Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
825
116.681.940
 
Biển Nam Trung Hoa là tương lai của Xung đột
Hiếu Tân

(The South China Sea Is the Future of Conflict)

Chiến trường của thế kỷ 21 sẽ là trên mặt biển 

ROBERT D. KAPLAN, Foreign Policy, Tạp chí số tháng 9-10 /2011

 

 

Robert David Kaplan: Nhà báo Mỹ, sinh 1952, ở New York, phóng viên báo Atlantic Monthly đồng thời viết cho các báo The Washington Post, The New York Times, The New Republic, The National Interest, Foreign Affairs, The Wall Street Journal và nhiều báo chí khác. Năm 2009  Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates bổ nhiệm Kaplan vào ủy ban tư vấn về chính sách quốc phòng của Bộ Quôc phòng Hoa Kỳ. Những bài báo gây nhiều tranh cãi của Kaplan viết về bản chất quyền lực Mỹ đã dấy lên những tranh cãi trong giới nghiên cứu, trên truyền thông và trong những hàng ngũ cao cấp nhất của chính quyền (Hoa Kỳ).

 

Trong bài dưới đây viết cho tạp chí Chính sách Ngoại giao số tháng 9-10, Kaplan đưa ra những luận điểm gây sốc về tương lai xung đột ở Biển Đông, trước sự gia tăng sức mạnh hải –không quân của Trung Hoa, về ý nghĩa của cân bằng lực lượng, và cả ảo tường về một bá quyền "tốt lành, không hung bạo và không can thiệp" sẽ làm thay đổi diện mạo và ý nghĩa của xung đột tương lai ra sao. Một ý kiến độc lập và cá nhân, dĩ nhiên.

 

 VCV.

 

 

Châu Âu là một cảnh đất liền (landscape). Đông Á là một cảnh biển (seascape). Ở đó có sự khác nhau cơ bản giữa thế kỷ 20 và thế kỷ 21. Khu vực tranh chấp nhất địa cầu trong thế kỷ trước nằm trên đất liền ở châu Âu, đặc biệt là miền đất phẳng trải dài tạo thành những đường biên giới giả tạo giữa đông và tây nước Đức, và phơi ra cho những cuộc hành quân không gì ngăn cản được của những đạo quân. Nhưng trong khoảng thời gian nhiều thập kỷ, các trục nhân khẩu và kinh tế của Trái Đất đã chuyển tương đối sang phía đối lập của Lục địa Á Âu (Eurasia), nơi những khoảng không giữa các trung tâm dân cư lớn là biển cả mênh mông.

 

Do cái cách khoa địa lý học soi sáng và đặt những ưu tiên của nó, những đường biên vật lý này của Đông Á tiên báo một thế kỷ hải quân – hải quân được định nghĩa ở đây theo nghĩa rộng để bao hàm cả những đội hình dàn trận cả trên biển và trên không; ngày nay chúng đã trở nên gắn kết không thể tách rời. Tại sao? Trung Hoa, đặc biệt lúc này khi mà những đường biên giới trên đất liền của nó vững chắc hơn lúc nào hết kể từ thời thịnh của triều Thanh cuối thế kỷ mười chín, nay đang dấn vào một cuộc bành trướng hải quân không còn hồ nghi gì nữa. Chính là thông qua sức mạnh trên biển mà Trung Hoa sẽ xóa được về mặt tâm lý hai thế kỷ nước ngoài xâm lấn lãnh thổ của nó – buộc mọi nước xung quanh nó phải phản ứng.

Những cuộc giao tranh trên biển và trên đất liền vô cùng khác nhau, với những hàm ý chính cho những chiến lược lớn cần để thắng – hay để tránh – chúng. Những cuộc giao tranh trên đất liền bị vướng vào thường dân sinh sống trên đó, trong thực tế biến nhân quyền thành một cơ sở nổi bật về nghiên cứu chiến tranh. Những cuộc giao tranh trên biển tiếp cận xung đột như một công việc lạnh lùng và kỹ trị, trong thực tế qui giảm chiến tranh xuống thành toán học, tương phản rõ rệt với những trận đánh trí tuệ giúp định rõ đặc điểm những cuộc xung đột trước đó.

 

Thế Chiến II là một cuộc đấu tranh đạo đức chống phát xít, kẻ chịu trách nhiệm tinh thần về việc giết mười triệu con người không dính dáng gì đến chiến trận. Cuộc Chiến tranh Lạnh là một cuộc đấu tranh đạo đức chống cộng, một hệ tư tưởng cũng mang tính áp bức tại những lãnh thổ rộng lớn bị chiếm giữ bởi Hồng Quân. Thời kỳ liền ngay sau Chiến tranh lạnh biến thành một cuộc đấu tranh đạo đức chống lại diệt chủng ở Balkans và Trung Phi, hai nơi cuộc chiến trên mặt đất và những tội ác chống loài người không thể tách rời nhau. Gần đây nhất, một cuộc đấu tranh đạo đức chống Hồi giáo cực đoan đã kéo Hoa Kỳ vào sâu trong những vùng núi của Afghanistan, nơi sự đối xử nhân đạo của hàng triệu con người thường dân là điều cực kỳ quan trọng đối với thắng lợi của chiến tranh. Trong tất cả những cố gắng này, chính sách chiến tranh và đối ngoại đã trở thành chủ đề không chỉ cho binh lính và những nhà ngoại giao, mà còn cho những nhà nhân đạo chủ nghĩa và các trí thức. Quả thực, chống nổi dậy là biểu hiện cao độ của các loại liên hiệp giữa những sĩ quan mặc đồng phục và các chuyên gia nhân quyền. Đây là kết cục của chiến tranh mặt đất tiến triển thành chiến tranh tổng thể trong thời hiện đại.

