Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
693
116.702.079
 
Nhạc Pháp trong hồn người Việt
Đỗ Nguyễn

   

     Âm nhạc của nước Pháp là một nghệ thuật đa dạng không ngừng phát triển với thể nhạc nguyên sơ được hình thành từ thời Trung Cổ, chủ yếu là khởi điểm từ tôn giáo do ảnh hưởng của thời La Mã và sau đó được tồn tại và bảo trợ bởi hội thánh  nhà thờ, chính là thể loại âm  nhạc được trình  diễn tại Nhà thờ Đức Bà (Notre Dame de Paris) từ thế kỷ thứ 12.

 

     Sau nhiều biến chuyển nghệ thuật qua từng thời đại, âm nhạc nước Pháp dần trở thành cực kỳ  phong phú kể từ thời Trung Cổ (Moyen Âge) cho đến Phục Hưng (Renaissance), Nghệ Thuật Phá Cách (Baroque), đến Cổ Điển (Classique) rồi Lãng Mạn (Romantique), Hiện Đại (Moderne) để đến âm nhạc thời Đương Đại hoặc Tân Nhạc (Contemporain) hay còn gọi là Nhạc Nhẹ, từ đó những bản nhạc có lời mang  tính quần chúng, dễ tiếp nhận được gọi nôm na là “ La Chanson Française.”  ( Bài hát Pháp, nhạc có cả lời ).

     Tân nhạc của Pháp xuất hiện từ thập kỷ 1920 rồi phổ biến rộng rãi trên thế giới vào thời điểm mà nước Pháp còn là một cường quốc và thống trị nhiều quốc gia nghèo khắp các lục địa, trong đó có Việt Nam.

 

     Tại Việt Nam qua văn hoá Pháp du nhập bằng ngôn ngữ và nền giáo dục của xứ này, âm nhạc được truyền tải qua sự giáo dục Công giáo rồi tân nhạc của Pháp đến với các nước thuộc địa một cách đương nhiên và được quần chúng hưởng ứng vô điều kiện.

      Những nhà hát lớn ở Việt Nam cũng được xây dựng để phục vụ nghệ thuật này, tại Hà Nội (xây dựng từ 1901 đến 0911 mới xong) với kiến trúc phỏng theo Nhà hát Opéra Garnier vĩ đại và danh tiếng (khánh thành từ năm 1875) của Paris, và nhà hát lớn tại Sài Gòn rất đẹp với  một nét đặc thù hoàn toàn khác (khánh thành vào năm 1900), thêm nhà hát Hải Phòng nhỏ hơn. Riêng 2 trường Quốc Gia Âm Nhạc tại Hà Nội và Sài Gòn được thành lập vào năm 1956 vẫn có sự hỗ trợ về mọi mặt của chính phủ Pháp.

 

 

       Những bản nhạc Pháp từ đó được phổ biến trong trường học cho trẻ em tại các nước dùng ngôn ngữ Pháp (Francophone) đương nhiên kể cả các nước thuộc địa trong đó có bản “ La Marseillaise ” của Rouget De Lisle với hòa âm của Hector Berlioz, đây là một sáng tác quan trọng vào thời Cách Mạng Pháp năm 1789 đã trở thành quốc ca Pháp cho đến bây giờ.

     Thể loại thánh ca được người Việt biết đến khá rộng rãi trong quần chúng, đặc biệt những ca khúc dành cho dịp lễ Giáng Sinh như “ Petit Papa Noel ”của Tino Rossi (riêng Ave Maria, Mon Beau Sapin, Douce Nuit Sainte Nuit tuy là nhạc của Đức nhưng được phổ biến tại Việt Nam bằng Pháp ngữ ).

 

     Sau thế chiến thứ nhất, giai cấp tư sản và tiểu tư sản là tầng lớp mới của xã hội theo Tây học, sinh hoạt của giai cấp này cho đến cảm xúc và tư tưởng chịu ảnh hưởng lớn qua sự tiếp xúc với giòng văn học lãng mạn Pháp, và Tân nhạc Việt Nam cũng được hình thành từ tân nhạc Pháp, lấy nhạc ngữ Tây phương làm nền tảng tạo nên giòng nhạc Tiền Chiến của ta, thể loại du dương với nhạc ngữ mới này.

