Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.318 tác phẩm
2.746 tác giả
515
115.869.801
 
Bông hồng Hildesheim hay Châu báu của ba nhà Vua
Nguyễn Hồng Nhung

 

GUILLAUME APOLLINAIRE:

 

 

                                                                   

( Tình cờ đọc lại huyền thoại nửa mơ nửa tỉnh này của G.Apollinaire trong ngày lễ Hiển Linh, ngày lễ nói về sự tích các nhà vua thế gian đến chúc mừng sự ra đời của Chúa. Chợt hiểu tại sao chất thần bí dân gian luôn luôn quyến rũ ta: đấy chính là phép màu của sự sống. Ai, hiểu như thế nào, sống thế nào-là cách thức sử dụng trọn vẹn phép màu ấy. Thế thôi. –Người dịch.)

 


 

 

Cuối thế kỷ trước gần vùng Hannover, ở Hildesheim có một thiếu nữ tên gọi Ilse. Mái tóc vàng của nàng óng ánh như thể ánh sáng của trăng. Ilse cao dong dỏng, thanh mảnh, khuôn mặt mịn màng thân thiện và luôn mỉm cười, giữa đôi vai đầy đặn là một mái đầu lượn sóng vui tươi, còn đôi mắt xám của nàng tuy không nổi bật, nhưng cực kỳ phù hợp với khuôn mặt nàng, đôi mắt linh động như thể hai cánh chim bay.

Nàng là một thiếu nữ mỏng manh kiều diễm. Nàng không thạo việc nội trợ, và như nhiều thiếu nữ người Đức, nàng khâu vá rất vụng về. Khi làm xong mọi việc nhà, nàng ngồi xuống bên chiếc dương cầm, và cất tiếng hát như một nàng tiên cá, hoặc đọc- lúc đó trông nàng như một nữ thi nhân

Khi nàng nói, tiếng Đức, thứ ngôn ngữ được mệnh danh là”tiếng của ngựa” bỗng ngọt ngào như tiếng Ý, mà người ta thường gọi là thứ ngôn ngữ của phụ nữ. Và vì nàng nói giọng vùng Hannover, nơi sz- người ta không uốn lưỡi như s-nên các từ nàng dùng vang lên mới dễ thương làm sao.

 

 

Cha của Ilse một thời sống ở Mỹ, ở đó ông cưới một cô gái người Anh, một năm sau ông trở về quê hương. Hildesheim là một trong những thành phố nhỏ đẹp nhất thế gian. Với những ngôi nhà mang những dáng hình độc đáo, sơn màu, những mái nhà vĩ đại, thành phố như từ một truyện cổ tích bước ra. Khách lữ hành nào có thể quên nổi quảng trường trước Tòa Thị Chính, nơi chất thơ mộng của nó tăng thêm thi vị ngọt ngào cho một thị trấn nhỏ?...

Ngôi nhà của cha mẹ Ilse, giống như mọi ngôi nhà khác ở Hildesheim, rất cao. Phần mái nhà dựng đứng như thể chồm về phía trước. Những cửa sổ không có cửa chớp mở ra phía ngoài: ngôi nhà có nhiều cửa sổ, phần tường rất ít. Người tat rang trí các cửa và sườn nhà bằng những bức tượng có khuôn mặt hiền lành hoặc xấu xí, dưới các bức tượng là những vần thơ hoặc những câu trích dẫn La tinh hoặc Đức cổ.

Xếp hàng cạnh nhau là BA THẦN ĐẠO ĐỨC, BỐN THẦN NHÂN ĐỨC, CÁC TỘI TRỌNG CHÍNH, BỐN NHÀ TRUYỀN GIÁO, CÁC TÔNG ĐỒ, GIÁM MỤC MARTIN với chiếc áo khoác trùm cho người ăn mày, THÁNH KATALIN trên bánh xe- và các con cò cùng các quốc huy. Tất cả các nhân vật được sơn màu xanh, đỏ, xanh non hoặc vàng. Các tầng nhà chìa ra ngoài đường với các bậc thang đảo. Ngôi nhà trông sặc sỡ và ngộ nghĩnh.

