Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
676
116.004.829
 
Viết cho những nỗi người…
Phạm Xuân Hùng

(Nghĩ về tập Ghi chép “Chết như thế nào” của Phạm Nguyên Tường, NXB Thuân Hóa, 2009)

 

Chia sẻ những phận đời cô độc, những cộng đồng tha hương lưu lạc, những bước chân lang thang tìm nơi an trú và cả những khắc khoải đời người trầm kha đối mặt với cái chết…, tất cả hiện ra dưới ngôi bút của Phạm Nguyên Tường thật sống động. Đến mức, chỉ cần nhắm mắt cũng hình dung được những con người đó, bằng xương bằng thịt đang sống, đang thở, hoặc chìm đắm bất động hoặc tất tả ngược xuôi trên những nẻo đường...

 

Hai không gian mở trong tập ghi chép của Phạm Nguyên Tường là hai khoảng trời tác giả từng trải nghiệm, một nơi chốn anh theo học nghề y (Bỉ và Singapore) và nơi chốn anh sinh ra, lớn lên (Huế). Nhưng cả hai khoảng trời Âu, Á ấy, qua ngòi bút của Tường đã nối liền với nhau bằng những phận đời nặng nhọc, những nỗi người mệt mỏi trong giấc mơ dài của cõi nhân sinh.

 

Các nhân vật trong tập ghi chép của Phạm Nguyên Tường phần nhiều là những số phận cô đơn. Gã bù xù, một dân rệp trong cộng đồng rệp (cộng đồng người Ả rập trên đất Bỉ) được mô tả như một cư dân lạc lõng, đen đúa, tóc tai bù xù giữa đô thị hào nhoáng bậc nhất, nơi được xem là trái tim châu Âu (Dưới vòm trời xanh thẳm), cô hầu gái Kusmiyaly với nỗi nhớ chồng con quay quắt giữa đảo quốc Singapore giàu có và tràn ngập kiêu hãnh (Kedung Wringin đường về còn xa). Ngay cả khi được tụ bạ thành đám đông tha hương thì đám đông ấy vẫn không thoát nổi sự cô đơn nơi đất khách quê người. Đó là cộng đồng người Việt trên đất Bỉ (Tiếng quạ kêu chiều), cộng đồng người làm thuê từ Indonexia, Malaysia, Philippin…trên đất Singapore (Trong dòng người và tiền bất tận). Và cô đơn không chỉ trong những bước chân tha hương mà còn cô đơn ngay chính trên đất đai xứ sở của  quê hương như mẹ Kăn Hốt (Mẹ sau núi), trong ký ức dai dẳng buồn đau của chính bản thân như anh chàng cựu binh Machel Paul Maurer (Lên đồi Thịt Băm nhớ người bạn Mỹ bị giày vò).

 

Những nỗi người cô độc được Phạm Nguyên Tường vẽ ra trên nền hiện thực ngổn ngang sắc màu. Bằng cảm nghiệm xuất phát từ khao khát chia sẻ, Phạm Nguyên Tường nhìn ra trong một thế giới đầy biến động của kim tiền, một thế giới với các kiến tạo gấp gãy và ngày càng nhiều hơn sự vô cảm thì con người càng trở nên bé nhỏ và mặc cảm. Gã bù xù khốn khổ như hạt cát giữa cộng đồng người Bỉ, những người mà chỉ nhìn cũng có “cảm tưởng như họ làm tiền ngay cả trên mỗi bước chân” (trang 12). Cô hầu gái Kusmiyaly kiếm được những đồng tiền đẫm nước mắt và cả đời cô cũng không thoát nỗi số phận của ngôi làng Kedung Wringing nghèo khó và lam lũ. Trăm ngàn nỗi cô đơn không lặp lại đều có chung một điểm giống nhau đó là sự bào mòn về thể xác lẫn tâm hồn. Mẹ Kăn Hốt cuối đời ngồi dệt zèng và lặng im như bóng núi là sự tàn lụi một số phận bi kịch. Ngoại trừ những ngày tham gia cách mạng đầy háo hức niềm vui sống, số phận bà mẹ vùng cao này chỉ toàn những ngày u ám. Bị bắt về nhà chồng từ năm 12 tuổi, không tình yêu, bị đánh đập, trói ngược lên để đánh. Cả thảy có tám trận đòn trói ngược để đánh và kết quả là 8 đứa con ra đời. Nước mắt mẹ chảy vào trong để nuôi con nhưng nghèo khó đã cướp mất 4 đứa, những đứa còn lại cũng chẳng giàu có gì hơn. Vậy mà mẹ vẫn phải sống, cứ sống, nhẫn nại như núi. Và, còn nữa, một nhân vật như nhà thơ Phương Xích lô, sống và dâng hiến cuộc đời cho thi ca bị người đời ghẻ lạnh, cười chê, nhân vật mà trong ký ức của tác giả luôn ngơ ngác “trong một tửu quán chật hẹp, ngập ngụa tha nhân…” (trang 59).

