Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
741
116.706.737
 
Lời trần tình (phần 10)
Đỗ Nguyễn

 

Dịch thuật

OSCAR  WILDE

DE  PROFUNDIS

 

 

    Thời gian đầu sống trong tù, có người từng đã khuyên tớ hãy thử quên mình đã là ai. Lời khuyên ghê rợn. Chỉ có khi nào ý thức mình là ai tớ mới cảm lấy được an ủi. Giờ đây, lại có người khuyên tớ, khi được trả tự do, hãy quên đi rằng đã bị ở tù. Tớ biết rằng mọi điều đều tàn độc như nhau. Đó sẽ có nghĩa rằng tớ sẽ không ngừng bị ám ảnh bởi một tình cảm không tha thứ được là sự hổ thẹn và rằng những gì được tạo ra cho tớ cũng như cho bất cứ ai - vẻ đẹp của mặt trời hay ánh trăng, chuyến xe chở những mùa, điệu nhạc của bình minh và sự thinh lặng của những đêm dài, giọt mưa rơi trên tàng lá hay hạt sương làm ánh bạc cỏ xanh - đối với tớ sẽ là nhơ nhuốc và mất đi quyền lực để chữa trị vết thương và mang đến niềm hạnh phúc? Hối tiếc những thử nghiệm của mình là ngừng tiến bộ. Chối bỏ những thử nghiệm của mình là đặt một lời nói dối lên môi mình suốt đời. Không khác gì từ bỏ tâm hồn.

    Bởi cùng lúc với thể xác thấm nhập được mọi điều của đủ các thể loại trong đời sống, những điều thô bạo và dơ bẩn cũng như những điều mà vị linh mục hoặc một quan niệm nào đó đã rửa sạch nó, và cùng là lúc nó hoán đổi những điều này thành sức mạnh và năng động, thành một trò chơi của những cơ bắp hài hòa, da thịt được ráp khuôn một cách đẹp mắt, mang lại màu sắc cho mái tóc và đôi mắt ; tâm hồn cũng thế, nó cũng có những chức năng dinh dưỡng và có thể biến đổi thành những cách suy tưởng hướng thượng và những đam mê của sự cao vời vốn thấp kém, tàn nhẫn và suy thoái trong ta. Và còn tốt hơn thế nữa, tâm hồn còn có thể tìm thấy điều kiện cao hơn để tự khẳng định và, luôn luôn, tìm thấy khả năng để biểu lộ một cách hoàn toàn hơn với chính nó bởi đó là dự án để xúc phạm hoặc tàn phá nó.

    Tớ sẽ phải chấp nhận một cách ngay thẳng sự việc đã là thằng tù nhân tầm thường của một nhà tù tầm thường, và cậu sẽ thấy cái vẻ kỳ cục là một trong những điều tớ phải học là không được hổ thẹn. Tớ phải chấp nhận nó như một ân sủng, và nếu ta hổ thẹn vì được ban ơn thì đừng bao giờ nhận ơn thì hơn. Đương nhiên, có những điều tớ đã bị kết tội mà không hề phạm pháp, nhưng cũng có một số lớn điều tớ làm và bị kết tội ; và trong đời tớ, lại còn cả một đống chuyện tớ đã làm mà chẳng hề bị ai nhòm ngó. Và bởi thế, như tớ đã hét tướng lên rằng, Thượng đế thật lạ lùng và trừng phạt những gì tốt và nhân đạo mà chúng ta làm cũng như những gì xấu và trụy lạc mà chúng ta làm. Tớ sẽ phải chấp nhận sự việc tớ đã bị trừng phạt vì điều tốt cũng như điều xấu tớ đã làm. Để cho hoàn toàn đúng, tớ có bản án của mình. Điều này giúp cho bạn, hoặc sẽ phải giúp cho bạn, để hiểu cả hai thứ tốt xấu và đừng tự hào về điều nọ cũng như về điều kia. Thế thì, như tớ đã hy vọng, tớ chả việc gì phải xấu hổ với cái phúc đức mình được hưởng, tớ sẽ lại có khả năng nghĩ ngợi, đi đứng và sống trong tự do.

