Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
837
116.680.573
 
SPIEGEL phỏng vấn Bộ trưởng Kinh tế Rösler: Tôi đã từng mơ tôi là một hoàng tử Việt Nam
Hiếu Tân

SPIEGEL, 19/7/2011

http://www.spiegel.de/international/germany/0,1518,775202,00.html

 

 

Bộ trưởng Kinh tế Đức Philipp Rösler, người được một gia đình người Đức nhận làm con nuôi từ Việt Nam khi còn rất nhỏ, khăng khăng nói rằng ông không bao giờ gặp khó khăn vì nguồn gốc của mình. Ông nói với SPIEGEL về vấn đề hội nhập,  kỳ thị và là người Đức có ý nghĩa như thế nào.

 

SPIEGEL: Thưa Bộ trưởng Rösler, ông sinh ra ở Việt Nam và được cha mẹ người Đức nhận nuôi khi ông được chín tháng tuổi. Lần đầu tiên ông nhận ra mình trông khác các trẻ em Đức là khi nào?

 

Rösler: Lúc tôi lên bốn hay năm tuổi, cha tôi đặt tôi ngồi trước một tấm gương cùng với ông. Ông nói: "Con hãy nhìn con, rồi nhìn cha – con với cha khác nhau. Nhưng dù có chuyện gì xảy ra và dù ai có nói gì, thì cha vẫn là cha của con."

 

SPIEGEL: Khi còn bé ông có hay bị trêu chọc vì vẻ ngoài của mình không?

 

Rösler: Không, không bao giờ. Tôi đôi khi còn mơ tôi là một hoàng tử Việt Nam bị lạc. Ý nghĩ ấy hấp dẫn tôi. Có lúc tôi hỏi cha tôi ở Việt Nam có các hoàng tử không. Ông trả lời rằng trước đây ở đó còn một ông vua, nhưng bây giờ không còn nữa. Chuyện này chắc vào khoảng năm 1980, khi những người cộng sản đã nắm chính quyền.

 

SPIEGEL: Với vẻ ngoài của mình như thế, vào tuổi thiếu niên ông có thể nào tưởng tượng một ngày nào đó ông trở thành phó thủ tướng nước Đức không?

 

Rösler: Thiếu niên nào có thể đã từng tưởng tượng trở thành phó thủ tướng? Tôi thấy rằng công dân Đức rất khoan dung và chấp nhận sự kiện là tôi trông khác những "người Đức bình thường." Ở nước ngoài đôi khi điều đó có gây chú ý. Gần đây tôi đi cùng thủ tướng sang Washington và khi chúng tôi được tiếp đón ở Nhà Trắng, Tổng thống Obama có tò mò về sự nghiệp chính trị của tôi.

 

SPIEGEL: Khi ông trở thành chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (FDP) – đồng minh trẻ tuổi của những người bảo thủ của Thủ tướng Angela Merkel – và phó Thủ tướng Đức, có phản ứng gì từ phía Việt Nam không?

 

Rösler: Tôi nhận được nhiều lời chúc mừng từ các chính phủ, trong đó có Việt Nam, điều này làm tôi thấy rất hạnh phúc. Nhưng không có mối quan hệ nào xuất phát từ nguồn gốc Việt Nam của tôi.

 

SPIEGEL: Mọi người ở Việt Nam đều tự hào về Philipp Rösler?

 

Rösler: Những chiếc xe buýt của khách du lịch Việt Nam thường dừng trước Bộ của tôi, và đối với nhiều người Việt Nam điều đó chắc chắn là một cái gì đặc biệt lắm. Nếu có ai đó là con nuôi được nhận từ Đức mà tham gia chính phủ Việt Nam, người Đức chúng ta chắc cũng thấy thú vị.

 

SPIEGEL: Cha ông có nói với ông nhiều về Việt Nam không?

 

Rösler: Cha tôi gặp gỡ một số người Việt Nam trong công việc của ông là một phi công trực thăng trong các lực lượng vũ trang Đức. Những năm 1970, ông thường sang Mỹ để huấn luyện, tại đó các phi công quân đội Nam Việt nam cũng được huấn luyện. Chiến tranh Việt Nam đã khiến ông hết sức bận tâm, cũng như phần lớn thế hệ của ông. Ông thấy hồi đó có hai lựa chọn – hoặc là xuống đường biểu tình, hoặc là giúp đỡ một cách thực tế. Ông đã chọn điều thứ hai, và nhận nuôi một đứa trẻ từ Việt Nam – là tôi.

