Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
479
116.586.673
 
Thành phố và cuộc sống đô thị
Đinh Lê Na

 

Anthony Giddens

 

(Đinh Lê Na dịch từ tiếng Anh [*])

 

London, New York và Tokyo là ba “thành phố toàn cầu”, trung tâm đầu não của hoạt động kinh tế quốc tế, với tầm ảnh hưởng vượt xa bên ngoài biên giới quốc gia (Sassen 2001). Những thành phố toàn cầu này là nơi đặt đại bản danh của những tập đoàn xuyên  quốc gia quy mô lớn trên các mặt tài chính, công nghệ lẫn dịch vụ tư vấn.

 

London có dân số hơn 7 triệu người với hơn 300 ngôn ngữ được sử dụng và khoảng 3.4 triệu lao động. Thành phố sở hữu môi trường văn hóa và di sản nghệ thuật độc đáo, được đánh giá là một thủ đô năng động và đầy sức sống bậc nhất – gần 30 triệu lượt du khách qua đêm (ít nhất 1 đêm) hằng năm. Tỷ lệ nhập cư cao khiến thành phố có dân số trẻ (trung bình 20 – 24 tuổi), những người đến Luân Đôn vì công việc, để học tập, vì văn hóa hay cũng có lẽ để thoát khỏi luật lệ và lối sống nông thôn.

 

New York, quê hương của phố Wall, là một trong những trung tâm kinh tế cực kỳ quan trọng kể từ sau năm 1945. Thành phố là tâm điểm chủ chốt của các hoạt động chuyên nghiệp tầm quốc tế, là trụ sở của các trung tâm đầu não quốc gia. Thành phố có 8 triệu dân, là nơi có mật độ dân cư cao nhất Hoa Kỳ. New York đã có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của những trào lưu âm nhạc lớn như Jazz những năm 1940, Punk rock những năm 1970. Quận Bronx [phía Bắc New York – ND] cũng là nơi khai sinh những phong cách âm nhạc mới như Rap, Hip-Hop những năm 1970 và 1980. Đây cũng là nơi có môi trường văn hóa đa dạng và vô cùng đặc sắc với hơn 1/3 dân số sinh ra ở bên ngoài nước Mỹ.

 

Thành phố Tokyo có dân số khoảng 8 triệu người, trong khi vùng đô thị Tokyo có dân số cao nhất thế giới với 35 triệu người. Tokyo đạt chỉ số GDP thành phố cao nhất đồng thời cũng là thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới (sau New York). Giống như London hay New York, Tokyo cũng là trung tâm văn hóa quan trọng với hệ thống phong phú các bảo tàng, phòng tranh và lễ hội; trong những năm gần đây, Tokyo là bối cảnh cho hàng loạt những bộ phim quốc tế hàng đầu, như Kill Bill (2003/4) Lost in Translation (2003).

 

Mặc dù vậy, bất chấp những cơ hội phong phú, rất nhiều người phát hiện rằng thành phố lớn lại là nơi của sự cô đơn và lạnh nhạt. Vì sao? Một trong những đặc trưng của cuộc sống đô thị hiện đại chính là tần số gặp gỡ giữa những người lạ. Thậm chí, ngay bên trong cùng một khu dân cư hay tòa nhà thì thật là không bình thường khi người ta có thể quen biết hết hàng xóm của mình. Nếu bạn đang sinh sống trong thị xã hay thành phố, hãy nghĩ về thời gian mà bạn dùng để giao tiếp với người lạ. Danh sách bao gồm: tài xế xe buýt, nhân viên trong các cửa hàng, sinh viên, những người bạn đã “cư xử lịch sự” trên phố. Có lẽ, với thực tế là phongccách sống một mình [của các cư dân đô thị - ND] đã khiến cho cuộc sống đô thị trở nên quá khác biệt so với bất kỳ nơi nào khác hay khi so sánh với thời kỳ khởi đầu lịch sử loài người. Quả thật, Marshall Berman (1983) nhìn nhận về kinh nghiệm cuộc sống trong các đô thị hiện đại như là hệ quả của tiến trình mà nhiều nhà xã hội học gọi là “sự hiện đại” chính nó. (Xem thêm chương 1)

 

Tìm hiểu chi tiết về “Hội nhập xã hội” tại chương 7 – Hội nhập xã hội và cuộc sống hằng ngày.

 

Trong chương này, chúng ta cùng bàn đến những lý thuyết phát triển đô thị chính trong quá trình tìm hiểu cuộc sống đô thị và các thành phố. Sau đó, chúng ta sẽ nghiên cứu về nguồn gốc đô thị, sự bùng nổ dân số trong thế kỷ XX và một số trào lưu đương đại trong quá trình đô thị hóa trên toàn thế giới. Không lấy làm ngạc nhiên khi quá trình toàn cầu hóa nhanh chóng lại có những tác động lớn đến cuộc sống đô thị và chúng ta sẽ bàn luận về tiến trình này trong phần cuối chương.

 

Quá trình lý thuyết hóa nghiên cứu đô thị

 

Thành phố là gì? Một định nghĩ đơn giản như sau:

 

Một khu vực phân biệt với thị trấn, làng mạc bởi kích thước lớn hơn rất nhiều và bởi hàng loạt những hoạt động diễn ra bên trong ranh giới, thường là hoạt động tôn giáo, quân sự, chính trị, kinh tế, giáo dục và văn hóa. Tóm lại, đó là những hoạt động làm tăng sức mạnh khu vực đô thị so với vùng nông thôn (Jary và Jary 1999:74)

 

Có thể nói, như vậy, thành phố là hình thức định cư trên diện rộng của con người, bên trong đó, hàng loạt hoạt động diễn ra, biến thành phố trở thành trung tâm quyền lực trong mối quan hệ với các khu vực định cư nhỏ hơn bên ngoài. Quay trở lại với phần giới thiệu, những mô tả về London, New York, Tokyo là những ví dụ thích hợp nhất.

 

 

Khá nhiều nhà xã hội học thời kỳ đầu quan tâm đến thành phố và cuộc sống đô thị; Max Weber thậm chí viết một cuốn sách có nhan đề Thành phố (The City, 1921), trong đó ông mô tả tình huống khiến cho chủ nghĩa tư bản hiện đại ở các thành phố Phương Tây có khả năng quay về Thời trung cổ. Những nhà xã hội học khác cùng thời lại quan tâm đến cách thức mà sự phát triển của những đô thị làm thay đổi đời sống xã hội dưới góc nhìn môi trường vật lý. Nghiên cứu cảu Ferdinand Tonnies và Georg Simmel cung cấp hai động lực quan trọng nhất cho ngành xã hội học đô thị.

 

Nhà xã hội học người Đức Ferdinad Tonnies (1855-1963) quan tâm sâu sắc đến ảnh hưởng của cuộc sống đô thị đối với ràng buộc cộng đồng và đoàn kết xã hội. Ông lý luận rằng quá trình đô thị hóa, diễn ra đồng thời với cuộc Cách mạng Công nghiệp, để lại những hậu quả không thể sửa chữa lên cuộc sống xã hội. Ông lập những biểu đồ, với chút buồn rầu, quá trình mất đi của điều mà ông gọi là Gemeinschaft hay ràng buộc cộng đồng, được hình thành từ những mối quan hệ truyền thống, gắn bó, cá nhân và chắc chắn giữa hàng xóm và bạn bè dựa trên sự hiểu biết rõ ràng về địa vị xã hội của mỗi cư dân trong cộng đồng (Tonnies 2001 [1887]). Tuy nhiên, Gesellschaft, hay ràng buộc “tổ chức”, mối quan hệ mang tính ngắn, dễ thay đổi và có mục đích, đã nhanh chóng thay thế cho hình thức ràng buộc xã hội trên. Mặc dù tất cả các nhà xã hội học đều có ý giữ các ràng buộc xã hội ở cả hai dạng, nhưng quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa khiến sự cân bằng rời bỏ trạng thái Gemeinschaft mà nghiêng về xã hội mang tính cá nhân hơn. Trong xã hội cá nhân này, mối quan hệ mang xu hướng thiết lập có mục đích và chỉ là một phần trong toàn bộ con người của cá nhân đó. Chẳng hạn, nếu chúng ta đón xe buýt trong thành phố, sự giao tiếp của chúng ta với tài xế chỉ giới hạn trong trao đổi ở cửa xe khi trả tiền vé và giới hạn trong việc chúng ta sử dụng khả năng của ông ta khi hỏi đường – đó là một dạng trao đổi có mục đích. Với Tonnies, đô thị hiện đại, không giống những hình thức định cư truyền thống, là một nơi đầy ắp những kẻ xa lạ, bất kể tốt hay xấu.

 

Những lý thuyết nghiên cứu đô thị thời kỳ đầu đã ảnh hưởng sâu sắc đến công việc của những nhà xã hội học đô thị sau này. Với Robert Park, chẳng hạn, một thành viên chủ chốt của trường Xã hội học thuộc Đại học Chicago, được hướng dẫn bởi Simmel ở Đức vào thế kỷ XX. Và đó là điều chúng ta sẽ đề cập tiếp theo sau đây.

 

Suy nghĩ phản biện

 

Bạn có kinh nghiệm tích cực nào về cuộc sống đô thị? Đâu là sự tự do, cơ hội và kinh nghiệm mà cư dân đô thị được hưởng, điều không thể xuất hiện thường xuyên ở thị trấn hay khu làng nhỏ? Có phải những thực tế tích cực này quan trọng hơn những giả thuyết tiêu cực của Simmel và Tonnies? Liệu Simmel có đúng không hay đô thị đã thay đổi quá nhanh từ sau thời của ông ấy?

 

Nghiên cứu cơ bản - Georg Simmel với cuộc sống tinh thần của đô thị

 

Vấn đề nghiên cứu

 

Nhiều người có thể đã nhận ra quá trình đô thị hóa về tổng quát làm thay đổi xã hội, nhưng đâu là những ảnh hưởng lên cá nhân? Quá trình đó làm ảnh hưởng đến thái độ và hành vi con người như thế nào? Và đâu là điều chính xác mô tả về cuộc sống đô thị đã gây nên những ảnh hưởng mạnh mẽ? Một trong những học giả Đức cùng thời với Tonnies, Georg Simmel (1858-1918), đưa ra thuật ngữ mô tả cách thức đô thị thiết lập khuôn mẫu lên những công dân:“đời sống tinh thần”(mentral life) trong tác phẩm “Đô thị (mẫu) và đời sống tin thần” (1950[1903]) (The Metropolis and Mentral Life).

 

Lý giải của Simmel

 

Nghiên cứu của Simmel được mô tả như là một học thuyết sớm nhất giải thích xã hội, tìm cách hiểu và đối thoại về cách thức con người tạo nên kinh nghiệm cuộc sống đô thị. Cuộc sống đô thị, theo Simmel, ập vào đầu óc con người những hình ảnh, ấn tượng, cảm xúc và hành động. Những ảnh hưởng sâu sắc trái ngược với dòng chảy nhẹ nhàng, quen thuộc và êm ái ở vùng nông thôn và các thị trấn nhỏ. Không cá nhân nào có khả năng đối chọi với tất cả các tình huống hay hoạt động mà họ trải qua hằng ngày, vậy làm cách nào họ thỏa hiệp với sự tấn công ồ ạt đó?

 

Simmel cho rằng những cư dân đô thị tự bảo vệ mình trước “những tình huống phạm tội không đoán trước đươc” và sự gây hấn do “thay đổi sắc mặt” bằng thái độ nhàn nhạt, tránh gây sự chú ý, khiến bản thân trở nên giống như những người khác và cố gắng tỏ ra thích nghi như “đã biết từ trước”. Họ trở thành một phần của những sự kiện trong đô thị đang diễn ra xung quanh, tập trung vào bất cứ điều gì họ thấy cần thiết, chỉ để nó trôi qua. Hệ quả của thái độ nhàn nhạt này, theo Simmel, là mặc dù cư dân đô thị là một phần của “đám đông đại đô thị” (metropolitan crush), họ trở nên xa cách với cảm xúc của người khác. Thông thường, hàng loạt những mối quan hệ hời hợt với những người lạ được tích lũy thành “dự trữ đô thị” (urban reserve), điều được cảnh báo là vô cảm, lạnh lẽo và có xu hướng trở nên vô ngã, thậm chí cô độc. Simmel nhấn mạnh rằng, thực tế những người này không phải tự nhiên mờ nhạt và vô tâm. Thay vào đó, họ đang cố gắng thích nghi với khuôn mẫu hành vi mới nhằm giữ một khoảng cách an toàn giữa xã hội và thế giới cá nhân để có thể đối mặt với những áp lực từ mật độ dân cư dày đặc của môi trường đô thị.

 

Theo Simmel, những thái độ tuyệt đối đó của cuộc sống đô thị giải thích một số dạng tính cách dân cư đô thị đặc trưng. Nhưng, cần phải lưu ý thêm về thực tế thành phố là “nơi của kinh tế tiền tệ”. Rất nhiều đô thị là trung tâm tư bản tài chính lớn, nơi có nhu cầu, tỷ lệ trao đổi và những hoạt động cho mục đích kinh doanh diễn ra liên tục. Sự cổ vũ cho “nguyên tắc” thỏa hiệp với thực tế cuộc sống, nơi giới hạn những liên hệ tình cảm, đưa đến hệ quả là “những cái đầu tính toán” cân nhắc sức nặng lợi ích và giá trị của những mối quan hệ. Như vậy, giống như Tonnies, nghiên cứu của Simmel cũng nhấn mạnh đến những vấn đề đang hiện hữu trong cuộc sống ở thế giới đô thị hiện đại.

 

Ý kiến phê phán

 

Nhận định của Simmel dấy lên hàng loạt những ý kiến phản đối. Những lập luận của ông dường như chỉ dựa trên góc nhìn đậm dấu ấn cá nhân hơn là sử dụng bất kỳ một phương pháp nghiên cứu chính thống nào, do đó những khám phá của ông chỉ có thể nhìn nhận như là những ý kiến và không dựa trên những nghiên cứu có cơ sở. Thêm vào đó, mặc dù nhu cầu của Simmel chỉ là cố gắng để hiểu cuộc sống đô thị và không có ý nguyền rủa nhưng những góp ý phê bình cho rằng giọng điệu chung của nghiên cứu là quá tiêu cực, vô hình chung chống lại những thành phố tư bản (capitalist city) [hoạt động kinh tế chính trị chịu tác động của các tổ chức tư nhân hơn là chính phủ - ND]. Hiển nhiên, những nghiên cứu của ông chủ yếu tập trung vào cách thức cá nhân có thể chống chọi với tình trạng “xuống cấp và bị bào mòn bởi cơ chế xã hội kỹ nghệ (Simmel 1950:409)”. Với cách nhìn đó, những ý kiến phản bác cho rằng Simmel đã hạ thấp giá trị kinh nghiệm của những người đến thành phố để có nhiều không gian tự do và riêng tư hơn. Sau nữa, nghiên cứu đánh đồng những thành phố có quy mô khác nhau. Chỉ một số ít những thành phố lớn là trung tâm tài chính và còn những nơi khác không quá tạo cảm giác cô đơn, lãnh lẽo như Simmel cảnh báo. Liệu chúng ta có thể khẳng định được tất cả các đô thị đều sẽ tạo nên cùng một kinh nghiệm [cho cư dân-ND]?

 

Ý nghĩa hiện đại

 

Nghiên cứu của Simmel về cuộc sống trong những đô thị trung tâm cung cấp những giải thích xã hội học về những đặc tính mấu chốt của đô thị thời hiện tại. Lý thuyết của Simmel chỉ ra cách thức chất lượng của những mối liên hệ xã hội bị định hình bởi môi trường xã hội ngày càng mở rộng, một hệ quả quan trọng trong cách nhìn của Simmel là thành phố “không phải là một không gian thực thể với những hệ quả xã hội mà là thực thể xã hội được tạo dựng thành không gian”. Kết luận này cung cấp một khởi điểm quan trọng cho những nghiên cứu đô thị về sau. Ảnh hưởng của Simmel còn có thể nhận thấy trong các học thuyết xã hội hiện đại. Ông giải nghĩa “Vấn đề nặng nề nhất của cuộc sống hiện đại xuất phát từ nhu cầu tự động đòi quyền bảo vệ và quyền sinh tồn của cá nhân khi đối mặt với những áp lực xã hội vượt quá sức chịu đựng”. Điều này ảnh hưởng lớn đến góc nhìn của các nghiên cứu gần đây của Ulrich Beck, Zygmunt Bauman và các lý thuyết gia đương đại trong chủ đề chủ nghĩa cá nhân hiện đại.

 

Trường đại học Chicago

 

Một số lượng đáng kể những nhà xã hội học được đào tạo từ trường Đại học Chicago trong các năm từ 1920 đến 1940, đặc biệt là Robert Park, Ernest Burgess và Louis Wirth, đã phát triển những ý tưởng có giá trị nền tảng trong thời gian dài cho những học thuyết và nghiên cứu về xã hội học đô thị. Hai học thuyết được xây dựng bởi các học giả của trường Đại học Chicago có giá trị đặc biệt. Đầu tiên là cách ứng dụng góc nhìn sinh thái trong phân tích đô thị; tiếp theo là cách nhìn nhận đặc tính chủ nghĩa đô thị như một phong cách sống do Wirth (Wirth 1938; Park 1952) chủ xướng.

 

Đô thị sinh thái (urban ecology)

 

Sinh thái là khái niệm xuất phát từ khoa học vật lý: nghiên cứu cách thức động vật và thực vật thích nghi với môi trường. Đây là tình huống mà “sinh thái” được sử dụng như nội dung vấn đề của môi trường tự nhiên. Trong thế giới tự nhiên, sinh vật có xu hướng phân bố có hệ thống theo địa hình, chẳng hạn việc cân bằng giữa các mục tiêu khác nhau. Phái xã hội học Đại học Chicago lý luận rằng sự phân bố những khu định cư đô thị lớn và sự phân chia thành những dạng định cư giữa chúng có thể hiểu tương tự. Thành phố không phát triển một cách tự phát đơn thuần, mà là sự phản ánh lại với những điều kiện thuận lợi của môi trường. Ví dụ như, khu vực xã hội đô thị rộng lớn có xu hướng phát triển dọc theo bờ sông, tại vùng cây trồng đặc trưng hoặc trên ngã ba giao thương, xe lửa.

 

“Một khi đã được thiết lập”, theo Park, “thành phố, dường như, trở thành một cơ chế tuyệt vời, thích hợp với mọi cư dân, giúp họ tìm được khu vực và môi trường sống phù hợp”. Đô thị được thiết lập như một “khu vực tự nhiên”, thông qua quá trình cạnh tranh, xâm lược và bành trướng – tất cả đều diễn ra tương tự như trong môi trường sinh thái. Nếu chúng ta quan sát môi trường sinh thái của một hồ nước trong tự nhiên, chúng ta sẽ thấy sự cạnh tranh giữa các loài cá, côn trùng và các nhóm sinh vật khác nhằm đạt trạng thái cân bằng giữa chúng với nhau. Trạng thái cân bằng được thiết lập khi có một loài mới đến “xâm lăng” – muốn biến hồ thành địa bàn của riêng chúng. Một số sinh vật, sinh sôi ở khu vực trung tâm hồ ở trong tình trạng bấp bênh hơn những loài ở khu vực xung quanh khác. Loài xâm lăng là loài chiếm cứ thành công khu vực giữa hồ đó.

 

Từ góc độ sinh thái, hình mẫu về nơi ở, sự di chuyển và tái định cư đều mang hình thái tương tự. Những khu dân cư được thiết lập thông qua việc cư dân tự do đấu tranh giành quyền sống. Một thành phố có thể là bản đồ từng cụm các khu vực cá tính xã hội khác biệt, đối lập nhau. Từ nguồn gốc phát triển của cuộc sống hiện đại, những nhóm công nghiệp hợp lại gần các nguồn nguyên liệu gốc và hệ thống cung ứng. Lao động định cư quanh khu vực làm việc, từ đó làm đa dạng hóa số lượng các cụm dân cư được hình thành. Sự hữu dụng trở nên đơn giản hấp dẫn và có tính cạnh tranh kinh tế. Giá trị đất và thuế bất động sản tăng, tạo cản trở cho việc định cư ở trung tâm, ngoài trừ một số trường hợp bất động sản bị kẹt lại hoặc xuống cấp khiến giá thuê nhà vẫn còn thấp. Khu trung tâm trở thành khu vực kinh doanh và giải trí, cùng với việc sẽ có ngày càng nhiều người di chuyển ra bên ngoài, hình thành những khu ngoại ô mới. Quá trình này bám theo trục giao thông để tiết kiệm thời gian di chuyển đến nơi làm việc ở mức tối đa; những khu vực nằm ở giữa hai điểm đến sẽ có tốc độ phát triển chậm hơn.

