Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
744
116.693.583
 
Bóng đời xa lạ (Phần 3)
Đỗ Nguyễn

                    

 

   Mạc 15 tuổi, tháng 4 năm 1974, hồ Xuân Hương - Đà Lạt.

 

 

    Ngày xa xưa ấy, chuyện của hai người trẻ đã bắt đầu một cách hồn nhiên, như mọi chuyện tình tuổi trẻ, trong sắc màu và âm thanh mưa nắng bốn mùa … nhưng rồi mọi điều sẽ khác hoàn toàn do định mệnh đầy nghiệt ngã và một phần lớn cũng từ tính khí đổi thay bất thường của anh gây ra để lãnh nhận những điều vô lý đồng thời để người khác phải chịu đựng cảnh nửa vời như trạng thái giữa sống và chết, giữa hạnh phúc và khổ đau …

    Biến động của ngày giờ u uất kết thúc cuộc chiến định mệnh đã cướp đi một cách tàn độc người cha yêu kính là cơn khủng hoảng lớn nhất đời Mạc, lúc trăng chưa tròn mười sáu. Mùa xuân cuối cùng. Chỉ một phút giây, cơn địa chấn, tiếng sét nổ ngang trời, tai họa lầm than, bản án tang thương phủ xuống khắp cùng đời sống. Từ đó, Mạc đã luôn biết phận mình là một hiện hữu phi lý và hạnh phúc thật dù có cũng chỉ là cứu rỗi mơ hồ, có hạn định trong một cách nào đó.

   

 

   Mạc lớn lên trong âm thầm, hao hụt đói khát tình cảm. Anh đã đến với tình yêu, đã cho niềm tin tưởng nên Mạc quyết định sẽ nói với anh những nỗi niềm trầm trọng sâu kín của riêng mình và anh sẽ hiểu. Anh sẽ hiểu lý do tại sao Mạc khép kín hồn trong kiếp ốc nhỏ bơ vơ.

   Nhưng phải xong một cuộc đời ta mới thấu được rằng nhân duyên kỳ diệu do thiên ý là sự kết nối những linh hồn có cùng tần xuất rung cảm cũng như cùng mọi nhận thức về cuộc nhân sinh. Giữa họ, sẽ chỉ là món nợ lớn tiền kiếp mà sự trả góp lâu dài qua chuỗi tháng năm của kiếp sống này đã như mặc định.

 

 

                    

 

        Tiểu Đông, tháng 1- 2023, 45 năm sau, trước thư viện Đà Lạt, chỗ bố ngồi đợi mẹ buổi hẹn đầu tiên năm 1977.

 

    Qua bao mùa thu, từ lúc xa lìa Mắt Xanh, xác hồn vô cảm trong bóng tối đục mờ, Mạc dần nhận thức mình không được quyền hưởng hạnh phúc nào từ ngoại giới và người khác mang lại ngoài nỗi cô đơn một góc đời hiu quạnh. Cô đơn là bản án thiên mệnh cho mọi kiếp đời cưu mang những chấn thương tâm hồn trầm trọng. Khi nỗi chết sẽ là ám ảnh không rời trên đường dài xa tắp thời gian, Mạc chỉ còn tìm về với những tạo dựng đắp xây hạnh phúc tưởng tượng bằng rung cảm từ đam mê lâu dài với văn chương là nơi ẩn trú bình yên của vùng nội tâm hỗn loạn.

 

   

   

   Giữa khoảng hư vô không âm sắc, người đàn bà lắng nghe, không còn bước chân nào ngoài nhịp đi trôi lướt của thời gian xác nhận cả một hiện hữu mình đã tàn phai, rữa mục dần trong lãng quên, trong im lặng ứ đọng bất biến của đoạn đời mùa cuối.

    Vâng, tất cả đều phi lý và vô nghĩa. Chỉ còn lại nỗi đớn đau là điều linh động như mạch nguồn sự sống. Nó nghiến ngấu, xâu xé, châm chích; nó đục khoét, hoành hành, đày đọa cho đến khi ta ý thức được nó là điều duy nhất có ý nghĩa cho sự tồn tại của linh hồn.

