Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.318 tác phẩm
2.746 tác giả
469
115.870.823
 
Đọc - U uẩn chiều lưu lạc- thơ Nam Dao
Nguyễn Hồng Nhung

Tâm trạng rất quan trọng cho một lần đọc.

Tôi đang ở trong một tâm trạng lững lờ.

 

Như tháng Mười hoe hoe lạnh, đìu hiu, gió ngừng bặt, cây sững sờ, lá vàng chưa đổ thành đống, chất ngập gốc, mới chỉ tan hoang những mảng cành xanh pha sắc  úa, in trên bầu trời màu ghi nhàn nhạt của Thu lãnh đạm.

 

Hững hờ lật mở Ăn mày văn chương tháng Mười, đọc, rồi dừng lại ở thơ Nam Dao.

 

Tôi đã từng đọc tùy bút Nam Dao: rất ấn tượng, đọng, lưu khá lâu trong tâm khảm, rồi theo tháng năm chỉ còn nhớ đấy là những tảng tâm tư đầy xúc động cùng những nỗi đau nhân bản.

 

Tôi đã thử đọc hết một tiểu thuyết và lật giở xem qua vài trang một tiểu thuyết khác của Nam Dao. Không thích lắm.

Có thể vì cuốn tiểu thuyết Nam Dao hơi nhiều ẩn dụ, gợi nhớ đến quả lựu nhiều hột khó nhằn, hoặc chỉ vì nói chung, tôi ác cảm với một thứ cuộc sống bị cách điệu quá nhiều trong cái khung hư cấu mang tên gọi tiểu thuyết.

 

Nhưng tôi chưa bao giờ đọc thơ Nam Dao.

 

Đáng lẽ phải đọc ba bài thơ mới nhất viết trong tháng Mười của anh, mắt tôi lại lạc sang một bài thơ cũ khác: „U uẩn chiều lưu lạc", và dán mắt vào đó, chính bởi trạng từ đầu tiên" Bấy giờ" mở đầu bài thơ.

 

Thế là đọc. Đọc một mạch. Đọc đi, đọc lại. Và thích. Và hết cảm giác hững hờ.

 

Một bức họa tuyệt đẹp. Ướt rượi. Đầy tiếng nhạc. Đầy màu sắc. Lạnh buốt.

 

Vừa bồn chồn, vừa khắc khoải, lại như bất động.

 

 Chợt thưởng thức một bức tranh đầy hình ảnh, màu sắc, âm điệu đặc sệt Paris, một Paris thoảng rung động trong mưa- Mưa- trạng thái thiên nhiên muôn thuở luôn gây ra những day dứt tâm hồn:

 

" Bấy giờ, những cơn mưa kéo dài. "

  "  ....nhìn ra, mây xám. "

 " …dòng sông cạnh Nhà Thờ Đức Bà đông giá

 trên gác chuông một con chim rỉa cánh

âm thanh li ti bụi nước"

 

  Trong bức họa mưa này, chỉ một đốm lửa bập bùng nhỏ xíu tỏa hơi ấm: cảm xúc con người

 Toát lên ngay từ trạng từ đầu tiên. „Bấy giờ"

 

Thật tuyệt!

 

 Tôi quá yêu thích khám phá chữ nghĩa tuyệt vời này của Nam Dao, lập tức cảm nhận ngay tác dụng tức thì của nó gieo vào lòng mình: „bấy giờ" luôn luôn là cảm xúc đang có, không thể lui vào dĩ vãng.

 

 Nam Dao không viết: „bây giờ" mà là"bấy giờ", chỉ một dấu sắc đột nhiên biến cái tĩnh tại thời gian thành cảm xúc.

 

Nhưng rồi chợt hiểu, tại sao Nam Dao buộc lòng viết „bấy giờ", bởi:

 

Tôi nhìn, không nói. "

 

Khi họa sĩ – thi sĩ,  vẽ - viết bức tranh này, anh ta đã lùi sâu vào hậu trường của cảm xúc để sự vật tự bộc lộ : "Tôi nhìn, không nói ",

 Chỉ một tâm hồn tĩnh lặng ghê gớm mới có thể như không có mặt tại hiện trường tham dự, mà chỉ quan sát :

 

Quán cà phê chìa ra mặt đường nhớp nước.

Phố vặn mình theo độ cong của lòng. Cô quạnh . "

...............

Bộ hành lao chao

Ô  che đầu  căng gió bốc lên

người nhạc sĩ tranh Chagall lửng lơ bay

bỏ nhân gian vào tiếng vĩ cầm thê thiết  " 

 

Đúng, anh chàng trong bức tranh này đang bỏ mặc hình hài mình ngồi đó, bay theo linh hồn tràn ngập âm thanh quá khứ, âm thanh của cảm xúc và tiếng gọi yêu. Như thể trong không gian chỉ có tiếng mưa tuôn và tiếng vĩ cẩm thảng thốt.

