Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
341
116.591.000
 
Đọc Lại Truyện Kiều-2
Hiếu Tân

4. Tu là cỗi phúc, tình là dây oan

 

“Tu là cỗi phúc, tình là dây oan” lời phát biểu của sư Tam Hợp đúng là tư tưởng đạo Phật, có lẽ cũng là suy nghĩ của chính Nguyễn Du. Lý trí nghe Phật dạy “tình là dây oan” là ái dục là vô minh che lấp bản thể, nhưng trái tim nghệ sĩ lại rung động sâu xa để viết lên những dòng thơ tả tình đẹp đến nao lòng, với những xúc động ngọt ngào gợi lên hạnh phúc đích thực của tình yêu trần tục.

 

Lựa chọn của Kiều giữa TU và TÌNH : Sau khi được cứu vớt, cùng Giác Duyên ở lều tranh bên sông Tiền Đường, với Kiều, tu là chuyện đương nhiên, nhưng trước đó Kiều đã có đến hai cơ hội để tu.

 

Lần đầu ở nhà Hoạn Thư, qua tờ thân cung nàng xin nhờ cửa Không, đã được chấp thuận cho ra ở Quan âm các, kiểu tu hành thật là sang trọng. Nếu nàng thật khôn ngoan và tỉnh táo, thì phải đủ sức cắt hẳn mối tình vô vọng ấy, và sự thể chắc đã khác. Nhưng mối tình với Thúc Sinh, một mối tình đã khiến Nguyễn Du viết nên những câu thơ đẹp nhất trong văn chương Việt

 

(Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san /

Dặm hồng bụi cuốn chinh an,

trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh..

Vừng trăng ai xẻ làm đôi /

 nửa soi gối chiếc, nửa soi dặm trường,

 

hay :

 

Long lanh đáy nước in trời,

thành xây khói biếc non phơi bóng vàng..)

còn quá nặng, quá ám ảnh, tâm trạng nàng những là “nhân duyên đâu lại còn mong?” còn tiếc lắm, còn đau lắm, đến nỗi “Phật tiền thảm lấp sầu vùi”, vẫn “nói lời trước mặt, rơi châu vắng người” Chủ tâm Hoạn Thư không phải muốn hành hạ Kiều, mà chỉ muốn cách ly Kiều khỏi Thúc Sinh. Nhưng chính sự chia cắt ấy đối với Kiều mới là đau đớn nhất. Đến khi có cơ hội lén gặp nhau, thì “nói rồi lại nói, lời chưa hết lời”, để lúc bị Hoạn Thư bắt gặp mới hốt hoảng đến thế, mới tính bài chạy trốn. Kiều xin Thúc Sinh “liệu bài mở cửa cho ra” nhưng cách cửa ấy Hoạn Thư đã mở rồi mà Kiều không biết. Đây chính là lúc tình che mờ trí, đến nỗi không chỉ Thúc Sinh thấp cơ thua trí đàn bà mà cả Kiều cũng thua!

 

Lần thứ hai tu ở Chiêu ẩn am với Giác Duyên thì bị chính Giác Duyên vì quá khiếp sợ trước uy quyền nhà họ Hoạn mà vô tình đẩy vào tay họ Bạc.

 

Trong suốt quãng đời chìm nổi, thân phận Kiều đã gợi được niềm thương cảm của nhiều người, nhưng Kiều ít có dịp thể hiện lòng từ bi của mình với người khác. Vụ báo ân báo oán khi Kiều được tựa lưng vào quyền lực của Từ, đã gây thêm nghiệp xấu. Người ta thường đọc xuôi theo truyện Kiều “Đạo Trời báo phục,” “Lồng lộng trời cao, hại nhân nhân hại” rồi “trước sau trọn vẹn xa gần ngợi khen” để cho hành động báo ân báo oán ấy một danh nghĩa cao đẹp: thực thi công lý, thoả mãn nỗi khát khao công lý của chúng dân, mà không nhận ra rằng nó chỉ thoả mãn cá nhân nàng Kiều. Lẽ ra, sau bước chuyển biến to lớn của số phận- kết duyên cùng Từ Hải, và sau chừng ấy thời gian, Kiều đã có thể quên đi mọi hận thù để chỉ giữ trong lòng niềm thương nhớ cố hương và ước ao đoàn tụ. Nhưng nàng đã để nó đè nặng trong lòng đến nỗi chỉ sau khi có đầu rơi máu chảy, bể oan mới “dường đã vơi vơi cạnh lòng”. Hai chữ “khư khư” của bà Tam Hợp nói về Kiều đâu chỉ đúng với chữ Tình. Cái “phiên toà” mà Kiều làm chủ, nghĩa là sẽ gánh hết trách nhiệm ấy, nếu đúng, chưa chắc đã hay, thế mà còn có lầm, khi cho tuốt tuột từ Tú Bà đến Ưng Khuyển chịu chung một tội hình. Sai lầm ấy từ cõi lòng sân hận quá đỗi mà ra. Ngay cả việc đem ngàn vàng để trả ơn bát cơm Phiếu mẫu, và những lời đối đáp với Hoạn Thư chỉ bộc lộ rõ cái ngã mạn của Kiều. Câu nói chối tai nhất thốt ra từ miệng Kiều là câu “Xem cho rõ mặt biết tôi báo thù” và hành vi kỳ lạ nhất là mời sư Giác Duyên chứng kiến cuộc báo thù ấy! Nếu sau này có lúc nhờ Phật mà “túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi” thì Kiều nên nghĩ lại để nhìn Tú Bà hay Ưng Khuyển, Thúc Sinh với cùng tấm lòng từ bi độ lượng như nhau. Sau cuộc báo oán, Kiều đã lạy tạ Từ Hải đến câu “Dễ đem gan óc đền nghì trời mây” nhưng rốt cuộc nàng Kiều có tiếng là “ân oán rạch ròi”,“trước sau trọn vẹn” ấy chỉ làm được cái việc cầu xin một nấm đất cho cái xác tàn của Từ, một việc mà nếu chứng kiến chắc Từ phải chết đến lần thứ hai. Nhưng ta cũng phải thể tất cho Kiều, trong tay Từ Hải và trong tay Hồ Tôn Hiến là hai hoàn cảnh khác nhau, với Từ là có tự do và có cả quyền lực nữa, còn với Hồ thì nàng có gì?

 

5. Đoàn viên và chuyển nghiệp

 

Có hai loại ý kiến khác nhau về các giải pháp có thể có cho số phận Kiều trong truyện: “kết thúc ở sông Tiền đường” hay “tái sinh và tài hợp”. Giải pháp nghệ thuật “kết thúc ở sông Tiền đường” là ý muốn trung thành với lôgích của hiện thực, đó là tâm trạng phải chấp nhận thực tế, dù nó cay đắng thế nào. Câu chuyện Giác duyên vì biết được mệnh trời mà đón vớt nàng Kiều khó được những người có đầu óc thực tế chấp nhận. Giải pháp “tái sinh và đoàn viên” thể hiện ước mong, hy vọng thiết tha của tác giả và người đọc. Hy vọng, ước mong có đem đến giải thoát thực sự hay không lại là chuyện khác. Ở đây tác giả đưa yếu tố phi thực vào là do quá thương yêu con người, không nỡ nhìn nàng mãi đau khổ và không muốn kết thúc truyện trong bế tắc nên bằng tưởng tượng của mình đã mở ra lối thoát. Triển khai ý niệm đoàn viên, tác giả lại mở ra một hướng hiện thực mới, hiện thực của Tâm hồn. Giải pháp này phản ánh quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Du (đúng hơn là của Thanh Tâm tài nhân - ta luôn luôn thấy Nguyễn Du chỉ diễn đạt các sự kiện bằng bút pháp và cái tâm của riêng mình, không có ý định sửa đổi nguyên tác).

