Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.313 tác phẩm
2.745 tác giả
464
115.866.748
 
Tôi dịch Csáth Géza
Nguyễn Hồng Nhung

Nguyễn Hồng Nhung là người dịch và giới thiệu văn học Hungary vào Việt Nam liên tục và thường xuyên nhất.Chị cọng tác và giới thiệu các tác giả văn học Hungary cho VCV.

 

Đầu năm 2009, nhà xuất bản Thanh niên cho ra đời ấn phẩm : Tuyển tập truyện ngắn của Csáth Géza- nhà văn tâm linh kỳ lạ nhất của Hungary. Là người dịch, tôi muốn viết lại những suy nghĩ của tôi, trong quá trình dịch cuốn sách này.

 

Tôi đã chọn ra 20 truyện có thể gọi là tiêu biểu trong các tập truyện ngắn của Csáth Géza. Đấy là những truyện ngắn nổi tiếng, luôn luôn được giới phê bình văn học Hungary nhắc đến, trước kia, cũng như ngày nay, ví dụ : "Cái chết của chàng phù thủy" "Cái lò sưởi ,"Nàng Eszti tóc đỏ", "Thuốc phiện", và đặc biệt, một đỉnh cao sáng tác của nhà văn vẫn được mệnh danh là thiên tài bẩm sinh này, truyện ngắn "Kẻ giết mẹ".

 

Khi còn là sinh viên trường đại học Tổng hợp Budapest – khoa Ngữ Văn – tôi nhớ Csáth Géza là một trong những nhà văn "khó nhá" nhất đối với các sinh viên ngoại quốc. Chúng tôi đọc, nghe giảng, và… chả hiểu gì, cho dù ông giáo hết sức kiên nhẫn, dùng những giảng giải sáng sủa nhất để giúp đỡ , dù nhờ tính chăm chỉ truyền thống của sinh viên Việt nam, chúng tôi cặm cụi đọc hết tác phẩm bắt buộc của Csáth, vẫn chỉ hiểu lơ mơ, nắm được ý nghĩa một cách lơ mơ, đủ để hoàn thành bài thi về nhà văn.

 

Hồi đó, tôi khó tưởng tượng nổi, có một ngày mình sẽ dịch truyện ngắn của Csáth Géza ra tiếng tiếng mẹ đẻ. Nhưng, sau này đọc lại và hiểu Csáth kỹ càng hơn, tôi biết, không thể không dịch.

 

Csáth Géza, sinh năm 1887, mất năm 1919, ở tuổi 32, tương tự như nhà thơ vô sản nổi tiếng của Hungary – rất quen thuộc với bạn đọc Việt nam – Jozsef Attila.

 

Quê hương của ông Szabadka (Délvidék) trước Thế chiến II, là một trong những trung tâm kinh tế, và văn hóa phát triển nhất của Hungary, là nơi sinh ra nhiều nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ, các nhà trí thức, nhà văn hóa lỗi lạc nhất của đất nước. Phần đất này sau này bị sát nhập vào Rumani. Ông sinh ra trong một gia đình khá giả, cha là luật sư, mẹ ông mất sớm.

 

Csáth Géza đến với nghệ thuật và văn học rất sớm, mười bốn tuổi,ông đã viết phê bình âm nhạc rất thành công cho báo chí, truyện ngắn "Cái lò sưởi" (1908) vừa ra đời đã được đón nhận nồng nhiệt. Dù sau này Csáth Géza trở thành thày thuốc chuyên khoa thần kinh, nhưng ông vẫn tiếp tục sáng tác, và trở thành một trong những nhà văn nổi tiếng nhất thời bấy giờ.

 

Các tác phẩm chính của ông :

Tập truyện ngắn : Khu vườn của lão phù thủy (1908)

Giấc mộng ban chiều (1911)

Các nhạc công (1913)

Tác phẩm được coi như có giá trị nhất của Csáth Géza : Nhật ký của một người đàn bà mắc bệnh thần kinh (1913).

Tác phẩm này cùng truyện ngắn nổi tiếng" Thuốc phiện" sau này được dựng thành bộ phim "Opium" đã đoạt 4 giải thưởng liền trong liên hoan phim Hungary tại Budapest, năm 2007.

