Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
843
116.680.220
 
Có cần phải sợ Trung Hoa không ?*
Hiếu Tân

 

 


(Faut-il avoir peur de la Chine?)

IAN JOHNSON. The New York Review of Books.

 

HIẾU TÂN dịch

 

Ảnh: Loạt đạn của một tàu khu trục TH trong cuộc tập trận chung với hải quân Nga trên biển Hoa Đông, 5-2014     © AFP

 

 


Năm 1890 một vị thuyền trưởng người Mỹ ít tên tuổi cho xuất bản một cuốn sách sẽ có ảnh hưởng lên nhiều thế hệ các nhà chiến lược. Cuốn "Ảnh hưởng của sức mạnh trên biển trong lịch sử, 1660-1783", lưu lại tên tuổi Alfred Thayer Mahan với ý kiến đã thành định đề rằng những dân tộc lớn phải hùng cường trên mặt biển, có những căn cứ hải quân ở xa, để phóng sức mạnh của mình ra toàn thế giới! Tác phẩm này có tác động đến nỗi vua Guillaume II đã thề học thuộc lòng nó vào thời gian mà Đức muốn thắng nước Anh lúc đó đang là bá chủ, với Hải quân Hoàng gia hùng mạnh. Khi chết, ít lâu sau khi Thế Chiến I bùng nổ, Mahan bị coi là có tội lớn vì đã nêu thành lí thuyết cuộc chạy đua vũ trang vào đầu cuộc xung đột thảm khốc này.

Việc Mahan gần đây được ca ngợi ở đất nước mới trỗi dậy, Trung Hoa, hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên. Những cuốn sách chiến lược đã được nhanh nhẩu tái bản, trong số đó có một cuốn có tấm bản đồ khổ rộng gấp lại, vẽ Thái Bình Dương với những căn cứ hải quân Mỹ trong vùng. Bài học đối với Trung Hoa đã rõ ràng: nếu nó muốn trở thành một cường quốc lớn, nó phải đối đầu với lực lượng hải quân Hoa Kỳ, ít nhất là trong vùng ảnh hưởng của nó.

Sự nổi tiếng của cuốn sách của Mahan là một trong những gợi hứng mạnh mẽ đối với tác phẩm của Geoff Dyer “Cuộc đấu thế kỉ” Tuy cái tên sách nói ‘những chuyện có thật’, tên phụ của sách (“Thời đại mới của cuộc đối đầu với Trung Hoa – và Hoa Kỳ có thể thắng được như thế nào”) có giọng điệu một cuốn cẩm nang phát triển riêng cho siêu cường đang suy tàn.

Nhưng cần phải vượt qua lời tuyên bố quá đáng này của biên tập, tác phẩm của Dyer rất hứng thú, uyên bác và sâu sắc trong tìm tòi, nó ra đúng lúc để giải thích những xung đột đang diễn ra ở Đông Á. Và tác giả lấy những vấn đề biển để chỉ ra những ý đồ của Trung Hoa, ông viết không úp mở: “Hãy quên đi những lời khoa trương nhạt nhẽo! Giới lãnh đạo Trung Hoa đang nghiền ngẫm quá nhiều về những vấn đề địa chính trị và đang có tham vọng phá hoại ngầm những căn cứ hùng mạnh của Mỹ”

Phân tích này trái với hai quan điểm cho đến nay rất thịnh hành về chủ đề này. Một muốn rằng Trung Hoa cứ bị ám ảnh bởi những vấn đề nội bộ đến mức nó ít bận tâm đến sự hiện diện của nó trên thế giới. Hệ quả của nó là một ý tưởng cho rằng giới cầm quyền chóp bu hết sức không chắc chắn về sự vững vàng của chế độ để có thể mơ một cách nghiêm túc đến việc thách thức Hoa Kỳ. Nhưng Dyer, một cựu trưởng phòng Bắc Kinh của Financial Times (Thời báo Tài chính) nhắc ta rằng Trung Hoa ngay từ bây giờ đã có những vụ dính líu ở nước ngoài, và rằng “sự bất an trong nước không hề ức chế nước này, trái lại nó còn nuôi dưỡng khát vọng ngoi lên cao trên trường quốc tế.”