     Nhiều anh, một khi được trả tự do, rước theo nhà tù với họ và giấu nó kỹ trong lòng như một vết thương kín đáo, rồi như những kẻ khốn khổ bị trúng độc, chấm dứt bằng cách tự chôn mình trong một cái lỗ để rồi toi luôn ở đó. Thật đáng thương cho họ đã phải đến nước đó và xã hội mới bất công làm sao! Bất công kinh khủng khi buộc họ phải như thế. Xã hội tự phong chức quyền cho mình để bắt nạt cá nhân bằng sự trừng phạt ghê rợn đồng thời xã hội có cả tật xấu tột đỉnh là nông cạn, không thấy được mình làm như thế. Khi người ta đã thi hành xong bản án, xã hội bỏ rơi họ về với chính họ ; có nghĩa là đúng vào lúc phải có trách nhiệm lớn nhất với họ. Thật ra, xã hội xấu hổ bởi hành động của mình và lẩn tránh kẻ đã bị mình trừng trị như ta trốn bọn mõ toà mà ta không thể hoàn trả món nợ, hay tránh né người nào đó với họ ta đã làm một lỗi quá nặng nề, không thể cứu vãn được. Về phần tớ, nếu thấy được rằng mình đã chịu khổ, tớ có thể đòi xã hội hiểu cho về cái điều mà nó đã hà hiếp tớ, theo kiểu không có đắng cay cũng như chẳng chút giận hờn cho phe nọ cũng như phe kia.

     Chắc chắn, tớ biết rằng theo một cách nhìn nào đó, mọi điều sẽ khó khăn cho tớ hơn là những bạn tù khác. Nó phải như thế từ trong bản chất của trường hợp tớ. Những tên trộm cắp khốn khổ và bọn sống ngoài vòng pháp luật bị nhốt tù cùng tớ ở đây, trên mọi phương diện may mắn hơn tớ. Góc phố tối tăm hay cánh đồng xanh đều thấy lỗi của họ là nhỏ. Để tìm thấy những kẻ không biết gì về những điều họ đã làm, chỉ cần đi qua khoảng cách mà một cánh chim có thể băng ngang từ đêm tàn cho đến bình minh. Nhưng với tớ, thế giới thu hẹp lại bằng một gang tay và vài ba phía mà tớ quay qua quay lại, tên của mình được vạch lên những mỏm đá bằng bút chì. Bởi vì tớ không từ bóng tối đi đến sự tai tiếng của trọng tội, mà từ một loại danh vọng vĩnh viễn đi vào một loại ô nhục vĩnh viễn, và tớ thấy đôi khi có thể định nghĩa được, nếu cần phải định nghĩa, rằng từ danh vọng cho đến ô nhục, chỉ cần một bước, hoặc có thể kém hơn.

    Trong lúc này, ngay cả về việc mà người ta nhận ra tớ nơi đây, người ta biết về đời tớ, ít ra là về những sự điên rồ của nó ; tớ có thể nhận thức được cho mình một vài ân huệ. Điều này buộc tớ cần thiết để lại tự xác định mình là nghệ sĩ và bất cứ lúc nào có thể. Nếu tớ còn được quyền sản xuất một tác phẩm nghệ thuật đẹp và duy nhất. Tớ sẽ có thể rứt nọc độc từ sự hung dữ, rứt những chua cay từ nỗi đớn hèn và cắt tận gốc cái lưỡi của khinh bỉ.