 

Đông Á, chính xác hơn là Tây Thái Bình Dương, đang nhanh chóng trở thành trung tâm mới của các hoạt động hải quân thế giới, đã linh cảm một động lực khác về căn bản. Nó rất có thể sẽ tạo ra tương đối ít thế tiến thoái lưỡng nan về đạo đức thuộc loại chúng ta đã quen thấy trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, với một khả năng nhỏ về chiến tranh mặt đất trên bán đảo Triều Tiên như một ngoại lệ đáng chú ý. Tây Thái Bình Dương sẽ trả những hoạt động quân sự về phạm vi nhỏ hẹp của các chuyên gia phòng thủ. Đó không phải chỉ vì chúng ta đang đề cập đến lĩnh vực hải quân, trong đó dân thường không hiện diện. Nó còn vỉ bản chất của chính các nhà nước trong Đông Á, như Trung Hoa, có thể là độc tài cứng rắn nhưng trong phần lớn trường hợp không phải hung tàn bạo ngược hoặc vô nhân đạo.

 

Cuộc đấu tranh giành vị trí đứng đầu ở Tây Thái Bình Dương sẽ không nhất thiết đòi hỏi đánh nhau; phần lớn những gì diễn ra sẽ diễn ra thầm lặng và sắp xảy ra trong vùng biển trống không, một nhịp độ lạnh lùng thích hợp với quá trình điều chỉnh chậm chạp, vững vàng thành cường quốc kinh tế và quân sự ưu thắng mà các nước đã làm trong suốt quá trình lịch sử. Và nếu Trung Hoa và Hoa Kỳ cố gắng đi đến được hòa hoãn thành công, thì châu Á và thế giới sẽ là nơi an bình và thịnh vượng hơn. Còn có gì đạo đức hơn thế? Hãy nhớ rằng: Chính là chủ nghĩa hiện thực trong phục vụ quyền lợi quốc gia – mục đích của nó là tránh chiến tranh – đã cứu những mạng người trong suốt chiều dài lịch sử nhiều hơn nhiều so với chủ nghĩa can thiệp nhân đạo.

 

2

Đông Á là một giải hở, rộng lớn trải  dài từ Bắc Cực đến Nam Cực - từ quần đảo Kuril về phía nam đến New Zealand – và được đặc trưng bởi những đường bờ biển biệt lập bố trí tản mác và những quần đảo trải rộng bao la. Cho dù giải thích công nghệ đã thu ngắn khoảng cách này lại như thế nào, bản thân biển vẫn có tác dụng như một rào chắn xâm lược, ít nhất ở mức độ mà đất liền không làm được. Biển, không giống như đất, tạo ra rõ ràng những đường biên giới xác định, tạo tiềm năng giảm xung đột. Vậy chỉ còn phải xem xét tốc độ. Ngay cả những tầu chiến nhanh nhất cũng di chuyển tương đối chậm chạp, tức là khoảng 35 hải lý, giảm cơ hội tính toán sai, và cho các nhà ngoại giao nhiều giờ hơn, thậm chí nhiều ngày hơn, để xem xét lại các quyết định. Hải quân và không quân đơn giản không chiếm đóng lãnh thổ như cách mà lục quân làm. Đó là nhờ có các biển bao quanh khu vực Đông Á, trung tâm chế tạo toàn cầu cũng như những cuộc mua bán về quân sự đang lên - mà thế kỷ 21 có những cơ hội tốt hơn thế kỷ 20 để tránh những xung đột quân sự lớn.

 

Tất nhiên châu Á đã thấy những cuộc xung đột quân sự lớn trong thế kỷ 20, mà biển cũng không ngăn được: Cuộc Chiến tranh Nga-Nhật; gần nửa thế kỷ nội chiến ở Trung Hoa diễn ra sau sự sụp đổ từ từ của triều đại nhà Thanh, những cuộc chinh phục của đế quốc Nhật Bản, tiếp theo là Thế Chiến II trên Thái Bình Dương; Chiến tranh Triều Tiên; Chiến tranh Campuchia và Lào, và hai cuộc chiến tranh ở Việt Nam dinh líu đến Pháp và Mỹ. Sự kiện là địa lý của Đông Á về cơ bản là biển có rất ít tác động lên những cuộc chiến tranh như thế, về cốt lõi chúng là những cuộc xung đột nhằm thống nhất hoặc giải phóng dân tộc. Nhưng cái thời ấy phần lớn đã lùi về sau lưng chúng ta rồi. Các quân đội Đông Á, trước đây hướng nội với công nghệ thấp, thì nay đang hướng ngoại với lực lượng hải quân và không quân công nghệ cao.