 

Thành phố được xây dựng trên mô hình những vòng tròn đồng tâm, chia nhỏ thành từng phân khúc. Ở trung tâm là khu vực lõi, hỗn hợp giữa bất động sản có giá trị thương mại lớn và những ngôi nhà tư nhân xuống cấp. Ngoài việc thành lập khu dân cư, người lao động sẽ có công việc làm. Khu vực ngoại ô tiếp tục phát triển cho nhóm người có thu nhập cao. Tiến trình xâm lăng và bành trướng diễn ra bên trong các vòng tròn đồng tâm. Do đó, với những bất động sản đang xuống cấp ở trung tâm hoặc gần khu vực trung tâm sẽ có một nhóm thiểu số di chuyển vào thay thế. Khi đó, sẽ có thêm những cư dân hiện tại bắt đầu di chuyển, từ trung tâm ra ngoại ô.

 

Mặc dù tiến trình hình thành đô thị sinh thái thiếu tính ứng dụng thực tế, mô hình đã được tiếp nhận và chi tiết hóa bởi rất nhiều những nhà nghiên cứu, tiêu biểu phải kể đến Amos Hawley (1950, 1968). Hơn cả sự cạnh tranh về nguồn lực, tiến trình thay thế như đã đề cập, Hawley nhấn mạnh tính phụ thuộc lẫn nhau (interdependence) giữa những khu vực khác nhau trong đô thị. Sự khác biệt (differentiation) – đặc tính nhóm và quy luật nghề nghiệp – là phương thức chính con người thích nghi với môi trường sống. Nhóm nào chiếm được ưu thế, sẽ dành được vị trí trung tâm. Những nhóm kinh doanh, chẳng hạn các ngân hàng lớn hoặc công ty bảo hiểm, cung cấp những dịch vụ cốt yếu cho cộng đồng, vì thế thường đóng ở các vị trí trung tâm khu định cư. Nhưng những khu vực hình thành bên trong đô thị, Hawlaey nhấn mạnh, tăng cường các mối quan hệ không chỉ dựa vào không gian mà còn dựa vào thời gian. Ví dụ như, các nhóm lợi thế kinh doanh gây ảnh hưởng không chỉ tới hình mẫu sử dụng đất nhất định mà còn đến nhịp điệu của cuộc sống hằng ngày – một minh họa chính là việc lưu thông vào giờ cao điểm. Cách thức thiết lập thời gian một ngày phản ánh bậc chất lượng của cuộc sống dân cư đô thị.

 

Phương pháp tiếp cận sinh thái có vị trí quan trọng trong các nghiên cứu thực nghiệm, củng cố giá trị như là một quan điểm lý thuyết. Nhiều nghiên cứu, bao gồm cả chủ đề về đô thị lẫn cụm dân cư cụ thể, đều được phát triển từ góc nhìn sinh thái, chẳng hạn, quá trình “xâm lăng” và “bành trướng” đã được đề cập trên đây. Tuy nhiên, đã có rất nhiều những ý kiến phản bác. Quan điểm sinh thái có xu hướng đánh giá thấp tầm quan trọng của việc thiết kế và quy hoạch có ý thức các nhóm khác nhau trong đô thị, mà chỉ coi sự phát triển đô thị như mà một tiến trình “tự nhiên”. Nhóm nghiên cứu được gây dựng bởi Park, Burgress và các đồng nghiệp chỉ rút tỉa các kinh nghiệm từ các học giả người Mỹ và cố định nghiên cứu một số dạng mẫu đô thị ở Mỹ, một vài thành phố đơn lẻ ở Châu Âu, Nhật Bản và tại các nước đang phát triển.

 

Claude Fischer (1984) đưa ra lý giải nguyên nhân việc đô thị quy mô lớn có xu hướng khuyến khích sự phát triển của các tiểu vùng văn hóa, chứ không hẳn là cuốn mọi cư dân lẫn vào đám đông vô danh tính (anonymous mass). Những cư dân đô thị, ông nhấn mạnh, có khả năng hòa hợp với những người có cùng nền tảng hoặc sự quan tâm với mục đích tăng cường kết nối địa phương; và họ cũng có thể tham gia những nhóm tôn giáo, dân tộc, chính trị hay những nhóm tiểu văn hóa đặc trưng khác. Một thị trấn hay khu làng nhỏ không có điều kiện để phát triển những nhóm văn hóa này. Những người tạo nên nhóm dân tộc bên trong đô thị, chẳng hạn, thường ít hoặc không hiểu biết nhiều về những người khác cùng nguồn gốc. Khi họ đến một thành phố, niềm mong mỏi hướng về quê hương (cùng chia sẻ ngôn ngữ và văn hóa) là động lực để một nhóm tiểu văn hóa hình thành. Một nghệ sỹ có thể tìm thấy một vài đồng nghiệp khi muốn liên kết với cộng đồng thị trấn hay khu làng nhỏ, nhưng  trong đô thị rộng lớn, anh hay cô ta sẽ trở thành một phần của một tiểu nhóm nghệ sỹ hoặc tri thức đặc trưng.

 

Một thành phố lớn là một “thế giới của những người lạ” (world of strangers), vâng, ủng hộ và tạo dựng những mối quan hệ cá nhân. Đó không phải là điều gì trái ngược. Chúng ta phải phân định rạch ròi về kinh nghiệm ở đô thị giữa những mối gặp gỡ công cộng với người lạ và thế giới riêng tư với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Có lẽ hơi khó để “gặp gỡ” khi một người nào đó lần đầu đến một thành phố lớn. Nhưng bất kỳ ai chuyển đến sống ở thị trấn nhỏ, gia nhập cộng đồng nông thôn đều có thể nhận thấy rằng sự thân thiện từ phía các cư dân hiện hữu chỉ là thái độ lịch sự - phải mất hàng năm để được “chấp nhận”. Điều đó không xảy ra ở thành phố lớn. Theo lời Edward Krupat thì:

 

Đã có rất nhiều bằng chứng chứng tỏ rằng vì số lượng lớn những người lạ - những người bạn tiềm năng – và sự phong phú phong cách sống và lợi ích, người ta tiếp tục di chuyển vào bên trong ranh giới thành phố. Một khi họ đã là thành viên của một nhóm hoặc mạng lưới, họ có khả năng mở rộng những mối quan hệ lên nhiều lần. Kết quả đã minh chứng rằng những cơ hội tích cực ở đô thị thường có sức nặng hơn những lực cản, thúc đẩy con người phát triển và xây dựng những mối quan hệ hài hòa (1985:36).

 

Đô thị hiện đại thường là nguyên nhân của những mối quan hệ xã hội xa lạ, thiếu tình người nhưng đó cũng là nguồn tài nguyên vô tận và đôi khi, tình bạn thân.

 

Đô thị và sự sáng tạo môi trường

 

Những lý thuyết đô thị mới đây nhấn mạnh rằng đô thị không phải là một quá trình tự động mà chú trọng phân tích đô thị trong mối quan hệ với những sự thay đổi lớn về chính trị và kinh tế. Hai cây bút phân tích đô thị, David Harvey (1982, 1985, 2006) và Manuel Castells (1983, 1991, 1997) đều chịu những ảnh hưởng mạnh mẽ từ Karl Marx.

 

Tái cấu trúc không gian

 

Mở rộng ý tưởng của Marx, David Harvey tranh luận rằng đô thị là một khía cạnh của sự sáng tạo môi trường (created environment) do sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản công nghiệp. Đối với xã hội truyền thống, thành phố và nông thôn có sự khác biệt rõ ràng. Trong xã hội hiện đại, công nghiệp xóa nhòa ranh giới giữa hai vùng. Nông nghiệp, tương tự như hoạt động công nghiệp, được cơ khí hóa và phụ thuộc đơn giản vào đánh giá về giá cả và lợi nhuận; tiến trình đó làm giảm sự khác biệt trong khuôn mẫu cuộc sống xã hội giữa người đô thị và nông thôn.

 

Trong đô thị hiện đại, Harvey nhấn mạnh, không gian liên tục được tái cấu trúc (restructed). Quá trình được hình thành thông qua cách thức những tập đoàn lớn lựa chọn nơi đặt nhà máy, trụ sở nghiên cứu, trung tâm phát triển và các trung khu khác, thông qua khẳng định việc kiểm soát của chính phủ về đất đai và sản xuất công nghiệp, thông qua các hoạt động đầu tư, mua bán nhà đất cá nhân. Công ty kinh doanh, chẳng hạn, làm tăng giá trị những mối quan hệ tích cực với nơi chốn mới để đối chọi với những mối quan hệ cũ. Việc sản xuất ít tốn chi phí ở một nơi so với nơi khác, công ty chuyển một mặt hàng sản xuất đến nơi mới, văn phòng, nhà máy đóng cửa ở chỗ này và mở cửa ở chỗ khác. Kết quả của những quá trình trên, khi những đánh giá lợi nhuận đã được xác định, hàng loạt những tòa nhà mọc lên ở trung tâm các đô thị lớn. Khi những văn phòng được xây dựng, khu trung tâm đô thị được “tái thiết” (redeveloped), nhà đầu tư tìm thấy những tiềm năng xây dựng công trình ở bất kỳ nơi đâu. Thường là những mối lợi không thể tìm thấy ở nơi khác vào thời điểm thị trường tài chính có sự biến đổi.

 

Hành động của người mua nhà để ở bị ảnh hưởng bởi khoảng cách và địa điểm đất mà những nhà kinh doanh lớn chọn để xây dựng cũng như bởi tỷ lệ vốn vay và thuế cố định thỏa thuận giữa địa phương và chính phủ. Sau chiến tranh thế giới thứ II, chẳng hạn, bùng nổ sự phát triển các khu ngoại ô thuộc các thành phố lớn của Hoa Kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do sự phân biệt đối xử dân tộc và trào lưu di chuyển ra khỏi khu vực trung tâm của người da trắng. Tuy nhiên, theo Harvey, nguyên nhân có thể còn do những quyết định ưu đãi thuế của chính phủ dành cho người mua nhà để ở, các công ty xây dựng và do những gói hỗ trợ từ các công ty tài chính. Những nguồn trên cung cấp những cơ sở cơ bản cho việc xây dựng và mua bán các căn nhà ở ngoại vi đô thị, cùng lúc thúc đẩy nguồn cầu cho cách ngành công nghiệp khác như công nghiệp ô tô. Thời gian gần đây, Harvey (2006) tiếp tục áp dụng lý thuyết của mình để giải thích sự phát triểt không đồng đều ở phạm vi toàn cầu giữa những nước tương đối giàu hơn ở Bắc bán cầu và những người tương đối nghèo hơn ở phần phía Nam. Sự rẽ hướng sang ý tưởng theo chủ nghĩa tự do mới (neoliberal), chẳng hạn vào những năm 1970, 1980 ở Mỹ, lan truyền một “truyền thuyết” rằng các nước đang phát triển chỉ cần “đuổi kịp phương Tây”. Chủ nghĩa chính trị tự do mới thể hiện sự bất bình đẳng hiển nhiên trong kinh tế tư bản toàn cầu.

 

Đô thị và phong trào xã hội

 

Giống như Harvey, Castells nhấn mạnh rằng những hình thái không gian xã hội thường có mối liên hệ mật thiết với cơ chế của sự phát triển. Để hiểu được đô thị, chúng ta phải nắm bắt được tiến trình mà hình thái không gian được hình thành và chuyển đổi. Sự bố trí và tính năng kiến trúc của thành phố và các khu dân cư sản sinh sự đối kháng và mâu thuẫn giữa những nhóm xã hội khác nhau. Nói cách khác, môi trường đô thị đại diện cho biểu tượng và biểu hiện không gian trong việc mở rộng các ảnh hưởng xã hội (Tonkiss 2006). Chẳng hạn, các tòa nhà chọc trời được xây dựng vì kỳ vọng đem lại lợi nhuận nhưng những tòa nhà khổng lồ đó cũng là “biểu tượng của sức mạnh thể hiện bằng kỹ thuật, sự tự tin và được coi là thánh đường của quá trình tăng trưởng của các tập đoàn tư bản” (Castells 1983:103).

 

Trái với trường phái xã hội học Chicago, Castells nhìn nhận thành phố không chỉ là một địa điểm – khu vực đô thị - mà còn là phần bị khuyết của tiến trình tiêu thụ tập thể, tới lượt nó sẽ tác động trở lại chủ nghĩa tư bản công nghiệp. Học đường, dịch vụ giao thông và các lễ nghi hưởng thụ là cách con người “tiêu thụ” tập thể các sản phẩm của nền công nghiệp hiện đại. Hệ thống thuế ảnh hưởng đến việc ai có khả năng mua, thuê hoặc xây dựng ở đâu. Những tập đoàn lớn, ngân hàng và các công ty bảo hiểm, có khả năng cung ứng vốn cho hoạt động xây dựng, có sức mạnh ảnh hưởng đến tiến trình. Nhưng cơ quan chính phủ cũng có những ảnh hưởng trực tiếp đến các khía cạnh của cuộc sống đô thị, như xây dựng đường xá, công trình công cộng, lập các kế hoạch thiết lập vành đai cây xanh, mà sự phát triển mới không thể lạm dụng…Hình dạng vật lý của thành phố là sản phẩm của cả lực thị trường và quyền lực của chính phủ.

 

Tuy nhiên, quá trình tự nhiên sáng tạo môi trường không chỉ là kết quả do những hoạt động của lớp người giàu và có quyền lực trong xã hội. Castells cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự đấu tranh từ các nhóm ít đặc quyền nhằm thay đổi cuộc sống của họ. Những vấn đề đô thị kích thích những phong trào xã hội, liên hệ với sự gia tăng số lượng nhà ở, phản đối ô nhiễm không khí, bảo vệ công viên và vành đai cây xanh và chống lại sự bùng phát xây dựng làm thay đổi môi trường tự nhiên. Chẳng hạn, Castells đã nghiên cứu phong trào đồng tính ở San Francisco, đã thành công khi tái cấu trúc cộng đồng dân cư xung quanh giá trị văn hóa cốt lõi – cho phép hoạt động nhiều tổ chức, câu lạc bộ, quán bar dành cho người đồng tính – phong trào đã dành được địa vị nổi bật ở môi trường chính trị địa phương.

 

Đô thị, cả Harvey và Castells đều nhấn mạnh, hầu hết là những môi trường “nhân tạo” được con người kiến thiết nên. Thậm chí hầu hết những khu vực nông thôn cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của hoạt động đầu tư của con người và các công nghệ hiện đại, nhằm mục đích tái thiết lập thế giới tự nhiên. Lương thực được sản xuất không phải chỉ cho người dân bản xứ mà là cho thị trường quốc gia và quốc tế và trong quá trình cơ giới hóa nông trại, đất đai bị chia nhỏ một cách nghiêm ngặt và có mục đích sử dụng chuyên biệt nhằm tạo nên những hình mẫu vật lý, ngày càng ít liên hệ với các chức năng tự nhiên. Dân cư sinh sống ở nông trại và trong khu vực nông thôn có những liên hệ kinh tế, chính trị và văn hóa với toàn xã hội, mặc dù họ mang những đặc điểm khuôn mẫu hành vi hoàn toàn khác với cư dân đô thị.

 

Đánh giá

 

Góc nhìn của Harvey và Castells được tranh luận, công việc của họ đã đưa ra những định hướng quan trọng trong phân tích đô thị. Trái với phương pháp của những nhà sinh thái, góc nhìn trên không nhấn mạnh vào “tính tự nhiên” của tiến trình không gian mà quan tâm đến cách thức đất đai và sự sáng tạo môi trường tác động trở lại hệ thống quyền lực kinh tế, xã hội. Đây là trọng điểm. Những ý kiến của Harvey và Castells thường được phát biểu một cách trừu tượng và không được tranh luận rộng rãi nếu so sánh với các nghiên cứu của trường Đại học Chicago.

 

Về khía cạnh nào đó, cách nhìn của Harvey và Castells và trường Đại học Chicago thường bổ sung và liên kết với nhau để đưa ra bức tranh hoàn chỉnh về tiến trình đô thị. Sự đối nghịch giữa khu vực đô thị theo như mô tả của các nhà sinh thái đô thị là quá trình nhân hóa tổng thể cuộc sống đô thị. Tuy nhiên, những yếu tố này đã biến đổi nhiều hơn những gì mà các nhà xã hội học Chicago vẫn tưởng và bị tác động từ gốc với các ảnh hưởng kinh tế xã hội đã được Harvey và Castells phân tích. John và Harvey Molotch (1987) đề nghị một phương pháp kết nối trực tiếp những quan điểm của các tác giả như Harvey và Castells trên góc nhìn sinh thái. Các ông đồng ý với Harvey và Castells về tính năng của sự phát triển kinh tế, kéo giãn tính quốc gia và quốc tế ảnh hưởng đến cuộc sống đô thị một cách trực tiếp. Nhưng sự bành trướng của các yếu tố kinh tế, theo các ông, tập trung thông qua các tập đoàn địa phương, bao gồm cả các hoạt động kinh doanh trong khu vực, các ngân hàng và cơ quan chính phủ cùng với các hoạt động mua bán nhà ở cá nhân.

 

Nơi chốn – đất đai và hoạt động xây dựng – được mua và bán, theo Logan và Molotch, cũng như những hàng hóa khác trong xã hội hiện đại nhưng thị trường đã tạo dựng nên môi trường đô thị lại bị ảnh hưởng bởi cách thức những nhóm người khác nhau sử dụng tài sản để trao đổi buôn bán. Những căng thẳng và mâu thuẫn gia tăng là kết quả của tiến trình này – là yếu tố mấu chốt kiến tạo các khu vực dân cư. Chẳng hạn, trong đô thị hiện đại, Logan và Molotch chú ý thêm rằng, những tập đoàn kinh doanh và tài chính tiếp tục cố gắng tăng cường sử dụng đất tại những khu vực riêng. Càng có thể tiến hành những việc này, càng có cơ hội đầu cơ đất đai và tìm kiếm lợi nhuận từ các hoạt động xây dựng mới. Những công ty này ít liên hệ với các ảnh hưởng xã hội lẫn ảnh hưởng vật chất đến các hoạt động của họ trên những khu dân cư định trước – dù có hay không, chẳng hạn, tác động nhằm phá hủy các khu dân cư cũ để lấy chỗ cho các tòa nhà văn phòng mới. Tiến trình phát triển bị tác động bởi các tập đoàn lớn nhằm gia tăng lợi nhuận thường đối nghịch với các mối quan tâm của các nhà kinh doanh và cư dân bản địa, những người đã hành động để tự bảo vệ chính họ. Những người đã cùng nhóm cư dân bản địa bảo tồn lợi ích của chính họ với tư cách “người địa phương” (residents). Những hiệp đoàn triển khai chiến dịch nhằm gia tăng việc hạn chế mở rộng địa bàn, ngăn chặn lạm dụng việc xây dựng trong khu cây xanh hay siết chặt các quy định thuê mướn.

 

Những nghiên cứu cơ bản - Louis Wirth “đô thị như một phong cách sống”

 

Vấn đề nghiên cứu

 

Từ Simmel, chúng ta đều biết rằng môi trường đô thị có xu hướng sáng tạo nên những dạng tính cách nhất định và đó là những thành phần của sự phát triển đô thị. Nhưng có phải đô thị chỉ giới hạn những tính cách đó? Làm cách nào đô thị lại liên quan và gây ảnh hưởng đến phần còn lại của xã hội? Liệu đô thị có ảnh hưởng ra bên ngoài ranh giới? Louis Wirth (1897-1952) khám phá ý tưởng rằng đô thị, thực tế, hoàn toàn là một phong cách sống (way of life), chứ không chỉ là một kinh nghiệm giới hạn của một phần xã hội.

 

Lý giải của Wirth

 

Trong khi các thành viên của trường Đại học Chicago tập trung tìm hiểu hình thái đô thị - cách thức phân chia của nó – thì Wirth liên hệ đô thị như là một phong cách sống. Đô thị, ông lý luận, có thể không làm hạn chế hoặc hiểu một cách đơn giản bằng việc đo lường kích thước dân số. Thực tế, đô thị phải được hiểu như một hình thức tồn tại xã hội. Wirth nhận định rằng:

           

Những ảnh hưởng mà đô thị tác động đến đời sống xã hộicủa một người thì mạnh mẽ hơn so với tác động của tỷ lệ dân số đô thị; thành phố không chỉ tạo thêm chỗ ở và công việc cho con người hiện đại, mà còn khởi nguồn và kiểm soát cuộc sống kinh tế, chính trị và văn hóa, lôi kéo những cộng đồng xa xôi nhất ra khỏi thế giới riêng và đẩy họ vào quỹ đạo của nó, cũng như dệt nên một thế giới đa dạng bao gồm con người và các hoạt động.

