Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
784
116.692.497
 
Mùa xanh biển lặng (phần 2)
Đỗ Nguyễn

 

    _ Lúc nãy vừa  trờ  đến, tôi gặp cô em họ của cô ở trường ra, có vẻ vội lắm.

      Hắn nói, lúc Mạc ngồi co ro ở trạm xe bus gần ngay cổng trường và hắn đã mon men đến ngồi cạnh.

    _ À … Tú Anh!

    _ Chỉ chào thôi, rồi cô ấy đi ngay. Hôm nay cô ta đội cái mũ béret màu xám trông  xinh và thanh lịch lắm!

    Mạc lơ đãng gật nhẹ đầu. Cô em họ nhỏ hơn Mạc hai tuổi nhưng sắp bắt đầu cao học Luật, Mạc đã hơn hai mươi ba tuổi mà còn ở năm thứ hai và lội bì bõm, chỉ vì bên nhà, học đã xong và bắt đầu đi dạy nhưng giờ đây phải học lại một cái gì thực tế để dễ kiếm việc làm, dù đôi khi nghĩ đến lúc tung hê tất cả và bỏ đi vì đã bắt đầu mỏi mệt chán ngán vì chưa biết sẽ đi đến đâu với chương trình học tẻ ngắt, buồn chán khô khốc như cơm nguội.

    Hôm nọ cả ba người đã có gặp  nhau ở cổng và Mạc đã giới thiệu với Tú Anh hắn là  « một người bạn mới quen ». Sau đó, hắn đã nói : “ Tú Anh, tên nghe có vẻ con gái nhỉ? Tôi không biết gì về ngôn ngữ Việt nhưng có cảm giác thế. ”. Mạc cười trả lời rằng con bé ấy thích có một cái tên Việt nên tôi đã đặt cho nó thế, chứ thật ra nó tên là Anne, sinh đẻ bên này, bố nó là chú của tôi, mẹ là người Pháp, có biết nói tiếng Việt đâu?

    Nhìn hắn bằng ánh mắt lờ đờ ngái ngủ, giọng Mạc lè nhè chán đời :

   _ Tôi thì cứ cái bonnet bằng len này là được rồi, tôi rất thích vì nó ấm hơn béret, nó che kín cả hai lỗ tai vì tôi rất sợ nhiễm lạnh rồi cảm suốt.

    Gật nhẹ đầu, hắn ái ngại :

   _ Tôi đã nhận thấy rằng cô có vẻ khó khăn khi phải chịu lạnh.

   _ Tôi là đứa thiếu hồng huyết cầu từ bé.

     Mạc nhướng mày nói. Trời tuy vào tháng Mười, có nghĩa là mới sang thu hơn hai tuần mà Mạc đã phải mặc kỹ lưỡng, tùm hụp như những bà già. Cái lạnh không gắt lắm mùa này, chỉ gần như nơi xa nào, quê hương đó nhưng Mạc cảm thấy tệ hơn nhiều, có lẽ vì một thân một mình, và cái lạnh đã bắt đầu xâm nhập vào hồn từ lúc xa nhà và đời sống tinh thần đã mất mát quá nhiều. Vốn khổ điêu đứng vì đời đã quăng quật không chút xót thương, thêm lạnh và buồn, thêm vào món cô đơn nữa là thực đơn của đời Mạc đầy đủ một cách chua chát.

    Chỉ có những người tha hương mới biết đau đến thế nào khi hai bàn chân trần không giày dép, bước trên đường đời đầy những đá nhọn sỏi sạn chông gai và chỉ còn tự an ủi là mỗi bước đi đều khác biệt để biết thêm và thêm mãi về đời. Nhưng Mạc đã quá mệt mỏi nên chẳng muốn thấy gì thêm nữa hay biết gì khác nữa, và để làm gì những thứ nặng nề đó?

    Cà phê thuốc lá cho vị đắng cay nữa là đủ bộ. Tình yêu? Ở  cái xứ tây này, đàn ông con trai tốt thì đã bận rộn với gia đình, hoặc ít nhất cũng có người để tâm sự dù họ không thật sự biết yêu. Chỉ còn lại đâu đó thể loại khác biệt không thích đàn bà và gì gì khác nữa nhưng họ có toàn quyền sống tự do mà chẳng phiền người khác, và khá nhiều anh bần tiện độc thân cau có đến mặc cho xác thân cằn cỗi mốc meo trong cái đời âm thầm ích kỷ, hoặc có anh tồi đến độ chỉ đáng vứt vào sọt rác vì hiện hữu của họ chỉ thêm đông đảo cho loại đàn ông được sinh ra đời và tồn tại chẳng vì lý do nào, chẳng để làm gì khi hoàn toàn vô ích cho phụ nữ và xã hội.