 

 

 

ĐOÀN THỦY THỦ TRẦN TRUỒNG TRƯỚC NGƯỜI MỸ

Tuy nhiên Dyer không hề có tài tiên tri như Cassandr [Con gái vua Priam trong thần thoại Hy Lạp, được thần Apollo ban cho tài tiên tri-ND]. Vấn đề là đối với ông, không thể khẳng định chắc chắn Bắc Kinh và Washington sẽ lao vào xung đột, ít có khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh giữa hai bên có trang bị hạt nhân. Tác giả chỉ muốn chỉ ra sự lột xác của Trung Hoa. Cho đến nay, nước này không muốn tự hạn chế trong việc chấp nhận những tiêu chuẩn hiện có: từ nay trở đi, nó muốn bịa ra những tiêu chuẩn. Có một sự trớ trêu lớn của lịch sử, như Dyer nhấn mạnh: phải chăng hệ thống thương mại và những đồng minh mà Mỹ tạo ra sau Thế Chiến II đã cho phép nước Trung Hoa trỗi dậy? Washington không ngăn cản Bắc Kinh mua vật liệu thô hoặc xuất khẩu những tài sản của nó, trái lại, nhờ hải quân của Mỹ đã duy trì yên tĩnh trên các đại dương mà Trung Hoa đã có thể vận chuyển khối lượng khổng lồ các sản phẩm của nó, và người tiêu dùng Mỹ đã mua những sản phẩm ấy cho nó.

Nếu sự chế ngự của Mỹ bị xói mòn, thì nguyên nhân chính là vì sự vươn lên của Trung Hoa đã tạo điều kiện cho nó đòi những yêu sách lãnh thổ cũ, và nó làm điều này bằng cách sửa lại những tiêu chuẩn quốc tế. Không có gì chứng tỏ cho điều trên rõ hơn cái cách nước này xem xét luật biển. Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển kí năm 1982 qui định rằng lãnh hải của một nước kép dài 12 hải lí tính từ mép đất của nước đó. Và theo Hoa Kỳ thì một “vùng đặc quyền kinh tế” rộng 200 hải lí. Hai qui định này không theo cùng một luật: người ta chỉ có thể xâm nhập vào lãnh hải của một nước với sự cho phép của nước đó, còn “vùng đặc quyền kinh tế” cho phép nước được hưởng đặc quyền ấy khai thác đáy biển, nhưng tàu thuyền nước ngoài có thể qua lại tự do, kể cả tàu chiến.

Bắc Kinh từ nay trở đi tiến hành định lại vùng kinh tế thành một thứ vùng lãnh thổ, không phận và hải phận – tạo ra một loạt liên tiếp những cuộc xung đột giữa các lực lượng của nó và của Washington. Năm 2009, một tàu giám sát biển của Mỹ kéo một sà lan chở khí cụ tình báo đi tuần tra cách đất liền Trung Hoa 70 hải lí, thì một hải đội của nước này buộc tội nó, và giăng ra những quả cầu gỗ để phong tỏa con tàu. Khi con tàu quay đầu, các lính thủy Trung Hoa dùng sào làm gãy vỡ những khí cụ chở trên sà lan. Sau khi hoàn thành sứ mệnh của mình, một số thành viên trong đoàn thủy thủ của một trong những con tàu ấy tụt quần xuống trần truồng trước những người Mỹ.

