Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.318 tác phẩm
2.746 tác giả
457
115.867.977
 
Nguyễn Hòa của VCV
Nguyễn Hồng Nhung

                                          

 

 

Rất rất nhiều lần tôi định viết về anh, ngay từ lúc nghe tin anh đi cấp cứu cuối năm ngoái, rồi sau lần gặp anh đang hồi phục tại nhà đầu năm nay, nhưng không viết nổi. Hôm nay chợt nhìn tấm ảnh cũ có anh, thoáng chút ưu tư…muốn gõ phím….

Đời sống luôn luôn là sự bất ngờ, không báo trước, nếu thiếu tính chất này, không còn là đời sống nữa- để bù đắp cho cái vọng ước về cõi vĩnh hằng của lý trí người. Và từng ngày sống như thể chính là hình ảnh Thần Chết xương xẩu mang nụ cười nhăn nhở luôn sát cánh cùng ta.

Dù ta có sử dụng hay không vũ khí duy nhất của con người trước thiên hình vạn trạng biến hóa  đời sống: BIẾT ĐAU - cũng thế mà thôi.

 

Nhớ hồi đầu năm cùng BHV đến thăm anh tại nhà riêng. Một người bé nhỏ, gầy gò, mặc quần đùi, áo ngắn tay nằm trên giường, một cánh tay quặp chặt trước ngực không duỗi ra được, vừa nhìn thấy khách, anh nhỏm dậy (tự mình) và nở một nụ cười rất tươi.

Đặc biệt đôi mắt vẫn sáng ngời, cái tinh thần Nguyễn Hòa lung linh tỏa sáng từ đôi mắt ấy, khiến người bạn đi cùng tôi vui sướng thốt lên:

-          Nhìn kìa, Chúa không bỏ rơi Nguyễn Hòa đâu.

Anh không nói được, chỉ gật gật lắng nghe, đôi mắt tỉnh táo vui tươi nhìn từ người bạn này sang người bạn kia, anh hiểu hết, đôi khi, miệng mấp máy như muốn nói điều gì đó. Tôi đã giữ rất lâu, giữ mãi hình ảnh đôi mắt tươi cười của Nguyễn Hòa trong tâm khảm, nó xóa đi câu chua xót âm thầm cứ nhắc đi nhắc lại trong đầu trước khi đến thăm anh:”Ôi, khổ thân anh Hòa” –

Tôi vẫn nhớ, trước hôm anh „gặp nạn”, ở Việt nam lúc đó khoảng 2,3 giờ sáng tôi gặp anh trên mạng, tôi chào anh bằng câu thường lệ: „Em chào anh Hòa, anh chưa đi ngủ ư?”, chúng tôi luôn luôn chào nhau bằng câu này vì tôi có cảm giác lúc nào anh cũng ở trên mạng, nếu hỏi tiếp anh sẽ bảo anh đang đọc cái này hay lắm, em chờ đọc trên VCV nhé. Trò chuyện với anh trên mạng, chưa bao giờ thấy anh mệt mỏi, chán chường hoặc lung lay ý chí. Bởi đấy chính là lúc linh hồn trò chuyện với linh hồn mà, thân xác hữu hạn ơi, mi sao thấu hiểu thế giới bất tận trong sạch của linh hồn người?

 

Anh giống như sự hiện diện của một ngôi sao phương xa, lúc nào ngẩng mặt lên trời cũng nhìn thấy một ánh sáng xa lắc lơ nhấp nháy. Kể cả giờ đây, khi trên VCV không còn nhìn thấy dấu ấn trực tiếp của anh. Bởi vì cái ánh sáng tỏa ra từ trang web này chính là tinh thần của anh, mà ngay từ ngày đầu tiên quen biết anh, đã làm ta nể phục và yêu quý.

Tôi nhớ lần đầu tiên từ một người quen, tôi đọc mấy bài thơ của anh. Tôi rất ngạc nhiên: như thể mình lật giở những buồn vui lẫn lộn từ nhiều trang nhật ký của nhiều người góp lại- dấu ấn thời đại tôi là thế -như thể  không chỉ từ một con người, mà cả một dân tộc, cả một miền, cả một xứ cùng chung một uẩn khúc buồn vui giống nhau.

Dấu ấn của thế hệ tôi là thế, như bao quốc gia sau chiến tranh: đời sống chính trị muốn bao phủ lên tất cả, muốn làm cái toàn bộ, nhưng không nổi, không đủ sức, bởi nhân gian bị dìm nén, thế nào đấy vẫn cất cao tiếng kêu gọi hãy kiêu hãnh làm  người !

