Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
661
116.459.914
 
Viết Về Những người bạn (Ý Thức)
Phạm Văn Nhàn

Cám ơn Nhà văn Trần Hoài Thư, Chủ trương tạp chí Thư Quán Bản Thảo đã gửi tư liệu Chủ đề Ý Thức do tạp chí Thư Quán Bản Thảo ở Hoa Kỳ thực hiện (tháng 10-2008). VCV

 

Tôi không nhớ vào tháng nào trong năm 1969 tôi rời khỏi Bình Ðịnh đổi về thị trấn Tháp Chàm ( Phan Rang). Nhưng trước khi đến Tháp Chàm, tôi ghé lại Nha Trang ở chơi với những anh bạn cầm bút nơi thành phố biển này. Một trong những người bạn ở Nha Trang mà tôi ghé đến là Lê Minh.. Anh giới thiệu tôi về “ăn cơm ” ở nhà bà mẹ của anh ấy. Dầu gì, đời lính độc thân như tôi, có chỗ ăn ở đầu tiên khi đến một nơi lạ, cũng thấy đỡ lo hơn chạy tìm chỗ ăn hằng ngày. Vất vã lắm! Ngôi nhà của “mệ”, mẹ Lê Minh, người Huế dân Phú Cam, chẳng biết vào lập nghiệp ở Tháp Chàm khi nào, nhưng tất cả các thành viên trong gia đình đều nói giọng “Huế rặc”; Vã lại Hoàng- em trai của Minh- cũng đã biết tôi vài lần khi ra Qui Nhơn và Nha Trang. Không ngờ tôi cũng gặp Lê Ký Thương trong ngôi nhà này. Anh làm ở tiểu khu Ninh Thuận. Khối CTCT thì phải? Ngày nào cũng gặp anh, nhưng chỉ nói chuyện vu vơ chơi sau những buổi cơm chiều, không bao giờ nói đến chuyện quân đội, và anh cũng không nói đến Ý Thức. Lê Ký Thương người ít nói chỉ cười cười và kín đáo.

 

Phải nói, Ninh Thuận là một tỉnh lỵ “thanh bình”. Ai đổi về đây tựa như “lính cậu”. Không thấy chiến tranh hiện diện nơi đây, hay trên từng gương mặt lo âu của người dân như những nơi tôi đã từng đến. Một buổi sáng, đi làm, lang thang thả bộ đến đơn vị gần lên dốc cầu mống- cầu dành cho xe lửa- thì tôi thấy có một “anh chàng” lái xe honda màu đỏ rất đàng hoàng, chững chạc, trông như có vẻ nhà giáo chạy qua mặt tôi. Sau đó quay lại chạy chậm bên tôi, rồi hỏi: có phải Phạm Văn Nhàn không? Tôi nói phải, rồi nhìn anh nhíu mầy: ai thế ? Võ Tấn Khanh đây. Tôi buộc miệng vui: Tôn Nữ Hoài My? Hai đứa chúng tôi cười ngất. Thế là quen nhau.  

 

Ðấy, cái thời của chúng tôi trong những thập niên 60, 70 là thế đó. Ðối với những anh em, bạn bè đã ít nhiều cầm bút nói chuyện văn chương chữ nghĩa khi gặp nhau, dù lần đầu, nhưng như đã quen nhau từ lâu lắm. Bạn bè cứ trải lòng ra mà chơi. Không câu nệ. Về ở chơi với nhau năm mười ngày, nửa tháng rồi đi cũng chẳng có việc gì. Nhiều khi “móc” tiền túi, có bao nhiêu đưa hết cho bạn để tiếp tục cuộc hành trình, nếu muốn ra đi nữa. Chuyện bạn bè văn nghệ là thế; cho dầu mới gặp nhau lần đầu. Tôi nghĩ hôm nay, những người cầm bút trẻ, họ sống có vẻ “thực dụng” hơn chúng tôi. Chắc không có cái  “thân tình” của thập niên 60-70 của thế kỷ trước.