 

Ở đô thị, tồn tại một số lượng lớn những người sống gần mà không hiểu gì về tính cách của nhau. Điều này là đối nghịch cơ bản nhất so với thị trấn và khu làng nhỏ truyền thống. Rất nhiều mối quan hệ giữa những cư dân đô thị, như Tonnies giải nghĩa, chỉ được coi là một phần của cuộc sống (cho tới tận khi mối quan hệ kết thúc) hơn là tìm kiếm sự hài lòng trong mối quan hệ đó. Wirth gọi đó là những “liên hệ thứ hai” (second contacts) khi so sánh với “liên hệ nguyên thủy” (primary contacts) của gia đình và những liên kết mạnh mẽ khác trong nhóm cộng đồng thân thuộc. Chẳng hạn như sự giao tiếp với nhân viên cửa hàng, giao dịch viên ngân hàng hay người soát vé trên tàu hỏa, không phải vì lợi ích của những mối quan hệ cộng đồng mà vì những mục đích riêng khác.

 

Vì những người sống trong đô thị có xu hướng lưu động, di chuyển để tìm kiếm công việc và hưởng thụ sự giải trí và du lịch, nên những mối liên hệ giữa họ khá lỏng lẻo. Mỗi người liên quan đến rất nhiều những hoạt động và tình huống khác nhau mỗi ngày và “nhịp điệu” ở đô thị thì nhanh hơn rất nhiều ở nông thôn. Xu hướng cạnh tranh chiếm ưu thế hơn hợp tác và mối quan hệ xã hội trở nên mong manh và dễ vỡ. Dĩ nhiên, phương pháp sinh thái của trường Đại học Chicago cũng đã khám phá ra rằng mật độ cuộc sống đô thị dẫn dắt hình thành khu dân cư mang những đặc điểm đặc trưng, một trong số đó sẽ bảo tồn một vài đặc tính của các cộng đồng nhỏ. Trong cộng đồng nhập cư, chẳng hạn, đã tìm thấy những mối liên kết truyền thống giữa các gia đình, dựa trên sự hiểu biết cá nhân lẫn nhau. Tương tự, trong tác phẩm Gia đình và quan hệ thân thích ở Đông Luân Đôn (Family and Kinship in East London) của Young và Wilmott’s (1957), tác giả đã tìm thấy mối liên hệ khắng khít giữa những gia đình lao động trong thành phố.

 

Tuy nhiên, mặc dù Wirth đồng ý với những ý kiến trên, ông lập luận rằng càng bị hút vào các khu vực lớn khác của đô thị, những cá tính cộng đồng càng khó tồn tại. Phong cách sống đô thị thiếu những ràng buộc thân thiết, vì thế mối quan hệ gia đình bị xói mòn, cộng đồng bị tan rã và tính bền chặt xã hội không còn. Ông nhận thấy đô thị hiện đại là môi trường tự do, khoan dung và tiến bộ, đồng thời ông cũng hiểu rằng đô thị đã mở rộng lây lan ra bên ngoài ranh giới, là một quá trình đô thị hóa ngoại ô, với tất cả hệ thống giao thông và hạ tầng. Trong tất cả tình huống đó, xã hội hiện đại cần được định hình bởi sức mạnh của đô thị.

 

Ý kiến phê phán

 

Các ý kiến phê phán nhấn mạnh vào các hạn chế trong quan điểm của Wirth về đô thị. Tương tự như quan điểm sinh thái, hai lập luận có nhiều điểm tương đồng, lý thuyết của Wirth có nguồn gốc từ những trải nghiệm cuộc sống đô thị ở Hoa Kỳ và khó có thể coi là một lý thuyết chung về cuộc sống đô thị. Đô thị không hề giống nhau mọi lúc mọi nơi. Những thành phố cổ xưa thì khác hẳn những đô thị hiện đại và những thành phố ở các nước đang phát triển ngày nay thì rất khác ở các nước đã phát triển. Sự phê phán cũng chỉ rõ Wirth đã cường điệu mức độ nhân cách hóa của các thành phố. Cộng đồng liên quan đến tình bạn và tình thân mạnh mẽ hơn ông quan niệm. Everett Hughes, một đồng nghiệp của Wirth, đã cho rằng “Louis nói tất cả về việc làm cách nào một thành phố được nhân cách hóa – trong khi cuộc sống gia tộc và bạn bè lại là yếu tố cơ bản đậm tính cá nhân” (Kasarda và Janowitz 1974:338). Tương tự, Herbert Gans (1962) cũng lập luận rằng khái niệm “cư dân phố làng” (urban villagers) – như cộng đồng người Mỹ gốc Ý hiện sống ở nội đô Boston (Mỹ) – có thể tìm thấy khá phổ biến. Những câu hỏi chỉ trích cách nhìn của Wirth chỉ ra rằng cuộc sống đô thị có thể dẫn đến tạo dựng cộng đồng chứ không phải luôn luôn chỉ phá hủy chúng.

 

Ý nghĩa hiện đại

 

Những quan điểm của Wirth đã có được sự quan tâm rộng rãi. Tính nhân cách hóa những liên hệ hằng ngày trong cuộc sống đô thị là không thể phủ nhận và ở mức độ nào đó, là sự thật ngày càng phổ biến của xã hội đô thị. Học thuyết của ông còn quan trọng ở chỗ đã nhận ra đô thị không chỉ là một phần của xã hội mà thực tế còn ảnh hưởng đến đặc tính của hệ thống xã hội rộng hơn. Với hàng loạt sự mở rộng của tiến trình đô thị hóa ở các nước đang phát triển và thực tế là một số lượng lớn dân cư ở các nước phát triển đang sinh sống ở đô thị, quan điểm của Wirth vẫn tiếp tục là một điểm tham chiếu giúp các nhà xã hội học tìm hiểu đô thị như là một phong cách sống.

 

Quá trình phát triển một thành phố

 

Mặc dù thời xưa đã tồn tại những thành phố lớn, như Athens và Rome ở Châu Âu, những trải nghiệm cuộc sống đô thị, như chúng ta đã biết, rất khác biệt. Những nhà xã hội học thời kỳ đầu như Simmel và Tonnies đã chỉ ra rằng sự phát triển của những đô thị hiện đại đã thay đổi cách thức mà con người cảm nhận và suy nghĩ về thế giới và cách thức hai bên tương tác lẫn nhau. Trong phần này, chúng ta sẽ nhìn lại ở phạm vi quốc tế quá trình phát triển đô thị từ khi bắt đầu ở các xã hội truyền thống đến những xu hướng phát triển đô thị gần đây.

 

Đô thị trong xã hội truyền thống

 

Thành phố đầu tiên trên thế giới xuất hiện khoảng năm 3500 trước Công nguyên (TCN), dọc bờ sông Nile, Ai Cập, thành phố Tigris và Euphrates, nay là Iraq và Indus, nay là Pakistan. Thành phố cổ có kích thước rất nhỏ so với tiêu chuẩn hiện đại. Babylon, chẳng hạn, một trong những thành phố Cận Đông (Tây Nam Á ngày nay - ND) lớn nhất, có diện tích khoảng 3,2 dặm vuông (khoảng 5,15 km2 - ND), dân số vào năm 2000 TCN khoảng 15.000 – 20.000 người. Thành Rome dưới thời Hoàng đế Augustus (Ceasar) vào thế kỷ I TCN là thành phố tiền hiện đại lớn nhất bên ngoài Trung Hoa, có dân số khoảng 300,000 người – quy mô ngang một thành phố hiện đại “cỡ nhỏ” ngày nay.

 

Hầu hết những thành phố thời cổ đều có những hình thái và tính năng chung. Thành trì cao bao bọc xung quanh với quân đội để bảo vệ và phân cách cộng đồng đô thị và nông thôn. Khu vực trung tâm bên trong thành là nơi đặt đền thờ tôn giáo, cung điện hoàng gia, tòa nhà chính phủ, tòa nhà thương mại và quảng trường công cộng. Trung tâm thương mại và chính trị thường đặt cạnh nhau và thường chỉ đủ không gian cho một số ít người. Mặc dù nơi này thường bao gồm một khu chợ, nhưng khu nội thành vẫn rất khác biệt so với các khu buôn bán nằm trong phần lõi của đô thị hiện đại, bởi tính tôn giáo và chính trị của chúng (Sjoberg 1960, 1963; Fox 1964; Wheatley 1971).

 

Thành phần thượng lưu và có quyền lực sinh sống tập trung gần khu vực trung tâm. Những nhóm ít đặc quyền hơn phân bố ở vòng ngoài hoặc bên ngoài tường thành, chỉ di chuyển vào trong thành khi thành phố bị đe dọa tấn công. Những cộng đồng dân tộc và tôn giáo khác thường định cư ở những khu vực riêng biệt, nơi họ vừa sống vừa làm việc. Một vài khu vực này cũng có tường thành bao quanh. Sự giao tiếp giữa các cư dân thành phố thường bị gián đoạn. Thiếu thốn các hình thức in ấn, người ta thường phải đứng trên thành cao để hô to các chính sách. “Đường đi” là dải đất mà chưa ai xây dựng trên đó. Một vài nền văn minh cổ tự hào về hệ thống đường liên kết các thành phố với nhau, nhưng những con đường còn được sử dụng và tồn tại chủ yếu do mục đích quân sự, mà khả năng vận chuyển hết sức chậm chạp và hạn chế. Thương nhân và lính là những người thường xuyên di chuyển với khoảng cách lớn.

 

Trong khi thành phố là trung tâm của khoa học, nghệ thuật và văn hóa đại chúng, lại ảnh hưởng khá yếu đến những vùng còn lại của đất nước. Không gì hơn là phần nhỏ dân số sống ở thành phố và khoảng cách giữa thành phố và nông thôn là rất đáng kể. Phần lớn người dân sống trong những cộng đồng nhỏ ở nông thôn và chẳng mong đợi gì hơn ngoài những người của chính phủ và các thương nhân thỉnh thoảng ghé qua.

 

Công nghiệp hóa và đô thị hóa

 

Sự đối nghịch giữa những đô thị hiện đại lớn nhất và những quốc gia thời tiền hiện đại là rất lớn. Một thành phố trung bình ở một nước công nghiệp có dân số khoảng 20 triệu người. Với vùng đô thị - nông thôn, cụm thành phố và nông thôn đang kết nối, thậm chí còn có số dân đông hơn rất nhiều. Đỉnh điểm hiện nay là đại diện có tên là mạng đô thị (megalopolis), “thành phố của những thành phố”. Thuật ngữ gốc được người Hy Lạp cổ sử dụng khi đề cập đến một thành bang (city-state) được xây dựng để làm hình mẫu cho mọi quốc gia, nhưng hiện tại ít có liên hệ với ý nghĩa lý tưởng ban đầu. Thuật ngữ này được sử dụng lần đầu tiên khi đề cập đến khu vực Đông Bắc dọc bờ biển Hoa Kỳ, một vùng đô thị - nông thôn trải dài trên 450 dặm vuông (724,2 km2) từ bắc Boston đến Washington. Trong khu vực này, có khoảng 40 triệu người sinh sống trên mật độ có thể lên tới hơn 400 người/km2.

 

Anh quốc là xã hội đầu tiên trải qua thời kỳ công nghiệp hóa, quá trình đã bắt đầu từ giữa thế kỷ XVIII. Quá trình công nghiệp hóa làm gia tăng đô thị hóa (urbanization) – tăng sự dịch cư lên thành thị và rời bỏ ruộng đồng. Vào những năm 1800, ít hơn 20% dân số Anh quốc, khoảng 1,66 triệu người sống ở đô thị (dân số Anh quốc năm 1800 khoảng 8,3 triệu, số liệu thống kê quốc gia Liên hiệp Anh truy xuất 2009 - ND). Sang những năm 1900, tỷ lệ tăng lên là 74%. Thủ đô London, là nhà của khoảng 1,1 triệu người vào những năm 1800; đến đầu thế kỷ XX, đã tăng lên 7 triệu người. London đã từng là thành phố lớn nhất được biết đến trên thế giới. Thành phố từng là trung tâm sản xuất, thương mại và tài chính, là trái tim của đế chế Liên hiệp Anh vẫn đang tiếp tục bành trướng.

 

Quá trình đô thị hóa ở hầu hết các nước Châu Âu khác và Hoa Kỳ diễn ra chậm hơn sau đó nhưng với tốc độ nhanh chóng hơn nhiều. Vào những năm 1800, xã hội Hoa Kỳ vẫn có tính chất nông thôn hơn so với các quốc gia Châu Âu. Ít hơn 10% dân cư sống trong các cộng đồng đô thị khoảng 2.500 người. Ngày nay, khu vực đô thị chiếm hơn ¾ dân số. Từ năm 1800 đến 1900, dân số New York nhảy vọt từ 60.000 lên 4,8 triệu người.

 

Đô thị hóa ngày nay đã trở thành một tiến trình toàn cầu, được chứng thực từ sự phát triển của các nước đang phát triển. Năm 1950, khoảng 30% dân số thế giới là người đô thị; năm 2000, con số tăng lên 40% - 2,9 tỷ người – và đến năm 2030, con số có thể lên đến 60% - khoảng 5 tỷ người. Năm 2007, số người sống ở đô thị đã vượt qua số người sống ở nông thôn. Hầu hết tiến trình đô thị hóa đang diễn ra ở các nước đang phát triển. Dân số đô thị ở những vùng ít phát triển được kỳ vọng tăng thêm 2 tỷ người từ năm 2000 đến 2030, khoảng từ 2 lên 4 tỷ người. Như biểu đồ 1 chỉ ra, quá trình đô thị hóa ở Châu Phi, Châu Á, Châu Mỹ La tinh và vùng Caribbean phát triển với tốc độ chóng mặt xét trong 60 năm gần đây, trong khi tốc độ gia tăng dân số tại các vùng đã phát triển như Châu Âu và Châu Đại dương đã chậm lại (Số liệu quốc gia Liên hiệp Anh 2005).

 

 

 

Biểu đồ 1: - Tỷ lệ phần trăm dân số sống ở khu vực đô thị phân bố trên toàn thế giới (1950 – 2030)

(Nguồn: Ủy ban dự đoán đô thị hóa quốc gia, 2005. Trích lục dưới sự cho phép của Cục dân số quốc gia)   

           

Sự phát triển của những thành phố hiện đại

 

Chỉ tại thời điểm chuyển giao thế kỷ XX, những nhà phân tích và quan sát xã hội bắt đầu có sự phân biệt giữa thị trấn và đô thị. Thành phố, với dân số đông, thường có tính đại chúng hơn những trung tâm nhỏ hơn với sự mở rộng ảnh hưởng đến xã hội quốc gia mà đô thị là một phần trong đó.

 

Sự bành trướng của thành phố có nguyên nhân từ sự gia tăng dân số (tự nhiên - ND) cộng với sự nhập cư đến từ bên ngoài, từ các nông trại, làng mạc và thị trấn nhỏ. Tiến trình nhập cư có tính quốc tế, những nông dân từ các nước nhập cư thẳng vào thành phố của nước khác. Một số lượng lớn những nông dân nghèo Châu Âu nhập cư vào Hoa Kỳ là một ví dụ điển hình.

 

Tình trạng nhập cư xuyên quốc gia khá phổ biến giữa các thành phố Châu Âu. Nông dân và dân làng nhập cư vào thành thị (như số lượng lớn họ vẫn đang nhập cư vào các thành phố ở các nước đang phát triển) vì thiếu các cơ hội ở nông thôn, kết hợp giữa sự hấp dẫn và sức hút rõ ràng của thành phố, nơi được đồn thổi là đường phố được “dát vàng” (paved with gold) (công việc, sự giàu có, hằng hà sa số hàng hóa, dịch vụ). Thành phố, hơn nữa, trở thành trung tâm quyền lực tài chính và công nghiệp, những doanh nhân tạo dựng những khu đô thị mới.

 

Sự phát triển của những đô thị hiện đại có những ảnh hưởng to lớn, không chỉ trên thói quen và khuôn mẫu hành vi mà còn trên suy nghĩ và cảm nhận của con người. Kể từ thời điểm khi đô thị đầu tiên được hình thành, vào thế kỷ XVIII, những nhận định về ảnh hưởng của thành phố đến đời sống xã hội đã phân cực mạnh mẽ. Đối với nhiều người, thành phố là hiện thân của “đạo đức công dân” và là suối nguồn của sáng tạo và văn hóa; thành phố tối đa hóa cơ hội cho sự phát triển kinh tế và văn hóa và cung cấp phương tiện cho cuộc sống thoải mái, gia tăng hưởng thụ. Đối với những người khác, thành phố là một địa ngục đông đúc ô nhiễm với đám đông xâm lăng hay nghi ngờ, bị phá hoại bởi tội phạm, bạo lực, tham nhũng và nghèo đói. Vào cuối thế kỷ XX, những nhà môi trường như Murray Bookchin (1986) đã coi thành phố là một vấn đề cực kỳ to lớn, là con quái vật phá hoại môi trường đang nuốt sống năng lượng và xả chất thải trong tình trạng thiếu bền vững.

 

Tìm hiểu chi tiết về “Các vấn đề môi trường” tại chương 5 – Môi trường.

 

Cùng với sự bùng nổ kích thước đô thị, nhiều người kinh hoàng nhận ra rằng sự bất công và đói nghèo đô thị cũng gia tăng theo tương ứng. Sự gia tăng đói nghèo và khác biệt giữa các khu dân cư của thành phố là các nhân tố chính về cuộc sống đô thị được các nhà xã hội học thời kỳ đầu quan tâm phân tích. Cũng không lấy làm ngạc nhiên, khi những nghiên cứu xã hội lớn đầu tiên, và cả những học thuyết, về xã hội đô thị hiện đại là về Chicago (Hoa Kỳ), nơi được coi là một hiện tượng phát triển của nước Mỹ - từ một vùng gần như không có dân cư vào năm 1830 thành đô thị cho 2 triệu người vào năm 1900 - và cũng là nơi tồn tại sự bất công cực kỳ đáng kể.

 

 

Xu hướng phát triển đô thị ở các nước phát triển

 

Trong phần này, chúng ta tiếp tục xem xét một số yếu tố quan trọng của sự phát triển của các đô thị phương Tây thời kỳ sau chiến tranh (thế giới lần thứ II), lấy Liên hiệp Anh và Hoa Kỳ làm ví dụ. Tập trung vào sự gia tăng phát triển khu vực ngoại ô, sự suy thoái khu vực lõi đô thị và chiến lược nhằm đạt được các mục tiêu đổi mới.

 

Đô thị hóa ngoại ô

 

Ở Hoa Kỳ, quá trình đô thị hóa ngoại (suburbanization) đã đạt chỉnh điểm vào những năm 1950, 1960. Trong suốt các thập kỷ trên, khu vực nội thành chỉ phát triển khoảng 10% trong khi khu vực ngoại ô đã phát triển tới 48%. Thời kỳ đầu của phong trào dịch chuyển ra vùng ngoại ô hầu hết đều liên quan đến những gia đình người da trắng. Ảnh hưởng của sự gia tăng tỷ lệ pha trộn học sinh (đến từ các dân tộc khác nhau) ở trường học là nhân tố chính dẫn đến quyết định rời bỏ khu vực nội thành. Di chuyển ra ngoại ô là một lựa chọn hấp dẫn cho những gia đình muốn con em họ học trong một ngôi trường thuần da trắng. Thậm chí, đến tận hôm nay người Mỹ ngoại ô phần lớn vẫn là người da trắng.

 

Tuy nhiên, sự thống trị của người da trắng ở ngoại ô Hoa Kỳ đã bị xâm thực dần bởi những nhóm sắc tộc thiểu số đang di chuyển đến đây. Phân tích dữ liệu từ cuộc điều tra dân số Hoa Kỳ năm 2000 cho thấy rằng tỷ lệ các sắc tộc thiểu số ở vùng ngoại ô đã tăng lên 27%, so với 19% vào năm 1990. Tương tự tầng lớp đã di cư đến ngoại ô vào những năm 1950, thành viên mới đến từ các nhóm thiểu số cũng phần lớn thuộc tầng lớp trung lưu. Họ di chuyển để tìm được nhà ở, trường học và nơi ở tốt hơn. Theo ý kiến của Chủ tịch Cơ quan nhà ở Chicago (Chicago Housing Authority), “đô thị hóa ngoại ô không phải là vấn đề tỷ lệ mà là vấn đề tầng lớp xã hội. Chẳng ai muốn sống quanh những người nghèo đói vì đi kèm với đó là trường học nghèo nàn, đường phố không an toàn và tệ nạn băng nhóm” (De Witt 1994).