Về tác nhân chuyển nghiệp, Thái Kim Lan cho rằng:

 

Cho dù với hành động đó cuộc đời lưu lạc giang hồ của nàng Kiều bắt đầu, nhưng „hiếu tâm“ của nàng đã trở nên một trong những điều kiện cho „phúc sau dồi dào“[2].

 

Ý Thái Kim Lan muốn nói đến chữ nghiệp trong hiện tại, đây là một ý niệm siêu hình không thể kiểm chứng được mà phải nhờ cậy đến niềm tin tôn giáo.

 

Hành động hiếu (bán mình) của Kiều là điều kiện để cứu gia đình khỏi tai vạ nhất thời.Trước khi tai vạ xảy ra, đang là MỘT NHÀ êm ấm. Sau thời điểm ly tán ấy “người đàn ông” Kim Trọng một tay cáng đáng, khôi phục, nâng đỡ gia đình trong suốt 15 năm qua cảnh ngặt nghèo; Kim cùng bốn người nhà họ Vương luôn đi cùng một nẻo, còn Thuý Kiều lưu lạc nẻo khác. Khi đoàn viên, lại hợp MỘT NHÀ

 

“Một nhà phúc lộc gồm hai

 

Chữ Phúc ở đây phải hiểu theo hai nghĩa: giàu sang vinh hiển trong cõi tục hay niềm hoan lạc của tâm linh đã được giải thoát? Đạo Phật cho rằng nghĩa thứ hai cao hơn nghĩa trước. Chúng tôi nghĩ rằng ở đây gồm hai cảnh: Kim-Vân hưởng giàu sang vinh hiển, do thành quả công lao của Kim. Kiều vui với cái tâm đang tìm đến Niết bàn (Chẳng tu thì cũng như tu mới là) sau khi đã bén mùi thiền. Bởi vậy “hợp” mà không “hợp” và theo nghĩa của đạo Phật, đó mới là “điều kiện của phúc sau dồi dào” Hãy thử tưởng tượng nếu cả nhà không tìm được Kiều? Thì vẫn cứ “phúc lộc, quan giai lần lần” dù nhớ thương khôn nguôi! hay nếu như Kiều cũng theo thói thường trở về với tục? Thì câu chuyện sẽ chẳng còn gì để nói!Vậy thì ở đây là chuyển nghiệp hay chuyển tâm?

 

Theo Thái Kim Lan:

 

“ Nguyễn Du muốn gửi gắm điều gì trong đoạn cuối này, điều gì có thể làm nền tảng cho cuộc sống đoàn viên, cho sự hòa hợp hòa đồng của những con người sống chung với nhau dưới một mái nhà, hay nói theo thuật ngữ chuyên môn: nguyên tắc chung sống hòa bình giữa con người với con người”  [2 ]

 

Đặt vấn đề hoà bình và hoà hợp giữa Kiều với Kim Trọng và gia đình- những người suốt đời thương yêu Kiều, từ trước đến sau luôn luôn chấp nhận nàng không một điều trách cứ, thì thật lạ kỳ. Nếu muốn nói đến hoà bình hoà giải đại đồng thì phải nói đến những ai kia, vì trong đời nàng thiếu gì kẻ thù?

 

6. Không và Thiền

 

Với cảm hứng dạt dào Thái Kim Lan say sưa nói đến trình độ cao của tư tưởng Phật học Nguyễn Du qua Long Thọ (Bát nhã) Huệ Năng (Thiền tông), trích dẫn cả Mãn Giác Thiền sư đến Lương Chiêu Minh Thái Tử phân kinh thạch ðài, để biết rằng Nguyễn Du đã nghìn lần đọc kinh Kim Cương. Nhưng vấn đề là tư tưởng Phật học ấy được biểu hiện trong Truyện Kiều như thế nào? Tiếc thay khi cho rằng tư tưởng cao siêu ấy thể hiện qua ý niệm đoàn viên, “là cơ hội diệt khổ, là cơ hội sự thực hiện giải phóng khổ đau toàn diện nằm trong hai diệu đế sau „diệt và đạo“…

 

“ là ý niệm của sự nối tiếp( mùa xuân tiếp sau mùa đông), như „đêm qua sân trước một nhành mai“

 

“ là ý niệm nhân quả toàn vẹn, là cánh cửa mở ra Niết bàn trong hiện tại”…

thì những lời bình ấy vẫn chỉ là nhã hứng của người viết, trong sự liên hệ với những ý niệm về Phật và Thiền, mà không phải bật lên từ chính hình tượng trong truyện Kiều. Cảnh tượng đoàn viên, xét cho cùng, cũng chỉ là cái kết thúc có hậu giống như trong Nhị Độ Mai, Lục Vân Tiên, Hoa Tiên, Tấm Cám, Phạm Công Cúc Hoa..Tư tưởng Thiền tông hay Bát nhã của Nguyễn Du thể hiện ở đâu khác, chứ không phải trong Truyện Kiều.

 

Thái Kim Lan đã lấy Nguyễn Du ngoài Truyện Kiều để bình về Truyện Kiều. Những cảm nghiệm về Phật và Thiền được mang từ ngoài vào khi đọc Kiều.

 

Thái Kim Lan nói nhiều đến khát vọng đoàn viên trở nên một bản ngã thứ hai của nàng Kiều, cho khát vọng ấy là điều kiện tái sinh tái hợp, là điều kiện giác ngộ của Kiều. Chúng tôi không tìm thấy căn cứ cho luận đoán này. Nói như Nguyễn Ðăng Thục có vẻ có lý hơn:

 

Tâm hồn Kiều trước kia đang còn vọng động, bắt đầu bước vào trường đời, còn ngày nay thì bình tĩnh vì đã biết qua kinh nghiệm bản thân đến chỗ giác ngộ. [2 ]

 

Đúng. Nhưng để giác ngộ đâu có đơn giản dễ dàng. Kinh nghiệm và khát khao là cần nhưng chưa đủ. Để đủ, còn cần có hai điều kiện: Một là, trên bình diện đạo, ngoài kinh nghiệm đời (bể khổ) điều quan trọng hơn là phải có kinh nghiệm tu ( giải thoát). Hai là, trên bình diện đời, bể khổ của đời thật sự đã vơi đi. Nếu thân vẫn quằn quại trong bể khổ mà Tâm đã được giải thoát, thì phải là trình độ siêu việt, chẳng hạn như Mãn Giác Thiền sư trong cơn bệnh trọng vẫn chỉ cho người khác nhìn nhành mai nở buổi xuân tàn hoa rụng hết. Chớ tưởng lầm rằng thần lực của tâm thiền có thể biến hoa tàn thành hoa nở, có thể đẩy lui cơn ác bệnh đang hành hạ thân mình. Chính là trong cõi tâm không vọng động có một bông hoa luôn mãi nở tươi cho dù ngoài kia, trong cõi vô thường có lúc hoa tàn hết. Theo Thái Kim Lan “phải nhìn sự vô thường trong viễn tượng của một mùa xuân lại về” Cách nhìn đẹp đấy, nhưng nếu trong đời thực, trong cõi vô thường ấy nó không về, hay trong cái hữu hạn của một đời người, nó chưa kịp về?…Thì xin hãy nhìn vào trong TÂM để tìm lấy mùa xuân trong ấy. Không thể lấy cái nhìn lạc quan, lấy ước mơ khát vọng thay cho cái nhìn thẳng vào mặt thật của đời sống, vì đó cũng là mê lầm không kém phần nguy hại.