   Sự thật về cái thể loại đực rựa đang hiện hình ngay trước mắt mình đây thì thế nào chưa thể biết mà cũng chẳng muốn biết để làm gì … Mạc nhếch môi, sờ tay vào túi áo định lấy gói thuốc hút một điếu cho ấm người lên nhưng nhìn đồng hồ, thấy không đủ thời gian, đổi ý mở sắc, móc trong đó ra một quả chuối chín tới … Hắn mỉm cười.

    _ Tôi nghĩ cái béret cũng sẽ hợp với cô đấy, loại mũ này trông ngộ nghĩnh lắm! Có một thời gian dài, biến mất, bây giờ trở lại thời trang nhưng tất nhiên không phải là ai đội cũng hợp. Ít ai còn nhớ là đó một cái mũ đã xuất hiện từ thời Trung Cổ mà giờ đây các thiếu nữ vẫn yêu chuộng.

     Giọng gã con trai chân thật nhưng Mạc bỗng nổi dóa, mặt vênh váo, giọng rít lại khiến hắn chưng hửng.

    _ Tôi cần gì phải bắt chước ai cơ chứ? Nhưng không muốn bắt chước cũng không xong vì dù sao chăng nữa thì cái mũ len khốn khổ này và tất cả đồ đạc tôi đang mặc đây cũng là của nó thải cho, thời trang mùa đông trước nhưng tôi chả cần đúng mốt. Tôi thầu tất tần tật. Tại sao? Vì đồ còn rất mới và tốt. Phần khác, quần áo tôi mặc là của nhà thờ cho, nhưng cũng được. Tôi không mua sắm gì cả vì phải để dành tiền. Hết năm thì con nhỏ kia lại passer cho tôi cái lũ quần áo mà nó hiện đang mặc và tôi sẽ lại giữ kỹ để diện cho mùa lạnh năm tới, thể nào cũng có cả cái béret chết tiệt mà anh vừa thấy nó đội và khen lấy khen để. Nếu tôi sống sót qua mùa lạnh năm nay, anh sẽ hài lòng thấy tôi diện đẹp vừa ý anh ra sao mùa này sang năm.

    _ Cô  để dành tiền để làm gì?

     Hắn cười  cười hỏi. Hỏi ngu! Mạc lắc đầu chán ngán :

    _ Chưa biết sẽ làm gì nhưng chẳng mơ tới việc lớn. Để xem! Trước mắt là đến hạn trả nhà cho đứa bạn, tôi phải kiếm chỗ ở khác nên sẽ phải lo. Nó đi sang Đức học một năm, thấm thoát đã một tháng rồi. Nó rất tốt, ngay cả cái việc làm buổi chiều của tôi cũng là do nó nhường lại, nhờ nó giới thiệu tôi với chủ đấy.

    _ Cô có lý, phải có chút tiền để dành phòng thân cho những khi cần thiết chứ. Tôi hiểu vì tôi cũng thế.

     Hắn nói vớt vát. Hiểu vậy sao còn hỏi? Nghĩ thế nhưng mặc kệ, trả lời chỉ bực thêm. Mạc bóc chuối ăn không thèm mời hắn. Nhìn Mạc ăn vội vã, hắn lại tò mò :

    _ Cô thích ăn chuối nhỉ? Mỗi ngày mấy quả?

    _ Ít nhất ba, bốn … Chỉ vì rất tiện và rẻ nữa. Tôi không có thời giờ để gặm quả táo  nên đói là cứ nuốt chuối cho xong, nhanh gọn nhất.

    _ Nhưng cô cũng nên ăn thêm những thức khác nữa chứ, chỉ ăn chuối thôi làm sao đủ chất để có sức khoẻ vừa đi học vừa đi làm?

    _ Tôi hy vọng sẽ trở về kiếp con khỉ cho đỡ khốn khổ nên thử vậy, có ai mất gì không? Việc tôi ăn gì liên hệ đến ai đã nào? Nhưng tôi còn ăn nhiều kẹo nữa, lúc đói, cũng tiện lắm, có lúc mua được bánh mì baguette thì ăn với bơ cũng đủ ngon rồi … Kìa! Xe bus của tôi đến! Tôi phải đi ngay đây! Chào nhé!

    _ Mai gặp lại!

    _ Tùy anh đấy!

     Hôm sau hắn mang đến tặng Mạc một gói kẹo trái cây hiệu Lutti và một phong chocolat có hình con voi hiệu Côte d’Or, ân cần nói :

    _ Cô nên ăn thêm chocolat cho có chất, kẹo thì ngậm mỗi ngày một viên thôi.

    _ Anh tốt quá! Anh cho chocolat làm tôi nhớ bà ngoại ngày xưa hay cho tôi ăn goûter mỗi ngày sau khi ngủ trưa, một khúc bánh mì, một nửa quả chuối và một miếng chocolat Poulain, hình con ngựa, rất ngon, hay chỉ tại lúc người ta còn bé, ăn gì cũng thấy ngon. À anh tốt quá, tôi thật biết ơn, anh lo cho sức khoẻ người khác …

    _ Cô không phải là “ người khác.”

