Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.312 tác phẩm
2.745 tác giả
349
115.863.499
 
Lời tỏ tình đầu tiên
Nguyễn Hồng Nhung

T. ngồi sau cô, bàn thứ hai.

Đấy là một học sinh chăm chỉ, một chàng trai tầm thước, ít lời, nổi bật trên khuôn mặt cậu ta là đôi mắt hơi lồi, và một nụ cười buồn bã xấu xí. Cậu học giỏi, chẳng nói năng gì, trong mắt bọn con gái trong lớp, đấy là một anh chàng xấu trai và hơi kỳ dị.

Nhưng với cô, T. chẳng hề kỳ dị.

Cậu thích nói chuyện với cô, tuy những lúc đó, mặt cậu thoáng đỏ, giọng lắp bắp.

Đứa ngu nhất trong lớp cũng biết điều gì xảy ra: T. thích cô.

Lúc đó cô là một đứa con gái cao, gầy, với hai bím tóc dài đến hông, nặng trĩu, có lẽ nước da trắng làm cô nổi bật, đôi má lúc nào cũng đỏ hồng, cô càng lo lắng tại sao mình hay đỏ mặt đến thế, đôi má cô càng nóng bừng bừng.

Hai đứa giống nhau một điểm: cận thị nặng.

Hai đứa khác nhau một điểm: chỉ cô có kính.

 

Với lũ học sinh cuối cấp hai, bọn con gái đã bắt đầu biết làm điệu. Cô không thích đeo kính cả ngày, chỉ trên lớp, lúc nghe giảng, cô dùng nó, giờ ra chơi, cô nhét nó vào gầm bàn.

Thỉnh thoảng, cô cho T. mượn kính của mình, có lẽ nhà cậu nghèo, nên không có tiền mua kính chăng, hay vì lý do gì khác, cô không hỏi, nhưng sẵn sàng cho mượn.

Những lúc đó, khuôn mặt cậu nhanh nhẹn hẳn lên, đôi mắt bớt lồi, sau cặp kính. Trông cậu ta thế này, hoàn toàn có thể chịu đựng được, cô nghĩ thầm, vì cô biết mối cảm tình của T. dành cho mình, chỉ có điều, cô không thích, cũng chẳng ghét cậu.

 

Một lần, một chuyện đặc biệt xảy ra: đôi kính cận để trong gầm bàn của cô biến mất.

 

Thầy chủ nhiệm, ông giáo dạy văn, người có rất nhiều điểm đặc biệt, khiến lũ con gái trong lớp luôn thì thào bàn tán về thầy. Cô và Hiền, đứa bạn gái cùng bàn, hai đứa chăm chú theo dõi cái cổ áo trắng biết đổi màu của thầy. Vì có hôm, cổ áo đó trắng muốt, hôm sau nó đỏ quạch, hôm sau nữa, nó vàng vàng. Cái cổ cồn của thầy không làm cô khó chịu, chỉ thấy buồn cười, nhưng cách nói năng dịu dàng của thầy đôi khi làm cô nhồn nhột trong người. Vì thầy dịu dàng một cách kiên nhẫn, hay đúng hơn, kiên nhẫn một cách dịu dàng, điều này đôi khi làm ta có cảm giác ngờ vực, không hiểu vì sao.

 

Đến giờ văn của thầy, cô phát hiện mất kính. Cuối giờ, cô báo cho thầy biết. Hôm đó là thứ bảy, có giờ họp lớp. Thầy đưa vụ kính của cô ra lớp, hỏi. Chẳng ai nói năng gì. Cô nhớ, thầy lúc thì khuyên, lúc đe dọa, một kẻ nào đấy đã làm một việc xấu, nhưng không chịu xuất hiện. Đến tận khi tan họp lớp, giải tán, vẫn không tìm ra thủ phạm.

 

Hôm sau, chủ nhật, vào buổi tối, em cô gọi và bảo: có anh nào tìm chị, đứng đợi ngoài phố ấy.

 

Cô ra đầu ngõ, cạnh gốc lim, T. đi đi lại lại có vẻ sốt ruột.