 

Lữ Kiều, Trịnh Công Sơn, Hồ Thanh Ngạn, Ông Khai Trí, Nguyên Minh

 

Như tôi đã nói: người đầu tôi gặp là Lê Ký Thương. Người sau: Võ Tấn Khanh…và, qua Võ Tấn Khanh tôi biết thêm những anh em trong nhóm Ý Thức và ngôi nhà 11 Nguyễn Thái Học Phan Rang. Nơi các anh làm trụ sở cho tờ báo. Nơi đó có Nguyên Minh, có Trần Hữu Ngũ, có Lê Ký Thương, có Võ Tấn Khanh. Ý Thức đổi tên từ Gió Mai ở Huế. Khi vào Phan Rang có thêm hai người trong nhóm chủ trương là Lê Ký Thương và Võ Tấn Khanh. Võ Tấn Khanh vui tính hơn Lê Ký Thương. Và Nguyên Minh rất “xề xòa, cởi mở” cho nên dễ gây tình thân với tất cả mọi người.

 

Không ngờ căn phòng tôi thuê lại gần nơi VTK dạy học- trường tiểu học Ðô Vinh, Tháp Chàm- Cũng nhờ có VTK mà tôi lại có phương tiện để về Phan Rang và đến với anh em trong nhóm Ý Thức. Ðêm nào, tôi với Khanh, với Nguyên Minh, Lê Ký Thương , Trần Hữu Ngũ, có cả Tô Ðình Sự ( từ quân trường Ðồng Ðế biệt phái về Ty Thuế Vụ Ninh Thuận ) Tối thường hay gặp nhau ngồi uống cà phê nơi quán Diễm, mà chủ nhân của ngôi quán này là người bạn thân của Nguyên Minh. Người nghệ sĩ chơi đàn Guita bằng tay trái: Vô Thường. Anh qua Mỹ và đã mất tại Cali .

 

 

 

Ý Thức, một tạp chí văn học, theo tôi, khác với những tờ báo mà tôi được biết qua những bạn bè của tôi ở từng địa phương tôi đến. Những tờ báo ở mỗi địa phương trong thập niên 60 ấy nở rộ như đóa hoa “ sớm nở tối tàn”; mặc dù có rất nhiều cây bút trẻ thành danh cộng tác. Tại sao thế? Có lẽ vì không đủ tiền để tiếp tục in cho những số tiếp theo chăng? Hay những tạp chí này chỉ lưu hành ở địa phương mà số độc giả quá ít ỏi và quá xa lạ chăng? Hay không cạnh tranh nổi với những tạp chí từ Sài Gòn phát hành ra? Nhưng dù gì, văn học miền nam cũng phải ghi nhận một điểm son “chói ngời” với những cây bút trẻ đã làm nên một  nền văn học nhân bản, tự phát, không gò bó trong khi viết. Dấn thân và không viễn mơ. Còn Ý Thức thì phát hành rộng rãi hơn. Nhất là sau khi dời Ý Thức vào  Sài Gòn. Và, tòa soạn cũng theo chân người viết.

 

Viết tới đây, tôi nhớ lại những tạp chí văn học ở địa phương, dù gì vẫn còn trong trí nhớ của bạn bè. Như:

 

* Tạp chí Sóng ở Tuy Hòa, vào những năm 1963, 1964(?). Do nhà thơ Hoàng Ðình Huy Quan và nhà thơ Nguyễn Phương Loan chủ trương.( Nguyễn Phương Loan sau này vào quân đội, ngành pháo binh, và tử tận ở Pleime). Sóng sau này còn có thêm nhà thơ Phạm Cao Hoàng và nhà văn Nguyễn Lệ Uyên nữa. Báo quay ronéo, nhưng chỉ sống được vài số. Ðến năm 1970-71(?) nhà thơ Trần Huyền Ân có ra một tạp chí khác ở Tuy hòa ( không nhớ tên) in typo, nhưng cũng chỉ sống được 2 số.

 

* Ở Qui Nhơn, tạp chí Nhìn Mặt do Ðặng Hòa ( Nguyễn Thị Thùy Mỵ), in typo, ra được hai số rồi không ra nữa. Bên cạnh tạp chí Nhìn Mặt, Ðặng Hòa còn mở thêm cái quán Cà Phê lấy tên “Quạt Mo” trên đường Phan Bội Châu để hy vọng anh em cầm bút ở Qui Nhơn tới uống mà có tiền lo cho tờ báo. Quán chỉ mở có 2 tháng thì đóng cửa vì lỗ, và tờ Nhìn Mặt cũng chết theo.

