Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
564
116.605.887
 
Khâu miệng
Trần Văn Bạn

                                               

 

Anh không còn nói được nữa. Đôi môi của anh đã gắn chặt vào nhau, chúng không còn có thể tách rời ra. Cái đường lằn rõ nét hình thành từ giữa hai làn môi khi người ta khâu miệng anh, lúc này, đã trở nên mờ nhạt. Bây giờ, anh  không có miệng.

Ngày đó, bọn họ đến. Chẳng cần cho nạn nhân biết lý do, bọn họ dẫn anh đi. Anh không thể cưỡng lại. Suốt dọc đường, trong chiếc xe bịt bùng, anh luôn bị chặn lại mỗi khi anh mở miệng muốn hỏi bọn họ dẫn anh đi đâu, bọn họ là ai và tại sao bọn họ lại bắt anh. Bọn họ đưa anh đến một nơi hoàn toàn xa lạ, nơi rất tối tăm, ẩm thấp, luôn bốc lên cái mùi hăng hắc của mốc meo, tàn rữa. Bọn họ buộc anh nằm lên bàn. Anh không biết cụ thể bọn họ sẽ làm gì mình nhưng anh cảm nhận rất rõ mối hiểm nguy đang sắp chụp lên mình.

Trong nỗi hoang mang, anh thốt lên, các người làm gì tôi?

Một người trong bọn họ, có vẻ là chỉ huy của nhóm, khoát tay ra hiệu anh im lặng.

Nhưng tôi chẳng hiểu gì cả, anh nói.

Bọn người kia chẳng nói gì.

Bọn họ thong thả chuẩn bị đồ lề cho một công việc. Anh nằm im, kín đáo quan sát nhưng trong không gian mờ tối u u anh không nhìn thấy gì nhiều, ngoài những cái bóng trăng trắng là thứ trang phục bọn họ khoác trên người cứ di động qua lại bên cạnh anh. Có vẻ bọn họ đang chuẩn bị cho một cuộc giải phẩu. Nỗi sợ cứ dâng lên, dâng lên mỗi lúc đầy ứ trong anh khiến anh hầu như tê liệt. Khi bọn họ tiến lại và chạm vào người anh, anh hoảng loạn gào lên: Không … Không …

Một người đàn ông bịt miệng anh lại bằng bàn tay rắn như gọng kìm. Anh bất lực, buông xuôi.

 Rồi chẳng cần gây mê, thậm chí, gây tê hoặc sử dụng một phương pháp làm giảm đau cổ điển hay truyền thống nào, bọn họ đè anh ra và bằng phương pháp rất thủ công, rất cổ diển, rất truyền thống khâu miệng anh lại. Anh đau đớn ngất đi. Tỉnh lại, lại ngất đi. Bọn họ làm thật lâu, dường như bất tận. Khi tỉnh lại, anh thấy miệng mình đau nhức vô cùng và việc đầu tiên là anh dè dặt mở miệng nhưng anh bàng hoàng nhận ra rằng anh không sao điều khiển môi và hàm của mình được. Anh liền đưa tay thận trọng sờ soạng môi mình, cố tìm hai bờ môi như nó vốn có nhưng anh  sững sờ nhận ra rằng môi mình không còn cái hình dạng ban đầu của nó. Anh muốn hét lên nhưng khi hàm vừa cử động miệng đau nhói, anh liền nén lại. Tự dưng nước mắt anh trào ra. Trong anh chợt bừng lên cái ý muốn được nhìn thấy mặt mình, nhìn thấy miệng mình, nơi mà giờ đây anh không biết nó biến đổi như thế nào sau khi bị khâu lại. Anh nhìn quanh cố tìm một chiếc gương hoặc một cái gì đại loại như thế có thể phản chiếu hình ảnh để anh được nhìn thấy miệng mình nhưng chung quanh chỉ toàn bóng tối.  Sau rốt, anh buông xuôi, nằm lặng trên bàn.

Bọn họ giữ anh trong cái chốn ẩm thấp, tối tăm, mốc meo này bao lâu anh không biết. Trong ánh sáng mờ mờ, anh như mất hết ý niệm về thời gian. Tuy vậy, với cái đầu đã trở nên mụ mị của mình, anh vẫn nhậân thấy một khoảng thời gian dài có chút ánh sáng như là ánh sáng ban ngày ngoài kia cố len qua những khe hở của căn hầm để lọt vào khoảng không anh nằm rồi sau đó bóng tối bao trùm rất lâu và giờ đây ánh sáng lại bắt đầu len trở lại. Có lẽ, đã một ngày một đêm rồi.

Đơn giản miệng chỉ dùng để nói và ăn. Khâu nó lại là cắt tiệt đường ăn, đường nói. Với anh, không nói được đã là vấn đề nhưng không ăn được mới là thảm hoạ

 Anh đói lắm. Dạ dày anh đau thắt từng cơn. Mồ hôi rỉ ra, anh choáng, hết đợt này đến đợt khác, nó hệt như những đợt sóng dâng lên rồi rút đi. Thời điểm ngọn sóng dâng lên là lúc anh nghĩ mình sẽ chết.