 

Tác phẩm của Csáth Géza ra đời cách đây hơn một trăm năm, nhưng văn phong và đề tài tác phẩm vẫn cực kỳ hiện đại, truyện ngắn của ông luôn luôn tiềm tàng những bí ẩn chưa hề khai thác hết, luôn luôn mới từ nhiều góc độ khám phá.

 

Tại sao vậy ?

Không phải ngẫu nhiên, không chỉ ở Hungary, mà ở châu Âu, Csáth Géza được mệnh danh là nhà văn kỳ lạ nhất của thế kỷ 20.

 

Không chỉ vì người ta bàn cãi mãi không thôi, có phải Csáth Géza, hiện thân như một nạn nhân trung thành của Nàng tiên nâu- thuốc phiện- nên tác phẩm của ông có một cái gì đấy, khó gọi là bình thường, luôn thách đố người đọc phải động não suy nghĩ ?

 

Không chỉ vì người ta cho rằng, ông là một thày thuốc chuyên về thần kinh, nên bị ảnh hưởng nhiều của môn Phân tâm học của Singmund Freud.

Thực ra, đọc kỹ và hòa nhập vào được thế giới văn học của nhà văn, ta sẽ hiểu, chất kỳ lạ đó, nằm trong đặc tính tâm linh dầy dặn, bí hiểm, sâu thẳm, khêu gợi, và không kém phần trí tuệ, của văn phong Csáth Géza.

 

Đấy chính là thế giới tâm linh của tâm hồn con người.

Đúng thế, truyện ngắn của Csáth miêu tả những mảng hoạt động bên ngoài của đời sống con người, chính từ sự khai thác thế giới bên trong của các nhân vật.

 

Dường như các nhân vật của Csáth thường biểu hiện bản thân một cách lẫn lộn, lúc ở thế giới hiện tại, thế giới của người sống ( cõi dương) lúc lại ở thế giới khác không liên quan gì đến cái hiện tại (cõi âm) cùng một lúc.

 

Sự lẫn lộn này giải thích những bí ẩn sâu xa của tâm lý con người, bằng phong cách viết rất đặc thù của ngòi bút Csáth Geza : vừa dản dị, vừa lãng mạn, u sầu hoặc hóm hỉnh, đôi khi thảng thốt như một nét nhạc, lúc nhợt nhòa như một giấc mơ chợt tỉnh.

 

Trong truyện ngắn "Cái chết của chàng phù thủy" tác giả mô tả sự lẫn lộn biểu hiện này hết sức tự nhiên và hợp lý, người đọc ngỡ ngàng, đây chỉ là những ý nghĩ và cảm xúc của một người đang hấp hối, hay hiện thực đang diễn ra ?

 

Hoặc trong  :"Tôi đã gặp mẹ"- một bài thơ xuôi ngắn nhất của tập sách- chất tâm linh tưởng như hoang đường này, nằm trong tất cả những gì được gọi là tình cảm, đối với kỷ niệm về một người mẹ đã mất. Người đọc tưởng như cảm xúc này là của mình - nếu đã từng mất một người thân yêu- tưởng như mình cũng đang lang thang trong nghĩa địa cùng nhân vật, để tìm một góc tâm linh của tâm hồn mình, một góc tình yêu.

 

Chất tâm linh sâu đậm của tâm hồn con người, còn thể hiện ở sự hòa hợp với môi trường thiên nhiên, với một khắc thay đổi của thời tiết, với một chút biến hóa của ngày thường, hay một cơ hội sinh hoạt khác biệt trong chuỗi ngày sống đơn điệu, đều đặn của con người.

 

Đọc" Buổi tối" hay "Buổi dạ hội đêm hè" hoặc "Bản xô nát Bi thương", người đọc sẽ hiểu, vẻ đẹp mang chất Người nhất chính nằm ở sự hưởng thụ cái Đẹp của thiên nhiên, của nghệ thuật, của những gì mang tính hướng thiện luôn cổ vũ con người vươn tới.

 

Sau này, tôi hiểu tại sao thời đi học, Csáth Géza lại là nhà văn khó đọc đến thế, với những cô cậu sinh viên hai chục tuổi đầu.

 

Bởi muốn cảm nhận và hiểu được chất tâm linh trong linh hồn con người, cần phải có tri thức, phải có yếu tố trí tuệ. Chí ít phải tích lũy đựoc cảm xúc, thông qua những kinh nghiệm sống, thu thập trong quá trình làm người.