 

Ở Anh quốc, nhiều vùng ngoại ô quanh London mọc lên như nấm giữa hai cuộc chiến (thế chiến thế giới I và II) và được khoanh vùng bằng hệ thống đường xây dựng mới và kết nối với trung tâm bằng hệ thống tàu điện ngầm. Một vài sự chuyển đổi cuộc sống đô thị ở các thành phố lớn ở Anh quốc lại được nhìn nhận một cách khinh miệt vào sự mở rộng khu vực ngoại ô với những biệt thự song lập có vườn bao bên ngoài. Những người khác, như nhà thơ John Betjemen (1906-84), sáng lập nên xu hướng lạ lùng nhất trong kiến trúc ngoại ô, sự kết hợp cơ hội việc làm với cuộc sống đô thị gắn với hoạt động tự kinh doanh và sở hữu xe hơi cùng những nhân tố giá trị của gia đình truyền thống.

 

Ở Anh quốc, người nhập cư từ những khu dân cư trung tâm di chuyển ra vùng ngoại ô hay “thị trấn ký túc xá” (dormitory town) (khu đô thị nằm bên ngoài ranh giới thành phố phục vụ cho những người làm việc ở trung tâm) hoặc các khu làng vào thời điểm năm 1970, 1980; dẫn đến lượng dân cư của vùng Đại London giảm đột ngột xuống còn một nữa triệu người. Tại những thị trấn công nghiệp ở phía Bắc, sự biến mất nhanh chóng của công nghiệp sản xuất trong suốt thời kỳ trên cũng làm giảm đáng kể số lượng dân cư khu vực nội đô. Cùng lúc đó, những thành phố và thị trấn nhỏ lại mọc lên nhanh chóng – như Cambridge, Ipswich, Norwich, Oxford và Leicester. “Những chuyến bay về ngoại ô” gây nên những tác động tiêu cực đến sức khỏe và sức sống vùng nội thành Hoa Kỳ lẫn Liên hiệp Anh, như chúng ta đều đã thấy. Đô thị hóa ngoại ô còn có những ảnh hưởng khác nhau lên đàn ông và phụ nữ (xem phần nội dung “Sử dụng khả năng mường tường xã hội của bạn 1”). 

 

Sử dụng khả năng mường tượng xã hội của bạn 1–“ tạo ra” thành phố

 

Nhìn từ góc độ nữ giới, nhiều học giả đã khảo sát cách thức thành phố tác động đến mối quan hệ giới tính bất bình đẳng trong xã hội và phương pháp để vượt qua điều đó. Jo Beall (1998) lưu ý rằng nếu quan hệ xã hội, ý là trong mối quan hệ giữa đàn ông và phụ nữ, được củng cố bằng sức mạnh, thì đô thị đã chứng minh sự liên quan giữa sức mạnh và không gian ở khía cạnh cái gì, ở đâu, làm cách nào và do ai quyết định được xây dựng. Beall viết “Đô thị, theo nghĩa đen, là hình khối bê tông của ý tưởng: xã hội là gì và nên trở thành như thế nào”.

 

Sự phát triển của đô thị trong thế kỷ XIX có liên hệ với sự phân biệt giới tính. Không gian và đời sống công cộng được định hình bởi đàn ông, những người có thời gian di chuyển bất cứ khi nào họ muốn. Phụ nữ không được mong đợi được bắt gặp ở những nơi công cộng và những người xuất hiện ở đó lại bị nhìn nhận như là “đứng đường”. Khi tiến trình đô thị hóa ngoại ô bắt đầu, sự phân biệt giới tính càng trở nên rõ hơn. Trong khi đàn ông dẫn dắt gia đình hòa nhập vào thành phố bằng những hoạt động cơ bản hằng ngày, phụ nữ (những người vợ) được trông đợi là sẽ ở nhà chăm sóc gia đình. Hệ thống giao thông được xây dựng để di chuyển giữa ngoại ô và nội thành nhưng rất ít được xây dựng để di chuyển bên trong ngoại ô, kết quả là càng khó hơn nếu phụ nữ muốn rời khỏi nhà (Greed 1994).

 

Elizabeth Wilson (2002) lập luận rằng sự phát triển của đô thị chưa hẳn đã hoàn toàn xấu đối với phụ nữ. Bà minh chứng rằng phong trào nữ quyền đã giúp giảm bớt một số vai trò mà phụ nữ là nạn nhân phải thực hiện ở môi trường đô thị. Thực tế, sự phát triển của đô thị cung cấp những cơ hội mà hình thái định cư phi đô thị không thể đem đến. Với sự xuất hiện của lớp nữ công sở ở thành phố và sự mở rộng của ngành công nghiệp dịch vụ sau đó, phụ nữ đã đẩy mạnh sự gia nhập vào thế giới việc làm. Do đó, chính đô thị đã cung cấp cho phụ nữ cơ hội thoát khỏi những công việc không lương ở nhà, điều chưa từng tồn tại ở bất kỳ nơi nào khác.

 

Suy nghĩ phản biện Bạn có biết ví dụ nào về việc “tạo dựng môi trường” trong thành phố của bạn khiến cho việc di chuyển trở nên khó khăn, đặc biệt với phụ nữ? Đó đơn giản là kết quả từ ảnh hưởng của phái mạnh trong kiến trúc hay là sản phẩm của vai trò khác nhau giữa nam và nữ? Hay Wilson đã đúng – cuối cùng sẽ có một thành phố “thân thiện với phái nữ”?

 

Sự suy thoái khu vực nội thành (inner-city decay)

 

Tại Hoa Kỳ, nội thành đang bị suy thoái, dấu hiệu nhận biết rõ ràng ở tất cả các thành phố lớn trong vài thập kỷ vừa qua, là kết quả trực tiếp của việc phát triển khu vực ngoại ô. Trào lưu nhóm người thu nhập cao rời bỏ khu vực trung tâm đô thị cũng đồng nghĩa với việc giảm sút nguồn thuế địa phương. Vì những nhóm ở lại, hay thay thế, bao gồm những người đang sống trong nghèo đói, có ít khả năng thay thế được sự mất mát này. Nếu tỷ lệ càng tăng cao, nhóm nhà giàu và doanh nhân càng có xu hướng rời bỏ trong tương lai.

 

Tình trạng này càng trở nên tồi tệ hơn khi trong thực tế cổ phiếu xây dựng ở khu trung tâm đang đi xuống so với khu ngoại ô, trong khi tỷ lệ tội phạm và thất nghiệp tăng cao. Vì thế, ngày càng phải chi tiêu nhiều hơn cho phúc lợi xã hội, giáo dục, bảo quản công trình xây dựng, cảnh sát và dịch vụ chữa cháy. Vòng xoáy suy thoái (circle of deterioration) lan rộng trong khi vùng ngoại ô càng mở rộng, càng gia tăng vấn đề ở nội thành. Nhiều vùng đô thị ở Hoa Kỳ đang ở trong tình trạng bi đát, đặc biệt là những thành phố cũ như New York, Boston và Washington. Trong một số khu dân cư ở các thành phố này, tình trạng suy thoái nghèo đói tồi tệ hơn ở bất kỳ thành phố lớn thuộc các nước công nghiệp nào. Những tòa nhà cho thuê xuống cấp, hoang phế, cháy đen lần lượt trống người ở cùng với những khu đất trống bao trùm lên đống đổ nát.

 

Ở Anh quốc, tình trạng suy thoái khu vực trung tâm ít nhận thấy hơn ở Mỹ. Nhưng một vài khu trung tâm cũng bị tàn phá như vậy. Một báo cáo quan trọng của Giáo hội Anh (Church of England), Đức tin trong Thành phố (Faith in the City), mô tả khu vực nội thành bằng những từ ảm đảm:

           

Những bức tường xám xịt, đường phố đầy rác, cửa sổ hỏng, Graffiti, sự phá hoại, chất thải là thực trạng tiêu điều của những quận mà chúng ta nhận thấy…khu định cư trung tâm già cỗi hơn bất kỳ nơi nào khác. Khoảng ¼ nhà ở ở Anh được xây dựng từ trước năm 1919, 40 đến 60 % trong đó nằm ở khu vực trung tâm (1985:18).

 

Một lý do nữa làm suy thoái khu nội thành là những sự ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng tài chính. Từ sau năm 1975 trở đi, chính phủ đã tăng áp lực lên những nhà điều hành địa phương nhằm hạn chế ngân quỹ và cắt giảm các dịch vụ địa phương, thậm chí áp dụng ngay cả tại khu vực nội thành vốn đã xuống cấp nặng. Chính sách này dẫn đến sự mâu thuẫn giữa chính quyền và nhiều hội đồng đang vật vã vì không thể tiếp cận với ngân sách. Một số lượng lớn các hội đồng thành phố phát hiện họ có ít thu nhập hơn trước đây và buộc phải cắt giảm những dịch vụ cần thiết.

 

Sự suy thoái nội đô ở Liên hiệp Anh còn liên hệ với sự thay đổi kinh tế toàn cầu. So với Anh quốc, những nước công nghiệp mới như Singapore, Đài Loan và Mexico thường có giá nhân công rẻ hơn, một yếu tố quan trọng khiến những nước này trở thành môi trường đầu tư hấp dẫn cho ngành sản xuất công nghiệp. Để đối phó với tình trạng trên, trong những thập kỷ vừa qua, một số quốc gia công nghiệp – như Nhật Bản và Tây Đức – đã chuyển đổi nền kinh tế vào những ngành đòi hỏi đầu tư công nghệ cao và đội ngũ nhân sự trình độ cao kỹ năng chuyên nghiệp.

 

Trong một nghiên cứu quan trọng, Bên trong nội thành (Inside the Inner-City), Paul Harrison (1983) chứng minh ảnh hưởng của những thay đổi toàn cầu đến Hackney, hiện vẫn là một trong những khu nghèo nhất London. Những năm 1970 là thời kỳ sa sút của ngành sản xuất ở Hackhey song hành với sự sa sút chung của đất nước. Số lượng công việc trong ngành sản xuất giảm từ 45.500 năm 1973 xuống còn 27.400 năm 1981 – giảm 40%. Đến giữa những năm 1970, tỷ lệ thất nghiệp ở Harley bằng với tỷ lệ chung, đến năm 1981 đã tăng thêm 17,1% (cao hơn 50% so với tỷ lệ trung bình). Số lượng người sống trong nghèo đói gia tăng tương ứng với số lượng người không có việc. Harrison tóm tắt về những người ở trong hoàn cảnh khó khăn này như sau:

 

Nguồn lực chính phủ nghèo nàn và dịch vụ nhỏ giọt; dịch vụ chăm sóc sức khỏe kém vì bác sỹ không thể tìm thấy những nơi có thể hành nghề; trình độ giáo dục kém vì nền tảng học vấn gia đình thấp và thiếu khả năng theo đuổi việc học; hơn hết là trình trạng tội phạm gia tăng, lan tràn phá hoại và đỗ vỡ gia đình; và bất cứ nơi nào có nhiều cộng đồng khác biệt văn hóa cùng sinh sống sẽ có sự xung đột tôn giáo và sắc tộc (1983:23-4).

 

Thỉnh thoảng tình trạng khó khăn vượt quá kiểm soát gây bùng nổ, lan rộng ra thành xung đột và bạo loạn.

 

Tìm hiểu chi tiết về “các vấn đề phát sinh tại khu nội đô suy thoái” tại chương 11 – Trật tự và tầng lớp xã hội và chương 12 – Nghèo đô thị, loại trừ xã hội và tương lai.

 

 

Bạo loạn và bất ổn đô thị (Riots and urban unrest)

 

Trong thời đại toàn cầu hóa, thời của dịch chuyển dân số và những thay đổi chóng mặt, những đô thị lớn trở thành nơi tập trung và khuếch trương các vấn đề xã hội có tầm ảnh hưởng toàn thể. Thường xuyên hơn, những xung đột “ngầm” bên trong đô thị, do tình trạng thất nghiệp và căng thẳng sắc tộc gây nên, diễn ra như chấn động xã hội (social earthquakes). Những xung đột âm ĩ khi bùng phát thường mang tính bạo lực dưới hình thức bạo loạn, cướp bóc và phá hủy lan rộng.

 

Tình trạng trên đã xảy ra ở Hoa Kỳ vào mùa xuân năm 1992 khi bạo loạn nhấn chìm một phần Los Angeles. Tương tự, vào năm 2005, khoảng 5.000 người ở Sydney, Australia liên quan đến bạo loạn (được biết đến dưới tên gọi cuộc bạo loạn Cronulla), theo báo cáo hành vi đấu tranh bởi “người ngoài”, tổ chức thanh niên Trung đông và liên hệ đến những nhóm được tập hợp để đấu tranh phản đối. Trong khi bạo loạn thường liên quan đến những nhóm phản đối thiếu tổ chức dễ dẫn đến bạo lực thì bất ổn đô thị có thể ở hình thức khác, thường biến thành đấu tranh chính trị và không hạn chế chỉ trong các nước phát triển. Chẳng hạn, cuộc đấu tranh ở quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, Trung Quốc khởi phát từ phong trào đấu tranh kêu gọi cải cách chính trị và những cuộc cắm trại phản đối tham nhũng của sinh viên vào năm 1989. Từ 1.000 đến 3.000 người đã bị giết bởi sự đàn áp của quân đội trong suốt và sau cuộc đấu tranh.

 

Rất nhiều thành phố trên thế giới là nhân chứng cho tình trạng bất ổn đô thị vào cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI. Trong thời đại toàn cầu hóa, đô thị trở thành yếu tố then chốt cho biểu tượng đấu tranh, biểu tình và bất ổn liên quan đến xung đột sắc tộc, phong trào dễ dàng lan rộng khắp thế giới thông qua phương tiện truyền thông và internet. Chẳng hạn, xung đột sắc tộc bị thúc đẩy bởi hệ thống nhà ở và hạ tầng xuống cấp dẫn đến bạo loạn ở nhiều thành phố nước Pháp cuối năm 2005, lan rộng khắp Châu Âu thông qua mối quan hệ nhập cư và liên hệ giữa các nhóm dân tộc. Ở Anh quốc, là các nơi như Brixton, Nam London vào năm 1981, 1985 và 1995; ở Ely, Cardiff năm 1991; ở Oldham, Burnley và Lidget Green thuộc Bradford năm 2001 và Birmingham năm 2005. Bạo loạn năm 2001 ở Bradford liên quan đến cuộc đụng độ giữa các thành viên thuộc các nhóm sắc tộc và văn hóa khác nhau dẫn đến tấn công cảnh sát và phá hủy tài sản.

 

Tiếp theo sau cuộc bạo loạn năm 2001, chính phủ đã thành lập Đội xem xét sự gắn kết cộng đồng (Community Cohesion Review Team), do Ted Cantle đứng đầu, để lập các báo cáo tìm hiểu nguyên nhân của cuộc bạo loạn.  Báo cáo phát hiện tình trạng phân cực sâu sắc giữa các cộng đồng sắc tộc khác nhau tại các đô thị ở Liên hiệp Anh. Tồn tại nhiều khía cạnh phân trong cuộc sống dân cư hằng ngày; chẳng hạn, sự chia cắt trong sắp xếp các hoạt động giáo dục, các cơ quan tình nguyện, vị trí công việc, nơi cầu nguyện và ngôn ngữ. Một người Hồi giáo gốc Pakistan, trả lời phỏng vấn, đã tóm gọn: “Khi tôi rời khỏi cuộc gặp mặt này và trở về nhà và sẽ không nhìn thấy bất kỳ một người da trắng nào khác cho đến khi tôi quay lại đây gặp ông vào tuần tới”. Báo cáo chỉ rõ:

 

Đây là tình huống mà có rất ít nỗ lực để làm rõ những giá trị khi một người là công dân của thành phố Anh quốc đa sắc tộc và nhiều người vẫn còn hoài niệm về một xã hội đơn thuần như trước đây hoặc hướng về quê hương để tìm kiếm một vài hình thái bản sắc.

 

Báo cáo đề nghị một sự gắn kết cộng đồng rộng rãi trong xã hội là cần thiết, dựa trên kiến thức, sự liên hệ và tôn trọng sự khác biệt văn hóa, điều đã tạo nên một Anh quốc. Để làm được điều đó, “cần thiết phải xây dựng tinh thần công dân, dựa trên (một số) nguyên tắc chung được công đồng chia sẻ và tuân theo. Tinh thần công dân cũng là nơi thuận lợi để phát huy những giá trị văn hóa khác nhau”. Để đạt được mục tiêu này, báo cáo kêu gọi một cuộc tranh luận cấp quốc gia được tổ chức tốt, những hoạt động mạnh mẽ của người trẻ và tuyên truyền niềm hy vọng rằng những cuộc tranh luận sẽ dẫn dắt tinh thần công dân, sáng tạo nên những phương pháp tiếp cận các vấn đề giáo dục, nhà ở, tái chế và việc làm một cách mạch lạc (Cantle 2001). Điều chúng ta có thể thu thập từ báo cáo là điểm chung từ những hành động bạo lực và phá hoại tự phát có thể bắt nguồn từ những vấn đề kinh tế và xã hội “ngầm” nghiệm trọng mà chỉ cần được kích hoạt bởi một sự kiện địa phương là có thể bùng phát thành bạo loạn. Nỗ lực giải quyết các vấn đề “ngầm” có thể dẫn đến những chương trình đổi mới đô thị.

 

Tìm hiểu chi tiết về “mối quan hệ đa văn hóa và sắc tộc” tại chương 15 – Sắc tộc, dân tộc và nhập cư.

 

Đổi mới đô thị (Urban renewal)

           

Chính quyền địa phương, vùng và quốc gia nên áp dụng phương pháp tiếp cận nào để giải quyết những vấn đề đang hủy hoại khu vực nội đô? Sự bành trướng nhanh chóng khu vực ngoại ô cần được kiểm soát như thế nào để tránh gây hại đất cây xanh và vùng nông thôn? Một chính sách đổi mới đô thị thành công đặc biệt phải đối mặt với rất nhiều thử thách bởi vì nhu cầu cùng lúc phải chiến đấu trên nhiều mặt trận khác nhau.

 

Ở nhiều nước phát triển, hàng loạt những chương trình quốc gia – liên quan đến, chẳng hạn, cung cấp hỗ trợ sửa chữa nhà ở và các khoản thuế kinh doanh – đã được giới thiệu để tái thiết khu vực nội đô. Trong vài thập kỷ qua, hàng loạt chương trình của chính phủ đã được triển khai bằng nhiều cách thức khác nhau nhằm theo đuổi mục tiêu tái tạo đô thị (urban regeneration). Chương trình của Đảng Bảo thủ Anh “Hành động vì đô thị” (Action for Cities) năm 1988, chẳng hạn, tìm kiếm những khoản đầu tư cá nhân và nguồn lực tự do thị trường để thực hiện các mục tiêu phát triển chung hơn là trông chờ vào sự đầu tư của nhà nước. Tuy nhiên, kết quả phản hồi thấp hơn dự đoán. Vì dường như có quá nhiều vấn đề phải đối mặt trong khu vực nội đô nên các chương trình triển khai có xu hướng sụt giảm giá trị hoặc lặp lại khi mà hiệu quả lại không thể đến ngay lập tức.

 

Nghiên cứu cho thấy, ngoài các dự án hướng đến các mục tiêu ngắn hạn, nhỏ lẻ, việc cung cấp các ưu đãi và kỳ vọng doanh nghiệp tư nhân thực hiện nhiệm vụ của họ không đem hiệu quả như là một cách để giải quyết các vấn đề xã hội cơ bản được tạo ra ở khu vực trung tâm đô thị. Nhiều hoàn cảnh áp bức đi cùng nhau ở khu vực nội thành làm đảo ngược quá trình suy thoái một khi được triển khai trong các tình huống khó khăn. Điều tra sâu bên trong thành phố, chẳng hạn như báo cáo Scarman về các cuộc bạo loạn Brixton năm 1981, đã lưu ý về việc thiếu một cách tiếp cận phối hợp với các vấn đề ở khu vực nội thành (Scarman 1982). Nếu không có các khoản chi tiêu công lớn – điều chẳng có gì giống với chương trình phát triển của chính phủ - triển vọng cải thiện triệt để tình hình là rất mong manh (Macgregor và Pimlott 1991).

