Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
638
115.982.058
 
Cơn đau vô hình
Bùi Thanh Xuân

 


Tôi mất ngủ triền miên! Cơn đau dằn xé phần hồn nhiều hơn thể xác nhưng sức tàn phá của nó kinh khiếp hơn nhiều. Nó làm cho đầu óc tôi tê dại, mù mờ khó nhận thức được điều gì. Không biết cái gì đúng, cái gì là sai. Nó kéo dài dai dẳng từ ngày nay sang ngày khác khiến tôi không thể tập trung suy nghĩ hay mơ mộng để viết được một bài văn. Không viết được có nghĩa là không có được đồng nhuận bút nào. Không có nhuận bút thì đừng nói đến chuyện cà kê hàng quán. Không cà kê hàng quán thì làm gì có bạn bè. Cái dây mơ rể má  sự tác hại của cơn đau nó khiến tôi bị tê liệt hoàn toàn. Bạn bè hử? Không có tiền thì quên đi. Ra chổ khác ngồi hoặc “ lặn đi cho trong nước.” Đó là kinh nghiệm mấy chục năm tôi kết bạn, kết bè!

 

Ngoài việc bị tàn phá dung nhan nặng nề. Đó là bề nỗi. Nó còn tác hại đến phần hồn. Nó khiến thần kinh căng thẳng gây ra mất ngủ. Là tác hại vô cùng nguy hiểm. Mất ngủ khiến con người trở nên cáu gắt, u mê, thể xác rã rời. Có thể đãng trí, hay quên, trầm cảm, sa sút trí tuệ, tăng nguy cơ về bệnh tim dẫn đến đột quỵ. Không ngủ được thì rác rưởi nó tồn đọng lại vì không được dọn dẹp sạch sẽ. Nhưng có khi ngủ được, thức dậy vẫn thấy người mệt mõi, tâm thần bất an.

 

Tôi tự chữa bệnh mất ngủ này trước đã. Mặc kệ cơn đau hằng ngày hành hạ. Tôi ra nhà sách mua đủ loại sách về nghiên cứu giấc ngủ. Cần phải tìm hiểu vì sao thỉnh thoảng cũng có ngủ nhưng  vẫn cứ lù đù, lần đần như con nghiện. A, nguyên nhân có sẵn trong sách. Có một kẻ thù đáng ngại chuyên đánh úp sau lưng tên gọi là “gốc tự do”. Nó là chất có hại được sản sinh liên tục trong cơ thể, nhất là khi thừa cơ con người bị mệt mõi, đầu óc căng thẳng được mang cái tên khoa học là Stress. Sách nói rằng Gốc tự do làm xơ hoá các bao Myelin và các đầu sợi cấu trúc tế bào thần kinh, gây tổn thương thành mạch máu, hình thành các mãng xơ vữa và tạo huyết khối, làm hẹp động mạch khiến máu bơm lên não không được đầy đủ.

 

Người dư thừa chất “gốc tự do” thường có giấc ngủ không sâu. Đã vậy mỗi ngày còn bị mất đi ba ngàn tế bào thần kinh não mà không tái tạo thêm khiến cho trí nhớ bị giảm sút một cách thê thảm vì cộng hưởng với ù tai, hoa mắt do mất ngủ trầm trọng. Sách dặn dò “ Hãy dùng Anthocyamin cùng với Pterostilbene để chống lại sự huỷ hoại não của cái gọi là “gốc tự do” và tăng cường trí nhớ não”. A! Vậy là tôi hiểu rồi. Thì ra sách này làm cái công việc quảng cáo thuốc cho một công ty dược phẩm của Mỹ. Vậy thì làm đếch gì có cái sự bác học uyên thâm từ những lời khuyên dạy trong sách.

 

Hằng ngày tôi bị tra tấn vì những màn quãng cáo đầy rẫy trên TV. Biết bao nhiêu điều điêu ngoa, xảo trá từ quãng cáo mà ra. Nó ra rả dụ dỗ khách hàng bằng những chiêu độc địa mà những người mềm lòng dể bị sụp bẫy.

 

Tôi là thằng hoài nghi đủ mọi thứ chuyện. Không dể gì làm lung lay được trí não của tôi dù nó đang bị tổn thương trầm bởi cái chất mang tên “gốc tự do”. Đó là chưa nói tới ba ngàn tế bào não mất đi mỗi ngày.. Hơ hơ! Đừng có bở ăn, moi được đồng tiền nhuận bút, khó khăn lắm tôi mới kiếm được từ những bài viết của mình.

 

Thật thà mà nói. Tôi cũng đã từng bị sụp bẫy mấy vố đau điếng rồi nên mới có sự cảnh giác cao độ với những lời ru ngọt ngào trong cuốn sách khuyên răn chữa trị bệnh mất ngủ này. Dại rồi, đâu dể dại lần nữa!

 

Nhưng sự huỷ hoại của cơn đau thật khôn cùng! Tôi không biết cái đau này xuất phát từ đâu nhưng nó luôn hành hạ tôi. Cả ngày lẫn đêm.

 

Tôi bị cơn đau này cho lên bờ xuống ruộng nhiều  năm nay. Từ ngón chân lên đến đỉnh đầu, bất kể lúc nào mà nó cảm thấy thích thú, giận dữ, phấn khích hay buồn phiền. Cứ vậy, từ năm này qua năm khác, lúc nào nó muốn là tôi lại quằn quại với nỗi không đau không mùi vị, màu sắc. Không định vị được nó nằm ngay ở chổ nào.

