Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.318 tác phẩm
2.746 tác giả
509
115.870.061
 
Ghi Chép Tháng Tám 1
Nguyễn Hồng Nhung

 

Nhận chân dung thói ngụy biện từ đâu? khi nó có mặt khắp mọi nơi, mọi chốn, dưới muôn vàn hình thức, nhưng rõ nhất trên mặt chữ. Đấy là lối (nói) viết mập mờ, với ước vọng đổi trắng thay đen? hay đơn giản chỉ để che đậy nỗi sợ hãi sự thật? Vì trước tiên sự thật động chạm đến sự cao ngạo của cái TÔI ( những người mang cái TÔI kiêu ngạo trong khi chỉ yêu bản thân mình là chính, lại hay nghĩ mình đang„hy sinh” vì quyền lợi người khác). Hehehehehe…

 

Thói ngụy biện là một hình thức ngụy trang, một con đường vòng khốn khổ, một hành hạ tự thân dằng dai như một cái giẻ rách không chịu đứt, vì bản chất của ngụy biện là che dấu, che dấu cái có thật.

 

Khổ nỗi: kẻ ngụy biện rất biết điều này, y là người hiểu hơn ai hết sự che dấu của y, y là kẻ hiểu sâu sắc sự thật cần che dấu, khi trong một tích tắc, cái bóng của nỗi sợ hãi đè nát, khiến y” Hiểu (nghĩ) một đằng, nói (viết) ra một nẻo”-  tạo dựng nên sự ngụy biện sau đó không sửa chữa, cứu vớt được nữa, bởi một lần y đã tự lựa chọn xong: không đi theo SỰ THẬT một cách ngắn gọn, mà vòng vo loanh quanh trốn tránh.

 

Cơn sợ hãi này định mệnh, gắn liền với cái TÔI to đùng của y, không thể vứt nó đi được, có giời biết tại sao y sợ hãi (hay nói đúng hơn, chỉ mình y biết chính xác, nhưng sẽ không bao giờ nói ra) Tại sao? vì chỉ những kẻ TỰ TI đến thế mới biết KIÊU NGẠO đến thế!

Điều đáng ngại nhất của kẻ ngụy biện là sau khi đã lựa chọn xong con đường của mình: không hiện thực hóa bản thân, sự thật hóa bản thân, từ lúc đó trở đi y hết tồn tại, y đã dừng lại ở thời điểm đó.

 

Những ngày  tiếp theo của con đường ngụy biện đã lựa chọn chính là „sống mà như chết rồi”:  mọi lời nói (viết) của y đều ảo, mọi cảm xúc đều hão, còn lại chỉ là một sự trình bày khi đau khổ, lúc rối loạn, lúc vu vơ vớ vẩn…vì một cái gì đó trong y không để cho y yên. Cái gì vậy? không biết! Chắc chỉ y biết?

Ngụy biện là logic tất yếu của trục tư tưởng: Đồng nhất-đối lập, vì nội dung của loại tư tưởng này chỉ có  Giải Thích chứ không có Hiện Thực (Sự thật).

 

( 2012-07-31)

 

 

Tóc em hãy còn xanh. Đâu mấy độ hoa vàng. Đời còn rộng thênh thang

deeladv.wordpress.com

 

Khi đọc thơ Szabó Lõrinc hoặc đọc bất cứ cái gì đụng chạm sâu sắc đến giác quan, thấy một điều: chẳng ai là chính họ. Vậy đằng sau mỗi cá nhân là cái gì vậy? Một cái gì bất biến,  những chân lý vĩnh cửu, những thước đo, chuẩn mực không dao động, không nao núng? Bất biến này lên tiếng „điều chỉnh” các cá nhân một cách vô hình, giúp các cá nhân đi tìm và cố gắng nhập lại với chính cái bất biến ấy – như một hình thức giải thoát khỏi mớ màng nhện nhập nhằng rối rắm có tên là mâu thuẫn của các cá nhân với cuộc đời?