 

Nguyễn Du chắc hằng tâm niệm lời dạy của Phật trong Kinh Kim Cương “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” nhờ đó mà Lục tổ Huệ Năng cũng như Trần Thái Tông [của Trúc Lâm Yên tử] đã bừng ngộ. Với Kiều, cái Tâm vướng luỵ nhất là ở cõi Tình, vậy trình độ tâm linh của Kiều đạt tới mức nào để được gọi là giác ngộ? Như trên ta đã biết, hai lần Kiều ở chùa đều là miễn cưỡng: ở Quan Âm các là tạm chấp nhận để thoát cảnh khổ nhục của kiếp hoa nô, (nhân duyên đâu lại còn mong, khỏi điều thẹn phấn tủi hồng thì thôi) lần sau ở Chiêu ẩn am là tìm nơi độ thân khi bơ vơ chưa biết đi đâu (gửi thân được chốn am mây, muối dưa đắp đổi..) Ảnh hưởng của Phật không thể không có, nhưng nó đến từ từ. Lần đầu “Dường gần rừng tía dường xa bụi hồng” những tưởng “giọt nước cành dương, lửa lòng rưới tắt mọi đường trần duyên” nhưng chưa tắt hẳn. Con đường tu Phật vừa đòi hỏi, vừa tạo điều kiện để thoát khỏi chữ Tình. Chỉ đến khi gặp lại gia đình, nàng mới có lời tiếp tục chọn đường tu khi trả lời cha:

 

Đã đem mình gửi am mây,

Tuổi này bạn với cỏ cây cũng vừa,

Mùi thiền đã bén muối dưa,

Màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng.

Sự đời đã tắt lửa lòng,

Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi

 

Lựa chọn của Kiều trong việc nối lại với Kim Trọng, “đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ” chính là lựa chọn của một tâm hồn đã bén mùi thiền, cũng có nghĩa là những khao khát duyên tình trong nàng đã thật sự nhạt phai “Sự đời đã tắt lửa lòng” không phải chỉ là câu mói buông xuôi. Chỉ có nhờ nó mà nàng mới giữ được sự yên tĩnh của tâm hồn. “Khi chén rượu, khi cuộc cờ, khi xem hoa nở khi chờ trăng lên” là cái phong độ thanh nhàn không bị câu thúc vì những bức bách của đời sống hay khát khao bản năng. Có thể nghĩ Kiều đã tìm thấy tự do nội tâm, đã tìm được cách làm chủ đời mình, điều mà trong suốt quãng đời luân lạc trước kia, nàng chưa bao giờ có được. Có lẽ không chuyên tâm về tu Phật, nhưng cũng đã xa tục luỵ lắm rồi. “Chẳng tu thì cũng như tu mới là”

 

7. Ái và Dâm

 

Khi cân nhắc công-tội Thuý Kiều, Tam Hợp đạo cô cho rằng Kiều có “tình tiết giảm nhẹ”“mắc điều tình ái” (tội nhe hơn) “khỏi điều tà dâm” (tội nặng). Có công bằng không khi xã hội đẩy Kiều vào chỗ ô uế phục vụ cho những “giống hôi tanh”, trái ngược với ý chí của nàng muốn giữ “thân nghìn vàng”, mà lại luận về nàng Dâm hay không Dâm, trong khi cả linh hồn nàng, cả cuộc đời nàng là một biểu tượng chống lại nó?

 

Hết lời ca ngợi Tình yêu cùng với chữ Trinh, Thái Kim Lan đòi hỏi rằng ngay trong quan hệ tình yêu, cũng phải tỏ rõ ranh giới giữa „ái“ và „dâm“, giữa „mắc điều tình ái khỏi điều tà dâm“,

 Yếu tính của „tình đạo“ ấy theo Nguyễn Du nằm ở chỗ phải nêu lên được và làm tỏ rõ ranh giới giữa „ái“ và „dâm“, giữa „mắc điều tình ái khỏi điều tà dâm“, chính ranh giới này người phụ nữ hoàn toàn có tự do ấn định, và chính nó khẳng định thể tính (être, Sein) tự do của người đàn bà trong tương quan tình yêu. [2 ]

 

Chúng tôi không hiểu nội hàm của chữ “dâm” ở đây. Nếu chỉ là “quan hệ xác thịt” giữa những người yêu nhau, thì đó cũng chính là tình yêu, sao có thể gọi là tà dâm? và khi yêu thì cả hai đều có quyền tự do lựa chọn. Nếu là quan hệ “không có tình yêu”, chẳng hạn quan hệ mua bán (như Mã Giám Sinh) hay cưỡng bức (như Hồ Tôn Hiến), thì đó là dâm, là vô đạo đức, nhưng trong trường hợp này người đàn bà là nạn nhân, là nô lệ.

 

“Chưa một lần trong đời, Kiều đã dùng tự do của mình để quyết định dấn thân cho ham muốn tình dục của chính nàng.” [2]

 

Điều này không lấy gì làm chắc. Trong đời người đàn bà đa tình Thuý Kiều đã có ba cuộc tình đều sâu nặng ơn nghĩa, đều yêu bằng cả tâm hồn. Chỉ riêng với Kim Trọng là chưa chăn gối, còn với Thúc Sinh, Từ Hải, đã là vợ chồng. Tình chăn gối với Từ Hải được miêu tả thật cao sang lộng lẫy: “đặt giường thất bảo, vây màn bát tiên”. Đó là hôn nhân có tình yêu mãn nguyện “ Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng”. Nếu trong cuộc hợp hôn ấy Kiều không hề cảm thấy ham muốn tình dục của chính nàng thì có gì là đẹp?

 

Hãy nên cảnh giác với chữ TRINH vì nó rất gần, dễ lẫn với ý đồ nô dịch nữ giới, hạn chế người phụ nữ trong cái vòng là phương tiện hay tài sản sở hữu của người chồng. Chữ TRINH trong Truyện Kiều có ý nghĩa đặc thù là sự trong trắng của tâm hồn nàng Kiều, mà Nguyễn Du có ý thức trân trọng gĩư gìn (hay đúng ra không phải Nguyễn Du, mà Thanh Tâm tài nhân đã giữ, nhưng Nguyễn Du đã nâng cao lên) cho nàng suốt cuộc trầm luân.

“Chính trong tương quan xung đột, mâu thuẫn giữa “bắt phong trần phải phong  trần” mà đó là thể xác, và “cho thanh cao mới được phần thanh cao” mà đó là cái „tâm“,.. [2]

 Theo tôi hiểu thì Trời chỉ bắt được phần xác, còn Kiều vẫn giữ được phần hồn (”Tâm”). Cái thanh cao trong tâm nàng Kiều, đâu phải Trời cho. Nếu là bắt và cho thì phong trần hay thanh cao chỉ là đầy đoạ hay cho nhẹ nhàng phần thể xác, còn phần tâm hồn của Kiều, luôn mãi thanh cao, không hề thay đổi (Bụi nào cho đục được mình ấy vay) . Đấy mới là theo nghĩa đạo Phật

 

8. Chữ Tâm

Thái Kim Lan muốn:

“trả lại cho Nguyễn Du gia tài tư tưởng mà ông đã gửi gắm cho người đi sau: Gia tài tư tưởng ấy nằm vỏn vẹn trong một chữ duy nhất: chữ TÂM, trái tim mà nhà thơ đã cảm nghiệm và muốn trao lại cho đời sau là một trái tim nhìn „vạn pháp thảy đều là tâm“, linh thiêng hay trần thế chỉ nằm ở một chữ TÂM „Linh sơn chỉ tại nhữ tâm đầu“.

