Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.312 tác phẩm
2.745 tác giả
387
115.864.119
 
Ghi chép Februar - 2014
Nguyễn Hồng Nhung

 

 

Năm nay không có mùa Đông. Không gây ra phản ứng ngỡ ngàng gì lắm cho tất cả mọi người. Vì dường như ai cũng đã quen: mọi thứ trên trái đất giờ đây đều lộn nhào, hoặc xảy ra những điều kỳ lạ. Chẳng hạn tháng bảy năm ngoái, châu Âu có một tuần lễ nóng hơn 40 độ, làm cháy trụi những thảm cỏ xanh tươi trong công viên thành phố. Còn bây giờ tháng Hai-Február, mùa Đông mang sắc nhợt nhạt quái gở: cứ tiếp sau một ngày hưng hửng nắng là hai ngày mưa tầm tã.

 

Cảnh quen thuộc mọi tháng Hai, giờ chỉ thấy trong các phim tivi: tuyết rơi tầm tã trắng cả đất trời, ai nấy co ro dưới lần áo dày cộp, cố bước thật nhanh và khi dừng lại, rũ rũ, đập đập những đôi ủng bám đầy tuyết.  Dưới một góc metro, một bà cụ già giấm dúi bán những bó hoa tuyết nhỏ xíu, buộc túm vụng về với một cái lá bằng một sợi chỉ mong manh, đặt trong một cái giỏ nhỏ phủ khăn, cái cảnh ấy vẫn còn, trước lễ Tình nhân -Valentin giữa tháng, nhưng giờ đây, nó không mang vẻ vui sướng của lạnh giá tháng hai sững sờ ngắm nụ hoa đầu tiên trắng muốt nữa. Hoa tuyết HẾT là biểu tượng niềm vui sắp được chia tay với mùa Đông, nó bị bỏ quên như thế nào đấy giữa cái tháng Hai hâm hấp nửa ấm nửa lạnh dửng dưng này.

 

Đúng là trạng thái dửng dưng. Không phải vì buồn chán, mà vì không có điểm nhấn. Người ta yêu nhau ắt phải là khi bắt gặp điểm nhấn của nhau, chứ cứ đều đều tẻ nhạt như tiết trời tháng Hai năm nay, chắc chắn chỉ làm con người càng thêm hờ hững. Với chính mình và với người khác.

Nhưng vì mùa Đông không lạnh, nên mọi hoạt động dưới đường ngầm dẫn đến metro cũng diễn ra kiểu khác. Có lẽ đây là điểm nhấn của Februar năm nay chăng? Các”băng nhạc” đường phố phục vụ „bà con” qua lại sớm hơn. Như thể  những ngày vui ấm áp đã đến. Và vẫn với những đặc trưng vị trí như thế: những con người nhất định ở những địa điểm nhất định.

Đứng cạnh  đường chuyển tiếp của hai tuyến metro là hai người mù đứng tuổi, một đàn bà một đàn ông, cùng hai cây gậy trắng,  một người thổi kèn acmonica, còn người kia gõ nhịp bằng một cái vòng nhỏ xâu những quả chuông leng keng.

 

Bao giờ cũng là những âm thanh nhịp nhàng, tung tẩy vui tươi quấn lấy những bước chân  ngược xuôi vội vã. Tôi chưa bao giờ nghe thấy những âm thanh buồn bã từ họ, kể cả có lúc trời đã tối, người qua lại thưa thớt, từ hai cây gậy trắng, hai dáng người còng còng dựa tường, những âm thanh trong trẻo vui vẻ vẫn cứ nhảy nhót nhịp nhàng, leng keng hân hoan. Mùa hè, nghe tiếng acmonica này thấy tâm hồn mát mẻ, còn mùa đông, thấy lòng mình ấm lại.

 

Ở một tuyến metro khác mà tôi ngày nào cũng phải đi qua, chiếm lĩnh một vị trí „trang trọng”- nghĩa là ngay sát cửa vào - là hai cha con một „băng nhạc” khác. Trước kia, ông già có đôi má phúng phính như hai cái bánh bao chống cây gậy trắng, tay giơ chiếc cốc ra ngay cạnh cửa vào metro, chẳng ai buồn chú ý đến.  Ai cũng vội vã bước thật nhanh, càng không để ý tới một cậu thanh niên ủ rũ ngồi thụp dưới chân tường cách ông không xa.