     Nhạc Pháp có lời (La Chanson Française) từ dòng tân nhạc có thể tính từ thập niên 1930 được du nhập vào nước ta được đón nhận một cách nồng nhiệt, dân thành thị có điều kiện cũng đánh giá cao nhạc khiêu vũ và cổ điển, họ học nhảy đầm và đi nghe hòa nhạc, học đánh đàn; những nhạc cụ chính mà người dân bắt đầu học là Mandoline, Guitare, Piano, Violon và ngay cả Accordéon.

     Những bản nhạc có lời như “ La Mer ” của Charles Trénet, Tino Rossi với “ Petit Papa Noel ” và Edith Piaf với “ La Vie en Rose ”, Yves Montant hát “ Les Feuilles Mortes ” một bản mà Joseph Kosma phổ nhạc từ thơ của Jacques Prévert rất nổi tiếng … Sau đó, từ đầu 1950, 1960 ta thấy dần xuất hiện những ca sĩ sáng giá như Charles Aznavour, Dalida, Adamo, Vicky Leandros, Jacques Brel, Barbara, Mireille Mathieu, Claude François rồi Françoise Hardy, Johny Halliday, Sylvie Vartan, France Gall … Phong trào chuyển ngữ cũng bắt đầu đến với các nước còn vấn vương nền văn hoá Pháp.

 

      Người Việt cũng rất yêu thích nghệ thuật thứ bảy là phim ảnh xuất hiện ở nước ta cũng từ thời Pháp, bắt đầu với những phim câm đen trắng cho đến sau này nên nhạc phim của Pháp cũng được biết đến và đón nhận, thể loại này khá phong phú và có những bản lừng danh thế giới. Những nhạc sĩ Pháp danh tiếng toàn cầu đã luôn sáng tác cho phim ảnh là Maurice Jarre, Françis Lai, Michel Legrand, Claude Bolling …

      Những bản nhạc phim nổi tiếng như The Doctor Jivago, Ghost … của Maurice Jarre, Love Story của Francis Lai, và Summer 42 là một tuyệt tác của Michel Legrand ngay từ đầu đã có lời tiếng Anh, dù đó là những bộ phim của Mỹ sản xuất nhưng các hãng phim đã luôn cần sự cộng tác của những nhạc sĩ tài ba người Pháp và dòng nhạc phim hay luôn để lại trong lòng người yêu nhạc dư âm đẹp đẽ nhưng người thưởng ngoạn hầu như không thắc mắc đến tựa đề bằng tiếng Pháp các bản nhạc này.

      Riêng nhạc sĩ soạn hoà âm nổi tiếng Paul Mauriat (từ bản L’Amour est Bleu – Tình Xanh) vừa là nhạc trưởng với giàn nhạc của ông đóng vai trò rất quan trọng trong nền tân nhạc Pháp.

 

Thanh Lan với bản Bang Bang - Khi Xưa Ta Bé

 

    Tại Việt Nam, từ những năm 1960, giới thưởng ngoạn nhạc ngoại quốc không để ý nhiều đến xuất xứ những bản họ yêu thích, không phân biệt lắm những bản nổi tiếng gốc của Pháp hay Mỹ. Ví dụ :

     _ “ Que Sera Sera ” tiếng Pháp vốn là nhạc của Mỹ (Whatever Will Be Will Be của Jay             Livingston và Ray Evans hát bởi Doris Day).

     _ “ My Way ” (Paul Anka viết lời tiếng Anh cho Frank Sinatra hát) chính là của nhạc sĩ Pháp Jacques  Revaux và Claude  François có tựa là  “ Comme D’Habitude ”.

     _ “ My Baby Shot Me Down ” nhạc Mỹ, tác giả là Sonny Bono sáng tác cho vợ là ca sĩ Cher, được chuyển ngữ Pháp sau đó thành “ Bang Bang ”.

     _ “ Seasons in The Sun ” của Terry Jack và Rod McKuen danh tiếng gốc là nhạc Pháp của Jacques  Brel có tên “ Le  Moribond ”.

     _ “ If You Go Away ” lời tiếng Anh của thi sĩ Mỹ chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp “ Ne Me Quitte Pas ” của nhạc sĩ gốc Bỉ Jacques Brel.

      _ “ Sad Movies  Make  Me Cry ”, nhạc Mỹ của John D. Loudermilk với lời Pháp “ Quand Le Film Est Triste ”.

     Tuy nhiên người Việt nghe thấy hay và dễ cảm nhận là được, nhất là những bản được dịch ra lời Việt thì càng được phổ biến rộng rãi.