 

Nhưng đó chỉ là suy đoán chủ quan: Nguyễn Du có nói tâm, nhưng có rõ cái TÂM nào đâu? Sự mù mờ về ngữ nghĩa của khái niệm- nội hàm thì mông lung nên ngoại diên cũng nhập nhằng- vốn là điểm yếu của cách tư duy phương Đông thiếu tính khoa học chặt chẽ, đôi khi lại được nâng lên thành ưu việt. Chính vì để mở như thế nên mỗi người đọc có quyền hiểu theo cách của mình. Trong „Linh sơn chỉ tại nhữ tâm đầu“-có một chữ tâm, nghĩa là “Phật chỉ có trong tâm của ngươi, chứ không đâu khác”. Không chỉ Phật mà giới Nho cũng nói nhiều nhất đến tâm, có rất nhiều trường phái, nói chung tâm được hiểu là ý thức chủ quan, thường do trời phú vì Trời với Người là một. Trong dân gian cũng hay nói chữ Tâm, với nghĩa tấm lòng. “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Tâm được so với tài trong quan hệ với vận mệnh, hạnh phúc con người. Để tìm kiếm hạnh phúc trong cuộc đời này thì đừng trông cậy nhiều vào tài, vì nó rất dễ gây nhiều trắc trở tai hoạ. Trong mọi hoàn cảnh, hãy cứ trông vào cái Tâm, vào tấm lòng vốn thiện của mình mới mong tìm thấy hạnh phúc đích thực.

 

Thái Kim Lan có nói đến chữ tâm bằng ba lần chữ tài, nhưng đọc đi đọc lại chỉ thấy đưa ba chữ Tâm ra để so với một chữ Tài. Qủa thật quá hăng say không phải lúc nào cũng là ưu điểm.

 

Kết luận :

 

Nguyễn Du là một trong những người học vấn uyên bác nhất trong thời đại mình, bởi vậy tư tưởng của ông thể hiện trong tác phẩm, dù là tác phẩm dịch, hết sức phong phú, đa dạng, đa chiều có khi mâu thuẫn, nhưng không cột chặt vào một lý thuyết duy nhất nào. Nguyễn Du là một nghệ sĩ, không phải nhà tư tưởng, Truyện Kiều cũng không phải tiểu thuyết hay kịch luận đề như “La Nausée” hay “Les Mouches” của J. P Sartre. Là một nghệ sĩ lớn đồng thời là một tri thức uyên thâm, ông đã thể hiện nhiều tư tưởng của thời đại mình (Phật, Lão, Nho..) và bộc lộ những thái độ, những quan điểm đôi khi vượt trên thời đại. Đó cũng là triết lý, vả chăng, triết lý nào chẳng mang đến một thái độ? Cái hay của Truyện Kiều dường như vô tận. Cách của Nguyễn Du là miêu tả sự vật như nó có, tự nó nói lên và gây xúc cảm mãnh liệt nơi người đọc. Truyện Kiều cũng như bất kỳ tác phẩm lớn nào, không chỉ có một tư tưởng dù là cao siêu. Nó luôn luôn chỉ là gợi ý để ta đào sâu suy ngẫm về Đạo và đời, nó không chứng minh cho đạo và không thể dùng nó để chứng minh, vì nó rộng lớn, phong phú hơn nhiều cái được chứng minh. Được đọc lại Truyện Kiều hay đọc các tác phẩm viết về Truyện Kiều đối với tôi bao giờ cũng thú vị vì nó cho thêm cơ hội để suy ngẫm.Tôi muốn nói điều này như một lời cảm ơn tác giả Thái Kim Lan./.

 

_____________________

[1] Xuân Diệu, „Bản cáo trạng cuối cùng trong Truyện Kiều“, tuyển tập „Kỷ niệm 200 năm   Nguyễn Du“, Nhà xb Khoa học xã hội, 1965 (Dẫn theo [2])

[2] Thái Kim Lan, “Ý niệm đoàn viên trong Truyện Kiều của Nguyễn Du” , Talawas   

[3] Hoàng Ngọc Hiến, Triết lý Truyện Kiều trong „Kỷ niệm 200 năm Nguyễn Du (1765-1965)“, tr. 279, 281, 284 (Dẫn theo [2])

 

PHỤ LỤC

 

Bài đăng trên TRÍ KHÔNG:

Tính nhân bản trong các tác phẩm của Nguyễn Du [3] (Trí Không)

www.sangdaotrongdoi.vn/cn/node/2454

 

Hình ảnh Kiều biểu trưng cho tâm thức chúng sinh, sau quá trình trôi lăn trong bến bờ sinh tư, chết đi sống lại nhiều lần và cuối cùng quay trở về căn nhà xưa là một sự nhập thế đặc biệt tích cực, được thể hiện rõ nhất trong triết học Phật giáo đại thừa mà cụ thể thiền tông.

 

3.3. Đoạn trường tân thanh.

3.3.1.  Hình ảnh Kiều và những ý nghĩa biểu trưng.

Hiếu Tân trong một bài viết “Đọc lại truyện Kiều” có đoạn viết: “Hãy hình dung Truyện Kiều là “vườn xuân một cửa”, thì cửa ấy đâu có ngăn cấm một ai. Bước chân vào đấy, ta có thể suy tư về đủ điều, mọi lẽ. Dựa trên những diễn biến, nhưng tâm tình trong truyện, ta có thể trầm tư về lẽ đạo hay ngẫm ngợi lẽ đời, và ta thấy mình có toàn quyền như thế. Còn nếu xác quyết rằng “chính Nguyễn Du đã nghĩ thế này” hay “đây mới thực là tư tưởng Nguyễn Du”, thì xin hãy dè dặt, chậm rãi một chút. Tôi e rằng Nguyễn Du sẽ mỉm cười lặng lẽ: “Ta quả có viết 3254 câu thơ, nhưng ta có nói gì đâu?”

 

Còn Nguyễn Văn Trung thì viết: “Cũng như bất cứ tác phẩm vĩ đại nào, Truyện Kiều là một khu rừng muôn ngả, một vườn hoa muôn màu cửa mở rộng, ai nấy được tự do ra vào để khai thác, thưởng thức, mỗi người đã vào đều muốn tìm ra một lối nhìn bao quát mong lĩnh hội được vẻ đẹp toàn diện của vườn hoa, nhưng khi ra về, vẻ đẹp vẫn còn nguyên vẹn và người du khách đến sau cũng lại mang theo tham vọng nhìn bao quát, rốt cuộc, mỗi người thật ra cũng chỉ chỉ nhìn thấy một vài khía cạnh của chân lý toàn diện, nghĩa là đã chỉ đề nghị một lối nhìn vào đó, khám phá được một vài nét mới của vẻ đẹp muôn đời đó thôi”

 

Truyện Kiều là một tuyệt phẩm không chỉ của Việt Nam nói riêng mà còn là một trong số ít thi phẩm nổi tiếng của thế giới. Hơn 3000 câu thơ, gần 3 thế kỷ cày xới của biết bao học giả; người ta cũng đã từng ngâm, vịnh, lẩy, tập, bói… Kiều. Người tán dương với lời lẽ thêu hoa dệt gấm không ít mà chê bai không một tiếng xót thương cũng nhiều. Truyện Kiều giờ đây như Phạm Thếng trong Tiếng khóc Nguyễn Du đã đưa truyện Kiều vào vị trí “… như tấm gương sáng treo cao, hậu thế ngẩng lên nhìn vào và càng sùng bái nồng nhiệt khi thấy hình ảnh mình trong đó hùng tráng hoặc bi đát, đáng trọng hay đáng thương. Còn như đàng sau tấm kiếng có gì, ao lo biết đến? Ai cần biết đến? Mà đã dễ biết được sao?” và có lẽ đó cũng chính là lý do Truyện Kiều sống mãi trong lòng mỗi người chúng ta.