 Nhưng ấy chỉ là những ngày đầu. Bọn họ đã có giải pháp cho việc tiếp năng lượng vào cơ thể anh bằng cách dẫn truyền thức ăn thông qua  một đường ống dẫn sâu vào dạ dày. Hình như bọn họ không muốn anh chết mà chỉ làm cho anh không nói được.

Anh muốn hỏi  người đàn ông  luôn đứng bên cạnh chĩa mắt vào anh vì sao bọn họ khâu miệng anh lại nhưng anh không sao tách đôi môi được. Anh dùng tay ra dấu nhưng gã lắc đầu không hiểu hoặc cũng có thể gã làm ra vẻ không hiểu. Anh lại diễn tả bằng mắt nhưng mắt anh rất mơ hồ trong ánh sáng tù mù và chẳng nói được điều gì, ít ra là với người đàn ông lạnh lùng kia.

Người đàn ông  đưa cánh tay dài, hẳn là gân guốc, phác ra một động tác như là mệnh lệnh: anh hãy chấp nhận, đừng phản kháng vì rằng sẽ chẳng có kết cục tốt đẹp cho hành vi của mình và sẽ không có một lời giải thích nào về thứ thông tin anh đđang tìm kiếm.

Anh tuyệt vọng nằm im với nỗi đớn đau, dằn vặt không nguôi. Anh phó mặc cho mọi chuyện đưa đẩy.

Bọn họ còn giữ anh lại một thời gian lâu nữa. Dường như, bọn họ muốn chứng kiến trọn vẹn một cuộc phẩu thuật hoàn hảo. Sau đó, cũng bằng cái cách đưa anh đi, bọn họ đưa trả anh lại nhà.

Việc đầu tiên của anh là đến cơ quan chức năng để trình báo vụ việc. Tất cả tình tiết vụ việc được tường thuật bằng ngôn ngữ viết của một đơn trình báo dài mà không được khai thác bằng ngôn ngữ nói giữa cán bộ điều tra với người bị hại để làm sáng tỏ thêm vấn đề. Sau khi tiếp nhận đơn trình báo, cán bộ thụ lý điều tra vụ việc đưa tay nâng cằm người bị hại xem xét rất kỹ vết thương mà giờ đây đã kéo da non. Anh ta có vẻ nghi  ngờ tính xác thực của vụ việc. Dường như, bao nhiêu năm lăn lộn trong nghề anh ta chưa từng gặp một trường hợp nào lạ lùng như thế này và anh cũng chưa từng đọc thấy trong án văn đề cập đến một vụ án khâu miệng. Tuy nhiên, điều không thể phủ nhận là miệng đương sự đã bị khâu lại rất chắc và tất nhiên không phải do đương sự khâu vì rất rõ không ai tự khâu miệng mình. Đã đủ yếu tố để kết luận đây là một vụ án hình sự.

Chúng tôi sẽ điều tra, nhân viên điều tra nói.

Anh  đặt tất cả hy vọng vào lời hứa của nhân viên điều tra.

Bước tiếp theo, anh tìm đến y học. Anh muốn y học can thiệp, trả lại miệng cho anh. Anh nghĩ, chỉ cần một vết rạch và với thành tựu của giải phẩu học hiện đại, thầy thuốc sẽ dễ dàng hoàn trả lại miệng cho anh. Với tính cẩn trọng cần thiết của nhà khoa học, Bác sĩ chuyên khoa nghiên cứu rất kỹ về vết thương của anh…

Chẳng hiểu nó may bằng cái thứ quỷ quái gì, bác sĩ chuyên khoa nói.

Cảm nhận được tính chất phức tạp của vết thương, bác sĩ chuyên khoa đề nghị hội đồng y khoa tiến hành hội chẩn.

Chỉ cần rạch ra và tạo hình thẩm mỹ là xong, một thành viên hội đồng nói.

Không hẳn đâu, bác sĩ chuyên khoa nói.

            Dao trâu mà sợ mổ gà sao? Một thành viên hội đồng khác, nói.

            Các vị cứ nhìn kỹ vào mà xem. Không đơn giản như các vị nghĩ đâu.

            Điều các vị trong hội đồng y khoa quan tâm không phải là sự phức tạp mang tính y học của vết thương mà là tác nhân gây ra vết thương. Lần đầu các vị mục sở thị một con người bị khâu miệng. Đây có thể hiểu là một sự trả thù hèn mạt. Cũng có thể hiểu là một sự kiện lạ lùng, đầy bí ẩn…

            Có gây thù chuốc oán với ai không? Một vị trong hội đồng hỏi.

Anh lắc đầu.

Vô lý. Rất rõ đây là một hành động trả thù bỉ ổi, một vị nói.

Đang tồn tại một băng nhóm tội phạm, một vị khác nói.

Hay là người ngoài hành tinh đã xuất hiện? Một bác sĩ trẻ nói.

Hoang đường, một vị nói.