 

SPIEGEL: Bây giờ khi ông xem tivi về Chiến tranh Việt Nam, ông đứng về bên nào?

 

Rösler: Chẳng bên nào cả. Trong những phim như "Trung đội" của Oliver Stone, không nhất thiết phải có sự phân chia rõ ràng tốt xấu, do đó tôi không cảm thấy buộc phải chọn lấy một bên.

 

SPIEGEL: Ông có bao giờ thử học tiếng Việt không?

 

Rösler: Không, tôi chưa bao giờ có lý do để làm việc đó.

 

SPIEGEL: Ông có bao giờ từng ước mình trông giống một người Đức?

 

Rösler: Không, bởi vì tôi là một người Đức và tôi luôn luôn cảm thấy mình giống một người Đức. Tôi theo học một trường tiểu học Công giáo ở quận Harburg thuộc Hamburg, ở đó có nhiều học sinh Tây Ban Nha và Italy. Sau ngày đầu tiên đi học, tôi chạy lại chỗ cha tôi và nói "Cha ơi, trong lớp con có nhiều người nước ngoài." Cha tôi cười to.

 

SPIEGEL: Đức có phải một nước thân thiện với người nước ngoài không?

 

Rösler: Vâng. Bản thân tôi không bao giờ có một trải nghiệm xấu.

 

SPIEGEL: Nhóm người ngoại quốc nào ông cho là có cuộc sống khó khăn nhất ở Đức?

 

Rösler: Điều này khó nói. Nói chung, nhiều người e ngại người nước ngoài và người khác mình. Bởi vậy tôi tưởng tượng những người thấy cuộc sống của mình khó khăn nhất là những người có ngoại hình khác nhiều nhất với "người Đức điển hình".

 

SPIEGEL: Quan điểm tích cực của ông về nước Đức có liên hệ gì với việc ông lớn lên trong một môi trường được bao bọc êm ấm? Một cậu bé Thổ Nhĩ Kỳ trong một khu khó khăn ở quận Neukölln Berlin, chẳng hạn, dễ có một viễn cảnh rất khác về nước Đức.

 

Rösler: Tôi chưa bị ai giễu cợt về sự thừa kế của tôi. Nhưng những đứa trẻ Thổ Nhĩ Kỳ thường bị thương hại về chỗ họ khác người. Tôi thấy chuyện này là không đúng và nguy hiểm. Một người được coi là sẽ trở thành bộ phận của xã hội chúng ta sẽ ra sao nếu ngay từ ban đầu anh ta hay chị ta bị hỏi "Anh/chị có thật là một bộ phận của chúng tôi không?"

 

SPIEGEL: Tại sao không khí đối với người nước ngoài ở Đức ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn?

 

Rösler: Trong quá khứ, những người nước ngoài được coi làm giàu cho đất nước. Tây Đức cần công nhân, nên những người Tây Ban Nha, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ được chào đón. Khi nỗi sợ hãi thất nghiệp tăng lên, càng nhiều người sợ những người nhập cư sẽ chiếm mất chỗ làm của họ. Tuy nhiên trong mấy năm gần đây, không khí đã trở nên tốt hơn nhiều.

 

 

SPIEGEL: Và tại sao bọn Tân Quốc xã ở Đông Đức gọi người Việt Nam là bọn "Fijian," một hình thức nhục mạ.

 

Rösler: Gọi người Việt Nam là "Fijian" là hoàn toàn phi lý, ít ra là về mặt địa lý. Quần đảo Fiji cách xa Việt Nam hàng ngàn ki lô mét.

 

SPIEGEL: Ông có thể hiểu rằng những người đó sợ làn sóng nhập cư không?

 

Rösler: Luôn luôn có hai cách đối phó với loại sợ hãi như thế. Hoặc là anh rơi vào những nỗi sợ hãi và sống thu mình lại, hoặc là anh cố cởi mở và soi sáng cho người khác. Tôi thấy cách thứ hai là phóng khoáng. 

 

SPIEGEL: Đảng FDP của ông có làm đủ để khai sáng cho nhân dân không?

 

Rösler: Toàn thể chính trị đã làm quá ít để giải quyết vấn đề hội nhập.

 

SPIEGEL: Có phải các chính sách của Đức đã quá nuông chiều những người nước ngoài từ chối hội nhập?