Mấy hôm rồi ngồi trước máy tính tôi không gõ được chữ nào. Đầu óc trống rỗng. Nhiều mẫu chuyện được bố cục, sắp đặt sẵn trong đầu nhưng khi mở cái laptop chuẩn bị gõ là cơn đau ập đến. Nó cản trở không cho tôi viết được lấy một chữ.

 

Cơn đau không cho tôi viết bất cứ chuyện gì.  Vậy thì tôi viết về nó vậy. Cơn đau vô hình!

Có thể những điều tôi sắp viết ra đây sẽ khiến cho không ít người bực mình. Tôi không có ý định diễn đạt về vấn đề tình dục hay đại loại như thế. Điều tôi muốn viết là cơn đau bên ngoài thể xác. Được diễn tả có thể không nói lên được cái cốt lõi vấn đề nhưng đó là cảm nhận của tôi bởi sự dằn vặt thể xác. Người đọc cần phải cân nhắc trước khi xem phần tiếp theo.

 

Làm sao có thể diễn tả một cơn đau mà nó không hề có? Tôi phải bắt đầu câu chuyện như thế nào đây và độc giả sẽ tự hỏi là lão này đang viết tào lao xịt bộp gì cái gì thế? Một câu hỏi tôi không thể trả lời được dù có ngày đêm ngồi nặn óc tưởng tượng ra đủ thứ đau ốm, bệnh hoạn để mà trả lời. Vì vậy chỉ còn cách là viết về nó, diễn tả những gì đã xảy ra trong đầu.

 

Tôi hay viết về thể loại tình cảm. Một loại văn từ ngàn xưa con người luôn muốn khai thác và tôn vinh. Có thể là một câu chuyện kể lấy nhiều nước mắt của độc giả. Đại loại như truyện một công tử nhà giàu ít học, yêu một cô Mari sến chẳng hạn. Hay như chuyện một anh chàng nông thôn, ra thành phố chân còn lấm lem bùn đất nhưng nhờ thời cơ vươn lên và trở thành một trưởng giả học làm sang, chuyên thuyết giảng chân lý đồng tiền. Chuyện tình yêu của một cô gái xinh đẹp yêu một thằng con lai đen thui. Tình yêu của họ vượt qua bao nhiêu bão tố mới về được bến đỗ bình yên, hạnh phúc. Hạnh phúc như cái trò chơi thổi bong bóng của bọn trẻ con. Văn chương kiểu này thì tôi có biệt tài kể lể thuộc hàng top.

 

Nhưng mà thôi. Điều mà tôi có thể viết bây giờ là kể về cơn đau vô hình. Nó đang trốn chui nhủi đâu đó trong đầu, trong ngực hay có thể chui tọt xuống phần bên dưới rốn, nơi hằng ngày sản sinh ra hằng tỉ con vi khuẩn. Có khi đau ở trên từng đầu ngón tay cá. Dường như nó đau tận bên ngoài. Có nghĩa là tầng suất đau đang vượt khỏi sự kiểm soát của cơ thể con người tôi. Nó nằm ngoài cái thể tích gồm nước, thịt, xương và da mà tôi đang sở hữu chính chủ. Cái đau không thuộc quyền kiểm soát của tôi

Không độc giả nào đồng ý với  chuyện có cơn đau nằm ngoài cơ thể như vậy. Họ cần những cơn đau lịch sự, nghiêm túc và sang trọng  hơn. Mà tôi thì làm đếch gì có cái đau  sang trọng , lịch sự để mà viết. Người đọc luôn khắc khe yêu cầu nhà văn phải có trách nhiệm chuyển tải đến họ những điều tốt đẹp và có hậu nếu đó là câu chuyện buồn. Nhưng ngay bây giờ đây tôi làm sao có thể diễn đạt được những yêu cầu như họ muốn. Làm thế nào có thể diễn đạt sự hân hoan, hưng phấn tột độ đến với độc giả khi diễn tả một cơn đau không có thật. Chắc chắn một điều sau khi độc giả đọc hết câu chuyện này, điều mà tôi nhận được là cái mĩm cười chê bai, thậm chí bị nguyền rủa là một thằng nhà văn không bình thường. Người mà trước đây họ luôn ngưỡng mộ về văn phong ngôn tình. Những câu chuyện tình yêu rực lửa, những cảnh làm tình được đẩy lên tận đỉnh trong lối diễn đạt của tôi. Hay những bài viết hài hước kể về bao cái đổ đốn ngồn ngộn đầy rẫy trước mắt. Ơ hơ! Ba cái chuyện tình yêu đầy nước mắt hay chuyện kể về  sự chuyển động quằn quại trên tấm nệm dày được nện chặt mấy chục ký bông gòn và bọc bằng tấm ra trắng muốt nhưng ngai ngái mùi mồ hôi hợp chủng ấy lại dễ viết, dễ diễn đạt mà cũng dễ được độc giả hoan hô, tung hứng lên tận mây xanh. Những con số người truy cập vào một trang mạng nào đó nhảy liên tục đến chóng mặt và tôi được tôn vinh như là nhà văn tài năng của thời đại. Loại văn chương để viết cho những loại người Mari sến thật dễ dàng. Trong xã hội mà đạo đức suy thoái trầm trọng này thì  loại Mari sến nó lại có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Khi Mari sến phát triển mạnh mẽ thì tôi, hê hê! Tha hồ viết, tha hồ kiếm nhuận bút. Tha hồ mà kết bạn bè!