 

 Một ngày, những bước chân xuống cầu thang ở bến metro ấy bỗng dưng đều như chậm lại nghe ngóng, bởi những âm thanh đàn organ từ phía dưới văng vẳng vọng lên.

Gần cửa ra vào, vẫn ông già mù có đôi má bánh bao, nhưng  giờ ngồi trước một chiếc đàn organ, tiếng nhạc rộn rã phát ra từ đôi tay tay điều khiển từ tốn của ông. Lạ! tiếng đàn của ông rất trẻ trung, khỏe khoắn. Ông chơi lại các bài hát, các bản nhạc cũ khiến kẻ ra người vào metro bỗng bồi hồi nhớ đến một thuở (như thế nào đấy) của mình (hình như những năm 70 thế kỷ trước chăng?)

Tôi từng ngẩn ngơ tưởng mình đang mở cửa sổ buổi sớm mai, từ ký túc xá nhìn ra con đường ngoằn ngoèo dẫn lên núi còn mờ trong sương, hay bất chợt nhớ ra khuôn mặt bạn ấy bạn nọ đang cười khanh khách hoặc kể lể liếng thoắng… giữa  tiếng đàn của ông. Ôi, ông già này đang kể về thời của tôi?

Tiếng đàn của cậu con trai ông lại khác hẳn, không vui tươi mà dàn trải trầm ngâm, chậm rãi, có lúc tha thiết, thậm chí xao xuyến buồn và hơi lặng lẽ. Ơ! con người hay thật! càng về già, càng ý thức về cuộc đời, người ta càng trẻ ra? Nhưng chính lúc còn trẻ lại là thời điểm ta linh cảm rõ nhất về cái mất mát, cái ra đi không bao giờ trở lại của niềm vui?

 Còn ở một bến metro khác, tôi để ý đến một cậu con trai thổi sáo. Lưng dựa vào tường, cây sáo nắm trong tay hờ hững, mặc chiếc áo bông ngắn, mũ len phủ  mái tóc lờm xờm, mắt nhắm lại, mặc thế giới xung quanh, chàng trai để hết tâm hồn vào tiếng sáo của mình. Đơn độc, da diết, ngân dài, lắng xuống hoặc đột ngột dừng lại… tôi tự hỏi không biết đây có phải  là chàng Romeo say đắm của thành Verona  hóa thân hay không, mà bản nhạc trong phim Romeo-Juliett được chàng ta „trình diễn” nhiều lần nhất.

Bến metro ấy là nơi dẫn đến nhiều trường đại học, trường học, nên chàng Romeo này không ít lần nhận xu lẻ từ những kẻ trông giống cậu. Những cô gái tóc xõa dài xinh đẹp bá vai nhau vừa đi vừa cười nói khúc khích, những chàng trai trẻ trung, bước những bước dài thanh mảnh, nghe tiếng sáo, dừng lại, bá vai nhau, hoặc đứng im một mình, nghe, rồi nhẹ nhàng mở cặp, lấy tiền đặt vào cái cốc nhỏ để dưới chân anh chàng mắt vẫn cứ nhắm nghiền vi vu điệu sáo.

Đấy, dù trên hay dưới mặt đất, con người không thể kìm giữ nổi khát vọng thể hiện mình, đúng không?

Tại sao thế? Đâu chỉ vì nhu cầu vật chất để tồn tại- mà vì: Không phải ta sống mà là Thượng đế sống trong ta! – Ta chỉ thể hiện Người thông qua ta mà thôi. Bắt buộc.

………………………….

Giữa tháng Hai, tôi dịch một bài thơ tình của Guillaume Apollinaire, bài thơ về bông Huệ Thu màu tím xanh, mối tình dịu dàng của chàng thi sĩ nổi tiếng phóng đãng người Pháp với một cô giáo người Anh, một bài thơ không thể dịu dàng hơn, như những bông Huệ Thu tím không gì xinh đẹp hơn.