 

Năm 1997, Đảng Lao động triển khai hai quỹ tái thiết chính: quỹ thỏa thuận mới với cộng đồng và quỹ tái thiết khu dân cư. Một vài nguồn lực khác tập trung vào các hoạt động đặc biệt có giá trị quan trọng đối với quá trình tái thiết đô thị, bao gồm nguồn tiền từ Công ty xổ số Quốc gia, quỹ hành động vùng vì sức khỏe, việc làm và giáo dục và nguồn tiền từ Tập đoàn nhà ở cho các dự án nhà ở xã hội mới, 60% trong số đó được dùng cho các chương trình tái thiết. Một điểm khác biệt quan trọng giữa các chương trình đang triển khai và các chương trình trước đây là các chương trình trước đây có xu hướng quan tâm đến khía cạnh vật chất của sự tái thiết, trong khi các chương trình hiện tại cố gắng kết hợp các vấn đề xã hội và kinh tế.

 

Quỹ thỏa thuận mới với cộng đồng là chương trình tái thiết quan trọng hàng đầu của Đảng Lao động. Được triển khai năm 1998, hiện có 39 cộng đồng đang thực hiện chương trình ở khắp Anh quốc. Mục tiêu của chương trình là giảm các bất lợi ở những khu nghèo nhất bằng cách tập trung vào năm vấn đề: viễn cảnh công việc tồi tệ, tỷ lệ tội phạm cao, giáo dục theo thành tích, chăm sóc sức khỏe kém và các vấn đề về nhà ở và môi trường (ở khía cạnh vật lý). Quỹ tái thiết khu dân cư, bắt đầu từ năm 2001, hướng đến những khu vực đô thị bị tước đoạt nặng nhất, nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách giữa những khu vực đô thị bị tước đoạt với những khu vực còn lại thuộc Anh quốc (Ban Tái thiết khu dân cư 2004)

 

Một số ý kiến thắc mắc về sự tồn tại tính hiệu quả của các chương trình tái thiết như vậy. Các chương trình từ trên xuống của chính phủ có thể đạt được sự ủng hộ và liên quan đến người dân địa phương như thế nào thường có ý nghĩa quan trọng đối với sự thành công của chương trình? Liệu nguồn lực công có thực sự kích thích nền kinh tế địa phương và tạo ra công ăn việc làm? Làm thế nào các chương trình tái thiết có thể ngăn ngừa các vấn đề di cư từ vùng này sang vùng khác (Weaver 2001)?

 

Chỉnh trang và “tái sử dụng đô thị” (Gentrification and urban recycling)

 

“Tái sử dụng đô thị” – tân trang hay thay thế những tòa nhà cũ và mới dùng cho việc phát triển đất đai trước đó – đang trở nên phổ biến tại các đô thị lớn. Việc này sẽ được tiện thể thực hiện như một phần của chương trình quy hoạch, nhưng thông thường đó là kết quả của chương trình chỉnh trang đô thị - làm mới những tòa nhà trong những khu dân cư đã bị phá hủy nhằm cung cấp cho những nhóm có thu nhập cao hơn, cung cấp các tiện nghi như các cửa hiệu và nhà hàng để phục vụ họ. Quá trình chỉnh trang đô thị khu vực nội đô đang diễn ra ở nhiều thành phố Anh Quốc, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia phát triển khác; quá trình dường như sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm tới.

 

Tại Hoa Kỳ, nhà xã hội học Elijah Anderson phân tích ảnh hưởng của quá trình chỉnh trang đô thị trong quyển sách của ông Chủng tộc, Tầng lớp và thay đổi ở cộng đồng đô thị (Race, Class and Change in an Urban Community - 1990). Trong khi việc chỉnh trang mới các khu dân cư thường làm tăng giá trị bất động sản, thì quá trình đó hiếm khi nâng cao mức sống của cư dân thu nhập thấp hiện hữu, những người thường bị gây áp lực phải rời đi. Tại khu dân cư Philadelphia, theo nghiên cứu của Anderson, những người da đen bị lên án, bị gây áp lực khiến cho hơn 1000 người phải rời đi. Mặc dù họ được thông báo rằng  tài sản (đất) của họ sẽ được dùng để xây dựng nhà giá thấp, mà họ sẽ được ưu tiên mua đầu tiên, chứ không phải những tòa nhà thương mại và trường học lớn hiện nay đang tạo lạc ở đó.

 

Những người nghèo vẫn tiếp tục sống ở khu dân cư hiện hữu nhận được những lợi ích từ việc nâng cấp trường học và hệ thống cảnh sát bảo vệ, nhưng kết quả từ việc tăng thuế và giá nhà thuê cuối cùng lại khiến họ phải rời đến sống ở những khu vực phù hợp mức sống hơn, hầu hết là các khu vực mà các vấn đề xã hội đã được giải quyết tốt hơn. Nhóm dân da đen, được Anderson phỏng vấn, thể hiện thái độ oán giận đối với nhóm “yuppies” (nhóm người trẻ hành nghề chuyên nghiệp tại đô thị, như chuyên viên tài chính, giảng viên, bác sỹ - ND) chịu trách nhiệm trước những thay đổi của đô thị đã khiến những người nghèo phải rời đi.

 

Những người da trắng mới đến di chuyển đến khu vực nội đô thành phố nhằm tìm kiếm nhà “cổ” giá rẻ, ở gần nơi làm việc của họ trong trung tâm và tạo một phong cách sống đô thị. Họ biểu lộ xu hướng "cởi mở" về sự khác biệt chủng tộc và dân tộc; tuy nhiên trong thực tế, hiếm có tình bằng hữu giữa những người cũ và người mới, trừ khi họ ở cùng tầng lớp xã hội. Bởi vì người đen chủ yếu là người nghèo và người da trắng là tầng lớp trung lưu, sự khác biệt giai cấp đã pha trộn với sự khác biệt dân tộc. Trong khi một số ít người da đen trung lưu sống trong khu vực, hầu hết những người có khả năng đã chọn lối sống ngoại ô nhiều hơn vì họ sợ rằng sẽ nhận được từ người da trắng cách đối xử tương tự như với người da đen tầng lớp thấp. Theo thời gian, khu phố đã được dần dần chuyển thành vùng đất của tầng lớp trung lưu da trắng.

 

Một lý do đằng sau quá trình chỉnh trang đô thị là nhân khẩu học. Những chuyên gia đô thị đang có xu hướng lựa chọn việc kết hôn và lập gia đình muộn hơn, kết quả là, cần nhiều nhà ở hơn cho cá nhân và các cặp chung sống, chứ không phải là cho gia đình. Tại Anh quốc, chính phủ dự đoán sẽ có thêm 3,8 triệu hộ gia đình sẽ được hình thành trong khoảng thời gian từ năm 1996 đến 2021 (Đội công tác đô thị 1999). Bởi vì những người trẻ tuổi lập gia đình muộn và công việc của họ thường đòi hỏi thời gian dài ở lại văn phòng trong thành phố, cuộc sống ở vùng ngoại ô ngày càng trở thành một sự bất tiện hơn là một tài sản. Những cặp đôi không con giàu có có khả năng chi trả những căn nhà đắt tiền ở khu vực nội đô và ưa thích xây dựng phong cách sống xung quanh những khu vực có văn hóa, ẩm thực và giải trí cao cấp hiện hữu ở đây. Những cặp vợ chồng lớn tuổi mà con cái đã sống riêng cũng muốn quay về với cùng một lý do.

 

Có một điều quan trọng là tiến trình chỉnh trang đô thị luôn đi song hành với một tiến trình khác đã được đề cập từ trước: sự chuyển đổi hình thái kinh tế đô thị từ sản xuất hàng hóa sang cung cấp dịch vụ. Mối liên quan đến nạn nhân của các tiến trình này là một chỉ trích đối với sự tồn tại của đô thị.

 

Tại London, DockIands là một ví dụ điển hình của “tái sử dụng đô thị”. Khu vực Docklands ở Đông London trải dài trên khoảng 8,5 dặm vuông (13,68 km2) nằm tiếp giáp sông Thames – tước bỏ chức năng kinh tế của mình bằng cách đóng cửa bến tàu và cắt giảm hoạt động công nghiệp. Docklands không chỉ gần khu tài chính của thành phố London mà còn tiếp giáp với khu vực tầng lớp lao động nghèo ở phía bên kia. Từ sau những năm 1960 đã có những trận chiến khốc liệt – vẫn còn tiếp tục đến ngày hôm nay - về những gì nên diễn ra ở khu vực này. Nhiều người sống bên trong hoặc gần Docklands ủng hộ tái xây dựng lại bằng các phương tiện cộng đồng, hướng tới bảo vệ lợi ích của người nghèo. Trong chương trình này, với việc thành lập Tổng công ty Phát triển Docklands (Docklands Development Corporation) vào năm 1981, khu vực đã trở thành trung tâm trong chiến lược của Đảng Bảo thủ, chi phối chiến lược khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò chính trong tái thiết đô thị. Các khó khăn của yêu cầu và quy định quy hoạch đã cố tình được làm cho dễ dãi. Khu vực ngày nay được bao phủ trong những tòa nhà hiện đại, thường mạo hiểm trong thiết kế. Các kho hàng được chuyển thành những căn hộ sang trọng và các tòa nhà mới được xây dựng bên cạnh. Một khu văn phòng rất lớn, có thể nhìn thấy từ nhiều nơi ở London, đã được xây dựng tại Canary Wharf. Tuy nhiên, trong bối cảnh lung linh vẫn còn những tòa nhà đổ nát và những bãi đất hoang trống kéo dài. Không gian để xây dựng văn phòng còn khá trống nên những kẻ mới đến vẫn tìm cách đoạt lấy những khu đất chưa bán được với giá gốc. Khu dân cư ở Docklands có một vài hộ sống trong điều kiện tồi tàn nhất nước nhưng nhiều người trong số họ phản đối rằng họ nhận được rất ít lợi ích từ những công trình xây dựng đang mọc lên xung quanh.

 

Tại Mỹ, những nhà đầu tư đã mua lại các nhà kho công nghiệp cũ tại các thành phố từ Milwaukee đến Philadelphia và chuyển đổi chúng thành những khu giảng đường và studio sang trọng. Việc tạo ra các không gian công cộng sôi động tại các trung tâm đô thị bỏ hoang ở Baltimore và Pittsburgh đã được dự báo là một thắng lợi của đổi mới đô thị. Tuy nhiên, rất khó để che giấu sự thiếu thốn vẫn còn hiện hữu trong những khu dân cư bị ngăn chặn khỏi các khu trung tâm đô thị được hồi sinh.

 

Lập luận chống lại sự phát triển các khu vực như Docklands trong cuốn sách về lịch sử của thành phố, Lương tâm của mắt (The Conscience of the Eye - 1993), Richard Sennett cho rằng cần có những nỗ lực được các nhà quy hoạch đô thị thực hiện để bảo tồn hoặc quay về với những gì ông gọi là “thành phố nhân đạo” (the humane city). Những tòa nhà lớn, thiếu tính nhân hóa ở nhiều đô thị khiến con người trở nên hướng nội, xa lánh người khác. Nhưng đô thị có thể khiến con người cởi mở hơn, kết nối họ với văn hóa đa dạng và các phương cách sống khác nhau. Chúng ta nên tìm cách tạo ra những đường phố không chỉ là không đáng sợ mà còn “đầy sức sống”, trong “động mạch giao thông dành cho tất cả xe cộ đang chuyển động vội vã hoặc không cho ai cả”. Các trung tâm mua sắm ngoại ô được tiêu chuẩn hóa cho việc đi bộ và các cửa hàng mua sắm được đem ra xa khỏi “thành phố nhân đạo” như hệ thống đường cao tốc. Sennett cho rằng thay vào đó, chúng ta có thể tìm cảm hứng ở khu vực đô thị cũ, như những gì người ta tìm thấy tại trung tâm thành phố nước Ý, từ quy mô người ở tới sự kết hợp phong phú các thiết kế sang trọng.

 

Đô thị hóa ở các nước đang phát triển

 

Dân số thế giới có thể đạt mốc 5 tỷ người vào năm 2030 và Ủy ban quốc gia tính toán rằng khoảng 4 tỷ người trong số đó sinh sống ở các nước đang phát triển. Theo các số liệu ở bảng 1, gần 22 thành phố hơn 10 triệu dân vào năm 2015 phân bố tại các nước đang phát triển.

 

Manueal Castells (1996) dùng thuật ngữ “siêu đô thị” (megacities) như là một trong những khái niệm chính của tiến trình đô thị hóa thiên niên kỷ thứ III. Các thành phố không được định nghĩa bằng quy mô – mặc dù có một số lượng cực kỳ lớn cư dân cư trú – mà còn bởi vài trò là điểm  kết nối giữa dân số khổng lồ và kinh tế toàn cầu. Siêu đô thị tập trung các hoạt động chính trị, truyền thông, giao tiếp, tài chính và dòng chảy hàng hóa. Theo Castells, siêu đô thị giữ chức năng thu hút nguồn lực cho khu vực và đất nước. Con người có thể khai thác khu vực đô thị rộng lớn theo nhiều cách; bên trong đô thị có người sẽ tận dụng được hệ thống toàn cầu và có người sẽ không thực hiện được điều đó. Bên cạnh việc dịch vụ đã trở thành trung tâm của kinh tế toàn cầu, siêu đô thị cũng trở thành “nơi lưu ký cho những thành phần dân chúng khác nhau đang đấu tranh để tồn tại”. Chẳng hạn, Mumbai ở Ấn Độ là một trung tâm việc làm và tài chính đang phát triển và là nhà của thị trường của ngành công nghiệp điện ảnh khổng lồ Bollywood. Đó là một thành phố phát triển và mở rộng mạnh mẽ với những lực hút đã được Castells đề cập đến.

 

Suy nghĩ phản biện

 

Có thể so sánh Mumbai với các thành phố lớn các nước công nghiệp như thế nào? Có những điểm tương đồng nào giữa Mumbai và, như đã đề cập, Los Angeles (xem phần “xã hội toàn cầu 1” dưới đây), London, Tokyo hay New York? Đâu là những khác biệt chính? Vị trí hiện tại của Ấn Độ trong nền kinh tế tư bản toàn cầu giúp Mumbai ngăn chặn hiệu quả khoảng cách giàu nghèo”?

 

Một trong những khu định cư đô thị lớn nhất trong lịch sử mà nay đã được định hình ở Châu Á, nằm trên diện tích 50.000 km2 từ Hong Kong đến Trung Hoa đại lục, vùng Perl River Delta và Macao. Mặc dù không có tên chính thức và được phép xây dựng, năm 1995 vùng đã đón khoảng 50 triệu người đến sinh sống. Theo Manuel Castells, khu vực đã trở thành trung tâm công nghiệp, kinh doanh và văn hóa quan trong nhất thế kỷ.

 

Castells lưu ý đến hàng loạt những nhân tố liên quan đến nhau nhằm giải thích sự phát triển bùng nổ của vùng (bao gồm nhiều thành phố tạo nên). Trước hết, Trung Hoa đang trên tiến trình chuyển đổi kinh tế và Hong Kong là một trong những “mắt xích” quan trọng kết nối Trung Hoa với nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, vai trò của Hong Kong như là một trung tâm kinh doanh và tài chính toàn cầu được củng cố cùng với quá trình chuyển đổi từ sản xuất sang dịch vụ. Cuối cùng, giữa những năm 1980 và 1990, nền công nghiệp của Hong Kong đã phát triển bùng nổ trong tiến trình công nghiệp hóa chung của cả vùng Pearl River Delta. Hơn 6 triệu người làm việc trong hơn 20.000 nhà máy và 10.000 công ty. Kết quả là, các quá trình trộn lẫn này đã tạo nên “sự bùng nổ đô thị không thể dự đoán” (Castells 1996).

 

Tại sao tốc độ phát triển ở các quốc gia hơi kém phát triển hơn lại cao hơn bất kỳ hơn nào khác? Hai yếu tố quan trọng cần được lưu tâm đến. Đầu tiên, tốc độ gia tăng dân số ở các quốc gia đang phát triển cao hơn ở các nước công nghiệp. Sự phát triển của đô thị phụ thuộc vào tỷ lệ dân cư sẵn sàng sống tại đó.

 

Thứ hai, một lượng lớn dân nhập cư quốc tế từ nông thông đến đô thị - như trường hợp của siêu đô thị Hong kong – Guangdong. Ở các nước đang phát triển, người ta đổ xô về thành phố không chỉ vì hệ thống sản xuất hàng hóa truyền thống nông thôn bị tan rã mà còn vì những cơ hội công việc tuyệt vời ở thành phố. Sự nghèo đói ở nông thôn khiến nhiều người muốn thử sức ở thành phố. Họ có thể chỉ nhập cư vào đô thị trong thời gian ngắn, sau đó quay về nông thôn khi có đã kiếm đủ tiền. Một số thực sự quay về, một số tìm được những động lực để ở lại, đôi khi nhiều hơn một lý do, một vài thì do đã đánh mất vị trí ở cộng đồng trước đó.

 

Xã hội toàn cầu 1 – Mumbai – siêu đô thị trong thế giới của các nước đang phát triển

 

Ấn Độ dành được độc lập, thoát khỏi ách thống trị của Anh vào năm 1947, tại một thời điểmđất nước đang tương đối nghèo kém phát triển. Kể từ khi độc lập, đất nước đã thay đổi đáng kể và không nơi nào nhận thấy sự thay đổi rõ ràng hơn ở Mumbai, một siêu đô thị của 12 triệu dân trong một khu vực đô thị với hơn 21 triệu người. Như các thành phố khác trên toàn thế giới, Mumbai là một địa điểm tương phản rõ rệt giữa người giàu và người nghèo. Bài viết dưới đây, viết nhân Kỷ niệm 60 năm độc lập vào năm 2007, tìm hiểu Mumbai của  hiện tại và tương lai.


Ấn Độ có thể rút ngắn khoảng cách giàu nghèo?

 

Sáu mươi năm sau khi Ấn Độ đã được giải phóng khỏi ách thống trị thực dân Anh, nền kinh tế của đất nước đã bùng nổ. Tuy nhiên, liệu sự giàu có được phân phối đồng đều hơn trong tương lai?

 

Không đủ

 

Tại Mumbai, thủ đô tài chính của Ấn Độ, biểu tượng thành công của kinh tế Ấn Độ có thể nhìn thấy ở khắp nơi – từ những biển nhấp nháy quảng cáo loại nước hoa mới nhất đến những người phụ nữ diện chiếc quần Jeans hiệu Tommy thời trang nhất. Ấn Độ ngày nay sôi động, tự tin và tham vọng – cũng không chút e ngại khi thể hiện điều đó.

 

Hãy lấy Rajani Rishi ví dụ, 30 tuổi - một trùm may mặc ở Mumbai Đan Mạch – tự nhận mình là người nghiện việc và rất thích cuộc sống chất lượng cao. Vụ mua bán mới nhất của anh là một chiếc xe thể thao Porsche màu đen mà anh sẽ lái qua các đường phố Mumbai. Ở thủ đô tiền bạc của India, phô trương sự giàu có hiện tại là thời thượng. Rajaru đã luôn luôn mơ ước những điều này và bây giờ giấc mơ của anh đã trở thành hiện thực nhờ vào sự thành công của nền kinh tế và công việc kinh doanh của mình.


"Tôi làm việc chăm chỉ, bạn biết đấy, để kiếm tiền” anh nói. Và tôi cần được thưởng. Đây là phần thưởng của tôi”. “Nhưng vẫn chưa đủ. Mục tiêu kế tiếp ư? Một du thuyền. Tôi biết là tôi muốn có nó. Tôi đang chờ để mua”.

 

Thành phố tốc độ


Đây là nơi giấc mơ được tạo nên. Cuộc sống gấp gáp, thành phố tốc độ - tiền ở Mumbai chưa được chi tiêu hay tạo ra đủ nhanh. đó là giấc mơ dẫn dắt hàng triệu người nhập cư vào thành phố mỗi ngày Họ đến đây từng đoàn, sau khi nghe những câu chuyện huyền thoại về đường phố dát vàng ở Murnbai. Di chuyển qua hàng ngàn dặm bằng xe lửa, họ bỏ lại gia đình, bạn bè và cuộc sống tuyệt vọng. Nhiều người cuối cùng lại ở tại một trong rất nhiều khu ổ chuột của thành phố và đấu tranh để tồn tại bằng cách làm những công việc lặt vặt trên đường. Họ đến thành phố để chinh phụckết cục bị nó nhấn chìm.

