Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
814
116.688.880
 
Lời trần tình (phần 15)
Đỗ Nguyễn

 

Dịch Thuật

 

 

DE  PROFUNDIS

OSCAR  WILDE

 

 

 

Constance Wilde (1858 -1899) và  Cyril Wilde.

Cyril Wilde  (1885 -1915), con trai lớn của Oscar và Constance, hy sinh trong thế chiến thứ nhất tại Richebourg.

Vyvyan Wilde (1986 -1967), con thứ hai, nhà văn và dịch giả.

 

 

      Và bà Bô cậu nữa, rồi bà cụ cũng sẽ phải hối hận là đã toan tính để đổ trách nhiệm lên đầu người khác, cái gánh mà bà đã đủ nặng. Đáng lý vai trò của bà là phải như bố và cả mẹ của cậu cơ đấy. Nhưng bà có đủ tốt một trong hai vai đối với cậu hay không? Nếu tớ phải chịu đựng cái nết xấu của cậu, sự bỉ ổi của cậu, những trò cậu diễn xuất, thì bà cũng đã phải chịu thế. Lần cuối tớ gặp lại vợ tớ - cách đây cũng khoảng mười bốn tháng -, tớ nói với nàng là phải chăm Cyril như một người cha cũng như một người mẹ. Tớ cho nàng rõ từng chi tiết về thái độ của mẹ cậu đối với cậu, như tớ đã nói trong thư này, nhưng đương nhiên, một cách đầy đủ hơn. Tớ nói với nàng về những lý do của những lời nhắn liên tục mà mẹ cậu gửi suốt về Tite Street đến nỗi nàng đã phải cười. Cứ cho rằng bọn tớ đã phải hợp tác để tạo nên một quyển tiểu thuyết của giới thượng lưu hay một điều gì đó thuộc thể loại ấy. Tớ van xin nàng đừng như thế với Cyril, như mẹ cậu như thế với cậu. Tớ dặn dò nàng hãy nuôi dạy nó theo cách nếu nó làm gì xấu xa thì phải đến thú nhận với mẹ để mẹ nó dạy cho nó làm trong sáng tâm hồn bằng cách chuộc tội hay sám hối. Tớ nói với nàng rằng, nếu nàng lo sợ về việc cáng đáng trách nhiệm cuộc đời người khác, ngay cả đấy là cuộc đời đứa con thì nàng cứ việc tìm một người bảo hộ để giúp nàng trong việc khó khăn này. Đó là điều nàng đã làm, tớ sung sướng mà nói. Nàng đã chọn Adrian Hope, một người phong độ giòng giõi, có văn hoá và một tính tình cao thượng, một người anh họ của nàng mà cậu đã từng gặp ở Tite Street và nhờ ông ấy, Cyril và Vyvyan sẽ may mắn có một tương lai tốt. Nếu mẹ cậu sợ sệt không dám nói chuyện thẳng với cậu, đáng lý bà phải chọn một ai đó trong gia đình để cậu nghe lời. Nhưng lẽ ra bà phải đừng sợ. Lẽ ra bà phải giải thích với cậu và đương đầu với một cuộc thảo luận. Dù sao chăng nữa, khi thấy hậu quả như thế, liệu bà có sung sướng được hay không?

 