Đồng cỏ nhả độc, muộn mằn thu hoa nở

đàn bò rông gặm cỏ lang thang

và chầm chậm đầu độc

những đóa huệ thu tim tím, chói xanh.

 

Đôi mắt em mơ màng  tựa  bông hoa huệ

 cánh hoa tím xanh lượn sóng, biếc thu

và từ đôi mắt ấy đời anh âm thầm ngấm độc.

 

Một đàn học sinh chạy ào trên đồng cỏ hét vang

 điệu nhạc acmonica tung bay áo choàng mỏng.

Rồi chúng ngắt hoa, bông mẹ, bông con

  sắc hoa mịn mi mắt em thẹn thùng chớp

như đóa huệ thu chấp chới, dạt dưới gió ào.

 

Người mục đồng khe khẽ hát dịu dàng

lúc đàn bò rống vang bỏ đi chậm chạp

bỏ cánh đồng hoa ác độc hấp hối thu.

 

Tôi gửi lũ bạn nhân ngày Lễ Tình nhân- Valentin, chúng lại gửi tiếp cho những người khác đọc. Nhiều người trong số họ thích thú phát hiện yếu tố”độc” của loại hoa này, được ví von trái ngược với Tình yêu.

Một lần nữa: con người hay thật! Cứ muốn cái gì mình thích là phải „vô trùng” cơ, hahahahaha…

 Dù, chả biết Guillaume Apollinaire cố tình hay vô tình chọn loài hoa này khi nói đến một người? Rất có thể, đơn giản chỉ vì  hiện thực  từng như thế: đấy là cô giáo „trông coi” cái lũ học sinh nghịch ngợm hò hét, vặt hoa trên một đồng cỏ toàn Huệ Thu tím!  Và, hoa độc hay không không cần biết, chỉ biết rằng tất cả chỉ là một khoảnh khắc rung động của đất trời  tràn vào lòng Nhà Thơ, và ý nghĩa sống của chàng là phải cất lời diễn tả điều ấy.

Ôi, từ đây cần liên tưởng đến „lý thuyết” của các nhà thần học: chỉ luật tương đồng (analog) mới giải thích được các hiện tượng của cái thế gian này mà thôi. Đây mới là kết luận quan trọng nhất cần rút ra.

Và về bài thơ này, còn một điều cần nhớ: bản dịch bài Huệ Thu ra tiếng Hungary hay nhất là bản dịch của Radnóti Miklós, nhà thơ Do thái - Hung. Ông bị lùa vào trại tập trung của phát xít Đức, bị đày ải lao động nặng nhọc rồi một ngày, trên đường về trại, ông bị lũ phát xít bắn và vùi xác ngay bên đường cùng với một số tù nhân cũng ốm yếu đi không nổi như ông. Sau này, khi nấm mồ tập thể vùi sơ sài bên đường được khai quật, người ta xác định đấy là  xác nhà thơ Radnóti Miklós bởi bản thảo một bài thơ đã viết xong nằm trong túi áo ông…

………………………………….

Tháng Hai – Február khép lại với một sự kiện khác cũng gây chấn động với NHN. Đấy là một buổi, tôi lang thang cả ngày trong thành phố S. thành phố gắn liền với cuộc đời của Hamvas Béla.

Một thành phố nhỏ nhắn nằm sát bờ sông Đanuyp. Nếu rời cái quảng trường Chính bé xíu đẹp như một tấm bưu thiếp có chụp hình nhà thờ vươn thẳng lên trời cao xanh ngắt, và quây quần xung quanh là những ngôi nhà màu sặc sỡ xinh xinh, lệch chân rẽ quặt sang một ngõ đường đá đen bóng, sẽ thấy ngay Đanuyp hiền hòa hiện ra.

Nhưng hãy khoan, hãy tha thẩn trong các con phố dẫn đến quảng trường Chính. Con đường lát đá nằm giữa hai bên là những ngôi nhà vừa phải, không thấp không cao, mỗi nhà một kiểu, một màu, nhưng rất hài hòa. Mắt mải nghếch nhìn hàng cây cũng rất đặc biệt, có những cây bị con người chặt cụt hết các cành, với hy vọng xuân sang, những chiếc lá non mơn mởn sẽ trồi ra từ các khe cụt ấy, họ không muốn những cây này cao lên.