Ilsen đến ngôi nhà này từ bé và lớn lên tại đây. Khi nàng vừa mười tám tuổi, tin đồn về sắc đẹp của nàng bay khắp Hannover, thậm chí đến tận Berlin. Ai đã đến thăm thành phố tuyệt đẹp của Hildesheim, ngắm nhìn cây hoa hồng một nghìn tuổi và châu báu của Nhà Thờ, không thể bỏ qua cơ hội ngất ngây ngắm nàng thiếu nữ, người được mệnh danh là Bông Hồng Hildesheim.

Nhiều người ngỏ lời cầu hôn, nhưng Ilsen, với đôi mắt cụp xuống luôn trả lời cha nàng, đang nêu những thuận lợi hôn nhân từ kẻ cầu hôn cuối cùng, rằng nàng không muốn lấy chồng- nàng muốn tận hưởng tuổi thanh xuân. Và cha nàng trả lời:

-        Không đúng, con gái ta. Nhưng con hãy làm như con muốn.

Và ông không bao giờ nói về việc cầu hôn nữa.

Khi Ilse dạo chơi trở về, tất cả các bức tượng của ngôi nhà đều mỉm cười với nàng và chào đón nàng. NHỮNG TRỌNG TỘI đồng thanh thốt lên:

-        Hãy nhìn chúng tôi, Ilse. Chúng tôi là BẢY TRỌNG TỘI- đúng thế. Nhưng những người thợ nặn vẽ chúng tôi không phải những kẻ chua chát muốn miêu tả những tội lỗi chết người. Hãy nhìn chúng tôi mà xem. Chúng tôi là bảy tội lỗi được tha thứ, bảy kẻ phạm tội nhỏ nhoi. Chúng tôi không thử thực hiện đâu! Ngược lại thì có. Bởi vì chúng tôi xấu xí đến nhường này!

BA THẦN ĐẠO ĐỨC và BỐN THẦN NHÂN ĐỨC nắm lấy tay nhau, như thể muốn nhảy nhót quay vòng, và hát như sau:

-        Ringel, Ringel, Reihe. Chúng ta bảy người đại diện cho đức hạnh của nàng, Ilse. Hãy nhìn chúng ta, hãy cười với chúng ta! Chẳng ai trong chúng ta đẹp bằng nàng, Ilse! Ringel, Ringel, Reihe

 

Người anh họ của Ilse đang học ở Heidelberg, tên là Egon. Đấy là một chàng trai cao ráo, tóc vàng, vai rộng và mơ mộng. Hai người trẻ tuổi gặp nhau trong dịp nghỉ hè ở Drezda và phải lòng nhau. Trước bức họa của Rafael, bức Sixtus Madonna tuyệt tác, họ thổ lộ tình yêu với nhau. Những nét dịu hiền trên khuôn mặt thiên thần của Ilse cũng giống như của đức mẹ Madonna.

Egon ngỏ lời cầu hôn nàng thiếu nữ, nhưng tất nhiên cha nàng muốn trước tiên chàng hãy làm giàu và kiếm được một nghề nghiệp xứng đáng. Chàng trai quay lại Heidelberg, và nếu có chút thời gian rảnh nào còn sót bên cạnh việc học hành và các cuộc đọ sức ở Hirschgasse, chàng lang thang gần lâu đài, Góc Dạo Của Triết Gia, mơ màng nghĩ đến chuyện làm thế nào có được một gia tài để cầu hôn cô em họ?

Một chủ nhật tháng Giêng, Egon đến nhà thờ; linh mục nói về các nhà pháp sư phương Đông, về Ba Nhà Vua, những người đi tìm Chúa Giê su nhỏ trong máng cỏ. Ngài trích dẫn Tin MừngThánh Matthew, trong đó không hề nói lời nào đến những người đàn ông đức độ mang vàng, trầm hương và mộc dược đến cho Giê su.