 

Nhưng bây giờ đây cái mộng văn chương để kiếm tiền đang bị tê liệt. Đau thắt ruột gan như khi tôi ngồi trước máy tính không gõ được chữ nào. Phải tìm cho ra nguyên nhân cái đau nó xuất phát từ đâu mới có thể trở lại như người bình thường. Nó xâm nhập từ bên ngoài cơ thể, nó chạy lòng vòng từ bên  này qua bên kia. Tìm ra nơi xuất phát của nó không khác gì Albert Einstein cô đơn một mình nổ lực trong suy tưởng, đi tìm chân lý chống bạo lực, bảo vệ hoà bình Thế giới.

 

Những hình ảnh trên trang mạng xã hội, thằng đàn ông ăn mặc rất mốt nằm dưới chiếc xe cáu cạnh như một cô gái đẹp nằm đè lên con bò đực khiến tôi buồn nôn

 

Chuyện người đàn bà tay cầm bịch rác ném qua bên kia đường, miệng chửi thằng cha hàng xóm sáng sáng dẫn chó qua nhà mình ỉa bậy. Hạnh phúc nhất của con người là đem cái xấu xa nhất của mình trút lên đầu người khác. Thôi, phân tích hạnh phúc một cách đơn giản, hồ đồ như thế còn chán hơn bọn trẻ con chơi trò trốn tìm. Vậy thì chúc mừng những con người có trạng thái hạnh phúc miên viễn như vậy vì họ còn trẻ con quá!

 

May mắn là tôi cũng còn một ít tần suất hạnh phúc chứ chưa phải là con người hoàn toàn bất hạnh. Hạnh phúc theo kiểu của tôi.

 

Cái máy hát của thằng nhỏ hàng xóm ra rả, tra tấn tôi. Giọng ồm ồm của cậu ca sỹ Mr. Hôi đang phục dựng lại dòng nhạc sến tưởng đã chết yểu từ mấy chục năm trước. “ Không! Tôi không còn yêu em nữa. Em wơi!”. Xót thật!  Cái gì cũng có thể đưa vào âm nhạc bằng những ca từ nghèo nàn. Đáng lẽ nó cần phải mang một ý nghĩa sang trọng hơn cho một lớp người quen sống trong xã hội phù hoa giả tạo này. Cần gì phải kéo dài lê thê những tiết tấu lẽ ra chỉ dùng trong những buổi kinh cầu hoặc trong đám tang. Những ca từ ấy phải chăng dành cho một lớp người có đầu óc ngắn cũn cứ tưởng như mình là nhà Bác học. Nó cộng hưởng với cơn đau của tôi để hành hạ cho thoả mãn mới chịu.

 

Buồn tình không thèm viết, xẹt qua trang mạng xã hội. Đọc bài thơ của một thi sỹ thất tình mà bật ngửa. “Buồn gì thúi ruột tôi ơi! Buồn bu kiến đậu dư hơi còn buồn” . Trời đất! Đã buồn mà ruột còn thúi nữa có lẽ xã hội này cần phải thêm nhiều công ty Vệ sinh và bạn bè tôi có nhiều có hội ứng cử vào chức lãnh đạo công ty rồi! Chán thật!

 

Những con người cô đơn bị hất ra ngoài vì một lý do nào đó, dù có là nhạc, văn, thi sỹ đang mang trong đầu ý tưởng hổ lốn của sự cô đơn, buồn chán lê thân đi tìm ngóc ngách của cái gọi là chân lý hiện thực. Họ đang trút nỗi sầu lên những ngôn từ thơ nhạc bằng cái sự sến. Như cô gái xinh đẹp phần nhiều có bộ óc ngắn. Lẽ thường là như vậy. Những cô gái không được xinh đẹp cho lắm thường có suy nghĩ  Bác học hơn. Sự đáo để, thông minh không đem lại hạnh phúc cho lắm. Đời là thế! Người ta hay chăm sóc cái mẻ ngoài bởi phần bên trong chẳng có được bao nhiêu và khi chăm chút cái phần trí tuệ thì lại chẳng mấy quan tâm đến cái bề ngoài. Vậy thì cái nào hợp quy luật cuộc sống hơn. Hay là cần quy tụ đủ cả hai thứ. Làm gì có cái chuyện mà Thượng đế hào phóng ban rộng rãi cho các cô gái như vậy. Được cái này phải mất đi cái kia đó mới là quy luật. Hãy nhìn những cô Hoa hậu đẹp như tiên giáng trần, thi phần ứng xử sẽ thấy những trận cười vỡ bụng bởi những câu đáp ngây ngô như bé gái mới tập nói. Đôi khi sự trong trắng ngây thơ ấy là vũ khí khiến cho ban giám khảo không biết đường nào mà lần.

 