Dưới ánh đèn vàng vọt từ ngọn điện giữa phố chiếu xuống, T. im lặng chìa cho cô cặp kính cận. Ngượng ngập, cậu chỉ nói với cô đúng một câu: đừng nói với thầy chủ nhiệm.

Cô hứa sẽ không nói.

Cô nhớ, trong phút đó, hai đứa nhìn nhau cười, cô, chắc vì mừng quá, còn T., chắc vì tin vào một lời hứa.

Tuần tiếp theo, trong lớp, cô lại đeo kính. Bạn bè hỏi kiểu gì cô cũng không nói, cô chỉ cười hoặc đánh trống lảng.

 

Một hôm, có giờ văn, cuối giờ, thầy chủ nhiệm bảo cô ở lại.

Thầy bắt đầu gặng hỏi, bằng cái giọng dịu dàng.

Cô từ chối, không trả lời câu hỏi của thầy.

Thầy không bực mình, trái lại rất kiên nhẫn, kiên nhẫn một cách dịu dàng, thầy tiếp tục tra hỏi.

Và bảo, thầy chỉ muốn biết ai là thủ phạm, để giáo dục học sinh, nếu cô không nói, cô đồng lõa với kẻ làm việc xấu.

Cô vẫn nhất định không chịu khai tên kẻ trộm.

Vẫn dịu dàng như thế, thầy bảo chắc cô bị mắc vào một lời hứa, một lời thề giữ bí mật chứ gì, cứ nói với thầy, thầy sẽ giữ bí mật.

Cô bảo: thầy cam đoan không làm gì bạn ấy chứ?

Dịu dàng, thầy nói, thầy là thầy chủ nhiệm, có trách nhiệm với mọi học sinh, nếu cô nói cho thầy biết, kẻ lấy kính của cô, thầy chẳng những sẽ không nêu tên trên lớp, mà sẽ không nói gì với học sinh đó, thầy biết chỉ để biết thôi.

Phút đấy, cô tin thầy, bèn nói tên người bạn ngồi bàn sau mình.

Một học trò, có thể nghi ngờ lời hứa của ông thầy mình hay không?

Khi đó cô mười bốn tuổi, vừa sợ hãi vừa lo lắng, vừa hy vọng, và tất nhiên, thường nghe lời người trên, nhất là khi, đấy là thầy giáo dạy mình.

 

Khoảng một tuần sau, cả trường nháo nhác lên vì một tin cực kỳ giật gân: một học sinh lớp bảy, nhảy từ gác tư xuống, định tự tử, nhưng không chết, chỉ gãy chân, nằm bệnh viện.

 

Cô không nhớ chính xác, những ngày đó trôi qua như thế nào, chỉ nhớ rất rõ trạng thái của mình: rối bời, tan tác, lặng im, như thể những cơn gió thổi ào ào, khiến bao nhiêu lá trên cây trút tất cả xuống mặt hồ, đáy hồ cuồn cuộn sóng, nhưng mặt hồ dường như vẫn lặng yên vì lá đã phủ kín.

 

Cô trở thành tâm điểm chú ý của cả trường.

Khi người ta phát hiện ra, học sinh đó là T.

Và khi một tin cũng giật gân không kém, truyền đi khắp trường: đấy, tình yêu ghê gớm chưa, một mối tình tay ba, giữa một ông thầy, một học sinh nam và một nữ sinh.

 

Thầy chủ nhiệm bảo cô ở lại sau giờ văn, thầy dịu dàng hơn bất kỳ lúc nào, thầy nói rất nhiều, cô chả hiểu thầy nói những gì, chỉ nhớ thầy hỏi cô đã vào thăm T. hay chưa? Vì thầy bận quá, chưa vào thăm được.

 

Có một chiều, hai người công an đến gặp cô, hỏi cô đủ mọi chuyện trên đời, ví dụ cô có biết T. viết thư tuyệt mệnh không, trong thư chửi rủa thầy chủ nhiệm bằng những lời hết sức hỗn láo, cô có hay đi chơi với T. không? Cô và thầy chủ nhiệm thế nào? Cô nhớ cô chả biết nói năng gì, phần lớn thời gian của cô dùng để…khóc, vì cổ họng cứ nghẹn lời, trước bao nhiêu câu hỏi dồn dập, bất ngờ, không thể đoán trước.