 

Dường như cái gọi là TỪNG CÁ NHÂN chỉ là một hình thức vật chất tạm thời để thể hiện cái vô hình bất biến ấy, và hoàn cảnh sống hữu hạn chính là các điều kiện khác nhau để cá nhân mặc sức thể hiện NĂNG LƯỢNG theo hình thức cụ thể của nó.

 

( 2012.07. 31)

….

 

Tình cờ đọc một tác phẩm của Eckhart Tolle „ Tiếng nói của im lặng” ( bản dịch từ tiếng Nga của Trần Văn) có những đoạn nói rất rõ về điều này, về những suy nghĩ đang luẩn quẩn trong đầu  mình:

 

’’… Hầu hết mọi người nhầm lẫn Thời Điểm Hiện Tại với cái xảy ra ở Thời Điểm Hiện Tại, mà điều đó hoàn toàn không cùng một thứ. Thời Điểm Hiện Tại sâu sắc hơn rất nhiều so với những gì diễn ra trong đó. Nó là không gian để mọi thứ diễn ra bên trong. Bởi vậy, bạn đừng lẫn lộn nội dung của Thời Điểm Hiện Tại với bản thân Thời Điểm Hiện Tại. Nó sâu sắc hơn bất kỳ nội dung nào xuất hiện trong đó.

 

Khi bạn đi vào Thời Điểm Hiện Tại, thế thì bạn ra khỏi cái mà nó chứa tâm trí bạn. Dòng suy nghĩ không dứt bị chậm lại. Các ý nghĩ không hấp thụ sự chú ý của bạn một cách nguyên vẹn nữa, không thu hút nó hoàn toàn lên bản thân mình nữa. Giữa các ý nghĩ xuất hiện khoảng vắng - trống rỗng, an bình.

 

Bạn bắt đầu hiểu, bạn nhiều hơn ra sao so với các ý nghĩ của bạn. Các ý nghĩ, cảm xúc, tri giác cảm nhận, tất cả những gì mà bạn đã nếm trải đều tạo nên nội dung của cuộc đời bạn. “Cuộc đời của tôi” - đó là cái mà từ nó bạn thu nhận cảm giác của mình cho bản thân. “Cuộc đời của tôi” - đó là nội dung hoặc cái gì đó mà bạn tin.

 

Bạn suốt thời gian để mất yếu tố rõ ràng nhất: cảm giác sâu sắc nhất của bạn, Tôi Là không có gì chung với những gì diễn ra trong cuộc đời bạn, không có gì chung với nội dung. Cảm giác Tôi Là đó và Thời Điểm Hiện Tại là một. Nó luôn luôn như nhau. Trong thời niên thiếu và ở tuổi già, trong khi khoẻ mạnh và bệnh tật, trong thành công và thất bại, cái Tôi Là - không gian của Thời Điểm Hiện Tại - ở mức độ sâu sắc nhất luôn tồn tại bất biến.

 

Người ta đôi khi nhầm lẫn nó với nội dung, và khi đó Tôi Là, tức là Thời Điểm Hiện Tại, bạn cảm thấy rất yếu ớt và không trực tiếp, bạn cảm thấy nó qua nội dung của cuộc đời bạn. Nói cách khác, cảm giác của bạn về cái Tồn Tại bị che phủ bởi những đám mây tình tiết, bởi dòng tư duy và bởi rất nhiều thứ khác của thế giới này.

 

Thời Điểm Hiện Tại trở thành thời gian bị che khuất. Bằng cách đó bạn quên mất gốc rễ của mình nối liền với cái Tồn Tại, nối liền với thực tại thần thánh của bạn, và bạn quên mất mình trong thế giới này. Sự rối rắm, giận dữ, trầm uất, bạo ngược và tranh chấp xuất hiện chỉ khi mọi người quên mất họ là thế nào. Tuy vậy, thật dễ dàng và đơn giản để nhớ lại chân lý này, từ đó trở về nhà.