A! Tôi là một người bệnh. Điều đó chắc chắn rồi! Tôi đang viết lan man và có cái đau vô hình. Vậy thì những suy nghĩ, phán xét một vấn đề không thuộc về quyền sở hữu của mình thật là hồ đồ phải không quý độc giả? Tôi cố gắng thuyết phục mọi người rằng mình là một người bệnh. Cố gắng chứng minh một cách hùng hồn bằng cách ngồi im lặng hằng giờ giữa đám đông hỗn mang, ồn ào.  Như có lần ngồi cùng với nhiều người, tôi đã nhìn thấy ông bạn mang danh nhà giáo nghiêm túc, đạo mạo thao thao về chuyện cái bao cao su OK. Vừa nói vừa móc trong túi ra cái được gọi là thành tựu khoa học của thế kỷ hai mươi nhằm ngăn chặn sự phát triển dân số như vũ bão trên thế giới. Ông ta chứng minh cho mọi người biết rằng cái bao OK này không đem lại khoái cảm cao nhất khi làm tình. Nó còn tệ hơn khi  đứng trên bục, trước đám nữ sinh cấp ba, giảng bài toán hàm số nhưng mắt lại xoáy vào  làn áo trắng mỏng tan, bên dưới cái cổ trắng ngần của cô nữ sinh ngồi bàn đầu lấp lánh đôi gò ngực cao như núi lửa. Kết thúc cái lý luận cao siêu mang danh nhà giáo của mình bằng cách gọi món Ba Ba rất tuyệt, để cuối cuộc nhậu rủ nhau vào nhà thổ. Gọi một em xinh đẹp đáng tuổi con gái mình làm cái chuyện giải quyết  mớ lộn xộn đang trào lên mạnh mẽ nơi phần dưới cơ thể. Vậy là triết lý bao cao su đã chiến thắng! Vị nhà giáo đạo mạo ấy vứt cái thành tựu khoa học của thế kỷ hai mươi vào thùng rác. Chọn một thành tựu khác, hiện đại hơn. Triết lý bao cao su lại thay đổi, bổ sung thêm. Theo ông Thầy đáng kính ấy thì cái loại OK bây giờ lạc hậu rồi!

 

Nhất định tôi là người bị bệnh! Phải tìm cách khống chế cơn đau vô hình này. Tôi muốn tìm một cảm giác đau khác để trấn áp cơn đau vô hình đang có cơ hội phát triển. Tôi nốc hai hai bia. Có chai rượu trắng bốn lăm độ bà vợ mua về nướng mấy con mực khô, để mỗi tối nướng lên rồi vừa xem phim Hàn quốc, vừa nhai ngấu nghiến như con nghiện nhai tàn thuốc lá. Nốc một cạn một ly cối. Thêm một phần tư nữa. Triết lý của bợm nhậu như thế nào tôi không biết chứ riêng tôi, sau khi hà một tiếng thật to khiến con chó sau nhà sủa um. Tiếp đó là nghe hơi nóng bốc lên từ  dưới ruột non trào lên tới cổ họng.

 

Cơn say nó làm giảm cái đau bên ngoài nhưng nó lại hình thành một cái đau khác. Khốc liệt hơn! Nó làm cho tôi như người mộng du và buộc tôi phải mở cửa bước ra đường ngay lúc ấy. Trạng thái tâm thần bất ổn trong lúc ấy. Tác dụng tức thì của cái thứ nước trong veo bốn lăm độ  là tôi tấp ngay vào cái gốc cây bên đường, vén quần lên. Nghe tiếng sè sè. Tia nước mạnh đến nỗi văng xoè như pháo hoa bảy màu dưới ánh đèn xe. Bây giờ thì nỗi đau rõ ràng rồi. Nó đau hơn nỗi đau vô hình. Tiếng ong ong trong đầu như bọn ve rủ nhau đục khoét lớp vỏ sọ.

Tôi lan man!

Làm tình là một khái niệm tự nhiên. Như nhu cầu ăn uống. Tần suất tỉ lệ nghịch với tuổi tác. Triết lý làm tình mỗi tuần một lần có lẽ còn thua xa người Mỹ nhiều lắm. Đòi hỏi như vậy làm sao được khi chúng ta dù có cải thiện giống nòi ngàn năm nữa cũng không thể nào đuổi kịp họ, khi mà mỗi ngày họ cần đến ba mươi phút cho cái việc làm thoả mãn cái thú thứ ba trong tứ khoái.

 

Tôi muốn làm một vị Tu sĩ rao giảng đạo đức làm người hơn là mãi suy nghĩ, so đo về cái chuyện làm tình của người Mỹ. Điều này nằm ngoài khả năng của tôi vì các vị Tu là những bậc được người ta tôn kính. Còn tôi là kẻ phàm phu tục tử chuyên ăn cục nói hòn. Có cơn đau đeo lơ lững trước mặt cũng không giải quyết được thì làm sao trở thành con người uy nghiêm được. Các bậc Hiền triết dạy “ Con người cứ lặn ngụp trong bể khổ” Nhưng lại không đưa ra được lối thoát cho người đời. Vậy thì khi họ nói “ Đời là bể khổ” chúng ta chỉ còn biết gật đầu chấp nhận rồi lặn ngụp trong cái bể khổ ấy.

Cơn đau lôi tuột tôi ra ngoài hè phố, con đường dẫn đến quán nhậu quen thuộc cùng những người bạn lâu niên. Tôi tấp vào ngồi bên cạnh với mấy nguời đàn ông có thân hình ục ịch hay cười hô hố. Trong cơn đau bên trong tôi nhận ra có tiếng nói ồ ồ của một người quen. Ông bạn đang thao thao kể về câu chuyện người đàn ông thích ăn xôi gà. Bà vợ   đưa ông chồng đi ăn món này trong ba ngày liền. Vậy là cái món bất hủ nhất đời ấy tràn ra ngoài cổ họng. Ông này đem cái triết lý xôi gà ấy ra áp dụng với mụ vợ xinh đẹp. Cái gì ăn hoài cũng chán!

