Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.318 tác phẩm
2.746 tác giả
461
115.868.123
 
Ghi chép Április - 2016
Nguyễn Hồng Nhung

                       

 

 

 

 

Được tranh luận với những tâm hồn vừa phong phú tình cảm vừa nhẫn nại tâm tính vừa đa sắc màu tri thức, dù trên màn hình ảo fb cũng vẫn mang lại bao nhiêu là cảm hứng. Chẳng khác nào ta đang sướng bằng trí tưởng tượng (đôi khi chỉ đẹp như phim chứ trong thực tế lại....thế nào ấy...) nhưng còn hơn là....chẳng tưởng tượng gì, đúng không?

Bởi: theo tinh thần của TÍNH KHÔNG Phật giáo, mọi sự vật đều RỖNG, chẳng qua nó cứ CÓ bởi DUYÊN KHỞI (hôm qua đọc được câu tiếng Việt trong sách Phật: trùng trùng duyên khởi, thích quá đi mất bạn ơi!), và có khởi là có tan, nghĩa là không có gì cố định nên sách Phật gọi các TƯỚNG đó bằng một từ rất tuyệt: GIẢ.

Đấy, từ nãy đến giờ Nguyễn Hồng Nhung trình bày được với bạn cả đống khái niệm là do có: Văn Tự- nghĩa là chữ nghĩa. Bắt buộc phải có sách bạn ơi (sách cổ càng quý), nhất là trong cái thời đại không còn các CHỦ THỂ THẦN THÁNH (như Phật) trực tiếp chỉ dẫn.

Nhưng nhà Phật chỉ bảo chúng ta rằng Văn Tự là cái thuyền, thuyền dùng để làm gì? để qua sông. Mày cứ ngồi trong cái thuyền ấy mà"hót" cả đời, hay đến mấy cũng chịu, chả làm sao qua được bờ bên kia.

Nhưng dân chúng đại đa số chả cần qua sông, ở đây khối thứ (giả) hưởng rồi, đi đâu? Từ đó nảy ra các hội kín hội hở nhóm lớn nhóm nhỏ để....tụ tập và tìm hiểu đời (họ nghĩ thế), và trong những tiêu khiển đám đông này bạn lo gì chữ nghĩa, tri thức GIĂNG BẪY? chỉ con người giăng bẫy cho nhau để...lấy từ nhau cái mà họ thiếu thôi, đơn giản (hahahahah...) Hiểu đến đâu sống đến đấy là như vậy.

Kẻ nào (âm thầm) đọc văn tự xong rồi, muốn QUÁN CHIẾU, muốn hiểu, muốn ngẫm nghĩ, muốn suy tư ra đầu ra đuôi sẽ...bơi. Có thuyền rồi đó, bơi đi. Hoàn toàn tùy mày nhé ( đây là hành động cụ thể của cá nhân -thực hành- để hiểu ra mọi lý thuyết). Tưởng nắm trong tay một nắm văn tự là xong, thì...cũng có thể...xong đời...mà vẫn chả hiểu gì cả. Ai, biết tìm ra hướng hiểu ĐỜI của mình, phù hợp với mình (chính bằng trí tưởng tượng, sự hình dung đấy) sẽ sang được bên kia sông, sẽ gặp THẬT TƯỚNG. Và biết chắc chắn rằng: mọi thứ đều rỗng- không có gì cả, tính không là như thế.

Nhưng, NHN đã nhận ra giữa mọi điều: duyên khởi tạo nên đời đâu chỉ có mặt tiêu cực là chỉ ra sự thay đổi, chỉ ra cái giả, mà duyên khởi còn có mặt tích cực của nó là chỉ ra PHÉP MÀU của đời sống, bốn sắc màu vô cùng xinh đẹp của đóa hoa phù dung sớm nở tối tàn....

Tuyệt! bạn ơi! hãy sống một cách trọn vẹn đi!

( Budapest. 2016. április. 01)

Con người cố gắng luôn luôn chính là mình, hôm qua là mình, hôm nay cũng là mình, chỉ ngày càng sáng tỏ như trăng ló hẳn ra khỏi đám mây, để hoàn thành TÁC PHẨM CUỘC ĐỜI vẹn toàn.

(2016. április 02.)

Mùa Xuân mang lại những phút giây đau đớn, con người thường không nhận ra, họ tin vào ngôn ngữ bình dân gọi chúng là "bệnh mệt mỏi của mùa Xuân". Không, không phải đâu, đấy là sự ĐAU ĐỚN.