 

Cuối tuần đó, trường cô tưng bừng tham gia dạ hội của thành phố, được tổ chức trong một vườn hoa lớn giữa trung tâm, dù đã mắc thêm đèn xanh đỏ,vàng trên các cành cây, cảnh vật vẫn tối om, bọn học sinh tỏ ra rất biết ơn thứ ánh sáng mờ tỏ này. Khắp nơi nhạc xập xình lẫn trong tiếng nói cười râm ran của học sinh các trường đổ đến.

Cô bỏ về nhà, sau khi đi lang thang vài chỗ với Hiền, nghe sau lưng thỉnh thoảng một giọng thì thào: đấy, nó đấy, một mối tình tay ba, ghê không, yêu cả thầy giáo…

 

Một buổi sẩm tối, cô ghé vào bệnh viện, chỗ T. nằm.

Có lẽ đến lúc đấy, những hốt hoảng, sợ hãi và cả đau đớn nữa trong cô đã trở nên chai lỳ, cô mới dám đến tìm T.

Bước vào phòng, cô thấy nhiều đôi chân trắng toát, bó bột treo lên những cái khung, đặt ở cuối giường, hoặc giữa giường.

T. là một trong số đó, thấy cô, cậu ta ngoảnh mặt đi. Cô đứng dưới chân giường, nhìn T. chằm chằm, cổ nghẹn lại, sắp sửa bật khóc, không để ý có một người khác đứng đầu giường, cứ nhìn mình chằm chằm, từ lúc cô đến.

Đấy là anh trai T.

Thấy cô bắt đầu sụt sịt, anh của T. đến và rủ cô ra ngoài.

 

Đứng dưới ánh đèn nhợt nhạt ngoài phố, anh kể cho cô nghe T. vào bệnh viện lúc nào, lá thư T. viết để lại, đúng là chỉ chửi rủa thầy chủ nhiệm. Khi cô không ngớt sụt sịt khóc và nói đấy là lỗi tại cô, đã nói cho thầy biết, anh trai T. ngạc nhiên bảo, cậu ta không hề  viết, hoặc nói một lời về cô. Nhưng theo anh, cô không có lỗi gì.

Thế là sẩm tối nào, anh trai của T. cũng đạp xe qua nhà cô, đợi cô lấy xe đạp, xin phép cha mẹ, và hai người đạp xe song song cùng đến bệnh viện thăm T.

Vốn không ngu ngốc cho lắm, cô nhận ra, chàng sinh viên đại học - anh của T.- bắt đầu săn sóc mình một cách chu đáo như thế nào.

Những ngày đó, cô nhớ, lòng mình câm lặng, chỉ buồn vô cùng là buồn. Cô hay trèo lên sân thượng của khu nhà tập thể, và hát. Khi nào buồn, cô đều hát, càng buồn càng hát nhiều hơn. Bài hát lúc đó cô thích nhất, một bài dân ca Nga: ”ngoài hiên gió nhẹ đưa lắt  lay muôn đóa anh đào…” Cô hát đi hát lại nhiều lần.

 

Một hôm, cô tựa vào bờ tường trên sân thượng, say sưa hát và ngắm nhìn những vòm lá cây lim cao vút đến tận mây xanh. Lòng vô cùng buồn bã, cô không hề để ý, anh của T. đã đến từ lúc nào và ngắm nhìn cô từ một góc sân tối om.

Nghe tiếng chân người, cô quay lại, thấy anh của T. tiến lại gần, đôi mắt long lanh, và nụ cười bừng sáng trên khuôn mặt nhỏ nhắn.

Cũng cần phải nói thêm: T. trông xấu xí bao nhiêu, anh trai của cậu tuấn tú bấy nhiêu, T. vụng về lóng ngóng bao nhiêu, anh trai của cậu khéo léo bấy nhiêu, T. đứng trước cô bao giờ cũng như một kẻ muốn chui quách xuống đất, anh trai cậu trái lại, luôn đón ý và  biết chiều chuộng cô từng ly từng tý.