Nằm trên giường bệnh, anh suy nghĩ rất lung về hoàn cảnh của mình, soát xét toàn bộ những mối quan hệ của anh với cuộc sống, với tất cả những người anh quen biết nhưng anh không tìm thấy sự thù địch nào từ các mối quan hệ.

            Dù chưa có cơ sở để kết luận về phương pháp và chất liệu tạo ra sự kết dính của vết thương,  hội đồng y khoa vẫn quyết định tiến hành phẩu thuật.

            Vết thương rồi cũng được bác sĩ chuyên khoa khéo léo rạch ra. Người ta nhanh chóng cầm máu và sử dụng tối đa phương tiện chống nhiễm khuẩn. Theo kế hoạnh, cần có một khoảng thời gian đủ để vết thương kéo da non để người ta tạo hình thẩm mỹ nhiều lần trên làn da mong manh ấy.

Điều kỳ lạ là cùng với việc lành mau, hai bờ của vết cắt cứ dính nhanh lại tựa như có chất keo gắn chúng vào nhau. Khi vết thương vừa kéo da non thì miệng của anh chỉ còn là một đường lằn như lúc chúng chưa được bác sĩ chuyên khoa xẻ ra.

Người ta tiếp tục hội chẩn nhưng rõ là cuộc phẩu thuật đã thất bại và anh vẫn phải nằm viện để các bác sĩ tiếp tục theo dõi.

Đang tồn tại một thế lực đen tối, một vị trong hội đồng nói.

 

Đến ngày thứ ba trên chiếc giường dơ bẩn, nhàu nát, tanh mùi máu khô trộn lẫn mùi mồ hôi ủ lâu ngày, mùi thuốc sát trùng, mùi vết thương hoại tử, anh cảm thấy ngày, đêm bắt đầu trôi chậm. Anh không nghĩ ngợi được điều gì nhiều, ngoài một nỗi lo sợ mơ hồ cứ luôn ám ảnh anh: không biết miệng anh rồi sẽ ra sao? Vụ việc không bình thường của anh sẽ khiến người ta làm ầm lên và nhiều người sẽ kéo đến và anh sẽ là nạn nhân của trò đàm tiếu của thiên hạ. Đến ngày thứ bảy, người ta mổ lại cho anh nhưng nỗ lực đẩy mạnh những  hoạt động y học cuối cùng đều không kết quả: cái hiện tượng vết cắt dính nhanh lại cứ diễn ra bất chấp những cố gắng của thầy thuốc…Anh còn phải nằm viện một thời gian lâu.

Điều anh lo sợ đã đến. Với một sự kiện vô cùng đặc biệt lại chịu sự tham gia và chi phối của nhiều người thì vấn đề rò rỉ thông tin chỉ còn là vấn đề thời gian. Và thông tin đã rò rỉ. Anh không biết nó thoát ra từ đâu: từ cơ quan điều tra hay từ bệnh viện? Những người bảo vệ và thực thi pháp luật rất kín miệng. Nhưng không thể loại trừ những trường hợp ngoại lệ – miệng lưỡi con người biết đâu mà lường. Vả lại, tại thời điểm anh trình báo,  cơ quan điều tra cũng chưa đánh giá đúng mức tính chất nghiêm trọng của vụ việc. Thậm chí, một tay nhân viên còn nhìn anh với ánh mắt đầy ngờ vực. Vậy thì không có gì đảm bảo chắc chắn rằng thông tin không được lọt ra từ cơ quan thực thi pháp luật. Tuy vậy, anh hiểu, khả năng thông tin bị rò rỉ từ cơ quan điều tra là không nhiều. Rất có thể, không, chắc chắn thông tin đã thoát ra từ bệnh viện, nơi các biện pháp và công cụ kiểm soát thông tin nội bộ rất lỏng lẻo, nơi các thầy thuốc đã đối mặt với thất bại nghề nghiệp và cái hiện tượng y khoa không thể giải thích kia mặc nhiên phải được trở thành một vụ xì-căng-đan.

Bây giờ, thì đám nhà báo đã ùn ùn kéo về và vây chặt lấy anh. Bọn họ lăng xăng phỏng vấn nhưng chợt nhận ra đối tượng phỏng vấn không có miệng để trả lời, bọn họ đề nghị anh dùng bút để viết. Bọn họ cũng đề nghị anh sử dụng computer, thứ công cụ phục vụ đắc lực nghề báo trong thời đại công nghệ thông tin mà bọn họ luôn mang theo bên mình. Anh lắc đầu từ chối. Bọn họ nài nỉ rồi ép buộc nhưng chẳng kết quả. Sau rốt, bọn họ quay phim, chụp ảnh và với những thông tin họ thu thập được thông qua những người mù tịt về sự kiện người bị khâu miệng bằng khả năng khai thác thông tin chuyên nghiệp của nhà báo và bằng trí tưởng tượng họ hư cấu nên những tác phẩm báo chí giật gân để chuyển tải trên các kênh truyền thông. Tác dụng thấy rõ: sự thật của câu chuyện liền bị bóp méo và nó biến dạng theo trí tưởng tượng của từng người tiếp nhận và tường thuật lại câu chuyện ấy cho người khác nghe. Hàng đoàn người lũ lượt kéo về bệnh viện. Điều kích thích trí tò mò của đám đông không chỉ là việc nạn nhân bị khâu miệng mà chính là sự lạ lùng của việc vết mổ cứ dính liền lại bất chấp những nỗ lực tách rời của đám thầy thuốc. Những ngày đầu, lượng người đổ về còn ít lại không dự lường tình huống, thiếu sự chuẩn bị, những vị quản lý bệnh viện miễn cưỡng để cho đám người hiếu kỳ tiếp cận bệnh nhân và xem đấy như một sự quấy rầy có thể chấp nhận.