Ta là những hạt bụi li ti rớt từ cây thánh giá Chúa ngã khụy xuống khi ghé vai đẫm máu vác dưới làn roi trước lễ Phục Sinh...Ta là hơi thở gió khát khao lạnh cóng trước cửa hang mong mỏi Chúa phục sinh....

Ta là giọng hát thánh ca ngân dài của đêm đông buốt giá, không mặt trời, chẳng bình minh, chỉ lấp lánh những mắt sao hy vọng rõi về phía chân trời xa hắt bóng cây thánh giá trên nền trời xa xăm...Chúa chịu bị đóng đinh để làm hồi sinh đất trời cây cỏ, bốn mùa, trái tim than khóc của con người...

Những vòng quay vô tận.

Trên đầu ta, bên phải bên trái, dưới chân, khắp nơi hoa nở, chim hót véo von, con người vứt hết lo âu chạy ra giữa trời giang rộng đôi tay như cây thánh giá hướng lên bầu trời xanh thẳm ấm áp đón Xuân....Phút ấy, ập đến trái tim ta nỗi đau đớn,ôi những nỗi đớn đau vui sướng....Ân sủng quá lớn hóa thân từ phước lạc nên người của Chúa Phục Sinh.

( Bp. 2016. április. 03)

Thượng Đế không bí ẩn. Bí ẩn là có một cái gì đó ngoài Thượng Đế. Thượng Đế là một sự vô hình đang hiện hữu. Sự huyền bí không phải là Thượng Đế mà là thế gian, cũng như thiên nhiên huyền bí chứ không phải tinh thần, cơ thể huyền bí chứ không phải linh hồn.

( Hamvas Béla: Minh Triết Thiêng Liêng-tập III.)

Sự hợp nhất có hàng nghìn hình thức, nhưng đẹp nhất, trong sạch nhất và cao quý nhất là sự hợp nhất của trí tuệ- linh hồn.

( Gozsdu Elek- nhà văn Hungary)

Nếu Đức Phật chỉ....im lặng... sau khi chỉ ra cái bản thể tuyệt đối của sự sống là tính Không, thì Chúa Jezus bằng nhận thức đồng nhất với Thượng Đế lại... lên tiếng... chỉ cho con người cách thức hành động: sống cho người khác bằng tình yêu thương trọn vẹn. Hãy là cả hai trong kiếp làm người ngắn ngủi của mày!

( Bp. 2016. április. 06)

Đôi khi con người quay lại đời sống tinh thần mờ mịt chỉ vì một cái tắc lưỡi lười biếng:" đâu sẽ có đó" "đằng nào chả thế" "sống được bao nhiêu" "thế cả"...vvv...

Bởi vậy Thiên tính trong thời hiện đại trước hết vẫn là KỶ LUẬT TỰ THÂN thể hiện trong sự nghiêm túc tư tưởng, và hành động hiện thực hóa từng ngày sống (nghiêm túc) của mình. Đừng quên!  ( 2016. 04.08)

Những người theo phái khasszid (Do Thái) nói về Ábrahám như sau: ngài đi tìm Thượng Đế trên trái đất, không thấy, tìm giữa các vì sao và trên bầu trời, không thấy, tìm trong thời gian và vô tận, không thấy, cùng lúc ấy ngài đã tìm ra Thượng Đế trong những cái ngài đã không thấy.

Một người thày khác của phái khasszid lại nói: „ Sự tạo dựng ra trời và đất không là gì khác ngoài là sự tháo gỡ của một cái gì đấy từ cái KHÔNG, và các thánh, những người hiến dâng cuộc đời họ để bám vào Thượng Đế, họ bám chặt như thể đấy là cái KHÔNG, từng có trước thời tạo dựng. Một lần nữa họ mang trả lại một cái gì đó vào cái KHÔNG.” „

„ Tất cả những con người chân chính đều được giao một phụng sự sắp đặt sẵn cho nó- Baal Sém Tov nói- Nếu con người quay về phía cội nguồn và đạt tới tính Không, nó trở nên sẵn sàng cho sự phụng sự.”

( Hamvas Béla: Eksztázis)

Con người, mấy ai biết từ chối? mấy ai biết từ bỏ?

Bởi vậy: nhận thức đến đâu sống đến đó.  Đời sống của mày phù hợp với chính mức độ tư duy của mày, có gì đáng ngạc nhiên?