Tôi im lặng xoa hai đầu gối của mình. Thói quen khi tôi tập trung vào một điều gì, một vấn đề nào đó, điều này cũng là một triệu chứng bệnh

Tôi ngoặt xuống bờ sông. Đứng bên cạnh bức tượng nàng mỹ nữ khoả thân. Vài người đàn ông đang  ngắm say sưa đôi vú chuẩn của nàng vệ nữ. Có ông già sáu mươi đưa tay vân vê cái núm bằng đá nhỏ như hạt đậu, khuôn mặt toát lên sự đam mê xác thịt. Như muốn ôm chầm lấy bức tượng. Muốn cưỡng bức nàng tiên nữ có nước da láng bóng màu trắng mây để làm chuyện vợ chồng. Những xáo trộn , giằng xé hiện rõ nét trên đôi mắt đờ đẫn của người đàn ông. Có lẽ trong ông ta đang cuộn lên cơn ham muốn khiến ông ta đê mê, ngây ngất đến nỗi quên hết những gì đang xảy ra chung quanh. Tôi  quan sát bức tượng từ phía sau người đàn ông. Đôi mắt bức tượng u buồn, phiền muộn. Đôi mắt ngàn thu che nỗi cô đơn thần thánh. Bên trong cặp vú xuân thì kia có dòng máu đang cuộn chảy mãnh liệt. Nó trào lên khoé mắt nàng một chất ươn ướt như là nước mưa từ mái tóc mềm mại bằng đá cẩm thạch. Thân thể nàng mỹ nữ, hiện thân của sắc đẹp và tình dục gợi tôi nhớ  những gì sách vở đã dạy. Người đàn bà luôn giữ cái chức năng sinh sản nhân loại. Phần giữa thân đã được nghệ nhân tế nhị bắt nàng mỹ nữ phải khép kín đôi chân lại. Che bang một tấm vải mỏng. Nhưng cái quý nhất giá nhất của người phụ nữ vẫn lồ lộ bên trong tấm vải kia nhờ vào sự tài ba của nhà điêu khắc. Nơi mà những người đàn ông vạm vỡ hay yếu ớt. Thông minh hay ngu đần . Giàu có hay nghèo hèn đều được sinh ra cùng một nơi giống nhau để rồi họ thèm khát cái nơi giống như nơi mình đã sinh ra. Đi lại trên cái vòng tròn luân hồi. Lại hình thành một linh hồn khác từ những cuộc mây mưa điên loạn hay từ một cuộc vồ vập, cưỡng bức. Có thể hoài thai từ sức mạnh của nỗi cô đơn.

 

Đôi mắt mỹ nữ nhìn xuống khuôn mặt người đàn ông si mê. Có phải đôi mắt ấy được tạo ra để thấu hiểu tất cả những ai đối diện, thậm chí từng bước chân thầm đang chuyển động phía trước. Đôi mắt hiền lành và bí ẩn chứa một chút bao dung. Nhưng nụ cười của mỹ nữ có vẽ liêu trai một cách lạ lùng và không biểu lộ sự âu lo nào. Có tiếng đồng vọng âm âm như tiếng gió rít ngang qua vành môi hé mở gợi tình khiến cho người đàn ông đang mê đắm nhìn bộ ngực dậy thì  giật thót. Đó là do tôi tưởng tượng vậy thôi chứ thật ra tiếng u u ấy phát ra từ kẻ răng của gã đàn ông đang giống như kẻ nhập đồng, như có một siêu hình sai khiến. Khuôn mặt ông ta đờ đẫn, đặc quánh, há miệng như muốn nuốt chửng cặp vú của bức tượng mỹ nữ.

Nhưng thực là có tiếng rít khe khẽ phát ra từ cái miệng xinh đẹp của nàng mỹ nữ. Tiếng âm âm u u ấy không phải là khúc thức diệu kỳ làm xiêu hồn nhưng cũng khiến cho tôi như hoá đá vào lúc ấy. Một âm thanh bí ẩn, kỳ diệu không phải ai cũng có thể nghe được.

 

Một thân thể gợi tình bằng đá cẩm thạch khiến cho những gã đàn ông dù có máu lạnh cũng phải ngước nhìn. Phải chăng đây là ý đồ của con người tài hoa đã tạc ra bức tượng và đặt ngay cái chổ đông người này làm giảm đi sức nóng của những cái đầu hâm hấp.

 

Có những thứ biến mất như sự thay đổi cái khác mới mẻ hơn. Như thế hệ này qua đi nhường lại cho một thế hệ khác trẻ trung năng động hơn. Đó là quy luật của vật chất. Sinh ra, hao mòn, biến mất để rồi được sinh ra lần nữa..Nhưng cái thuyết luân hồi thì tôi không tin lắm. Kể cả những phép lạ, những điều bí ẩn hay huyền bí nó có tồn tại hay không tôi cũng không dám chắc vì sự hoài nghi của mình. Ngay bây giờ thì tôi không thể tin vào bất cứ điều gì. Làm gì có khái niệm trường cữu. Cuộc sống vốn bất thường. Dù có đôi khi sự hoang tưởng rong ruỗi trên những con đường mà cuộc đời đã đẩy lùi về phía sau, tôi cố gắng tìm một chút lòng tin cho sự vĩnh cửu thì nó cũng chỉ có thể có trong những câu chuyện tôi viết mà thôi. Chẳng biết như thế nào. Đó cũng chỉ là những âm vang dòn tan của sự đổ vỡ như một  nghi thức quái dị khi cầm viết những điều trái với quy luật. Sự tồn tại vĩnh cữu! Có lẽ là thói quen hoài nghi triết học đã quy định nên lúc này tôi chỉ tin vào sự sắp đặt của Thượng đế thông qua bức tượng khoả thân mỹ nữ đang đứng bất động trước mặt, hai tay vòng trước ngực, nâng cao hai cái vú căng tròn kia. Trước cái miệng há hốc của người đàn ông sáu mươi tuổi.