     Bà khiển trách tớ, tớ biết. Tớ biết được là từ những người quen cậu và ngay cả từ những người không quen cậu và không hề có ý muốn quen biết cậu. Họ thường xuyên mách lại với tớ. Bà nói, ví dụ, về ảnh hưởng của đứa lớn tuổi với đứa trẻ hơn. Đấy là một trong những lý thuyết mà bà ưa chuộng nhất trong vấn đề, nó luôn thành công trong việc gây xúc động và cách phán xét của quần chúng. Tớ chẳng cần hỏi cậu về ảnh hưởng của tớ đến cậu là gì? Cậu quá biết rằng chẳng có ảnh hưởng nào cả. Việc mà tớ không có ảnh hưởng nào hết với cậu là một trong những điều cậu thường xuyên khoa môi múa mép, và là điều duy nhất đã được hình thành. Hơn nữa, tớ có thể làm ảnh hưởng gì cho cậu được chứ? Óc cậu ư? Nó chưa phát triển. Sự tưởng tượng của cậu ư? Nó đã chết. Tim cậu ư? Nó chưa ra đời. Tính tất cả những ai tớ đã từng gặp trong đời tớ, cậu là người duy nhất mà tớ đã không thể có được một ảnh hưởng nào trong bất cứ cách thức nào. Lúc tớ bị ốm liệt giường, bất động bởi một trận sốt kịch liệt bị lây vì chăm sóc cậu, tớ đã chẳng có nổi một ảnh hưởng nào đủ để thuyết phục cậu mang đến cho tớ một tách sữa, canh chừng xem tớ có nhu cầu gì trong căn phòng người ốm, cũng chẳng chịu khó lấy xe đi chỉ độ hai trăm thước ra hiệu sách mua hộ tớ một quyển sách bằng tiền của tớ. Khi tớ quá bận rộn để viết những hài kịch cần phải xuất sắc hơn Congreve bởi sự sôi nổi và Dumas fils bởi triết lý, và tớ nghĩ rằng, tất cả các tác giả khác bởi tất cả các chất lượng khác của họ, tớ đã không có đủ ảnh hưởng để có được từ cậu một điều là cậu để cho tớ được sự yên thân, như điều cần thiết của một nghệ sĩ. Bất luận văn phòng của tớ ở đâu đối với cậu cũng là salon, chỗ để hút thuốc và uống từ rượu vang của Rhin đến nước Seltz rồi cậu tuôn ra những điều phi lý. « Ảnh hưởng của đứa lớn tuổi trên đứa trẻ hơn » luôn là một lý thuyết tuyệt vời hiện hữu còn vọng đến tai tớ. Nó trở thành khả ố. Khi nó đến tai cậu, tớ cho rằng cậu phải cười thầm, cũng như cậu có quyền cười. Nhiều ý kiến của mẹ cậu về chuyện tiền bạc cũng có người mách lại với tớ. Bà tuyên bố, với toà án, rằng bà đã không ngừng nói tớ đừng tiếp tế tiền cho cậu. Tớ nhìn nhận. Bà viết thư suốt cho tớ và trong mỗi lá thư lại luôn có đề thêm : « Alfred phải đừng biết là tôi viết cho anh nhé! » Nhưng đâu phải là một niềm vui cho tớ để trả tiền cho những chi tiêu của cậu, từ thợ hớt tóc mà cậu cạo râu mỗi sáng cho đến xe cộ đưa đón đến tận nửa khuya. Đấy là một công việc chán ngấy. Tớ than suốt với cậu về chuyện này. Tớ nói - cậu nhớ chứ - thật là đáng tởm khi tớ bị xem như một kẻ « hữu dụng » cho cậu, rằng chẳng có thằng nghệ sĩ nào muốn bị đối xử như thế, bởi vì cũng như nghệ thuật của chính hắn, người nghệ sĩ, bởi tinh chất, sẽ tuyệt đối vô dụng. Thế là cậu nổi doá lên. Sự thật đã luôn làm cậu nhảy dựng. Sự thật đã luôn là điều khó để nghe và cực khó để thú nhận. Nhưng điều đó đã chẳng thay đổi được quan niệm cũng như cách sống của cậu. Mỗi ngày, tớ cứ phải thanh toán mọi thứ tiêu xài của cậu từ sáng đến tối. Chỉ có thằng khùng dễ dãi một cách kỳ cục và một cách vô trật tự mới hành động như thế. Đau khổ thay tớ lại là sự hoà trộn hoàn toàn của cả hai. Lúc tớ nói bóng gió cho cậu hay là mẹ cậu phải lãnh trách nhiệm cung cấp tiền cho cậu tiêu thì cậu luôn có câu trả lời đẹp đẽ và duyên dáng thế này: rằng tiền cấp dưỡng mà ông Bô cậu verser cho bà Bô cậu - chừng một ngàn năm trăm bảng Anh một năm, tớ nghĩ thế, - chẳng đủ thiếu gì cho một người phụ nữ ở đẳng cấp như bà nên cậu không muốn hỏi xin bà thêm tiền mà cậu đã lãnh cũng từ ông ấy. Cậu hoàn toàn có lý khi nói rằng tiền bà được cấp dưỡng chắc chắn không tương xứng với chỗ đứng và những cái gu của bà, nhưng đáng lý cậu cũng đừng viện đấy làm cái cớ để sống trong trưởng giả với tiền của tớ chứ? Nhất là điều đó đáng lẽ phải khuyến khích cậu có nỗi ưu tư về tài chánh cho đời sống riêng của cậu. Cái việc mà cậu đã là - và cậu vẫn là, tớ nghĩ - một type người tình cảm. Bởi một người tình cảm đơn giản là một người mong mỏi tự tặng cho mình một cái luxe của một cảm xúc mà không phải chi tiền. Rất đẹp khi ta muốn hà tiện cho bà mẹ. Nhưng thật xấu khi tiêu vào tiền của tớ. Cậu tưởng rằng chúng ta có thể cho nhau cảm xúc miễn phí? Không thể nào đâu! Phải trả tiền cho những cảm xúc chứ! Ngay cả những cảm xúc đẹp nhất và tình cảm nhất. Thật lạ lùng khi điều đó làm thành sự cao thượng. Đời sống tinh thần và cảm xúc của con người tầm thường thật là điều đáng khinh. Cũng như họ đi vay mượn tư tưởng ở một thư viện nào đó - Zeitgeist ở một thời đại không có tâm hồn - và mang sách làm bẩn trả lại mỗi cuối tuần, họ luôn dự tính đạt được cảm xúc của họ như một thứ tín dụng và sẽ từ chối không thanh toán hoá đơn lúc nó về đến. Cậu sẽ phải hủy bỏ cái quan niệm sống này đi thôi. Khi ta phải trả tiền cho một cảm xúc, ta sẽ biết từ đó chất lượng của nó và nên như thế thì hơn. Cậu hãy nhớ rằng con người tình cảm, trong tim, luôn là một kẻ không theo đạo lý. Thật ra, tính đa cảm chỉ là một sự vô đạo lý đang trong thời kỳ nghỉ dưỡng. Và tuyệt diệu biết bao rằng sự vô đạo lý theo cái nhìn tinh thần, giờ đây đã từ bỏ được cái giá trị vì xã hội, nó sẽ không bao giờ hơn được cái triết lý hoàn hảo của một con người không có tâm hồn. Nó lại có giá trị về mặt xã hội và, đối với một nghệ sĩ, mọi cách diễn tả đều thú vị, nhưng trong con người họ, đấy là một điều tồi tàn, bởi vì, trong sự vô đạo lý thật sự, không bao giờ có gì được biểu lộ cả.