 

Về sự so sánh giữa Trung Hoa ngày nay với Đức đêm trước Thế Chiến I mà nhiều người đã làm, có sự khập khiễng: trong khi Đức về cơ bản là một cường quốc đất liền, do đặc điểm địa lý châu Âu, thì Trung Hoa về cơ bản sẽ là một cường quốc hải quân, do đặc điểm địa lý của châu Á.

Đông Á có thể được chia thành hai khu vực lớn: Đông Bắc Á, chủ yếu là Bán đảo Triều Tiên, và Đông nam Á, chủ yếu là Biển Nam Trung Hoa. Đông Bắc Á, phụ thuộc vào số phận của Bắc Triều Tiên, một nhà nước độc tài cô lập với tiền đồ mờ tối, trong một thế giới bị khống chế bởi chủ nghĩa tư bản và thông tin điện tử. Nếu Bắc Triều Tiên nổ tung bên trong, thì các lực lượng lục quân Hoa Kỳ, Trung Hoa và Nam Triều Tiên có thể gặp nhau ở nửa phía bắc của bán đảo, trong những cuộc can thiệp nhân đạo quan trọng nhất, ngay cả khi họ cắt ra những khu vực ảnh hưởng cho bản thân họ. Những vấn đề  Hải quân có thể trở thành thứ yếu. Nhưng nếu cuối cùng Triều Tiên tái thống nhất, thì các vấn đề hải quân sẽ nổi lên, với một Triều Tiên lớn hơn, Trung Hoa và Nhật Bản, bị phân cách bởi biển Nhật Bản và Hoàng Hải hoặc Bột Hải, sẽ nằm trong thế cân bằng mỏng manh. Tuy nhiên vì Bắc Triều Tiên vẫn còn tồn tại, giai đoạn Chiến tranh Lạnh của lịch sử Đông Bắc Á chưa hoàn toàn chấm dứt, và cường quốc lục địa cũng có thể gây nên chuyện trước khi cường quốc biển ra tay.

 

Ngược lại, Đông Nam Á đã lún sâu vào giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh của lịch sử. Việt Nam, chi phối bờ tây của Biển Nam Trung Hoa, là một chủ nghĩa tư bản khủng khiếp mặc dầu hệ thống chính trị của nó, đang tìm kiếm những mối liên hệ quân sự mật thiết hơn với Hoa Kỳ. Trung Hoa, củng cố một nhà nước triều chính do Mao dựng lên sau nhiều thập kỷ hỗn loạn và đưa vào thế giới một nền kinh tế năng động nhất nhờ công cuộc tự do hóa của Đặng Tiểubình, bằng hải quân của nó đang bung ra ngoài đến tận cái mà nó gọi là "chuỗi đảo đầu tiên" ở Tây Thái Bình Dương. Nước Hồi giáo to đùng Indonesia từng chịu đựng và cuối cùng đã kết liễu nhiều thập kỷ thống trị của quân đội, đang sẵn sàng nổi lên như một Ấn Độ thứ hai: một nền dân chủ mạnh mẽ và ổn định với tiềm năng sức mạnh nhờ nền kinh tế của nó đang lớn lên. SingaporeMalaysia cũng vươn mạnh lên phía trước bằng kinh tế với mô hình nhà-nước-thành-phố kết hợp với nhà-nước-thương-mại và thông qua sự pha trộn dễ đổi màu của dân chủ với độc tài. Bức tranh pha tạp của một cụm nhà nước với những vấn đề pháp lý trong nước và xây dựng nhà nước đằng sau nó, và sẵn sàng đưa ra những yêu sách lãnh thổ vượt qua khỏi các bờ của chúng. Lực đẩy tổng hướng ngoại được đặt trong chiến trường dân số của thế giới, vì ở Đông Nam Á, với 165 triệu dân, nơi 1,3 tỉ người của Trung Hoa đụng với 1,5 tỉ của tiểu lục địa Ấn Độ, và địa điểm gặp gỡ địa lý của những nước này, và quân đội của chúng, là biển: Biển Nam Trung Hoa.

 

Biển Nam Trung Hoa nối liền các nước Đông Nam Á với Thái Bình Dương, có tác dụng như yết hầu của những đường biển thế giới. Đây là trung tâm của biển Á-Âu, được đánh dấu bằng những eo biển Malacca, Sunda, Lombok, và Makassar.  Hơn một nửa lượng hàng hóa hàng năm của các đội tàu buôn thế giới đi qua những điểm thắt ngẵng này, và một phần ba của toàn bộ lưu thông trên biển. Lượng dầu được vận chuyển qua Eo biển Malacca từ Ấn Độ Dương, theo con đường Đông Á qua Biển Nam Trung Hoa, nhiều gấp sáu lần số lượng chuyển qua Kênh đào Suez và 17 lần số luợng qua kênh đào Panama. Khoảng hai phần ba cung cấp năng lượng của Nam Triều Tiên, gần 60 phần trăm cung cấp năng lượng của Nhật Bản và Đài Loan, và khoảng 80% dầu thô nhập khẩu của Trung Hoa đến từ biển Nam Trung Hoa. Hơn nữa Biển Nam Trung Hoa đã chứng tỏ trữ lượng dầu mỏ 7 tỉ thùng và ước tính 900 nghìn tỉ mét khối khí đốt, một mối lợi khổng lồ tiềm tàng.