 

Tôi quay về gần đến nhà.Trời mưa rắc hạt. Mùi khăm khẳm bốc lên từ mặt đường. A! cái mùi quen thuộc dễ gặp trong cái thành phố triệu tám dân chen chúc nhau. Mấy  gốc cây chó hay người khi bí quá cũng  có thể tấp vào vén quần lên tè thoải mái. Mà không! Loài chó thì khác người ở cái chổ không cần phải e thẹn gì. Chỉ cần dỡ chân lên là có thể làm được việc giúp cho cái cây kia thêm phần tươi tốt.

 

Cơn đau cứ dằn xé thân thể tôi đến nỗi không còn chịu đựng được. Một lần nữa tôi phải tìm đến vị Bác sỹ đáng kính chuyên khoa thần kinh, trình bày cái đau bên ngoài cơ thể tôi như thế nào. Đến phòng khám hơi trể nhưng tôi may mắn xin được cái số thứ tự cuối cùng. Số ba mươi lăm với cái giá  tám mươi ngàn đồng cho mười phút khám cái bệnh không có thật của tôi.

 

Vị Bác sỹ đeo cặp kính dày cộp có thân hình đồ sộ vì suốt ngày ít được vận đông. Sau khi nghe lời kể lể của tôi, Bác sỹ nói: “ Cậu làm nghề gì” .” Thưa Bác sỹ! Nhà văn!” “ A! Vậy à! Vậy thì cậu chả có cái đau nào hết! Tôi cũng đã từng có thời như cậu rồi. Đó là lúc nhìn đâu cũng thấy bi quan. Thôi về đi! Kiếm cái gì đó mà làm hơn là ngồi viết ba cái điều vớ vẫn”. Tôi cãi lại tay Bác sỹ:

 “ Tôi đau thật mà, Thưa Bác sỹ! Cái đầu lúc nào nó cũng ong ong như có hàng ngàn con ong nó chích!”

-Tôi nói rồi! Cậu đếch có bịnh hoạn gì hết! Đó là tôi chưa muốn nói khoẻ như voi. Sức cậu có thể quật ngã mỗi ngày hàng tá cô gái mơn mỡn.

Lão Bác sỹ và tôi tranh cãi với nhau kịch liệt. Trông dáng vẽ ông mệt mõi vì sự bướng bĩnh của tôi. Duy lý của ông nhất định cho tôi là một kẻ thần kinh. Những lập luận khoa học chặt chẽ của lão ta cho rằng tôi nhất thiết phải đi nhà thương điên để khám cái đầu bất thường của mình. Nhất quyết không quan tâm những lời ta thán của tôi rằng tôi đang bị một cơn đau vô hình hành hạ.

-Này! Tôi nói cho cậu biết tôi là một Bác sỹ chuyên khoa. Tôi không phải là người thích đùa.

 

-Tôi đau từ ngoài đau vô trong. Thân xác tôi thì tôi phải biết chứ! Thưa Bác sỹ!

-Bệnh tình của cậu chỉ là ảo giác!  Thần kinh cậu có vấn đề rồi! Viết mấy cái điều vớ vẫn nên nó thâm nhập vào não khiến tâm thần bất ổn.

-Tôi luôn đau khắp thân thể. Tôi biết mình không có vấn đề gì về thần kinh.

-Tôi là bác sỹ! Chắc chắn cậu bị thần kinh rồi! Tôi sẽ ghi vào hồ sơ bệnh án và đề nghị chuyển cậu lên bệnh viện thần kinh. Có thể bệnh của cậu là một bệnh lạ! Biết đâu cậu là người đầu tiên đóng góp cho nền y học thế giới khám phá ra một căn bệnh của thế kỷ.

Mắt tôi đang bị những dư ảnh màu xanh nhạt xoay tít mù theo quỷ đạo trục elip. Tôi hét lên:

-Tôi chả có vấn đề gì về thần kinh cả. Đồ điên ạ!

-Vậy thì tôi chịu! Một nhà khoa học như tôi, cậu còn không tin thì..về nhà kiếm cái gì mà ăn đi rồi chờ ..! Cút xéo ra khỏi đây ngay! Mất thì giờ!

Tôi đứng dậy bước ra cửa, ném cái nhìn hằn học vào mặt lão Bác sỹ:

-Mẹ kiếp! Đồ dơi hút máu!

Tôi không còn ý định đi tìm nguyên nhân bệnh tật của mình nữa. A! Cái tên Bác sỹ láo toét kia chỉ được cái mò mẫm đoán bệnh lấy tám chục ngàn. Không biết kiến thức lão ta học hành mấy chục năm vất đi đâu mất mà chỉ còn lại cái lương tâm y học tính bằng tiền trên mỗi tấm thẻ ghi chữ số thứ tự. Số ba mươi lăm! Tám mươi ngàn đồng Việt Nam! Không tính tiền thuốc bán ngay tại phòng khám. Ba trăm hai mươi bảy ngàn. Làm tròn số thành ba mươi. Đó là chưa kể nếu tôi không có tờ giấy bạc hai chục ngàn kèm theo tờ mười ngàn ở dưới. Nếu không sẽ mất toi thêm hai chục nữa. Mấy viên thuốc không nhãn mác, xuất xứ từ cái lò dược nằm ngay phía sau ngôi nhà bề thế năm tầng lầu. Lần khám trứơc lão ta bắt tôi tọng vô họng mỗi ngày mười tám viên. Khi cái bụng sôi sùng sục, nhào nặn cho mấy viên thuốc toàn bột gạo ẩm mốc kia theo cả chục mét ruột non tống ra ngoài cửa hậu thì cái bụng mới chịu  nằm yên. Không còn tiếng rột roạt, ùng ục sôi lên như núi lửa chuẩn bị phun trào.

