Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
845
116.683.024
 
Chứng lý chống WikiLeaks của Hoa Kỳ rất yếu
Hiếu Tân

The U.S.'s Weak Legal Case Against WikiLeaks, Michael A. Lindenberger, TIME, Thứ năm 09, tháng 12, 2010, Hiếu Tân dịch.

Nguồn: http://www.time.com/time/nation/

article/0,8599,2035994,00.html

 

Bây giờ đây [9/12/2010] người sáng lập WikiLeaks, Julian Assange đã bị vây bắt ở Anh theo một lệnh bắt từ Thụy Điển, nơi người ta muốn thẩm vấn ông về hai vụ tấn công tình dục, chính phủ Mỹ lấy gì để khởi tố ông vì đã công bố - và phát tán trên các báo chí khắp thế giới - hàng nghìn bức mật điện[1] của Bộ Ngoại giao? Và nếu bị xử thì nó có ý nghĩa gì đối với tự do ngôn luận và tự do báo chí ở Hoa Kỳ?

 

Những câu hỏi trên đây bay lơ lửng trên đầu Washington trong tuần này sau khi nhiều thành viên Quốc hội và Chính quyền Obama gợi ý rằng Assange thật sự phải đối mặt với khởi tố hình sự vì đưa lên và phát tán trên truyền thông hàng nghìn bức mật điện ngoại giao chứa những lời đánh giá bộc trực - và thường cực kỳ gây bối rối - từ các nhà ngoại giao Mỹ. Lãnh đạo nhóm thiểu số ở Thượng viện Mitch McConnell còn đi xa đến mức chụp cho Assange cái mũ kẻ khủng bố công nghệ cao. “Hắn đã gây ra những thiệt hại to lớn cho đất nước chúng ta và tôi nghĩ hắn cần phải bị truy tố đến hết phạm vi của luật pháp. Và nếu có vấn đề về luật, thì chúng ta phải thay đổi luật.” McConnell nói hôm chủ nhật trên Meet the Press  của hãng NBC. Tổng Chưởng lý Eric Holder hôm thứ Hai thề sẽ xem xét mọi đạo luật có thể có để đưa ra cáo buộc chống Assange, kể cả những đạo luật trước nay chưa hề được dùng để truy tố một nhà xuất bản. Và trong Thượng viện, một số thành viên đã chuẩn bị sẵn một dự luật có thể hạ thấp ngưỡng luật pháp hiện hành về khi nào việc tiết lộ bí mật quốc gia có thể bị coi là một tội.

 

Nhưng những cố gắng theo cả hai hướng chắc chắn sẽ vấp phải cùng một trở ngại: Tu chính án số Một[2]. Nhờ có gần một thế kỷ những vụ liên quan đến sự va chạm giữa an ninh quốc gia và tự do báo chí, Hiến pháp dành sự bảo vệ to lớn cho những người công bố các bí mật của nhà nước. Những người tiết lộ bí mật nhà nước từ gốc - chẳng hạn các quan chức chính phủ, thậm chí binh lính - có thể bị truy tố, như binh nhì Bradley Manning, bây giờ đang ngồi trong nhà tù quân đội sau khi bị buộc tội tải (download) phi pháp những file bí mật với nghi ngờ rằng anh đã cung cấp chúng cho WikiLeaks.

 

Mặt khác, bắt một người như Assange vào tù vì đã công bố những tài liệu ông ta không tự mình lấy cắp, thì chính là loại việc mà Tu chính án số Một ngăn cản. “Từ tất cả những điều chúng ta thấy, [Manning] chỉ đáp ứng với khái niệm rằng Assange có thể công bố những bức điện đó,” cựu thanh tra CIA, tướng Frederich P. Hitz nói với TIME. “Không có gì chứng tỏ rằng Assange đã đóng một vai trò tích cực trong việc có được những thông tin đó.” Ông thừa nhận rằng sự rò rỉ đó đã gây ra thiệt hại vô cùng lớn, nhưng nói thêm “Tôi không thấy có gì dễ dàng ” trong việc theo đuổi những lời buộc tội.