 

3.

Không chỉ vị trí và dự trữ năng lượng hứa hẹn mang đến cho Biển Đông (tức Biển NTH trong nguyên văn, theo cách gọi của báo chí quốc tế - ND)  tầm quan trọng địa lý - chiến lược đặc biệt, mà cả những tranh chấp lãnh thổ khốc liệt từ lâu đã bao vây vùng biển này. Nhiều cuộc tranh cãi liên quan đến Quần đảo nhỏ ở phần đông nam của Biển Đông. Việt Nam, Đài Loan, và Trung  Hoa, mỗi nước đều yêu sách toàn bộ hoặc phần lớn Biển Đông, cũng như tất cả các đảo thuộc hai Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt, Bắc Kinh đòi một đường ranh lịch sử: Nó đưa yêu sách phần chủ yếu của Biển Đông vào trong một đường bao lớn (được mọi người biết dưới tên "đường lưỡi bò") từ đảo Hải Nam của Trung Hoa ở đầu phia bắc Biển Đông kéo tuốt 1200 dặm xuống phía nam đến tận gần Singapore và Malaysia.

 

Kết quả là cả chín nước nằm kề Biển Đông ít nhiều đều dàn trận chống Trung Hoa và do đó phụ thuộc vào sự ủng hộ của Hoa Kỳ về quân sự và ngoại giao. Những yêu sách xung đột nhau này dễ trở nên ngày càng gay gắt hơn khi nhu cầu năng lượng của châu Á ngày càng tăng – ước tính đến năm 2030 tiêu thụ năng lượng sẽ tăng gấp đôi. Trong đó Trung Hoa cần đến một nửa, khiến cho Biển Đông trở thành nơi bảo lãnh chủ yếu cho sức khỏe kinh tế của khu vực.

 

Biển Đông đã ngày càng trở nên một doanh trại vũ trang, khi những kẻ yêu sách nó tăng cường lực lượng và hiện đại hóa hải quân của họ ngay lúc cuộc tranh giành những hòn đảo và những bãi đá ngầm trong những thập kỷ gần đây hầu như đã chấm dứt. Trung Hoa cho đến nay đã chiếm 12 địa điểm, Đài Loan một, Việt Nam 25, Philippines tám, và Malaysia năm.

 

Chính môn địa lý của Trung Hoa hướng theo phương của Biển NTH. Trung Hoa nhìn xuống nam về phía một vịnh nước, được tạo thành - nhìn theo chiều kim đồng hồ -  bởi  Đài Loan, Philippines, đảo Borneo tách ra giữa Malaysia và Indonesia (cũng như Brunei nhỏ xíu), bán đảo Malay chia cắt giữa Malaysia và Thái Lan, và bờ biển dài như rắn lượn của Việt Nam: tất cả những nước này đều yếu so với Trung Hoa. Giống như biển Caribbe, bị ngắt quãng như thế bởi những đảo quốc nhỏ và bị bao quanh bởi Hoa Kỳ to như một lục địa, Biển Đông (biển NTH) rõ ràng là một đấu trường để Trung Hoa phô diễn sức mạnh.

 

Thật ra vị trí của Trung Hoa ở đây về nhiều mặt giống với vị trí của Hoa Kỳ đối với Biển Caribbe trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Hoa Kỳ chấp nhận sự hiện diện và những yêu sách của các cường quốc châu Âu, nhưng vẫn tìm cách khống chế khu vực này. Chính cuộc Chiến tranh Tây Ban Nha - Hoa Kỳ 1898 và việc đào Kênh Panama từ 1904 đến 1914 là dấu hiệu Hoa Kỳ xuất hiện như một cường quốc thế giới. Hơn nữa, việc khống chế Vịnh biển Caribbea khiến Hoa Kỳ kiểm soát hiệu quả Tây Bán Cầu, ảnh hưởng đến cán cân quyền lực ở Đông Bán Cầu. Và bây giờ Trung Hoa thấy nó đang ở trong một hoàn cảnh tương tự tại Biển Nam Trung Hoa, một phòng chờ của Ấn Độ Dương, nơi Trung Hoa cũng muốn hải quân của nó có mặt để bảo vệ đường cung cấp năng lượng từ Trung Đông.

 

Nhưng có một cái gì đó sâu xa hơn và nhiều yếu tố tâm lý tình cảm hơn địa lý đã đẩy Trung Hoa về Biển NTH và ra đến Thái Bình Dương: đó là, việc Trung Hoa bị các cường quốc Phương Tây xâu xé trong một quá khứ chưa xa lắm, sau khi đã hàng nghìn năm là cường quốc lớn và một nền văn minh thế giới.