 

Phá hủy

 

Saunji Kesarwadi làm nghề giúp việc vặt hiện đang sống trong căn phòng 2x2m ở Dharavi, khu ổ chuột lớn nhất Châu Á. Trong chiếc hộp đó, anh làm việc và nuôi sống một gia đình sáu người đang sống trên tầng áp mái. Cũng như việc sợ bị đuổi, anh sợ sẽ bị ném ra ngoài đường khi người ta tính toán con đường để phát triển.

 

“Chúng tôi nghe nói là những nhà xây dựng đang đến”. Anh Kesarwadi nói với hai bé gái đang nhìn vào “Nhưng chẳng ai nói với chúng tôi điều gì cả. Họ nói là họ sẽ cho chúng tôi một căn hộ nếu chúng tôi bán đất cho họ - nhưng tất cả chúng tôi sẽ chuyển đi thế nào được? Đây là công việc, cuộc sống của tôi. Không quá nhiều nhưng là tất cả những gì tôi có”. Tuy nhiên, trong khi cuộc sống ở các thành phố đang mất đi sự hy vọng, sự phát triển kinh tế nông thôn lại đem đến nhiều công việc mới ở làng quê.

 

Lựa chọn nông thôn

 

Khoảng 300 km từ thủ đô công nghệ của Ấn Độ, Bangalore, ​​Bellary - một thành phố công nghiệp được khai sinh trong một ngôi làng yên ả. Nếu đến đây lần đầu tiên, tất cả những gì có thể thấy được là đất nông nghiệp bụi bặm hàng dặm xung quanh. Nhưng đằng sau vẻ ngoài yên tĩnh đó, có một sự thay đổi lớn đang diễn ra. Bellary nhà  của một trong các trung tâm gia công nông thôn đầu tiên của Ấn Độ, do công ty sản xuất thép JSW Steel Limited lập nên. Tổ chức đã bắt đầu hai hoạt động nhỏ trong khuôn viên trường Bellary do tập đoàn quản lý. Họ thuê những phụ nữ trẻ từ các làng lân cận đến làm việc trong trung tâm gia công nông thôn. Ở đây các cô gái nhập hồ sơ nha khoa chi tiết của các bệnh nhân người Mỹ, đánh máy bằng một ngôn ngữ nhiều người trong số họ chỉ mới vừa học, sử dụng những máy móc mà nhiều người chưa bao giờ nhìn hoặc nghe nói trước đây.

 

Savithri Amma hai mươi tuổi, tốt nghiệp trung học. Cô kiếm được khoảng $80 (£40) một tháng khi làm công việc này - giống như những người cùng lứa có thể với công việc giúp việc nhà ở Mumbai. Với số tiền đó, cô phải đi làm từ 7 giờ sáng mỗi ngày – có nghĩ là phải rời làng để bắt xe buýt JSW từ 5 giờ sáng và về nhà lúc tan ca lúc 3 giờ chiều. “Lúc đầu, khi tôi mới đi làm, cha mẹ tôi hoài nghi”.  Cô nói bẽn lẽn. “Ở đây phụ nữ thường không bao giờ ra ngoài – nhưng giờ đây chúng tôi có thể làm điều đó vì  vị trí của chúng tôi trong cuộc sống đã được cải thiện về mặt tài chính và xã hội nhờ vào công việc của chúng tôi ở đây. Cha tôi kiếm được ít tiền hơn tôi mỗi tháng. Tôi rất tự hào là người kiếm tiền chính trong gia đình.”

 

Hứa hẹn tăng trưởng

 

Ở làng của Amma, cô được nhìn nhận như là hình mẫu mới cho các bạn cùng lứa. Giờ cầu nguyện mỗi ngày ở đền làng là thời gian cô suy nghĩ lại về một ngày làm việc của mình và bày tỏ lòng biết ơn với những tổ tiên Hindu của cô vì tương lai tốt đẹp. Cô nên cảm ơn họ thật nhiều. Amma là một trong những người may mắn, cô là một trong số ít người không phải rời bỏ gia đình để đấu tranh sinh tồn với hàng triệu người khác ở các thành phố Ấn Độ. Sự tăng trưởng kinh tế Ấn Độ tác động đến mọi đường phố ở Mumbai, Delhi và cả  những ngôi làng. Chỉ khi sự tăng trưởng đó hiện hữu thực sự tại nơi này, một tương lai hứa hẹn mới có thể đến.

 

Tìm hiểu chi tiết về “hệ quả của gia tăng dân số toàn cầu” tại chương 5 – Môi trường.

 

Những thách thức của đô thị hóa các nước đang phát triển

 

Ý nghĩa kinh tế

 

Với sự gia tăng của đội ngũ lao động nông thôn thiếu kỹ năng nhập cư vào các đô thị cung tâm, khu vực kinh tế chính thức thường phải tranh đấu để nhấp thụ họ vào lực lượng lao động. Tại hầu hết các thành phố ở các nước đang phát triển, những khu vực kinh tế phi chính thức cho phép gia nhập những người không thể tìm được việc làm ở khu vực chính thức. Từ những công việc sản xuất và xây dựng đến những hoạt động thương mại quy mô nhỏ, những công ty phi chính thức cung cấp cơ hội kiếm tiền cho những lao động nghèo thiếu kỹ năng.

 

Cơ hội kinh tế phi chính thức rất quan trọng trong việc giúp đỡ hàng ngàn gia đình sống sót trong điều kiện đô thị, nhưng cũng có những vấn đề bên cạnh đó. Khu vực kinh tế phi chính thức là không bị đánh thuế và không được kiểm soát. Đồng thời, cũng là ít hiệu quả hơn so với khu vực kinh tế chính thức. Các quốc gia mà hoạt động kinh tế tập trung trong khu vực này không thu được các khoản doanh thu thuế cần thiết. Mức thấp năng suất cũng làm tổn thương nền kinh tế chung - tỷ lệ GDP được tạo ra bởi hoạt động kinh tế phi chính thức thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ dân số tham gia trong lĩnh vực này.

OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - Organizationn of Economic Cooperation and Development) ước tính rằng một tỷ công việc làm mới cần được tạo ra tính đến năm 2025 để thích hợp với dân số dự kiến tăng thêm tại các đô thị ở các nước đang phát triển. Điều này là không thể nếu tất cả các công việc đều do khu vực kinh tế chính thức tạo ra. Một số nhà phân tích tăng trưởng tranh luận rằng cần phải chú ý để chính thức hóa và định chế hóa khu vực kinh tế phi chính thức rộng lớn, nơi mà hàng loạt những lao động “dư thừa” kéo đến hằng năm.

 

Thách thức môi trường

 

Sự mở rộng chóng mặt khu vực đô thị ở các nước đang phát triển có đặc điểm khác với sự bùng nổ ở các nước công nghiệp. Mặc dù tất cả đều phải đối mặt với các vấn đề môi trường nhưng những thành phố ở các nước phát triển đứng trước hàng loạt rủi ro đặc biệt. Ô nhiễm, thiếu nhà ở, vệ sinh kém và thiếu cung cấp nước sạch là những vấn đề mãn tính ở các thành phố này.

 

Nhà ở là vấn đề nặng nhất ở nhiều đô thị. Ở những thành phố như Calcutta và Sao Paulo là một trở ngại lớn; tỷ lệ những người nhập cư thì luôn quá cao so với việc cung cấp nhà ở cố định. Đám đông nhập cư ùa vào chiếm đất ở những khu vực nhất định, mọc lên như nấm ở khu vực ven đô. Ở các đô thị phương Tây, người nhập cư thường thích ở gần các khu vực trung tâm thành phố, trong khi tình hình lại diễn ra ngược lại ở các nước đang phát triển, nơi đám đông nhập cư còn được gọi là “bể phốt ngoài rìa” (septic fringe) đô thị. Chỗ ở là cái chòi dựng bằng bìa các tông cướp giựt được, bao bọc xung quanh rìa đô thị, nơi còn quá ít không gian chỗ trống.

 

Tại Sao Paulo, con số thống kê cho thấy có khoảng 5,4 triệu người sống trong những căn nhà tạm bợ vào năm 1996. Một vài học giả tính toán là con số có thể lên đến 20 triệu nếu khái niệm “nhà ở” được định nghĩa nghiêm ngặt hơn. Đến những năm 1980, căn bệnh thâm hụt nhà ở mãn tính ở Sao Paulo đã tạo ra làn sóng “chiếm cứ” phi pháp các tòa nhà bỏ không. Nhóm những gia đình không có nhà cửa bắt đầu “nhảy vào” chiếm lĩnh những khách sạn, văn phòng và nhà ở do chính phủ xây dựng bị bỏ rơi. Nhiều gia đình tin rằng tốt nhất là cùng chia sẻ bếp và nhà vệ sinh với hàng trăm người khác còn hơn phải sống trong ngoài đường hay trong các khu ở chuột (favelas) – nằm ở ngoài rìa thành phố.

 

Chính quyền thành phố và vùng ở những nước kém phát triển hơn (một chút so với các nước phát triển và phát triển cao hơn các nước đang phát triển - ND) khó mà kiểm soát nhu cầu nhà ở gia tăng theo hình xoắc ốc (vừa ở tính quy mô vừa ở yêu cầu chất lượng). Ở những thành phố như Sao Paulo tồn tại sự không đồng thuận giữa những người xây dựng nhà cửa và chính quyền thành phố về cách giải quyết các vấn đề nhà ở. Một số cho rằng cách thức khả thi nhất là cải thiện tình trạng của các khu favelas – cung cấp điện, đường ống dẫn nước sạch, lát đường và đánh số nhà. Số khác e rằng những thị trấn chòi tạm bợ không thể coi là nhà ở và nên kháng nghị tìm cách riêng cung cấp nhà ở cho người nghèo.


.Sự quá tải và phát triển quá mức ở khu vực trung tâm thành phố dẫn đến nhiều vấn đề môi trường đô thị nghiêm trọng. Thành phố Mexico là một ví dụ điển hình. 94% không gian của thành phố này là để xây dựng nhà cửa và chỉ có 6% là không gian mở. Tỷ lệ “không gian xanh” và các vùng cây xanh kéo dài còn thấp hơn rất nhiều tỷ lệ ở một thành phố có mật độ cao nhất ở Bắc Mỹ hay Châu Âu. Ô nhiễm là một vấn đề lớn khác, đến từ xe hơi, xe buýt, xe tải đậu khắp trên những con đường chật hẹp của thành phố, vấn đề phát sinh để lại của sự ô nhiễm công nghiệp. Điều này khiến cho việc sinh sống ở Mexico tương đương với việc hút 40 điếu thuốc/ngày. Tháng 3 năm 1992, mức độ ô nhiễm đã lên cao nhất từ trước đến nay. Mặc dù tiêu chuẩn “an toàn” cho phép ở mức 100 điểm, trong tháng đó mức độ ô nhiễm đã lên đến 398 điểm. Chính phủ buộc phải để các nhà máy đóng cửa một thời gian, buộc phải đóng cửa trường học và 40% xe hơi bị cấm lưu hành chỉ trong một ngày.

 

Tìm hiểu chi tiết về “nội dung và thực tiễn của phát triển bền vững” tại chương 5 – Môi trường.

 

Tác động xã hội

 

Nhiều đô thị ở các nước đang phát triển bị quá tải và hạn chế nguồn lực. Nghèo đói lan rộng và các dịch vụ xã hội thì không thể đáp ứng hết nhu cầu như chăm sóc sức khỏe, tư vấn gia đình, giáo dục và rèn luyện. Mất cân đối độ tuổi ở các nước đang phát triển làm tăng thêm khó khăn cho những vấn đề kinh tế và xã hội. So sánh với các nước công nghiệp, độ tuổi phổ biến nhất ở các nước đang phát triển là dưới 15. Độ tuổi cần nhiều sự giáo dục và hỗ trợ, nhưng các nước đang phát triển lại thiếu nguồn lực để cung ứng phổ cập giáo dục. Ở những gia đình nghèo, nhiều đứa trẻ phải làm việc toàn thời gian, số khác phải ra đường và sống như những đứa bé lang thang, xin xỏ bất cứ thứ gì có thể. Khi những đứa trẻ đường phố này lớn lên, hầu hết lại thất nghiệp, vô gia cư hoặc cả hai.

 

Tương lai của đô thị hóa ở các nước đang phát triển

 

Khi quan sát phạm vi thách thức mà khu vực đô thị ở các nước đang phát triển phải đối mặt, điều khó khăn nhất là nhìn thấy được tương lai thay đổi và phát triển hơn. Tình trạng cuộc sống ở những thành phố lớn nhất dường như đang giảm sút thậm chí đối với tương lai đang đến gần. Tuy nhiên, bức tranh không phải chỉ có những màu sắc tiêu cực.

 

Tìm hiểu chi tiết về “gia tăng dân số” tại chương 4 – Toàn cầu hóa và thay đổi thế giới, chương 13 – Bất bình đẳng toàn cầu và chương 5 – Môi trường

 

Trước hết, tỷ lệ sinh vẫn còn khá cao ở nhiều quốc gia, nhưng tiến trình đô thị hóa khiến tỷ lệ này đang có xu hướng giảm sút. Điều này khiến cho tỷ lệ đô thị hóa cũng tự giảm theo. Ở Tây Phi, chẳng hạn, tỷ lệ đô thị hóa có thể giảm xuống còn 4,2 %/năm vào năm 2020, so với tỷ lệ 6,3%/năm trong suốt các thập kỷ vừa qua.

 

Thứ hai, toàn cầu hóa được xem là một cơ hội quan trọng cho khu vực đô thị ở các nước đang phát triển. Với quá trình hội nhập kinh tế, các thành phố trên thế giới có khả năng thâm nhập thị trường quốc tế, thúc đẩy chính địa phương thành địa điểm để đầu tư và phát triển và tạo ra các liên kết kinh tế xuyên biên giới của quốc gia dân tộc. Toàn cầu hóa hiển hiện một trong những lối thoát năng động nhất để phát triển đô thị trở thành lực lượng chính trong phát triển kinh tế và đổi mới. Thật vậy, nhiều thành phố tại các nước đang phát triển đã gia nhập đội ngũ các “thành phố toàn cầu”, như chúng ta sẽ thấy ngay dưới đây.

 

Thành phố và toàn cầu hóa

 

Trước thời hiện đại, thành phố chỉ cho phép chứa đựng một phần chủ yếu từ những khu vực nông thôn xung quanh. Hệ thống đường xá thỉnh thoảng nối các đô thị lớn lại với nhau nhưng phần lớn chỉ được sử dụng bởi những mục đích đặc biệt cho thương mại, quân đội và những người thỉnh thoảng phải vượt qua những quảng đường dài vì một mục đích nào đó. Công đồng bên trong mỗi thành phố khá hạn chế. Bức tranh của thập kỷ thứ nhất của thế kỷ XXI cũng không có quá nhiều khác biệt. Toàn cầu hóa gây nên những ảnh hưởng sâu sắc đến các thành phố bằng cách biến chúng trở nên độc lập hơn và khuyến khích gia tăng các liên kết ngang giữa các thành phố trong cùng biên giới quốc gia. Rất nhiều những quan hệ thực và ảo giữa các thành phố và mạng lưới kết nối toàn cầu đang hiện hữu.

 

Nhiều người dự đoán rằng quá trình toàn cầu hóa và những công nghệ giao tiếp mới sẽ dẫn dắt xu hướng chuyển nhượng tại thành phố, như chúng ta được biết – mô hình làng ảo của Helsinki (xem phần “Xã hội toàn cầu 2”) cung cấp một ví dụ khả dĩ. Điều này là bởi vì nhiều chức năng truyền thống của thành phố hiện được thực hiện trên không gian mạng hơn là trong khu vực đô thị. Chẳng hạn, thị trường tài chính được điện tử hóa, thương mại điện tử làm giảm sự phụ thuộc của cả người sản xuất và tiêu dùng vào các vị trí cửa hàng ở trung tâm đô thị và “giao tiếp qua mạng” cho phép một số lượng ngày càng tăng những người làm việc từ nhà thay vì phải đến văn phòng.

 

Tuy nhiên, cho đến nay, dự đoán như vậy vẫn chưa thành hiện thực. Không phải phá hoại các thành phố, toàn cầu hóa chỉ chuyển đổi chúng thành các trung tâm quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Các trung tâm đô thị đã trở nên quan trọng trong việc phối hợp với dòng chảy thông tin, quản lý hoạt động kinh doanh và đổi mới các dịch vụ và công nghệ. Hiện đã có một sự đồng thời phân tán và tập trung hoạt động lẫn quyền lực trong một tập hợp các thành phố trên toàn cầu (Castells1996).

 

Thành phố toàn cầu (Global city)

 

Trật tự vai trò của thành phố trong thời đại toàn cầu mới thu hút sự chú ý của các nhà xã hội học (Marcuse và Van Kempen 2000; Massey 2007). Toàn cầu hóa thường được hiểu là tiến trình đối nghịch của trình độ quốc gia và thế giới, nhưng đó là thành phố lớn nhất thế giới bao gồm hai luồng vận chuyển chính thông qua sự toàn cầu hóa đang đến (Sassen 1998). Chức năng của kinh tế thời đại toàn cầu mới phụ thuộc vào tập hợp những vị trí trung tâm kết hợp sự phát triển hệ thống hạ tầng thông tin và cơ sở vật chất “tập trung cao”. Cùng với hoạt động kinh doanh, sản xuất, quảng cáo và marketing trên phạm vi toàn cầu, hàng loạt những tổ chức hoạt động để định hình và phát triển mạng lưới liên kết trên toàn thế giới.

 

 Saskia Sassen là một trong những người dẫn dắt những cuộc tranh luận về thành phố và toàn cầu hóa. Bà sử dụng cụm từ “thành phố toàn cầu” để chỉ những trung tâm đô thị là nơi đặt trụ sở chính của những tập đoàn lớn xuyên quốc gia và sự phong phú tài chính, công nghệ và dịch vụ. Trong “Thành phố toàn cầu” (The Global City - 1991), Sassen tiến hành công việc của mình dựa trên việc nghiên cứu ba thành phố đã giới thiệu ở đầu chương này: New York, London và Tokyo. Sự phát triển hiện tại của nền kinh tế thế giới, bà lập luận, đã tạo nên hàng loạt những vai trò chiến lược đầy tính tiểu thuyết của các thành phố lớn. Hầu hết chúng từ lâu đã có vai trò là trung tâm thương mại quốc tế nhưng hiện tại chủ yếu có 4 vai trò chính sau:

 

-          Phát triển vai trò “chỉ huy” – chỉ đạo và hoạch định chính sách – đối với nền kinh tế thế giới.

-          Vị trí then chốt của những công ty tài chính và dịch vụ chuyên ngành đặc biệt, có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế hơn là vai trò sản xuất.

-          Nơi sản xuất và sáng tạo những xu hướng công nghiệp mới mở rộng.

-          Thị trường mua bán và xử lý những “sản phẩm” của công nghiệp tài chính, dịch vụ.

 

New York, London và Tokyo có lịch sử phát triển rất khác nhau, có thể tìm hiểu sự thay đổi thương mại trong thông qua các dấu vết tự nhiên còn lại trong hai hoặc ba thập kỷ vừa qua. Bên trong sự phân tán cao độ của nền kinh tế toàn cầu ngày nay, các thành phố như trên cung ứng vai trò trung tâm điều tiết các hoạt động quan trọng của nền kinh tế. Điều quan trọng ở các thành phố này không phải là vai trò sản xuất hàng hóa mà là sản xuất những dịch vụ chuyên biệt dưới đòi hỏi của các tổ chức kinh doanh cho văn phòng đầu não và các nhà máy nằm rải rác khắp nơi trên thế giới, sản xuất những sản phẩm tài chính mới và tạo thị trường. Dịch vụ và hàng hóa tài chính là những “nhân tố” tạo nên thành phố toàn cầu.

 

Khu vực trung tâm thành phố toàn cầu cung cấp vị trí tập trung mà trong đó toàn bộ cụm "sản xuất" có thể cùng tương tác làm việc chặt chẽ với nhau, thường gồm các liên hệ cá nhân. Trong thành phố toàn cầu, các doanh nghiệp địa phương cùng hoạt động với các tổ chức quốc gia và đa quốc gia, bao gồm số lượng phong phú các công ty nước ngoài. Do đó có  350 ngân hàng nước ngoài có văn phòng ở thành phố New York, cộng với 2.500 công ty tài chính nước ngoài khác; cứ bốn nhân viên ngân hàng trong thành phố thì có một người làm việc cho một ngân hàng nước ngoài. Các thành phố toàn cầu cạnh tranh với nhau, nhưng cũng được coi là một hệ thống phụ thuộc lẫn nhau, cũng là một phần riêng biệt với các quốc gia mà chúng đặt cơ sở.