Bởi vậy buộc phải xuýt xoa khi nhìn thấy một thân cây còn nguyên cao sừng sững in bóng lên nền trời, trước khi bước qua một chiếc cầu đá nhỏ dẫn tới một nhà thờ cũng sừng sững in trọn lên trời cả cái tháp chuông lên, nằm bên một con kênh nhân tạo. Đứng trên cầu nhìn xuống thấy róc rách một dòng nước trong vắt, chảy xiết như một con suối nhỏ.

 Bước thấp bước cao (vì mải nhìn) qua cầu, sẽ thấy những ngôi nhà đẹp hơn nữa, với những cửa sổ hình vòng cung, bước vào cổng, đến một sân lát đá nho nhỏ để những chậu hoa, hoặc hoa trồng bao quanh, rồi mới đến cửa chính bước vào nhà.

Những con phố nhỏ xinh xắn tỏa sang trái, sang phải bất chợt, như một bộ xương cá cong li ti, thỉnh thoảng, một bậc tam cấp bước lên rõ cao đột ngột đập vào mắt, dẫn lên một cái sân hoặc một hành lang nào đấy, khiến con mắt đang ngắm ngang, phải ngước lên ngạc nhiên phỏng đoán.

Cứ mê mải ngắm thế đến quảng trường Chính lúc nào không biết. Cái sân lát đá của quảng trường này như bị lún xuống ở giữa, chỗ có một đài phun nước giờ bị bao bọc bởi nylon và dây. Tôi đã từng đến đây nhiều lần vào mùa hè, buổi chiều, tối, người ta ngồi kín chỗ, đông đặc trong cái sân này, quây quần quanh đài phun nước để xem chỗ này nhảy múa nhào lộn, chỗ kia đọc thơ, một chỗ khác diễn kịch.

Nhưng lần này tôi đến cả quảng trường lơ thơ vài bóng người. Các hiệu ăn, mùa hè bày ghế, bàn đầy sân, giờ cửa đóng then cài im ỉm. Tháng Hai-Február ai đi chơi đến đây làm gì, dù trời bất chợt nắng hửng lên ấm áp và không một ngọn gió thổi như hôm nay?

Tôi đến đây không phải đi chơi, mà để xem một triển lãm nói về bác Hamvas Béla. Đây rồi, một áp phích chiếm trọn một cánh cửa dán hình Hamvas Béla trong bộ quần áo công nhân. Và trên cửa ra vào là hình ảnh Anh Hề- Arquyn trong một tiểu luận triết học sâu sắc nổi tiếng của ông.

 

Triển lãm về Hamvas Béla cực kỳ đơn giản, nếu đánh giá từ phương diện”vật chất”: căn phòng đầu tiên chứa một tủ kính nhỏ, trong đó có những vật dụng cá nhân của ông: một cuốn sổ lao động khi ông làm thủ kho trong khu Công nghiệp, một chiếc đồng hồ bỏ túi cũ, một hộp bút, vài vở hộp thuốc lá ông hay hút, một hộp diêm. Đồ vật lớn nhất là một chiếc hòm gỗ tự tay ông đóng và luôn luôn mang theo bên mình, trong đó đựng những cuốn sách mỗi cuốn tuần từ khu công nghiệp ngoại ô trở về thủ đô Budapest, ông đến thư viện mượn, trả, mượn tiếp để mang xuống nơi làm việc.