 

Holder nói rằng chính phủ sẽ thăm dò xem liệu có thể buộc tội Assange dưới dạng ăn cắp vì những hồ sơ đã bị mất cắp, mặc dầu một tiến trình như thế là đầy trở ngại, bởi vì các file là những bản số hóa các hồ sơ của chính phủ. Holder còn nói chính phủ sẽ xem xét liệu Asssange có thể phạm tội âm mưu với Manning hay là vượt quá vai trò truyền thống của nhà xuất bản bằng cách hoạt động như một kiểu người môi giới trong việc phát tán các file này cho báo chí trên khắp thế giới không. Điều làm cho luật sư nổi tiếng về Tu chính án số Một Floyd Abrams lo ngại là nếu chính phủ vươn tay rà soát toàn bộ Hiến pháp để kết tội Assange thì kết cục có thể làm hại tự do báo chí mà mọi nhà xuất bản được hưởng. Abrams nói với TIME: không ai nên hoan nghênh Assange, nhưng cố gắng sửa chữa những tác hại ông ta gây ra có thể khiến đất nước tệ hơn trước. “WikiLeaks có thể chỉ là cái giá mà chúng ta phải trả cho tự do báo chí ở đất nước này,” Abrams nói.

 

Giáo sư về ngoại giao ở Đại học Harvard R. Nicholas Burns, một cựu đại sứ tại NATO và Hy lạp nói những thiệt hại từ những bức mật điện là hết sức lớn. “Tôi nghĩ sự rò rỉ những bức mật điện này là một sự bôi bác,” Burns nói với TIME. “Ông ta đã gây ra những tác hại nặng nề cho ngành ngoại giao chúng tôi, bởi vì ông ta đánh vào tim của công tác ngoại giao là xây dựng lòng tin giữa các nước và giữa các chính phủ. Những tiết lộ đã xúc phạm lòng tin đó và sắp làm cho một số người, không phải tất cả mọi người hay tất cả mọi chính phủ, mà một số người, miễn cưỡng hơn nhiều khi thảo luận những công việc của họ với các nhà ngoại giao Hoa Kỳ.”

 

Nhưng nếu việc WikiLeaks công bố những bức mật điện là sai, vậy những tờ báo cũng công bố các tài liệu mật thì sao?  Dù sao, WikiLeaks cung cấp các tài liệu cho the New York Times và một số báo khác trên khắp thế giới đã dùng cả tuần qua để đăng hết chuyện này đến chuyện khác liên quan đến việc họ đã tìm ra - và trong một số trường hợp, chính họ đã đăng những bức mật điện.  Thượng nghị sĩ Joseph Lieberman bang Connecticut, chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc nội và các Công việc của Chính phủ nói với tờ Fox News hôm thứ Ba rằng cả tờ Times nữa cũng bị nghi ngờ. “Đây là chuyện hết sức nhạy cảm… Tôi tin chắc rằng WikiLeaks đã vi phạm Đạo luật về Gián điệp. Nhưng như vậy thì những tổ chức thông tấn nhận và phổ biến nó thì sao? Tôi biết họ nói họ đã xóa một số và tôi không ở đây để đưa ra phán quyết cuối cùng về chuyện này, nhưng theo tôi The New York Times đã phạm vào ít nhất một hành động của tư cách công dân tồi. “ ông nói. “Liệu họ có phạm tội hay không, tôi nghĩ rằng chuyện này cần đến một cuộc thẩm vấn thật mạnh mẽ của Bộ Tư pháp

 