    Nếu đời sống là một vấn đề đối với tớ - chắc chắn là như thế - tớ cũng không kém là một vấn đề cho đời sống. Người ta sẽ phải chấp nhận một thái độ nào đó với tớ và tuyên bố một phán xét về tớ và về họ. Tớ không cần nói đến ai một cách riêng biệt cả. Chỉ những người giữa họ tớ mong muốn tìm lại từ nay là những nghệ sĩ và những kiếp người đã chịu đau khổ : những người biết vẻ đẹp là gì và những người đã biết được thế nào là đau đớn. Tớ chẳng muốn ai khác đâu. Tớ cũng chẳng đòi hỏi gì ở cuộc đời. Trong tất cả những gì tớ đã nói, tớ chỉ ưu tư đơn giản về thái độ tinh thần của tớ với cuộc đời và trong toàn bộ nó : tớ chẳng hề có cảm giác xấu hổ đã bị trừng trị là một trong những kết quả đầu tiên mà tớ phải đạt đến và để cho riêng sự hoàn thiện của con người mình bởi vì tớ kém hoàn thiện biết bao!

    Rồi tớ sẽ còn phải học hỏi làm thế nào để được hạnh phúc. Tớ biết nó từ ngày xưa cơ, hoặc tớ tưởng đã biết nó bởi bản năng mình. Ngày xưa, đã luôn là mùa xuân trong hồn tớ. Bản chất của tớ, liên kết với niềm vui. Đến tận bờ, tớ đã rót đầy cuộc đời mình những thú vui như ta có thể rót rượu vang đến tràn khỏi miệng cốc.

     Giờ đây, tớ dự tính cuộc đời dưới một góc cạnh tuyệt đối khác, và ngay cả nhận thức hạnh phúc thường là cực kỳ khó khăn. Tớ nhớ đã đọc, vào học kỳ thứ nhất ở Oxford, trong Hồi Sinh của Walter Pater - quyển sách này có một ảnh hưởng lớn cho đời tớ - rằng Dante xếp vào tận đáy của địa ngục những kẻ tình nguyện sống trong sầu muộn. Tại thư viện của trường, tớ đã tìm trong « Hài kịch Thần Tiên », đoạn trong đó viết rằng dưới đầm lầy đen tối, lắng tụ những kẻ « u buồn trong khí trời êm dịu », lập lại mãi mãi qua hơi thở họ :

         Tristi fummo

         Nell ’ aer dolce che dal sol s’ allegra.

 

     Nhà thờ, tớ biết nó, kết tội l’accidia, nhưng ý tưởng này với tớ như thật quái đản, đấy chính là, tớ nghĩ, một loại tội ác mà một giáo sĩ mù tịt tất về đời sống thực tế sẽ bịa đặt ra. Tớ cũng đã không thể hiểu rằng Dante, người đã nói « Niềm đau đớn nối ta lại với Thượng đế » đã có thể tàn ác thế với người vướng phải sầu muộn, đến độ điều này hiện hữu thực sự. Không nghi ngờ gì nữa cho tớ rằng nó sẽ trở thành một trong những dự định lớn nhất của mình một ngày nào đó.

    Dạo ở nhà tù Wandsworth, tớ đã tưởng đến cái chết. Đấy là ý nguyện duy nhất của tớ. Khi tớ được chuyển đến đây, và sau hai tháng ở khu dưỡng bệnh, tớ nhìn nhận rằng tình trạng sức khỏe của mình đã khả quan hơn, tớ uất hận. Tớ quyết định sẽ tự tử đúng vào ngày ra tù. Sau đó một thời gian, ý đồ đen tối này biến lặn đi và tớ quyết tâm sống, nhưng tự khoác lên mình nỗi thảm sầu như một ông hoàng khoác ngự bào, không còn cười nổi nữa, biến đổi tất cả mọi nơi tớ đặt chân đến thành nhà tang, buộc bạn bè phải điều chỉnh chầm chậm bước chân của họ trên nỗi phiền muộn của mình, dạy cho họ biết rằng u sầu là điều thật sự bí ẩn của cuộc đời, gây cho họ nỗi đớn đau kỳ lạ, đè nặng lên họ nỗi buồn riêng của mình. Cảm nhận của tớ giờ đây hoàn toàn khác, khốn khổ đồng thời tàn nhẫn cho mình có một vẻ buồn đến nỗi những người bạn vào thăm, họ sẽ phải có vẻ còn buồn hơn để tỏ lộ tình cảm của họ, hoặc nếu muốn tiếp họ, tớ bèn mời họ ngồi ở bàn trong yên lặng trước thảm cỏ đắng hay một bữa ăn thanh đạm. Tớ  phải  học thế nào để vui và hạnh phúc.