    _ Gói kẹo này thì tôi ăn cả tháng mới hết đây.

     Mạc đã ngốn hết gói kẹo trong buổi tối hôm đó thay cho bữa ăn chiều trong lúc học bài.

     Lúc Mạc nói sự thật với hắn về gói kẹo, hắn la hoảng :

    _ Ăn vậy không được chút nào, cô không đau bụng sao? Tôi sẽ không mua cho  cô nữa đâu.

     Mạc cười khúc khích :

    _ Tôi mê kẹo từ nhỏ, có thể ăn từ sáng cho đến khuya, ăn nhiều đến nỗi sâu răng tùm lum nhưng vẫn không thể chừa. Xứ này kẹo còn ngon hơn và có rất nhiều loại, tôi ưng cái gu caramel và nougat nhất, nougat làm bằng mật ong thì tuyệt. Nhưng cái gu trái cây anh cho cũng khá lắm, mùi nho là tôi khoái nhất đấy. Anh không cho nữa thì tôi tự mua thôi. Khó gì? Đã ghiền thì chẳng bỏ nổi đâu hoặc cũng chẳng muốn bỏ.

    _ Ngoài ra, cô thích gì khác? Ngoài ăn những thứ ấy?

    _ Ngủ. Lúc nào cũng mệt vì thiếu ngủ. Tôi khoái nhất là được ngủ li bì. Như đêm qua, sau khi hết kẹo, tôi đã nốc cho hai viên thuốc và ngủ say như em bé, một mạch cho đến sáng. Chỉ có điều, sáng thức dậy đầu nặng như đá và tôi đã phải uống mấy tách cà phê mới tạm tỉnh táo lại.

     Mặc cho ánh mắt hắn nhìn mình với vẻ lạ lùng, chợt muốn tâm sự, Mạc hạ giọng kể lể :

    _ Tôi có ba nỗi khổ kỳ quặc : thứ nhất là không khóc được, thứ hai là không lên ký nổi, thứ ba là không ngủ được. Uống thuốc ngủ thì khò được, bỏ là chết, ngoài ra ăn mấy cũng vẫn gầy như anh thấy đó, và cái tệ nhất là không thể khóc dù tức hay buồn hay đau tôi cũng trơ ra như đá nhưng chẳng có thuốc nào làm cho người ta khóc. Ăn ớt có thể chảy nước mắt nhưng không thể gọi là khóc tự nhiên. Ăn kẹo thì đương nhiên không chảy nước mắt nhưng dù sao giảm stress .

     Hắn nhìn Mạc đăm đăm với vẻ thương cảm đồng thời như muốn nghe Mạc nói thêm về mình nhưng Mạc im lặng sau đó, một lúc sau hỏi ngớ ngẩn :

   _ Còn anh thì sao? Anh có mấy nỗi khổ?

     Hắn  bật cười, lắc đầu, ánh mắt sáng lên :

   _ Tôi thì tạm ổn, hơn nữa tôi không có quyền than vãn vì nếu có thì những nỗi khổ của tôi không sánh được với người khác. Cha mẹ tôi thì thuộc thế hệ trước, đã sống thế chiến thứ hai, họ cũng đã phải chịu đựng rất nhiều đau khổ mất mát nhưng dần dà cũng đỡ, bây giờ họ thoải mái rồi.

     Liếc nhanh hắn rồi thừ người nghĩ ngợi. Vẻ ung dung tự tại đó tố cáo cái đời hắn chẳng có gì để khổ, có lẽ ngay cả vấn đề tình cảm. Cũng như con Tú Anh thôi, chúng nó sinh trưởng ở một nơi, trong môi trường hoàn toàn khác mình nên chỉ phây phây hưởng đời trong khi tuổi trẻ của xứ mình lãnh đủ mọi nghịch cảnh. Và con người mình cằn cỗi thêm chỉ vì những va chạm với lý lẽ của đời thực tế, điều đã giết đi trí tưởng tượng, chặt đứt cánh bay và bôi đen những giấc  mộng. Bỗng tò mò  muốn biết hơn, Mạc hỏi sau khi phà khói thuốc.

    _ Tôi hỏi cái này cho vui, nếu được anh nói, nếu không muốn nói cũng không sao nhé!

    _ Tôi sẽ cố trả lời.

    _ Anh có mấy mối tình rồi?

     Hắn nhướng mắt như đấy là chuyện không quan trọng và trả lời không do dự.