 

Trong thế kỷ 19, triều đình nhà Thanh trở thành kẻ ốm yếu của Đông Á, Trung Hoa mất nhiều phần lãnh thổ cho Anh, Pháp, Nhật, và Nga. Trong thế kỷ 20 là cuộc chiếm đóng đẫm máu của người Nhật trên bán đảo Sơn Đông và Mãn Châu. Tất cả những cái đó lên đến cực điểm trong những hiệp định đặc quyền cưỡng bức nhục nhã đối với Trung Hoa trong các thế kỷ 19 và 20, trong đó các nước phương Tây xiết chặt kiểm soát nhiều phần của các thành phố Trung Hoa, - cái gọi là "những cảng mở" [cho thương mại nước ngoài, theo quy định của hiệp ước]. Năm 1938 nhà sử học của Đại học Yale Jonathan D. Spence nói với chúng ta trong Đi tìm nước Trung hoa Hiện đại, vì sự cướp phá cũng như Nội chiến Trung Hoa, thậm chí có một nỗi sợ tiềm ẩn rằng "Trung Hoa sắp sửa bị chia cắt, rằng nó thôi tồn tại như một dân tộc và có thể đi đến một kết cục choáng váng." Việc Trung Hoa bành trướng là một cách tuyên bố rằng nó sẽ không bao giờ để cho các nước ngoài lợi dụng nó một lần nữa.

 

4.

Đúng như đất Đức là tiền tuyến quân sự trong Chiến tranh Lạnh, các vùng biển của Biển NTH có thể là tiền tuyến quân sự trong những thập kỷ tới. Vì hải quân Trung Hoa trở nên mạnh hơn và vì yêu sách của Trung Hoa trên Biển NTH mâu thuẫn với yêu sách của các nước khác vùng ven biển, những nước này sẽ buộc phải phát triển hơn nữa các năng lực hải quân của họ. Họ cũng sẽ cân bằng với Trung Hoa bằng cách dựa nhiều hơn vào hải quân Hoa Kỳ, sức mạnh của nó có lẽ đã lên đến đỉnh trong những phương diện liên quan, ngay cả khi nó phải phân tán những nguồn lực đáng kể cho Trung Đông. Tính đa cực toàn cầu đã là một đặc điểm của ngoại giao và kinh tế, nhưng Biển NTH có thể cho chúng ta thấy  tính đa cực theo một ý nghĩa quân sự thật ra sẽ như thế nào.

 

Không có gì là lãng mạn trong cái mặt trận mới này, hoàn toàn không có giá trị như những cuộc đấu tranh đạo đức. Trong những cuộc xung đột hải quân, trừ khi có nã pháo lên đất liền, không có nạn nhân đúng nghĩa, cũng không có kẻ thù để can đảm đối mặt; không có gì trên qui mô thanh lọc chủng tộc là có vẻ sẽ xảy ra trong sân khấu trung tâm mới của xung đột này. Trung Hoa, những người bất đồng chính kiến đang chịu đựng đau khổ của nó, đơn giản không đủ tầm cỡ làm đối tượng của cơn thịnh nộ đạo đức. Chế độ Trung Hoa chỉ chứng tỏ một phiên bản nhiệt lượng thấp của chủ nghĩa độc tài, với một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa và hệ tư tưởng thống trị ít có gì để nói. Hơn nữa, Trung Hoa có vẻ đang trở nên một xã hội cởi mở hơn thay vì đóng kín trong những năm tới. Thay vì chủ nghĩa phát xít hay chủ nghĩa quân phiệt, Trung Hoa cùng với các nhà nước khác ở Đông Á đang ngày càng tỏ ra kiên trì chủ nghĩa dân tộc kiểu cũ: một tư tưởng, đúng thế, nhưng không phải là tư tưởng đã hấp dẫn giới trí thức từ giữa thế kỷ 19. Và cho dù nếu Trung Hoa có trở nên dân chủ hơn, thì chủ nghĩa dân tộc của nó cũng chỉ có tăng lên, như một cuộc điều tra ngẫu nhiên ý kiến của các công dân mạng tự do cho thấy.

 

Chúng ta thường nghĩ về chủ nghĩa dân tộc như một tình cảm phản động, một di vật của thế kỷ 19. Tuy nhiên chính chủ nghĩa dân tộc truyền thống là động lực chính trị chủ yếu ở châu Á, và nó sẽ tiếp tục như thế. Chủ nghĩa dân tộc đó đang dẫn đến việc tăng cường một cách không hối tiếc lực lượng quân sự trong khu vực, đặc biệt là các lực lượng hải và không quân, để bảo vệ chủ quyền và đưa ra yêu sách tranh chấp những nguồn tài nguyên thiên nhiên. Ở đây không có sức quyến rũ triết lý nào cả. Tất cả là cái logic lạnh lùng của cân bằng quyền lực. Ở mức độ của chủ nghĩa hiện thực vô cảm ấy, liên hệ với chủ nghĩa dân tộc, có một môi trường địa lý chung, đó là Biển NTH.