 

Tính chất tri thức như một yếu tố cần thiết trong sáng tạo, đã giữ cho văn phong của Csáth luôn luôn hiện đại và mới mẻ. Nhà văn cùng một lúc đồng thời là nhà phê bình âm nhạc nổi tiếng, là nghệ sĩ vĩ cầm có tên tuổi, và là họa sĩ, là bác sĩ. Nhà văn Hung kỳ lạ này là một nhà trí thức thực sự

 

Trong truyện ngắn của Csáth, bản năng tự nhiên của con người lúc đầu đời thường phản ánh trở lại , như một cơ sở để giải thích những ước mơ, hoài bão, hành động của họ sau này.

 

Khát một hình tượng thiếu nữ như nhân vật trong truyện "Nàng Eszti tóc đỏ", dường như là giấc mơ giới tính tất nhiên, của những thiếu niên mới lớn, cho dù khi biến thành hiện thực sống, chỉ trở thành một vết đau trong tiềm thức tâm linh.

 

Hay trong truyện ngắn nổi tiếng "Kẻ giết mẹ" , cùng với ý nghĩa xã hội sâu sắc về vấn đề : trẻ em thiếu tình yêu thương trong gia đình, sẽ trở thành những kẻ tàn ác như thế nào, còn những suy ngẫm khác, ví dụ như : bản năng con người không được uốn nắn, có thể mang lại những góc tâm linh tăm tối đến đâu. Trong truyện ngắn này, nổi bật lên vai trò văn hóa gia đình, như một yếu tố chủ đạo xây dựng nên nhân cách con người.

 

Dịch Csáth Géza, tôi nhận ra : chất tâm linh đặc thù tạo nên sự nổi tiếng trong tác phẩm của ông chính là cái Tôi của nhà văn, là cái cá nhân riêng biệt của Csáth, trong văn chương của Csáth, đó chính là hình thức tái tạo lại đời sống con ngừoi qua sự sáng tạo cá thể nhất, sự sáng tạo của riêng Csáth Geza.

 

Với những người cầm bút, thậm chí cả với những dịch giả, đây là một điều đáng lưu ý. Như một dịch giả, tôi cho rằng rất cần đưa cá tính sáng tạo của người dịch vào bản dịch. Tôi dịch Csáth Geza chắc chắn khác, với các bạn học thời sinh viên cùng tôi, nếu họ cũng dịch nhà văn này. Và đây cũng là một trong những tiêu chuẩn, để người đọc nhận ra giá trị dịch phẩm của các dịch giả khác nhau, trên cùng một bản dịch.

 

Một trong những điều may mắn của người dịch, là tìm được, bắt gặp được những tác phẩm,những tác giả phù hợp với nhu cầu văn học, nhu cầu thẩm mỹ cũng như có một cái gì đó đồng điệu với giọng văn của mình.

 

Trong tập truyện ngắn của Csáth Géza, tôi ưa thích dịch những câu truyện không có cốt truyện cụ thể, mà chỉ là những thoáng rung động rất sâu xa về bản chất cuộc sống, về giá trị thẩm mỹ của những xúc cảm con người kỳ lạ.

 

Khi dịch "Buổi dạ hội đêm hè" hoặc "Bản xô nát bi thương", – là lúc ngòi bút ưa thích viết tản văn, thơ xuôi của tôi có điều kiện trổ tài sáng tạo. Lúc đó, rất cần tìm ra những động từ, danh từ, tính từ, những từ tiếng Việt thật chính xác không chỉ về nghĩa, mà về cả giá trị văn học cao, và sự tìm tòi này mang đến niềm vui dịch thuật, không kém nỗi hân hoan so với niềm vui sáng tác văn chương.

 

Nhưng có lẽ, truyện ngắn khó dịch nhất, đối với tôi trong tập sách này, chính là truyện "Thuốc phiện" – bởi cốt truyện mơ hồ, cảm giác mông lung và nhiều màu sắc bâng quơ, ấn tượng đủ góc cạnh về cuộc sống, cần phải được truyền tải đầy đủ ra tiếng Việt, trong trạng thái lơ mơ mà kẻ nô lệ của Nàng tiên nâu đã cảm nhận. Chẳng có cách nào khác, người dịch phải đi tìm một cách sáng tạo riêng nào đấy, để diễn tả.