  

 

    Sài Gòn buổi sáng. Mặt trời lên mau, hào sảng trút nắng chan hòa xuống thành phố năng động, sinh hoạt đầy sức sống. Đã có biết bao thay đổi từ dạo sau này trên khắp chốn quê hương nhưng trong mắt cô gái sắp mười chín tuổi biết yêu, đang học hỏi trở thành người lớn. Vào năm 1978, mọi thay đổi diễn biến của ngoại cảnh và đời sống không mang tầm quan trọng bằng sắc màu chuyển đổi trong tâm tư. Mạc bắt đầu chăm chút cho ngoại hình, biết trang điểm, cố gắng gìn giữ con người mình cho tốt đẹp từ bên trong. Điều màu nhiệm nào đó đã ánh lên trong hồn cô gái một điểm sáng lung linh dịu dàng.

 

   Trong một quán ăn nhỏ lịch sự ở đường Nguyễn Đình Chiểu, trước kia là Phan Đình Phùng; ngồi bên cạnh người đàn ông trẻ, Mạc với tóc xõa dài, với mắt long lanh, lần đầu tiên được nếm vị ngọt tình yêu, tâm trạng xôn xao yêu đời, tự tin hơn nhiều mỗi lần xuống đây, ngay cả cách ăn mặc ở xứ nóng cũng khiến Mạc có cảm giác được tự do, cởi mở và tươi vui hơn. Nhẹ đi mặc cảm, đỡ gầy guộc hơn năm ngoái, trong những chiếc áo pull bó sát người, cộc tay, hở cổ với quần tây rộng, Mạc thầm biết làn da trắng của mình hơn bao giờ mịn màng và hai má lúc nào cũng ửng hồng tự nhiên, đi đến đâu người ta cũng biết Mạc là người Đà Lạt.

 

   Ở trên đó, sống trong sương mù, lúc nào Mạc cũng như đóng khung thu mình với những chiếc chemise dài tay, trong áo len ngoài áo khoác, một vẻ ngần ngại rụt rè, không muốn bị nhìn ngó, luôn ngơ ngác sợ sệt mà không biết là sợ ai, sợ cái gì, với cảm giác Thượng Đế có những lúc ở quá xa, quá bận rộn chăm lo cho cả thế giới, liệu ngài có nhìn thấy Mạc đáng thương để chở che, một sinh vật mờ nhạt nhỏ nhoi hiện hữu trên mặt đất này? Lộ trình đi lại của Mạc là lủi thủi từ nhà mình đến trường rồi về, trước kia là trường trung học Bùi thị Xuân, sau này là trường Cao Đẳng Sư Phạm; ngoài ra lộ trình khác là từ nhà ra chợ, từ nhà lên thư viện hoặc nhà ông bà ngoại cho đến khi ông bà dọn hẳn về Sài Gòn.

 

    Sài Gòn, trong mắt nhìn bỡ ngỡ của Mạc là một thế giới khác với những nét độc đáo riêng, một cách sống khác trong không khí rộn ràng nao nức từ bình minh cho đến chiều tối rồi im dần trong giấc  nồng còn bóng dáng của ban ngày thấp thoáng. Mạc có cảm giác nơi đây, đêm không bằn bặt mê thiếp, không bao giờ quá dài và người ta sống nỗi cô đơn cũng như buổi sáng mênh mang, nhẹ nhàng như thưởng thức ly cà phê đá. Ngay cả những cô gái độ tuổi Mạc cũng thản nhiên nói cười, linh hoạt, vui vẻ tự tin, họ có làm dáng, diện đẹp nhưng không mang nét thẹn thùng khép kín.

 

    Và anh đưa Mạc đi chơi cùng khắp. Với ánh mắt tò mò, Mạc nhìn thấy bao điều khác biệt với nơi chốn bé nhỏ hiền hòa của mình, từ phố phường đường ngõ đến cơn mưa nặng hạt vạt nắng chói chang, từ mắt nhìn lời nói cử động cho đến cách sinh hoạt vội vã nhanh nhẹn, cách kiếm tiền cũng như tiêu pha của người ta. Vào thời điểm kinh tế khó khăn, Mạc chỉ có rất ít tiền trong túi, đi đâu cũng không dám uống một cốc nước mía dù khát, luôn nghĩ đến chuyện đi lạc phải trả tiền xích lô. Trong gia đình, chỉ có những đứa bé nhất còn được ăn sáng, mẹ đã phải bán hết nữ trang và mấy xấp vải cuối cùng để mua gạo … Mỗi lần Mạc xuống Sài Gòn là phải tốn kém thêm cho mẹ nên lòng ray rứt dù được cư ngụ ở nhà ngoại và các cậu, số 16/68 đường Nguyễn Thiện Thuật, phường tám, quận ba, khu Bàn Cờ.