    _ Có thể kể là hai mối cũng được nhưng cũng không có gì là sâu đậm. Lần đầu là ở trung học, lần kia là cách đây khoảng gần một năm rồi hết. Sau này chưa có gì mới cả. Thật tình mà nói, tôi chậm chạp về phương diện này nhưng cũng chẳng có gì mà phải vội vã.

     Mạc nhìn vào mắt hắn để đo lường sự thành thật. Đôi mắt xanh dịu lúc này nhìn Mạc gần như trong sáng. Nhận thấy hắn không có vẻ nói dối, nhưng quan hệ gì đến mình đã? Mạc định bụng nếu hắn hỏi một câu tương tự thì sẽ bịa là mình đã yêu năm bảy lần để chọc tức hắn cho bõ ghét nhưng hắn im lặng có vẻ nghĩ ngợi. Hoặc có thể hắn chẳng quan tâm đến việc riêng này của mình? Bọn tây đầm này thì chắc không kể gì đến mấy lần, chẳng đếm xỉa đến dĩ vãng mà chỉ thích thực tại thôi.

     Mạc lại thấy mình mâu thuẫn khi muốn biết về hắn và ý kiến linh tinh.

   _ Đàn bà xứ anh rất đẹp.

   _ Tôi không nghĩ thế, họ tưởng họ đẹp thì đúng hơn.

     Hắn lắc đầu nhếch mép, Mạc tròn mắt ngạc nhiên :

   _ Anh nói lạ! Cả thế giới đều công nhận thế, phụ nữ Pháp đẹp lắm chứ!

     Hắn nói chậm rãi :

   _ Tôi không công nhận vì với tôi, đó không hẳn là sự thật. Họ có chăm chút kỹ lưỡng cho việc ăn uống để giữ gìn thì đúng, và họ biết cách ăn mặc trang điểm cũng đúng nhưng so với những phụ nữ tây phương khác thì cơ bản họ không bằng đâu. Nhưng tôi không thích phụ nữ xứ tôi tí nào vì bề ngoài thì chỉ một phần, cái chính là tôi ghét tâm tính họ, nhiều cô rất phức tạp và kiêu ngạo, dữ dằn và luôn tự cho mình là nhất. Nhiều cô không có duyên là điều tôi cho là thiếu sót lớn.

    Mạc băn khoăn thấy vẻ cương quyết của hắn.

   _ Có thể anh có lý, tôi sẽ để ý lại xem sao. Thích hay không thì tùy gu của mỗi người và tính tình là một điều khó nói, nhưng dù sao chăng nữa, họ làm thế nào mà vóc dáng thon đẹp thế? Eo của họ nhỏ xíu là sao?

     Hắn nhướng mắt :

    _ Tôi thấy phụ nữ á đông còn thon gầy hơn chứ, với tôi, họ thật có duyên và đầy nữ tính, e dè nhút nhát hiền lành mà vẫn có cá tính mạnh mẽ. Tôi chỉ ao ước có một người vợ như thế.

     Nghĩ là hắn mở máy tán nhưng đọc trong mắt hắn vẻ chân thành, Mạc lắc đầu cười to, tay búng ra xa mẩu thuốc hút dở :

    _ Anh chưa biết đấy thôi, có những đứa như tôi đây, dữ như cọp cái. Nữ tính à? Tôi hùng hổ như cao bồi ấy. Từ bé đã thế, chỉ khoái đánh lộn với con trai, thằng nào bố láo bố lếu là tôi dập ngay.

     Hắn  cũng lắc đầu, nhìn vào mắt Mạc :

    _ Tôi không tin, một người tỏ ra dữ dằn hung hãn trong một lúc nào đó là với mục đích tự  bảo vệ mình đó mà. Dữ thật sự là phải khác  cơ.

 

    

    Mạc biết hắn băn khoăn về tâm tư và cách sống của mình, sống như không cần ai, đi về một mình một bóng, chỉ muốn yên ổn trong những sinh hoạt riêng và loay hoay mãi với những gì tồn tại trong tâm tưởng trong một nhịp đời lặng lẽ và đã bằng lòng như thế, tạm nguôi khuây. Những người thân rất ít, những người quen và không thân cũng chẳng nhiều. Hờ hững với mọi liên hệ dù có những lúc cảm thấy thiếu hụt hay cần được yêu thương vỗ về, dù thâm tâm cảm nhận nỗi xót xa khi thấy tuổi trẻ theo ngày tháng qua mau. Mặc cho hồn thất lạc đâu đó, Mạc vẫn sống chênh vênh, thờ ơ trên đôi bàn chân nhỏ bé vụng dại của mình vẫn thường hay vấp ngã ngoài đường.