Lúc đó, anh tiến sát đến bên cô, dịu dàng nói nhỏ vào tai cô:

Người ta đồn thằng em anh vướng vào mối tình tay ba cũng đúng. Em đẹp quá. Anh yêu em.

              

Lời tỏ tình đầu tiên cô nghe trong đời, lúc cô mười bốn tuổi.

Cô nhớ, cô lùi sát vào bờ tường và hét lên:

Không đúng! Tôi ghét lũ đàn ông các người lắm!

 

Và lách qua người anh, cô lao thật nhanh, đâm bổ từ cầu thang, xuống phố.

(2008-09-26.HN)

Nguyễn Hồng Nhung
Số lần đọc: 3972
Ngày đăng: 20.06.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cái con cầy - Giang Kiều
Cuốn sách còn lại - Nguyễn Minh Phúc
Đến bây giờ mới kể - Khaly Chàm
Thời hạn - Trương Văn Dân
Truyện ngắn ngắn – 10 - Đỗ Ngọc Thạch
Tiên Thủy - Mang Viên Long
Thằng Bờm mất ao - Huỳnh Văn Úc
Chuyện một nhà báo - Đỗ Ngọc Thạch
Chị Hà - Đặng Văn Sinh
Một vụ ám sát hụt - Phạm Nguyên Trường
Cùng một tác giả
Chim sẻ (truyện ngắn)
Thời gian (tạp văn)
Tuyết rơi (truyện ngắn)
Tách… (thơ)
Đêm nhạc jazz (truyện ngắn)
Vô danh (thơ)
Mùa thu chết (truyện ngắn)
Nhát đâm cuối cùng (truyện ngắn)
Bi hài biên tập (truyện ngắn)
Tang (thơ)
Buốt. (thơ)
Bóng (thơ)
Anh (thơ)
Đợi (thơ)
Szepes Maria (chân dung)
Mùa (thơ)
Tự do (thơ)
Xanh xao (thơ)
Câu chuyện tháng Hai (truyện ngắn)
Mưa Đêm (tạp văn)
Tình yêu (truyện ngắn)
Rát (thơ)
(truyện ngắn)
Jesse (truyện ngắn)
Sài gòn và em (tạp văn)
Năm Đổi Mới Đã Đến (nhìn ra thế giới)
Sống (tạp văn)
Ba Nguồn (triết học)
Jesse-3 (tạp văn)
Noel (thơ)
Arlequin – Anh Hề (triết học)
Ngôn Từ (tạp văn)
Các Hình Ảnh Cổ (triết học)
Phục Sinh (tạp văn)
Người Đàn Bà (triết học)
Cổ Tích Da Đỏ (triết học)
Chữ Tháng Sáu (tạp văn)
Thuật luyện vàng (triết học)
TẢ TƠI (truyện ngắn)
Sekina (tiểu luận)
Trở về nhà (tạp văn)
Cái gương (tiểu luận)
Sự nô lệ (truyện ngắn)
Có thể lắm (truyện ngắn)
Sống (tiểu luận)
Giữa (tạp văn)
Tuổi thu (tạp văn)
Bí ẩn đời sống (truyện ngắn)
Hạ ký (tạp văn)
Sáu mươi (tạp văn)
(ký)
Có đường đi lên (tiểu luận)
Có lẽ (thơ)
Về bản chất (tiểu luận)
Chị của Bố (truyện ngắn)
Lớp học Tiếng (truyện ngắn)
Mi và thượng đế (tiểu luận)
Tử vi Ai Cập (nghệ thuật)
Quê nhà (truyện ngắn)
Hưu (thơ)
Chết (thơ)
Bảy năm (truyện ngắn)
Cây táo vàng (truyện ngắn)
Quả bong bóng lợn (truyện ngắn)
Từ duy nhất (truyện ngắn)
Thu (thơ)
Kẻ giết mẹ (truyện ngắn)
Tặng (thơ)
Cây mận (truyện ngắn)
Cổ tích (truyện ngắn)