Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
837
116.680.747
 
SPIEGEL phỏng vấn người đứng đầu NATO Rasmussen: Không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột Libya.
Hiếu Tân

SPIEGEL, 04/13/2011

http://www.spiegel.de/international/world/0,1518,756575,00.html

 

 


Ảnh: AP

 

Ngay cả sau nhiều tuần không kích của NATO, cuộc xung đột ở Libya không có vẻ gần được giải quyết. SPIEGEL nói chuyện với Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen về liệu bom có thể dẫn đến nền dân chủ được không, khả năng Libya trở thành một nhà nước yếu và việc Đức không sẵn lòng can dự.

 

SPIEGEL: Thưa ngài Tổng thư ký, lãnh đạo quân sự của chính phủ nổi dậy Libya đã đưa ra những lời kết tội nghiệm trọng đối với NATO, họ nói rằng liên minh đã không đủ tích cực trong những đợt không kích đánh những đội quân trung thành với nhà độc tài Muammar Gadhafi và như vậy phần nào chịu trách nhiệm đối với cái chết của vô số dân thường. Vậy có phải NATO đang thất bại không?

 

Rasmussen: Tôi có thể bảo đảm với bạn rằng chúng tôi thực hiện đầy đủ Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc năm 1973 để bảo vệ thường dân Lybia. Quy mô và tốc độ của những hoạt động của chúng tôi vẫn cao. Chỉ riêng trong tuần đầu của chiến dịch của NATO chúng tôi đã bay hơn 1000 phi vụ. Chúng tôi đã phá hủy một phần ba bộ máy quân sự của Gadhafi. 

 

SPIEGEL: Bộ trưởng ngoại giao của hội đồng chuyển đổi Libya, Ali al-Issawi, nói rằng các vấn đề bắt đầu sau khi liên minh ban đầu - do Hoa Kỳ, Anh và Pháp dẫn đầu - chuyển quyền chỉ huy cho NATO. Theo Issawi, NATO đang cản trở thậm chí phản bội cuộc kháng chiến.

 

Rasmussen: Điều đó không đúng. Trong chừng mực nào đó, chúng tôi bị trở ngại vì thời tiết, điều đó đã tạo ra ấn tượng rằng chúng tôi đã thu hẹp quy mô chiến dịch của chúng tôi. Nhưng điều đó là không tránh được, và từ đó nó cũng đã thay đổi rồi. Bây giờ chúng tôi đang tiến hành số cuộc không kích ít nhất cũng bằng trước đây.

 

SPIEGEL: Nhưng không nhất thiết với nhiều thắng lợi hơn. Và vẫn còn đó nguy cơ thường dân tử vong cao. Và phải chăng không có khả năng rằng Gadhafi có thể lợi dụng thường dân làm lá chắn?

 

Rasmussen: Vâng, bạn nói đúng. Ông ta đã thay đổi chiến thuật. Nhưng điều đó cũng chỉ cho thấy thắng lợi của chúng tôi. Bây giờ ông ta đã phải giấu xe tăng và các vũ khí hạng nặng khác, ông ta không còn có thể sử dụng chúng để dễ dàng đánh lại dân thường nữa. Sự việc chế độ đang dùng người làm những lá chắn sống cũng cho thấy sự dã man không tưởng tượng nổi của nó. Gadhafi biết rằng chúng tôi phải làm mọi việc, và chúng tôi muốn làm mọi việc, để tránh thương vong cho dân thường, và ông ta lợi dụng điều đó.

 

SPIEGEL: Một số lãnh đạo cuộc bạo loạn đang khuyến khích các ngài chấp nhận cái “thiệt hại phụ” này và, nếu cần, đánh bom khu trung tâm của thành phố Misddurata đang giao tranh nếu bằng cách đó các ngài có thể làm cho các lực lượng của Gadhafi yếu đi một cách rõ rệt. Đó là một vấn đề chiến lược, hay đạo đức?

 

Rasmussen: Một số người trừng phạt chúng tôi vì cho rằng chúng tôi quá thận trọng, trong khi những người khác phê phán chúng tôi vì chúng tôi làm những gì chúng tôi đang làm. Đó thật là một tình huống khó xoay sở. Sứ mệnh của chúng tôi là bảo vệ thường dân. Dù sao, chúng tôi cũng không có người lính nào trên đất Libya.

 

SPIEGEL: Có thể thắng cuộc chiến tranh này mà không có lính đánh bộ không?