 

* Nha Trang cũng thế. Tờ Dựng Ðất do Lê  Minh chủ trương, ra được 3 số. Tôi còn nhớ Dựng Đất số 1 phát hành vào tháng 6 năm 1969 dầy khoảng hơn 100  trang, in typo rất đẹp. Những cây viết nổi danh ở Nha Trang như Võ Hồng, Thạch Trung Giã có viết bài . Bên cạnh còn có những cây viết trẻ như Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn, Nguyễn Âu Hồng, Thế Vũ, Tần Vy, Tô Đình Sự, Chu Trầm Nguyên Minh..v..v..

 

* Ở Phan  Thiết có tờ Quê Hương do Lê văn Chính ( Sương Biên Thùy) và những cây bút điạ phương thành danh, như Nguyễn Bắc Sơn, Từ Thế Mộng, Nguyễn Như Mây, Huỳnh Hữu Võ ..v..v.. Những anh em ở xa tới công tác tại địa phương còn có Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Dương Quang.

 

Đó là những tạp chí mà tôi biết được. Ở đây, tôi có một câu hỏi là tại sao ở mỗi địa phương lại có một tạp chí văn học như thế? Có lẽ cũng vì cuộc chiến tranh VN đã cuốn hút bao nhiêu người trẻ vào con đường binh nghiệp. Cứ ra chiến trường khắp 4 vùng chiến thuât, và cái điểm để anh em cầm bút gặp nhau là nơi thành phố mỗi lần có dịp về .

 

Chiến tranh và tuổi trẻ đã tạo cho  những anh em có một cái nhìn thực dụng hơn trong khi viết. Không viễn mơ trong mỗi bài viết của mình. Từ đó, những tạp chí – cứ cho gọi là địa phương- nói chung và Ý Thức nói riêng qui tụ được nhiều cây viết trẻ trong thời đó. Ngay cả  khi Ý Thức rời khỏi số 11 Nguyễn Thái Học, Phan Rang để vào Sài Gòn ( 666 Phan Thanh Giản) tiếp tục làm Ý Thức và nhà xuất bản trong đó cũng đã qui tụ được nhiều cây bút trẻ mà một thời miền Nam biết đến.

 

Viết về Ý Thức, một thời kỷ niệm với anh em khi còn ở Tháp Chàm, dù trong khoảng thời gian quá ngắn ngủi – 8 tháng – tôi lại đổi đến một đơn vị khác: Dục Mỹ. Khánh Hòa. Nhưng, mỗi lần  nhớ đến hay nhắc đến, cái tình bạn ngày đó sao mà “thân tình” ghê gớm. Căn phòng tôi thuê chỉ là căn phòng bằng tôle, từ vách cho tới mái. Nhưng lại là nơi anh em bạn bè về đó thăm tôi trong những ngày nghỉ. Căn phòng đó có cả Tô Ðình Sự lái xe Honda đến, căn phòng đó có Nguyên Minh, có Trần Hữu Ngũ, Có Võ Tấn Khanh hầu như không bao giờ thiếu anh em trong căn phòng chật chội này, dù chỉ vừa đủ kê một cái giường và cái bàn cùng những chiếc ghế ộp ẹp. Nhưng, có lẽ, vui nhất đời tôi khi về Tháp Chàm là những ngày tháng Trần Hoài Thư (THT) được Lữ Quỳnh  đưa anh vượt Cù Mông để tìm cách vào Nha Trang. Và, tôi đưa anh vượt trạm Du Long để về sống với tôi trong căn nhà tôle nóng như cái lò hấp bánh mì này trên một ngọn đồi thấp nhìn xuống đường rầy xe lửa từ trong ga Tháp Chàm ra. THT về Tháp Chàm, tôi vui như những năm tháng hai đứa chúng tôi còn “lang thang” ở Qui Nhơn.