Gần đây hơn, tháng 12 năm 2013 một tàu sân bay mới của Trung Hoa, Liêu Ninh, dính đến một vụ đụng độ trên biển khi nó vừa mới khánh thành. Đi về hướng nam về phía vùng biển đang tranh chấp ở Nam Trung Hoa, thì có một tuần dương hạm Hoa Kỳ đi theo sau nó ở một khoảng cách. Khi chiếc tuần dương hạm này được coi là đến quá gần – tức là, theo ước tính, mấy chục hải lí – một tàu hộ tống Trung Hoa thực hiện một động tác nguy hiểm, chạy cắt ngang đường chiếc tàu Mỹ buộc nó phải quay gập trở lại. Theo lời Trung Hoa, hành động ấy là cần thiết để bảo vệ chiếc tàu sân bay. Chiếc tàu sân bay này không nguy hiểm, nhưng loại tàu này theo Mahan là để dương cao thanh thế ở mức cao nhất, những chiếc tàu này chủ yếu là một kiểu diệu võ dương oai của nước này.

Những sự cố gần như đụng độ này đến bất thần ít lâu sau khi Bắc Kinh định lại không phận trên một số phần của Thái Bình Dương, với việc tạo ra một số vùng nhận diện phòng không bao trùm cả những đảo do Nhật Bản kiểm soát. Đây là động thái cuối cùng trong hàng loạt động thái nhằm khẳng định chủ quyền của nước này trên những hòn đảo đó, mà ở Nhật người ta gọi là Senkaku còn Trung Hoa gọi là Điếu Ngư.

Người ta có thể dễ dàng tìm thấy những lời giải thích hay ho cho mỗi lần có những sự cố đó, bằng cách tách rời chúng ra, và thậm chí chỉ cho là chúng buồn cười. (Phơi mông ra trên tàu ư? Quăng bi gỗ xuống biển ư? Trận Aboukir [Trận đại thắng của Napoleon ở Ai Cập năm 1799-ND] đã xa lắm rồi!) Suy cho cùng thì những tình tiết này thật sự phản ánh khát vọng bành trướng thế lực của Trung Hoa. Chúng cũng nói lên tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh. Nước này đòi chủ quyền trên toàn bộ biển Nam Trung Hoa (gần như toàn bộ vùng biển nằm giữa Việt Nam ở phía tây, Malaysia ở phía nam và Phipippines ở phía đông). Vùng biển này chứa các đảo tranh chấp, và nếu Trung Hoa giành bằng được những đảo này như nó mong muốn, để sau đó biến vùng đặc quyền kinh tế xung quanh những đảo này thành gần như vùng lãnh thổ, thì một số đường hàng hải quan trọng nhất trên hành tinh sẽ thuộc chủ quyền của Bắc Kinh.

Cái viễn cảnh ấy dường như còn xa phải không? Chúng tôi xin nhắc rằng, luật của Trung Hoa đã coi những biển này là của nó. Tháng Giêng vừa rồi Bắc Kinh còn thông báo qui định mới về đánh cá, chủ yếu áp dụng cho biển Nam Trung Hoa. Nó đòi các tàu thuyền đánh cá nước ngoài phải được phép của Trung Hoa trước khi hoạt động trong vùng này. Theo tiết lộ, luật này qui định rằng các vùng biển phải được giám sát bởi lực lượng tuần duyên, chứ không phải hải quân. Người ta có thể thấy đây là một cách làm dịu, nhưng cũng là dấu hiệu cho thấy nước này đã coi những vùng biển này là của nó, đến mức nó thấy không cần đưa hải quân của nó can dự vào.

 

 

CHỈ ĐƠN THUẦN LÀ KHOÁC LÁC!

Ai sẽ tôn trọng cái loại luật này? Người ta dễ dàng tưởng tượng các tàu cá Việt Nam fax những đơn xin phép để được khai thác đáy biển mà họ đã làm ăn từ đời tám hoánh. Nhưng vấn đề không phải ở đó. Đúng hơn, vấn đề là, dưới mắt Bắc Kinh, đây là sự chuẩn bị có bài bản để bảo đảm đến một ngày nào đó kiểm soát những biển này, trong khuôn khổ một chiến lược rất dài hạn.