 

Như một nhà triết học tôi ưa thích đã viết : con người chỉ trở thành một chủ thể sáng tạo ra cái Tôi của mình, sau khi tiếp thu được văn hóa sinh ra anh ta, biết kết hợp với chính khả năng văn hóa của bản thân và tạo ra một cái mới khác, một cái Tôi hoàn toàn riêng biệt, để hòa đồng và phát triển tiếp văn hóa nhân loại.

 

Ở Csáth, cái Tôi riêng biệt ấy đánh dấu trình độ sáng tác thiên tài của nhà văn, tác phẩm của ông không lạc hậu trước thời gian, chính vì ông viết từ một góc độ của một cá nhân phát triển cao : có trí tuệ, có cảm xúc con người cao quý.

 

Tôi tin tưởng rằng nhà văn tâm linh kỳ lạ nhất của Hungary – Csáth Geza – sẽ được bạn đọc Việt nam tiếp nhận và yêu mến./.

 

Budapest 2009-01-26

Nguyễn Hồng Nhung
Số lần đọc: 3491
Ngày đăng: 24.04.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thời gian - Nguyễn Hồng Nhung
Về nhà Nguyên Hồng nghe gió Nhã Nam - Trung Việt
Chuyện văn chuyện đời - Trần Huy Thuận
Tháng tư ..nổi sóng !!! - Vũ Trà My
Mưa Pleiku - Tạp bút thơ - Vĩnh Phúc
Trăng 14 Hội An - Nguyễn Thị Hậu
Hai cái chết tạo nên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Đoàn Vị Thượng
Người nữ trong nhạc Trịnh Công Sơn - Khuất Đẩu
Phêrô và Giuđa - Nguyễn Hữu An
Câu Chuyện Dịch Thuật :Bao Giờ Có Những “Dịch Trường”? - Bùi Văn Nam Sơn
Cùng một tác giả
Chim sẻ (truyện ngắn)
Thời gian (tạp văn)
Tuyết rơi (truyện ngắn)
Tách… (thơ)
Đêm nhạc jazz (truyện ngắn)
Vô danh (thơ)
Mùa thu chết (truyện ngắn)
Nhát đâm cuối cùng (truyện ngắn)
Bi hài biên tập (truyện ngắn)
Tang (thơ)
Buốt. (thơ)
Bóng (thơ)
Anh (thơ)
Đợi (thơ)
Szepes Maria (chân dung)
Mùa (thơ)
Tự do (thơ)
Xanh xao (thơ)
Câu chuyện tháng Hai (truyện ngắn)
Mưa Đêm (tạp văn)
Tình yêu (truyện ngắn)
Rát (thơ)
(truyện ngắn)
Jesse (truyện ngắn)
Sài gòn và em (tạp văn)
Năm Đổi Mới Đã Đến (nhìn ra thế giới)
Sống (tạp văn)
Ba Nguồn (triết học)
Jesse-3 (tạp văn)
Noel (thơ)
Arlequin – Anh Hề (triết học)
Ngôn Từ (tạp văn)
Các Hình Ảnh Cổ (triết học)
Phục Sinh (tạp văn)
Người Đàn Bà (triết học)
Cổ Tích Da Đỏ (triết học)
Chữ Tháng Sáu (tạp văn)
Thuật luyện vàng (triết học)
TẢ TƠI (truyện ngắn)
Sekina (tiểu luận)
Trở về nhà (tạp văn)
Cái gương (tiểu luận)
Sự nô lệ (truyện ngắn)
Có thể lắm (truyện ngắn)
Sống (tiểu luận)
Giữa (tạp văn)
Tuổi thu (tạp văn)
Bí ẩn đời sống (truyện ngắn)
Hạ ký (tạp văn)
Sáu mươi (tạp văn)
(ký)
Có đường đi lên (tiểu luận)
Có lẽ (thơ)
Về bản chất (tiểu luận)
Chị của Bố (truyện ngắn)
Lớp học Tiếng (truyện ngắn)
Mi và thượng đế (tiểu luận)
Tử vi Ai Cập (nghệ thuật)
Quê nhà (truyện ngắn)
Hưu (thơ)
Chết (thơ)
Bảy năm (truyện ngắn)
Cây táo vàng (truyện ngắn)
Quả bong bóng lợn (truyện ngắn)
Từ duy nhất (truyện ngắn)
Thu (thơ)
Kẻ giết mẹ (truyện ngắn)
Tặng (thơ)
Cây mận (truyện ngắn)
Cổ tích (truyện ngắn)