 

Theo cách nhìn của Hiếu Tân, trong truyện Kiều tồn tại song song hai mạch chuyện: mạch nổi và mạch ngầm. Mạch nổi là hiện thực cuộc sống với tình yêu Kiều dành cho Kim Trọng, với oan ức mà gia đình Kiều phải gánh, với Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Hoạn Thư, Thúc Sinh, Giác Duyên… Kiều chính là hiện thân cho số phận nghiệt ngã của con người tài hoa nhưng bạc mệnh, rơi vào vòng xoáy của cuộc đời trớ trêu, nhiều phen sống dở chết dở …nhưng cuối cùng với cái Tâm trong sáng sẽ giúp Kiều vượt qua mọi khó khăn trở ngại để đoàn viên cùng với gia đình. Mạch ngầm trong truyện Kiều được lý giải dưới góc độ triết học thông qua hai quan niệm cơ bản là Thuyết Thiên mệnh hay Tài mệnh tương đố của Nho giáo và Thuyết Nhân quả của Phật giáo đã được người viết chú giải khá chi tiết ở trên.

 

Một cách nhìn khác có khuynh hướng nhấn mạnh khá nhiều vào hiện thực xã hội, mang nặng màu sắc giai cấp và chính trị là “Bản cáo trạng cuối cùng trong truyện Kiều” của nhà thơ Xuân Diệu. Cách nhìn này hiện nay đã bị nhiều nhà phê bình phê phán vì họ cho Xuân Diệu đã “cảm thương trái khoáy của ông đối với nàng Kiều và ngợi ca nhầm chỗ đối với Nguyễn Du”.

 

Một số khác lại tiếp cận Kiều dưới góc độ tâm linh, cụ thể ở đây là Phật giáo, qua một vài tác phẩm tiêu biểu như Nguyễn Du – Đại thi hào dân tộc của Phạm Công Thiện hay Truyện Kiều qua khía cạnh tâm linh của Huyễn Ý, Thả một bè lau của Nhất Hạnh… Kiều và 15 năm lưu lạc chính là biểu trưng cho tâm thức chúng sinh bị trôi lăn trong luân hồi sinh tử và sự đoàn viên của Kiều chính là quá trình giác ngộ cái Phật tính trong sáng thường hằng của mỗi chúng ta. Cách nhìn này không phải là không có lý nếu chúng ta biết rằng bản thân Nguyễn Du đã từng chuyên tâm nghiên cứu và trì tụng Kinh Kim Cương cả ngàn lần, có rất nhiều bài thơ đượm chất thiền. Thế nhưng chúng ta cũng không nên quên rằng Nguyễn Du không sáng tác truyện Kiều mà chỉ phóng tác truyện Kiều dựa trên Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài nhân. Không ai có thể nghi ngờ những sáng tạo thiên tài của Nguyễn Du nhưng cũng phải thừa nhận cốt truyện của Truyện Kiều gần như được giữ nguyên so với bản gốc là Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân…

 

Có quá nhiều cách hiểu về Kiều, tương tự như một chiếc kính vạn hoa, mỗi lần chúng ta xoay một vòng thì một hình ảnh khác hiện ra. Hình ảnh Kiều cũng thế, nhìn dưới bất kỳ góc độ nào cũng thấy có lý nhưng cũng chưa phải là hoàn hảo. Ta không thể nhìn Kiều cùng một lúc bằng nhiều nhãn quan khác nhau, càng không thể phê bình một tuyệt phẩm như Truyện Kiều trên một thế giới quan nhất định được. Bởi vậy, nói như Anatole France: “Nhà phê bình giỏi là người kể lể những cuộc phiêu lưu của lòng mình qua các tuyệt phẩm”. Cá nhân người viết không dám cho mình là người phê bình giỏi, càng không dám phê bình Kiều qua một thế giới quan nào đó nên đành viết về Kiều như viết về cuộc phiêu lưu bằng chính kinh nghiệm sống của mình. Chắc chắc đó là chủ quan và không nhất thiết Nguyễn Du có nghĩ đến điều đó hay không nhưng hình ảnh Kiều với 15 năm đoạn trường, theo quan điểm người viết mãi mãi là cuộc lưu lạc và tìm kiếm bản lai diện mục của mình trong hình hài của trăm năm tại thế. Và có lẽ cũng nhờ đi sâu vào khía cạnh tâm linh qua nhân vật Kiều mà ta có thể biết thêm một góc độ nào đó nhằm thể hiện rõ nét hơn tính nhân bản qua các tác phẩm của Nguyễn Du.

 

3.3.2.  Con đường lưu lạc của Kiều hay sự tha hóa của kiếp người.

Mở đầu Truyện Kiều, Nguyễn Du viết:

Trăm năm trong cõi người ta

Chữ Tài chữ Mệnh khéo là ghét nhau

Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

Lạ gì bỉ sắc tư phong

Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen

 

Ngay đầu câu chuyện, Nguyễn Du thiết lập ngay một quan điểm về Tài Mệnh tương đố (Chữ Tài chữ Mệnh khéo là ghét nhau… rồi Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen). Phải chăng đây là một lời tuyên bố khẳng định số phận đoạn trường và bạc mệnh của những người tài hoa và có sắc đẹp và đoạn tiếp theo của của câu chuyện chỉ là minh chứng cho lời tuyên bố trên hay lời tuyên bố trên chỉ là một giả thuyết được Nguyễn Du mượn tạm để nhập đề cho câu chuyện của mình???

 

Khó có thể trả lời một cách mạch lạc rằng đây là một lời khẳng định hay chỉ là một giả thuyết. Khi phân tích truyện Kiều dưới khía cạnh siêu hình hay triết lý, nhiều nhà nghiên cứu đã vội vàng cho rằng Kiều ảnh hưởng thuyết Tài Mệnh tương đố của một vài Nho sỹ tài tử nhưng thất chí đặt niềm tin vào Thiên Mệnh và thường cho rằng Trời vốn hay thử thách những người tài năng. Dưới góc độ tâm linh, đặc biệt là triết học Phật giáo cũng không lý giải nguyên nhân tại sao con người có Phật tính nhưng lại bị vô minh che lấp đến nỗi khổ đau dày vò. Ngay trong quan niệm về Thập nhị nhân duyên cũng vậy, Vô minh không phải là điểm khởi đầu và cũng chẳng phải đoạn kết thúc mà chỉ là một mắt xích trong chuỗi mắt xích của mười hai nhân duyên tương tác với nhau. Hỏi về điểm khởi đầu thì Đạo Phật chỉ trả lời bằng cách im lặng, trong một số bản kinh thì cho thời gian là vô thủy… Vì thế, nhìn dưới quan niệm của Phật giáo, đoạn thơ trên chỉ nên nhìn nhận như là một giả thuyết cần được kiểm chứng chứ chưa hẳn là Tất định luận không thể đảo ngược.