 

Rasmussen: Câu trả lời trung thực là không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột này. Chúng ta cần một giải pháp chính trị, và nó tùy thuộc người dân Libya tìm đến một giải pháp như thế. Chúng tôi chỉ có thể kêu gọi giới lãnh đạo ở Tripoli chấm dứt những hành động bạo lực của họ, bảo đảm cho người dân của họ những quyền hợp pháp và tạo điều kiện cho một cuộc chuyển biến hòa bình đến dân chủ.

 

SPIEGEL: Điều gì xảy ra nếu Gadhafi không chịu làm theo những yêu cầu này? Có thể chăng ít nhất NATO tạo điều kiện cân bằng về vũ khí bằng cách cung cấp xe tăng và tên lửa cho những người bạo loạn?

 

Rasmussen: Về chuyện đó thì tôi chỉ có thể nói được thế này: Chúng tôi có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc năm 1973. Nghị quyết này nêu rằng chúng tôi sẽ tham gia vào thực hiện lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya. Chúng tôi sẽ triệt để tôn trọng nghị quyết này. Đó là sứ mệnh của chúng tôi.

 

SPIEGEL: Tuy nhiên, mặc khác, Nghị quyết 1973 đã rõ ràng cho phép bảo về dân thường “với tất cả những phương tiện cần thiết.” Bộ trưởng Quốc phòng Anh Liam Fox đã nói rằng trong thực tế Gadhafi có thể là một mục tiêu của các hoạt động. Một số chuyên gia luật quốc tế đồng ý.

 

Rasmussen:  Tôi sẽ không đi vào thảo luận về pháp lý. Chúng tôi đang tập trung vào việc thực hiện nghị quyết này.

 

SPIEGEL: Đây không phải chỉ là vấn đề cách hiểu pháp luật. Mối đe dọa lớn nhất đối với thường dân đến từ chế độ độc tài này, từ sự chuyên quyền của Gadhafi và bè lũ của ông ta. Làm thế nào có thể có một giải pháp ở Libya nếu Gadhafi và bè lũ của ông ta không rời khỏi đất nước hoặc bị bắt?

 

Rasmussen: Tất nhiên mối đe dọa chống lại thường dân đến từ chế độ Gadhafi. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố rõ ràng rằng những hành động của chế độ này có thể là những tội ác chống nhân loại. Và Gadhafi có thể bị xử về những tội ác như thế tại Tòa án Tội phạm Quốc tế.

 

SPIEGEL: Dựa trên tiêu chí nào mà ngài có thể gọi chiến dịch “Người bảo hộ hợp nhất” là một thắng lợi?

 

Rasmussen: Nếu chúng tôi thành công trong cố gắng chấm dứt bạo lực, thì sẽ không còn mối đe dọa đối với thường dân Libya nữa.

 

SPIEGEL: Chỉ thực hiện vùng cấm bay không thôi thì sẽ rất tốn kém. Những vùng như thế đã phải được duy trì nhiều năm ở các nước Balkan và Iraq.

 

Rasmussen: Tôi rất hy vọng chúng ta sẽ tìm được một giải pháp chính trị trong tương lai gần. Hậu quả xấu nhất có thể là một bế tắc về quân sự hay sự chia cắt xã hội Lybia trong thực tế, trong đó Libya sẽ trở thành một nhà nước yếu và mảnh đất tốt cho những nhóm khủng bố nảy nở, và nó lại rất gần với các biên giới Châu Âu.

 

SPIEGEL: Lúc này, có vẻ như một sự bế tắc về quân sự là một khả năng rất thực. Libya trên thực tế đã bị chia cắt. Liệu có thể có hoà bình trên một nước Libya bị chia cắt không?

 

Rasmussen: Rốt cuộc, nó phụ thuộc vào việc Liên Hiệp Quốc tìm được một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng này. Sự toàn vẹn lãnh thổ của Libya phải được duy trì.

 

SPIEGEL: Ông có hoan nghênh một cuộc ngừng bắn không? Liệu nó có phải gắn với những điều kiện?

 

Rasmussen: Nghị quyết Liên Hiệp Quốc kêu gọi một cuộc ngừng bắn. Nó phải là đáng tin cậy và có thể kiểm tra được. Việc bảo vệ thường dân phải được đảm bảo. Dù sao một cuộc ngừng bắn không thể hàn gắn được tình hình hiện tại. Trái lại nó phải tạo điều kiện cho một tiến trình chính trị có tính cách xây dựng.

 

SPIEGEL: Từ đâu các ngài có được những tọa độ cho các cuộc không kích - từ những người nổi loạn, là những người không phải luôn luôn đáng tin cậy, hay từ những điệp viên CIA trên mặt đất?