    Tớ tin rằng đôi khi cậu cũng ném một cái nhìn về quá khứ trên món tiền cấp dưỡng của mẹ cậu và tiền của tớ, cậu sẽ chẳng hãnh diện nổi về con người mình và có thể một ngày nào đó, nếu cậu không đưa lá thư này cho bà đọc, cậu sẽ giải thích cho bà hiểu rằng, để sống bằng tiền của tớ, không một lúc nào cả cậu quan tâm đến ý tưởng của tớ. Chỉ là cách thức đơn phương, và với tớ, những khổ lụy sầu não nhất, là cách thức giữ sự gắn bó với cậu. Lệ thuộc vào tớ từ những tiêu xài lặt vặt cho đến những món tiền lớn, trong mắt cậu, là tất cả cái thú vị của trẻ con, và nài tớ trả tiền cho từng trò giải trí của cậu, cậu tưởng như đã khám phá ra bí mật của tuổi trẻ vĩnh cửu. Tớ thú nhận rằng khi người ta mách lại nhận định của mẹ cậu, tớ đã bị tổn thương, và tớ đoan chắc rằng về cách phản kháng của bà, cậu sẽ đồng ý với tớ rằng, nếu bà không có một lời hối tiếc hay xót xa nào cho sự phá sản mà gia đình cậu đã gây ra cho tớ, tốt hơn hết là bà hãy giữ im lặng. Đương nhiên, không có lý do gì để bà đọc những phần của thư này tiết lộ những biến chuyển về tinh thần mà tớ đã chịu đựng cũng không từ khởi điểm mà tớ hy vọng đạt được. Điều này chẳng lợi lộc gì cho bà. Nhưng ở địa vị cậu, tớ sẽ đưa bà xem những đoạn chỉ liên quan đến đời cậu.