 

    Lúc đầu, e dè ngơ ngác khi được anh dắt vào những quán khác biệt ở thành phố lớn có nét tự do thoải mái khác hẳn Đà Lạt u trầm và những nơi khác chìm ngập, lặng lờ. Mạc dần quen lúc bên anh và ở Sài Gòn, trong không khí ẩn chứa mạch sống, người ta vẫn còn muốn đốt cháy thiêu hủy một điều gì, vẫn quằn quại nuôi nấng khát vọng cháy bỏng nào đó; về một ngày mai thấp thoáng gọi mời từ hiện tại chưa lìa bỏ hoàn toàn quá khứ. Nỗi chết phảng phất rình chờ không chụp bắt được đời sống liều lĩnh chênh vênh … Sống vẫn là điều mãnh liệt tuyệt vời trên tất cả. Ngay cả những lúc giông bão kéo về, nhanh chóng với bầu trời mây đen vần vũ, sầm tối bất chợt, Mạc hoảng hốt lẫn thú vị thưởng thức nỗi rung động hoang mang, mặc cho tâm hồn điên đảo quay tít mù trong mưa cuồng gió loạn. Âm điệu mãnh liệt của bản giao hưởng thiên nhiên làm dịu xuống nhịp đời trong chốc lát rồi đất mát trời xanh lại gọi mời sự sống nao nức hăng say.

 

    Những lúc ấy càng thêm bâng khuâng nếu Mạc ngồi bên anh, trong quán cà phê, tiếng nhạc bùng lên niềm khát vọng tuổi trẻ ở một nơi chốn mà người ta chỉ cần xác nhận hiện diện của mình ngay trong lòng thực tại. Và thực tại như hoàn toàn trống vắng cùng lúc ngập tràn những gì không thể xác định, không thể với bắt. Hai gương mặt của Sài Gòn, rỡ ràng xôn xao và tối tăm mê sảng, những bí ẩn như có như không, Sài Gòn của không gian bất biến ngưng đọng trong mắt nhìn lên, của thời gian vụt thoáng qua kẽ hở bàn tay năm ngón, loại thời gian ra đi không bao giờ trở lại mặc cho những gì héo mòn trong dang dở. Đời sống linh động trôi nhanh không đợi chờ ai không tìm kiếm gì trong ngày dài triền miên đêm ngắn nồng nàn. Mạc yêu thích nét độc đáo khó tả của Sài Gòn từ đó.

 

    Đương nhiên Mạc thương quý Đà Lạt và gắn bó với nơi chốn đã được lớn lên với bao ràng buộc, đã luôn nghĩ rằng Thượng Đế đã tạo ra vùng đất thánh này cho riêng mình, một nơi mà thời gian với vóc dáng mông lung huyền thoại, như mây trôi lòng vòng ngập ngừng quanh núi, thời gian âm thầm vướng mắc trên những rừng thông trầm mặc, như sương mơ vây phủ mặt hồ thanh thản, thời gian lênh đênh chầm chậm những bước thân tình lưu luyến không muốn rời bỏ không gian.

   Sau này có thế nào, dù bao mộng tưởng thời trẻ và những đắp xây một đời miệt mài cũng chỉ là hoài không, những kỷ niệm đã sống cùng anh nơi thành phố đó là quê hương, vẫn mang mang nhạc điệu êm đềm dù khắc khoải, vẫn lung linh màu sắc dịu dàng dù tàn phai.