 

Rasmussen: Tôi không thể bình luận về những chi tiết của chiến dịch.

 

SPIEGEL:  Ngài có thể hình dung một tương lai cho Libya mà không phải toàn bộ phe nhóm của Gadhafi rời khỏi đất nước?

 

Rasmussen:  Thông điệp của Nghị quyết Liên Hiệp Quốc 1973 là rõ ràng: Bất kỳ giải pháp nào cũng phải tính đến nguyện vọng hợp pháp của nhân dân Libya.

 

SPIEGEL: Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói rằng nếu người ta can thiệp vào Libya, thì những cuộc can thiệp vào những nơi rắc rối khác là không tránh khỏi. Phải chăng bà ấy sai?

 

Rasmussen: Bà Thủ tướng đã nêu lên một câu hỏi cần đến một câu trả lời thực tế. Cộng đồng quốc tế không thể giải quyết mọi vấn đề của thế giới. Chúng ta phải quyết định trên cơ sở từng trường hợp một. Một cuộc tàn sát đã có nguy cơ xảy ra ở Libya. Đó là lý do tại sao chúng ta, với tư cách cộng đồng quốc tế, phải hành động.

 

SPIEGEL: Không phải NATO mà một “liên minh của ý muốn” bao gồm Pháp, Anh và Hoa Kỳ, đã phát động những cuộc không kích đầu tiên đánh vào những vị trí của Gadhafi.

 

Rasmussen: Tôi rất ủng hộ sự vào cuộc nhanh chóng của liên minh đó. Đúng ra là các cuộc không kích đã bắt đầu vào phút cuối cùng.

 

SPIEGEL: NATO không thể đạt được sự đồng thuận nhanh chóng về cuộc can thiệp quân sự. Pháp đã phản đối NATO lãnh đạo sứ mệnh này và muốn bản thân họ đóng vai trò dẫn đầu, Đức từ chối dính líu về quân sự và Thổ Nhĩ Kỳ đã từ lâu cản trở một cuộc can thiệp.

 

Rasmussen:  Đã cần đến nhiều cuộc họp dài trước khi chúng tôi đi đến một quyết định chung. Nhưng so sánh với quá khứ, lần này chúng tôi đạt được thỏa thuận tương đối nhanh. Vào những năm 1990, khi NATO bắt đầu hành động ở vùng Balkan, liên minh đã phải mất nhiều tháng để chuẩn bị một chến dịch. Lần này chỉ mất một tuần.

 

SPIEGEL: Việc Đức bỏ phiếu trắng trong cuộc biểu quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc năm 1973 đã phê phán rộng rãi. Các ngài gọi việc Đức chọn cách không để cho liên minh sẵn sàng sử dụng các khả năng quân sự của mình là “phi lý.”

 

Rasmussen: Tôi sẽ không bình luận về các cuộc thảo luận nội bộ trong Hội đồng NATO.

 

SPIEGEL:  Để đáp lại sự phê phán của các ngài, đại sứ Đức tại NATO đã ra khỏi phòng họp để phản đối.

 

Rasmussen:  Chúng tôi có nhiều cuộc họp dài trong Hội đồng NATO,  trong đó thường xuyên có nhiều người đến và đi. Điều quan trọng là cuối cùng chúng tôi đã nhất trí.

 

SPIEGEL:  Người Đức vẫn còn chờ đợi một lời xin lỗi.

 

Rasmussen:  Tôi không có bất kỳ vấn đề gì với người Đức.

 

SPIEGEL:  Ngài có thấy có một khuynh hướng hòa bình chủ nghĩa ở Đức không?

 

Rasmussen:  Tôi đánh giá rất cao đóng góp của Đức cho NATO. Khi tôi gặp các chính khách Berlin, dù họ ở cương vị chính trị nào, tôi cảm thấy một sự gắn bó mạnh mẽ với vai trò đối tác xuyên Đại Tây Dương. Đức đã rất tận tâm với các chiến dịch của NATO, đặc biệt ở Afghanistan, mà còn ở cả Kosovo nữa.

 

SPIEGEL: Bây giờ ngài đang vẽ nên một bức tranh toàn mầu hồng. Hoa Kỳ, Anh và Pháp đã bỏ phiếu cho giải pháp Libya ở Hội đồng Bảo an, trong khi Đức cùng với Trung Quốc và Nga tránh. Làm sao điều đó nhất quán với sự gắn bó mạnh mẽ với liên minh xuyên Đại Tây Dương được?