 

Nhiều tác giả khác đã tiếp tục phát triển nghiên cứu của Sassen, lưu ý rằng khi quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra, ngày càng có nhiều thành phố sẽ tham gia nhập hàng ngũ “thành phố toàn cầu” cùng với New York, London và Tokyo. Castells đã mô tả việc tạo ra một hệ thống phân tầng của các thành phố trên thế giới - với những thành phố như Hồng Kông, Singapore, Chicago, Frankfurt, Los Angeles, Milan, Zurich và Osaka hoạt động như các trung tâm lớn trên toàn cầu cung cấp các dịch vụ kinh doanh và tài chính. Và một tập hợp mới “các trung tâm khu vực” đang định hình thành những mắt xích quan trọng của nền kinh tế thế giới. Những thành phố như Madrid, Sao Paulo, Moscow, Seoul, Jakarta và Buenos Aires đang trở thành những trạm trung chuyển quan trọng cho các hoạt động bên trong khái niệm gọi là “thị trường mới nổi” (emering markets).

 

Xã hội toàn cầu 3 - “Làng ảo” của Helsinki

 

Jari Meilonen và cộng sự có một câu châm ngôn: “Sanoista tekoihin” dịch sơ sài là “Đừng nói, hãy làm”. Mielonen là trưởng phòng kỹ thuật của Sonera, lãnh đạo công ty lĩnh vực viễn thông và một trong những tay đầu tư lớn trong thị trường không dây. “Ai cũng nói về khả năng” ông nói “Nó đấy. Chạm và cảm nhận. Hãy thử đi.”

 

Đó là lý do mà ông và nhóm cộng sự kinh doanh, gồm các học giả và quy hoạch thành phố, hợp tác để đưa một phát kiến mới bên bờ cỏ vịnh Phần Lan vào cộng đồng không dây đầu tiên trên thế giới. Ý tưởng đơn giản nhưngđầy tham vọng: Đem đến cho những cư dân và người làm việc của vùng ngoại ô nghệ thuật không dây mới của Helsinki những hạ tầng và dịch vụ không dây tiên tiến nhất, để đăng nhập; người dân địa phương thậm chí không cần một chiếc máy vi tính mà chỉ cần điện thoại để kết nối vào hệ thống. Sau đó, đứng sang một bên và quan sát cách thị trấn của thời đại công nghệ tương lai vận hành.

 

Khu vực, có tên Arabianranta (bờ biển Ả Rập), khá bằng phẳng, đầy gió và hầu như cằn cỗi này được biết đến với nghề làm gốm đã từng tồn tại ở đây. Thậm chí trước Meilonen và các cộng sự bắt đầu mở rộng dự án để biến nơi này thành vùng đất hứa của công nghệ không dây, vùng đất cũng đã được thành phố Helsinki hoặc định làm một trạm trung chuyển công nghệ. Nếu tất cả diễn ra theo đúng kế hoạch, năm 2010 đây sẽ là nhà của 12.000 cư dân và 700 công ty phần mềm với khoảng 8.000 nhân viên cùng với 4.000 sinh viên học tại các trường đại học địa phương. Đó cũng sẽ là nơi của những thực nghiệm thực của mạng lưới kết nối cộng đồng, điều giúp giải đáp một trong những câu hỏi hóc búa nhất về hiệu ứng xã hội của những kết nối phổ biến. Liệu các kết nối không dây liên tục hiện hữu có khiến cho cộng đồng gắn kết hơn hay càng trở nên rời rạc? Làm sao con người có thể cân bằng giữa những mối quan tâm cá nhân với những lợi ích rõ ràng của việc mở rộng hệ thống không dây? Và bao nhiêu kết nối – một khi điều đó trở thành biểu tượng của sự tồn tại – con người thực sự muốn?

 

Công việc xây dựng đã bắt đầu với làn sóng đầu tiên xây dựng các tòa nhà văn phòng mới và nhà cửa. Cùng với bê tông và thép, một thành phần khác, ít nhìn thấy, hệ thống khung (của công nghệ không dây) đang được xây dựng ở đây bởi Sonera và các đối tác - IBM, nhà sản xuất phần mềm địa phương Diqia và Liên minh châu Âu có trụ sở tại Symbian, một nhóm gồm Ericsson, Motorola, Nokia, Matsushita và Psion. Họ đang sáng tạo nên những gì họ gọi là làng Helsinki ảo, một cộng đồng tương tác không dây cho toàn bộ vùng ngoại ô của Arabianranta. Làng Helsinki ảo sẽ bao gồm một mạng lưới địa phương và một loạt các dịch vụ hiện hữu thông qua hệ thống cáp không dây có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi. Người dùng có thể truy cập vào Làng Helsinki ảo ở bất kỳ nơi nào hệ thống không dây có thể mở rộng tới, thông qua PC lẫn TV thế hệ mới.

 

Chẳng hạn, cư dân có thể sắp xếp lịch cá nhân bất kỳ khi nào xảy đến - ở máy tính văn phòng, trong lúc đang xem TV ở nhà hay đang dùng di động để truy cập. Một danh sách cho trước sẽ được cung cấp giúp họ có thể tạo dựng nên cộng đồng của chính mình và những ích lợi của hệ thống sẽ giúp họ kiểm soát và cập nhật những dữ liệu cá nhân mỗi phút một.

 

Hiện tại thì làng Helsinki ảo đã khiến sự di động trở nên pha tạp, tạo nên những giao tiếp bình thường và không phô trương. Nhân viên IBM, Nordic’s Kurt Lonnqvist, người đã quan sát những đứa con của mình lớn lên trong một thế giới công nghệ di động, tin rằng xã hội Phần Lan  sẽ thay đổi mãi mãi. Những người trẻ có thể tự nhiên xây dựng những kế hoạch xã hội, ông nói. Trên đường, họ tiếp tục gửi  những dòng tin tức và nhận phản hồi từ bạn bè mình. “Đang đâu đấy?” “Gặp nhau cái” “Tới bar đi”.  Lonnqvist tin tưởng việc con cái của ông đã tự do trong cách chúng lèo lái cuộc đời hơn so với thế hệ của ông.

 

Tại Đại học Kỹ thuật Helsinki, nhà xã hội học Timo Kopomaa đang cố gắng theo dõi những thay đổi trong xã hội Phần Lan. “Mọi việc đang diễn ra tự nhiên”, ông nói, “Một thế hệ mới đang lớn lên với những thiết bị đó và cuộc sống của thế hệ này gia tăng giá trị cùng chúng.” Ông nghiên cứu một nhóm những người trẻ sử dụng thiết bị di động và lưu ý một số khác biệt trong lối sống. Xã hội ngày nay có thể đã trở nên bình thường nhưng điều đó không có nghĩa là các mối quan hệ xã hội đã biến mất. Thực tế, ông khám phá rằng điện thoại di động đã vẽ nên mối quan hệ con người theo phương thức mới. Những người trẻ “dính công nghệ” thường có mạng lưới xã hội rộng lớn hơn những người không sử dụng điện thoại. Bạn bè thân thiết và người thân có tiếp xúc gần như thường xuyên với nhau, cùng chia sẻ những kinh nghiệm đã trải qua. Với bạn bè, đó là cảm giác thân mật mới thông qua công nghệ, với gia đình, đó là sự vững tin.

 

Kopomaa tin rằng sự thân mật không dây mới cũng ảnh hưởng đến nơi làm việc. “Điện thoại di động mềm hóa cấu trúc của một ngày làm việc”, ông nói, “Con người không cần phải lên kế hoạch làm việc một cách cứng nhắc nữa – mỗi ngày các cuộc họp sẽ được thiết lập khi cần thiết.”

 

(Nguồn: © Shaw 2001)

 

Suy nghĩ phản biện:

 

Làng Helsinki ảo được mô tả như là “công nghệ của sự không tưởng”. Hãy lập một danh sách những tác động – tích cực lẫn tiêu cực – của thiết bị điện thoại di động đã xuất hiện trong xã hội chúng ta. Dựa trên danh sách đó, suy nghĩ xem đâu là những hệ quả ngoài ý muốn mà điện thoại di động ảnh hưởng đến sự kết nối con người? Liệu công nghệ có giúp tái tạo lại “Gemeinschaft” hay ràng buộc “cộng đồng”, giá trị mà Tonnies (2001 [1887]) cho rằng đã mất?Hay công nghệ lại khiến con người bị cô lập hơn? Điều đó đã xảy đến như thế nào?

 

Bất bình đẳng trong thành phố toàn cầu


Nền kinh tế toàn cầu mới tồn tại nhiều vấn đề theo nhiều cách. Không nơi nào có thể nhận thấy điều này rõ ràng hơn bên trong các động lực mới của sự bất bình đẳng trong các thành phố toàn cầu. Việc các trung tâm kinh doanh và các khu vực nội đô suy thoái có vị trí gần nhau nên được nhìn nhận là hiện tượng có liên quan lẫn nhau, như Sassen đã khuyến nghị chúng ta. “Những nhân tố phát triển” của nền kinh tế mới – dịch vụ tài chính, marketing và công nghệ cao – gặt hái lợi nhuận lớn hơn gấp nhiều lần so với bất kỳ ngành kinh tế truyền thống nào. Cùng với mức lương thưởng hậu hĩnh tiếp tục tăng cao, lương của những người làm công việc vệ sinh và bảo vệ văn phòng lại giảm xuống rõ rệt. Ảnh hưởng của tiến trình này được phân tích bởi các nhà xã hội học như Manuel Castells và các nhà địa lý như David Harvey, cả hai đều đồng ý rằng đô thị không chỉ là nơi của các mối quan hệ xã hội mà còn là địa điểm sản sinh sự cạnh tranh và mâu thuẫn giữa các nhóm xã hội khác nhau. Sassen (2001) lập luận rằng chúng ta đang chứng kiến nền kinh tế toàn cầu mới “thặng dư” (valorization) ở thời kỳ đầu và “thâm hụt” (devalorization) diễn ra ngay sau đó.

 

Tìm hiểu chi tiết về “tước đoạt và loại trừ xã hội tại chương 12 – Nghèo đô thị, loại trừ xã hội và tương lai và chương 13 – Bất bình đẳng toàn cầu.

 

Thị trường kinh tế luôn mong đợi sự chênh lệch lợi nhuận tư bản nhưng cường độ chênh lệch của nền kinh tế toàn cầu mới quá cao kéo theo những hệ quả tiêu cực trên các khía cạnh xã hội khác nhau, từ nhà ở đến thị trường lao động. Những người làm việc trong lãnh vực tài chính và dịch vụ toàn cầu được hưởng mức lương cao, khu vực ở của họ được chỉnh trang lại. Cùng lúc đó, công việc sản xuất chính thống bị mất dần và tiến tình chỉnh trang đô thị tạo ra một nguồn cung cấp lớn các công việc lương thấp – trong nhà hàng, khách sạn và cửa hiệu. Nhà giá thấp khan hiếm trong các khu vực được tái thiết, chịu áp lực ngày càng lan rộng các khu dân cư thu nhập thấp. Trong khi khu vực trung tâm đón nhận dòng chảy đầu tư khổng lồ vào bất động sản, tăng trưởng và công nghệ, những khu vực chịu thiệt thòi còn lại nhận được lượng đầu tư mấy không đáng kể.

 

Suy nghĩ phản biện:

 

Có phải tầm nhìn của Davis về Los Angeles cho chúng ta thấy tương lai của tất cả những thành phố lớn (xem phần “Xã hội toàn cầu 3”)? Khía cạnh nào trong lý thuyết của ông quen thuộc với một thành phố mà bạn biết? Sự phân cấp cộng đồng người giàu và người nghèo phổ biến như thế nào? Nếu người nghèo bị loại trừ khỏi các thành phố lớn thì họ sẽ sống ở đâu trong tương lai? Chính phủ có thể làm gì để giải quyết các hình thức loại trừ này của đô thị?

 

Xã hội toàn cầu 3 – Bất công xã hội trong “thành phố thạch anh”

 

Bên trong thành phố toàn cầu hiện đại, hình thái địa lý của “trung tâm và vùng ven” được định hình. Cấp nghèo mới tồn tại song song cùng với sự thịnh vượng rực rỡ. Mặc dù hai thế giới này cùng tồn tại cạnh nhau, sự liên hệ thực tế giữa chúng có thể gây ít nhiều ngạc nhiên. Như Mike Davis (1990/2006) lưu ý trong nghiên cứu về Los Angeles, đã có một sự “làm khó có ý thức” vẻ ngoài của đô thị để chống lại người nghèo – từ đó phát sinh “ẩn dụ”: đá cứng “thạch anh”. Không gian công cộng bị những bước tường nhựa tổng hợp thay thế, các khu dân cư được bảo vệ bởi hệ thống giám sát an ninh, những người giàu thuê cảnh sát riêng để dẹp các băng đảng và các “thành lũy tập đoàn” được tạo nên. Theo lời Davis thì:

 

Để giảm thiểu liên hệ với những “người thấp kém”, quá trình tái phát triển đô thị đã chuyển đổi lần nữa những tuyến đường đi bộ quan trọng thành hệ thống thoát nước và chuyển các công viên công cộng thành chỗ ở tạm thời cho những người nghèo khổ, vô gia cư. Các thành phố của nước Mỹ…đã chuyển đổi từ bên trong ra bên ngoài – hơn là từ bên ngoài vào bên trong. Sự chuyển không gian thành những cấu trúc xây dựng lớn và các trung tâm thương mại tọa lạc ở trung tâm, mặt tiền đường phố trơ trọi, các hoạt động công cộng bị loại trừ mang chức năng ngăn chặn và việc lưu thông được chuyển thành các hành lang quốc tế dưới sự giám sát của cảnh sát riêng (1990:232).

 

Theo Davis, cuộc sống được thiết kế thành “không thể sống được” đối với những người nghèo và hầu hết những người thiệt thòi khác ở Los Angeles. Băng ghế ở bến chờ xe buýt có dạng thùng để ngăn người ta nằm ngủ trên đó, số lượng nhà vệ sinh công cộng ít hơn bất kỳ thành phố Bắc Mỹ nào khác và hệ thống nước tưới ở nhiều công viên ngăn chặn những người vô gia cư sinh sống trong đó. Cảnh sát và những nhà hoạch địch chính sách thành phố muốn gom những người vô gia cư vào một khu vực nhất định, nhưng lại định kỳ càn quét và lấy lại những nơi tạm trú của họ, tạo nên  hiện tượng “Xóm Ả Rập” (urban bedouins) (khu ở của những người “sống trong sa mạc”, được  hiểu theo nghĩa là bị gom riêng vào một khu vực mà những người khác không muốn đến ở - ND)

                 

Tìm hiểu chi tiết về “phòng chống tội phạm và các công nghệ mới nhất” tại chương 21 – Tội phạm và lệch lạc.

 

Chính quyền đô thị trong thời đại toàn cầu

 

Tương tự như toàn cầu hóa, quá trình đô thị hóa là hai mặt đối nghịch và mâu thuẫn. Quá trình đó có những ảnh hưởng tạo tái lẫn giải cấu trúc đến đô thị. Mặt khác, lại cho phép tập trung nhân lực, hàng hóa, dịch vụ và cơ hội. Nhưng cùng lúc, phân mảnh và làm yếu những liên kết với nơi chốn, truyền thống và mạng lưới hiện hữu. Quá trình không chỉ diễn ra ở các nước đang phát triển mà còn ở các nước công nghiệp, nhiều cư dân hoạt động ở khu vực ngoại vi, bên ngoài lĩnh vực làm việc chính thức, luật lệ và văn hóa công dân.

 

Mặc dù toàn cầu hóa làm trầm trọng thêm những thách thức mà mỗi thành phố ở khắp nơi trên thế giới phải đối mặt, quá trình vẫn tạo thêm không gian để thành phố và chính quyền địa phương thiết lập lại chính trị. Thành phố trở nên quan trọng hơn bao giờ hết vì các nhà nước quốc gia đang ngày càng thiếu khả năng giải quyết các xu hướng toàn cầu. Các vấn đề như rủi ro sinh thái và thị trường tài chính biến động đang hoạt động ở cấp độ vượt xa trình độ xử lý của các quốc gia; một đất nước riêng lẻ - cho dù là hùng mạnh nhất – là quá “nhỏ” để chống lại các lực lượng này. Nhưng những nhà nước quốc gia đang hiện hữu lại quá “lớn” để chú ý một cách đầy đủ đến các nhu cầu phong phú được tìm thấy bên trong các khu đô thị quốc tế. Khi mà quốc gia thiếu sự hành động hiệu quả, thành phố và chính quyền địa phương có thể là “hình thái cơ động để quản lý thế giới” (Borja và Castells 1997).

 

Tìm hiểu chi tiết về “phong trào xã hội” tại chương 21 – Chính trị, chính phủ và phong trào xã hội.

 

Jordi Borja và Manuel Castells (1997) lập luận rằng có ba lĩnh vực chính mà chính quyền địa phương có thể ảnh hưởng để chế ngự các lực lượng trên. Trước hết, thành phố có thể thúc đẩy năng suất kinh tế và khả năng cạnh tranh bằng cách quản lý “môi trường sống” địa phương – điều kiện và cơ sở vật chất tạo hình cho năng suất kinh tế. Cạnh tranh kinh tế trong nền kinh tế mới phụ thuộc vào chất lượng lực lượng lao động sản xuất; để có thể lao động đạt sản lượng cao, lực lượng lao động vần một hệ thống giáo dục tốt cho con em họ, cần hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, nhà ở hợp lý về chất lượng và giá cả, hệ thống luật pháp được thực thi, các dịch vụ thiết yếu đầy đủ và nguồn lực văn hóa phong phú.

 

Thứ hai, thành phố có vai trò quan trọng trong định hình sự hội nhập văn hóa – xã hội giữa biển dân cư đa sắc tộc. Thành phố toàn cầu đem đến cùng lúc những cá nhận từ hàng tá quốc gia, đa dạng tôn giáo và nền tảng ngôn ngữ và trình độ kinh tế xã hội. Nếu lực giao thoa không ngăn chặn chủ nghĩa đa nguyên phân cực tìm thấy bên trong các thành phố quốc tế thì sẽ dẫn đến kết quả tất yếu của sự phân mảnh và sự không khoan nhượng. Đặc biệt trong tình huống mà ảnh hưởng xúc tiến của nhà nước quốc gia lên sự gắn kết xã hội dựa trên sự thỏa hiệp giữa lịch sử, ngôn ngữ và nhiều lý do khác, mỗi thành phố có thể có những tác động tích cực đến hội nhập xã hội.

 

Thứ ba, các thành phố là những địa điểm quan trọng cho các đại diện chính trị và quản lý. Chính quyền địa phương có hai ưu điểm hơn nhà nước quốc gia trong việc quản lý các vấn đề toàn cầu: họ được cộng nhận nhiều hơn từ những người mà họ đại diện và họ có sự linh hoạt và cơ động hơn cấu trúc (hành chính) chung của đất nước. Như những khám phá trong phần viết về “Chính trị, Chính phủ và các phong trào xã hội” (Chương 22 quyển sách cùng tên - ND), nhiều người dân cảm thấy rằng hệ thống chính trị quốc gia không đủ đại diện cho những mối quan tâm và lo ngại của họ. Trong trường hợp mà nhà nước quốc gia quá xa để đại diện cho những vấn đề văn hóa riêng biệt hoặc các mối quan tâm địa phương, thành phố và chính quyền đô thị có nhiều diễn đàn để các hoạt động chính trị tham dự hơn.

 

Thành phố là đại lý chính trị, kinh tế và xã hội

 

Một số lượng cực lớn những cơ quan, tổ chức và nhóm đan chéo nhau bên trong một thành phố. Các doanh nghiệp địa phương và quốc tế, các nhà đầu tư tiềm năng, cơ quan chính phủ, hiệp hội dân sự, nhóm nghề nghiệp, công đoàn và nhiều những nhóm hội khác cùng gặp gỡ và hình thành những mối liên kết trong khu vực đô thị. Những mối liên kết dẫn đến các hành động tập thể khiến cho thành phố trở thành những đại lý xã hội trong những hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa và truyền thông.

 

Ví dụ về các thành phố như thành phần kinh tế đã gia tăng trong những năm gần đây. Tại châu Âu, bắt đầu với suy thoái kinh tế những năm 1970, các thành phố tạo thành dây liên kết cùng thúc đẩy đầu tư và tạo việc làm mới. Phong trào các thành phố Châu Âu, nắm giữ bởi 50 thành phố Châu Âu lớn nhất, được thành lập vào năm 1989. Các thành phố châu Á như Seoul, Singapore và Bangkok lại đặc biệt hiệu quả với vai trò các diễn viên kinh tế, thừa nhận tầm quan trọng của tốc độ của thông tin thị trường quốc tế và sự cần thiết của cấu trúc sản xuất linh hoạt và thương mại.