     Nếu tớ ở địa vị cậu, tớ sẽ ưu tư ít thôi về việc được thương xót bởi bọn đạo đức giả. Không có lý do nào để một người đàn ông phô trương đời sống riêng tư của mình cho ai khác nhìn thấy. Thiên hạ sẽ chẳng hiểu quái gì cả! Nhưng nếu đó là những người nơi họ ta mong mỏi được sự thông cảm thì khác. Một trong những người bạn rất thân của tớ - tình bằng hữu đã từ mười năm - đến thăm tớ cách đây ít lâu và quả quyết với tớ rằng anh ấy không tin một lời phản trắc nào nói xấu kình chống tớ. Anh ấy muốn tớ yên tâm rằng anh cam đoan là tớ vô tội và là nạn nhân của một âm mưu khả ố được dàn xếp bởi ông Bô cậu. Nghe những lời này, tớ rơi nước mắt và nói với anh ấy rằng, nếu giữa những điều kết tội rõ rệt cho tớ bởi bố cậu, nhiều điều tuyệt đối sai đã quy cho tớ sự xấu xa quá mức, đời tớ, thế thì chỉ toàn là những thú vui trụy lạc cùng những đam mê quái đản, và ít ra nếu anh không chấp nhận sự thể này và hiểu nó một cách rộng lượng, tớ sẽ không thể làm bạn với anh ấy nữa hay dù chỉ là người đồng hành. Anh ấy bị choáng sốc kinh khủng nhưng bọn tớ vẫn là bạn của nhau và tớ đã không đạt được tình bạn của anh ấy dưới hình thức giả dối. Tớ đã tuyên bố rằng nói sự thật là điều khó khổ. Bắt buộc phải nói những điều dối trá còn khó khổ hơn rất nhiều.

    Lúc ngồi ở hàng ghế bị kết tội trong phiên xử cuối cùng, tớ còn nhớ, đã ghê tởm và kinh hoàng nghe thấy những lời vu khống tồi bại của Lockwook chống lại mình, giống như trong một đoạn của Tacite, của Dante, hay một trong những lời buộc tội của Savonarole chống lại Đức giáo hoàng tại La Mã - bất chợt tớ đã có ý nghĩ : « Tuyệt diệu biết bao nếu mình có thể nói ra những điều ngu ngốc ấy để chống lại chính mình. » Tớ hiểu ngay rằng điều người ta vẫn nói một con người không là gì cả. Điều đáng kể là ai nói ra. Tớ có ý niệm rằng giây phút cao cả nhất của một con người là lúc hắn ta quỳ gối trong bụi bặm, tự đấm vào ngực mình và thú mọi tội lỗi. Cậu nên như thế. Cậu sẽ sung sướng hơn nhiều nếu tự cậu cho mẹ cậu biết ít nhiều về đời cậu. Tớ đã nói với bà về điều này một phần lớn vào tháng 12 năm 1893, nhưng đương nhiên, tớ bị mâu thuẫn về những sám hối và những tính cách chung. Điều đó đã chẳng cho thêm bà chút can đảm nào trong liên hệ với cậu. Trái lại, bà tránh một cách ngoan cố hơn bao giờ nhìn sự thật trước mắt. Nếu chính cậu nói với bà, mọi điều sẽ khác. Cũng có thể, thường xuyên, những lời nói của tớ với cậu quá tàn nhẫn, còn về những điều đó, cậu sẽ không thể chối dài. Mọi chuyện đã xảy ra như tớ đã nói và một khi cậu đã đọc lá thư này cẩn thận, như đáng lý cậu phải thế, cậu sẽ đối diện được với chính mình.

 

    Nếu tớ viết cho cậu dài đến thế này, là để cho cậu có thể biết được những gì cậu làm với tớ trước khi tớ vào tù, trong ba năm bất hạnh bầu bạn với nhau, rồi về những gì trong thời gian tớ nằm khám, gần hai năm trời nay, và về điều tớ hy vọng cho chính mình và những người khác khi tớ được trả tự do. Tớ không thể tu chỉnh lại thư này và cũng không thể viết lại nổi đâu. Nó thế nào cậu phải đọc nó thế, nhoè nước mắt nhiều chỗ, rồi những chỗ khác, mang dấu vết của đam mê và đau đớn, và cậu gắng hết sức mà đọc cho được nhé, vết mực, những chỗ sửa, và những thứ khác. Về những chỗ sửa chữa hay những lẫn lộn, tớ đã làm cho đúng để những lời của tớ được diễn tả tuyệt đối tư tưởng của mình và không thái quá bởi sự phóng đại hay quá thiếu. Giống như đàn vĩ cầm, ngôn từ cần được đồng điệu và giống như một số quá lớn hay quá nhỏ những rung chuyển trong giọng của người ca sĩ hay sợi dây đàn có thể sinh ra một nốt hỏng, những tiếng quá mạnh hay quá yếu ảnh hưởng đến lời nói. Nhưng dù sao chăng nữa, mỗi câu trong lá thư này đều có ý nghĩa nhất định của nó. Chẳng có sự thuyết giáo nào cả đâu. Mỗi lần có nét bôi xoá hay thay thế chữ, nhẹ nhàng hay có vẻ tìm tòi, là vì tớ thử làm cho cảm tưởng thật hơn, để tìm thấy cho mình sự bố trí của tinh thần một tương xứng nào đó. Cảm  xúc luôn có thế trên hình thức.