 

Dù bất kỳ vở kịch đạo đức nào xảy ra ở Đông Á, nó sẽ có dạng chính trị quyền lực khắc khổ thuộc loại khiến nhiều trí thức và nhà báo điếng người. Như Thucydides diễn tả một cách đáng ghi nhớ trong khi ông nói về việc người Athena cổ đại chinh phục hòn đảo Melos, "Kẻ mạnh muốn làm gì thì làm còn người yếu thì phải chịu những gì họ phải chịu." Trong bản kể lại của thế kỷ 21, với Trung Hoa trong vai Athena như một cường quốc mặt biển nổi trội trong khu vực, kẻ yếu vẫn sẽ qui phục, nhưng nó là thế đấy. Đây sẽ là chiến lược không tuyên bố của Trung Hoa, và các nước nhỏ hơn của Đông Nam Á có thể liên kết với hoa Kỳ để tránh số phận của Melian (người dân đảo Melos). Nhưng sẽ không có tàn sát.

 

Biển NTH báo trước một dạng xung đột khác với dạng mà chúng ta đã quen thấy. Từ đầu thế kỷ 20, chúng ta đã bị chấn thương một mặt vì những cuộc giao tranh lớn, qui ước, trên đất liền, mặt khác vì những cuộc chiến tranh bẩn thỉu lẻ tẻ. Vì cả hai loại chiến tranh này tạo ra con số thương vong lớn cho dân thường, chiến tranh đã là đối tượng đối với các nhà nhân đạo cũng như những viên tướng. Nhưng trong tương lai chúng ta chỉ có thể thấy một dạng xung đột thuần túy, hạn chế trong phạm vi hải chiến. Đây là một kịch bản tích cực. Xung đột không thể bị xóa bỏ hoàn toàn khỏi điều kiện sống của loài người. Một chủ đề trong Những luận văn về Livy của Machiavelli là xung đột được kiểm soát đúng, dễ dẫn tới tiến bộ của loài người hơn là ổn định cứng ngắc. Một mặt biển dày đặc tàu chiến không mâu thuẫn với một thời kỳ đầy hứa hẹn đối với châu Á. Bất ổn thường nuôi dưỡng những động lực.

 

Nhưng xung đột ở biển NTH có thể kiểm soát được không? Lý lẽ của tôi như vậy phỏng đoán xa rằng cuộc chiến tranh lớn sẽ không nổ ra trong khu vực này và thay vì thế, các nước sẽ bằng lòng tranh đua để giành vị trí bằng tầu chiến của họ trên những vùng biển , trong khi tranh đua đưa yêu sách về các nguồn tài nguyên và có lẽ thậm chí đồng ý với một sự phân chia công bằng những tài nguyên ấy? Nhưng nếu Trung Hoa đi ngược với xu thế đã rõ ràng, lại xâm lược Đài Loan thì sao? Nếu Trung Hoa và Việt Nam, sự kình địch của họ lại đạt đến mức như trong quá khứ lịch sử, lại lao vào chiến tranh như họ đã làm năm 1979, và lần này với các vũ khí giết người khủng khiếp hơn, thì sao? Vì không chỉ một mình Trung Hoa đang ráo riết xây dựng lực lượng quân sự của mình, các nước Đông Nam Á cũng thế. Ngân sách quốc phòng của họ đã tăng lên khoảng một phần ba trong thập kỷ qua, trong khi ngân sách quốc phòng của châu Âu đã giảm xuống. Vũ khí nhập khẩu vào Indonesia, Singapore, và Malaysia đã tăng lên, tương ứng, 85, 146 và 722 phần trăm kể từ năm 2000. Chi tiêu là giành cho các căn cứ hải quân và không quân: các tàu chiến mặt biển, tầu ngầm, với những hệ thống tên lửa tối tân, và những phản lực cơ chiến đấu tầm xa. Việt Nam gần đây đã tiêu 2 tỉ $  để mua sáu tầu ngầm Kiloclass loại tối tân của Nga và 1 tỉ để mua phản lực cơ của Nga. Malaysia mới mở một căn cứ tầu ngầm ở Borneo. Trong khi Hoa Kỳ đang điên đầu về những cuộc chiến tranh mặt đất ở Trung Đông, sức mạnh quân sự đang lặng lẽ di chuyển từ Âu sang Á.

 

Hoa Kỳ hiện giờ  bảo đảm hiện trạng đáng lo ngại ở Biển NTH, hạn chế xâm lược của Trung Hoa chủ yếu vào những bản đồ của nó và tác động như một vận cản đối với ngoại giao và hải quân Trung Hoa (mặc dầu đây không phải là nói rằng Hoa Kỳ là trong sạch trong những hành động của nó còn Trung Hoa đương nhiên là kẻ xấu). Những gì mà Hoa Kỳ cung cấp cho các nước trong khu vực biển NTH không phản ánh bản tính dân chủ của nó mà  phản ánh sức mạnh vật chất của nó. Chính sự cân bằng lực lượng giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa cuối cùng sẽ giữ cho Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Indonesia, Singapore, và Malaysia rảnh tay, có thể kích cho cường quốc lớn đánh nhau để có lợi cho mình. Và trong khoảng rảnh rỗi đó, chủ nghĩa khu vực có thể nổi lên như một sức mạnh vì lợi ích của chính nó, dưới hình thức hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Tuy nhiên một sự tự do như thế không thể coi là đương nhiên. Đối với sự cân bằng căng thẳng đang diễn ra giữa Hoa Hỳ và Trung Hoa – mở rộng ra đến hàng loạt những đề tài phức tạp, từ thương mại đến cải cách tiền tệ đến an ninh mạng đến do thám tình báo – những mối đe dọa cuối cùng chuyển sang Đông Á có lợi cho Trung Hoa, phần lớn do tính trung tâm về mặt địa lý của Trung Hoa đối với khu vực này.