 

    Sáng nay, tô miến gà nóng thật hấp dẫn, nước dùng trong và ngọt, thơm phức mùi tiêu và hành ngò, cốc nước chanh chua chua với những viên nước đá lóng lánh trong veo … Tiệm ăn buổi sáng ít khách, không khí thật dễ chịu. Dạo sau này, Mạc đã bớt phần ngượng nghịu, ăn uống nói cười tự nhiên hơn trước. Hôm nay anh có vẻ điềm tĩnh, ít nói hơn mọi khi nhưng Mạc chợt cảm nhận trong tâm tư anh có một chút gì xáo trộn nhưng lúc Mạc hỏi, anh chỉ cười lắc đầu trấn an rồi đề nghị lúc ăn uống xong, đi dạo một chút anh sẽ nói.

   Cùng đi dạo trên một con đường gần đấy mà Mạc đã quên tên, con đường có cây xanh, hình như là Võ văn Tần, ngày xưa là Trần Quý Cáp … Mạc nhớ anh nói lời yêu mình lúc đó và hỏi Mạc nghĩ gì về lời tỏ tình của anh, Mạc cười ngại ngùng trả lời không biết nhưng anh cũng cảm nhận là trái tim của Mạc đã bắt đầu xôn xao rồi.

 

   Giữa muôn ngàn mặt người và tiếng động, vẫn thường có cảm nhận còn chơ vơ lạc lõng hơn nhưng có mặt anh, Mạc như được quên hẳn thực tại khó khăn và được vô tư trong những khoảnh khắc đó. Tối nay trong tiếng nhạc, những bản mà Dalida hát như Bambino, L’Histoire d’un Amour hoặc Besame Muscho khi ngồi cạnh anh, trong quán, Mạc thú vị thưởng thức ly cà phê liégeois thơm phức của mình trong khi anh phì phèo thuốc lá, uống cà phê đen, tự tin yêu đời. Họ ngồi trong một quán cà phê sân vườn, những bàn tròn thấp và ghế ngồi đều bằng một khúc thân cây gỗ nặng, những ngọn đèn mờ đủ màu sắc giăng mắc trên những cành cây và bọn con trai phục vụ đều mặc chemise trắng, quần tây đen, thật lịch sự. Mạc tấm tắc khen quán đẹp nhạc hay, thầm nhìn nhận anh biết hưởng đời và chiều chuộng mình thật sự.

   Dù phải bươn chải bôn ba, đối phó với mọi khó khăn, anh vẫn còn nét vô tư và vẫn lạc quan. Mạc có cảm giác sức sống con người anh mãnh liệt trong sự chịu đựng vô cùng dai dẳng bên cạnh mạch đời của mình lặng lẽ, trong những cơn khủng hoảng âm thầm, cưu mang nỗi đời cay nghiệt và muốn bày tỏ cùng anh, mong mỏi anh nhìn thấy được tầm vóc của tâm hồn mình từ khuynh hướng sống hoàn toàn khác biệt.

   Anh hùng hổ sống, anh hăng hái yêu, anh sống ào ạt, anh yêu tới tấp với cảm giác tuổi trẻ là sức mạnh có thể làm rung chuyển cả vũ trụ, không ngần ngại hét tướng lên cho cả thế giới biết là mình đang yêu dù người yêu của anh chỉ là một sinh vật kỳ cục, nhạt mờ lẻ loi trong xã hội, nhũn nhão như sên, mềm như cọng bún, rúm ró, co cụm im câm như loài côn trùng sâu bọ. Con giun đất. Con cuốn chiếu. Con ốc nhỏ lạc loài trên hoang đảo.

   Vào thời điểm đó, một cách tâm lý, anh thích loại con gái đó, và vô tình, cô nàng cho anh cảm giác trở thành đàn ông thật sự, càng mạnh mẽ hơn để bao bọc che chở một sinh vật không sức kháng cự, tồn tại một cách khốn khổ … Nhưng rồi anh sẽ mau chán vì với anh, tình yêu chỉ là loại hàng phụ không có tầm quan trọng cho cuộc sống thực tế. Rất nhanh sau đó, anh hối tiếc đã để cho mình bị thu hút bởi cái vẻ ngốc nghếch khờ câm, sẽ chẳng là gì ngoài nỗi vướng bận thêm cho đời mình, lúc anh phát hiện loài côn trùng kia tầm thường yếu ớt đầy vẻ thảm sầu như thiếu hẳn mạch sống, có thể được sinh ra đời với một hệ thần kinh bất bình thường. Thêm nữa, cô ả tuy là con nhà tử tế nhưng gia đình nghèo và mồ côi cha, lại đông anh em, họa ta có điên mới đeo vào mình một gánh nặng như thế.

