Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.313 tác phẩm
2.745 tác giả
482
115.866.346
 
Hạ ký
Nguyễn Hồng Nhung

                                    

Quay lại châu Âu, ngạc nhiên thấy những thảm cỏ xanh biến mất, thay vào đó là những bãi đất cằn trơ thùi lụi những gốc cỏ cháy xém, dưới gốc cây lá vàng cong queo chất thành từng đống…

 Ơ hay nhỉ, đã đến mùa thu đâu?

Bọn bạn Hung bảo: những ngày mày về VN, ở đây nóng hơn 40 độ C. Ở nước mày cũng thế à?

Không – Tôi trả lời- Mưa chứ, lúc nào cũng mưa, chỉ mưa là mưa….

Đêm chợt tỉnh giấc vì tiếng mưa ầm ầm, mưa Việt nam – như trăm nghìn âm thanh khác- được khuếch âm hết cỡ bởi sự cản trở của trăm nghìn loại đồ vật khác nhau - ví dụ từ một miếng tôn trên mái nhà trở đi…

Hay mưa nhiệt đới không biết rơi nhỏ nhỉ?

Cười rúc rích một mình  nhớ đến ngày xửa ngày xưa, thời con gái (mê man) một bài thơ của Pautopxki trong Bông Hồng Vàng:

„ Hãy hái đi hoa trên những nhành sa xuống đất

khi mưa rơi lặng lẽ trên đồng,

và chân trời nơi chiều thu cháy đỏ

những chiếc lá vàng tan tác bay đi….”

Ở Việt nam đừng  có nói đến khái niệm”rơi lặng lẽ”- bất kỳ cái gì! nhất là mưa! Hihihihi…

 

Mưa ào ào, những hạt mưa to tướng, hả hê gào lên cùng gió táp loạn xạ tứ phía, có thể kéo dài từ sáng đến tối, qua đêm luôn, rồi... tiếp ngày nọ qua ngày kia luôn. Mưa ở Việt nam làm người ta …oải (chà! từ này mới tuyệt chứ- được nghe nhiều nhất trong những ngày mưa!)

Tại sao lại oải? Vì không thể đi đâu! vì còn nhiều sự rắc rối khác…

Ví dụ: phải lội nước.

Người Hà Lội thì cần phải nội lước khi mưa chứ!

Biết chưa?

Ở nơi này phố cũng thành sông!”- ra đường nghe câu hát lúc đang bì bõm mà…nẫu.

„Đang lẫu cả ruột đây!” bà bán cháo sườn cuối phố quát tháo chó mèo gì đó khi tôi phất phơ áo mưa đi ngang qua. Mưa làm gánh cháo sườn, cháo trai chiều nóng hổi, thơm phức ngon tuyệt của bà phải nằm lại trong nhà, cái gánh cháo này bày biện nhiêu khê lắm, không thể „tác chiến” một mình như bà bán xôi đầu ngõ, mưa, kệ, sáng sáng cái thúng xôi ủ kín mít vẫn gếch vào hốc một gốc bàng,  tay bà đơm lấy đơm để, người ăn đứng quây kín xung quanh lom khom, lùm khum áo mưa mũ bảo hiểm.

Ôi, tả đến đây mà…nhớ rỏ dãi cái mùi xôi, mùi cháo sườn thơm phưng phức!

 

Về Việt nam có một điều tuyệt diệu trên mọi điều tuyệt diệu:  cái gì cũng là đồ TƯƠI, SỐNG- khác hẳn lúc phải ra chợ giời quốc tế đông Âu mua đồ đông lạnh!

hehehehehehe….

ĐỒ TƯƠI, SỐNG ấy là cái gì vậy?

Là tuốt tuột những cái gì nằm trong từ này đấy bạn: MẸ ĐẺ.

Thật! không tin sao? ngẫm mà xem.

Ngọ nguậy trong cái phạm trù MẸ ĐẺ khiến người ta hân hoan thoải mái( như ở trong nhà của mình!), đầu óc ung dung ( nói không cần chia đuôi động từ!) đi đâu cũng gặp người quen ( bạn cũ không rủ cũng tới!) ăn gì cũng thấy ngon (miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời), và…còn nhiều nữa.

 

Sáng, được rủ ra công viên hội ngộ những người về HƯU (hạnh phúc nhất hành tinh)- đúng thế, chỉ ở VN mới gặp những người về hưu khỏe trẻ đẹp hùng dũng  đến thế ngay từ đầu ngày.

Lần này (so với lần trước) phải đi vòng xa hơn ( cổng khác) để vào công viên.

Vì sao thế?

Vì cổng này không thu tiền(!)

Vì phải đi vòng nên tha hồ mà ngắm…rác.

Tuyệt nhất là ai nấy cứ thản nhiên…hoạt động bên rác. Đã sao nào?