 

Cuộc đời quân ngủ của tôi với THT, dù khác đơn vị, nhưng có lẽ có cái cơ duyên hay sao mà tôi với anh  “gắn chặt” với nhau trong những lần “rong chơi” đây đó. Cũng vì những lần “rong chơi” ấy mà chúng tôi có một kỷ niệm không sao quên được sau năm 1968 ( Mậu Thân). Hai đứa tôi lại “dù” về Nha Trang chơi vài ba ngày ( lúc nào cũng dù đi chơi ). Ông bạn Lê Minh lại bị cấm trại, không về nhà được, đưa tôi với THT vào ngủ trong những chuồng ngựa ở viện Pasteur. Những chuồng ngựa này đều có mang những số thứ tự trên cái bảng treo trước chuồng. Và Lê Minh nói: tụi mình là những con ngựa, mỗi thằng tự chọn cho mình cái chuồng mà vào đó nghỉ. ( LM thuộc lính tiểu khu Khánh Hòa)- Anh cũng đã mất ở Ðà Lạt vào khoảng 4 năm trước.

 

Chuồng ngựa. Ba đứa tuổi ngựa. Và, hai người lính bơ vơ trở về thành phố thấy lạc lõng vô cùng. Ðể đến khi Lữ Quỳnh đưa anh vượt đèo Cù Mông về Phan Rang với tôi (khoảng năm 1969). Vài tháng sống trong căn phòng tôle chật hẹp, thiếu nhiều phương tiện, tự đi chợ , tự nấu ăn. Và mỗi buổi chiều anh ra đứng bên tảng đá nhìn xuống đường rầy xe lửa Tháp Chàm, Nhìn về hướng Sông Pha, anh nhớ Ðơn Dương. Nhớ đến cái ga xép nhỏ bé ngày nào mà anh đã có một thời sống ở đó- anh đã nói với tôi như thế- Tôi nghĩ, thời gian anh sống ở Tháp Chàm là thời gian anh viết hăng say nhất. Vì chiến tranh, sự chết chóc hằng ngày, những đôi mắt dại khờ của những bà mẹ quê trong những vùng hành quân mà anh đã đi qua...thật sự đã lùi xa. Tôi nghĩ, anh nên xa cái đơn vị mà anh đã một thời chiến đấu. Ân huệ cho anh ư? Chắc chắn là không. Với một người có nhiều tác phẩm đi trên báo, với một người mang kính cận gần 7 diop. Bỏ kính ra, anh chỉ mò chứ không thể nào thấy mọi vật trước mặt mình. Thế mà, anh vẫn miệt mài hành quân. Và phục vụ trong một đơn vị ai nghe danh cũng phải ngán: đơn vị thám kích. Thật tình mà nói nếu không có Lữ Quỳnh đưa anh qua Cù Mông để về với tôi, thì hôm nay, phải nói thật lòng, chúng tôi ..chắc không còn gặp lại anh ngày hôm nay. Về với Tháp Chàm  trong những tháng  anh sống thật yên ổn nơi thị trấn nhỏ bé này. Anh viết, viết ngày viết đêm không mệt mỏi. Và cái nhan đề cho tác  phẩm đầu tay của anh đã  được hình thành từ những đêm hai đứa tôi ngủ trong chuồng ngựa của viện Pasteur năm 1968.

 