 Những vị khách không mời cứ săm soi nạn nhân như thể săm soi một con vật bị thương. Có vị còn đưa tay sờ vào vết thương của nạn nhân. Mắt anh muốn toé lửa. Mắt anh bảo: Cút hết đi lũ khốn nhưng đám người ô hợp này không màng hoặc chẳng hiểu gì cả. Và khi anh cầu cứu bệnh viện can thiệp để anh được yên thì đã quá muộn: không gì có thể ngăn được dòng người đông nghịt nối nhau như nước lũ đổ về bệnh viện. Anh trốn chạy khỏi bệnh viện. Người ta truy tìm. Anh lại rời khỏi nhà và tìm được một nơi trú ẩn an toàn: ấy là khu rừng ở phía tây thành phố. Một nơi xa chốn thị thành, việc tiếp năng lượng cho cơ thể bằng cách tuồn thức ăn thông qua một đường ống dẫn khiến anh gặp khó khăn vô cùng. Nhưng cuối cùng anh vẫn khắc phục được. …

Anh giam mình trong khu rừng hơn ba tháng.

Rồi cơn điên tập thể cũng lắng xuống. Anh trở về nhà và, sau đó, dù anh công khai xuất hiện ở nơi chốn đông người vẫn không có ai quan tâm đến anh. Dường như câu chuyện người bị khâu miệng đã bị đám đông mặc nhiên nhấn chìm vào quên lãng.

Anh gắng thu xếp mọi chuyện để trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng quả thực, với một người bị khâu miệng, kiếm miếng ăn là điều vô cùng khó khăn. Vác đơn đi xin việc ở đâu anh cũng bị người ta thẳng thừng từ chối cứ như cái miệng bị khâu của anh sẽ đem xui xẻo đến cho họ, dẫu rằng, anh thấy trong mắt họ luôn có chút gì như là cảm thông, như là thương hại.

Cái công ty anh làm việc trước khi anh bị bắt đi và bị khâu miệng có quan tâm đến vụ việc của anh bằng những lời an ủi, động viên và quyên góp ủng hộ nhưng sau rốt họ nhanh chóng sa thải anh với lý do bệnh tật. Anh hiểu, công ty viện dẫn lý do bệnh tật là để tránh làm tổn thương anh. Thật ra, bọn họ cho anh nghỉ việc chỉ vì bây giờ anh là người không có miệng. Khuôn mặt dị dạng của anh sẽ làm xấu hình ảnh công ty và hẳn sẽ tạo ra hàng loạt những rắc rối do việc không nói được mang lại.

 Công ty bù đắp thiệt hại cho anh bằng một khoản trợ cấp có vẻ kha khá nhưng thật ra chẳng nhiều nhặng gì với chuỗi ngày dài sắp tới anh không có việc làm lại phải chi phí nhiều khoản do hậu quả của việc khâu miệng mang lại.

Dẫu sao, anh vẫn chưa đến bước đường cùng. Anh vẫn còn có cái để sống. Để vợ ở lại trong căn nhà hẹp ở thành phố, anh chuyển về quê, nơi anh sinh ra và lớn lên, cách thành phố khoảng ba mươi cây số để trú thân. Thỉnh thoảng, anh đi về với vợ. Bằng công việc làm vườn trên diện tích ba sào đất được thừa tự từ người cha suốt đời ăn đói nhịn khát dành dụm, tích góp được, anh sắp đặt lại cuộc sống của mình và theo ngày tháng anh dần lấy lại thăng bằng. Anh nghiệm ra rằng định luật bảo toàn và biến hoá năng lượng không chỉ đúng cho vạn vật mà nó còn đúng cả với chính bản thân anh. Mắt anh sáng hẳn ra.  Anh thấy mình có thể giao tiếp và diễn đạt ý tưởng hoặc truyền đạt thông điệp một cách rõ ràng, tường minh bằng mắt như khi anh sử dụng ngôn ngữ nói lúc miệng anh chưa bị khâu. Tai anh cũng thính nhạy hơn. Đặc biệt, đầu óc anh minh mẫn hẳn. Những điều trước đây còn mơ hồ, khó hiểu, giờ đây, với anh, bỗng dưng được sáng tỏ. Anh tiếp nhận vấn đề và nhận chân vấn đề một cách dễ dàng, khúc chiết, mạch lạc. Sự rối rắm dường như tiêu biến. ..Thậm chí, anh còn phát hiện ra mình có một vài khả năng ..