 

Hình ảnh của Kiều: tài sắc tuyệt vời không gì sánh được. Dưới góc độ hiện thực, Kiều có thể được nhìn nhận là một người tài hoa, có nhiều tài năng, hiện thân cho tinh hoa của con người. Dưới góc độ tâm linh, Kiều hiện thân cho bản tâm trong sáng của mỗi chúng sinh còn tài năng của Kiều chính là diệu dụng vô tận của bản tâm trong sáng đó.

 

Việc Kiều thương khóc Đạm Tiên chính là dấu hiệu đầu tiên báo hiệu cho quá trình đoạn trường lưu lạc của Kiều. Nhìn dưới góc độ tâm lý thông thường có thể cho rằng Kiều là người đa sầu đa cảm và thường hay liên hệ số phận người khác với bản thân mình. Việc Kiều làm thơ trong sổ Đoạn trường rồi gảy khúc nhạc bi thương khiến Kim Trọng nghe mà phải rơi lệ thể hiện tâm lý đa sầu đa cảm và chứa nhiều u uẩn như thế. Dưới khía cạnh tâm linh, có thể lý giải Đạm Tiên chính là hình ảnh Tâm quá khứ của Kiều, hay nói đúng hơn là những chủng tử có sẵn, khi gặp thuận duyên thì bắt đầu đơm hoa kết trái.

 

Tình yêu nảy nở giữa Kim Trọng với Thúy Kiều trong sáng, tự nhiên theo mô tuýp “trai tài gái sắc” cũng là chuyện hợp với tự nhiên, nhưng việc Kiều vượt tường rào sang “tâm sự” với Kim Trọng được nhiều nhà phê bình hiện nay cho là cuộc cách mạng đối với phụ nữ trong chuyện tình yêu của Nguyễn Du. Dưới góc độ tâm linh, có thể coi Kim Trọng như là nhân duyên hiện tại. Kiều có sẵn những hạt giống sầu cảm, đa tình, nay gặp phải Kim Trọng như cá gặp nước, đó là lý do khiến Kiều vượt khỏi lễ giáo phong kiến để thỏa lòng yêu thương. Điều này cũng cho thấy sức mạnh của nghiệp lực, một khi Nhân đã có, duyên đã đủ thì Quả nhất định sẽ tới.

 

Khi gia đình Kiều gặp tai họa vì sự vu cáo của kẻ bán tơ. Hình ảnh người bán tơ làm ta liên hệ đế tơ lòng, tơ tưởng…. Khi tâm thức rối ren như cuộn chỉ hay tơ vò thì khó lòng có được những quyết định sáng suốt nên Nguyễn Du đã dùng những câu rất hay để viết về tâm thức này:

 

Lại mang lấy một chữ tình

Khư khư mình buộc lấy mình vào trong

Vậy nên những chốn thong dong

Ở không an ổn ngồi không vững vàng

Ma đưa lối, quỷ dẫn đường

Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.

 

Câu hỏi đặt ra lúc này là Kiều bị bắt buộc lựa chọn hay bản thân Kiều tự do lựa chọn?

Nguyễn Văn Trung nhận định rằng Nguyễn Du đã đề nghị một lối nhìn về cuộc đời như một phiêu lưu của tự do, luôn luôn phải nhận định một hướng đi trong cái phức tạp hỗn độn mơ hồ của hoàn cảnh và vì thế nên sự chọn lựa của Kiều chính là thể hiện sự tự do đó, bởi Kiều có thể không chọn cách bán mình chuộc cha.

 

Một cách lý giải khác cho rằng ở đây Kiều hoàn toàn bị bắt buộc phải chọn cách bán mình bởi theo đạo Nho, chữ Hiếu là nguồn gốc của Nhân, người không có hiếu thì cũng không còn đạo làm người nên việc Kiều chọn cách bán mình chuộc cha là một sự bắt buộc.

 

Theo quan niệm của người viết, sự chọn lựa của Kiều là tự do nhưng là tự do trong cái lẽ tất yếu của nó. Trong tâm thức chứa đựng những chủng tử của phiền muộn, ưu sầu, đa cảm… lại thiếu chánh niệm tỉnh giác (hình ảnh anh bán tơ) thì việc trôi lăn trong luân hồi sinh tử trở thành lẽ tất nhiên. Nhưng bản thân cái tất nhiên này lại tự do bởi lẽ hoàn toàn không có bất kỳ một thế lực nào bên ngoài tác động vào quá trình vận hành của tâm thức nên sự lựa chọn của Kiều chính là do bản thân Kiều (tâm thức mỗi chúng sinh) tự quyết định lấy

 

Bắt đầu rơi vào tay Mã Giám Sinh là bắt đầu quá trình lưu lạc của Kiều, cũng là quá trình tâm thức chúng ta bị trôi lăn trong sinh tử luân hồi. Những nỗi khổ đau vì nhớ nhung, bị lừa dối, bị phản bội… chính là những hình ảnh biểu trưng của Khổ đế mà hàng ngày hàng giờ chúng ta đang phải gánh chịu.

 

Trong suốt quá trình lưu lạc đó, có bốn nhân vật chính gắn liền với số phận của Kiều, đồng thời cũng chính là biểu chưng cho quá trình quay về bến giác của mỗi chúng sinh:

 

- Hình ảnh Sở Khanh: Kiều dựa vào Sở mong Sở đưa ra khỏi lầu xanh nhưng sự xuất hiện của Sở chỉ là tạm thời rồi sau đó Kiều lại rơi vào lầu xanh lần nữa. Trên lộ trình tâm linh, hình ảnh Sở Khanh có thể biểu trưng cho ý nghĩa Thế gian trụ trì Tam bảo. Quá trình tìm về Chân tâm của chính mình phải bắt đầu từ thế gian trụ trì Tam bảo nhưng sự cứu cánh của Thế gian Trụ trì tam bảo đó cũng chỉ là nhất thời, nếu ta bám chặt vào quá mà không tiếp tục chuyển hóa thân tâm của mình thì sớm hay muộn cũng sẽ tiếp tục con đường phiền não cũ, không có ích gì trên lộ trình giải thoát.

 

- Hình ảnh Thúc Sinh: Thúc Sinh cứu Kiều ra khỏi lầu xanh nhưng Kiều lại gặp nỗi khổ bởi ghen tuông của Hoạn Thư. Hình ảnh Thúc Sinh có thể tượng trưng cho những tàn dư trong tâm thức vẫn còn nên mặc dù đã thoát ra khỏi phiền não của hồng trần nhưng bám chấp vào đó quá lâu cũng chẳng khác nào bỏ nỗi khổ đau này ôm thêm nỗi phiền muộn khác.

 

- Hình ảnh Từ Hải: Hình ảnh Từ Hải là một tay trí dũng song toàn, anh hùng một phương, cứu Kiều hoàn toàn ra khỏi Thanh Lâu. Một số người cho rằng Từ Hải là mẫu người lý tưởng của Nguyễn Du với ước mơ phục hưng lại nhà Lê nhưng bị thất bại. Hình ảnh của Từ Hải cũng có thể biểu trưng cho Phật tâm từ bi nhưng biển của Như Lai (Từ: từ bi; Hải: biển). Năng lực diệu dụng của Như Lai cũng như tình thương của Phật thì vô bờ, chở che chúng sinh trên một lộ trình nhất định nào đó. Cái chết của Từ Hải hàm ý năng lực giác tha không phải là yếu tố quyết định trên lộ trình giải thoát mà chính khả năng tự giác, tự tu của mỗi con người mới là yếu tố quyết định.