Dyer đã bảo vệ các luận cứ của mình rất hiệu quả, bằng cách phân tích tình hình hiện tại đối chiếu với lịch sử nước Mỹ. Năm 1823, Hoa Kỳ tuyên bố “học thuyết Monroe” trứ danh, khẳng định rằng tất cả những mưu toan mới của các cường quốc châu Âu nhằm chiếm thuộc địa hoặc can dự vào công việc nội bộ của các nước Bắc Mỹ hoặc Nam Mỹ đều bị coi là xâm lược, và buộc Hoa Kỳ phải ra tay can thiệp. Đó chỉ là một lời khoác lác đơn thuần. Nước này khi ấy chưa có hải quân xứng đáng với tên gọi của nó, và nước Anh tiếp tục hành động theo cách của nó, đặc biệt trong vùng biển Caribe, một vùng biển cũng gần và quan trọng đối với Washington như biển Hoa Nam đối với Bắc Kinh. Mãi đến năm 1890, năm ra đời cuốn sách của Mahan, hải quân Mỹ vẫn còn là mục tiêu để trêu chọc.

Nhưng tuyên bố 1823 đã đặt một cột mốc. Từ đó đến cuối thế kỉ XIX, Hoa Kỳ đã phát triển một lực lượng Hải quân khiến người ta phải tôn trọng. Và cuối cùng nó đã đặt được sự thống trị của nó trên vùng biển Caribe, nơi nước Anh đã mất ảnh hưởng. Có thể kịch bản ấy ngày nay được tái diễn, với Trung Hoa và Hoa Kỳ đóng những vai chính.

Viễn cảnh xa vời này nhắc tôi nhớ lại lần đọc một bài báo năm 2013 trên tờ New York Times về số phận của Ayungin, một bãi cát thuộc quần đảo Trường Sa. Nằm cách Philippines 105 hải lí, dải đá ngầm này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nó, và Manila đã tuyên bố chủ quyền. Nhưng, trong nhiều năm, hải quân Trung Hoa đã bắt đầu tuần tra xung quanh bãi này, và nói tóm lại đã nuốt gọn, giống như họ đã làm với hòn đảo nhỏ Mischief trong những năm 1990, biến nó thành căn cứ quân sự.

Lo ngại thủ đoạn này lặp lại, Manila đã đưa vào đấy một tàu chiến cũ, trên đó hiện nay đặt tám lính Philippines, họ canh giữ tốt trong những điều kiện xứng với đại tá Kurtz trong “Trái tim của Bóng tối” (“Coeur de ténèbres” của Joseph Conrad). Trong thời gian này, tàu thuyền Trung Hoa bao vây giải san hô lộ thiên, cấm các tàu tiếp tế đến gần. Những người trên đó chỉ được tiếp tế khi có tàu cá Philippines qua lại gần đó lẩn vào [hoặc khi lương thực thực phẩm được máy bay thả dù xuống]. Nhưng phần còn lại, đất và biển bao quanh bãi đá ấy đã mất vào tay Trung Hoa. Bài báo đó vạch ra tình trạng hỗn loạn tràn ngập Philippines và cái cách mà Trung Hoa kiên nhẫn chờ cơ hội của nó.

Những láng giềng của Trung Hoa bắt đầu đánh trả. Tổng thống Philippines Benigno S. Aqiono III hồi tháng Hai vừa qua (2014) đã đến mức so sánh tình hình đất nước ông với tình hình Tiệp Khắc ngay trước Thế Chiến II, bị ép buộc phải bỏ nhiều phần đất nước mình cho Đức. Nhiều nước châu Á đã tăng ngân sách quốc phòng, đặc biệt là Nhật Bản, và Ấn Độ bắt đầu những cuộc thử tên lửa đạn đạo mới có tầm với tới Trung Hoa.