 

Có hai cách khả dĩ để con người trốn chạy nỗi cô đơn đó là bằng lòng với hiện thực và kiếm tìm an ủi trong hồi quang ký ức. Những nhân vật trong ghi chép của Phạm Nguyên Tường đã hành xử với cuộc đời theo cả hai cách song chẳng phải ai cũng thành công. May mắn lắm vợ chồng Tài-Việt kiều trên đất Bỉ đủ ăn, đủ mặc vậy mà vẫn thương nhớ không đâu cái bẫy chuột Việt Nam, bởi vì anh Tài nhiều đêm, rất nhiều đêm “Bên ly cà phê ấm nóng, dòng ký ức xa xưa ùa về. Anh ngồi co ro trên tấm đệm xa lông, chụm hai chân vào nhau, úp gần hết mặt vào hai đầu gối, như thể sợ lỡ duỗi chân ra thì dòng ký ức mong manh sẽ trôi tuột mất…”. Cộng đồng người Việt trên đất Bỉ như vợ chồng anh Tài có khá nhiều và họ luôn chìm đắm trong cô đơn và cả sự lo sợ của người xa xứ. Sợ đủ thứ, cả có lý và phi lý. Vẫn chưa hết, nếu cộng đồng người Việt ở Bỉ là chứng nhân của giai đoạn lịch sử đầy biến động thì số phận các cô gái Việt ở các khu đèn đỏ Singapore, mang thân phận bèo dạt mây trôi xứ người thời hiện đại cũng đầy chua xót và ngùi ngẫm (Đồng hương không linh ở khu Geylang). Anh chàng cựu binh Mỹ Machel Paul Maurer từng chiến đấu ở đồi Thịt Băm còn cô độc hơn bởi ký ức chiến tranh luôn giày vò và một hiện thực trần trụi, tàn nhẫn với ước nguyện của anh (Lên đồi Thịt Băm nhớ người bạn Mỹ bị giày vò).

 

Đồng hành với những phận người chìm nổi, từng trang ghi chép của Phạm Nguyên Tường cho thấy sự đồng cảm và niềm ưu tư của ngòi bút vốn xuất thân từ nghề y. Se sắt lắm tác giả mới nghe được lời tâm sự của bà mẹ Kăn Hốt khi nghĩ về hóa thân của linh hồn sau khi chết: “Mẹ không thích làm con kiến vì con kiến rù rì, chậm chạp. Mẹ không thích làm đom đóm vì đom đóm khi sáng khi tối lập lòe. Mẹ thích làm con châu chấu để về, vì châu chấu về nhanh mà bay đi cũng nhanh…” (Mẹ sau núi). Và dằn vặt lắm khi chứng kiến sự cô đơn của bé Azis giữa đám đông ô trọc tác giả mới thốt lên “Tôi có thể nói gì với em, với Lyn, với mẹ Kăn Dư… về sự  ngu xuẩn và ngạo mạn, về thói lưu manh vô trách nhiệm, về tật tham lam vô độ, hợm hĩnh, và…mà chúng ta, quanh ta, đang có?” (Ớt mọi, hay những mẫu nhớ về A Hươr).