 

- Hình ảnh Giác Duyên: Hình ảnh sư Giác Duyên xuất hiện trong truyện Kiều như những người quân tử làm việc nghĩa, xuất hiện đúng lúc và đúng chỗ. Chữ Giác có nghĩa là giác ngộ còn Duyên là yếu tố hỗ trợ. Trên lộ trình tu tập, các thiện duyên hỗ trợ cho sự giác ngộ là rất quan trọng, đặc biệt trong nhà Thiền, có khái niệm giác ngộ từng phần hay tiệm ngộ, thì rất cần đến những tăng thượng duyên này.

 

3.3.3.  Sự đoàn viên của Kiều hay sự quay về với Chân tâm thường hiện.

 

“Khái niệm “Ðoàn viên” có thực trong đời hay chỉ trong tiểu thuyết trở nên một ý niệm lý tưởng gấp đôi về sự „toàn hảo“ trong tác phẩm: đối với người sáng tác và đối với độc giả trong tương quan hỗ tương. Ðối với người sáng tác, „sự trở về trong chung cuộc“ bao hàm tư tưởng triết lý về cuộc đời „khổ tận - cam lai“, „sau cơn mưa trời lại sáng“, cần phải được làm tỏ rõ trong câu chuyện được kể ra. Nó trở nên thủ thuật „điểm nhãn“ viễn tượng lạc quan của câu chuyện, nó chuyên chở linh hồn cho toàn câu chuyện. Ðối với người đọc, „đoàn viên“ là ước mơ trở thành hiện thực của con người trong giới hạn hiện sinh của nó. Những câu chuyện „đoàn viên“ có thể làm cho số „độc giả mềm“ muốn tìm những thí dụ điển hình đem lại ý nghĩa cho cuộc sống, ý nghĩa lạc quan trong hiện thực bi quan, muốn tìm cái toàn thể trong phân lìa, một kết cuộc „có hậu“ có tính cách vượt lên trên mọi giới hạn giam hãm con người trong khát vọng giải phóng” là cách hiểu của Thái Thị Kim Lan trong “ý niệm đoàn viên trong truyện Kiều của Nguyễn Du.

 

Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng nằm trong số những tác phẩm có hậu như thế. Dưới khía cạnh tâm linh, nếu 15 năm lưu lạc của Kiều chính là 15 năm biểu hiện cho Khổ đế đồng thời cũng chính là quá trình tìm về bản lai diện mục của chính mình như là Đạo đế thì khúc ca đoàn viên gồm 287 câu chính là ý nghĩa của Diệt đế trong Tứ diệu đế của triết học Phật giáo.

 

Cũng cần phải nói thêm rằng hai lần tự tử của Kiều và hai lần được cứu sống đã thể hiện một quan niệm nhân bản hết sức độc đáo: chết không phải là giải pháp cuối cùng. Dưới nhãn quan Phật giáo, tự tử không phải là phương cách tối ưu mà đó chỉ là cách giải quyết trong tâm thức tuyệt vọng, chấm dứt mọi hy vọng chuyển hóa nghiệp lực và dù có chết thì nghiệp lực vẫn còn đó và sẽ phải tiếp tục tái sinh để gánh chịu hậu quả. Do đó, việc cứu sống Kiều được hiểu như là đáp án cho một phương thức giải thoát toàn diện.

 

Việc Kiều được cứu sống nhưng lại không ở chùa trong quãng đời còn lại mà đưa về nhà đoàn tụ cùng gia đình là một điểm nhấn đặc biệt quan trọng. Hình ảnh Kiều biểu trưng cho tâm thức chúng sinh, sau quá trình trôi lăn trong bến bờ sinh tư, chết đi sống lại nhiều lần và cuối cùng quay trở về căn nhà xưa là một sự nhập thế đặc biệt tích cực, được thể hiện rõ nhất trong triết học Phật giáo đại thừa mà cụ thể thiền tông. Bức tranh thứ 10 trong Thập mục ngưu đồ tụng với hình ảnh vị sư thõng tay vào chợ, vai vác rượu bầu và hình ảnh Kiều sau 15 ly tán quay về căn nhà xưa cũng chính là hình ảnh đóa sen chân tâm bất nhiễm khi mà “sự đời đã tắt lửa lòng” dù sống ngay trong lòng cảnh đời ô trọc.

 

Phím đàn dìu dặt tay tiên

Khói trầm cao thấp, tiếng huyền gần xa

Khúc đầu đầm ấm dương hòa

Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh?

Khúc đâu êm ái xuân tình

Ấy hồn thục đế hay mình đỗ quyên!

Trong sao châu rỏ duềnh duềnh

Ấm sao hạt ngọc lam điền mới đông

Lọt tai nghe suốt năm cung

Tiếng nào là chẳng não nùng xôn xao

Chàng rằng phố ấy tay nào

Xưa sao sầu thảm nay sao vui vầy?

Té vui bởi tại lòng này

Hay là khổ tận đến ngày cam lai?

 

Nguyễn Du đã mượn Kim Trọng nói thay cảm xúc khi đứng trước người xưa. Vẫn còn người đó, vẫn ngón tay đó nhưng “xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy?” Vô tự chân kinh thông qua một khúc nhạc mà Kiều đã diễn bày được trạng thái Niết bàn tại thế sau một hành trình vất vả quay trở về với căn nhà xưa và tìm ra diện mạo chân tâm của chính mình.

Và đến đoạn kết của Truyện Kiều

 

Ngẫm hay muôn sự tại trời

Trời kia đã bắt làm người có thân

Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao

Có đâu thiên vị người nào

Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai

Có tài mà cậy chi tài?

Chữ tài đi với chữ tai một vần

Đã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

 

Ở đoạn đầu của truyện Kiều, như người viết đã từng đề cập, được hiểu như là một giả thuyết mà Nguyễn Du nêu ra và đoạn kết trên chính là câu trả lời cho giả thuyết đó.

 

Theo quan niệm của ông, dù cho trời, hiểu như là quy luật tự nhiên hay hiểu như là Thiên mệnh thì đặc điểm quan trọng nhất vẫn là tính bình đẳng tuyệt đối “có đâu thiên vị người nào – chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai”. Tiếp theo là hai câu nghi vấn và phản luận và bốn câu cuối là phát ngôn chính thức của tác giả về vấn đề Tài – Mệnh. Cách nhìn của Nguyễn Du nghiêng hẳn về Phật giáo với các khái niệm Nghiệp, Thiện căn (Phật tính) và Tâm (Phật tâm).

 

Giá trị  và ý nghĩa đoàn viên trong truyện Kiều được thể hiện trọn vẹn trong 4 câu cuối này, xác định vai trò tự chủ của con người trong mọi hoạt động, đồng thời nhấn mạnh đến Phật tính thường hằng trong tâm thức mỗi chúng ta cũng như Phật tâm là phương cách cơ bản để chuyển hóa nghiệp trong một viễn tượng hướng đến giài thoát tối hậu. đó cũng là ý nghĩa cơ bản của văn học hệ Bát Nhã: tâm tức Phật, Phật tức Tâm, nhất thề không phân biệt.