 

    Lúc này, anh tỏ ra hào hoa rộng rãi, tiền có được là chỉ để chiều chuộng, chiêu đãi người yêu nhưng Mạc không yên lòng khi biết vào thời buổi khó khăn, anh đã phải xoay đủ cách và đấy là nỗi khổ chung tế nhị của đàn ông con trai khi có bồ, phải cần tiền túi cho mọi thứ linh tinh … Một lần buổi tối, mạnh dạn đưa Mạc vào một quán sang trọng có máy lạnh, những thức uống có giá cao hẳn hơn nơi khác vì quán này có cả pianiste ngồi đàn những bản theo yêu cầu của khách. Sau đó, Mạc bối rối phát hiện anh đã để lại cái đồng hồ cho chủ quán bởi cả hai đã đi chơi suốt từ sáng và đến lúc ấy thì anh nhẵn túi. Mạc thắc mắc âu lo, rụt rè đề nghị xin anh cho phép thanh toán cuộc vui tối nay, anh cười trả lời sẽ chuộc lại cái đồng hồ không vấn đề gì cả, anh không muốn Mạc phải trả tiền cho bất cứ chút gì.

 

    Cho đến mãi sau này, anh đã không bao giờ để Mạc phải lo lắng về kinh tế đời sống chung, Mạc kiếm được chút đỉnh là chỉ đủ tiêu vặt cho nhu cầu nhỏ của phụ nữ và anh lo tất tần tật. Chỉ có điều, anh xem mình như chủ ngân hàng, kiểm soát cực kỳ gay gắt tiền nong và điều khiển nó theo ý mình, có lúc hào hoa rộng rãi, có khi vô cùng keo kiết, lúc mở lúc thắt hầu bao. Và khuyết điểm khác là anh chỉ đánh giá mọi người mọi điều bằng tiền cũng như anh cho rằng nó có thể mua được tất cả.

 

    Anh xoay đến tài, biết đủ cách kiếm chác, thường xuyên rủng rỉnh, hết rồi lại có. Khi có tiền thì chở Mạc vi vu xe máy, hoặc ngoắc xích lô, cả hai vắt vẻo, nói cười khúc khích, lúc hết tiền thì gò lưng xe đạp ì ạch, có lần chở Mạc lên tận phía cư xá Thanh Đa, vui hưởng gió sông mát rượi, hoặc dắt Mạc nhảy lên xe buýt … Dần dà, Mạc cũng bớt lù khù chậm chạp hơn trước. Con ốc đã bắt đầu bò ra khỏi cái vỏ cố hữu của nó để nhận thức về cuộc đời.

   Theo anh kể, sau 1975, trường Văn Khoa giải thể, trút bỏ cái lớp vỏ sinh viên hiền lành, anh xắn tay áo xông ngay vào đời khi chưa được hai mươi tuổi … Việc làm của anh từ đó, là trong khâu đo đạc phía miền Tây, di chuyển không ngừng, xe đò đường đất hay lên phà qua sông phương tiện nào anh cũng xử dụng. Để thích ứng với môi trường khi có mặt, anh nhập vai đủ thể loại, khi thì nón bộ đội mang dép râu, lúc thì mặc áo đẹp diện giày láng. Mọi thay đổi của những thời thế lớn nhỏ chỉ tạo điều kiện cho anh sống và trải nghiệm, đương đầu và khắc phục. Ví dụ cụ thể : Trên chuyến xe đò từ Đà Lạt về Sài Gòn, với vẻ nghiêm chỉnh đàng hoàng, ăn mặc lịch sự nhưng trong cái túi để dưới chân, anh có thủ ít ký cà phê, xe ghé Bảo Lộc, anh mua thêm ít ký trà rồi về tới bến xe Sài Gòn, để kiếm lời, anh thẩy ngay cho những người buôn vặt nô nức đòi mua …    