Cái thềm trước mấy bậc tam cấp dẫn xuống hồ giờ vẫn như một cái sân (hợp tác) rộng rãi,  khi tôi đi ngang, đúng lúc một lớp khiêu vũ (hưu) đang …thử sức. Những váy lướt rườm rà, những lưng áo bỏ trong quần thẳng tắp, những tay khuỳnh  giang ngang, những tiếng cười rúc rích, những nét mặt nét mũi tươi tỉnh xinh đẹp…

Tôi ( cứ gọi là) tròn xoe mắt nhìn không chớp, lòng vô cùng ( ái ngại -nể phục) khi thấy đám „vũ công” hân hoan này vô cùng khéo léo…rẽ rác: tiến, lùi, sang trái, sang phải theo tiếng hô của thày dạy…

Chẳng hề ai bị ngã cái nào. …

Thật: không bút nào tả xiết!

Nhưng thôi…đừng có Điêu: nhìn xa xa cũng thấy một cô lao công với chiếc xe đẩy đang lúi húi quét, xúc…

Thêm dăm bước, mắt tròn mắt dẹt phát hiện ra một cây đa đẹp tuyệt vời, thân rất to, chẻ ra thành nhiều nhánh thân khác, làm thành những cái vòm vô cùng um tùm, đẹp đẽ, cứ như một vòm trời riêng toàn bằng lá, nhưng…chính giữa cái gốc đa (huyền thoại) người ta dựng một cái quán dài xấu xí quét vôi trắng rõ vô duyên. Trong quán cơ man nào là người đang ăn ăn uống uống, nói nói cười cười tưng bừng( cứ như thể ở nhà không được ăn ý!)

Cứ hỏi rác ở đâu ra?

 

Trở về nhà, nhận ra Hà nội bây giờ rất nhiều cầu vượt, nên giao thông quả thật cũng đỡ ùn, đỡ  tắc.

 Đèn đường vừa xanh, một cô nàng từ đâu vọt tới tạt ngang ngay trước mũi xe máy em gái tôi. Đang phải chống chân (đỡ) cả xe lẫn bà chị (nặng trình trịch) chưa kịp…cất cánh, cô em gái tôi bực quá, nguýt theo mỗi cái rõ dài rồi…hét:

  • Ơ! giỏi nhỉ? Bỗng – nhiên- muốn - rẽ!

Ở Việt nam ai mà chả biết cái phim truyền hình (vô số tập) có nhan đề: Bỗng nhiên muốn khóc (trừ tôi)? Thảo nào có mỗi một mình tôi lăn ra cười.

Có một lần, cả tuần, vì một công việc gì đấy, cứ 7 giờ tối tôi mới về nhà. Vì mệt cả ngày nên tôi quyết định đi xe ôm. Tôi đến góc đường, nơi lố nhố vài ba cái đầu cạnh vài ba cái xe máy dưới bóng cây. Tôi hỏi một thanh niên có dáng người đậm, cậu ta trả lời nhát gừng, ngã giá xong, cậu ta chở tôi đi. Suốt dọc đường cậu ta không hề nói câu nào, chở tôi đến nơi, nhận tiền xong là cậu ta biến mất. Gần cả tuần, tôi đến chỗ cậu thanh niên và cậu ta chở tôi đi.

Đến một hôm, tôi đến góc đường không thấy cậu ta đâu, tôi định bỏ đi thì một người đàn ông phóng xe máy tới. Nhìn thấy cái mũ bảo hiểm gài bên tay lái tôi biết đấy cũng là một tay xe ôm, chúng tôi trả giá, nhưng tôi không đi, kêu đắt. Kỳ kèo một hồi, ông ta đồng ý chở tôi đi như giá tôi hay trả cho cậu thanh niên.

Nhưng…quái gở, vừa bắt đầu phóng xe đi ông ta bắt đầu… đay nghiến:

  • Ối giời ơi, tưởng ai chở đi, hóa ra thằng nghiện. Cả phố này ai chả biết nó là thằng nghiện
  • Đâu, tôi thấy anh ta chả nói năng gì, đi rất cẩn thận.
  • Ối giời ơi, vì nó chưa lên cơn đói, biết chưa? Thử đúng lúc nó lên cơn đói thuốc xem, ối giời ơi là giời ơi…

Cứ thế, ông ta đay nghiến, chì chiết, từ việc nọ xọ sang việc kia, người đi đường, kẻ dừng xe máy đợi đèn đỏ đều quay sang nhìn chúng tôi, chắc họ nghĩ: con mẹ ngu dại này đang bị thằng chồng nó choảng cho một bài đây, đáng kiếp!- tôi nghĩ thế, bèn phì cười bảo:

  • Này, ông nói nữa là tôi xuống đấy
  • Thôi thôi bà ơi bà ngồi yên, tôi chở bà đi cho nhanh tôi còn nhiều việc…
  • Việc gì?
  • Làm mấy cuốc nữa chứ làm gì? Mà đến đoạn kia tắc đường là bà phải trả thêm tôi 10 nghìn nữa.
  • Ơ hay cái ông này, tôi có làm tắc đường đâu mà tôi phải trả thêm?
  • Nhưng tắc đường về muộn tôi không làm thêm được mấy cuốc nữa…
  • Thôi, thế thì ông dừng lại đi, tôi xuống, rồi ông muốn đi đâu thì đi làm gì thì làm, chứ lại cứ mắng người ta xa xả như thế bao giờ…-tôi bảo.