      Những nhạc sĩ của chúng ta đã thổi hồn Việt vào nhạc Pháp là Phạm Duy, Vũ Xuân Hùng, Xuân Vinh, Lữ Liên, Nhật Ngân …

      _  Phạm Duy : «  Je Sais » của Claude François (Cuộc Tình Tàn )  « Dans Le Soleil et Dans Le Vent » (Trong Nắng Trong Gió) ; « La Plus Belle pour Aller Danser  » (Em Đẹp Nhất Đến Nay),  « Tous Les Garçons et Les Filles » (Những Nụ Tình Xanh), « Après Toi  »

( Vắng Bóng Người Yêu ) « Aline  » ( Gọi Tên Người Yêu), « Bang Bang » ( Khi Xưa Ta Bé) …

      _ Riêng nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng vốn là một thầy dạy ngoại ngữ nên ông rất thành công trong vai trò cầu nối cho nhiều giai điệu nhạc Pháp với tâm hồn người Việt : « Toi Jamais »

( Anh Thì Không), « La Maritza » ( Giòng Sông Tuổi Nhỏ), « Adieu Jolie Candy » (Tiễn Em Nơi Phi Trường), « Tombe La Neige » (Tuyết Rơi), « Poupée de Cire Poupée de Son » (Búp Bê Không Tình Yêu), « Elle Était Si Jolie  » ( Nàng Đẹp Như Mơ) …

     _ Nhật Ngân : « Je Ne Suis que De L’Amour  » ( Khi Có Chàng ), « Et Pourtant » (Anh Vẫn Biết), « Oh Mon Amour » (Tình Yêu Ôi Tình Yêu) …

     _ Xuân Vinh :  “ Love story ” (Chuyện Tình), Romeo et Juliette

     _ Lữ Liên :  « Le Géant de Papier  » (Lạc Mất Mùa Xuân), « Les Valses de Vienne » ( Cõi Mơ) …

      Những ca sĩ Việt hát nhạc Pháp từ trước năm 1975 đông đảo, lão thành như Châu Hà, Bích Chiêu, Bạch Yến, Lệ Thu, Paolo, Jo Marcel … thường trình diễn ở các phòng trà Sài Gòn hơn là thu âm, rồi đến Elvis Phương, Julie Quang, Thanh Lan, Khánh Hà, Anh Tú, Cathy Huệ … vừa trình diễn tại các đại hội nhạc trẻ và khi điều kiện thu băng dĩa trở thành dễ dàng nên sự phổ biến rộng rãi những bài hát Pháp với cả lời Việt đã được dân ta đón tiếp nồng nhiệt hơn nữa. Bên cạnh đó công việc thiết thực của nhạc sĩ, ký giả Trường Kỳ trong công việc sưu tầm và kiếm tìm, đăng tải các bài hát đã góp phần không nhỏ cho ca sĩ.

     Cho đến sau này, dù nhạc Pháp đã phai mờ và bị lấn át bởi nhạc Anh và Mỹ, dân Việt ta vốn hoài cổ, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ nền văn hoá Pháp nên vẫn đánh giá cao dòng nhạc này. Những ca sĩ thành công ở hải ngoại như Ngọc Lan, Kiều Nga, Lâm Nhật Tiến, Đơn Hồ … cũng hát rất đạt những bản đã luôn nổi tiếng.

 

     Bên cạnh đó, những giai điệu Lãng Mạn Cổ Điển của các nhạc sĩ Pháp danh tiếng như Debussy, Chopin, Massenet … tuy được yêu thích tại Việt Nam nhưng quần chúng nghe thể loại này khá giới hạn ; thể loại Tân Cổ Điển (Néoclassique, một dạng âm nhạc hình thành giữa hai thời thế chiến trong thế kỷ trước tại phương Tây), dân ta hưởng ứng vì dễ thưởng thức  hơn như « Ballade pour Adeline »  hoặc « Mariage d’Amour »  của Paul Senneville được diễn tả bằng nhạc cụ trưởng giả là piano bởi những nhạc sĩ dương cầm tài ba Richard Clayderman đã chinh phục triệu triệu khán thính giả.

 

      Dòng nhạc Jazz của Pháp cũng không mấy phổ biến ở nước ta vì thể loại này kén người nghe, tuy nhiên một vài nhạc phẩm danh tiếng như « Nỗi Lòng » của nhạc sĩ Nguyễn văn Khánh khi soạn theo điệu này đã được diễn tả rất thành công với ca sĩ Bích Chiêu.

