặc áo khoác thể thao màu xám quần xám và áo sơ mi kẻ sọc không cravat, trông không khác gì một giáo sư văn chương phong nhã. Ở độ tuổi giữa sáu mươi, dáng trông nghiêng rất ấn tượng và bộ tóc muối tiêu của ông còn khiến phụ nữ phải ngoái nhìn.

“Rất thú vị” ông nói khi mỉm cười nồng nhiệt bắt tay tôi.

 

Mặc dầu vừa mới từ sân bay đến – sau chuyến bay từ New York nơi ông quảng bá cuốn sách – ông rất vui vẻ và chú ý, lịch lãm trong việc tạo ra sự thoải mái cho người khác.

 

Tôi hỏi ông về ấn tượng của ông trong chuyến thăm New York, sau sự kiện 11 tháng 9.

“Thành phố đã hồi phục. Cuộc sống đang trở lại bình thường. Khi tôi đi qua vùng lân cận Wall Street, cảnh tượng thật là sốc. Tòa tháp đôi như luôn luôn hiển hiện. Nhưng New York đã đối mặt với thảm họa bằng một sức mạnh lớn lao.” Ông nói một cách trầm tư, trân trọng.

Nhưng đây là tuần lễ của Hội chợ Sách. Và ông đến đây là để nói về sách.

 

Ông nói cuốn Bữa tiệc của con dê được thai nghén cách đây hơn một phần tư thế kỷ khi Vargas Llosa đến thăm nước cộng hòa Dominic vì một dự án làm phim. Ở đó trong nhiều tháng, ông đã nghe nhiều câu chuyện và tiếu lâm về Rafael Trujillo. Và mặc dầu châu Mỹ Latin chưa bao giờ thiếu các nhà độc tài, Trujillo là một kẻ “tiêu biểu nhất của nền độc tài,” đặc biệt về sự lố bịch. Ông ta quả thật là vô song về mặt tàn nhẫn, tham nhũng, và vi phạm nhân quyền. “Trujillo đã sáng tác một vở tuồng trong đời thực của ông ta. Ông ta là đạo diễn còn nhân dân Dominic là diễn viên.”

 

Vở kịch lớn này, cái tính chất sân khấu của chế độ này đã kích thích Vargas Llosa mơ đến việc viết cuốn tiểu thuyết này. “Một cuốn tiểu thuyết không phải là một cuốn sách lịch sử,” ông nói.

Và trong khi kiên trì niềm tin triết học của ông, rằng tiểu thuyết phải nâng cao và mở rộng đời sống chứ không phải chỉ kể lại nó, ông đã tỏ ra phóng khoáng với lịch sử. Nhưng ông vội nói thêm “với những sự kiện cốt yếu, tôi đã trung thành.”

 

Đối với Vargas Llosa điều quan trọng là không mô tả Trujillo như một quái vật từ get-go, mà như một con người đã mất hết tính người khi thâu tóm quyền lực trong tay. Ông tin tưởng mạnh mẽ rằng một sự biến đổi như thế được tiếp tay bởi “sự đồng lõa của nhân dân” và “sự từ bỏ quyền phản kháng.”

 

Trong chuyến đến thăm Hội chợ sách Miami cách đây vài năm, khi ông đang quảng bá bản tiếng Tây Ban Nha của cuốn Bữa tiệc, quan điểm này không được một bộ phận cộng đồng Cuba lưu vong tán thành.

 

Ông càng trở nên dứt khoát hơn với quan điểm này, và người ta thoáng thấy niềm mê say riêng này đã khích động ông ra tranh cử tổng thống Pê ru. “Con người phải chống bạo quyền, đặc biệt là ngay từ ban đầu. Muộn hơn sẽ khó hơn khi chống lại chế độ đã thành hình. Nhưng việc ấy luôn luôn là có thể.”

 

Ông nói rõ hơn: “Tôi không ưa bạo lực, nhưng một số nền độc tài không để lại lựa chọn nào khác. Trong một số trường hợp, như với Trujillo, bạo lực có thể là  chính đáng.”

Khi được hỏi về nghiên cứu và viết về sự tra tấn những người ám sát bị bắt thì thế nào, ông nhăn mặt và nói bằng giọng Anh hấp dẫn của mình “Nó – biết nói thế nào nhỉ – thật đáng tởm.”