 

"  Bấy giờ vũng mắt úp một vùng bóng tối

Vực sâu đo bằng gì?

Câu hát lớm chớm những sợi tóc bạc

chiều quán Monge nén chặt nỗi sầu "

 

 " Bấy giờ, tiếng hát dân dã một nẻo khuất

Viền mắt em sâu thoáng ánh chiều tàn

Vành môi cong thách thức

định mệnh nào vây anh ?"

 

Người đọc rùng mình: cái lạnh mưa buốt giá thấm vào người,  nỗi cô đơn" Cõi tâm linh khuất đám mây đen " thấm vào người, khi cuộc đối thoại chỉ một hình một bóng cùng những liên tưởng  suy nghĩ.

 

Tâm hồn con người thật lạ : khi liên tưởng nghĩ suy một mình là lúc sự gắn bó trong quan hệ Người hiện lên đầy đủ, trọn vẹn nhất. Như thể cô đơn mới chính là trạng thái xúc cảm chính xác nhất dành cho hai người, hai tâm hồn nương tựa :

 

"Bấy giờ tôi nhìn trộm những ngón tay em

Như năm cánh huệ

trắng và thơm

Bỗng dưng tôi ước mình là phím đàn,

chờ tay em đập xuống,

biến tôi thành âm thanh."

 

Dường như nỗi ao ước vươn tới một cái gì đấy lớn hơn hiện tại, luôn là đích của tâm hồn con người, như thể những cánh hoa tan tác trước khi rơi tàn trong gió cuốn đều nhớ về nụ hoa cuộn e ấp hôm qua, như thể con người vực mình dậy bước tiếp, qua những vực thẳm quạnh hiu, sẽ chắc chắn gặp lại hơi ấm của niềm tin vào người khác đã mang tới cho mình hôm qua…

 

"Tôi không nhìn.

Không  nói."

 

 Đây là cái tỉnh táo Đau trọn vẹn của Người

 

"….tôi bay theo những cánh chim sũng nước

một chiều mưa

bỏ tiếng đàn lại

cùng những giấc mơ

cuối ngày lưu lạc.

….và những bơ vơ"

 

Tôi thích nỗi trầm lắng trong thơ Nam Dao, sự trầm lắng này như một nền vải khổng lồ, như tờ giấy trắng nguyên thủy người nghệ sĩ trải ra trước mặt mình, trước khi cầm cành cọ hoặc nhấc bút. Sự trầm lắng đã được trải nghiệm bằng đau khổ sống và suy tư tri thức sâu sắc. Không phải ai cũng đạt tới mức độ chỉ nhìn ngắm sự vật mà không cần tham dự cái tôi của mình vào, chỉ để sự vật bộc lộ như là nó.

 

Để rồi sau đó Nam Dao thổ lộ tâm tư, bằng thứ từ ngữ đầy hình ảnh mang nhiều ý nghĩa so sánh sâu xa, khiến âm thanh tự thân của đời sống trong tác phẩm cất tiếng, người đọc lập tức hiểu và hòa mình thưởng thức cùng anh.

 

Nhưng cái ưu uẩn chiều lưu lạc này của Nam Dao dường như tất yếu, bởi trên đường quay lại điểm xuất phát của vũ trụ, nơi linh hồn Người ra đi, ai cũng sẽ có lúc gặp một khoảnh khắc cô quạnh như anh.

 

Bài thơ như một lời chia xẻ tâm trạng sống. Cảm ơn Nam Dao.

 

( 2009-10-04)

 

 

Nam Dao

                     

U uẩn chiều lưu lạc

 

Bấy giờ, những cơn mưa kéo dài.

Quán cà phê chìa ra mặt đường nhớp nước.

Phố vặn mình theo độ cong của lòng. Cô quạnh .

Bấy giờ, nhìn ra, mây xám.

Bộ hành lao chao

Ô  che đầu  căng gió bốc lên

người nhạc sĩ tranh Chagall lửng lơ bay

bỏ nhân gian vào tiếng vĩ cầm thê thiết  

Bấy giờ vũng mắt úp một vùng bóng tối

Vực sâu đo bằng gì?

Câu hát lớm chớm những sợi tóc bạc

chiều quán Monge nen chặt nỗi sầu

Tôi nhìn, không nói.