     Từ thập niên 1990, những ca sĩ Pháp trẻ hơn Patricia Kass, Marc Lavoine cũng được người Việt trong nước biết đến sau đó và ủng hộ nồng nhiệt qua những chuyến lưu diễn của họ tại đây.

 

                                CA SĨ  CHRISTOPHE  và bản nhạc ALINE

 

         

      Christophe là một nhà soạn nhạc người Pháp đồng thời cũng là một ca sĩ nổi tiếng toàn cầu, tên thật là Daniel Bevilacqua, ông sinh năm 1945 tại Juvigny sur Orges, ngoại ô của Paris, mất vào tháng Tư năm 2020 vì bệnh phổi đồng thời ông đã bị lây nhiễm Covid 19 và đã qua đời trong niềm thương tiếc của muôn triệu người hâm mộ. Ông được an táng tại nghĩa trang Montparnasse, Paris.

      Christophe nổi tiếng từ 1965 với bản nhạc  « Aline  » mà số bán kỷ lục hàng chục triệu đĩa tại Pháp và trên khắp thế giới từ lần đầu tiên cho đến những lần tái bản.

 

      Tại Việt Nam, trước năm 1975, Christophe là một trong những ca sĩ ngoại quốc được giới trẻ yêu thích nhất; giọng hát của ông đặc biệt, nhiều cảm xúc và dễ cảm nhận với những bản « Mal, Les Marionettes, Maman, Oh Mon Amour … ». Ông cũng sáng tác không ngưng nghỉ suốt đời và có đến 17 albums đã lưu hành nhưng đặc biệt bản Aline là một thành công xuất sắc trong đĩa nhạc đầu tiên đã để lại ấn tượng sâu đậm nhất đối với thính giả và trở thành tác phẩm để đời, ông đã trở thành hiện tượng của nền nhạc trẻ của quê hương ông và thế giới.

     Vào năm 2003, Christophe được vinh danh tại hí viện Olympia với giải Victoire de la Musique, sau đó giải Grand prix de la Chanson Française năm 2010, và năm 2014, ông cũng được phong tước danh dự cao quý của quốc gia :  Ordre National de la Légion d’Honneur.

     Với sự bảo trợ của một tổ chức từ thiện giúp trẻ em nghèo, Christophe đã đến Việt Nam vào tháng 11 năm 2013 và trình diễn tại nhà hát Hòa Bình và dùng tổng số thu để hỗ trợ các em.

 

      Cho đến bây giờ, người Việt vẫn yêu thích nhạc Pháp dù giòng nhạc này không còn được sung mãn như những năm trước đây, qua thời hoàng kim, chất lượng sáng tạo của các nhạc sĩ Pháp thời đại này cũng không được như xưa ; ở ngoại quốc, nó yếu dần  theo sự phổ biến kém đi của ngôn  ngữ  Pháp trước thế mạnh của tiếng Anh. Tuy nhiên ca sĩ Christophe vẫn chiếm một chỗ đứng quan trọng trong trái tim mọi lứa tuổi.

 

   Bussy Saint Georges, Pháp, mùa đông 2020.

 

 

Đỗ Nguyễn
Số lần đọc: 1429
Ngày đăng: 27.08.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trịnh - Tình yêu và những khúc ca bất tử. - Đỗ Nhựt Thư
Nhạc sĩ Lê Uyên Phương – tình khúc cho đời - Đỗ Nguyễn
"Tháng sáu trời mưa ", một bà hai ông: thơ vào nhạc ... ... - Lê Anh Thu
Vài nét về hai khuôn mặt nổi bậtcủa nhạc Việt đương đại:Lê Cát Trọng Lý và Vũ Cát Tường - Bùi Đức Hào
Bài hát “Bàn tay nhỏ dưới mưa” - Nguyễn Phú Yên
Những hình thức biểu diễn ca nhạc - Tuấn Giang
Nguồn gốc âm nhạc Mông (Hmômgz) - Tuấn Giang
Nhạc tình Boléro trở lại - Phan Văn Thạnh
Nhạc sĩ Xuân Hồng – Trẻ mãi một giai điệu màu xuân - Nguyễn Thanh
Từ lâu đã có Boléro bụi đời, hát rong... - Phạm Nga
Cùng một tác giả
Ngọn gió nào… (truyện ngắn)
Tả ngạn (truyện ngắn)
Cây rừng vô cảm (truyện ngắn)
Chân mây xa vời (truyện ngắn)
Triền dốc lãng quên (truyện ngắn)
Chiều phai Dã Quỳ (truyện ngắn)