 

Rösler: Tôi tin rằng các chính sách của chúng ta mở ra quá ít cơ hội, như về các lớp ngôn ngữ chẳng hạn. Chúng ta không nên lấy trừng phạt làm câu trả lời đầu tiên.

 

SPIEGEL: Là bộ trưởng, ông có kế hoạch để nới lỏng các quy tắc đối với nhập cư vào Đức không?

 

Rösler: Tôi sẽ ủng hộ việc Đức chuyển động xa hơn về hướng ấy. Đức cần người nhập cư có tay nghề và điều vô lý là chúng ta bỏ quá nhiều tiền ra để đào tạo sinh viên nước ngoài, rồi đến khi họ tốt nghiệp, lại chỉ cho phép họ ở lại nước ta thêm một năm.

 

SPIEGEL: Ở Đức, những người châu Á được coi như đặc biệt hội nhập tốt. Vì sao như vậy?

 

Rösler: Những bậc cha mẹ Việt Nam, cũng như những người khác, đánh giá cao việc con cái họ được thụ hưởng một nền giáo dục tốt.

 

SPIEGEL: Bản thân ông có bao giờ gặp vấn đề trong chính trị vì người châu Á luôn luôn có tiếng là dễ mến và thân thiện không?

 

Rösler: Tại sao lại có vấn đề khi được coi là thân thiện?

 

SPIEGEL: Bởi vì tính thân thiện trong chính trị thường được coi là không có khả năng tự khẳng định.

 

Rösler: Bạn không cần làm tôi lo lắng về điều đó.

 

SPIEGEL: Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schäuble  nói trong một cuộc phỏng vấn rằng ông không chỉ hiểu biết rộng và dễ mến mà còn có rất nhiều khả năng hài hước. Ông có nghĩ rằng ông Schäuble đang hạ thấp ông không?

 

Rösler: Tôi đã tự hỏi rằng câu bình luận của ông ấy có lợi gì.

 

SPIEGEL: Ông có tự hào là người Đức không?

 

Rösler: Thật ra, tôi tự hào, nhưng câu này đã bị những người cánh tả cực đoan chiếm dụng. Không cần phải lạm dụng nó.

 

SPIEGEL: Đạo Hồi có thuộc về Đức không?

 

Rösler: Có khoảng 4 triệu tín đồ Hồi giáo ở nước ta và họ cũng giúp để định hướng nó, bởi vậy, có, cũng đúng khi nói rằng Đạo Hồi thuộc về Đức. Tuyên bố này bắt nguồn từ Tổng thống Liên bang Christian Wulff. Khi ông nói điều này, tôi gửi ngay đến ông một tin nhắn văn bản. "Thật là can đảm. Chuyện này sẽ gây sóng gió." Và đó đúng là điều đã xảy ra.  

 

SPIEGEL: Tại sao ông chờ đến năm 33 tuổi mới về thăm Việt Nam, quê gốc của ông, lần đầu tiên?

 

Rösler: Đơn giản tôi chưa bao giờ có ý muốn về, bởi vì Việt Nam không có bất cứ ý nghĩa đặc biệt gì đối với tôi. Nếu anh không thiếu một thứ gì đó, thì anh không đi tìm. Cuối cùng tôi đã đi bởi vì vợ tôi nói với tôi: "Một ngày nào đó chúng ta sẽ muốn có con, và em muốn có thể kể cho chúng nghe nơi anh được sinh ra trông như thế nào."

 

SPIEGEL: Ông cảm thấy thế nào khi đến đó? Giống như một khách du lịch bình thường?

 

Rösler: Có lẽ giống như một khách du lịch được quan tâm đặc biệt. Đôi khi rõ ràng là người ở đó đang tự hỏi tôi là loại người thế nào. Họ có thể kể rằng tôi đã không sống ở Việt Nam. Nhưng tôi cũng không đặc biệt giống với một trong những khách du lịch Nhật Bản đến đó. Phần lớn họ nghĩ tôi là một người Mỹ đi nghỉ, một người trong số những gia đình di tản sang Mỹ.

 

SPIEGEL: Lúc đó ông đã biết cụ thể về nguồn gốc Việt Nam của ông chưa?