Tôi đứng xem hồi lâu những vật dụng của Hamvas Béla, nhớ tới bài tiểu luận Một Giọt Từ Sự Đọa Đầy đã dịch, không thể nào không liên tưởng tới những tư tưởng của ông trong đó. Vật chất và tinh thần không thể cùng lúc”lên ngôi”, cái nọ cần nhường chỗ cho cái kia tỏa sáng, cũng như con người phải biết tự phủ định mình từng bước, từng giai đoạn để đạt nổi đến những mức độ giải thoát, mức độ tự do cao hơn. Hamvas Béla đã đơn giản hóa đến mức tận cùng nhu cầu vật chất trong đời sống, dành toàn bộ sức lực, thời gian để phát triển, thể hiện  hết nhu cầu tinh thần của mình, cái mà ông gọi là: „hiện thực hóa hiện thực”

Điều này, bước vào căn phòng thứ hai càng được khẳng định. Cũng đơn giản như căn phòng đầu, trong căn phòng thứ hai không có gì hết ngoài những tấm bảng lớn xếp gấp như những cánh quạt, trên in các đoạn, các câu trích trong các tác phẩm của Hamvas Béla.

Đang tĩnh lặng xao xuyến ở căn phòng đầu, vừa đọc xong mấy đoạn trích bỗng cảm thấy mình bốc lửa, không còn cảm giác riêng biệt nữa, mà ngay lập tức hòa cùng với suy tư của bác Hamvas Béla. Tại sao thế? Có phải vì mày đọc nhiều và thường xuyên dịch bác đến mức, mày cảm thấy”trở về nhà” mỗi khi chạm vào những câu chữ thể hiện tư tưởng của bác? Không, không phải vì thế, vì mày đâu đã có thời gian và trình độ đọc hết các tác phẩm của Hamvas Béla, mà bởi vì tư tưởng của Hamvas Béla giúp con người ta quay trở lại SỐNG THỰC như cần phải sống thế.

Nói một cách khác: tư tưởng của Hamvas Béla giúp ta hiểu về chính đời sống của ta, của một con người trên trái đất, một cách TỈNH TÁO và ĐÚNG.

Không phải ĐỌC Hamvas Béla, mà là HỌC. Học sống, bằng cách biến ý nghĩ thành hành động, nói và làm đi liền với nhau, một cách dản dị nhất, cụ thể nhất: quay trở lại với nền tảng cơ bản của sự sống, của đời sống người. Nền tảng cơ bản ấy nằm ở đâu? Nằm trong những cuốn sách thiêng, trong truyền thống của nhân loại, là thời Hoàng Kim của con người, khi vũ trụ này là một, khi con người chưa bị chìm xuống những nhu cầu vật chất thấp kém và trở thành nô lệ cho những nhu cầu hẹp và thấp của mình.

Ôi, làm sao diễn đạt được chính Ta cho người khác hiểu đây, chưa nói đến việc thuyết minh  những tư tưởng của người khác nữa, cho dù ta – bằng hành động cụ thể là dịch, chính là diễn giải ra tiếng mẹ đẻ- những gì đã học được từ Hamvas Béla, đã ngấm vào máu đến mức những ngày sống hiện tại của ta đồng nhất với việc thực hiện những tư tưởng ấy.

Đời sống không có mục đích, nhưng có ý nghĩa. Và ý nghĩa ấy bản thân con người tự định cho mình bằng việc duy trì một đời sống như thế nào là xứng đáng với chính mình.” –Hamvas Béla đã nói.

Có một câu trích từ người thân của Hamvas Béla khiến tôi cảm động: những ngày cuối đời, có lúc bác Hamvas Béla băn khoăn không hiểu mình đã sống, đã hiện thực hóa cuộc đời mình đủ như tư tưởng mình đòi hỏi hay không?

Một con người trong suốt như pha lê, như hơi thở, bởi vậy sẽ bất diệt như sự sống!

Buổi trưa hôm ấy, nghỉ một chút trước khi đi tìm cái nghĩa trang có mộ của Hamvas Béla, tôi lang thang dạo chơi bên dòng Đanuyp ngay cạnh thành phố. Kỷ niệm ùa đến cùng nắng chan hòa, cùng từng giọt nước long lanh sáng trên sóng…hình như có tiếng cười của tôi, giọng thủ thỉ của anh, có một ngày vui ngắn ngủi bên nhau quay trở lại, để chứng minh thêm một lần nữa, tình yêu trước hết phải là một tình bạn hài hòa, thứ tình đẹp nhất của con người, để con người cứ nhớ mãi về nhau, phải không anh? như Hamvas Béla đã nói....