Tác phẩm đó đã được Nguyên Minh, cơ sở Ý Thức, nơi số 11 Nguyễn Thái Học, Phan Rang đánh máy và layout trên những tờ stencil để  hoàn thành cho anh,  và cũng cho cơ sở Ý Thức đầu tiên in ấn. Tôi nhớ, bìa do Lê Ký Thương trình bày. Và Lữ Kiều làm cliché ở Sài Gòn gởi ra cho NM để in tại nhà in Phan Rang. Tập truyện “Nỗi Bơ Vơ Của Bầy Ngựa Hoang” đã hình thành theo sự mong đợi của anh, và của anh em Ý Thức. Và, riêng tôi,  trong cuộc đời quân ngũ lại có thêm một kỷ niệm – không biết vui hay buồn –  khi tập truyện này phát hành, tôi mang nó vào Sài Gòn ở nhà một người bạn trên đường Chi Lăng, Phú Nhuận. Nhà của anh chị CÐB làm ở tòa soạn Quyết Tiến trên đường Võ Tánh. Ðọc xong, chị CÐB bắt đầu “ quay” tôi bởi vì trong truyện ấy có tên thật của tôi, mà THT đưa vào. Nói lại cho THT nghe, anh chỉ ngồi cười ngất. Hôm nay không biết anh chị CÐB ngày ấy ở đâu. Tôi cố công tìm anh chị hoài, nhưng không gặp. Dù gì, đây cũng là những kỷ niệm vui trong cuộc đời còn rất trẻ của chúng tôi vào thời ấy. Phải không Trần Hoài Thư? Tôi chỉ mong sao Nguyên Minh tìm lại bản thảo của tập truyện này để chúng tôi in lại như những tác phẩm mà THT và tôi chủ trương tủ sách di sản văn chương miền Nam.

 

Viết về các bạn bè trong nhóm Ý Thức mà không viết về kỷ niệm khi tập truyện ngắn đầu tay của THT được hình thành, e cũng là một điều thiếu sót. Tôi viết để nhớ lại những kỷ niệm một thời không quên cái tình bằng hữu, cái tình của những bạn bè cầm bút chơi với nhau trong thập niên 60’ của thế kỷ trước. Cái tình “không vụ lợi”; vì có lợi đâu mà vụ. Cái tình văn nghệ sao mà “đẹp” lắm. Không thể nào diễn tả được.

 

Sau thời gian ở Tháp Chàm, THT lên Ban Mê Thuột về Sư đoàn 23, rồi về vùng 4 làm phóng viên chiến trường, lập gia đình trong đó. Tôi rồi cũng ra khỏi Tháp Chàm vào đầu năm 1970. Từ giã Võ Tấn Khanh, Lê Ký Thương ( Nguyên Minh đã vào Sai Gòn ). Tới thắp nhang trên bàn thờ  Tô Ðình Sự như để nhớ một người bạn thơ mà chúng tôi thường hay gặp từ lúc anh còn ở trường HSQ/ÐÐ. Sau khi tôi với Trần Hoài Thư từ giã Tháp Chàm, thì Võ Tấn Khanh lên dạy trung học ở Ðà Lạt không còn dạy tại trường tiều học Ðô Vinh. Chỉ còn lại Lê Ký Thương, Trần Hữu Ngũ. Hôm nay, Trần Hữu Ngũ cũng từ giã các anh để ra đi. Và, sau khi mỗi người mỗi nơi chia tay nhau, hai con ngựa hoang ( tôi và THT ) đã lập gia đình. Không còn rong chơi như ngày nào nữa.

 

Trong bài viết của anh Lữ Quỳnh viết về “Những Kỷ Niệm Về Một Thời Ý Thức” Bán Nguyệt San Ý Thức qua năm thứ hai có phần chệch hướng. Tôi nghĩ cái mà anh viết về “ chệch hướng” này, có lẽ cũng vì tình bạn bè và trọng nễ của Nguyên Minh mà ra. Khi ấy ngoài Ý Thức ra, còn có hai cơ sở: nhà xuất bản Ý Thức và nhà phát hành Hàm Thụ. Do đó mà Nguyên Minh không “kham nổi” công việc, phải nhờ đến bạn bè. Trong đó có nhà thơ Thái Ngọc San (TNS). Nói đến TNS anh em đều biết anh là một người “trốn lính” không bao giờ chắp nhận chế độ lúc ấy. Bạn bè còn nghĩ anh là người “phía bên kia”. Tuy nhiên, biết như thế, anh em vẫn chơi- không mang tính “chính trị” mà chỉ trên tình ban bè cầm bút. Do đó mà NM đưa anh về Ý Thức vừa “bảo bọc” vừa “che chở” cho anh để cho anh có một chỗ ở. Và, nhờ anh chăm sóc bài vở và trả lời độc giả. Ðến nổi khi có TNS về làm ở tòa soạn Ý Thức, nhiều người cứ nghĩ rằng Ý Thức là do TNS chủ trương. Ðây là một sự “hiểu lầm” khá trầm trọng. Mà phải hiểu là TNS không có chân trong nhóm Ý Thức. Nhắc đến TNS, tôi lại nhớ có lần, hình như vào 1968 thì phải, anh từ Lâm Ðồng về Huế. Ðến Qui Nhơn thì bị bắt vào TTTM/NN ở Gành Ráng. Anh nhắn tôi với THT.  Hai đứa tôi vào thăm . Thấy anh bi đát quá, tôi với THT còn bao nhiêu tiền đưa hết cho anh, THT còn cởi áo thun đưa cho anh mặc. Tình bạn chúng tôi chơi với nhau không mang một tính toán gì cả. Lúc ấy cũng có Lữ Quỳnh đóng ở Qui Nhơn, Nhưng có lẽ TNS không biết có LQ. Cho nên nhắn tôi và THT mà thôi. Nhưng sau đó, nghe anh cũng đã trốn thoát được về SG và NM đã đùm bọc anh.