 

Mỗi lần ngắn ngủi gặp anh ở Sài Gòn, khắc sâu vào trí nhớ ta hình ảnh một đôi mắt thông minh, một nụ cười thật tươi, một cử chỉ ân cần chăm sóc bạn chu đáo, và bất tận dòng nhiệt huyết những câu chuyện về văn chương, nghệ thuật, thơ ca, đời sống. Cái tinh thần Nguyễn Hòa hẳn phải là một ánh sáng trong veo của THIỆN, mới tạo ra một hình hài chân thành và nhiệt tình như thế.

Tôi nhớ có những khoảng thời gian VCV của anh giống như một ngôi nhà đông khách: tưng bừng các giọng ca cá nhân đầy cá tính biểu lộ qua vô vàn đề tài sống động. Các tác giả buồn vui, mừng tủi gặp nhau trong căn nhà ấm áp này, riêng tôi, từ VCV  quen biết bao người cầm bút xuất sắc mà sau này dòng thời gian chỉ càng làm tình bạn, tình người giữa chúng tôi thêm sâu sắc.

Người đọc cũng hóa bạn bè, thành người quen thân, thậm chí sau ( tất nhiên) lại thành…tác giả.  Kết tụ nhau từ một mong muốn rất dản dị của Nguyễn Hòa, khi tôi hỏi anh tại sao lại làm web VCV, anh bảo:”Trước tiên để lũ trẻ nhà mình có cái đáng để ĐỌC.”

Anh hẳn không ngờ rằng: VCV đã trở thành một trong những bức minh họa thời đại tuyệt vời của CHỮ.

Thượng Đế như đang an ủi anh: chỉ nghỉ ngơi chút thôi, anh làm việc quá mệt rồi! cái tinh thần không bao giờ chùn bước của Nguyễn Hòa VCV có bao giờ TẮT?

…….

Hãy đọc lại cùng tôi vài ba bài thơ của anh Nguyễn Hòa VCV nhé, bạn đọc:

 

1-     Em đã về với mùa xuân

 

Anh có chín mươi bài thơ

Hết chín mươi bài buồn

Ráng làm một bài thơ thật vui cho người yêu mình đọc

Thơ của anh liệu có đủ màu để vẽ mùa xuân ?

Mùa xuân của anh dường như thiếu màu hồng ( ? )

Anh sẽ mượn chút màu môi em về vẽ lại

Thơ của anh dẫu có xanh xao chút đỉnh

Cũng sẽ hồng lên vì môi má của em

Một ít má môi em sẽ tặng cho anh ( ? )

Thơ của anh bây giờ như một ngai cung

Ngai cung không người nên ngai cung thật vắng

Có khi nào ngai cung không bình lặng (?)

Vì em đã khoan dung về ngự lại nơi này

Thơ của anh khi ấy, đứng rung chuông

Và hoan hỉ báo tin mùa xuân về đến

Cả chim hót, âm thanh và rất nhiều ngọn nến

Sẽ thắp lên để đón một người về

Người ấy về, thơ sẽ biến thành rượu say

Chuốc cho anh tưởng già đời thật ra thì vụng dại

Uống ngất ngưởng, uống tràn trề... ừ nhỉ !

Em mang về bao nhiêu hũ rượu ? Em thương !

 (05.7.1999)

 

2. Ở quán Bích Vân

 

Dẫu ánh sáng có hắt ra ngoài khung kính

Vẫn rất mờ một bóng ai qua

Vẫn rất mờ nên như thể phôi pha

Tụ lại ở một đầu tưởng nhớ

Nếu ánh sáng có hắt ra ngoài hình dáng

Cũng nhạt nhoà như thể rất xa

Như thể ấu thơ hoà lẫn tuổi già

Như chính chiều hôm đang về lững thững

 

3. Ở Bãi cát Bãi sau

 

Vẫn cứ ngồi yên và vẫn cứ lênh đênh

Cùng với biển đêm và lũ còng nho nhỏ

Còng tới gần ta mà chả hề e sợ

Vì nghĩ rằng ta và tượng như nhau

 

4. Ăn rất khuya ở 35 Thuỳ Vân

 

Bàn ghế ngó ta rồi ta ngó chúng

Một bữa cơm đã từ những bữa cơm

Đã từ bơ vơ và từ lẳng lặng

Nuốt cả cơm và cả cái lênh đênh

 

5. Rượu ngày

            (Tặng Vũ phong Lưu )

 

Cả một đời nhắp hoài ly rượu cạn

Gió phong trần thổi méo cả vành ly

Ta dốc hết giấc mơ vào đáy cốc

Rồi cười lăn xem như chuyện khật khùng.