Anh kết bạn với những người làm vườn, những người lao động để kiếm miếng ăn kết hợp với thú tiêu khiển trong các ngón nghề … bằng chút kiến thức …Anh làm quen với những nông dân…

Cuộc sống cứ thế trôi đi. Anh cứ tưởng mọi buồn đau, mọi phiền toái rồi cũng qua đi nhưng trong anh luôn bật lên một tiếng nói mách bảo anh rằng  anh vẫn chưa thể thích nghi với tình thế hiện tại và anh cũng chưa thểõ chấp nhận cái sự thật phi lý kia bất ngờ giáng xuống đời anh.

 

Anh vẫn không thể chịu đựng thêm được nữa …, một hôm mắt anh nói với vợ.

Vợ anh không nói gì.

Anh đưa hai bàn tay đặt lên thái dương vợ, nâng khuôn mặt vợ lên. Anh đặt mũi mình lên má vợ dụi dụi rồi ghì mạnh như cố tận hưởng mùi da thịt nồng nàn quen thuộc của vợ. Trước đây, khi còn miệng, anh không làm thế. Hôn môi và lưỡi anh thấy mới ngọt ngào làm sao. Bao giờ làm tình lưỡi anh và vợ cũng quấn chặt lấy nhau cứ như môi và lưỡi mới đẩy chuyện ấy đến tuyệt đỉnh lạc thú.

Lần khác, anh lại lấy mũi mình ngửi ngửi khuôn mặt vợ. Vợ anh đáp lại nhưng anh cảm thấy không còn nồng ấm như ngày nào. Không phải đây là lần đầu, một vài lần trước anh đã cảm nhận cái cảm giác như là hờ hững, như là thờ ơ ở vợ, tuồng như trong vợ đang diễn ra một sự thay đổi, một sự thay đổi theo chiều hướng mà anh thấy rõ là sẽ rất tiêu cực cho quan hệ hôn nhân của anh, dù vợ anh cố tỏ ra vẫn háo hức, nồng nhiệt.

Anh như thế này có làm chuyện ấy …? Lúc sau, mắt anh nói.

Không đâu … Em vẫn thấy bình thường.

Nhưng mà chuyện này …Anh không thấy bình thường. Em cũng không thể bình thường. Em không thấy bình thường phải không?

Đó không phải là điều anh muốn mà.

Anh không hiểu vì sao bọn chúng …?

Vợ anh im lặng.

Anh vẫn không hiểu …

Vợ anh không nói gì.

Anh muốn hiểu. Anh muốn biết. ..

Anh đừng nữa, đừng nữa.

Vợ anh có vẻ cáu.

Chẳng lẽ bọn họ khâu miệng anh chỉ vì anh có khả năng diễn đạt rõ ràng, đầy đủ điều anh muốn diễn đạt? Vì anh có năng lực hùng biện? Vì anh luôn phơi bày sự thật một cách mạnh mẽ bằng ngôn ngữ nói? Trước đây, anh cảm ơn trời đất, cảm ơn cha mẹ đã cho anh một khả năng diễn đạt và anh rất tự hào về tài ăn nói của mình. Điều khiến anh cứ mãi day dứt là khả năng diễn đạt của anh thì có ảnh hưởng gì đến bọn người kia?...Nhưng đã hẳn vậy không? Tất cả vẫn chỉ là sự suy diễn. Vây thì vì sao bọn người kia lại khâu miệng anh?

 

 

Ngày nọ, bọn người kia lại đến. Nhìn vẻ mặt lạnh lùng của bọn họ, anh hiểu anh đang phải đối mặt với điều chẳng lành nhưng, dù đầu óc giờ đây minh mẫn, anh vẫn không thể biết bọn họ sẽ làm gì anh sau những gì tồi tệ họ đã gây ra cho anh.

Vẫn là cái cách lần đầu bắt anh, không một lời giải thích, bọn họ nhanh chóng đưa anh đi. Bọn họ chọn thời điểm người nhà anh đi vắng, hàng xóm anh đi vắng để bắt anh,  cứ như mọi thứ đã được sắp đặt để tránh những cản trở phiền phức thường thấy trong các cuộc vây ráp, bắt bớ. Anh không thể phản đối. Anh lẳng lặng làm theo. Anh có cảm giác ý chí phản kháng của mình tê liệt.

Anh cứ nghĩ bọn họ sẽ lại đưa anh đến cái nơi ẩm thấp, tối tăm đã từng khâu miệng anh nhưng khi họ đưa anh ra khỏi chiếc xe bịt bùng thì anh hiểu anh đã bị đưa đến một nơi chốn khác, một nơi chốn xa lạ, dường như không có đường biên, không có giới hạn với rặt một thứ ánh sáng nhờ nhờ đơn điệu, thứ ánh sáng luôn khiến người ta căng thẳng, phát điên, mất phương hướng và tiêu tan ý chí. Bọn họ đặt anh ngồi lên chiếc ghế rất kỳ quái được chế tạo từ  thứ vật liệu anh chưa hề nhìn thấy. Dù đã có kinh nghiệm đau đớn trong tra tấn anh vẫn không chế ngự được nỗi sợ cứ cồn lên trong anh.