 

Rösler: Vâng, tôi biết, và tôi phần nào cám ơn SPIEGEL về điều đó. Có lần trong một sự kiện ở thành phố Holzminden một người đàn ông đã hỏi tôi đúng ra tôi từ đâu đến. Tôi nói với ông ta tên làng mà tôi sinh ra, mà tôi biết nhờ giấy khai sinh. Người ấy nói thật là hoàn toàn trùng hợp ngẫu nhiên, bởi vì con gái ông ấy cũng đến từ nơi đó. Cô ta là một trong những trẻ em di tản khỏi Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, năm 1975. Một trong những máy bay cuối cùng bị rơi và bốc cháy một phần, trên một ruộng lúa. Sau đó SPIEGEL có một chuyến đến đó thăm các em bé sống sót – và đó là thành phố nơi có trại mồ côi của tôi. Bài báo của SPIEGEL còn trích dẫn lời của hai nữ tu chăm nom tổng cộng 3.000 trẻ mồ côi vào lúc đó. Họ đặt tên cho những đứa trẻ mà họ trông nom để có thể đưa chúng ra nước ngoài.

 

SPIEGEL: Ông có bao giờ xem một bản đồ Việt Nam để tìm ra chính xác nơi sinh của mình không?

 

Rösler: Tôi có xem, nhưng tôi chưa bao giờ tìm được nó trên những bản đồ mà tôi có. Khi tôi đến Việt Nam năm 2006, tôi đến dinh tổng thống cũ của Nam Việt Nam. Các phòng trưng bày chiến tranh Mỹ nằm ở tầng hầm và ở đó vẫn còn những tấm bản đồ cũ treo trên tường, nên tôi tìm nơi tôi sinh trên đó. Tôi biết nó là một nơi ở gần Sài Gòn, và cuối cùng tôi đã tìm thấy nó. Khi đó người phiên dịch của chúng tôi giải thích rằng sau chiến tranh, tất cả các làng và các thành phố ở miền Nam Việt Nam đã được đặt những cái tên khác. Chẳng có gì lạ là tại sao trước đây tôi chưa bao giờ có thể tìm ra nơi ấy.

 

SPIEGEL: Ông cùng với vợ ông đã đến đó?

 

Rösler: Không, bởi vì đoàn du lịch của chúng tôi đi theo một hướng khác. Và nói thật lòng, tôi thấy không cần. Tôi đã có một ý niệm thô sơ về làng của tôi trông phải như thế nào. Thực chất, tất cả các làng Việt Nam trông đều không khác gì nhau.

 

SPIEGEL: Ông có biết điều gì về cha mẹ đẻ của ông không?

 

Rösler: Không. Các bà nữ tu ở trại trẻ mồ côi của tôi phải chăm nom hơn 3.000 trẻ em. Họ phải tạo ra tên và họ cho bọn trẻ để điền vào các mẫu giấy tờ xuất trại cho chúng. Thật sự không có manh mối nào dẫn đến cha mẹ đẻ của tôi.

 

SPIEGEL: Ông có bao giờ nghĩ bản thân ông sẽ đi tìm họ?

 

Rösler: Không, tôi không nghĩ. Đối với tôi, cha là cha hiện nay của tôi. Mọi sự đều tốt đẹp hoàn hảo. Tôi không thiếu thốn thứ gì.

 

SPIEGEL: Ông có sợ việc tìm thấy cha mẹ đẻ khiến cho cuộc sống của ông thêm phức tạp?

 

Rösler: Tôi chưa bao giờ tự hỏi mình câu hỏi cha mẹ đẻ mình là ai. Cha tôi là cha tôi, chấm hết.

 

SPIEGEL: Ông thích nhất ở Việt Nam điều gì?

 

Rösler: Phong cảnh thì tuyệt vời, và thức ăn nữa. Khi bạn đến một tiệm ăn châu Á ở Đức, thì tất cả đã bị Đức hóa hết rồi. Nhiều người châu Á thậm chí không đến các tiệm ăn châu Á ở đây, đơn giản bởi vì nó không có mùi vị như ở quê nhà.

 

SPIEGEL: Tại sao ông muốn là người Đức hơn những người Đức khác?

 

Rösler: Không. Chẳng hạn trong một thời gian dài, tôi không treo một lá cờ trong văn phòng của tôi.

 

SPIEGEL: Và tuy nhiên: ca sĩ ưa thích của ông là ngôi sao nhạc pop người Đức Udo Jürgens. Ông đặt tên hai cô con gái sinh đôi là Grietje Gesche. Ông là ủy viên Ủy ban Trung ương những người Công giáo Đức. Và ông đã tình nguyện đăng ký với Bundeswehr. Ông còn hơn một người Đức, ông là người Đức kiểu mẫu.