Thật…quái gở… ông xe ôm im, phóng tiếp, rồi tự dưng bật cười:

  • Cái cô này hay! Này thế tuổi gì mà hiền thế?

Tôi cũng phì cười. Thật đúng là: đồ TƯƠI, SỐNG-tiếng MẸ ĐẺ ơi.

Tôi trả lời:

  • Tuổi Rắn. Thế còn ông?
  • A, thế là em rồi, anh tuổi Thìn em ạ. Nói thật nhá: anh đi bộ đội về đấy chứ, trước vào Nam ra Bắc mãi, làm đủ nghề rồi…

Nói đến đây thì xe phải dừng lại, vì đã đến nhà tôi. Ông xe ôm ( quái gở) nhét tiền tôi trả vào túi, cười tươi roi rói:

  • Thế bận sau lại đi xe anh nhá.

Ông ta phóng xe đi, tôi quay về, chả hiểu cái gì ra cái gì, chỉ thấy…vô cùng buồn cười, tiếng Việt ơi là tiếng Việt, quê nhà ơi là quê nhà…

 

Lúc khác, tôi sẽ viết tiếp nhé, bạn đọc?

                                                                   

   ( Budapest. 2013. augusztus 29.)

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Hồng Nhung
Số lần đọc: 2463
Ngày đăng: 03.09.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hamvas Béla (trích: Hyperio Hungary) - Nguyễn Hồng Nhung
Nguyễn Hòa của VCV - Nguyễn Hồng Nhung
“Hôm nay Tôi đi học” - Hoàng Xuân Sơn
Nhớ mùa dâu Hạ Châu - Nguyễn An Bình
Nguyễn Hòa VCV - Khuất Đẩu
Tản mạn về giọt nước - Đinh Lê Na
Thầm thì mây - gió 3. - Nguyễn Hồng Nhung
Còn có một nhà thơ, họa sĩ trong Nhất Linh - Nguyễn An Bình
Tiếu đàm về chuyện ‘nude để thiền” - Nguyễn Nguyên Phượng
Tuổi thu - Nguyễn Hồng Nhung
Cùng một tác giả
Chim sẻ (truyện ngắn)
Thời gian (tạp văn)
Tuyết rơi (truyện ngắn)
Tách… (thơ)
Đêm nhạc jazz (truyện ngắn)
Vô danh (thơ)
Mùa thu chết (truyện ngắn)
Nhát đâm cuối cùng (truyện ngắn)
Bi hài biên tập (truyện ngắn)
Tang (thơ)
Buốt. (thơ)
Bóng (thơ)
Anh (thơ)
Đợi (thơ)
Szepes Maria (chân dung)
Mùa (thơ)
Tự do (thơ)
Xanh xao (thơ)
Câu chuyện tháng Hai (truyện ngắn)
Mưa Đêm (tạp văn)
Tình yêu (truyện ngắn)
Rát (thơ)
(truyện ngắn)
Jesse (truyện ngắn)
Sài gòn và em (tạp văn)
Năm Đổi Mới Đã Đến (nhìn ra thế giới)
Sống (tạp văn)
Ba Nguồn (triết học)
Jesse-3 (tạp văn)
Noel (thơ)
Arlequin – Anh Hề (triết học)
Ngôn Từ (tạp văn)
Các Hình Ảnh Cổ (triết học)
Phục Sinh (tạp văn)
Người Đàn Bà (triết học)
Cổ Tích Da Đỏ (triết học)
Chữ Tháng Sáu (tạp văn)
Thuật luyện vàng (triết học)
TẢ TƠI (truyện ngắn)
Sekina (tiểu luận)
Trở về nhà (tạp văn)
Cái gương (tiểu luận)
Sự nô lệ (truyện ngắn)
Có thể lắm (truyện ngắn)
Sống (tiểu luận)
Giữa (tạp văn)
Tuổi thu (tạp văn)
Bí ẩn đời sống (truyện ngắn)
Hạ ký (tạp văn)
Sáu mươi (tạp văn)
(ký)
Có đường đi lên (tiểu luận)
Có lẽ (thơ)
Về bản chất (tiểu luận)
Chị của Bố (truyện ngắn)
Lớp học Tiếng (truyện ngắn)
Mi và thượng đế (tiểu luận)
Tử vi Ai Cập (nghệ thuật)
Quê nhà (truyện ngắn)
Hưu (thơ)
Chết (thơ)
Bảy năm (truyện ngắn)
Cây táo vàng (truyện ngắn)
Quả bong bóng lợn (truyện ngắn)
Từ duy nhất (truyện ngắn)
Thu (thơ)
Kẻ giết mẹ (truyện ngắn)
Tặng (thơ)
Cây mận (truyện ngắn)
Cổ tích (truyện ngắn)