 

Hai trong số 12 ghi chép của Phạm Nguyên Tường nói về những người ung thư giai đoạn cuối. Với họ, cái chết được báo trước, là bi kịch tận cùng kề bên ngưỡng cửa. Phạm Nguyên Tường đã chứng kiến nhiều nỗi đau của bệnh nhân ung thư giây phút cuối đời và anh đã tự đặt câu hỏi phải làm gì để những người khốn khổ ấy có sự ra đi thanh thản, nhẹ nhàng. Chuyên ngành Chăm sóc làm dịu mà anh từng theo học và thực tập lâm sàng tại Singapore đã cho anh cơ hội tìm hiểu và chia sẻ với những con người thường trực mối đe dọa chất lượng sống những ngày cuối cùng trên cõi nhân gian. Nền y học hiện đại của thế giới đã trả lời cho việc nâng cao chất lượng chết bằng các tiêu chuẩn: Không đau đớn, Nhanh gọn, Trong thanh tịnh, Người thân kề bên- nhưng Phạm Nguyên Tường, bằng trái tim mẫn cảm và nhân văn còn muốn thêm vào đó một tiêu chuẩn thuần Việt/Á Đông nữa đó là: Được chết trong ngôi nhà của mình. Với tư cách là một bác sĩ và như Phạm Nguyên Tường nói “Cuộc đời hành nghề của tôi đã gắn với những giọt nước mắt của biết bao phận đời, phận người” (Lời nguyện cầu) song cũng vẫn anh đã nói rằng : “Tôi vẫn muốn cùng họ, những bệnh nhân ung thư đáng thương của tôi, chiến đấu trên một chiến hào, cho đến viên đạn cuối cùng” (Chêt như thế nào). Những trang viết của Phạm Nguyên Tường về những người mắc bệnh ung thư cận kề cái chêt khiến tôi nhớ đến Luận Vãng Sanh của các Lạt ma Tây Tạng nói về cái chết và các nghi lễ cầu nguyện để linh hồn trong giai đoạn thân trung ấm (sau khi rời bỏ thân xác trong 49 ngày) sớm được đầu thai trong cảnh giới an lạc. Tôi tin những trang viết Phạm Nguyên Tường mang hơi ấm, niềm xác tín và sức nặng của những lời nguyện cầu…

 

Là nhà thơ trẻ, tác giả của những tập thơ khá thành công như “Hoa cúc mùa thu”, “Lá tháng chạp”, “Quang gánh và những bài thơ khác”, tập ghi chép “Chết như thế nào” là tập hợp những trang văn xuôi đầu tiên của Phạm Nguyên Tường. Tôi không có ý định nói về mặt thể loại vì/dù/rằng có người xếp tản văn, ghi chép, ký sự… vào thể loại cận văn học, bởi tôi tin rằng, dù dưới bất kỳ hình thức nào, những trang viết đi từ trái tim sẽ đến được với trái tim và đó cũng là sứ mệnh của văn chương. Và như thế, những ghi chép của Phạm Nguyên Tường đã cho thấy hình hài của cây bút văn xuôi sau những thăng hoa và chiêm nghiệm với Thi Ca.

 

Tôi tin Phạm Nguyên Tường sẽ thành công trong lĩnh vực văn xuôi bởi anh đủ thông minh và còn trẻ, và quan trọng hơn, là người mà trong hình dung của tôi, luôn ám ảnh bởi những phận người chìm nổi, để rồi tự vấn: Viết như thế nào?  trên từng con chữ… /.

 

Đà Nẵng 14.10.2009

Phạm Xuân Hùng
Số lần đọc: 2052
Ngày đăng: 28.10.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cuộc đời nhân vật đã bị bỏ quên - Trần Thị Ngọc Lan
Tiếng hát người nô lệ mới của Nguyễn Ước - Nguyễn Hồng Nhung
Để khuyết giải thơ 2009- Hội đồng thơ Hội nhà văn Việt Nam không có con mắt xanh - Trần Mạnh Hảo
Tái ám ảnh về một bài thơ ám ảnh - Đỗ Quyên
Đi suốt đời chưa hết niềm say - Bùi Công Thuấn
Nỗi đời riêng và ánh rằm xưa - Võ Quê
Đẹp dị biệt từ “ Dị hương “ - Nguyễn Hoàng Vân Anh
Thơ vài khắc của Nguyễn Hồng Nhung - Phương Giang
Điểm sách :Tạo dựng tương lai * - Phạm Toàn
Nháp, những vần thơ đêm trắng bạch - Lê Vũ