( Bp. 2016. április 10)

Đột nhiên hoảng sợ. Khi con người CHO đi lặng lẽ, như một cách dâng hiến bản thân, lúc đó rất dễ chịu. Bởi tất cả: không lời. Như gió, nắng, không khí trong lành cùng hòa hơi thở buổi sáng luyện khí công với ta, sau buổi tập, cảm thấy mình đã nhận được rất nhiều năng lượng, sự ấm áp, niềm âu yếm và niềm vui trong trẻo. Từ nắng, gió, không khí buổi sáng trong lành. Thế là có thể bắt đầu một ngày hết sức yên bình trong lặng lẽ…

Nhưng khi có người để ý đến TA- hay đúng hơn, để ý đến trạng thái  được đặt tên là TA- khiến ta có chút hoảng sợ. Bối rối? ngại ngùng? hay hơi hơi lo lắng? Có lẽ có tất cả trong đó. Nhưng tại sao, tại sao mày lại…hoảng sợ? Có lẽ vì một lý do duy nhất: trạng thái KHÔNG LỜI sắp chấm dứt-phải chăng?

Tình cảm của con người kéo theo muôn vàn hệ lụy ngôn ngữ. Và điều cơ bản nhất: ngôn ngữ không đủ sức diễn tả tình cảm sâu đậm của con người, trừ phi con người dùng ngôn ngữ để: tự đối thoại, tự vấn, tự giãi bày…

Ôi! làm sao học được cách truyền hơi thở ấm áp của nắng cho người khác mà không cần phải thốt nên lời nhỉ?

( 2016. április. 12)

"Cái tuyệt nhất của dạo chơi là con người không nghĩ gì, cứ đi thôi, không mũ chẳng áo khoác, buổi tối quay về nhà, hoặc đêm. Tất nhiên chỉ mùa hè có thể, và mùa hè là thời gian cổ điển của dạo chơi. Mùa đông việc chuẩn bị trang phục làm chán ngán mọi sự. Nhiều người thử buộc mình lại bằng thể thao. Tôi không thuộc típ ấy. Giày kín, tất ấm, áo cộm, găng tay, áo len, trà nóng, xem trước thời tiết. Một buổi trượt tuyết cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng như một vụ ăn cướp nhà băng.”

„Dạo chơi tốt nhất nên tránh đường. Đường thể nào cũng dẫn đến chính trị. Nếu con người dạo chơi đủ, hoặc leo lên núi cao nhìn xuống, sẽ ngạc nhiên nhận ra trong cảnh vật sao ít đường thế."

( Hamvas Béla: Sách đảo nguyệt quế)

Lâu rồi mới đọc được một bài viết tuyệt thế. Đầy ân sủng thức tỉnh. Đầy lòng biết ƠN. Không thể nào nghi ngờ hoặc phân vân được, bởi đây là ánh mặt trời, bởi đây là sự thật. Không thể bỏ bác Hamvas Béla mà đi được, khi đã tìm ra điều bác nói là sự thật, chỉ có thể dịch bác mà thôi.

Mình thử dịch S. A.- ôi, thước đo cao vời vợi của ta thời sinh viên. Vậy mà bây giờ  nhận ra rằng: chỉ để đọc thì tốt hơn, dịch, phải là Hamvas! Tại sao thế nhỉ? Bởi vì S. A. vẫn đứng giữa mọi người và kể lể, dù lời lẽ của ông nổi trội hẳn lên bởi sự quý phái và tri thức. Nhưng: vẫn hàng ngang. Ta cần sự thông thái của Hamvas Béla, cần dáng đứng thẳng chĩa thẳng lên trời như cây thánh giá của ông, bởi đấy mới là sự sống mà cuối cùng ta đã hiểu ra.

( 2016. április 18.)

„Rất có thể bên cạnh truyền thống viết ở người Hy Lạp, từng tồn tại cả một truyền thống truyền miệng được gìn giữ. Chúng ta biết rất ít về sự dạy dỗ của người Druida, gần như không biết gì: bởi họ chỉ dạy bằng truyền miệng, dù họ biết viết (chữ cái abc Hy Lạp), nhưng họ chỉ sử dụng trong công việc buôn bán làm kinh tế- Đây cũng là một bằng chứng cho thấy các phương pháp mang tính chất "lịch sử" khiếm khuyết như thế nào khi chỉ dựa vào các văn bản viết.”