 

Rösler: Vậy thì cho tôi bác lại: đúng là tôi là một fan cuồng nhiệt của Udo Jürgens, nhưng chắc chắn không phải vì anh ta hát tiếng Đức. Và tôi cho anh biết một bí mật: chúng tôi không có một lá cờ Đức treo trong nhà chúng tôi. Xe hơi riêng của tôi là xe Pháp, vì những lý do rất thực tế - đó là chiếc xe duy nhất mà một chiếc xe đẩy trẻ con sinh đôi có thể lắp vừa ở thế thẳng đứng. Còn về tên các con tôi: khi chúng tôi cưới nhau, vợ tôi lấy họ tôi, chẳng qua đó là thói quen thôi, Chúng tôi nhất trí với nhau rằng cô ấy sẽ lấy tên, và để đổi lại cô ấy sẽ chọn tên cho bọn trẻ. Tôi có thể nói rõ ý muốn của tôi, nhưng vợ tôi là người quyết định. Và thật ra giống một cái tên Hà Lan hơn, còn Gesche Fridiêng hơn.

 

SPIEGEL: Ông có thể nói Đức là một "nền văn hóa dẫn đường?"

 

Rösler: Đó là một thuật ngữ do người khác đặt ra, nhưng vâng, chắc chắn có một nền văn hóa chung mà chúng ta dùng để liên thông với nhau. Nó dao động đâu đó giữa những ông vua cải bắp xanh và chủ nghĩa hiện đại.

 

SPIEGEL: Rất đúng, xin chúc mừng! Ông đã được đội vương miện "vua cải bắp xanh" trong lễ hội cải bắp xanh năm nay ở Oldenburg.

 

Rösler: Truyền thống đội vương miện vua cải bắp xanh mang những giá trị tuyệt đối nghiêm túc của nó, như ủng hộ và giúp đỡ nhau, và trung thành với một địa phương. Tôi đã có nhiều năm nói về chủ đề mái ấm gia đình và nguồn cội. Tôi không nghĩ rằng gia đình là một cái gì trưởng giả, trói buộc và nhạt nhẽo.

 

SPIEGEL: Lần đầu tiên ông nhận ra rằng những người châu Á thiếu enzyme để chuyển hóa rượu là khi nào?

 

Rösler: Trong tuổi dậy thì, đó là khi nói chung người ta có những mối tiếp xúc đầu tiên.

 

SPIEGEL: Ông có từng say xỉn?

 

Rösler: Không, tôi không say bao giờ. Cách tác động của nó là hầu hết thân thể người ta ban đầu biến rượu thành aldehyde và sau đó thành axit acetic. Nhưng quá trình đó tác động với tôi một cách khác, với một kết quả khó chịu – tôi không thấy phấn chấn mà chỉ thấy váng vất.

 

SPIEGEL: Nghe dễ sợ chưa. Bởi vậy ông hoàn toàn không uống nữa?

 

Rösler: Tôi vẫn uống. Nếu tôi không bao giờ uống rượu thì chỉ một lượng nhỏ xíu đủ làm tôi say. Nhưng nếu tôi uống đều đặn từng chút một, thì dạng enzyme sẽ giúp chuyển hóa nó.

 

SPIEGEL: Ông có thể uống được bao nhiêu?

 

Rösler: Một cốc vang thì không có vấn đề gì.

 

SPIEGEL: Sao có thể có người nào đó say chỉ sau mấy giọt rượu mà sống sót như một nhà chính trị ở bang Lower Saxony?

 

Rösler: Chắc anh đang nghĩ về một câu chuyện sáo mòn tệ hại quá mức trong vùng ấy. Lower Saxony là một nơi tự do, anh không bị bắt buộc phải uống. Dù sao tôi tin rằng cái thời người ta nghĩ anh có thể làm nên trò trống trong chính trị thông qua những cuộc nhậu nhẹt tràn lan, đã qua rồi.

 

SPIEGEL: Ông có phải là một vai trò mẫu mực cho những người nước ngoài ở Đức không?

 

Rösler: Nhiều người nhìn tôi như một vai trò mẫu. Ngay vào thời gian tôi sắp trở thành bộ trưởng, đã có những cuộc họp trong các nhà hàng ở Bunderstag. Một người da đen, đang làm việc cho một công ty giải trí, đến gần tôi. Và anh có biết ông ta nói gì không? "Tôi thấy thật là tuyệt khi một người trong chúng ta mà đi hết chặng đương và lên đến tận đỉnh."