     Hai lần cuối vào dịp người ta cho phép tớ tiếp bạn, tớ đã cố hết sức gượng vui để đáp lại một chút công sức họ đã lặn lội từ thành phố đến thăm tớ. Đấy chỉ là sự trả nghĩa nhỏ nhoi nhưng, tớ chắc chắn, đã làm họ thấy vui. Hôm thứ bảy tuần trước, tớ đã gặp Robbie trong một tiếng đồng hồ và tớ cố gắng tỏ ra hoàn toàn có cảm giác là vui nhờ vào cuộc hội ngộ của bọn tớ. Bằng chứng là tớ thật sự có lý trong những cái nhìn và tư tưởng mà tớ diễn thuyết ở đây cho chính mình, đã mang đến cho mình sự thể rằng đây là lần độc nhất từ ngày vào khám, bây giờ tớ mới thật tình có ý mong muốn sống.

    Còn có trước mặt biết bao điều để làm mà tớ sẽ nhìn như một bi kịch ghê rợn nếu tớ chết đi trước khi có thể nhận thức về nó ít ra là một phần nhỏ. Trong nghệ thuật và trong đời sống nhiều phát triển bất ngờ, mỗi sự phát triển tặng cho ta một cách để hoàn thiện. Tớ mong mỏi được sống để có thể thám hiểm, nơi mà với tớ không gì kém hơn là một vũ trụ mới. Cậu có muốn biết vũ trụ mới này là gì không? Tớ tin rằng cậu có thể đoán được. Đấy là cái vũ trụ hiện tớ đang sống trong đó.

   Nỗi đau đớn, và tất cả những gì nó chỉ đạo là vũ trụ mới của tớ đấy. Đã quen sống hoàn toàn cho mọi thú vui và đã từng trốn chạy tất cả mọi thể loại đau khổ và buồn phiền. Tớ đã ghét cả hai và đã cương quyết lờ chúng đi khi có thể, nghĩa là xem chúng như đồ bỏ. Chúng bị loại hẳn khỏi hệ thống đời sống và không có chỗ đứng nào trong triết lý của tớ. Mẹ tớ, người có một khái niệm hoàn chỉnh hơn về cuộc đời, vẫn đọc cho tớ nghe thường xuyên những câu thơ của Goethe, dịch thuật bởi Carlyle trong một quyển sách mà ông đã cho mẹ tớ từ nhiều năm trước, tớ có thể tin rằng :

 

     Ai chưa ăn bánh trong nỗi sầu đau,

     Ai chưa sống mỗi giờ trong đêm tối,

     Để khóc ngóng trông bình minh đến vội…

     Đâu thể biết được gì về trời cao?

 

     Đấy là những câu thơ mà hoàng hậu cao quý của Prussia mà Napoléon đã cư xử một cách thô bạo, bà có thói quen đọc lên trong niềm tủi nhục khi bị lưu đày. Đấy là những câu thơ mà gần cuối đời, mẹ tớ vẫn đọc lên lúc cảm thấy sầu khổ trong ưu phiền. Tớ đã tuyệt đối không muốn chấp nhận, hoặc chỉ nhìn nhận, sự thật vĩ đại che giấu trong đó. Tớ đã không thể hiểu được. Tớ còn nhớ rất rõ đã thường xuyên nói với bà rằng tớ không muốn ăn bánh mì của mình trong đau khổ và cũng không muốn khóc suốt đêm chờ đợi một buổi sáng còn đắng cay hơn đêm vừa qua.