 

4. Tạm kết:

 

Trưởng thành trong một xã hội loạn lạc, đất nước nhiểu nhương, đời sống nhân dân gặp nhiều khổ cực bởi chiến tranh, thuế khóa…. Bản thân ông, tuy được học nhiều biết rộng, nhưng đường hoạn lộ của ông cũng ba chìm bảy nỗi tạo nhiều cơ duyên cho Nguyễn Du có cơ hội đi nhiều biết rộng, nhiều kinh nghiệm sống và chứng kiến không ít những số phận không may mắn khiến cho ngọn bút của ông thấm đấm nước mắt của thân phận kiếp người.

 

Tình yêu của Nguyễn Du dành cho con người quá rộng và quá lớn, vượt lên trên sự phân biệt sang hèn, giàu nghèo… nên hầu như bài thơ nào, ta cũng bắt gặp chính thân phận ta trong đó. Tiếng lòng của Nguyễn Du cũng chính là tiếng nói thầm kín của chính ta trước số phận Tài Mệnh tương đố trớ trêu mà tạo hóa đã vô tình sắp đặt.

 

Quan trọng hơn cả, cách Nguyễn Du giải quyết bài toán hóc búa và trớ trêu trên, trước hết cho chính bản thân cuộc sống của ông, sau đó là lời giải đáp cho chúng ta chính là một thái độ sống, nói đúng hơn là một nghệ thuật sống tiêu dao tự tại ngay giữa dòng đời nhiều phen nổi sóng ba đào. Ông không khuyên ta lánh đời yếm thế, không tiểu ẩn nơi sơn lâm để trốn tránh số phận mà khuyên ta sẵn sàng đối diện với nó với một thái độ tự do và tự chủ nhất. Bởi đơn giản ta có một vũ khí vô song: Cái Tâm. Chính cái chân tâm trong sáng kia sẽ giúp ta chiến thắng những số phận xấu số, xóa đi ranh giới của mọi sự phân biệt và xây dựng một thế giới đại đồng hay Niết bàn tại thế. Trịnh Công Sơn, người nhạc sỹ tài hoa của thế kỷ 20 cũng thầm mơ ước “… sống ở đời cần có một tấm lòng…” đấy sao?!!./.

 

Trí Không

 

Tài liệu tham khảo:

 

Sách

1.  Nguyễn Du: Truyện Kiều.

2.  Nguyễn Du: 192 bài thơ chữ Hán – Bùi Hạnh Cẩn dịch, nxb VHTT, 1996.

3.  Phạm Công Thiện: Nguyễn Du – Đại thi hào dân tộc, nxb THTG.

4.  Huyễn Ý: Truyện Kiều qua khía cạnh tâm linh, nxb Tôn giáo, HN, 2007.

5.  Hà Như Chi: Việt Nam thi văn giảng luận, nxb ĐT, 1994.

6.  Nhất Hạnh: Thả một bè lau, nxb Lá bối.

7.  Nhất Hạnh: Truyện Kiều văn xuôi dành cho người trẻ, nxb VHSG.

8.  Thích Chơn Thiện: Những hạt sương, nxb TG,HN, 2000.

 

Bài báo hội thảo và internet

1.  Phạm Thếng:Tiếng khóc Tố Như.

2.  Nguyễn Huệ Chi: Trở lại câu chuyện so sánh Kim Vân Kiều với truyện Kiều.

3.  Hiếu Tân: Đọc lại truyện Kiều.

4.  Nguyễn Văn Trung: Đặt lại vấn đề truyện Kiều hay phê bình phê bình văn học.

5.  Nguyễn Sỹ Tế: Triết lý đoạn trường.

6.  Việt Tử: Minh oan cho Kiều.

7.  Thanh Tâm Tuyền: Cửa vào đoạn trường tân thanh.

8.  Đinh Hùng: Người thơ thuần túy Nguyễn Du trong Văn tế thập loại chúng sinh.

9.  Nhất Thanh: Đọc thơ chữ Hán Nguyễn Du.

10.Thái Kim Lan: Ý niệm đoàn viên trong truyện Kiều của Nguyễn Du.

 

 

Hiếu Tân
Số lần đọc: 2718
Ngày đăng: 16.11.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về Quái - Nguyễn Bình Phương
Con tim và lý trí của thi sĩ Xuân Diệu: giai đoạn 1954-1958 (phần 4) - Lại Nguyên Ân
Con tim và lý trí của thi sĩ Xuân Diệu: giai đoạn 1954-1958 (phần 3) - Lại Nguyên Ân
Hàn Mặc Tử thi sĩ của đau thương và bất hạnh - Thụy Khuê
Hàn Mặc Tử, lãng mạn hay tượng trưng? - Trần Văn Nam
Con tim và lý trí của thi sĩ Xuân Diệu: giai đoạn 1954 – 1958 (phần 2) - Lại Nguyên Ân
Phê bình văn học - Tứ bề thọ địch - Đỗ Ngọc Thạch
Con tim và lý trí của thi sĩ Xuân Diệu: giai đoạn 1954-1958 (phần 1) - Lại Nguyên Ân
Thơ Như Con Sông Đào, Tùy-Bút Như Con Sông Thiên Nhiên - Trần Văn Nam
Mối quan hệ của Thông diễn học hiện đại với văn học - Ngô Phương Quốc
Cùng một tác giả
Chuyện xứ Mitoman (truyện ngắn)
Vi đan (truyện ngắn)
Bàn tay phải (truyện ngắn)
Luận về nô tài (tiểu luận)
Putois (truyện ngắn)
Phá (truyện ngắn)
Khi Bắc Triều Tiên Đổ (nhìn ra thế giới)
Nô tài thi sĩ (tạp văn)
Putin nói trên truyền hình (nhìn ra thế giới)
WikiLeaks, theo kiểu Belarus (nhìn ra thế giới)
Ngăn cản WikiLeaks (nhìn ra thế giới)
Tại sao lại xóa từ-n ...? (nhìn ra thế giới)
20 tác giả dưới 40 tuổi (nhìn ra thế giới)
“Công lý” Nga (nhìn ra thế giới)
Say sưa với Tự do. (nhìn ra thế giới)
Cách mạng bằng Internet (nhìn ra thế giới)
Bật mí WikiLeaks (nhìn ra thế giới)
Bật mí WikiLeaks- tiếp (nhìn ra thế giới)
Học Để Yêu Cách Mạng (nhìn ra thế giới)
Shakespeare, chán ! (nhìn ra thế giới)
Rủi ro hạt nhân (nhìn ra thế giới)
Những tư tưởng lỗi thời. (nhìn ra thế giới)
Nước Nga sợ gì ở châu Á? (nhìn ra thế giới)
Tại sao nước Mỹ bị ghét (nhìn ra thế giới)
Nhà nước đỏ (nhìn ra thế giới)
Trung hoa là kẻ xâm lược? 1 (nhìn ra thế giới)
Trung hoa là kẻ xâm lược? 2 (nhìn ra thế giới)
The Internet và Iran (nhìn ra thế giới)
Mười năm mất mát (nhìn ra thế giới)
Gặp ông Mao mới (nhìn ra thế giới)
Kiếp sau của Tây Tạng (nhìn ra thế giới)
Nhân dân đấu với Putin (nhìn ra thế giới)
Tương lai của Lịch sử (nhìn ra thế giới)
Bụt nghe cổ tích (truyện ngắn)
BẮN MỘT CON VOI (truyện ngắn)
Gót chân Asin của Putin (nhìn ra thế giới)
The Duniazát (truyện ngắn)
Người xin lỗi (truyện ngắn)
Diễn văn Habana (nhìn ra thế giới)