Các người sẽ làm gì tôi? Mắt anh luôn nói. Nhưng bọn họ không quan tâm hoặc chẳng cần quan tâm.

Bọn họ khoá mình và đầu anh vào những chiếc gọng tự động rất sít sao, rắn chắc. Người anh bất động, đầu cứng đờ và mắt chỉ nhìn về một hướng. Phía trước anh, người ta có vẻ như không đặt gì cả nhưng, thật ra, anh biết, bọn họ đang đặt một thiết bị phát ra thứ ánh sáng vô hình thu hút ánh nhìn của anh.  Anh không hiểu bọn họ làm như thế để làm gì. Lúc đầu, anh thấy choáng. Về sau, anh dần mất hết cảm giác, mất hết ý niệm về thời gian và không gian. Sau rốt, anh thấy đầu óc mình trống rỗng tựa như có chiếc muỗng nạo sạch trí óc anh. Anh lơ lửng, lơ lửng đến vô tận. Anh cố định thần, cố xác định, cố kéo lại nhưng anh cứ trôi đi, trôi đi, trôi mãi. Cuối cùng, anh thấy mình dừng lại và anh nhận ra rằng mình đang ngồi trên chiếc ghế kỳ quái với thứ ánh sáng vô hình đang chiếu rọi vào anh song giờ đây thứ ánh sáng ấy chẳng làm anh nao núng. Anh hướng thẳng vào chúng mà không hề hấn gì. Bọn họ đặt anh ngồi như thế thật lâu cứ như bọn họ muốn kéo dài thời gian thử thách anh với thứ ánh sáng vô hình kia.

Hẳn là lâu, anh nghĩ. Vì rằng trong thứ ánh sáng nhờ nhờ anh không thể xác định được ngày và đêm nhưng anh có thể đo độ dài thời gian bằng những cơn đói và bằng việc bọn họ tiếp thực phẩm vào dạ dày của anh.

Trong khoảng thời gian anh bất động trên chiếc ghế, người ta  gắn vào đầu anh một thứ thiết bị dù nhỏ nhắn nhưng cũng kỳ quái như chiếc ghế anh ngồi. Một nhóm ba người cứ đều đặn, nhiều lần đến mở thiết bị nhìn và ghi chép. Có vẻ, bọn họ đang đo đạc đầu óc anh. Quan sát vẻ mặt và thái độ của bọn họ, anh hiểu bọn họ không hài lòng với kết quả thu được. Lần cuối cùng trước khi họ chuyển anh đến ngồi vào một chiếc máy khác, bọn họ lộ rõ vẻ thất vọng.

Các người muốn gì ở tôi? Mắt anh nói.

Một lần nữa, chẳng ai quan tâm đến anh.

Chiếc máy thứ hai này không làm anh đau đớn nhưng nó cứ gõ đều đều vào thính giác anh thứ âm thanh lạ lùng: không trầm, không bổng, không rõ âm sắc … Nó lùng bùng, lụp bụp. Nó khiến anh rã rời, không sao cưỡng được cơn buồn ngủ. Mắt anh cứ díp lại. Dù cố mở to mắt và tự nhủ đừng để mình lịm sâu vào giấc ngủ anh vẫn luôn có nguy cơ chìm vào cõi vô thức…Giật mình, anh định thần rồi anh ngúc ngắc đầu cố xua đi cơn buồn ngủ đang vây chặt lấy anh. Nhưng mọi nỗ lực của anh đều thất bại. Anh thấy mình chìm nhanh vào giấc ngủ, nó tựa như cái cảm giác người ta tiêm vào anh chất gây mê trong ngày anh phải cắt bỏ ruột thừa vào mùa đông năm ấy.

Anh không biết mình đã lịm đi bao lâu. Khi anh tỉnh lại, bên tai anh vẫn là thứ âm thanh lạ lùng kia, chúng không hề thay đổi. Anh lịm đi rồi tỉnh lại. Cứ thế, anh luôn chuyển đảo trong trạng thái tỉnh, ngủ. Lần tỉnh lại sau cùng, anh gắng quan sát: chung quanh anh không một bóng người. Ngồi lặng đi một lúc lâu, anh nhận ra rằng, cái âm thanh lạ lùng bên tai không làm anh rã rời, buồn ngủ nữa.

Đặt anh trên chiếc ghế thứ hai, bọn họ cũng gắn vào đầu anh một thứ thiết bị nhưng thứ thiết bị này trông có vẻ cồng kềnh và phức tạp. Thiết bị được nối vào một sợi dây có màu sắc rất lạ mắt  dẫn đến một nơi nào đó ở cuối tầm nhìn, anh không thể quan sát được. Không còn nghi ngờ gì nữa, rõ ràng, bọn họ đangï theo dõi từ xa diễn biến bên trong cái đầu của anh. Bọn họ muốn đo đạc và kiểm soát đầu óc anh. Nhưng bọn họ làm thế để làm gì? Phải chăng anh đang là vật thí nghiệm?