 

Tôi - đó không phải là những ý nghĩ của tôi, không phải là những cảm xúc của tôi, không phải là tri giác cảm nhận của tôi, không phải là những cảm nhận của tôi. Tôi -không phải là nội dung của cuộc đời tôi. Tôi là Cuộc Đời. Tôi là không gian mà trong đó tất cả diễn ra. Tôi là nhận biết. Tôi là Thời Điểm Hiện Tại. Tôi Là.”

 

( 2012-07-31)

…..

 

Marai Sándor là một trong những nhà văn Hung hiện đại lúc đầu”có vẻ” lôi cuốn mình nhất.  Cuốn „Lời cỏ cây” như  ngụm nước thần đầu tiên, cứu vớt cơn khát của một công dân sống trong một xã hội”vô sản hóa” đến tận răng, từ lúc mở mắt ra đời chỉ  nghe những lời ngợi ca giai cấp công nông binh đến tận mây xanh. Tại sao khát? Bởi những giá trị sống của xã hội, thời đại đương thời không đủ”chất” nuôi nó sống, con người cứ thiếu thốn, dặt dẹo như thế nào đấy, cứ đi tìm một cái gì đấy để „nuốt”.

 

Đọc Marai, các giá trị của đời sống thị dân trong các tác phẩm của ông mang lại cảm xúc sùng kính ngỡ ngàng. Ít nhất dường như trong xã hội thị dân nội dung sống đa dạng hơn, màu sắc hơn, và ly kỳ hơn thì phải. Lúc đó mình chưa hiểu tại sao mỗi lần có dịp kỷ niệm Marai ở Budapest, các căn phòng tràn ngập các ông bà già lụ khụ, nhiều cụ hãnh diện trưng những mốt quần áo cũ rích như trong các tiểu thuyết xưa bước ra.

 

Sau này mới từ từ hiểu: Marai đã trả lại cho họ cái hiện thực đời sống thị dân, các tập quán, lối suy nghĩ, cách đánh giá theo các giá trị thị dân đã bị”xóa tan” sau khi cách mạng vô sản Hungary thắng thế. Đám thị dân cũ kỹ của nước Hung  hoan hỷ”sống lại”, nhìn lũ trung niên và lũ thanh niên (cũng học đòi tý toét hâm mộ Marai!) bằng nửa con mắt. Họ gặp lại thế giới của họ, phút chốc tưởng như quên mất hơn năm chục năm chủ nghĩa xã hội đã „dám” thay thế các giá trị thị dân của họ, giờ, chúng bay biết gì, hiểu gì mà thưởng thức?

 

Tội nghiệp! (lũ mất dạy, ngu muội”vô sản” đông hơn!) càng ngày càng ngót dần các cụ trong các dịp kỷ niệm Marai, phần nữa, các tác phẩm của Marai ( dù những kẻ”làm tiền văn học” úp úp mở mở mãi) cuối cùng cũng được in ra hết, tha hồ mua, không phải hàng săn lùng, chờ đợi.

 

Một thời huy hoàng của một xã hội chưa bị ý thức hệ vô sản hóa đè bẹp (dù chỉ tái hiện trong văn chương) bỗng chốc sáng bừng lên như những ngọn nến lung linh trong đêm, ít nhất dù không làm người ta quên hiện tại (khủng hoảng) cũng làm người ta thỏa mãn nỗi ấm ức một cái gì đó cứ phải che dấu trong đời.

 

Giờ đây, người ta quay sang khai thác chủ đề” đàn ông –đàn bà” trong đời tư của tác giả, cố gắng kéo lại „cơn sốt” Marai Sándor một thời, muốn dụ dỗ lũ” vô sản cũ” sắp bước sang tuổi già”hoài cổ” một lần nữa hoài niệm cùng lịch sử chăng?

Nhưng….

Hừ!...