 

Rasmussen: Cho dù Đức không bỏ phiếu trong Hội đồng Bảo an, là điều mà nhiều người thấy rất khó hiểu, vai trò của Đức trong việc theo đuổi các cuộc họp NATO là rất xây dựng. Berlin không phản đối sứ mệnh này. Trái lại, hiện nay nó vẫn phát lệnh cho phép Đức tham gia vào các chuyến bay do thám AWACS trên bầu trời Afghanistan.

 

SPIEGEL: Trong việc làm thế, Đức thực chất đã rút mình ra khỏi chiến dịch Libya. Mới chỉ hai tháng trước, Berlin còn từ chối tham gia vào một điệp vụ AWACS ở Afghanistan.

 

Rasmussen: Nhưng điều đó cũng làm nổi bật tính mềm dẻo của người Đức. Berlin làm ngơ ở Hội đồng Bảo an, nhưng ở NATO nó ủng hộ chiến dịch Libya và nhận nhiều trách nhiệm hơn ở Afghanistan.

 

SPIEGEL:  Đức hiện nay đồng ý cung cấp bảo hộ quân sự cho một sứ mệnh nhân đạo của châu Âu ở Libya. Đó có phải hơn là một cử chỉ thiện chí không?

 

Rasmussen:  Tôi hoan nghênh tất cả mọi đóng góp nhằm cải thiện tình hình ở Libya. Tôi rất lo ngại về tình hình nhân đạo ở đó, nhưng NATO không lĩnh một vai trò chủ đạo trong vấn đề này. Liên Hiệp Quốc nên điều phối các hoạt động cứu trợ nhân đạo. Liên Hiệp châu Âu có thể đóng vai trò trợ giúp.

 

SPIEGEL: Về vấn đề Afghanistan, trong tất cả các nước thuộc khối NATO sự mệt mỏi chiến tranh đang tăng lên, và Tổng thống Hamid Karzai đã nói rõ rằng ông muốn sứ mệnh ISAF  mau chóng kết thúc. Ngài thấy NATO sẽ còn ở lại Afghanistan bao lâu nữa?

 

Rasmussen:   Trong cuộc họp cấp cao của NATO tại Lisbon mùa thu vừa rồi, chúng tôi đã nhất trí một thời biểu với người Afghanistan. Tôi hoàn toàn tin tưởng Tổng thống Karzai. Chúng tôi đặt kế hoạch bắt đầu một quá trình chuyển tiếp từ từ vào tháng Bẩy. Quyền kiểm soát bẩy vùng sẽ được chuyển giao cho người Afghanistan. Hy vọng quá trình ấy sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2014. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh của chúng tôi sau khi phần chiến đấu kết thúc, trợ giúp Afghanistan trong việc phát triển và huấn luyện quân đội của họ. Chúng tôi sẽ không bỏ lại sau lưng một khoảng trống.

 

SPIEGEL:  Tính đến tháng Tám này ngài đứng đầu liên minh này được hai năm. Trước đó ngài có nghĩ rằng nó lại có nhiều khó khăn như thế không? Do việc công bố của WikiLeaks, chúng ta ngày nay biết rằng một điệp viên hai mang của Mỹ đã gửi tiếp những tài liệu và biên bản các cuộc họp từ văn phòng của ngài đến Washington.

 

Rasmussen: Tôi đã ở trong chính trị lâu đến nỗi không còn cái gì có thể làm tôi ngạc nhiên được nữa.

 

SPIEGEL: Khi bắt đầu nhiệm kỳ của ngài, ngài có nói rằng ngài muốn làm một viên tướng hơn là làm thư ký. Một số người trong liên minh hơi ngỡ ngàng về cách phát biểu của ngài. Ngài có cần phải nhẹ nhàng và thỏa hiệp nhiều hơn, hay là giáng nắm đấm xuống bàn đơn giản là một phần công việc của người đứng đầu NATO?

 

Rasmussen: Bản chất tôi là người thiếu kiên nhẫn. Nhưng tôi là một người đứng đầu một chính phủ thiểu số ở Đan mạch, và đã dùng vô số thời gian để rèn dũa những đa số. Trong NATO có 28 thành viên, và tất cả các quyết định đều phải được nhất trí. Điều đó có nghĩa là tôi thường phải làm một người thư ký nhiều hơn và phải tập trung vào dàn xếp, hòa giải.

 

SPIEGEL: Cảm ơn ngài Tổng thư ký về cuộc phỏng vấn này.

 

Cuộc phỏng vấn được thực hiện bởi Erich Follath Christoph Schult

Christopher Sultan dịch từ tiếng Đức.