    Từ lúc hắn xuất hiện với bản khai lý lịch mà Mạc dù khó tính gắt gao cũng phải cho tám điểm trên mười : độc thân, hơn hai mươi bốn tuổi, đi làm từ hai năm nay ở ty điện lực, sống độc lập, cao ráo thanh thoát, tính tình điềm đạm, mặt mũi kháu khỉnh tươi tỉnh dù miệng khép lại hai mép lúc nào cũng như hơi nhếch cười. Điểm đặc sắc nhất nơi hắn là đôi mắt tuyệt vời : sâu và sáng, màu xanh đó linh động từ độ sáng trong đến thẫm dần, đổi khác theo ánh sáng mặt trời và thời tiết. Phải, thật tuyệt vời đến hút hồn dù vô tình hay cố ý mỗi lần ánh mắt của Mạc chạm cái nhìn đó, dù không quan niệm hình thức của đàn ông là điều quan trọng nhất nhưng thấy được tâm hồn dịu êm của hắn qua đôi mắt. Điểm quan trọng với Mạc là giọng nói bởi đó là điều phản ánh tính khí, tinh thần của một người. Và khổ chưa? Hắn có điều này : giọng nói điềm đạm, rất trầm và êm và nhẹ và ấm với cách phát âm thật chuẩn và quyến rũ … Mạc đã không ngạc nhiên khi nghe hắn nói có làm thêm ở đài phát thanh vào buổi tối. Nhưng dù thế, Mạc vẫn liệt hắn vào danh sách “ những người bạn không thân ”, và danh sách  “ những người bạn thân ” của Mạc thì trắng xoá không có cái tên nào, nếu có chăng nữa thì họ ở xa, rất xa … tận miền dĩ vãng. Trước kia, không hề muốn ngờ vực và trốn chạy những gì đến không hò hẹn vì có thể đó chính là những gì mình đợi chờ và tìm kiếm nhưng giờ đây, Mạc hãi sợ và lẩn tránh bất cứ một biến động nào. Và thật là khó đoán biết về những thay đổi bên trong của một sinh vật.

    Cắn móng tay nghĩ ngợi, Mạc chợt cười khi nhớ đến câu trả lời của mình khi hắn hỏi :

   _ Chắc cô khoảng tuổi tôi?

   _ Không, già hơn nhiều chứ!

   _ Tôi không tin. Nói thật đi! Cô không thể già hơn tôi!

   _ Một trăm năm chẵn.

   _ Thế thì trông cô trẻ hơn tuổi nhiều đấy! 

   _  Cám ơn. Nhưng anh vẫn phải tôn trọng cách xưng hô đấy nhé!

     Lại thật sự bắt đầu lo sợ hắn sẽ là nguyên nhân làm rã dần rồi sụp đổ bức tường chắc chắn quanh mình đã tạo dựng lên từ những tan nát hoang tàn của đời. Và sợ nhất là đôi mắt ngời xanh của hắn dần trở thành hai hồ gương phản chiếu từng  rung động và mọi trạng thái tâm hồn của  mình, và cũng có thể trong đó có một trạng thái còn giấu mặt mà chỉ có sự hiện diện của một ai mới khơi dậy được nó và giúp cho ta kiểm điểm lại những sắc màu còn có thể đổi khác của riêng mình.

    Rất may là Mạc đã thận trọng, muốn giữ một khoảng cách cần thiết nên đã yêu cầu hắn phải xưng hô như thế, vì chỉ cần khác đi cách xưng hô thân mật bạn bè như tất cả bọn trẻ là hắn đã tiến được một bước rất dài, đốt được một giai đoạn chinh phục và phần còn lại sẽ gần như dễ dàng. Mạc đã phải dọa thẳng :

   _ Anh mà tính chuyện đổi cách xưng hô hoặc có thái độ bất thường nào hay nói lời yêu iếc vớ vẩn là tôi dứt điểm ngay đấy! Tôi đã chấp nhận tình bạn như thế là quá lắm rồi vì nếu anh biết là những người khác thì đừng hòng tôi quan hệ.  Cứ hiểu là tôi chẳng cần ai cũng như  chẳng ai cần tôi.

    Hắn bất mãn ra mặt nhưng cũng không dám cãi lại và vẫn tuân thủ tốt cho đến giờ này và Mạc có phần yên tâm. Không chịu thì cút ngay! Con này chẳng sợ thằng nào mà chắc cũng chẳng có thằng nào sợ con này!

 

    Vào một trong những ngày mỏi mệt và bực bội nhất cuối tháng mà vẫn phải lê lết đi học đi làm, hồng hộc chạy theo những chuyến xe với cái bụng ọc ạch phình chướng lên, đau lưng, nhức đầu, và cái của nợ đó cứ rỉ rả gần một tuần lễ thay vì ba ngày như những đứa khác … Mạc cáu, tìm cách gây sự, quy cho hắn mọi tội lỗi của cụ kỵ, ông bà cố nội cố ngoại của hắn đã gây ra nguồn khổ não cho đất nước quê hương mình từ ngày xưa và tức tối đến phát điên lên vì sự câm nín chịu đựng của hắn như không đồng ý, ánh mắt khinh khỉnh, vẻ lãnh đạm không thèm cãi lại và đồng thời đó là cả một thách thức hay gì gì đó nữa trong đầu hắn đang nghĩ xấu về mình. Mạc hậm hực lầm bầm chửi rủa :

   _ Đồ chó tây! Thực dân ác ôn cướp của giết người!