Những ngày tiếp sau đó, mọi ý nghĩ của Egon chỉ quanh quẩn về các nhà pháp sư phương Đông; dù chàng theo đạo Tin lành, nhưng chàng hình dung họ như những nhân vật truyền thuyết Thiên chúa giáo, đấy là: Gaspard, Melchior và Balthasar. Trước đôi mắt tâm hồn của mình chàng thấy Ba Nhà Vua tiến vào, ở giữa là vua Saracen. Cả ba mang theo đầy vàng. Muộn hơn, chàng thấy họ trong trang phục của các nhà giả kim, khi họ có có thể hóa vàng tất cả những gì họ đụng tới.

Ảo ảnh thực hư lẫn lộn khi Egon vô cùng khao khát nghĩ đến vàng, thứ có thể giúp chàng lấy được cô em họ diễm lệ. Đến mức chàng không thiết ăn, uống, như thể chàng hóa thành một Mildas mới không cần chất sinh dưỡng nào, ngoài những thanh kim loại, mà các nhà chiêm tinh biến chúng thành vàng, những kẻ mà hài cốt họ được giữ gìn trong nhà thờ Kölni một cách kính cẩn.

Chàng miệt mài trong các thư viện, đọc tất cả những cuốn sách nói về Ba Nhà Vua: chàng đọc các tác phẩm của Beda đáng kính, những truyền thuyết cổ, và một số công trình của các tác giả hiện đại tranh cãi về tính chất tin cậy của Kinh Thánh.

Rồi vừa dạo chơi chàng vừa tư lự như sau:

-        Những châu báu vàng bạc này có giá trị không thể nào tin nổi! Duy nhất đến một tác giả cũng không nhắc đến chuyện chia chác, sử dụng, tiêu tán, cướp lấy hoặc nhặt được…

Và sau cùng, vào một buổi tối chàng tự thừa nhận mình thèm muốn vàng bạc của Ba Nhà Vua. Bởi vì nếu chàng tìm được, chẳng những chàng sẽ hạnh phúc cùng Ilse, mà chắc chắn tên tuổi chàng còn được vinh danh nữa.

Hành vi kỳ quặc của Egon chẳng mấy chốc khiến toàn bộ học sinh và các giáo sư ở Heidelbergi để ý tới. Những kẻ không học cùng chàng lập tức cho chàng là một thằng điên. Nhưng các thành viên của hội đồng học sinh bênh chàng, đến nỗi vấn đề của chàng trở thành tâm điểm tranh cái không hồi phân giải, cho đến tận ngày hôm nay bên bờ sông Neckar người ta vẫn còn nhắc đến.

Rồi những câu chuyện có liên quan đến Egon lan truyền khắp nơi. Một lần, khi chàng dạo chơi ở vùng ngoại ô thành phố, một kẻ bám theo chàng, và sau đó kể rằng, Egon đến gần một con bò và nói với nó như sau:

-        Ta đi tìm một thiên sứ. Bởi vì sự thỏa thuận chỉ có thế, ta đã nhìn họ không chớp! Và tôi gặp một con bò. Các thiên sứ, đúng thế, là những con bò có cánh. Nhưng mi hãy nói, hỡi con bò kia, kẻ đang thủng thỉnh gặm cỏ nơi đây…Có thể, trong sự ngu ngốc của mi, mi là một phần của khoa học về các loài vật, những kẻ thuộc về những trật tự thiên việt thượng đẳng nhất…Mi hãy nói, ở giống nòi mi không sót lại truyền thống về lễ Giáng sinh ư? Mi không tự hào, là một ông tổ của mi đã sưởi ấm bằng hơi thở những đứa trẻ trong máng cỏ ư? Và nếu đúng như vậy, ô! con vật cao quý kia, kẻ được tạo dựng từ hình ảnh của thiên sứ, biết đâu mi cũng biết vàng bạc của Ba Nhà Vua dấu ở đâu? Ta đi tìm châu báu, bởi tài sản thiêng này sẽ làm ta giàu có. Ô! bò ơi, kẻ đáng tin cậy nhất của ta, hãy trả lời đi!Ta đã gặng hỏi lũ lừa, nhưng chúng thuần túy chỉ là những con vật, chúng không được tạo dựng từ những bản sao của các thiên thể cao quý. Than ôi, những con vật tội nghiệp ấy chỉ có đúng một khả năng trả lời: hỗ trợ cho thứ tiếng Đức mắc mứ mà thôi.