 

Bản tiếng Việt: Hiếu Tân, 150411

 

Anders Fogh Rasmussen, 58 tuổi, là Tổng Thư ký NATO từ 2009. Trước khi nhận chức vụ cao nhất tại liên minh xuyên Đại Tây Dương, với tư cách Thủ tướng Đan mạch ông đã lãnh đạo một liên minh bảo thủ trong chính phủ. Năm 2003 ông hậu thuẫn cuộc xâm lược Iraq của Tổng thống Mỹ George W. Bush's. Thổ Nhĩ Kỳ ban đầu ngăn cản việc bổ nhiệm ông lãnh đạo NATO bởi vì Ankara coi ông là người chống đạo Hồi. Trên cương vị của mình, ông tỏ ra là một nhà thương lượng mềm dẻo và gần đây lái liên minh này (NATO) theo hướng hợp tác nhiều hơn với Nga.

 

 

Hiếu Tân
Số lần đọc: 2138
Ngày đăng: 16.04.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thư từ Yemen: SAU CUỘC NỔI DẬY. Tiếp theo và hết - Hiếu Tân
Thư từ Yemen: SAU CUỘC NỔI DẬY. Tiếp - Hiếu Tân
Thư từ Yemen: SAU CUỘC NỔI DẬY. Tiếp - Hiếu Tân
Thư từ Yemen: SAU CUỘC NỔI DẬY. Tiếp - Hiếu Tân
Thư từ Yemen: SAU CUỘC NỔI DẬY. còn tiếp - Hiếu Tân
Liên Xô đã nói dối về chuyến bay vào vũ trụ của Yuri Gagarin vào năm 1961 - Phạm Nguyên Trường
Rủi ro hạt nhân - Hiếu Tân
Chị em Hồi giáo: Nhận diện người phụ nữ trong nước Ai Cập mới - Hiếu Tân
Bàn về chủ quyền quốc gia - Phạm Nguyên Trường
Trò chuyện với nhà triết học AC Grayling: “Làm thế nào anh có thể là một người vô thần chiến đấu? Nó chẳng khác nào ngủ một cách hung hăng.” - Hiếu Tân
Cùng một tác giả
Chuyện xứ Mitoman (truyện ngắn)
Vi đan (truyện ngắn)
Bàn tay phải (truyện ngắn)
Luận về nô tài (tiểu luận)
Putois (truyện ngắn)
Phá (truyện ngắn)
Khi Bắc Triều Tiên Đổ (nhìn ra thế giới)
Nô tài thi sĩ (tạp văn)
Putin nói trên truyền hình (nhìn ra thế giới)
WikiLeaks, theo kiểu Belarus (nhìn ra thế giới)
Ngăn cản WikiLeaks (nhìn ra thế giới)
Tại sao lại xóa từ-n ...? (nhìn ra thế giới)
20 tác giả dưới 40 tuổi (nhìn ra thế giới)
“Công lý” Nga (nhìn ra thế giới)
Say sưa với Tự do. (nhìn ra thế giới)
Cách mạng bằng Internet (nhìn ra thế giới)
Bật mí WikiLeaks (nhìn ra thế giới)
Bật mí WikiLeaks- tiếp (nhìn ra thế giới)
Học Để Yêu Cách Mạng (nhìn ra thế giới)
Shakespeare, chán ! (nhìn ra thế giới)
Rủi ro hạt nhân (nhìn ra thế giới)
Những tư tưởng lỗi thời. (nhìn ra thế giới)
Nước Nga sợ gì ở châu Á? (nhìn ra thế giới)
Tại sao nước Mỹ bị ghét (nhìn ra thế giới)
Nhà nước đỏ (nhìn ra thế giới)
Trung hoa là kẻ xâm lược? 1 (nhìn ra thế giới)
Trung hoa là kẻ xâm lược? 2 (nhìn ra thế giới)
The Internet và Iran (nhìn ra thế giới)
Mười năm mất mát (nhìn ra thế giới)
Gặp ông Mao mới (nhìn ra thế giới)
Kiếp sau của Tây Tạng (nhìn ra thế giới)
Nhân dân đấu với Putin (nhìn ra thế giới)
Tương lai của Lịch sử (nhìn ra thế giới)
Bụt nghe cổ tích (truyện ngắn)
BẮN MỘT CON VOI (truyện ngắn)
Gót chân Asin của Putin (nhìn ra thế giới)
The Duniazát (truyện ngắn)
Người xin lỗi (truyện ngắn)
Diễn văn Habana (nhìn ra thế giới)