„Cái chung trong ba nền văn học phương Đông và phân biệt hẳn với phương Tây hiện đại: nền tảng siêu hình học. Tri thức siêu hình học bất biến, bởi chỉ tính chất cá nhân và hình thức thay đổi. Khi khoa học liên tục thay đổi, trong bản chất siêu hình học của nó vẫn bất biến. Theo quan điểm tinh thần chủ thể và khách thể rơi vào thành một ( nhờ yoga), không có sự nhầm lẫn. Quan điểm khác nhau chỉ là sự giải thích sai lệch hoặc sự hiểu biết không đầy đủ...”

„....Sự thống nhất văn hóa không dựa trên nền tảng của một tổ chức tôn giáo hay nòi giống mà trên sự dạy dỗ siêu hình học...”

„.... Cây cầu không tồn tại để chúng ta chạy theo thời gian trên nó mà để đưa chúng ta sang bờ bên kia. Lý thuyết là cây cầu dẫn đến việc thực hiện...”

„Hạt mầm đối với tôi trước tiên là điều trong trái tim con người: nhận biết Thượng Đế. Điều này lớn lên, thành cây, và những con chim Trời đến làm tổ trên các cành của nó, đấy là- như Guénon viết- những trạng thái cao nhất của con người, các thiên thần. Một thánh nói: "Tôi biết Thượng Đế ôm muôn loài, nhưng điều tôi không biết là trái tim con người có thể ôm lấy Thượng Đế."

( Ernst Küry - về René Guénon)

Lâu lắm rồi hôm nay mới ở cảm giác của hồi chỉ dịch Hamvas Béla- nghĩa là hồi đó hậu trường của mày đúng là…siêu hình học (hahahah) mày khô thiết gì đến con người đến những thú vui và sinh hoạt của họ, và mày khô hề tham dự. Bởi vậy hồi đó mày suốt ngày miệt mài đọc các bài tiểu luận của HB và dịch. Hai năm nay rồi mày quay lại đám đông, lại tham gia vào sinh hoạt người, và vì thế mày không dịch HB nữa. Ôi đơn giản thế mà hôm nay mới hiểu!

Quay lại đám đông, quen nhiều người, thậm chí…tham dự đời sống với họ, ban đầu mày sẵn lòng mở toang con người của mày, lúc thì vui vẻ cùng cười đùa, lúc thì chia xẻ buồn vui…bị cuốn vào, cuốn vào mà không  biết….

Nhưng bỗng nhiên một hôm, có một chuyện gì đó xảy ra, tự dưng mày phản ứng: không thích ĐỒNG LÕA với con người nữa, kể cả khi đấy cũng là một sự thử thách của Thượng Đế. Bởi mày hiểu: nếu tiếp tục mở lòng ra đón nhận sẽ liên tục nhận thử thách, còn hành động là còn hệ quả….cho đến khi nào …chết thì thôi. Ôi, tác phẩm cuộc đời không thể chỉ có vậy, chán lắm.

Nhưng hôm nay mày mới hiểu. Hay thật.

(2016. április 18.)

Đêm từ trước tới nay chỉ mở ra vực sâu của nó, cùng lắm chiều rộng, cho mày, cũng giống như cho nhiều linh hồn đa cảm khác,  chỉ để  kể lể, than vãn, lải nhải, khóc câm lặng không cần nước mắt, như đứng bên mộ ném hoa xuống quan tài lần vĩnh biệt…

Phải, đêm nằm ngang theo số phận là thế. Nhưng nếu đêm thẳng đứng như hình cây thánh giá vươn lên trời cao, sẽ là một bản nhạc không lời, không âm thanh,  tha thiết nhất của sự câm lặng hiến dâng. Vâng, cho đi những vụng về chua xót để dọn mình, làm nốt việc chưa xong đêm nay, đợi đón bình minh bằng sản phẩm tinh thần mới…Làm đi.

(2016. április 19.)

Dưới metro có một ông già mù. Khi ông ăn xin, tay cầm một cái cốc, đứng im như tượng bên cạnh cây gậy trắng, rất ít người cho ông tiền, gần như người ta không để ý đến ông. Nhưng một hôm, người nhà bê xuống cây đàn organ điện tử và giúp ông ngồi ngay ngắn sau chiếc đàn. Bản nhạc đầu tiên vang lên sửng sốt: nó quá vui tươi, tràn ngập từng xó xỉnh metro, những bước chân ngập ngừng, những cái đầu quay lại...

Không ăn nhập gì, bản nhạc đầy nắng, gió, tiếng cười thanh xuân trong trẻo với hình ảnh người đàn ông mù tóc bạc trắng lơ thơ, miệng hóm, má phồng như cái đầu một con chuột bạch kỳ dị, nhưng những ngón tay lướt nhẹ nhàng thoăn thoắt trên phím đàn chỉ có thể cả một đời thực hành mới làm nổi...chỉ còn người nghệ sĩ- phù thủy hiện hữu... Người ta bỏ những đồng xu biết ơn tâm trạng vào cốc rào rào....