Rồi tôi rời gót đi tìm mộ Hamvas Béla. Trong túi có tờ giấy ghi địa chỉ nghĩa trang, tôi quay lại bến xe với hy vọng sẽ gặp xe buýt đến đó. Thấy một người đàn bà, tôi hỏi thăm. Bà bảo: ở thành phố này nhiều nghĩa trang lắm. Móc túi tìm tờ giấy mới biết nó đã bay đi đâu mất. Tôi loay hoay dò hỏi, bà loay hoay giải thích, tự dưng tôi buộc miệng: thực ra tôi muốn đi tìm mộ Hamvas Béla. Bà kêu lên: sao cô không nói ngay từ đầu? ở đây ai mà chả biết Hamvas Béla.

Theo chỉ dẫn của bà, tôi quyết định đi bộ, vì tôi không có nhiều thời gian đợi xe buýt, mặc dù bà bảo: khá xa đấy, gần như ngoài ngoại ô.

Tôi hăm hở bước, một lúc sau nóng rực người, mồ hôi bắt đầu túa ra dưới lớp áo, dù gió thoảng trên má lành lạnh. Đi được một quãng dài, tôi bắt đầu phân vân khi gặp một ngả tư nhiều loại đèn nháy. Những con đường dành cho các loại xe hơi giống hệt nhau, chỉ xe lao vun vút, không một bóng người đi bộ. Vẫn là mùa đông nên các cửa hàng cửa hiệu phần lớn đóng cửa im ỉm. Chẳng có ma nào để hỏi. Đi thêm một quãng nữa, bất chợt một chiếc xe con dừng lại bên đường, tôi vội vã đến gần hỏi thăm.

Người ta chỉ ngay sang con đường nhỏ phía bên phải: kia kìa, nghĩa trang nằm kia. Đi tiếp một đoạn dài trên con đường đất mỗi lúc một hẹp và ẩm ướt, tôi nhìn thấy những bia mộ bằng đá thấp thoáng sau những cành cây. Một người đàn bà hiện ra phía xa xa, tôi vội hỏi theo thật lớn: Cổng nghĩa trang phía nào bà ơi? Bà ta chỉ, tôi đi vòng quanh con đường đất ướt lạnh ngắt, không một bóng người.

Sau cùng, gần cuối đường, hiện ra một khung cửa sắt khép kín. Tôi đến gần, cửa mở, tôi đẩy cửa bước vào: một khu vườn thì đúng hơn, với chi chít những nấm mộ, trên là những bia đá, cái mốc meo, cái đổ, cái cây cỏ mọc xanh rì. Nhưng trên các tấm đá đặt nằm trước mộ, tấm nào cũng có vòng hoa khô và những lọ nhựa đựng nến có nắp đậy. Những con đường dẫn tới các mộ đất đen ẩm ướp, cạnh mộ là những thân cây lớn xếp thành hàng, một vài con chim bay vụt lên từ giữa những nấm mộ. Toàn bộ không gian im ắng và lạnh buốt như một đáy sâu hồ nước, tôi có cảm giác những sinh linh trong nghĩa địa này bỗng nhỏm hết dậy, nhìn về phía tôi, nghe ngóng…

Tôi không cảm thấy sợ, chỉ thấy rất lạnh, tôi thầm kêu lên khe khẽ: bác Hamvas ơi bác ở đâu? dẫn đường cho cháu đi. Tôi đi một vòng, cảm thấy những sinh linh từ các nấm mộ hiện lên như những dây leo ngoằn ngoèo, chờ đợi…Vài con chim lại vụt bay lên từ giữa những lối mòn lá mục phủ kín.

Phút ấy, tôi biết, đây không phải nơi mình muốn đến. Tôi lập tức bước thật nhanh ra khỏi khu mộ trông như một vườn cây lớn, đóng cửa sắt, rẽ xuống phía đường khác, thoai thoải dẫn xuống một gốc cây rất lớn, người ta đã rào quanh nó một vòng tròn bằng gỗ thành một dãy ghế ngồi.