    Tớ nhìn nhận đây là một lá thư nghiệt ngã. Tớ đã thẳng thừng với cậu. Chắc chắn, cậu sẽ có thể nói rằng cậu đặt mình lên bàn cân so với nỗi khổ nhỏ nhất trong những nỗi khổ của tớ, sự mất mát nhỏ nhất trong những mất mát của tớ, sẽ thật bất công cho cậu, đấy là điều tớ đã làm một cách chính xác khi thực hiện từng khám xét tỉ mỉ về bản chất của cậu. Đúng thế. Nhưng cậu  phải nhớ rằng chính cậu đã tự động leo lên bàn cân đấy nhé!

    Cậu phải nhớ rằng so với một lúc nào đó cảnh tù ngục tớ lãnh, cái mặt phẳng trên đó cậu ngồi làm nghiêng hẳn đi cái đòn cân. Chính sự kiêu hãnh đã khiến cậu chọn cái mặt phẳng này và sự kiêu hãnh bắt buộc cậu phải bám vào nó. Đấy chính là lầm lẫn nặng nề về mặt tâm lý của tình bạn chúng ta : sự thiếu hoàn toàn tính cân bằng. Cậu đã tự vạch ra cho mình một con đường trong một cuộc đời quá rộng lớn, một cuộc đời mà quỹ đạo vượt quá tầm nhìn của cậu, không kém gì khả năng tiến triển của cậu, một cuộc đời mà những suy tưởng, những đam mê và những hành động là từ một tầm tay quá dài, từ một mối lợi quá lớn, và tràn đầy, quá tràn đầy, những hậu quả tuyệt vời hoặc ghê sợ. Cuộc đời hẹp hòi đầy những thói xấu và tính cách vui buồn của cậu được đáng phục trong phạm vi nhỏ của nó. Nó được nể nang ở Oxford, nơi mà có thể xảy ra cho cậu tệ nhất là sự khiển trách của ông trưởng khoa hay một cảnh cáo của ông viện trưởng, và nơi mà biến cố gây xúc động mạnh nhất là chiến thắng của Magdalen trên giòng sông và ánh lửa vui mà người ta đốt lên trong sân để chúc mừng ngày trọng đại đó. Cuộc đời này đáng lẽ phải tiếp tục sau khi cậu rời Oxford. Cậu đã hoàn hảo với chính cậu. Cậu đã là một cái mẫu hình thành của một type rất thời thượng. Chỉ riêng trong mối liên hệ với tớ là cậu có lỗi. Sự vô tư thái quá của cậu không phải là một trọng tội. Tuổi trẻ luôn luôn thái quá. Nhưng điều hổ thẹn là cậu đã ép buộc tớ phải trả giá cho những điều thái quá mà cậu đã làm. Mong muốn có một người bạn để dùng thời giờ từ sáng đến tối là tốt. Gần như trữ tình. Nhưng người bạn mà cậu bám chặt đó đáng lẽ phải đừng là một người của văn chương, một nghệ sĩ, một người mà với họ sự hiện diện liên tục của cậu có ý nghĩa là sự tàn phá mọi tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời và làm bại liệt tất cả khả năng sáng tạo. Không tệ hại gì lắm nếu cậu muốn sống một cách đàng hoàng một buổi tối, ăn tối với champagne ở Savoy, sau đó lấy một loge trong một music - hall và đặt trước « pour la bonne bouche » một bữa ăn khuya với champagne ở Willis. Tại London, cả đống bọn trẻ tuyệt vời như cậu có cùng một ý kiến. Chẳng có gì để gọi là lập dị cả. Đấy chỉ là một chất lượng cho phép ta trở nên một thành viên của White ‘s Club. Nhưng cậu không có quyền gì đòi hỏi tớ phải trở thành kẻ cung cấp cho cậu những thú giải trí như thế. Điều đó chứng tỏ rằng cậu thiếu hẳn sự đánh giá thật sự về thiên tài của tớ. Chuyện bất hòa của cậu với ông Bô cậu, tớ nhắc lại, dù cho ai đó có nghĩ gì về tính cách của nó chăng nữa, đáng lẽ, cố nhiên phải là việc giữa bố con cậu với nhau. Đáng lẽ nó phải được giải quyết trong sự kín đáo chứ. Những chuyện bất hòa kiểu đó, nói chung là phải được giải quyết như thế, tớ tin chắc. Lầm lẫn của cậu là đã nằn nì để cho nó được diễn ra như bi hài kịch trên sân khấu lịch sử, với cả nhân loại là khán giả và chính tớ là cái giá được trao tặng cho kẻ chiến thắng cuộc cưỡi ngựa đấu giáo đáng khinh này. Việc cậu ghét hận bố cậu và bố cậu ghét hận cậu không tặng cho quần chúng Anh quốc một lợi lộc nào cả. Những tình cảm thường tình như thế trong đời sống gia đình người Anh phải được để riêng ra trong một cái chỗ mà nó tạo đặc tính đó : ở nhà! Ngoài cái vòng gia đình, chúng hoàn toàn bị trật chỗ. Phô bày chúng ra là lầm lẫn. Đời sống gia đình không phải là một lá cờ đỏ mà ta quơ lên ngoài đường và hét tướng lên cho mọi người nghe thấy. Cậu đã lôi đời sống gia đình ra khỏi phạm vi của nó, hệt như cậu đã tự đi ra khỏi phạm vi của cậu. Và loại người rời khỏi phạm vi riêng của họ thay đổi được môi trường nhưng không thay đổi được bản chất. Họ không thiết lập được những tư tưởng cũng như những đam mê thích hợp với môi trường mới mà họ tìm vào. Điều này không thuộc về quyền của họ.