     Chó tây im mõm khi bị buộc tội oan uổng nhưng không dám ho he, vẫn lặng như thóc thối để giữ hòa khí. Mạc lạnh lùng bật lửa châm một điếu Stuvesant. Khói thuốc ngạo mạn, vờn lên khiêu khích, thoảng qua mặt và tan vào biển mắt xanh thẳm muôn trùng. Hắn bất động, nhìn vào khoảng không, một lúc lâu sau, mở miệng phân trần :

   _ Tôi có hiểu biết mà, tin tôi đi, bằng chứng là tôi luôn đứng về phía những quốc gia bị đô hộ, tôi luôn bênh vực các dân tộc này, sự đô hộ là một trọng tội  và tôi luôn bỏ phiếu cho những chính trị gia có khuynh hướng chống đối điều này.

     Mạc phì phèo thuốc lá, nhịp nhịp bàn chân  :

    _ Thì thế! Anh giỏi chứ sao! Cho dù thế, khuynh hướng thiên tả cũng nhiều sai lầm theo cách khác. Hôm bữa anh còn khoe với tôi là anh đã có mặt trong đám tang của Jean Paul Sartre cách đây hai năm. Đúng không? Sartre ! Xếp sòng của cái lũ thầy giáo xã hội chủ nghĩa chuyên môn tuyên truyền cho lũ sinh viên ngớ ngẩn, tha hồ nhồi sọ chúng! Lúc sinh thời, bố tôi ghét cay ghét đắng cái trò này. Nhưng ông Sartre cũng chỉ là công cụ của bọn khác trong khi ông là người tài giỏi. Hệt như mụ Jane Fonda đã bị lạm dụng. Nhưng dù sao, trước khi qua đời, ông cũng đã làm một điều tốt là xin tổng thống cho một chiếc tàu đi vớt người Việt vượt biển và nói lời ân hận về tư tưởng và hành động sai lầm của ông trước kia. Đáng lẽ giới nghệ sĩ và trí thức cần phải khôn ngoan đừng để bọn làm chính trị sai khiến. Làm cách mạng tư tưởng là thực thi những mánh lới chính trị cho cái bọn ác ôn giấu mặt để sau đó không  ít người bị thanh trừng trong bóng tối một khi xong việc.

   _ Những gì cô vừa nói đúng đấy, nhưng tôi cũng như nhiều người thấy Sartre có tài năng khác biệt, tôi phục ông đã từ chối lãnh giải Nobel nhưng thật tình, tôi đồng ý với tư tưởng này của Stendall, như cô vừa nói : “ Chính trị trong văn chương nghệ thuật không khác gì tiếng nổ đại bác giữa một cuộc hòa nhạc.”

     Gật gù khen hắn nhưng rồi Mạc chê ngay :

   _ Anh khá đấy! Dù anh vẫn là một trong những người trẻ lý tưởng của các đảng phái thiên tả, tôi chắc thế, nhưng tôi nghe nói cái đám cộng sản của xứ anh tinh thần rất khác những người cộng sản của những nơi khác trên thế giới này. Các anh chỉ khoái tụ tập để nhậu nhẹt và ngoác họng la ó, phá làng phá xóm, đòi tăng lương, đòi có thêm nhiều ngày nghỉ. Lý tưởng này mới thật đúng là lý tưởng đẹp đấy nhỉ? Nói chung, làm ít hưởng nhiều là mục đích sống của các anh, xuống đường biểu tình là đặc sản của quốc gia này. Nghe nói tuần tới lại có đình công biểu tình của các bố anh ở hãng xe lửa, chỉ khổ thân tôi phải đợi gấp đôi thời gian ở nhà ga. Chết được! Lắm lúc muốn nhảy xuống đường rầy tự tử cho xong.

   _ Sao  cô biết là tinh thần của họ khác với những người đảng này xứ khác?

   _ Nghe nói. Thêm nữa tôi mới đọc Romain Gary, nhà văn gốc Nga, chắc anh có nghe, ông ta viết rằng ngay cả ở xứ mẹ đẻ của ông, cái đám khỉ nợ đó cũng khác hẳn cái đám đười ươi ở đây. Cứ hiểu là khỉ với đười ươi cũng có sự khác biệt.

     Hắn nhếch cười trông có vẻ nham hiểm thế nào ấy, giọng buông lơi không âm  sắc :

    _ Vậy mà hôm trước cô nói muốn trở thành khỉ nên cô mới ăn nhiều chuối.