Một người đàn bà lim dim mắt ngồi im dưới gốc cây. Tôi bước đến gần, hỏi. Té ra bà cũng từ thủ đô xuống và không biết bất cứ một tý gì về nơi đây. Tôi kể cho bà nghe mục đích của mình. Tất nhiên, Hamvas Béla thì bà biết. Bà đang ngạc nhiên khi tôi nhắc đến bác, bất chợt một người đàn ông xuất hiện, như thể từ trên trời rơi xuống. Có lẽ bác Hamvas Béla „phái” ông ta đến chăng? vì cả hai chúng tôi đều vô cùng ngạc nhiên tại sao mình không nhìn thấy ông đi từ hướng nào đến?

Nghe tôi kể, người đàn ông bảo: ở thành phố này nhiều nghĩa địa lắm. Phần lớn theo các khuynh hướng tôn giáo. Cái nghĩa địa tôi vừa thăm viếng cũng là một nghĩa địa tôn giáo như thế. Vừa nói ông vừa chỉ tay ra trước mặt: ở ngay đây cũng có một cái nữa. Tôi và người đàn bà ngẩng đầu nhìn ra phía trước: đúng thật, lại những bia đá thấp thoáng xa xa…

Tôi rùng mình, chợt hiểu cái khí lạnh buốt khi mình bước vào khu vườn nghĩa địa ban nãy. Các sinh linh vô hình cũng khao khát được sưởi ấm, nắng mùa đông nhợt nhạt hôm nay không đủ sức mang niềm an ủi cho chúng….

Theo hướng người đàn ông chỉ, tôi lại lên đường. Đi rất lâu, rất xa, tôi đã tìm thấy cái nghĩa trang có mộ bác Hamvas Béla. Một ngôi mộ đơn sơ, một tấm đá trắng đơn giản, một tảng đá nhỏ khắc tên Hamvas Béla và vợ. Đằng sau ngôi mộ là một cây thông hiền hòa xòa cành thấp, gần sát xuống tấm đá trắng, những quả thông nâu bóng thấp thoáng giữa cành, nắng nhợt nhạt của chiều đông nhảy nhót trên đó. Tôi cảm thấy lòng mình vô cùng bình yên khi thắp nến và đứng hồi lâu trước mộ.

Quay trở về bến xe, tôi vừa đi lững thững vừa suy nghĩ lung bung, tâm trí tản mạn, thậm chí có lúc tôi cảm thấy mình như đi trong màn sương mơ hồ…Bỗng giày tôi vấp phải một cái gì đó trên đường, tôi ngã lăn xuống đất. Một cú ngã mạnh đến nỗi tay áo rách toác, chỗ cùi tay tôi bật da xước một vệt lớn, sâu, máu chảy âm ấm. Tôi chợt tỉnh hẳn, lồm cồm bò dậy, nhìn quanh: chỉ những chiếc xe hơi đủ loại lao vun vút dưới lòng đường, suốt dọc con đường dài không một bóng người…

Phút đó tôi tỉnh lại hoàn toàn, chợt hiểu: thế nào là một màn sương mù mịt vây hãm con người hàng ngày, trong từng giây phút sống, có thể để làm ta chẳng nhìn thấy gì cả, chẳng nghĩ gì cả, cứ thế mà vật vờ trôi, không biết ngay cả trạng thái của chính mình, cũng có thể trong màn sương ấy những sinh linh yếu đuối lặng câm như những cây leo vô hình chỉ đợi dịp để quấn lấy ta, lôi ta vào sự lạnh lẽo và lụi tàn của đờ đẫn, u mê…có thể lắm…

Tỉnh táo! Ta ơi hãy tỉnh táo! Hãy hiện thực hóa sự tỉnh táo mi đã đạt tới hôm nay!

 

 

( Budapest. 2014. február 22.)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

"Hamvas Béla a 20. századi magyar szellemi élet kiemelkedő alakja. Az 1920-30-as évektől egészen 1968-ban bekövetkezett haláláig alkotott. Több ezer oldalas életművet hagyott hátra, amelynek legnagyobb részét csak az elmúlt évtizedekben adták ki. 
Az 1948-as hatalomváltás után úgynevezett "B"-listára került: nem publikálhatott, kizárólag fizikai munkából élt. Mellőzve, méltatlan körülmények között, az asztalfióknak - gyakran az ténylegesen is az "asztalfiókban" - írt, tudva azt, hogy gondolatai csak halála után találják meg olvasóit. Hamvas nem sikerre, hanem dicsőségre vágyott. Értelmezésében a dicsőség nem olcsó, hanem tartós, színvonalas életminőség, amely nem függ a hírnévtől, a hatalomtól és a vagyontól. Ennek a magatartásnak a célja a "nevezetes névtelenség". 