    Tớ đã chẳng ngờ được rằng đấy là một trong những bất ngờ đặc biệt mà định mệnh đã dành cho mình, và trong suốt một năm qua trong đời, tớ đã chẳng làm gì khác hơn. Nhưng đó chỉ là một phần của tớ đã được làm xong; trong những tháng cuối, bằng cái giá của những khó khăn và tranh đấu khủng khiếp và đã hiểu ngay cả một vài bài học được giấu ở giữa nỗi đớn đau. Những người tu hành và người đời làm hỏng đi những câu tầm bậy đôi khi nói về sự đau khổ như một bí mật. Thật ra, đó là sự biểu lộ. Nó cho phép ta nhận thức được về điều ta chưa bao giờ cảm nhận và đề cập câu chuyện dưới một góc cạnh khác. Điều mà ta linh cảm một cách mơ hồ, bởi bản năng, về mặt nghệ thuật được chứa đựng với quan điểm rộng rãi và sự thông cảm sâu xa một cách tinh thần và xúc cảm.

     Bây giờ tớ thấy rằng nỗi đớn đau, là cảm xúc tối thượng mà con người có khả năng chịu đựng, nó vừa là mẫu chuẩn vừa là đá thử vàng của mọi nghệ thuật lớn. Điều mà người nghệ sĩ luôn tìm tòi là cách hiện hữu, nơi tâm hồn và thể xác phải là một và không chia cách được, bên ngoài phải là điều diễn tả của bên trong, nơi mà hình thức được biểu lộ. Những cách hiện hữu này không hiếm. Tuổi trẻ và những nghệ thuật hướng về tuổi trẻ có thể trong một lúc nào đó làm mẫu cho ta. Vào một lúc khác, ta có thể lạc quan tin rằng, bởi sự tế nhị và nhạy cảm của ấn tượng, bởi sự khơi dậy của một tinh thần ngụ những mục đích bên ngoài và tự khoác vào mình đất và không khí, bụi sương và đất thánh cùng một lúc, bởi dư vang thanh cao của những trạng thái tâm hồn nó, của những âm thanh và những màu sắc của nó, nghệ thuật hiện đại của phong cảnh diễn tả cho chúng ta trong lãnh vực hội họa là điều đã được diễn tả với một sự hoàn hảo như thế nào bởi người Hy Lạp trong lãnh vực tạo hình. Âm nhạc, nơi mà tất cả mọi chủ đề được hấp thu trong sự diễn đạt và không thể chia cách, là một thí dụ phức tạp của điều tớ muốn nói, rất giống như một đoá hoa hay một đứa trẻ là một thí dụ đơn giản. Nhưng nỗi Đau Đớn là biểu tượng sau cùng trong Đời Sống và Nghệ Thuật.

     Phiá sau của niềm vui và nụ cười, có thể là một tính cách thô thiển, khô khan, vô cảm. Nhưng phía sau nỗi đau đớn, sẽ mãi chỉ là nỗi đớn đau. Ngược lại với niềm vui, nỗi đớn đau không mang chiếc mặt nạ nào. Sự thật trong nghệ thuật không chứa đựng mối quan hệ nào giữa tư tưởng chủ yếu và biến cố ; nó không phải là sự giống nhau của hình dạng và chiếc bóng, cũng không như hình dạng phản chiếu trong pha lê như hình dạng của chính nó ; nó không phải là dư âm vọng đến từ nơi trũng một ngọn đồi, cũng không giống hơn, trong thung lũng, một suối nước bạc cho thấy mặt trăng là mặt trăng, Narcisse là Narcisse. Sự thật trong nghệ thuật là sự nhất thể một điều và chính bản thân nó, ngoại hình diễn tả nội dung, hồn nhập thể và xác mang trạng thái tinh thần. Do đó, không có sự thật nào so sánh được với nỗi đớn đau. Với tớ đôi khi nỗi đớn đau dường như là một sự thật độc nhất. Những gì khác có thể là ảo ảnh của mắt nhìn hoặc niềm khao khát, được có để làm mù quáng điều này và chán ngán điều kia, nhưng chính từ nỗi đớn đau mà nhân loại được hình thành và nỗi đớn đau chứng giám cho sự khởi nguồn đời sống của đứa trẻ hay ngôi sao.