 

5.

Tổng kết toàn diện nhất về quang cảnh địa lý châu Á đã đến không phải từ Washington hay Bắc Kinh, mà từ Canberra. Trong một bài báo 74 trang xuất bản năm ngoái, Dịch chuyển quyền lực: Tương lai Australia Giữa Washington và Bắc Kinh, Hugh White, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại trường Đại học Quốc gia Australia, mô tả đất nước ông như quyền lực nguyên trạng ("status quo") đúng nghĩa – một nước mong muốn một cách mãnh liệt rằng tình hình ở châu Á cứ giữ nguyên như bây giờ, rằng Trung Hoa cứ tiếp tục lớn lên để cho Australia có thể buôn bán nhiều hơn với nó, trong khi Hoa Kỳ vẫn cứ là "cường quốc mạnh nhất ở châu Á" để là "kẻ bảo hộ chí cốt" của Australia. Nhưng, như White viết, vấn đề là cả hai điều trên đều không thể tiếp tục. Châu Á không thể tiếp tục thay đổi về kinh tế nếu không thay đổi về chính trị và chiến lược, một nền kinh tế kếch xù của Trung Hoa đương nhiên sẽ không chấp nhận vị trí đứng đầu về quân sự của Mỹ ở châu Á.

 

Trung Hoa muốn gì? White nhận định rằng người Trung Hoa có thể muốn có ở châu Á một thứ đế quốc kiểu mới mà Hoa Kỳ đã thiết lập ở Tây Bán Cầu một khi Washington đã nắm chắc vai trò ưu thắng của mình trên vịnh Caribbe (vì Bắc Kinh hy vọng nó sẽ ưu thắng trên Biển Nam Trung Hoa). Đế quốc kiểu mới này, theo lời White, có nghĩa là những láng giềng của Mỹ "ít nhiều được tự do cai quản đất nước mình" trong khi Washington nhấn mạnh rằng các quan điểm của nó được "xem xét đầy đủ" và được ưu tiên hơn quan điểm của các cường quốc bên ngoài. Vấn đề với mô hình này là Nhật Bản, nước có lẽ không chấp nhận bá quyền của Trung Hoa, nhưng vẫn mềm mỏng nhân nhượng. Điều đó bỏ lại mô hình Dàn Hòa tấu châu Âu, trong đó Trung Hoa, Ấn Độ, Nhật Bản, Hoa Kỳ và có lẽ một hoặc hai nước khác sẽ ngồi vào bàn đàm phán về quyền lực ở châu Á như những kẻ ngang hàng. Nhưng liệu Hoa Kỳ có chấp nhận một vai trò khiêm tốn như thế hay không, vì nó đã gắn sự thịnh vượng và ổn định ở châu Á vào với tính ưu việt của chính nó. White gợi ý rằng đối mặt với cường quốc Trung Hoa đang lên, vai trò nổi trội của Hoa Kỳ từ nay về sau có thể có nghĩa là bất ổn ở châu Á.

 

Vai trò nổi trội của Hoa Kỳ được xác nhận trên khái niệm rằng vì Trung Hoa là chuyên chế ở trong nước, nó sẽ hành động "một cách không thể chấp nhận được ở nước ngoài." Nhưng White nói, điều đó có thể không như thế. Trung Hoa tự coi mình là một cường quốc tốt lành, không-bá-quyền, không can thiệp vào những nguyên tắc nội bộ của các nước khác, theo cách làm của Hoa Kỳ - với tính bao biện về đạo đức của nó. Bởi vì Trung Hoa coi bản thân nó là Vương quốc Trung tâm (Trung Quốc), cơ sở của tính nổi trội của nó là vai trò trung tâm vốn có của nó trong lịch sử thế giới, hơn là bất kỳ một hệ thống nào mà nó tìm cách xuất khẩu.

 

Nói cách khác, Hoa Kỳ, chứ không phải Trung Hoa, có thể sẽ là vấn đề trong tương lai. Chúng ta có lẽ đã quá quan ngại về bản chất bên trong của chế độ Trung Hoa và tìm cách hạn chế quyền lực của Trung Hoa ở nước ngoài bởi vì chúng ta không thích các chính sách đối nội của nó. Ngược lại, mục đích của Mỹ ở châu Á nên được cân bằng, không nên nổi trội, áp đảo. Chính vì quyền lực cứng vẫn còn là then chốt trong các quan hệ quốc tế mà chúng ta phải dành chỗ cho Trung Hoa lớn lên. Hoa Kỳ không cần phải tăng cường lực lượng hải quân của nó ở Tây Thái Bình Dương, nhưng nó không thể để lực lượng ấy giảm đi một cách cơ bản.