Trung Hoa đã rút ra bài học về cách trở thành cường quốc lớn mà cuốn sách của Mahan đã chỉ ra, bằng cách có phương pháp lập ra những căn cứ của nó ở nước ngoài. Nhà chiến lược Mỹ này đã cổ vũ nước Mỹ thủ đắc những căn cứ cho phép hạm đội của nó tự cung cấp chất đốt. Chính thời gian này, cuối thế kỉ XIX Mỹ đã làm tất cả để sáp nhập Hawai, và vươn xa hơn nữa vào Thái Bình Dương bằng cách chiếm lấy quần đảo Midway (sở dĩ tên như vậy là vì nó nằm giữa đường từ Bắc Mỹ đi châu Á). Sau đó ít lâu, nó có được căn cứ Guantanamo để bảo vệ kênh đào Panama. Ngày nay Trung Hoa cũng làm như thế khi nó xây dựng những cảng và những căn cứ trong vùng nước sâu trong những “nước bạn” đặc biệt là Myanma, Pakistan và Sri Lanka. Một số trong các dự án này dường như có thiên hướng chủ yếu về thương mại, nhưng Dyer cho rằng một ngày nào đó nó có thể thành những căn cứ cho hải quân Trung Hoa. Ít ra là ý đồ này đã có.

Một yếu tố khác, mơ hồ hơn cũng xuất hiện trong bức tranh này. Trong cả hai trường hợp (Mỹ và TH, -Nd), sự vươn lên là kết quả của những thay đổi sâu sắc trên bình diện kinh tế, và trong tâm lí tập thể. Nếu cuốn sách của Mahan đã có một tác động mạnh mẽ đến thế, thì chính là vì nó đã nắm bắt được tinh thần của thời đại. Xuất hiện trong một thời đại khác, hay trong một nước khác, chắc chắn nó đã có ít tiếng vang hơn. Trái lại, một người như chủ ngân hàng J.P. Morgan đã đánh giá nó quan trọng đến mức ông tài trợ để xuất bản nó.

 

 

 

MỘT CÔNG LUẬN VANG DỘI

Cùng theo cách đó, sự củng cổ và bành trướng sức mạnh quân sự Trung Hoa cho ta cảm giác phát ra từ những lực lượng khác nữa chứ không chỉ từ ý muốn của nhà nước. Sự phát triển các cơ sở hạ tầng hậu cần của cảng Kyaukpyu ở Myanmar chẳng hạn, được trợ lực bởi một công ti dầu khi Trung Hoa. Công ti này dự tính việc vận chuyển dầu từ Trung Đông đến Myanmar bằng đường biển, rồi bằng ống dẫn dầu đến Trung Hoa, chắc chắn hơn là xuất khẩu trực tiếp đến Trung Hoa qua eo Malacca [thường bị cướp biển]. Sau đó cần tính đến dư luận mới sinh, thường vang dội và rầm rộ hơn những phát biểu chính thức của quan chức. Nói cách khác, không phải các căn cứ hải quân luôn luôn được xây dựng từ một chiến lược lớn được các đầu óc siêu việt ở Bắc Kinh hay Washington soạn thảo công phu; nó phải có nguồn cội sâu xa hơn thế.

Cuốn sách của Dyer có sức hấp dẫn khi nó thành công trong việc phác họa hình ảnh quân đội Trung Hoa với bộ mặt người. Nó dẫn chúng ta đến gặp Liu Huaqing (Lưu Hoa Thanh), một cựu tư lệnh hải quân năm 1987 đã tuyên bố “Nếu tôi không nhìn thấy những chiếc tàu sân bay trước khi tôi chết, thì tôi chết không nhắm mắt”. Vài ngày trước khi ông ta chết, năm 2011, chiếc Liêu Ninh bắt đầu chạy thử. Nhiều lần Dyer cho ta thấy các chính khách và những người lập kế hoạch Trung Hoa đã say mê ở điều gì và có trí nhớ tốt như thế nào. Ông nhắc chúng ta rằng những khát vọng của Trung Hoa không có gì là mới, chỉ có khả năng thực hiện những khát vọng ấy là mới mà thôi.