Tuy vậy ông biết ông không thể tránh được nó, vẫn biết rằng bạo lực là đặc tính chủ chốt của chế độ Trujillo. Thách thức là làm sao được bạn đọc chấp nhận mà không ngoảnh mặt đi. Ông thấy điều này thật khó khăn.

 

Câu chuyện quay sang vai nữ chính của cuốn sách, Urania Cabral, con gái của một trong những bộ trưởng của Trujillo và nạn nhân của sự man rợ về chính trị và cá nhân của Trujillo.

 

Vargas Llosa giải thích rằng mặc dầu Urania là một nhân vật hư cấu, những gì xảy ra với cô đã xảy ra với nhiều phụ nữ Dominic. “Phụ nữ là những nạn nhân khốn khổ nhất của chế độ độc tài.” Bởi vì họ cũng thường là nạn nhân của thói ngạo ngược quá đáng của đàn ông.

 

Trong nghiên cứu của mình Vargas Llosa bóc trần nhiều câu chuyện thật của những gia đình Dominic đem dâng con gái của họ cho Trujillo khi nhà độc tài đến thăm nhiều địa phương của nước này. Trujillo cũng dùng sex làm công cụ để hạ nhục và giáng cấp những người cộng sự của ông ta, đôi khi công khai ngủ với vợ của họ khi họ vờ như không biết. Đó là một cách mà những kẻ bợ đỡ Trujillo tỏ lòng trung thành với ông ta.

 

Mặc dầu Vargas Llosa đã thề không bao giờ vận động lần nữa vào chính trị, đề tài này vẫn tự nhiên đến khi nói về nghệ thuật lãnh đạo đất nước. Ông đã nói trong quá khứ rằng ông thất bại trong vai trò nhà chính trị bởi vì ông quá lương thiện. “Trong chiến dịch tranh cử tổng thống của tôi, tôi đã không nói dối. Tôi đã nói [với nhân dân] chính xác điều gì tôi sẽ làm. Điều ấy thật vô chính trị, nó làm tôi dễ bị tấn công. [Phe đối lập] dùng sự thẳng thắn của tôi để phá hoại cuộc ứng cử của tôi.” Ông kể lại mà không hề có chút dấu vết cay đắng.

 

Niềm tin của Vargas Llosa vào nền dân chủ càng trở nên sáng tỏ khi nhắc đến đề tài Fidel Castro và Elian Gonzalez .

“Khi bạn sống trong một xã hội dân chủ – với đa nguyên và tự do ngôn luận – bạn bị mất tầm nhìn và không nhớ rằng điều này là đặc quyền của một phần rất nhỏ của thế giới...Vì lý do đó, cuốn tiểu thuyết này không phải là viết về quá khứ.”

 

Về quá trình viết, các đề tài của những cuốn sách của ông thường liên quan đến những sự việc chạm đến cuộc sống của ông, mặc dầu ông không đi tìm chúng. “Tôi không chọn các chủ đề của tôi. Chính chúng chọn tôi.” Khi điều đó xảy ra, ông cảm thấy “một nỗi tò mò, một entusiasmo[2],” ông nói, dùng từ gốc Tây Ban Nha.

 

Trước mỗi lần bắt đầu viết, ông vạch ra các tình tiết, đường đi của nhân vật/cốt truyện. Khi khởi viết, ông làm việc hăng, duy trì kỷ luật. “Mỗi cuốn tiểu thuyết là một cuộc phiêu lưu.”

Ông nói say sưa: “Tôi không thích cái cảm giác trống rỗng khi hoàn thành một cuốn sách,” một quá trình có thể mất nhiều năm. Để đối phó với nó, ông gom góp các dự định và ngay lập tức nhảy sang một cuốn khác. “Tôi không thích ngồi nhớ tiếc các dự định.”

 

Vậy tương lai giữ gì cho Mario Vargas Llosa?

“Tôi thích cứ viết mãi – tôi thích viết vô cùng. Tôi không bao giờ cảm thấy cái trống rỗng làm tê liệt một số nhà văn. Tôi có nhiều dự định hơn thời gian.” Ông giải thích.