     Còn nữa, ở trong nỗi đớn đau là một sự thật mãnh liệt, ngoạn mục. Tớ đã nói mình có liên quan biểu tượng với nghệ thuật và văn hoá của thời đại mình sống. Không có một sự khốn khổ nào trong nơi chốn khốn khổ này là liên hệ biểu tượng với bí mật ngay trong đời sống. Vì sự bí mật của đời sống là nỗi khổ đau, đấy là điều ẩn náu đằng sau mọi điều khác. Khi ta bắt đầu sống, điều ngọt ngào đối với ta ngọt ngào biết bao và điều cay đắng cũng thật là cay đắng mà ta hướng mọi ước muốn một cách tự nhiên về lạc thú đồng thời khao khát không những được nuôi dưỡng bằng mật ong trong một hai tháng, mà còn đừng nếm bất kỳ một thức ăn nào khác suốt cuộc đời, quên bẵng đi như thế là ta đang bỏ đói tâm hồn.

    Một ngày kia, tớ đã nói chuyện này với một trong những người tuyệt vời nhất mà tớ biết, một phụ nữ đầy tình cảm và cao thượng không thể tả được trong cái nhìn của tớ, trước và sau khi bị thảm kịch vào tù, một phụ nữ đã thật sự giúp tớ hơn bất cứ ai trên đời, dù cô ta không biết, để mang giùm tớ gánh nặng u buồn này, điều đó chỉ riêng về sự hiện hữu của cô ta, chỉ vì cô ta là chính mình : vừa lý tưởng và vừa là một ảnh hưởng, một gợi hình cho điều ta có thể trở thành và một sự giúp đỡ thật sự để thực hiện điều đó, một tâm hồn làm dịu đi không khí tầm thường và lộ vẻ trí tuệ đơn giản và tự nhiên như một ánh nắng mặt trời hay biển, một phụ nữ mà vẻ đẹp và đớn đau đi cùng nhau và dâng tặng cho nàng một lời nhắn nhủ. Tớ nhớ hôm đó, mình đã nói với cô ấy rằng đã có quá đủ đau khổ trên một đường phố nhỏ tại London để cho thấy Thượng Đế chẳng thương tưởng gì đến con người và khắp nơi đều có đau khổ dù chỉ là một đứa trẻ đang khóc trong một góc vườn cho cái lỗi mà nó đã làm hay không, tất cả bộ mặt tạo hoá làm nên đều xấu hoàn toàn. Tớ đã sai lầm. Cô ấy nói rằng, lúc ấy tớ đã không thể tin, tớ không ở trong phạm vi có thể đạt được một sự tin tưởng như thế. Giờ đây, tớ thấy dường như tình yêu, dù là thể loại nào, cũng là giải thích duy nhất có thể cho số lượng đau khổ vô vàn có trên đời này. Tớ không thể có giải thích nào khác. Tớ thấy rõ không một giải thích nào khác và rằng, như tớ đã nói, chính là từ khổ đau mà nhân loại được cấu tạo. Và đau khổ đã hình thành từ bàn tay của tình yêu, bởi vì hồn người, vì đó mà được tạo nên, không thể có được cách nào khác để đạt đến sự hoàn thiện.

         Xác thân còn hoan lạc tâm hồn còn khổ đau.