 

 

Bìa Ý Thức số 2

 

Ý Thức số 24 đình bản. Tôi nghĩ sự đình bản này là để các anh chuẩn bị cho một bước đi khác cho những số tới, chứ không phải do BTT đình bản. Chúng ta phải biết như vậy. Nhưng trước khi Ý Thức đình bản.Tạp chí đã có sự thay đổi về hình thức, mà có lẽ Lữ Quỳnh và THT quên đi. Đó là khuôn khổ của tờ báo hình “vuông” cạnh đều cạnh. Hình thức vuông vức này là do ý của Nguyễn Lệ Uyên đưa ra, và Nguyên Minh chấp nhận.

 

Và hôm nay, viết về những người bạn trong nhóm Ý Thức khi từ Huế (Gió Mai) vào Phan Rang (Ý Thức ) từ một tạp chí quay ronéo và cơ sở in Ý Thức đã in tập truyện đầu tay của THT cũng quay ronéo làm cho tôi nhớ lại bạn bè trong thời gian qua. Nay, trong nhóm ấy,cũng có anh đã nằm xuống. Cũng có nhiều anh còn trong nước. Và cũng có nhiều anh ra hải ngoại. Cái may cho tôi ngày hôm nay là tôi vẫn còn giữ trong máy của tôi những tập truyện:của Nguyên Minh, của Trần Hoài Thư ( truyện viết trước 1975), của Trần Duy Phiên, của Lữ Quỳnh, và tập thơ của Hồ Thanh Ngạn. Những người ở trong Ý Thức ngày nào.

 

Thư Quán Bản Thảo được hình thành từ bao năm nay. Ðể Ý Thức trong nước cũng hình thành trở lại, với cái tên khác (Ý Thức Bản Thảo), dù không được phát hành  đều đặn, nhưng cũng tạo được một nơi để anh em gặp mặt nhau trên những con chữ, trên những sáng tác mới để gởi đến bạn bè và độc giả của hai tờ tạp chí mà theo tôi: như hai mà một  này. Cũng mong sao như Lữ Quỳnh nói: Nhưng  biết đâu, trong và ngoài nước, một ngày không xa, tạp chí Ý Thức mới của những người bạn già lại xuất hiện.

 

Ðiều này, mong lắm thay!./.

 

Phạm Văn Nhàn
Số lần đọc: 1983
Ngày đăng: 02.10.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một Thời Với Ý Thức - Nguyễn Lệ Uyên
Gió Mai, Những Ngày Hoang Dại - Lữ Kiều
Những Khuôn Mặt Tình - Võ Tấn Khanh
Một Thời Ý Thức 1970 - 1975 - Nguyên Minh
Mùa Thu Berlin - Nguyễn Thị Hậu
Ghi chép szeptember. - Nguyễn Hồng Nhung
Trời ươm nắng - Nguyễn Thánh Ngã
Nghe Mưa - Kiệt Tấn
Viết Cho Mùa Thu - Nguyễn Thị Hậu
Kỷ Niệm 12 Năm Ngày Mất Của Nhà Thơ Yến Lan ( 1998-2010): 12 Năm Người Đã Đi Xa… - Mang Viên Long