Các người thật là tàn bạo, mắt anh nói khi nhóm người kia đến tiếp thức ăn cho anh.

 Bọn họ không nhìn anh. Vẻ mặt của bọn họ lúc này trông nặng như chì. Trước đây, mặt mày bọn họ chỉ độc một vẻ lạnh lùng hệt như nó được đúc ra từ một chiếc khuôn. Hẳn đã xảy ra điều gì đó khiến bọn họ khó chịu. Có thể thấy rõ bọn họ đang trút nỗi bất mãn và bực tức  lên các động tác tiếp thức ăn cho anh.

Sau lúc tiếp thức ăn, bọn họ đứng ra xa, xầm xì điều gì đó có vẻ bí mật lắm. Lâu lâu, bọn họ lại nhìn anh. Anh hiểu, bọn họ đang bàn tán về mình.

Bọn họ bắt anh ngồi trên chiếc ghế thứ hai thật lâu, lâu hơn nhiều khoảng thời gian  anh ngồi trên chiếc ghế thứ nhất. Nhưng điều lạ lùng là thứ âm thanh đều đều như gõ nhịp kia không còn mảy may làm anh buồn ngủ nữa: anh thức ngủ với nhịp điệu sinh học bình thường của một con người trong trạng thái sức khoẻ bình thường. Cuối cùng bọn họ bỏ cuộc. Bọn họ tháo gỡ thiết bị và đưa anh rời ghế.

Tôi trở về nhà được chưa? Mắt anh nói. Chẳng ai đếm xỉa anh.

Anh lại dùng ngôn ngữ cơ thể để diễn đạt nhưng chẳng kết quả: vẫn không ai quan tâm anh.

Ngoài dự đoán của anh, lần này, bọn họ lại chuyển anh đến một chiếc bàn. Lại một chiếc bàn! Anh chết điếng. Bọn họ đặt anh nằm lên bàn. Bên cạnh, mọi thiết bị cho một cuộc đại phẩu đã được chuẩn bị sẵn. Anh gào lên nhưng tiếng gào không thể thoát ra ngoài, nó lục bục khắp cả bên trong cơ thể anh. Cái ê-kíp cho cuộc đại phẩu này trông thật hùng hậu. Anh hỗn loạn đếm: hình như có cả chục người. Bọn họ mặc rặt một màu đỏ. Rõ ràng, bọn họ không tuân thủ thứ trang phục quy ước của ngành y. Lẽ nào, bọn họ là những người ngoài hành tinh muốn thực hiện những thí nghiệm khoa học trên thân thể  người trái đất mà anh là nạn nhân bất hạnh đầu tiên?

Người ta để anh nằm thật lâu và thỉnh thoảng tiêm vào anh một thứ chất lỏng màu vàng. Như vậy là rõ rồi, bọn họ muốn anh nghỉ ngơi lấy lại sức, đồng thời, bơm thuốc bổ tăng lực cho anh để chuẩn bị một cuộc phẩu thuật lớn. Anh thấy tình thế của mình nó hệt như tên tử tù vào giờ phút cuối trước khi bị đưa ra pháp trường.

Và giờ phút ấy đã đến. Vẫn chỉ là cách thức truyền thống, người ta gây mê anh bằng cách tiêm vào tĩnh mạch của anh một thứ chất lỏng trong vắt. Chỉ trong chốc lát, anh không còn cảm biết thế giới chung quanh.

Khi tỉnh lại, anh lơ mơ thấy đầu đau nhức. Anh đưa cánh tay yếu ớt sờ đầu và nhận ra rằng đầu mình quấn đầy bông băng. Thế là người ta đã xẻ đầu anh ra rồi. Có thể người ta đã nạo. Có thể người ta đã tẩy rửa. Có thể người ta đã cắt bỏ một phần não bộ anh. Cũng có thể người ta đặt vào bên trong đầu anh một thứ gì đó. Nhưng, người ta làm thế để làm gì? Có trời mới biết! Nếu anh có thể giải thích người ta mổ đầu anh ra để làm gì thì anh đã có thể giải thích toàn bộ những điều tàn khốc mà bọn họ đã gây ra cho anh. Không, anh chẳng hiểu gì cả. Anh chẳng biết gì cả.

Vết thương thật lâu mới lành. Bọn họ giữ anh lại và tiếp tục điều trị cho anh. Có vẻ bọn họ sợ anh bị nhiễm trùng. Cũng có thể vì một lý do nào đó. Trong cái không gian không màu sắc, lần đầu, anh mới cảm nhận hết cái lê thê của thời gian. Anh thấy thời gian đi vào anh, ngấm vào máu thịt anh, thẩm thấu vào trí não anh, gặm nhấm, gặm nhấp anh từng giây, từng phút. Anh thấy mình tan ra, biến đi trong cái cảm giác đớn đau chất ngất.