 

Việc mất đi một đội tàu sân bay của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương do cắt giảm ngân sách hay do việc bố trí lại lực lượng ở Trung Đông có thể gây nên những cuộc tranh cãi căng thẳng trong khu vực về sự đi xuống của Mỹ và do vậy cần có những bù trừ và thương lượng bên lề với Bắc Kinh. Tình hình tối ưu là duy trì hiện diện hải, không quân Mỹ xấp xỉ mức hiện tại, ngay cả khi Hoa Kỳ hết sức củng cố những quan hệ thân mật và nhất quán với Trung Hoa. Bằng cách đó, với thời gian Mỹ có thể thích nghi với một Trung Hoa cường quốc hải quân. Trong các quan hệ quốc tế, đằng sau tất cả mọi vấn đề về đạo đức là vấn đề quyền lực. Can thiệp nhân đạo vào các nước vùng Balkan chỉ có thể làm được bởi vì chế độ ở Serbi yếu, không giống như chế độ ở Nga, kẻ [khi đó] đang phạm những tội ác hung bạo ở Chechnya trên qui mô tương tự trong khi Phương Tây không làm gì cả. Ở Tây Thái Bình Dương trong những thập kỷ sắp tới đạo đức có thể có nghĩa là vì lợi ích của ổn định từ bỏ một số lý tưởng mà ta đã một thời ấp ủ thiết tha. Chúng ta sẽ phải thế nào nữa để sống chung với một nước Trung Hoa gần như độc tài chuyên chế khi nó bành trướng thế lực quân sự? Bản thân sự cân bằng quyền lực, còn hơn cả những giá trị dân chủ của phương Tây, thường là kẻ bảo vệ tốt nhất của tự do. Cả điều đó nữa cũng sẽ là một bài học của Biển Nam Trung Hoa trong thế kỷ 21 – một bài học khác mà những người lý tưởng chủ nghĩa không muốn nghe./.

 

[1] Tức Biển Đông (Biển Nam Trung Hoa – South China Sea, là cách gọi của báo chí quốc tế)

Hiếu Tân
Số lần đọc: 2130
Ngày đăng: 23.09.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những người thua trận ở Libya - Phạm Nguyên Trường
Vương quốc trung bình - Trần Ngọc Cư
Trung Quốc – Ngày càng có nhiều cựu lãnh đạo lên tiếng - Phạm Nguyên Trường
Điều gì đang xảy ra cho những người bị lộ tên ở những nguồn tin WikiLeaks? - Hiếu Tân
Những bộ xương trong tủ áo của Đặng Tiểu Bình, tiếp theo và hết - Hiếu Tân
Những bộ xương trong tủ áo của Đặng Tiểu Bình - Hiếu Tân
Giờ hoàng đạo của NATO - Phạm Nguyên Trường
Sự kiện 11/9 đã gây ra sự tụt dốc của nước Mỹ - Hiếu Tân
Từ ngày 11 tháng 9 đến mùa xuân Arab - Phạm Nguyên Trường
Siêu cường tất yếu - Trần Ngọc Cư
Cùng một tác giả
Chuyện xứ Mitoman (truyện ngắn)
Vi đan (truyện ngắn)
Bàn tay phải (truyện ngắn)
Luận về nô tài (tiểu luận)
Putois (truyện ngắn)
Phá (truyện ngắn)
Khi Bắc Triều Tiên Đổ (nhìn ra thế giới)
Nô tài thi sĩ (tạp văn)
Putin nói trên truyền hình (nhìn ra thế giới)
WikiLeaks, theo kiểu Belarus (nhìn ra thế giới)
Ngăn cản WikiLeaks (nhìn ra thế giới)
Tại sao lại xóa từ-n ...? (nhìn ra thế giới)
20 tác giả dưới 40 tuổi (nhìn ra thế giới)
“Công lý” Nga (nhìn ra thế giới)
Say sưa với Tự do. (nhìn ra thế giới)
Cách mạng bằng Internet (nhìn ra thế giới)
Bật mí WikiLeaks (nhìn ra thế giới)
Bật mí WikiLeaks- tiếp (nhìn ra thế giới)
Học Để Yêu Cách Mạng (nhìn ra thế giới)
Shakespeare, chán ! (nhìn ra thế giới)
Rủi ro hạt nhân (nhìn ra thế giới)
Những tư tưởng lỗi thời. (nhìn ra thế giới)
Nước Nga sợ gì ở châu Á? (nhìn ra thế giới)
Tại sao nước Mỹ bị ghét (nhìn ra thế giới)
Nhà nước đỏ (nhìn ra thế giới)
Trung hoa là kẻ xâm lược? 1 (nhìn ra thế giới)
Trung hoa là kẻ xâm lược? 2 (nhìn ra thế giới)
The Internet và Iran (nhìn ra thế giới)
Mười năm mất mát (nhìn ra thế giới)
Gặp ông Mao mới (nhìn ra thế giới)
Kiếp sau của Tây Tạng (nhìn ra thế giới)
Nhân dân đấu với Putin (nhìn ra thế giới)
Tương lai của Lịch sử (nhìn ra thế giới)
Bụt nghe cổ tích (truyện ngắn)
BẮN MỘT CON VOI (truyện ngắn)
Gót chân Asin của Putin (nhìn ra thế giới)
The Duniazát (truyện ngắn)
Người xin lỗi (truyện ngắn)
Diễn văn Habana (nhìn ra thế giới)