   Khi tớ nói bị chinh phục bởi những điều này, tớ nói với nhiều cao ngạo. Trong cõi xa nào, ta có thể phát hiện ra vùng đất Thánh như một viên ngọc hoàn hảo. Tuyệt vời như thể một đứa trẻ có thể bước đến nơi trong một ngày mùa hạ. Một đứa trẻ có thể, thật thế. Nhưng sẽ khác cho tớ và những người như mình. Ta có thể, trong một lúc, ý thức được một điều, rồi lại mất nó đi trong những giờ phút dằng dặc theo đó và lúc lê lết những bước chân nặng nề. Khó khăn làm sao để « ngự trị trên cao mà hồn có khả năng chiến thắng ». Ta nghĩ đến cách vĩnh cửu, nhưng lại tiến đến rất chậm trong thời gian, và chậm làm sao thời gian đi qua với ta, người ở trong ngục tù. Tớ không cần phải nói lại, không những sự chán chường và tuyệt vọng lướt trong nhà tù, mà tất cả như trong tù ngục trái tim, với một sự trơ lì lạ lùng phải có, như thế để nói rằng, lau rửa và trang hoàng nhà cửa để đón đợi nó như ta sẽ làm cho một khách đến quấy rầy hay người chủ tàn nhẫn hoặc một nô lệ mà vô tình chính ta là nô lệ.

    Và cho dù trong lúc này, cậu sẽ thấy một điều khó mà tin được rằng, không kém thật là đối với cậu, người sống trong tự do, nhàn rỗi và tiện nghi đầy đủ, dễ dàng hơn cho cậu là với tớ, người bắt đầu một ngày bằng việc quỳ gối lau rửa sàn nhà của căn phòng giam, học những bài học của sự nhục nhã. Bởi vì đời sống tù ngục với những việc riêng tư và hạn chế của nó, gây cho ta sự phản loạn. Điều khủng khiếp nhất không phải là nó làm vỡ tim bạn ( những trái tim sinh ra là để bị làm vỡ ), mà làm tim bạn chai đá. Đôi khi ta có cảm giác chỉ với vẻ gan lì và sự khinh bạc là ta có thể sống cho hết một ngày. Và kẻ nào trong tâm trạng nổi loạn chỉ có thể được sờ đến bởi ân huệ, để dùng câu nói quý giá của nhà thờ - quý giá theo đúng nghĩa của nó, không nghi ngờ gì cả - bởi vì, trong đời sống cũng như trong nghệ thuật, một tâm trạng nổi loạn đóng lại những cánh cửa tâm hồn và đẩy lùi không khí của thiên đường. Nhưng nếu tớ phải học chúng, chính ở nơi này tớ phải học những bài học đó, và tớ phải tràn đầy niềm vui nếu chân mình ở trên con đường tốt và mặt mình quay về cánh cửa Tuyệt Vời, như người ta nói, ngay cả tớ đã nhiều lần ngã vào bùn lầy và lạc lối trong sương mù.

 

(còn tiếp )

 

 

Đỗ Nguyễn
Số lần đọc: 414
Ngày đăng: 18.02.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lời trần tình (phần 9) - Đỗ Nguyễn
William Butler Yeats - Lê Ký Thương
Lời trần tình (phần 8) - Đỗ Nguyễn
Lời trần tình ( phần 7) - Đỗ Nguyễn
1922 Jacinto Benavente (Tây Ban Nha, 1866 – 1954) - Lê Ký Thương
Lời trần tình (phần 6) - Đỗ Nguyễn
Tác phẩm "Suối Nguồn Tâm Thức" Một Đời Thơ của nhà thơ Thái Tú Hạp - Trần Yên Hòa
Lời trần tình ( phần 5 ) - Đỗ Nguyễn
Anatole France (Pháp, 1844 – 1924) - Lê Ký Thương
Lời trần tình ( phần 4 ) - Đỗ Nguyễn
Cùng một tác giả
Ngọn gió nào… (truyện ngắn)
Tả ngạn (truyện ngắn)
Cây rừng vô cảm (truyện ngắn)
Chân mây xa vời (truyện ngắn)
Triền dốc lãng quên (truyện ngắn)
Chiều phai Dã Quỳ (truyện ngắn)