   Anh quả là người biết thức thời, nắm bắt cơ hội, dù còn trẻ tuổi. Chiến tranh hòa bình, chế độ nào chính phủ gì, anh ăn chi cũng ngon miệng, ngủ đâu cũng ngon giấc; với mọi người bất kỳ ai, anh nói cười hỉ hả, vui vẻ chan hòa, đề huề thân thiện như đã quen nhau từ kiếp trước. Gặp người Bắc, anh uốn giọng Bắc, gặp người Nam, anh xài giọng Nam. Anh thường nói nhiều hơn người đối thoại nhưng chỉ khi gặp người Huế, anh không nói gì mấy, đơn giản chỉ vì anh không có khả năng bắt chước giọng Huế. Lúc này, dù nghe mà không hiểu gì cho lắm, anh gật gù, ra vẻ trầm ngâm.

 

    Mạc có cảm giác ưu tư sầu muộn không có cách gì xâm chiếm được anh tuy nhiên, nhiều khi vì căng thẳng hấp tấp vội vàng, anh trở nên sôi sục nóng nảy, cộc cằn, vụng về thô lỗ, văng tục chửi thề nhưng lúc ngồi bên Mạc, anh có cố gắng, như được trầm xuống một cách tự nhiên. Dù biết anh không dịu ngọt và tế nhị nhưng luôn với khuynh  hướng nghĩ tốt về người yêu, Mạc cho rằng anh phải va chạm nhiều trong đời sống với đủ mọi hạng người nên chịu ảnh hưởng ít nhiều từ họ cũng như phải thích ứng với họ cho dễ thở; thêm vào đó, tâm tính anh ngay thẳng ruột ngựa chưa nghĩ đã nói hoặc nghĩ một đường nói một nẻo thì không thể khéo léo quá độ. Mạc hiểu anh có nhiều khó khăn để chế ngự cảm xúc cũng như không biết dùng nó vào việc phải dùng đồng thời không biết cách tôn trọng cảm xúc của người khác nhưng anh không hề cố ý. Mải nghĩ cách biện hộ cho anh, bám víu vào mọi lý lẽ mơ hồ, Mạc không có nổi khái niệm người mình yêu có khả năng khác : nói tào lao và nói dối! Nếu ta hiểu rằng nghệ thuật lớn nhất đến từ sâu xa của tâm hồn và huyết quản thì Nói Dối không đơn giản chỉ là một thói xấu. Một Nghệ Thuật.

 

    Tuy sức sống mạnh mẽ nhưng với nguồn nhiệt hứng không thể kiểm soát, thể cách xung độ nội tại là điều không giúp anh có đủ bình tĩnh để quan sát và thưởng thức đời sống như Mạc. Trong đời sống chung dài lâu sau này, Mạc dần hiểu là người ta cũng có thể có tình cảm tự phát mà không cần cảm nhận, thấu hiểu và loại tình cảm này không thể trường tồn. Nỗi buồn cơn vui chỉ như thoáng chốc. Anh không có lỗi gì cả một khi được sinh ra đời như thế. Nhưng đáng lẽ anh có thể tự hiểu thêm về cách cư xử để tránh được những tai hại cho người khác và ngay cả cho anh. Có những lúc, anh hành xử nói năng không suy nghĩ như kẻ giang hồ và tiếp tục mãi cho đến sau này, mặc cho khuynh hướng xấu phát triển, càng già, anh càng mất dạy.

 

   Thật ra, cha mẹ anh cũng đã hết lòng răn dạy con cái nhưng anh năng động hung hăng như con ngựa bất kham, luôn tìm mọi cách để sinh hoạt theo nhiệt hứng; từ nhỏ, lúc hơn mười tuổi đầu anh đã thường xuyên đi chơi lung tung bất kể cùng khắp với bè bạn, lúc về trễ, không dám vào nhà, anh đã leo lên phía sau một chiếc xe hàng nằm đánh một giấc qua đêm, có lần ham chơi ghe xuồng đến nỗi suýt bị chết đuối dưới sông nhưng nhờ thế mà anh đã tự học bơi một mình. Điểm tích cực là anh bạo dạn như thế nên tháo vát và biết xông xáo để tự lập rất sớm.