Hẳn là, chúng ta có thể bỏ qua những tham vọng này, và coi chúng là không hiện thực trong thời hạn ngắn và vừa, dù sao, ngân sách quốc phòng của Mỹ từ lâu đã là nhất thế giới. Cần nhiều thập niên mới đuổi kịp nó. Nhưng dù sao đây là dự án của Bắc Kinh trong dài hạn – và nó không nói gì rõ ràng về chuyện này – thì sự trỗi dậy địa chính trị của nước này hệ trọng ngay từ bây giờ. Vì Trung Hoa không thử cạnh tranh với Mỹ từng cái một: căn cứ với căn cứ, tàu sân bay với tầu sân bay trên toàn thế giới. “Sự phát triển quân đội của nó có xu hướng làm thay đổi dần dần những tính toán của các chỉ huy quân đội Hoa Kỳ, để can ngăn họ dự tính những hoạt động quân sự lân cận bờ biển Trung Hoa và từ từ đẩy họ lui ra khoảng rộng hơn ở Thái Bình Dương. Và để thay đổi thế cân bằng chiến lược, nước này đơn giản cần thực hiện chính sách “từ chối tiếp xúc”bằng cách sử dụng đủ vũ trang, can thiệp đắt giá vào Hoa Kỳ.

Về phương diện nào đó, chúng ta đã đi đến bước ngoặt này rồi. Tôi đã tới Đài Loan trong cuộc bầu cử tổng thống dân chủ đầu tiên ở nước này, năm 1996. Lúc này Trung Hoa phản đối cuộc bỏ phiếu quan trọng mà Đài Loan đã đủ độc lập để lựa chọn lãnh đạo xứng đáng của mình. Để tỏ giận dữ, Trung Hoa đã bắn nhiều tên lửa đạn đạo rơi xuống lãnh hải của đảo này. Và cuộc khủng hoảng chỉ chấm dứt khi Washington gửi hai đoàn không quân thuộc hải quân Mỹ đến Đài Loan. Ngày nay liệu Mỹ có làm thế không? Hãy thử tưởng tượng trong chuyến chạy thử khánh thành của nó hồi tháng 12 và tháng 1 vừa qua, tàu sân bay Liêu Ninh bị một tàu khu trục Đài Loan chạy cắt ngang qua, liệu Mỹ có mạo hiểm để xảy ra một cuộc đung độ như cuộc mà nó xuýt để xảy ra hồi tháng 12 không?

Những thiết bị quân sự cũng đắt giá như đoàn không quân thuộc hải quân đặt ra những vấn đề sâu xa về sức mạnh kinh tế ngầm của một nước. Nước Mỹ chi tiêu cho quốc phòng gần bằng cả phần còn lại của thế giới cộng lại. Vị trí của nó dường như không thể tấn công được. Trung Hoa đứng thứ hai nhưng còn cách xa, ngân sách quân sự của nó tăng trưởng ở mức hai chữ số, từ tháng 3 (2014), chính phủ thông báo mức tăng 12.2%, và hiện nay nó đứng vững vàng trong vai trò một nước duy nhất có khả năng đối đầu quân sự với Mỹ. Ngoài ra, nó không phải chịu những vết thương như Mỹ gần đây phải chịu, theo phân tích của Dyer: “Trong khi Mỹ đánh một trận thua ở Afghanistan, trong hơn mười năm Mỹ phải bơm cả tỉ tỉ đô la vào một Iraq tan hoang thì Trung Hoa tỉ mỉ theo đuổi mức tăng trưởng quân sự mạnh nhất thế giới.”