Cả một đời tự xem là hèn sĩ

Mắng bâng quơ đàn chó lượn quanh thềm

Mà chó má sao cứ nhiều vô kể

Để ta hèn, nay cứ phải hèn thêm.

Thuở cha mẹ cho bát cơm kỳ vọng

Bước vào đời chan cay đắng mà ăn

Mơ nghiệp lớn đi cày từng luống chữ

Có ngờ đâu chữ nghĩa cũng khật khùng

Cả một đời nhắp hoài ly rượu cạn

Tráng sĩ hèn trùm thiên hạ chi nhân

Thủ một lưỡi gươm cùn mài không bén

Chém xó nhà đến chuột cũng cười lăn

Ta là kẻ ngu ngơ. Thôi đành vậy

Nguyện ngu hoài cho trọn kiếp gian truân.

 

6. Loay hoay giữa đời

           (Tặng một người bạn cũ)

 

Đọc thư mày sáng nay mà buồn bã

Chữ nghĩa bây giờ sao lại vứt đi

Tao vẫn sống mà như chưa hề sống

Có gì đâu cơm áo chỉ bù trừ .

Đừng hỏi gì tao trò lý tưởng

Sống vất vơ từng bữa đói rồi no

Cái thứ ngày xưa tao mơ tưởng

Biết nói gì về thực tế quanh co.

Tao đang sống mà như vừa mới chết

Nghĩ rồi suy : mấy thứ mệt nhoài người

Ta thương ta như thương đời chết tiệt

Khóc phận đời cười phá chuyện nay mai

Thôi mày ạ, cái trò đời cũ rích

Nói hoài nhàm như mặt nạ phải mang

Tao vẫn nhớ mày : đồ chết tiệt

Sống là vì không thể chết thêm lên.

(20.12.2006)

 

7. Củi xương

         (Tặng một người tình)

 

Hộp màu anh pha hết

Trơ lại chiếc vỏ không

Đời anh, anh thả hết

Chỉ còn lại khung xương

Khung xương bán chả được

Rao hoài không ai mua

Dẫu em cần củi đốt

Gặp xương anh đừng mua

Vì xương anh đã rổng

Đốt chả ấm em đâu !?

 

8. Đặt tên cho một lá bài

 

Đã rất nhiều người đặt tên cho những lá bài

Như anh lúc này, xách lên con bài cuối cùng có tên số phận

Vẩn cứ loanh quanh

  bấp bênh - phấp phỏng

Vẩn cứ mệt nhoài

  Khốn khó - không may

Có phải anh chỉ tin vào số phận đâu em

Mà tin vào đi vạch bằng tay chân rướm máu

Vạch bao nhiêu năm mà đang nghe áo nảo

Vẫn một thời kỳ xe cát biển đông

Thôi ! băn khoăn gì lá bài cuối cùng của đời anh

Cứ thản nhiên gọi là lá bài khật khùng cũng được.

 

9. Nguyễn Phan Thịnh ! Anh đã ra đi

 

Nguyễn Phan Thịnh !

Tại sao anh ra đi ?

Sài gòn sẽ không còn một tên làm thơ thơ thẩn

Tại sao những người hiền không thể sống dễ chịu

Không còn đêm

Không còn ngày

Không còn dáng khẳng khiu và tiếng nói thì thầm

Sài gòn có khóc thương anh ?

Nguyễn Phan Thịnh !

Anh đã ra đi ?

Trời Sài gòn đầy mưng mủ

Sài gòn sẽ không còn nghe những câu thơ muộn phiền

Tại sao anh không còn ghé lại gửi vội bài thơ làm trong đêm

Không có thơ

Không có anh

Không có tiếng thở dài cuối sân đời mỏi mệt

Sài gòn có nhớ thương anh ?.

Nguyễn Phan Thịnh !

Lại viết vội tiễn anh

Sài gòn sẽ mưa

Bao nhiêu người yêu thơ khóc thương anh

Bao nhiêu thiếu nữ ngậm ngùi

Chúng ta kết thúc cuộc đời hay cuộc đời kết thúc chúng ta ?