 

Cuốn sách ông đang viết có tựa đề Thiên đường ở góc khác (El Paraiso en la Otra Esquina). Nó nói về Flora Tristan, nhà hoạt động nữ quyền và là bà của nhà danh họa Pháp Paul Gauguin. Đầu năm 2002 ông sẽ sang đảo Marquesas thuộc Polynesia của Pháp để nghiên cứu cho cuốn sách.

 

Khi tôi ngỏ ý rằng cuốn sách này chắc sẽ rất hấp dẫn giới phụ nữ, ông mỉm cười khiêm nhường. “Tôi hy vọng thế. Đàn ông bây giờ không đọc nữa. Nếu văn học còn sống sót, nó sẽ thành của phụ nữ.”./.

 

Tháng 1, 2002

 



[1] Tên một bộ phim (Mỹ).

[2] Hứng khởi

Hiếu Tân
Số lần đọc: 2430
Ngày đăng: 11.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lan Man Chuyện - Phùng Thành Chủng
Thảm Họa Bùn Đỏ Boxit - Phạm Đình Trọng
Vài Ý Nghĩ Nhân Hội Thảo Về Tố Hữu - Lại Nguyên Ân
Những Đám Mây Màu Lúa Chín - Khuất Đẩu
Cà Phê Mùa Thu - Nguyễn Thị Hậu
Còn Nợ Một thời - Nguyễn Ước
Ý Thức Và Nỗi Bơ Vơ Của Bầy Ngựa Hoang - Trần Hoài Thư
Những Kỷ Niệm Về Một Thời Ý Thức - Lữ Quỳnh
Ngày Ấy… Bây Giờ - Kim Quy
Viết Về Những người bạn (Ý Thức) - Phạm Văn Nhàn
Cùng một tác giả
Chuyện xứ Mitoman (truyện ngắn)
Vi đan (truyện ngắn)
Bàn tay phải (truyện ngắn)
Luận về nô tài (tiểu luận)
Putois (truyện ngắn)
Phá (truyện ngắn)
Khi Bắc Triều Tiên Đổ (nhìn ra thế giới)
Nô tài thi sĩ (tạp văn)
Putin nói trên truyền hình (nhìn ra thế giới)
WikiLeaks, theo kiểu Belarus (nhìn ra thế giới)
Ngăn cản WikiLeaks (nhìn ra thế giới)
Tại sao lại xóa từ-n ...? (nhìn ra thế giới)
20 tác giả dưới 40 tuổi (nhìn ra thế giới)
“Công lý” Nga (nhìn ra thế giới)
Say sưa với Tự do. (nhìn ra thế giới)
Cách mạng bằng Internet (nhìn ra thế giới)
Bật mí WikiLeaks (nhìn ra thế giới)
Bật mí WikiLeaks- tiếp (nhìn ra thế giới)
Học Để Yêu Cách Mạng (nhìn ra thế giới)
Shakespeare, chán ! (nhìn ra thế giới)
Rủi ro hạt nhân (nhìn ra thế giới)
Những tư tưởng lỗi thời. (nhìn ra thế giới)
Nước Nga sợ gì ở châu Á? (nhìn ra thế giới)
Tại sao nước Mỹ bị ghét (nhìn ra thế giới)
Nhà nước đỏ (nhìn ra thế giới)
Trung hoa là kẻ xâm lược? 1 (nhìn ra thế giới)
Trung hoa là kẻ xâm lược? 2 (nhìn ra thế giới)
The Internet và Iran (nhìn ra thế giới)
Mười năm mất mát (nhìn ra thế giới)
Gặp ông Mao mới (nhìn ra thế giới)
Kiếp sau của Tây Tạng (nhìn ra thế giới)
Nhân dân đấu với Putin (nhìn ra thế giới)
Tương lai của Lịch sử (nhìn ra thế giới)
Bụt nghe cổ tích (truyện ngắn)
BẮN MỘT CON VOI (truyện ngắn)
Gót chân Asin của Putin (nhìn ra thế giới)
The Duniazát (truyện ngắn)
Người xin lỗi (truyện ngắn)
Diễn văn Habana (nhìn ra thế giới)