    _ Tôi nói thế bao giờ?

    _ Cô có nói nhưng đã quên, cho dù cô không nói thì ăn chuối nhiều cũng nguy hiểm, có cơ biến thành khỉ hay đười ươi chăng? Thế là cô mâu thuẫn đấy nhé!

     Khựng lại, Mạc ngó hắn lom lom. À đây là lần đầu tiên nhà ngươi đã dám phản kháng mạnh mẽ như thế và theo cách lộ vẻ bất mãn ra mặt. Rõ là nói đến chủ đề chính trị là phải cãi nhau. Quan sát vẻ bình thản của ánh mắt hắn đang nhìn cái gì đấy ở phía xa xa kia, thầm nghĩ tên khốn này cũng cứng đầu lì lợm ra phết và hắn sẽ liều mạng để bảo vệ tư tưởng và hướng sống của mình, không phải là thể loại về hùa, đánh hôi mà có lập trường hẳn hòi, đâu ra đấy … Phiền rồi đây! Nhưng dù sao Mạc cũng cảm thấy nể và gờm hắn một chút. Sẽ phải đối phó hơn mình tưởng nhưng kể cũng thú vị vì cãi nhau là nghề của mình, lúc thua lý, bí quá thì cứ văng tục tưới xượi, xài từ ngữ của mấy mụ đàn bà hàng tôm hàng cá để chửi loạn là bọn đàn ông sẽ đỏ mặt bịt tai chạy biến.

    Mạc lầm lì :   

   _ Tôi đã có ý nhắc đến khỉ theo cách đó là vì tôi sinh ra ở rừng rú, trong vùng thiên nhiên và đã sung sướng như thế. Nếu tôi kể rằng ngày thơ ấu, tôi có một con khỉ nhỏ trong vườn làm bạn, anh sẽ không tin đâu. Màu xanh của cây rừng đã như màu của không gian đối với tôi, nếu thiếu màu xanh, tôi có thể ngã bệnh. Và tâm hồn bệnh hoạn từ khi xa quê hương tôi đó. Thật kỳ lạ vì ở đây cũng nhiều cây xanh mà sao tôi không cảm gì mấy, hay là tôi phải thành khỉ thật sự rồi mới thích rừng rú của anh.

   _ Một cách nào đó, chúng ta đều đã là khỉ, từ hồi xa xưa, đúng không?

    Hắn cười, Mạc phà khói, lại kê hắn một đòn khá thâm độc :

   _ Tại sao ở cái xứ này, tôi thấy áo chemise mà người ta may bán sẵn, nhất là cho  đàn ông, tay áo cứ dài lượt thượt ấy nhỉ?

    Vội lờ đi như không nghe để khỏi phải trả lời, hắn trở lại chủ đề đảng phái.

   _ Nếu cô biết là tôi thật sự thuộc phe phái nào, cô sẽ ngạc nhiên vì tôi không như  cô nghĩ đâu. Số người trẻ như tôi, rất ít.

    Mạc tò mò :

   _ Anh không nói thì tôi chỉ đoán tầm bậy thôi, nhưng thiên tả là cái chắc, qua những  gì anh kể, tôi cũng muốn được rõ hơn.

    Gương mặt hắn có vẻ quan trọng, ánh mắt đầy tin tưởng, giọng nói mạch lạc :

   _ Tôi tham gia tổ chức Bảo Vệ Môi Trường Xanh, không phải chính trị gì đâu, đó là một khuynh hướng còn rất mới lạ ở xứ này, nhưng bọn trẻ chúng tôi tin tưởng vào tương lai, phải cố gắng làm tất cả cho thiên nhiên và chất lượng của đời sống. Mỗi tuần ba lần, tôi nói ở đài phát thanh của tổ chức này về chủ đề quan trọng đó, đó là sinh hoạt thêm của tôi thôi thay vì bỏ thời gian để tụ tập ăn nhậu và nhảy nhót. Nếu cô muốn nghe, tôi sẽ tặng cô một cái radio nhỏ, cô có thể  nghe tin tức và nghe nhạc luôn thể cũng tốt.

    Mạc nhíu mày, im và nghĩ một lúc để hiểu về điều hắn vừa nói rồi mỉm cười, gật gù :

   _ Anh có vẻ khác lạ nhỉ? Anh là một người trẻ có tâm hồn với tư tưởng cao thượng bảo vệ thiên nhiên là điều tốt nhất nhưng ít ai nghĩ đến. Xin được ủng hộ cả chân lẫn tay. Chừng nào anh mang tới cái đài, tôi sẽ bắt đầu nghe ngay để hiểu thêm. Thú thật, tôi chỉ nghe nói lơ mơ về vấn đề này. Cám ơn nhiều.