 

Hoàng hôn đã buông xuống. Các ngọn đèn thắp lên trong các ngôi nhà xa xa, xóm làng quây quần rạng rỡ xung quanh. Con bò chầm chậm lắc đầu và rống lên một tiếng.

Ilse sống trong hy vọng và tin tưởng ở Hildesheim. Những lá thư nồng cháy tình yêu đến với nàng từ người anh họ. Chắc Egon, thiếu nữ và cha mẹ của nàng nghĩ, đang trên con đường đúng đắn nhất là gây dựng gia tài.

Mùa đông, tuyết rơi, những bông tuyết ấm tung bay trông tựa như những chiếc lông thiên nga. Tuyết phủ ngập những pho tượng nhỏ trang trí trên tường nhà : những pho tượng như thể đang run lẩy bẩy. Lễ giáng sinh, người ta hát, đi xung quanh những cây thông sáng đèn trang trí:

                     Đẹp nhất là cây Noel

                     đẹp nhất thế gian.

                Tất cả các cành đều nở hoa

                     cây thiêng, cây thiêng!

                Tất cả các cành đều nở hoa

                        nở hoa rực rỡ!

Một buổi sáng băng giá, khi những xe trượt tuyết bắt đầu lướt khắp nơi trong thành phố, một lá thư đến từ Drezda, từ cha mẹ của Egon. Cha của Ilse chưa tìm ra cặp kính lão, nàng thiếu nữ đã đọc to lá thư. Một tin buồn bã và ngắn ngủi. Egon, cha chàng viết, phát điên vì yêu. Mọi giá chàng muốn kiếm cho được vàng bạc của Ba Nhà Vua, và  gần đây nhất chàng đã điên rồ tới mức bị tống vào nhà thương điên. Trong cơn giãy giụa điên rồ chàng vẫn không ngừng nhắc đến tên cô em họ.

Ilse chẳng mấy chốc suy sụp hoàn toàn sau lá thư nhận được. Khuôn mặt nàng thất thần, đôi môi tái nhợt, đôi mắt ngày càng long lanh hơn. Nàng bỏ bễ tất cả mọi công việc nhà và công việc khâu vá. Suốt ngày nàng ngồi bên đàn dương cầm hoặc ngồi mơ màng. Giữa tháng Hai nàng lâm bệnh.

Đúng lúc đó, một tin dữ đến với dân chúng Hildesheim. Cây hoa hồng một nghìn tuổi, kẻ làm chứng tuyệt vời cho sự thành lập của thành phố bắt đầu khô héo trong nghĩa địa khóa kín sau nhà thờ. Dân chúng đều buồn héo hon vì tin  này.

Người ta đi tìm những thợ vườn khéo tay nhất, nhưng họ đều lắc đầu không làm cây hoa hồng sống lại nổi. Sau cùng có một người thợ làm vườn đến từ Hannover thử thí nghiệm một loại thuốc mới với toàn bộ học thức và trí tuệ của mình. Cho đến một sáng tháng Năm, cả Hildesheim bừng tỉnh vì niềm vui! Mọi người chào hỏi nhau rộn rã trên đường phố:

-        Cây hoa hồng một nghìn tuổi sống lại rồi! nhà bác học Hannover đã trả lại sự sống cho cây bằng máu bò!

 

Cũng trong sáng tháng Năm ấy, cha mẹ của Ilsen khóc nức nở bên quan tài nàng trinh nữ. Ilse đã chết trong nỗi đau buồn của tình yêu. Khi người ta khiêng chiếc quan tài phủ khăn trắng ra khỏi nhà, những bức tượng người nhỏ bé sặc sỡ phủ đầy tuyết, run rẩy bên những sườn nhà tựa hồ cũng đang nức nở khóc:

-        Ringel, Ringel, Reihe. Chúa phù hộ nàng, Ilsen, Chúa vĩnh viễn ở bên nàng! Chúa phù hộ các ngươi, những tội lỗi đức hạnh và những đức hạnh chân chính của các ngươi- các ngươi không đẹp như nàng, Ilse. Chúa phù hộ nàng, Chúa vĩnh viễn ở bên nàng.