 

Có vẻ như những thị dân cuối cùng của Marai đã phần lớn ”đường trần dứt áo ” ra đi cùng thần tượng, hỡi ôi! Có vẻ như càng ngày chỉ càng nhìn rõ hơn dấu hiệu của cơn khủng hoảng thế giới trên phố phường Budapest, chả bến metro nào vắng mặt ăn xin, bới rác, chả phút nào từ truyền thông các đảng phái chính trị không ra rả lên án nhau, và tầng lớp vô sản cũ „ biến cải” thành tầng lớp dân nghèo thành thị chả buổi nào vắng mặt trong các văn phòng quận xin trợ cấp. Một lần nữa: văn học đi đường văn học, đời sống đi đường đời sống.

 

Văn học thế kỷ vừa qua té ra chỉ là công cụ minh họa cho ý thức hệ của thời đại, dù đứng trên lập trường của tầng lớp xã hội nào. Nó không đủ sức chỉ đường cho nhân loại bằng những tư tưởng phổ quát hơn. Chỉ còn lại triết học, tri thức con người trong khía cạnh tinh thần phổ quát – Sẽ là đời sống tâm linh của con người thế kỷ hai mốt?

 

Marai ở Việt nam ra sao? Ban đầu những tác phẩm của Marai Sándor do NHN lựa chọn và „mách” cho đơn vị NN, cùng lúc cung cấp cho NN địa chỉ mua bản quyền và cả địa chỉ nơi”tài trợ” tiền xuất bản, với một thỏa thuận hân hoan của đôi bên là NHN sẽ là người dịch, NN là kẻ xuất bản.

 

Những ''kỷ niệm mặn nồng” này còn y nguyên trong các e-mail.

 

Khi nào về già ta sẽ kể”-nói như  nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng B., khi mọi việc trong thực tế không diễn ra như thế.

Văn hóa” vô sản hóa” dễ dàng đẻ ra những kẻ vô lại dối trá, ngụy biện, chuyên vu cáo, dựng chuyện, đi đêm, ăn vạ rạch mặt, cổ vũ”ala xô” đám đông, đã đưa bác Marai lên diễn đàn đấu đá…đơn phương theo mô hình CHXHCNVN.

Hahahahaha….

 

( 2012.08.01)

……..

 

’Nắng tháng tám, rám trái bưởi”

 

Đấy là ở Việt nam. Còn ở đây, nắng tháng tám làm rụng sạch những cây mận dại, vốn là nơi hẹn hò, cãi lộn nhau của lũ chim các loại. Những quả mận hoặc tím sẫm, hoặc vàng hoe, sau đêm vĩnh biệt, sáng ra thấy trút trọn toàn bộ dưới gốc, trải thành một lớp quả sặc sỡ dày, khiến ngơ ngẩn mắt.

 

Nắng tháng tám pha má hồng cho táo, lê đang choai choai, đợi mùa thu hoạch tháng mười. Quả tháng tám căng tròn bầu bĩnh, thậm chí nứt toác, thơm ngào ngạt và dứt khoát rời cành. Ra chợ rau chỉ ngắm màu sắc và sự viên mãn của chúng đã đủ sướng mắt, trước khi bước ra đường chang chang nắng, hòa vào đám đông sặc sỡ, vứt bỏ đến mức tối đa những mảnh váy áo quần,  những kẻ da nâu bóng, mắt kính râm to rầm che khuất những nụ cười hoan hỉ, mãn nguyện.

 

Tháng tám là lúc người ta quên khuấy cả mùa nóng lẫn mùa rét, cứ tưởng vĩnh cửu là mặt trời thức dậy rõ sớm, bầu trời xanh biếc rõ cao, và đêm lấp lánh vài vì sao trong trẻo cứ kéo dài cái màu ghi sáng của nó đến vô tận…

 

Tháng tám là lúc con người hưởng niềm hạnh phúc được quên, quên tuốt, quên mọi đỉnh cao và vực sâu của cảm xúc, để hòa mình trọn vẹn vào nắng dày của ân sủng mặt trời, như thể nắng và người không bao giờ cần xa nhau nữa.