Chỉ dùng đến, mọi cái mới hoạt động, hãy nhớ, đừng quên Nhung ơi!

…………………………………………………………………

"VÌ THẾ, BẠN SẼ KHÔNG BAO GIỜ YÊU"

Trong vắt như pha lê, giọng hát này, tia nắng mặt trời này xuyên thủng ngọn núi băng đâm thẳng vào trái tim ta.....

Cháy bỏng - mê man- mạnh mẽ -nồng nàn : TÌNH của con người.

https://www.youtube.com/watch?v=G7ktj4mWwEE

 

 

 

( Budapest. 2016. április 23.)

 

 

 

 

Nguyễn Hồng Nhung
Số lần đọc: 2199
Ngày đăng: 05.07.2016
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ghi chép Május - 2016 - Nguyễn Hồng Nhung
Trung Hoa đáng sợ - Nguyễn Anh Tuấn
Góc trời Tam Đảo! - Phan Chính
Hai năm thi sĩ Chu Trầm Nguyên Minh biền biệt... - Trương Văn Dân
Trung tâm quốc tế Khoa học & Giáo dục... - Vũ Trọng Quang
Ghi chép FEBRUÁR- 2016 - Nguyễn Hồng Nhung
La Gi, xứ biển trăm năm! - Phan Chính
Đêm bềnh bồng tàu câu trên vịnh biển Botany - Phạm Nga
Bài tiễn biệt Đinh Cường - Lữ Quỳnh
Nhật ký hành trình: Đà Lạt, những ngày cuối năm - Trần Dzạ Lữ
Cùng một tác giả
Chim sẻ (truyện ngắn)
Thời gian (tạp văn)
Tuyết rơi (truyện ngắn)
Tách… (thơ)
Đêm nhạc jazz (truyện ngắn)
Vô danh (thơ)
Mùa thu chết (truyện ngắn)
Nhát đâm cuối cùng (truyện ngắn)
Bi hài biên tập (truyện ngắn)
Tang (thơ)
Buốt. (thơ)
Bóng (thơ)
Anh (thơ)
Đợi (thơ)
Szepes Maria (chân dung)
Mùa (thơ)
Tự do (thơ)
Xanh xao (thơ)
Câu chuyện tháng Hai (truyện ngắn)
Mưa Đêm (tạp văn)
Tình yêu (truyện ngắn)
Rát (thơ)
(truyện ngắn)
Jesse (truyện ngắn)
Sài gòn và em (tạp văn)
Năm Đổi Mới Đã Đến (nhìn ra thế giới)
Sống (tạp văn)
Ba Nguồn (triết học)
Jesse-3 (tạp văn)
Noel (thơ)
Arlequin – Anh Hề (triết học)
Ngôn Từ (tạp văn)
Các Hình Ảnh Cổ (triết học)
Phục Sinh (tạp văn)
Người Đàn Bà (triết học)
Cổ Tích Da Đỏ (triết học)
Chữ Tháng Sáu (tạp văn)
Thuật luyện vàng (triết học)
TẢ TƠI (truyện ngắn)
Sekina (tiểu luận)
Trở về nhà (tạp văn)
Cái gương (tiểu luận)
Sự nô lệ (truyện ngắn)
Có thể lắm (truyện ngắn)
Sống (tiểu luận)
Giữa (tạp văn)
Tuổi thu (tạp văn)
Bí ẩn đời sống (truyện ngắn)
Hạ ký (tạp văn)
Sáu mươi (tạp văn)
(ký)
Có đường đi lên (tiểu luận)
Có lẽ (thơ)
Về bản chất (tiểu luận)
Chị của Bố (truyện ngắn)
Lớp học Tiếng (truyện ngắn)
Mi và thượng đế (tiểu luận)
Tử vi Ai Cập (nghệ thuật)
Quê nhà (truyện ngắn)
Hưu (thơ)
Chết (thơ)
Bảy năm (truyện ngắn)
Cây táo vàng (truyện ngắn)
Quả bong bóng lợn (truyện ngắn)
Từ duy nhất (truyện ngắn)
Thu (thơ)
Kẻ giết mẹ (truyện ngắn)
Tặng (thơ)
Cây mận (truyện ngắn)
Cổ tích (truyện ngắn)