Đội quân nhạc đi trước đám tang. Họ thổi kèn và gõ trống, nét nhạc êm dịu và buồn bã vang lên. Những người đàn bà thương cảm cúi đầu,  nói:

-        Cây hoa hồng truyền thuyết đã phục sinh- nhưng Bông hồng Hildesheim đã chôn cất.

 

                          Nguyễn Hồng Nhung dịch từ bản tiếng Hung

                                        (Bp- Lễ Hiển Linh 2014. január 5.)

 

 

Nguyễn Hồng Nhung
Số lần đọc: 2414
Ngày đăng: 24.01.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Khâu miệng - Trần Văn Bạn
Cánh cửa Boocđô - Hoàng Mai
Quá khứ dưới lớp tuyết mùa Giáng Sinh - Elena Pucillo Truong
Một cái Tết khó quên ! - Trạch An – Trần Hữu Hội.
Đau đáu Hoàng Sa - Phan Trang Hy
Bên bãi đời quạnh hiu - Thiện Phạm
Kẻ không an nghỉ ngàn thu - Vũ Anh Tuấn
Chuyện trồng rừng - Khaly Chàm
Tiếng hát đêm Noel. - Trạch An – Trần Hữu Hội.
Tiếng cười trên facebook - Phan Trang Hy
Cùng một tác giả
Chim sẻ (truyện ngắn)
Thời gian (tạp văn)
Tuyết rơi (truyện ngắn)
Tách… (thơ)
Đêm nhạc jazz (truyện ngắn)
Vô danh (thơ)
Mùa thu chết (truyện ngắn)
Nhát đâm cuối cùng (truyện ngắn)
Bi hài biên tập (truyện ngắn)
Tang (thơ)
Buốt. (thơ)
Bóng (thơ)
Anh (thơ)
Đợi (thơ)
Szepes Maria (chân dung)
Mùa (thơ)
Tự do (thơ)
Xanh xao (thơ)
Câu chuyện tháng Hai (truyện ngắn)
Mưa Đêm (tạp văn)
Tình yêu (truyện ngắn)
Rát (thơ)
(truyện ngắn)
Jesse (truyện ngắn)
Sài gòn và em (tạp văn)
Năm Đổi Mới Đã Đến (nhìn ra thế giới)
Sống (tạp văn)
Ba Nguồn (triết học)
Jesse-3 (tạp văn)
Noel (thơ)
Arlequin – Anh Hề (triết học)
Ngôn Từ (tạp văn)
Các Hình Ảnh Cổ (triết học)
Phục Sinh (tạp văn)
Người Đàn Bà (triết học)
Cổ Tích Da Đỏ (triết học)
Chữ Tháng Sáu (tạp văn)
Thuật luyện vàng (triết học)
TẢ TƠI (truyện ngắn)
Sekina (tiểu luận)
Trở về nhà (tạp văn)
Cái gương (tiểu luận)
Sự nô lệ (truyện ngắn)
Có thể lắm (truyện ngắn)
Sống (tiểu luận)
Giữa (tạp văn)
Tuổi thu (tạp văn)
Bí ẩn đời sống (truyện ngắn)
Hạ ký (tạp văn)
Sáu mươi (tạp văn)
(ký)
Có đường đi lên (tiểu luận)
Có lẽ (thơ)
Về bản chất (tiểu luận)
Chị của Bố (truyện ngắn)
Lớp học Tiếng (truyện ngắn)
Mi và thượng đế (tiểu luận)
Tử vi Ai Cập (nghệ thuật)
Quê nhà (truyện ngắn)
Hưu (thơ)
Chết (thơ)
Bảy năm (truyện ngắn)
Cây táo vàng (truyện ngắn)
Quả bong bóng lợn (truyện ngắn)
Từ duy nhất (truyện ngắn)
Thu (thơ)
Kẻ giết mẹ (truyện ngắn)
Tặng (thơ)
Cây mận (truyện ngắn)
Cổ tích (truyện ngắn)