Một số thành phố xây dựng kế hoạch chiến lược trung dài hạn để giải quyết những thách thức phức phải đối mặt. Theo kế hoạch như vậy, chính quyền địa phương, các nhóm dân sự và các đại diện kinh tế tư nhân có thể làm việc cùng nhau để tân trang các cơ sở hạ tần đô thị, tổ chức một sự kiện tầm cỡ thế giới hoặc chuyển nhượng cơ sở việc làm từ các doanh nghiệp công nghiệp sang cho những người chuyên nghiệp. Birmingham, Amsterdam, Lyons, Lisbon, Glasgow và Barcelona là những ví dụ của các thành phố châu Âu đã thực hiện các dự án đổi mới đô thị thành công với sự giúp đỡ của các kế hoạch chiến lược.

 

Trường hợp Barcelona là một ví dụ giá trị. Được triển khai vào năm 1988, kế hoạch Chiến lược kinh tế và xã hội Barcelona 2000 đã đem những tổ chức công và tư nhân đến với nhau, cùng chia sẻ tầm nhìn và kế hoạch hành động để chuyển đổi thành phố. Chính quyền thành phố Barcelona và 10 cơ quan khác (bao gồm phòng thương mại, trường đại học, cảng và công đoàn) cùng rà soát lại kế hoạch 3 điểm chính: kết nối Barcelona với hệ thống các thành phố Châu Âu khác bằng cách tăng cường giao tiếp và nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Barcelona và tăng tính cạnh tranh các thành phần công nghiệp và dịch vụ, trong khi khuyến khích các thành phần kinh tế hứa hẹn mới.

 

Một trong những nền tảng của kế hoạch Barcelona 2000 diễn ra vào năm 1992, khi thành phố đăng cai tổ chức Thế vận hội Olympics. Đăng cai Thế vận hội cho phép Barcelona tự “quốc tế hóa”; tài sản và tầm nhìn của thành phố được thể hiện trước toàn thế giới. Trong trường hợp của Barcelona, ​​tổ chức một sự kiện đẳng cấp thế giới là rất quan trọng trên hai khía cạnh: nâng cao hồ sơ thành phố trong con mắt của thế giới và tạo động lực bên trong thành phố để hoàn thành quá trình chuyển đổi đô thị (Borja và Castells 1997). Thể thao, dường như, giờ đây đã nắm vai trò quan trọng trong quá trình tái sinh đô thị (Taylor và cộng sự 1996).

 

Suy nghĩ phản biện

 

Có phải các sự kiện thể thao thật sự dẫn dắt thế hệ đô thị mới? Ai được lợi từ Olympics London 2012? Nhà đầu tư? Chính phủ hay các đảng đối lập? Những cộng đồng bị tước đoạt ở Đông London thì sao? Loại hình có giá trị phát triển hạ tầng nào còn lại mà người dân có thể dùng tới sau khi Thế vận hội kết thúc?

 

Sử dụng khả năng mường tượng xã hội của bạn 2 – Thể thao toàn cầu – con đường đổi mới đô thị?

 

Jowell kể về cách các quỹ Olympic được hoàn trả: Tiền thu từ việc bán đất được dùng để bù lỗ xổ số. Một hiệp ước nhằm xua tan những lo ngại của các cơ quan nghệ thuật.

Andrew Culf

 

Các thành viên của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã bị ấn tượng bởi tầm quan trọng của tái tạo đô thị trong nỗ lực thành công của London tại Thế vận hội Olympic 2012. Kế hoạch cho năm 2012 tập trung vào tái tạo một diện tích đất 500 mẫu Anh (hơn 200 ha – ND) tại khu vực Stratford thuộc Đông London, một trong những vùng nghèo nhất Anh quốc. Tuy nhiên, mặc dù những người ủng hộ hy vọng rằng sự kiện thể thao toàn cầu sẽ là một chất xúc tác cho tái tạo đô thị, các nhà phê bình lo ngại về mặt tài chính của Thế vận hội hậu quả lâu dài của nó, vấn đề được thảo luận trong bài viết vào tháng 6 năm 2007 dưới đây.

 

Thế vận hội Olympic London 2012

 

Hôm nay [27.06.2007], chính phủ đưa ra những kết luận về cách thức mà công ty sổ xố quốc gia sẽ được thanh toán 675 triệu Bảng (Anh) bị thất thoát do gia tăng chi phí tại Olympics 2012.

Một biên bản ghi nhớ giữa Tessa Jowell, trưởng ban Olympics, và Ken Livingstone, thị trưởng London, sẽ giải thích cách thức tiền được bù lại từ việc bán đất xây dựng Sân vận động Olympic Park ở Stratford, đông London. Hợp đồng, đã thực hiện được 3 tháng, là một nỗ lực của chính phủ để chứng tỏ rằng xổ số với lý do chính đáng sẽ không bị thua thiệt như kết quả của bảng hóa đơn dự toán 9,3 tỉ Bảng dành cho Thế vận hội.

 

Các tổ chức nghệ thuật, di sản, thể thao và vận động từ thiện đã bày tỏ sự thất vọng với  gói tài trợ công Thế vận hội London 2012 bao gồm thêm khoản 675 triệu Bảng từ hoạt động xổ số năm 2009. Dự kiến, xổ số ​​sẽ đóng góp khoảng 1,5 t Bảng, nhưng con số này đã tăng lên 2,2 tỉ để bù đắp lỗ hỗng trong tính toán ban đầu của chính phủ.

 

Họ cảnh báo việc cắt giảm có thể có ảnh hưởng tàn phá trên lĩnh vực văn hoá cũng gây nguy hiểm cho mục đích tăng số lượng các cơ sở thể dục thể thao.

 

Theo các điều khoản của bản ghi nhớ - được lưu trong thư viện của Hạ viện – bà Jowell và ông Livingstone giải thích là khoản 675 triệu Bảng sẽ được thanh toán sau năm 2012 khi Cơ quan phát triển London (London Development Agency, LDA) thu hồi 650 Bảng đã chi trả để xây dựng Sân vận động Olympic Park.

 

LDA dự định sẽ bán 68 ha đất phát triển và tự tin giá đất tăng sẽ tự đem lại khoản lợi nhuận lớn. Việc bán đất sẽ tạo quỹ để trả lại cho sổ xố. Bản ghi nhớ có điều khoản là bước đầu tiên LDA thực hiện ngay khi có lợi nhuận là dành trả cho xổ số 506 triệu Bảng và 125 triệu cho LDA.

 

Ngay khi đạt được các điều khoản trên, bước thứ hai, xổ số sẽ nhận 169 triệu Bảng, trong khi LDA có 375 triệu. Điều này cũng có nghĩa khoản tiền xổ số được trả sẽ được giải ngân trước. Bản ghi nhớ ghi lại thỏa thuận giữa bà Jowell và ống Livingstone vào năm 2003 khi đạt được thống nhất về cách tiền sẽ được chia sẻ giữa người trả thuế cho Hội đồng thành phố London và công ty xổ số.

 

Phía đối lập, những người chỉ trích chính phủ đã chi phí vượt quá ngân sách dành cho Thế vận hội, được trông chờ sẽ phản ứng thiếu tin tưởng bản ghi nhớ. Họ mô tả bản ghi nhớ cũ là “quay về thời tính toán bằng máy tính bỏ túi” đặt ra trước khi London ghĩ rằng họ có thể thắng trong vụ này.

 

Tối qua, theo nguồn tin của Whitehall cho biết “Những lời hứa của Jowell vào tháng 3 đã được thị trưởng London chấp thuận. Điều này chỉ công bằng cho xổ số, đã ủng họ 625 triệu cho Thế vận hội, khi có được lợi nhuận và nhận được tiền của mình.”

 

(Nguồn: Guardian newspaper, 27.06.2007)

 

Vai trò của thị trưởng thành phố


Tương tự như các thành phố dường như nắm vị trí quan trọng mới trong hệ thống toàn cầu, vai trò của thị trưởng thành phố cũng đang thay đổi. Các thành phố lớn trên thế giới đang trở thành những diễn viên tương đối độc lập trong hệ thống toàn cầu và thị trưởng được bầu của các thành phố lớn có thể cung ứng sự lãnh đạo cá nhân có tính quan trọng trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự đô thị và nâng cao hồ sơ quốc tế của thành phố. Một tổ chức đặt tại thành phố London, City Mayors, hoạt động nhằm nâng cao vị thế quốc tế của thị trưởng, từ năm 2004, đã trao tặng danh hiệu Thị trưởng thế giới dựa trên kết quả của một cuộc thăm dò trực tuyến. Năm 2006, danh hiệu được trao cho John So - thị trưởng thành phố Melbourne, Úc và thị trưởng từ thành phố Makati ở Philippines, thị trưởng Dubrovnik tại Croatia và Antananarivo ở Madagascar nằm trong danh sách Top Ten, cho thấy sự lan tỏa toàn cầu về vai trò thị trưởng.

 

Trong một số trường hợp nổi bật mà thành phố đã chuyển đổi thành công hình ảnh của mình, vai trò của thị trưởng thành phố đã được khẳng định. Các thị trưởng của Lisbon và Barcelona, ví dụ, đã có những động lực thúc đẩy những nỗ lực để nâng cao vị thế các thành phố của họ nhằm đưa vào hàng ngũ các trung tâm đô thị lớn trên thế giới. Tương tự như vậy, thị trưởng ở các thành phố nhỏ hơn có thể nắm vai trò quan trọng trong việc khiến các thành phố được biết đến trên phạm vi quốc tế và trong việc thu hút đầu tư kinh tế mới. Tại Anh, các vấn đề của London đã được phân cấp cho một thị trưởng dân cử, Ken Livingstone, vào năm 2000. Ông đã đặt mục tiêu theo đuổi một chương trình chính sách đặc biệt, bao gồm đầu tư vào phương tiện công cộng, giới thiệu những khoản phí ở khu vực trung tâm đô thị và tăng giá trị chứng khoán của dự án nhà ở “dễ tiếp cận” dành cho những “nhân viên then chốt” như giáo viên, y tá. Livingstone cũng ủng hộ mạnh mẽ sự thành công của Thế vận hội Olympics London 2012. Tuy nhiên, vào năm 2008, Livingstone đã để mất danh hiệu bình chọn qua mạng này vào tay Boris Johnson, người đã thực hiện một kế hoạch phản đối mở rộng các khoản phí tương lai ở khu vực ngoại ô London. Nhiều ý kiến đã chỉ ra đó chính là nguyên nhân chính cho thành công của Johnson.

 

Tại Hoa Kỳ, thị trưởng thành phố đã trở thành một lực lượng kinh tế và chính trị mạnh mẽ trong những thập kỷ gần đây. Khi hiện tượng bạo lực liên quan đến súng đã tăng vọt trong những thành phố ở Mỹ, hơn 20 thị trưởng thành phố đã từ bỏ sự phụ thuộc vào những nỗ lực liên bang thông qua đạo luật kiểm soát súng và nộp đơn kiện chống lại các nhà sản xuất súng thay mặt cho các thành phố của họ. Cựu thị trưởng New York Rudolph Giuliani đã tạo ra một cơn bão tranh cãi nảy lửa – nhưng được tôn trọng miễn cưỡng từ nhiều phía – bằng cách thực hiện chính sách “pháp luật và trật tự” nhằm giảm tỷ lệ tội phạm. Tỷ lệ tội phạm ở NewYork giảm đáng kể trong những năm 1990, thực hiện nghiêm ngặt chính sách “chất lượng cuộc sống” nhằm vào người vô gia cư với mục đích chuyển đổi bộ mặt của đường phố New York tấp nập. Sau cuộc tấn công khủng bố vào ngày 11.09.2001, thuyết lãnh đạo của Giuliani thiết lập giọng điệu của phương tiện truyền thông trên thế giới và ông được tạp chí Time bình chọn là Người của năm.

 

Tại nhiều thành phố trên thế giới, thị trưởng thường thích thú với vai trò phát ngôn cho các thành phố và khu vực. Thị trưởng thành phố thường có thể định hình chương trình nghị sự chính sách cho các khu vực nằm ngoài ranh giới bằng cách tham gia thỏa thuận với các cộng đồng khác trong vùng đô thị chung. Các loại quan hệ đối tác có thể là trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, chẳng hạn, hay đấu thầu để là chủ nhà của một sự kiện tầm cỡ thế giới.

 

Kết luận: thành phố và chính quyền toàn cầu

 

Việc hợp tác giữa các thành phố không chỉ giới hạn ở cấp độ vùng. Đã có những ý kiến cho rằng thành phố có thể và nên đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội toàn cầu. Mạng lưới chính thức và phi chính thức các thành phố đang nổi lên như một lực lượng toàn cầu mới làm cho những vùng khác nhau trên thế giới trở nên gần gũi hơn. Những vấn đề mà những thành phố lớn nhất thế giới phải đối mặt không phải là vấn đề riêng của bất kỳ thành phố nào; chúng gắn kết với những nội dung của kinh tế quốc tế, di cư toàn cầu, xu hướng thương mại mới và sức mạnh của công nghệ thông tin.

 

Chúng tôi đã lưu ý ở bất kỳ nơi đâu mà sự phức tạp của thế giới đang thay đổi của chúng ta đang yêu cầu các hình thức mới của chính quyền dân chủ quốc tế. Mạng lưới các thành phố cần thể hiện nổi bật trong những cơ chế mới này. Một trong những cấu trúc đã tồn tại – Đại hội các thành phố thế giới và chính quyền địa phương (World Assembly of Cities and Local Authorities) được triệu tập song song với Hội nghị Môi trường sống của Liên Hợp Quốc (UN’s Habitat Conference). Các cơ quan như Đại hội Thế giới (World Assembly) hứa hẹn sẽ cho phép tích hợp dần dần của các tổ chức thành phố thành những cấu trúc hiện nay bao gồm các chính phủ quốc gia.


Sự tham gia cao của các thành phố có tiềm năng dân chủ hóa quan hệ quốc tế; cũng có thể làm cho hành động hiệu quả hơn. Cùng với dân số đô thị trên thế giới tiếp tục phát triển, chính sách, cải cách và nhiều mục tiêu khác sẽ nhắm đến nhóm dân cư thành thị. Chính quyền thành phố sẽ được đối tác cần thiết và quan trọng trong các quá trình này.

 

 

Tóm tắt các điểm chính của chương

 

  1. Phương pháp tiếp cận thời kỳ đầu của các xã hội học đô thị được giúp sức với công việc của trường Đại học Chicago, nới mà các thành viên nhìn nhận quá trình đô thị dưới góc nhìn mô hình sinh thái có nguồn gốc từ sinh học. Louis Wirth phát triển các khái niệm về đô thị như một cách sống, cho rằng cuộc sống thành phố là vô ngã và có khoảng cách xã hội. Các phương pháp đã được thử thách mà không bị bạc bỏ hoàn toàn.

 

  1. Công việc của David Harvey và Manuel Castells ở thời kỳ gần hơn (so với hiện tại) kết nối các thành phần của đô thị với xã hội hơn là coi tiến trình đô thị như một hoạt động chỉ bao gồm chính nó. Hình thái cuộc sống con người phát triển trong các thành phổ, ví dụ bề mặt vật lý của những khu dân cư, mở rộng chức năng phát triển của tư bản công nghiệp.

 

  1. Trong xã hội truyền thống, thiểu số dân cư sống ở khu vực đô thị. Trong các nước công nghiệp ngày này, con số nằm trong khoảng từ 60% đến 90%. Đô thị đang phát triển nhanh trong một thế giới cũng phát triển nhanh không kém.

 

  1. Việc mở rộng các khu vực ngoại ô và thị trấn ký túc xá đã đóng góp vào sự suy thoái khu vực trung tâm thành phố. Nhóm người giàu có xu hướng di chuyển ra khỏi trung tâm để sống trong các khu nhà ở thấp tầng và khu dân cư đồng nhất hơn. Một chu kỳ suy thoái được thiết lập theo cách này, các vùng ngoại ô càng mở rộng, những vấn đề nội thành phải đối mặt càng nghiêm trọng hơn. Tái chế đô thị - bao gồm cả tân trang các tòa nhà cũ để sử dụng mới - đã trở thành phổ biến ở nhiều thành phố lớn.

 

  1. Quá trình phát triển đô thị trên quy mô lớn đang diễn ra ở các nước đang phát triển. Thành phố trong các xã hội này có những đặc điểm lớn khác biệt với những đô thị phương Tây và thường bị chi phối bởi nhà tạm bất hợp pháp, nơi có điều kiện sống cực kỳ nghèo khổ. Các nền kinh tế chính thức được thực thi ở nhiều thành phố ở các nước đang phát triển. Các chính phủ thường không thể đáp ứng nhu cầu giáo dục, chăm sóc sức khỏe và kế hoạch gia đình ngày càng tăng của người dân.

 

  1. Thành phố đang bị ảnh hưởng mạnh bởi toàn cầu hóa. Các thành phố toàn cầu là các trung tâm đô thị, chẳng hạn như New York, London và Tokyo, nơi đặt các trụ sở chính của các tập đoàn và mở rộng các dịch vụ tài chính, công nghệ và tư vấn. Một tập hợp các thành phố vùng, chẳng hạn như Seoul, Moscow và Sao Paulo, cũng đang phát triển như các đầu mối quan trọng của nền kinh tế toàn cầu.

 

  1. Cùng với quá trình thành phố trở nên quan trọng hơn trong nền kinh tế toàn cầu, mối quan hệ với các vùng xung quanh cũng đang thay đổi. Thành phố dần mất liên kết vùng (bên trong ranh giới quốc gia) và quốc gia mà thiết lập những liên kết ngang hàng với những thành phố toàn cầu đang dần trở nên quan trọng khác. Thành phố toàn cầu mang đặc điểm bất bình đẳng ở cấp độ cao. Sự thịnh vượng rực rỡ song hành của nghèo đói nhưng lại liên hệ lẫn nhau ở cấp độ tối thiểu.

 

  1. Vai trò đại diện chính trị và kinh tế của thành phố đang gia tăng. Chính quyền thành phố được định vị để quản lý các tác động của một số vấn đề toàn cầu tốt hơn so với chính phủ quốc gia. Thành phố có thể đóng góp vào hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh, thúc đẩy hội nhập xã hội và văn hóa và là địa điểm truy cập của các hoạt động chính trị. Một số thành phố xây dựng kế hoạch chiến lược để thúc đẩy hồ sơ thành phố bằng cách đăng cai tổ chức một sự kiện tầm cỡ thế giới hoặc thực hiện các chương trình đổi mới đô thị và phát triển kinh tế. Thị trưởng thành phố đang trở thành lực lượng chính trị quan trọng đối với việc thúc đẩy chương trình nghị sự đô thị.

 

  1. Cùng với quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra, vai trò của thành phố trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế đang tăng lên mạnh mẽ. Mạng lưới các thành phố khu vực và quốc tế đang định hình và có thể trở nên tích cực hơn trong việc hình thành các hình thức của quản trị toàn cầu quản trị bao gồm cả các quốc gia nhà nước.

 

[*] Nội dung bài dịch trích từ “Chapter 6 – Cities and Urban life” thuộc “ Giddens, Anthony, Sociology 6th, 2009, Polity Press”

Các phần dẫn chú chương trong khung là dẫn chú về các chương trong tác phẩm. Vì tác phẩm lấy bối cảnh xã hội Anh quốc làm tham chiếu nên khi dùng các khái niệm liên quan đến “quốc gia”, tác giả muốn đề cập đến Anh quốc.

 

Đinh Lê Na
Số lần đọc: 5500
Ngày đăng: 15.06.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vụ phong tên lửa cho thấy chúng ta mù tịt về bắc Triều Tiên - Hiếu Tân
Nghĩ về thế cờ tàn của Bắc Triều Tiên - Hiếu Tân
Tổng thống và rượu - Huỳnh Văn Úc
Tổng thống suốt đời - Huỳnh Văn Úc
Khodorkovsky-Tỷ phú sau chấn song sắt - Huỳnh Văn Úc
Alexey Navalny - Huỳnh Văn Úc
Vẫn rẻ dù với bất cứ giá nào - Trần Ngọc Cư
Đối với Trung Quốc, Mỹ là nỗi ám ảnh duy nhất - Trần Ngọc Cư
Eric Schmidt tuyên bố: Đại trường thành lửa Trung Quốc sẽ sụp đổ - Trần Ngọc Cư
Tăng cường quan hệ mậu dịch tại châu Á - Trần Ngọc Cư