    Như tớ đã nói chỗ nào đó trong « Intentions », những sức mạnh của cảm xúc cũng hạn chế về sự mãnh liệt và thời gian kéo dài, như năng lực của thể xác. Cái bát nhỏ dùng để chứa một dung lượng nhất định không thể đựng nhiều thêm, ngay cả những bình chứa của Bourgogne được cho đầy rượu vang hồng đỏ và nếu những kẻ làm mùa nho thọc chân đến tận đầu gối trong những chùm nho ở những vườn Tây Ban Nha.

     Không gì khả ố bằng tin vào những kẻ là nguyên nhân hay căn cớ của những bi kịch lại chia sớt những tình cảm thích nghi với không khí bi đát. Cũng không kém tàn độc hơn lầm lẫn khi ta tính phần cho họ. Có thể rằng « trong chiếc áo của lửa », kẻ tử vì đạo được ngắm nhìn gương mặt Thượng đế, nhưng đối với kẻ chất những bó củi hay sắp xếp chúng cho người đốn củi, tất cả cảnh tượng này không là gì hơn là cảnh đối với người hàng thịt giết một con bò, hay người thợ mộc trong rừng, đốn ngã một thân cây, hay một cánh hoa rơi rụng đối với một người cắt cỏ trên cánh đồng. Những niềm đam mê lớn dành cho những tài năng có tâm hồn lớn,  và những sự khuấy động lớn, chỉ có thể thấy được bởi người có cùng một trình độ với họ.

 

( còn tiếp )

    

 

 

Đỗ Nguyễn
Số lần đọc: 402
Ngày đăng: 25.03.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lời trần tình (phần 14) - Đỗ Nguyễn
Lời trần tình ( phần 13) - Đỗ Nguyễn
Lời trần tình (phần 12) - Đỗ Nguyễn
NĂM 1924 Wladyslav Reymont (Balan, 1867 – 1925) - Lê Ký Thương
Lời trần tình ( phần 11) - Đỗ Nguyễn
Lời trần tình (phần 10) - Đỗ Nguyễn
Lời trần tình (phần 9) - Đỗ Nguyễn
William Butler Yeats - Lê Ký Thương
Lời trần tình (phần 8) - Đỗ Nguyễn
Lời trần tình ( phần 7) - Đỗ Nguyễn
Cùng một tác giả
Ngọn gió nào… (truyện ngắn)
Tả ngạn (truyện ngắn)
Cây rừng vô cảm (truyện ngắn)
Chân mây xa vời (truyện ngắn)
Triền dốc lãng quên (truyện ngắn)
Chiều phai Dã Quỳ (truyện ngắn)