 

Ôi nỗi niềm của một kẻ sinh ra ở xứ nhiệt đới gió mùa, sống trong khí hậu ôn đới, cứ thấy nắng là tê dại linh hồn, hồi hộp sợ hãi nghĩ đến nửa năm vắng nắng sắp đến…

 

Phần lớn con người chỉ tiếc nuối cái gì đã thành quá khứ, chả mấy ai tiếc nuối cái hiện tại đang đắm mình trong đó, vì đang còn mải hưởng thụ, kể cả đang mải hưởng thụ hiện tại chỉ bằng gặm nhấm kỷ niệm và xúc cảm quá khứ!

hahahahahaha….

 

( 2012.08.02)

 

Nguyễn Hồng Nhung
Số lần đọc: 2313
Ngày đăng: 07.08.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lan Man… Chết – Sống - Nguyễn Đông Nhật
Thông Điệp của Olympic London 2012 - Vũ Ngọc Anh
Những Ghi Chép Nhỏ Ở Thailand - Nguyễn Thị Hậu
Nửa Tháng Bảy - Nguyễn Hồng Nhung
Những bình đất nung méo mó - Nguyễn Linh Khiếu
Một Người Anh - Trần Dzạ Lữ
Phạm Văn Nhàn, Những hiển lộ từ miền ký ức - Nguyễn Lệ Uyên
Chữ Tháng Sáu - Nguyễn Hồng Nhung
Bão Tháng Sáu - Cẩm Loan
Nhớ “Cơn Lốc Màu Hoa Hồng” Trên Cầu Thị Nghè - Phạm Nga
Cùng một tác giả
Chim sẻ (truyện ngắn)
Thời gian (tạp văn)
Tuyết rơi (truyện ngắn)
Tách… (thơ)
Đêm nhạc jazz (truyện ngắn)
Vô danh (thơ)
Mùa thu chết (truyện ngắn)
Nhát đâm cuối cùng (truyện ngắn)
Bi hài biên tập (truyện ngắn)
Tang (thơ)
Buốt. (thơ)
Bóng (thơ)
Anh (thơ)
Đợi (thơ)
Szepes Maria (chân dung)
Mùa (thơ)
Tự do (thơ)
Xanh xao (thơ)
Câu chuyện tháng Hai (truyện ngắn)
Mưa Đêm (tạp văn)
Tình yêu (truyện ngắn)
Rát (thơ)
(truyện ngắn)
Jesse (truyện ngắn)
Sài gòn và em (tạp văn)
Năm Đổi Mới Đã Đến (nhìn ra thế giới)
Sống (tạp văn)
Ba Nguồn (triết học)
Jesse-3 (tạp văn)
Noel (thơ)
Arlequin – Anh Hề (triết học)
Ngôn Từ (tạp văn)
Các Hình Ảnh Cổ (triết học)
Phục Sinh (tạp văn)
Người Đàn Bà (triết học)
Cổ Tích Da Đỏ (triết học)
Chữ Tháng Sáu (tạp văn)
Thuật luyện vàng (triết học)
TẢ TƠI (truyện ngắn)
Sekina (tiểu luận)
Trở về nhà (tạp văn)
Cái gương (tiểu luận)
Sự nô lệ (truyện ngắn)
Có thể lắm (truyện ngắn)
Sống (tiểu luận)
Giữa (tạp văn)
Tuổi thu (tạp văn)
Bí ẩn đời sống (truyện ngắn)
Hạ ký (tạp văn)
Sáu mươi (tạp văn)
(ký)
Có đường đi lên (tiểu luận)
Có lẽ (thơ)
Về bản chất (tiểu luận)
Chị của Bố (truyện ngắn)
Lớp học Tiếng (truyện ngắn)
Mi và thượng đế (tiểu luận)
Tử vi Ai Cập (nghệ thuật)
Quê nhà (truyện ngắn)
Hưu (thơ)
Chết (thơ)
Bảy năm (truyện ngắn)
Cây táo vàng (truyện ngắn)
Quả bong bóng lợn (truyện ngắn)
Từ duy nhất (truyện ngắn)
Thu (thơ)
Kẻ giết mẹ (truyện ngắn)
Tặng (thơ)
Cây mận (truyện ngắn)
Cổ tích (truyện ngắn)