 

 

 

 

Nguyễn Hồng Nhung
Số lần đọc: 2307
Ngày đăng: 06.03.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ghi Chép December-2013 - Nguyễn Hồng Nhung
Ghi chép November - 2013 - Nguyễn Hồng Nhung
- Nguyễn Hồng Nhung
Ở đó sông có một mùa buồn - Ngọc Vinh
Đại-hội Triết-học Thế-jới kì 23 tại Đại-học Athens, Greece từ 4 tới 10 tháng 8 - Nguyễn Quỳnh USA
Cách mạng tháng Tám ở quê tôi - Lâm Bích Thủy
Buổi ra mắt sách Đại nguyện của đá & tác giả tác phẩm Người đồng hành quanh tôi - Minh Nguyễn
Ký Ức Vĩnh Cửu - Nguyễn Hàng Tình
Về An Giang thăm núi - Diệp Hồng Phương
Tháng sáu ký ức về NGƯỜI NGHỆ SĨ ĐIÊN - Đặng Hà My
Cùng một tác giả
Chim sẻ (truyện ngắn)
Thời gian (tạp văn)
Tuyết rơi (truyện ngắn)
Tách… (thơ)
Đêm nhạc jazz (truyện ngắn)
Vô danh (thơ)
Mùa thu chết (truyện ngắn)
Nhát đâm cuối cùng (truyện ngắn)
Bi hài biên tập (truyện ngắn)
Tang (thơ)
Buốt. (thơ)
Bóng (thơ)
Anh (thơ)
Đợi (thơ)
Szepes Maria (chân dung)
Mùa (thơ)
Tự do (thơ)
Xanh xao (thơ)
Câu chuyện tháng Hai (truyện ngắn)
Mưa Đêm (tạp văn)
Tình yêu (truyện ngắn)
Rát (thơ)
(truyện ngắn)
Jesse (truyện ngắn)
Sài gòn và em (tạp văn)
Năm Đổi Mới Đã Đến (nhìn ra thế giới)
Sống (tạp văn)
Ba Nguồn (triết học)
Jesse-3 (tạp văn)
Noel (thơ)
Arlequin – Anh Hề (triết học)
Ngôn Từ (tạp văn)
Các Hình Ảnh Cổ (triết học)
Phục Sinh (tạp văn)
Người Đàn Bà (triết học)
Cổ Tích Da Đỏ (triết học)
Chữ Tháng Sáu (tạp văn)
Thuật luyện vàng (triết học)
TẢ TƠI (truyện ngắn)
Sekina (tiểu luận)
Trở về nhà (tạp văn)
Cái gương (tiểu luận)
Sự nô lệ (truyện ngắn)
Có thể lắm (truyện ngắn)
Sống (tiểu luận)
Giữa (tạp văn)
Tuổi thu (tạp văn)
Bí ẩn đời sống (truyện ngắn)
Hạ ký (tạp văn)
Sáu mươi (tạp văn)
(ký)
Có đường đi lên (tiểu luận)
Có lẽ (thơ)
Về bản chất (tiểu luận)
Chị của Bố (truyện ngắn)
Lớp học Tiếng (truyện ngắn)
Mi và thượng đế (tiểu luận)
Tử vi Ai Cập (nghệ thuật)
Quê nhà (truyện ngắn)
Hưu (thơ)
Chết (thơ)
Bảy năm (truyện ngắn)
Cây táo vàng (truyện ngắn)
Quả bong bóng lợn (truyện ngắn)
Từ duy nhất (truyện ngắn)
Thu (thơ)
Kẻ giết mẹ (truyện ngắn)
Tặng (thơ)
Cây mận (truyện ngắn)
Cổ tích (truyện ngắn)