Như anh tôi chỉ cầu mong được làm người chết không tức tưởi

Yên lòng đi Nguyễn Phan Thịnh

Hãy yên lòng !

 

10. Lời khuyên một người yêu

 

Phân trần cũng mệt thôi em

Ngay sông cũng có buồn riêng để buồn

Cứ về với chuyện chồng con

Ai không qua ải trần gian một lần

Cứ cho rằng anh đã quên

Bởi anh cũng vắng từ phiên chợ chiều

Vắng từ một thuở được yêu

Nên chao đọng mãi rất nhiều chông chênh

Về đi em, chút lênh phênh

Hong cho khô hết buồn tênh lúc này.

( Nguyễn Hòa VCV.)

 

     ( Budapest 2013. augusztus 22.)

Nguyễn Hồng Nhung
Số lần đọc: 2507
Ngày đăng: 28.08.2013
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
“Hôm nay Tôi đi học” - Hoàng Xuân Sơn
Nhớ mùa dâu Hạ Châu - Nguyễn An Bình
Nguyễn Hòa VCV - Khuất Đẩu
Tản mạn về giọt nước - Đinh Lê Na
Thầm thì mây - gió 3. - Nguyễn Hồng Nhung
Còn có một nhà thơ, họa sĩ trong Nhất Linh - Nguyễn An Bình
Tiếu đàm về chuyện ‘nude để thiền” - Nguyễn Nguyên Phượng
Tuổi thu - Nguyễn Hồng Nhung
65 năm “Tây tiến” của Quang Dũng - Nguyễn Nguyên Phượng
Kỷ niệm nhỏ với một nhà thơ lớn - Mai Bá Ấn
Cùng một tác giả
Chim sẻ (truyện ngắn)
Thời gian (tạp văn)
Tuyết rơi (truyện ngắn)
Tách… (thơ)
Đêm nhạc jazz (truyện ngắn)
Vô danh (thơ)
Mùa thu chết (truyện ngắn)
Nhát đâm cuối cùng (truyện ngắn)
Bi hài biên tập (truyện ngắn)
Tang (thơ)
Buốt. (thơ)
Bóng (thơ)
Anh (thơ)
Đợi (thơ)
Szepes Maria (chân dung)
Mùa (thơ)
Tự do (thơ)
Xanh xao (thơ)
Câu chuyện tháng Hai (truyện ngắn)
Mưa Đêm (tạp văn)
Tình yêu (truyện ngắn)
Rát (thơ)
(truyện ngắn)
Jesse (truyện ngắn)
Sài gòn và em (tạp văn)
Năm Đổi Mới Đã Đến (nhìn ra thế giới)
Sống (tạp văn)
Ba Nguồn (triết học)
Jesse-3 (tạp văn)
Noel (thơ)
Arlequin – Anh Hề (triết học)
Ngôn Từ (tạp văn)
Các Hình Ảnh Cổ (triết học)
Phục Sinh (tạp văn)
Người Đàn Bà (triết học)
Cổ Tích Da Đỏ (triết học)
Chữ Tháng Sáu (tạp văn)
Thuật luyện vàng (triết học)
TẢ TƠI (truyện ngắn)
Sekina (tiểu luận)
Trở về nhà (tạp văn)
Cái gương (tiểu luận)
Sự nô lệ (truyện ngắn)
Có thể lắm (truyện ngắn)
Sống (tiểu luận)
Giữa (tạp văn)
Tuổi thu (tạp văn)
Bí ẩn đời sống (truyện ngắn)
Hạ ký (tạp văn)
Sáu mươi (tạp văn)
(ký)
Có đường đi lên (tiểu luận)
Có lẽ (thơ)
Về bản chất (tiểu luận)
Chị của Bố (truyện ngắn)
Lớp học Tiếng (truyện ngắn)
Mi và thượng đế (tiểu luận)
Tử vi Ai Cập (nghệ thuật)
Quê nhà (truyện ngắn)
Hưu (thơ)
Chết (thơ)
Bảy năm (truyện ngắn)
Cây táo vàng (truyện ngắn)
Quả bong bóng lợn (truyện ngắn)
Từ duy nhất (truyện ngắn)
Thu (thơ)
Kẻ giết mẹ (truyện ngắn)
Tặng (thơ)
Cây mận (truyện ngắn)
Cổ tích (truyện ngắn)