Nhưng luật pháp là một cây cọ quá thô để vẽ ra sự khác nhau giữa việc WikiLeaks post bừa bãi những bức mật điện lên mạng - cái mà Burns gọi là “hư vô chủ nghĩa” - và những thứ được biên tập chặt chẽ hơn, như The New York Times đã chứng minh, Abrams nói. Làm sao anh có thể soạn ra một bộ luật nhằm đánh WikiLeaks nhưng vẫn để cho hệ thống tự do báo chí của chúng ta nguyên vẹn? Điều ấy chưa bao giờ là tiêu chuẩn pháp lý của chúng ta.” Hơn nữa, điều khẳng định rằng Assange chỉ đơn giản tung ra những tài liệu mà không đọc qua chúng, như một biên tập viên truyền thống phải làm, đã bị nghi ngờ. Bản thân Assange nói với TIME rằng mỗi bức điện ngoại giao mà site của ông công bố đều đã được biên tập kỹ lưỡng bởi đội ngũ của ông hoặc bởi biên tập viên của các báo mà ông chia sẻ tài liệu.

 

Lieberman muốn Thượng viện dự thảo bộ luật hạ thấp ngưỡng để truy tố tội gián điệp trong tương lai. Sẽ là lần đầu tiên Quốc hội làm thử điều này. Cách đây một thập niên, Quốc hội đã thông qua một dự luật như thế, chỉ để tổng thống Clinton phủ quyết nó mấy tuần trước khi ông rời nhiệm sở. Dự luật ấy sẽ đặt nước Mỹ trên cơ sở tương tự với cơ sở mà nhiều nước khác , trong đó có một số nước dân chủ. Ở Vương quốc Anh, New Zealand, Ireland và nhiều nước khác việc công bố những thông tin [được phân loại là] mật là một tội, đơn giản vì tài liệu là mật. Nhưng ở nước này thì không thế. “Không có Đạo luật về Bí mật Chính thức,” Abrams chỉ ra.

 

Lý lẽ thật sự duy nhất để Mỹ phải bảo vệ các bí mật nhà nước mà hầu hết mọi người theo dõi pháp luật đều đồng ý, là Đạo luật về Gián điệp năm 1917 ký bởi Tổng thống Woodrow Wilson trong nỗi lo sợ tình trạng bất an và khả năng có phá hoại ngầm trong nước khi Mỹ tham gia vào Chiến tranh Thế giới Thứ nhất. Đó là một đạo luật được diễn đạt bằng những lời lẽ chung chung, vẫn còn trong các sách, rằng ngoài mặt nó coi ăn cắp hoặc chia sẻ bí mật lấy từ chính phủ là một tội liên bang, - nếu một hội đồng xử án nhất trí rằng làm thế có hại cho nước Mỹ hoặc giúp đỡ cho một chính quyền ngoại quốc. Nhưng Abrams nói các tòa án sớm nhận ra rằng một tuyên bố với lời lẽ chung chung như thế có thể “coi là bất hợp pháp nhiều thứ mà các báo Mỹ công bố hàng ngày. Nó quá chung chung đại khái và bao hàm quá nhiều tài liệu.”

 

Kết quả là, Tòa án Tối cao dùng gần hết thế kỷ 20 để dần dần thu hẹp phạm vi của Đạo luật Gián điệp khi nó tiếp cận đến việc các phương tiện truyền thông công bố những bí mật.

 