Bấy giờ chuông nhà thờ  gióng giả

Cõi tâm linh khuất đám mây đen

người kéo vĩ cầm  vẫn còn  lơ lửng

Bấy giờ, tiếng hát dân dã một nẻo khuất

Viền mắt em sâu thoáng ánh chiều tàn

Vành môi cong thách thức

định mệnh nào vây anh ?

Tôi nói. Một mình

Bấy giờ dòng sông cạnh Nhà Thờ Đức Bà đông giá

Trên gác chuông một con chim rỉa cánh

Âm thanh li ti bụi nước

Vô hình

Bấy giờ tôi nhìn trộm những ngón tay em

Như năm cánh huệ

trắng và thơm

Bỗng dưng tôi ước mình là phím đàn,

chờ tay em đập xuống,

biến tôi thành âm thanh.

Tôi không nhìn.

Không  nói.

Bấy giờ tôi bay theo những cánh chim sũng nước

một chiều mưa

bỏ tiếng đàn lại

cùng những giấc mơ

cuối ngày lưu lạc.

….và những bơ vơ.

 

ND(13-07-2008)

tặng KA và một chiều mưa

Nguyễn Hồng Nhung
Số lần đọc: 3317
Ngày đăng: 30.10.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Viết cho những nỗi người… - Phạm Xuân Hùng
Lê Mai Thao – Phiêu Du Dọc Miền Ký ức - Tạ văn Sĩ
Cuộc đời nhân vật đã bị bỏ quên - Trần Thị Ngọc Lan
Tiếng hát người nô lệ mới của Nguyễn Ước - Nguyễn Hồng Nhung
Để khuyết giải thơ 2009- Hội đồng thơ Hội nhà văn Việt Nam không có con mắt xanh - Trần Mạnh Hảo
Tái ám ảnh về một bài thơ ám ảnh - Đỗ Quyên
Đi suốt đời chưa hết niềm say - Bùi Công Thuấn
Nỗi đời riêng và ánh rằm xưa - Võ Quê
Đẹp dị biệt từ “ Dị hương “ - Nguyễn Hoàng Vân Anh
Thơ vài khắc của Nguyễn Hồng Nhung - Phương Giang
Cùng một tác giả
Chim sẻ (truyện ngắn)
Thời gian (tạp văn)
Tuyết rơi (truyện ngắn)
Tách… (thơ)
Đêm nhạc jazz (truyện ngắn)
Vô danh (thơ)
Mùa thu chết (truyện ngắn)
Nhát đâm cuối cùng (truyện ngắn)
Bi hài biên tập (truyện ngắn)
Tang (thơ)
Buốt. (thơ)
Bóng (thơ)
Anh (thơ)
Đợi (thơ)
Szepes Maria (chân dung)
Mùa (thơ)
Tự do (thơ)
Xanh xao (thơ)
Câu chuyện tháng Hai (truyện ngắn)
Mưa Đêm (tạp văn)
Tình yêu (truyện ngắn)
Rát (thơ)
(truyện ngắn)
Jesse (truyện ngắn)
Sài gòn và em (tạp văn)
Năm Đổi Mới Đã Đến (nhìn ra thế giới)
Sống (tạp văn)
Ba Nguồn (triết học)
Jesse-3 (tạp văn)
Noel (thơ)
Arlequin – Anh Hề (triết học)
Ngôn Từ (tạp văn)
Các Hình Ảnh Cổ (triết học)
Phục Sinh (tạp văn)
Người Đàn Bà (triết học)
Cổ Tích Da Đỏ (triết học)
Chữ Tháng Sáu (tạp văn)
Thuật luyện vàng (triết học)
TẢ TƠI (truyện ngắn)
Sekina (tiểu luận)
Trở về nhà (tạp văn)
Cái gương (tiểu luận)
Sự nô lệ (truyện ngắn)
Có thể lắm (truyện ngắn)
Sống (tiểu luận)
Giữa (tạp văn)
Tuổi thu (tạp văn)
Bí ẩn đời sống (truyện ngắn)
Hạ ký (tạp văn)
Sáu mươi (tạp văn)
(ký)
Có đường đi lên (tiểu luận)
Có lẽ (thơ)
Về bản chất (tiểu luận)
Chị của Bố (truyện ngắn)
Lớp học Tiếng (truyện ngắn)
Mi và thượng đế (tiểu luận)
Tử vi Ai Cập (nghệ thuật)
Quê nhà (truyện ngắn)
Hưu (thơ)
Chết (thơ)
Bảy năm (truyện ngắn)
Cây táo vàng (truyện ngắn)
Quả bong bóng lợn (truyện ngắn)
Từ duy nhất (truyện ngắn)
Thu (thơ)
Kẻ giết mẹ (truyện ngắn)
Tặng (thơ)
Cây mận (truyện ngắn)
Cổ tích (truyện ngắn)