Nhưng cuối cùng bọn họ cũng phải đưa trả anh về nhà. Lần này, anh giấu nhẹm vụ việc, không trình báo, không cầu cứu, không nhờ đỡ can thiệp. Anh chỉ kể lại cho vợ nghe nhưng với câu chuyện không đầu không cuối, đầy tình tiết phi lý, câu chuyện luôn khiến người nghe tiếp nhận nó như một điều bịa đặt. Điều đó, đẩy nhanh quyết tâm ra đi của vợ anh. Chỉ đúng vỏn vẹn một tuần sau khi anh được bọn người kia trả lại nhà, vợ anh lặng lẽ bỏ đi không một lời từ giã. Đó là một buổi sáng cuối thu, sắc trời hơi xỉn trong thời điểm chuyển mùa. Khi anh thức dậy sau một đêm trằn trọc đến gần sáng không thấy vợ có nhà, anh cứ nghĩ vợ đi đâu đó ra ngoài. Nhưng đến chiều, tối và ngày hôm sau không thấy vợ về, anh hiểu ra tất cả: trong cái đêm anh trằn trọc hình như vợ anh cũng trằn trọc và vợ anh đã quyết định nhỏ thêm giọt nước cuối cùng để làm nước tràn ly. Đối mặt với cái sự thật đớn đau anh không thấy ngạc nhiên, chỉ hơi có chút hụt hẫng. Từ sau thời điểm bị khâu miệng, anh đã nhìn thấy rõ cái kết cục kia đang tiến gần mình và anh hiểu sớm muộn gì thì anh cũng phải chấp nhận nó.

Dẫu sao, anh vẫn phải sắp xếp cuộc sống cho mình. Anh bán hẳn căn nhà hẹp ở thành phố với số tiền kha khá. Một phần số tiền anh gửi vào ngân hàng, một phần khác anh mua vàng, phần còn lại anh đầu tư vào sinh vật cảnh. Toàn bộ thời gian và tâm lực anh dành cho làm vườn, cho cây cảnh, cho non bộ … Anh không buồn, không muốn, không thèm nghĩ ngợi đến điều gì nữa. Với anh mọi thứ dường như đã kết thúc.

Anh luôn nghĩ, sau trận đại phẩu trí óc anh sẽ bị tổn thương nghiêm trọng nhưng điều lạ lùng, trí não anh vẫn không hề suy suyễn. Thậm chí, nó còn trở nên sáng suốt lạ thường. Anh thấy mình minh mẫn. Anh phát hiện ra mình có năng lực đọc được ý nghĩ người khác. Anh…

Chính cái sự minh mẫn, thông tuệ ấy cũng giúp anh nhận ra rằng mình vẫn đang phải tiếp tục đối mặt với tai hoạ. Mọi sự chuẩn bị, sắp đặt cho cuộc sống chỉ là giải pháp tình thế và nó hoàn toàn vô nghĩa vì rằng một ngày nào đó không xa bọn người kia sẽ lại đến bắt anh đi.Và anh chờ đợi.

Một ngày kia, một thông báo không chính thức được phát ra: B mất tích. Người ta vĩnh viễn không còn nhìn thấy anh nữa.

 

                                                                        Quy Nhơn 31/12/2009

 

 

Trần Văn Bạn
Số lần đọc: 1808
Ngày đăng: 17.01.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cánh cửa Boocđô - Hoàng Mai
Quá khứ dưới lớp tuyết mùa Giáng Sinh - Elena Pucillo Truong
Một cái Tết khó quên ! - Trạch An – Trần Hữu Hội.
Đau đáu Hoàng Sa - Phan Trang Hy
Bên bãi đời quạnh hiu - Thiện Phạm
Kẻ không an nghỉ ngàn thu - Vũ Anh Tuấn
Chuyện trồng rừng - Khaly Chàm
Tiếng hát đêm Noel. - Trạch An – Trần Hữu Hội.
Tiếng cười trên facebook - Phan Trang Hy
Bầy Cáo Bạc (Alice Munro) - Nguyễn Đức Tùng
Cùng một tác giả
Thế giới mùi vị (truyện ngắn)
Lửa (truyện ngắn)
Về một sự thật (truyện ngắn)
Cái đuôi (truyện ngắn)
Tái sinh (truyện ngắn)
Điều con muốn biết (truyện ngắn)
Lưỡng tính (truyện ngắn)
Bảy sắc cầu vồng (truyện ngắn)
Khuôn mặt phòng họp (truyện ngắn)
Lụt (truyện ngắn)
Một vụ hiếp dâm 2 (truyện ngắn)
Một vụ hiếp dâm 1 (truyện ngắn)
Thây ma (truyện ngắn)
Mưa (truyện ngắn)
Ông Già và Con Ngựa (truyện ngắn)
Khâu miệng (truyện ngắn)
Án văn (truyện ngắn)
Dao và thớt (truyện ngắn)