   Thật là hiện tượng khá lạ lùng so với những đứa trẻ con nhà giáo chức luôn ngoan ngoãn nhút nhát và chăm chỉ học hành.

   Rồi anh đưa Mạc về nhà giới thiệu với gia đình cư ngụ tại số 122 đường Nguyễn Kim, quận 10. Một địa chỉ là một định mệnh. Anh cũng ra đời nơi đó, vào ngày 15 tháng 2 năm 1956. Một mốc thời gian là một định mệnh. Sau này, Mạc được biết là anh đã ngược ngạo ngay từ lúc chào đời, nghĩa là đứa bé sơ sinh đã từ bụng mẹ chui ra bằng hai chân thay vì cái đầu phải ra trước. Có thể đấy là dấu hiệu cho ta thấy mọi suy nghĩ của anh đều đảo lộn cũng như con đường sống của anh không hề đơn giản.

 

    Sau đó, anh trổ tài gẩy đàn guitare và hát tặng Mạc bản Nỗi Buồn Dâng Hiến của Lê Uyên Phương nhưng anh không có giọng gì cả và hát sai nhạc be bét, tiếng đàn đệm cũng rất dở, cứng ngắt, không gợi nổi cảm xúc nhỏ nào … Mạc ngồi nín thinh, thót bụng lại, không dám cười, chỉ dám nghĩ dù sao anh cũng biết đàn và thích hát, hoặc hát hay không bằng hay hát là thế, nhưng anh lại biết huýt sáo líu lo như Elvis Phương và ít ra, anh có để ý đến những gì Mạc thích, sẵn sàng chiều ý. Rồi thể theo lời yêu cầu của Mạc, anh đánh bản Tristesse của Chopin, xong xuôi đâu đấy, anh hỏi Mạc : Chopin còn sống không? Vào năm 1978, lúc ấy, nếu còn sống, cụ nhạc sĩ bất tử này chỉ khoảng 170 tuổi mà thôi.

 

   Chỉ vì bắt đầu yêu, Mạc nghĩ tốt về anh, cho rằng anh có khuynh hướng trào lộng, muốn chọc cười cho Mạc vui, kể cả lúc anh hát bản Tôi Đưa Em Sang Sông và quên lời nên bịa ra “ Tôi đưa em sang sông bằng phi cơ hay phi thuyền “ …

   Mãi đến sau này, Mạc mới biết được là tất cả những gì anh biết hay làm đều có tính cách một nửa, và dùng cái vốn kiến thức nửa vời đó để gây ấn tượng cho người đối diện. Rất có những điều anh không hoàn toàn biết mà chỉ thoáng nghe, anh tiếp thu và lập lại trong một tính hời hợt đến nhầm lẫn trầm trọng. Anh không dữ dằn hiểm ác, anh chỉ nông cạn và ngược lại với tính logic.

 

(Còn tiếp)

 

 

 

Đỗ Nguyễn
Số lần đọc: 260
Ngày đăng: 02.06.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bóng đời xa lạ (Phần 2) - Đỗ Nguyễn
Bóng đời xa lạ (Phần 1) - Đỗ Nguyễn
Trầm mặc đêm dài (Phần cuối) - Đỗ Nguyễn
Trầm mặc đêm dài (Phần 8) - Đỗ Nguyễn
Trầm mặc đêm dài (Phần 7) - Đỗ Nguyễn
Trầm mặc đêm dài (Phần 6) - Đỗ Nguyễn
Trầm mặc đêm dài (Phần 5) - Đỗ Nguyễn
Trầm mặc đêm dài (Phần 4) - Đỗ Nguyễn
Trầm mặc đêm dài (Phần 3) - Đỗ Nguyễn
Trầm mặc đêm dài (Phần 2) - Đỗ Nguyễn
Cùng một tác giả
Ngọn gió nào… (truyện ngắn)
Tả ngạn (truyện ngắn)
Cây rừng vô cảm (truyện ngắn)
Chân mây xa vời (truyện ngắn)
Triền dốc lãng quên (truyện ngắn)
Chiều phai Dã Quỳ (truyện ngắn)