 

SPIEGEL: Ông có vui lòng không?

 

Rösler: Có, bởi vì nó chân thành và xuất phát từ tấm lòng.

 

SPIEGEL: Bộ trưởng Rösler, cám ơn ông về cuộc phỏng vấn này./.

 

Markus Feldenkirchen và René Pfister thực hiện phỏng vấn

Ella Ornstein dịch từ tiếng Đức sang tiếng Anh

 

Hiếu Tân
Số lần đọc: 1913
Ngày đăng: 23.07.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bắc Kinh nổi giận vì Obama tiếp Đức Dalaï-Lama. - Hiếu Tân
Nổi dậy ở Belarus: Thế hệ Internet chấp nhận thách đấu của nhà độc tài cuối cùng ở châu Âu - Hiếu Tân
Thị trường tự do có làm băng hoại các giá trị đạo đức hay không? 7 - Phạm Nguyên Trường
Nỗi cô đơn của một siêu cường: tại sao Trung Hoa cần Hoa Kỳ. - Hiếu Tân
Thị trường tự do có làm băng hoại các giá trị đạo đức hay không? 6 - Phạm Nguyên Trường
Tự do báo chí ở Hungary: Thủ tướng phát động một cuộc tấn công mới chống lại các nhà báo - Hiếu Tân
Thị trường tự do có làm băng hoại các giá trị đạo đức hay không? 5 - Phạm Nguyên Trường
Các nhà hoạt động nhân quyền nói có thể truy tố George W Bush về tội tra tấn - Hiếu Tân
Thị trường tự do có làm băng hoại các giá trị đạo đức hay không? 4 - Phạm Nguyên Trường
Thị trường tự do có làm băng hoại các giá trị đạo đức hay không? 3 - Phạm Nguyên Trường
Cùng một tác giả
Chuyện xứ Mitoman (truyện ngắn)
Vi đan (truyện ngắn)
Bàn tay phải (truyện ngắn)
Luận về nô tài (tiểu luận)
Putois (truyện ngắn)
Phá (truyện ngắn)
Khi Bắc Triều Tiên Đổ (nhìn ra thế giới)
Nô tài thi sĩ (tạp văn)
Putin nói trên truyền hình (nhìn ra thế giới)
WikiLeaks, theo kiểu Belarus (nhìn ra thế giới)
Ngăn cản WikiLeaks (nhìn ra thế giới)
Tại sao lại xóa từ-n ...? (nhìn ra thế giới)
20 tác giả dưới 40 tuổi (nhìn ra thế giới)
“Công lý” Nga (nhìn ra thế giới)
Say sưa với Tự do. (nhìn ra thế giới)
Cách mạng bằng Internet (nhìn ra thế giới)
Bật mí WikiLeaks (nhìn ra thế giới)
Bật mí WikiLeaks- tiếp (nhìn ra thế giới)
Học Để Yêu Cách Mạng (nhìn ra thế giới)
Shakespeare, chán ! (nhìn ra thế giới)
Rủi ro hạt nhân (nhìn ra thế giới)
Những tư tưởng lỗi thời. (nhìn ra thế giới)
Nước Nga sợ gì ở châu Á? (nhìn ra thế giới)
Tại sao nước Mỹ bị ghét (nhìn ra thế giới)
Nhà nước đỏ (nhìn ra thế giới)
Trung hoa là kẻ xâm lược? 1 (nhìn ra thế giới)
Trung hoa là kẻ xâm lược? 2 (nhìn ra thế giới)
The Internet và Iran (nhìn ra thế giới)
Mười năm mất mát (nhìn ra thế giới)
Gặp ông Mao mới (nhìn ra thế giới)
Kiếp sau của Tây Tạng (nhìn ra thế giới)
Nhân dân đấu với Putin (nhìn ra thế giới)
Tương lai của Lịch sử (nhìn ra thế giới)
Bụt nghe cổ tích (truyện ngắn)
BẮN MỘT CON VOI (truyện ngắn)
Gót chân Asin của Putin (nhìn ra thế giới)
The Duniazát (truyện ngắn)
Người xin lỗi (truyện ngắn)
Diễn văn Habana (nhìn ra thế giới)