(Còn nữa)

__________________________________

* Bài của Ian Johnson trên New York Review of Books, 8 tháng Năm, 2014, điểm cuốn sách của Geoff Dyer “CUỘC ĐẤU THẾ KỶ: Thời đại mới của cuộc đối đầu với Trung Hoa – và Hoa Kỳ có thể thắng được như thế nào” [The Contest of the Century: The New Era of Competition With China – And How Ameriaca Can Win].  Bản dịch Pháp của Sandrine Tolotti, (Le March du Siècle: Le Nouvel Âge de la Rivalité avec la Chine – et comment les États Unis peuvent l’emporter) . Bản tiếng Việt: HT, 2-2015 dịch từ bản tiếng Pháp.

 

Bài liên quan

http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=16130

 

Hiếu Tân
Số lần đọc: 2365
Ngày đăng: 06.02.2015
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gót chân Asin của Putin - Hiếu Tân
Tân Cương đang đến gần khủng hoảng - Hiếu Tân
Tân Cương đang đến gần khủng hoảng - Hiếu Tân
Những người lãnh đạo cuộc phản kháng của Hong Kong ra cho chính phủ hạn cuối cùng của Cải cách là 1 tháng Mười - Hiếu Tân
Quốc Gia Duy Nhất Coi "Hạnh Phúc Của Dân" Là Sự Thịnh Vượng - Trần Vấn Lệ
Tại sao Trung hoa đặt giàn khoan dầu bên trong vùng biển của Việt Nam? - Hiếu Tân
Gia đình Mandela nổi giận với giới truyền thông quốc tế. - Hiếu Tân
Thành phố và cuộc sống đô thị - Đinh Lê Na
Vụ phong tên lửa cho thấy chúng ta mù tịt về bắc Triều Tiên - Hiếu Tân
Nghĩ về thế cờ tàn của Bắc Triều Tiên - Hiếu Tân
Cùng một tác giả
Chuyện xứ Mitoman (truyện ngắn)
Vi đan (truyện ngắn)
Bàn tay phải (truyện ngắn)
Luận về nô tài (tiểu luận)
Putois (truyện ngắn)
Phá (truyện ngắn)
Khi Bắc Triều Tiên Đổ (nhìn ra thế giới)
Nô tài thi sĩ (tạp văn)
Putin nói trên truyền hình (nhìn ra thế giới)
WikiLeaks, theo kiểu Belarus (nhìn ra thế giới)
Ngăn cản WikiLeaks (nhìn ra thế giới)
Tại sao lại xóa từ-n ...? (nhìn ra thế giới)
20 tác giả dưới 40 tuổi (nhìn ra thế giới)
“Công lý” Nga (nhìn ra thế giới)
Say sưa với Tự do. (nhìn ra thế giới)
Cách mạng bằng Internet (nhìn ra thế giới)
Bật mí WikiLeaks (nhìn ra thế giới)
Bật mí WikiLeaks- tiếp (nhìn ra thế giới)
Học Để Yêu Cách Mạng (nhìn ra thế giới)
Shakespeare, chán ! (nhìn ra thế giới)
Rủi ro hạt nhân (nhìn ra thế giới)
Những tư tưởng lỗi thời. (nhìn ra thế giới)
Nước Nga sợ gì ở châu Á? (nhìn ra thế giới)
Tại sao nước Mỹ bị ghét (nhìn ra thế giới)
Nhà nước đỏ (nhìn ra thế giới)
Trung hoa là kẻ xâm lược? 1 (nhìn ra thế giới)
Trung hoa là kẻ xâm lược? 2 (nhìn ra thế giới)
The Internet và Iran (nhìn ra thế giới)
Mười năm mất mát (nhìn ra thế giới)
Gặp ông Mao mới (nhìn ra thế giới)
Kiếp sau của Tây Tạng (nhìn ra thế giới)
Nhân dân đấu với Putin (nhìn ra thế giới)
Tương lai của Lịch sử (nhìn ra thế giới)
Bụt nghe cổ tích (truyện ngắn)
BẮN MỘT CON VOI (truyện ngắn)
Gót chân Asin của Putin (nhìn ra thế giới)
The Duniazát (truyện ngắn)
Người xin lỗi (truyện ngắn)
Diễn văn Habana (nhìn ra thế giới)