Một trong những trường hợp nổi tiếng nhất từ những năm ấy có sự tương đương gần như kỳ quái với cơn giận dữ điên cuồng hiện nay. Năm 1971, chính quyền Nixon cố ngăn chặn The New York TimesWashington Post khỏi đăng những bài tường thuật dựa trên một đoạn lịch sử [được phân loại là] tối mật về cuộc chiến tranh Việt Nam đang tiếp diễn. Tòa án Tối cao đã ngăn chặn chính phủ trong quyết định 6-3 của tòa theo hướng có lợi cho báo chí. Cái gọi là ý kiến theo các Văn thư của Lầu Năm góc không được ký, và mỗi vị quan tòa viết ra một ý kiến riêng. Trong một sự trùng hợp được nhiều người nhắc đến, Quan tòa Potter Stewart viết ông nhất trí rằng việc công bố những bí mật trong khi cuộc chiến tranh đang diễn ra ác liệt ở Việt Nam là có hại cho nước Mỹ. Nhưng như thế không đủ, ông kết luận. “Chúng tôi được yêu cầu, hoàn toàn đơn giản, ngăn ngừa việc công bố bởi hai tờ báo những tài liệu mà ngành Hành pháp khăng khăng cho là, vì lợi ích của đất nước, không nên cho công bố. Tôi tin rằng ngành Hành pháp đúng về một số trong những tài liệu liên quan. Nhưng tôi không thể nói rằng việc tiết lộ bất kỳ tài liệu nào trong số đó cũng sẽ chắc chắn dẫn đến tác hại trực tiếp, tức khắc, và không thể sửa chữa được, cho Nước ta hay Nhân dân ta.”

 

Kết luận của Stewart, rằng việc giữ bí mật cho những bí mật - và quyết định sáng suốt cái nào là bí mật đáng giữ - là trách nhiệm của Tổng thống, không phải của báo chí, có thể dễ dàng áp dụng cho hôm nay. Hitz cũng vậy, ông cũng thấy những tiếng vọng cũ trong vụ hiện nay. Ông lấy làm tiếc về việc tiết lộ những tài liệu này, nhưng nói rằng tác hại thật sự nếu họ không đảm bảo truy tố dưới ánh sáng của Tu chính án số Một. “Tôi lo lắng khủng khiếp về điều này,” ông nói với TIME. “Anh phải có những thông tin tốt có trong chính quyền và trong số những người cung cấp tin tức tình báo nếu anh định tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố này. Và điều này sẽ làm chậm lại những cố gắng đó như một chuyện dĩ nhiên. Việc tiết lộ này sẽ làm (các cơ quan tình báo nước ngoài) có được nhiều hơn những thông tin họ có.”

 

Thật ra, ông nói, Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton và những người khác đang bận rộn làm yếu đi vụ án này của chính phủ. Các quan chức Mỹ đang ngày đêm làm việc để làm giảm bớt tính nghiêm trọng của những rò rỉ. Và bối rối như vậy, đó không phải là cái cách đàng hoàng (để truy tố),” ông nói.

 

Về phần mình, Lieberman nói Holder nên chính thức buộc tội Assanger, và để các quan tòa rà soát toàn bộ hiến pháp tìm ra bất kỳ mẩu nhỏ nào cho phép làm điều đó. Nhưng Abrams nói đó là cách làm nguy hiểm. “Tôi nói những nguy cơ tiềm tàng nặng hơn cái lợi của việc truy tố. Tôi nghĩ cái ý định bột phát truy tố là hợp lý, và tôi không có ý định phê phán chính phủ vì đã coi nó là nghiêm túc. Nhưng cuối cùng, tôi nghĩ nó có thể làm hại cho an ninh quốc gia nhiều hơn là nếu cho qua vụ này.”

 

Nếu Holder nhất định xúc tiến vụ này, ông có thể phải lo về những trở ngại trực tiếp hơn. Lúc này, Assange đang nằm ngoài quyền hạn xét xử của Hoa Kỳ, và cả Abrams lẫn Hitz đều nói rằng các nước châu Âu, ngay cả những nước thân thiết nhất, sẽ nhìn một cách nghi ngờ vào bất kỳ yêu cầu dẫn độ nào có vẻ có bản chất chính trị./.

 

 

06.01.2011

Nguồn: http://www.time.com/time/nation/

article/0,8599,2035994,00.html

 

Bài liên quan:

Tại sao WikiLeaks đang thắng trong cuộc chiến tranh thông tin:

http://www.vanchuongviet.org/

vietnamese/tulieu_tacpham.asp?TPID=14495&LOAIID=34&LOAIFID=5&TGID=1303

 



[1] Nguyên văn: classified cables - những bức điện được phân loại mật, từ đây đều dịch gọn là “mật điện” -(ND)

[2] Tu chính án số Một (đối với Hiến pháp Hoa Kỳ) là một phần của Luật Nhân quyền. TCA số I cấm làm ra những luật cản trở tự do tôn giáo, vi phạm tự do ngôn luận, tự do báo chí, can thiệp vào quyền tụ họp hòa bình.