 

Như vậy xem như kết luận đã rõ. Bệnh của tôi vô phương cứu chữa. Chỉ còn một cách duy nhất là nhờ đến Thần linh. Mà Miếu mạo, đền đài thì tôi rất ngại đến. Nhỡ có những hành động vô ý xúc phạm đến đấng bề trên sẽ mang tội bất kính.

 

Về nhà lên gác xép tìm lại tấm gương có từ thời ông Nội tôi để lại .Đó là tấm gương cổ đã có từ bao giờ trong căn nhà này tôi cũng không rõ. Chỉ biết rằng tấm gương được truyền lại nhiều đời. Tôi đang có suy nghĩ nhờ đến tấm gương này như một cứu cánh cuối cùng chửa khỏi cơn bệnh bên ngoài cơ thể. Ba tôi nói mỗi lần có điều gì khó khăn, bứt rứt không giải quyết được, hãy lấy tấm gương ấy ra soi lại mình thì sẽ giải quyết được vấn đề. Tôi chưa bao giờ phải cần đứng trước tấm gương ấy, trừ lúc này đây. Ba tôi gọi đó là tấm gương bản ngã. Nó đã nhiều lần giúp Ba tôi tỉnh táo sau những cú sốc trong đời. Mà đời này thì thiếu gì cú sốc! Tôi kéo bức màn phủ kín mặt gương đã ố vàng, củ kỷ treo trên tường rồi đứng soi mình. Một gã đàn ông xa lạ đang nhìn tôi chằm chằm. Tôi bỗng sợ hãi! Nỗi hốt hoảng dâng lên ngập tâm não. Người tôi cứng đờ. Trong gương đang phản chiếu lại hình ảnh một gã đàn ông râu ria xồm xoàm. Có phải đó là cái bản ngã của tôi đây sao? Tôi cạo râu mỗi ngày, tắm táp đôi ba lần trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ mà sao hình ảnh trong gương lại hiện lên con người bạc nhược, thiếu sinh khí đến như vậy. Bản ngã là cái gì? Tôi cố gắng lục lọi trong trí nhớ mình một vài ý nghĩ giải thích cho cái gọi là cứu rỗi tâm hồn từ tấm gương củ kỷ này, nhưng không thể nào tìm ra câu giải đáp. Đằng sau con người râu ria xồm xoàm kia, ký ức quay về một thời xa xôi.  Tôi chờ điều kỳ diệu xảy ra khi soi gương. Tôi nóng lòng muốn biết bản ngã cuả mình. Nhưng điều muốn biết ấy là một lão già ốm yếu, bệnh hoạn. Điều tôi muốn nhìn là một con người đàn ông mạnh khoẻ, yêu đời chứ không phải là cái gã trong tấm gương củ kia. Tôi muốn tìm về quá khứ ngọt ngào và lẫm liệt một thời chứ không phải cái hiện tại tồi tệ trước mắt.

Đầu óc tôi lẫn lộn những hoài nghi. Tình yêu, hạnh phúc là một khái niệm mơ hồ. Nó chỉ là một từ hỗn tạp ghép nghĩa cho suông. Bao dung, dối lừa,chung thuỷ, tri ân, yêu thương, hận thù, ganh tị, ái ân, lãnh đạm…Những trạng thái tình cảm ấy còn đó hay mất đi ý nghĩa của nó. Có lẽ là đã mất đi từ khi cơn đau bắt đầu hành hạ tôi. Khoái cảm lạc thú hay nỗi cô đơn cũng mất đi. Nhưng sao tôi vẫn ao ước được trở lại những ngày bình thường của cuộc sống và van xin cơn đau không còn hành hạ tôi.

 

Tấm gương bản ngã hiện lên những hình ảnh hiện thực. Tôi nhận ra những nơi tôi đã đi qua, những con người đã gặp. Một vài người quen. Đó là những con người đã từng giúp tôi vượt qua tháng ngày khó khăn nhất. Tất cả họ đều có khuôn mặt nhân từ nhưng lại gầy nhom. Họ cười với tôi trong gương. Hình ảnh người lính đẩy tôi ngã nhào xuống công sự khi nghe tiếng rít trên đầu. Sau đó tôi và nhiều người nữa phải khó nhọc lắm mới làm được nghi thức là nhặt từng miếng thịt nhầy nhụa của con người trước đó ít phút đã cùng tôi chia nhau điếu thuốc. Cái nghi thức buồn bã mà Thượng đế không thể bao biện cho sự dã man đã ban cho con người này.

 

Trong gương hiện ra hình ảnh cô gái mười bảy tuổi. Một buổi trưa mùa Hè đứng tại bến xe miền đông, hai mắt đỏ hoe rưng rưng, xúc động cầm tay tôi, dúi vào tờ giấy bạc cho tôi đủ sống vài ngày. Khuôn mặt xinh đẹp nhoè nhoẹt nước ấy  ám ảnh tôi mãi cho đến sau này. Thiên thần trong buổi trưa hè rực rỡ trong nước mắt cuốn tôi về một nơi khác.

 

Tôi nhận ra nơi tấm gương ố vàng khuôn mặt úc núc của người đàn ông đang cười ha hả, cục thịt dưới cằm rung rinh. Kể câu chuyện tiếu lâm tục tỉu. Đến cao trào, hai mắt ti hí  nhắm nghiền lại thích thú. Chung quanh là những người đàn ông trông có vẽ giàu có uy quyền ngồi há miệng thích thú bên cạnh mấy cô gái ăn mặc nữa kín nữa hở, da thịt còn thơm mùi lúa chín, chân còn lấm bùn đất. Ngã ngớn trên vai, trên đùi nhão nhoẹt mỡ của mấy gã đàn ông thác loạn.