Hiếu Tân
Số lần đọc: 2146
Ngày đăng: 09.01.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tại sao lại xóa từ-n ...? - Hiếu Tân
Kiểm duyệt những từ ‘nhạy cảm ’ của Mark Twain là điều không thể chấp nhận - Hiếu Tân
Cuộc Chơi Của Trí Thức Trên Thế Giới Mở Rộng - Chân Phương
Sự đầu độc từ từ nền dân chủ - Hiếu Tân
Stenio Solinas: Nói rằng Stalin khác Hitler là sai! - Phạm Nguyên Trường
Điều gì xảy ta nếu giấc mơ của WikiLeaks về một xã hội mở trở thành hiện thực? - Hiếu Tân
Piotr Zychowicz – Khái niệm chủ nghĩa Stalin là một sự lầm lẫn - Phạm Nguyên Trường
Aung San Suu Kyi: Đệ nhất phu nhân của Tự do ở Burma, tiếp theo - Hiếu Tân
Ngăn cản WikiLeaks - Hiếu Tân
Aung San Suu Kyi: Đệ nhất phu nhân của Tự do ở Burma - Hiếu Tân
Cùng một tác giả
Chuyện xứ Mitoman (truyện ngắn)
Vi đan (truyện ngắn)
Bàn tay phải (truyện ngắn)
Luận về nô tài (tiểu luận)
Putois (truyện ngắn)
Phá (truyện ngắn)
Khi Bắc Triều Tiên Đổ (nhìn ra thế giới)
Nô tài thi sĩ (tạp văn)
Putin nói trên truyền hình (nhìn ra thế giới)
WikiLeaks, theo kiểu Belarus (nhìn ra thế giới)
Ngăn cản WikiLeaks (nhìn ra thế giới)
Tại sao lại xóa từ-n ...? (nhìn ra thế giới)
20 tác giả dưới 40 tuổi (nhìn ra thế giới)
“Công lý” Nga (nhìn ra thế giới)
Say sưa với Tự do. (nhìn ra thế giới)
Cách mạng bằng Internet (nhìn ra thế giới)
Bật mí WikiLeaks (nhìn ra thế giới)
Bật mí WikiLeaks- tiếp (nhìn ra thế giới)
Học Để Yêu Cách Mạng (nhìn ra thế giới)
Shakespeare, chán ! (nhìn ra thế giới)
Rủi ro hạt nhân (nhìn ra thế giới)
Những tư tưởng lỗi thời. (nhìn ra thế giới)
Nước Nga sợ gì ở châu Á? (nhìn ra thế giới)
Tại sao nước Mỹ bị ghét (nhìn ra thế giới)
Nhà nước đỏ (nhìn ra thế giới)
Trung hoa là kẻ xâm lược? 1 (nhìn ra thế giới)
Trung hoa là kẻ xâm lược? 2 (nhìn ra thế giới)
The Internet và Iran (nhìn ra thế giới)
Mười năm mất mát (nhìn ra thế giới)
Gặp ông Mao mới (nhìn ra thế giới)
Kiếp sau của Tây Tạng (nhìn ra thế giới)
Nhân dân đấu với Putin (nhìn ra thế giới)
Tương lai của Lịch sử (nhìn ra thế giới)
Bụt nghe cổ tích (truyện ngắn)
BẮN MỘT CON VOI (truyện ngắn)
Gót chân Asin của Putin (nhìn ra thế giới)
The Duniazát (truyện ngắn)
Người xin lỗi (truyện ngắn)
Diễn văn Habana (nhìn ra thế giới)