Tấm gương bỗng nhoà đi, xoá hết các hình ảnh đã chiếu qua. Một cảnh mờ khác lại xuất hiện. Hình ảnh người đàn ông tật nguyền ngồi trên chiếc xe đạp ba bánh, dồn hết sức trên hai cánh tay để quay hai bàn đạp. Chở đằng sau  bà mẹ bại liệt. Cả hai mẹ con lúc nào trên môi  cũng nở nụ cười.

Lại hình ảnh khác hiện lên. Từng bậc tam cấp dẫn lên một ngôi chùa trên núi cao có hàng trăm người tật nguyền đang nằm ngồi. Họ đưa những cánh tay yếu ớt ra xin của bố thí dưới những bước chân khách hành hương. Khách thập phương lủ lượt kéo về đây trong dịp lễ Vu lan. Những con người sang trọng, quý phái. Đi xe hơi đời mới. Phụ nữ mặc những chiếc váy màu sắc còn đàn ông trong những bộ vét trang trọng. Họ đang sì sụp cầu nguyện.

Tấm gương bản ngã bỗng nhoè đi một lúc. Định thả bức màn che tấm gương lại thì hiện lên một hình ảnh mờ nhạt rồi từ từ sáng tỏ dần. Hình ảnh một vị tu sỹ đang trong tư thế ngồi thiền. Hai mắt nhắm tít. Bên cạnh là một mỹ nhân khoả thân đang có những cử chỉ khiêu khích. Hình ảnh ấy hiện lên thật nhanh rồi tắt lịm.

Đó là cảnh cuối cùng tôi nhìn thấy được từ tấm gương bản ngã.

 Cứ tưởng tôi không thể chịu đựng được cơn đau vô hình. Cơn đau quặn lên mạnh mẽ rồi tắt ngấm. Tôi vừa thoát ra một cơn đau dai dẳng từ nhiều năm trước. Tấm gương bản ngã đã chữa cho tôi dứt khỏi cơn đau bất trị tưởng chừng như  không thể.

Thì ra cuộc đời này gồm những hỉ nộ ái ố mà con người sống trong đó phải chấp nhận.  Tôi bắt đầu viết lại từ những dòng đầu tiên. Một truyện ngắn mới sẽ mang đến cho người đọc những điều mới mẻ hơn. Điều mà tôi mong muốn ở độc giã là sự chấp nhận. Nó là cơn đau có thật chứ không vô hình như tôi đã trãi qua một thời gian dài.

 

Bùi Thanh Xuân
Số lần đọc: 2686
Ngày đăng: 10.10.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lội về phía không bờ - Ngọc Vinh
Khi niềm tin đỗ vỡ - Đinh Lê Na
Gã bịp - Phạm Văn
Biển lại hiền hòa - Nguyễn Văn Anh
Mong manh - Hướng Dương
Cụm hoa cúc sao - Võ Công Liêm
Chữ Thầy - Trương Quang Cảm
Buổi sáng X - Nguyễn Đạt
Ngã ba đường làng - Ngô Thị Ý Nhi
Bí ẩn đời sống - Nguyễn Hồng Nhung
Cùng một tác giả
Thiên thu (truyện ngắn)
Cơn đau vô hình (truyện ngắn)
Tôi đi dạy bổ túc (truyện ngắn)
Thiên thu 3 (truyện ngắn)
Về với Mẹ (truyện ngắn)
Game CANDY CRUSH SAGA (truyện ngắn)
Hoa sứ đỏ (truyện ngắn)
Cô Ba (truyện ngắn)
Tiếng còi tàu (truyện ngắn)
Hai chiếc lồng đèn (truyện ngắn)
Những bậc cầu thang (truyện ngắn)
Cầu hồn (truyện ngắn)
Chuyến tàu cuối năm (truyện ngắn)
Một đêm trăng (truyện ngắn)
Hạt nút thứ năm (truyện ngắn)
Hãy tha thứ cho tôi (truyện ngắn)
Ván game cuối (truyện ngắn)
Rét nàng Bân (truyện ngắn)
Khoảnh khắc (truyện ngắn)
Con bẻm (truyện ngắn)
Khoảng lặng (truyện ngắn)
Cỏ dại hồi sinh (truyện ngắn)
Cơm mẹ nấu (truyện ngắn)
Chiếc lá cuối cùng (truyện ngắn)
Cái ống thổi lửa (truyện ngắn)
Đợi (truyện ngắn)
Mùi hoa vạn thọ (truyện ngắn)
Chiếc áo màu gạch (truyện ngắn)
Hai miếng vá (tạp văn)
Cô gái người hoa (truyện ngắn)
Hoa tím bao giờ nở (truyện ngắn)
Chiếc trống lủng (truyện ngắn)
Hẻm mười ba (truyện ngắn)
Con vịt lông nâu (truyện ngắn)
Cho mẹ nghe mùi tết (truyện ngắn)
Nhớ mẹ (truyện ngắn)
Cúng cơm cho mẹ (truyện ngắn)
Tệ thiệt (truyện ngắn)
Người mẹ mù (truyện ngắn)
Cho đời vui (truyện ngắn)
Cho mẹ nghe mùi tết (truyện ngắn)
Con chó Dove (truyện ngắn)
Nhà mình (truyện ngắn)