    Hắn gật đầu, vẻ hài lòng :

   _ Cô sẽ thấy là xã hội này, người ta ích kỷ ra sao khi chỉ vì quyền lợi mà tàn phá thiên nhiên nên chúng ta cần phải làm một điều gì có trách nhiệm với thế hệ sau. Thiên nhiên là những gì xanh ngắt của chung, mang lại tất cả những gì tích cực cho đời sống nhưng người thưởng thức và che chở nó thì ít và người thờ ơ hay hủy diệt nó thì nhiều. Tôi không thích  xe hơi vì sợ ô nhiễm và chỉ dùng xe lửa tối đa dù có một chiếc xe nhỏ cũ nhưng rất ít khi đụng đến. Ngoài ra có dịp là tôi di chuyển bằng xe đạp. Ngay cả tài khoản của tôi cũng thuộc về một ngân hàng có dành nhiều sự giúp đỡ cho việc bảo vệ môi trường.

     Đồng ý ngay, gật đầu nhưng bỗng lại nổi máu ác, nghĩ ra một kế để chọc tức hắn, Mạc rung đùi, giọng thản nhiên :

    _ Đang nói đến nhà văn cơ mà! Sartre … và ai nữa đây … à tôi thì tôi khoái Camus và Remarque. Phải chi ông nhà văn nào cũng được đẹp trai và ngon lành như hai ông này nhỉ?

     Hắn nhìn Mạc, ánh mắt lộ vẻ khó chịu nhưng giọng điềm tĩnh :

    _ Nếu cô thích cái vẻ bề ngoài của người ta thì cứ thích tài tử là hơn, khi thích một nhà văn thì hãy nói đến văn phong và tư tưởng của họ mới hợp lý chứ!

    _ Theo tôi thì một nhà văn viết hay là điều bình thường, nhưng nếu anh ta đẹp trai nữa thì vẫn hơn, phải không nào? Tôi biết một chi tiết về Remarque là ông có xuất hiện trong phim « Một Thời Để Yêu và Một Thời Để Chết », tác phẩm nổi tiếng nhất mà tôi mê tít từ nhỏ, ông đóng vai người giáo sư của anh lính Đức. Điều này chứng tỏ ông nhà văn này ngon đến độ có thể vừa là tài tử đấy chứ, còn Camus thì cứ như Humphrey Bogard trong Casablanca í, phong độ ghê! Nhưng nói cho ngay thì cũng có nhiều tài tử kém đẹp và nhỏ con nhưng đóng thì cực kỳ xuất sắc.

   _ Ví dụ?

   _ Charles Bronson, Dustin Hoffman, Jack Nicholson … Tôi đã xem China Town  chiếu lại ở ti vi hôm nọ. Hay tuyệt!

   _ Cô rành nhỉ?

    Mạc bỗng nhăn mặt vì cổ họng đau rát, búng ra xa mẩu thuốc hút dở rồi nói với giọng hơi khàn đục :

   _ Tôi chịu xi nê từ bé, phim gì cũng xem tuốt, từ hoạt họa đến phim chiến tranh, tình cảm, cả phim Tàu, múa kiếm, tung chưởng đều hấp dẫn. Cứ nghĩ đi, nếu anh sống ở một nơi mưa dầm suốt cả mùa hè nghỉ ba tháng, chui vào rạp là qua được một buổi trưa kéo đến chiều nếu đó là một thể loại phim dài ngoằng … À này, anh có biết phim nào kha khá đang chiếu ngoài rạp không?

   _ Phim thì đầy ra nhưng hay dở thì phải xem mới rõ chứ không thể nói theo quảng cáo nhưng tôi biết ở khu Montparnasse gần nhà tôi, có một rạp chiếu toàn phim cũ nhưng bảo đảm vì chọn lọc mà, một rạp có năm bảy phòng chiếu mỗi phòng một phim. Tối thứ Bảy mình cùng đi xem nhé! Cô sẽ là người lựa, tôi thế nào cũng được, thể loại nào cũng có phim hay.

    Mạc cao hứng, hồn nhiên vỗ tay thích thú reo lên :

   _ A thế thì tha hồ chọn nhỉ, ở xứ tôi, mỗi rạp chỉ chiếu có một phim thôi. Xứ nhỏ mà, cái gì cũng nhỏ và ít thôi nhưng có chất lượng. Từ gần hai năm nay, ở đây, tôi chưa đặt chân đến rạp nào, đâu có thời giờ đâu? Suốt ngày chạy đôn chạy đáo nên may ra có tối nào rảnh thì xem phim ở ti vi thôi nhưng không đủ thích, xi nê là một không khí khác hẳn.

   _  Mạc!

   _  Gì cơ ?

   _ Tôi nhận thấy là cô yêu quê hương đất nước cô lắm, lúc nào cũng nhắc đến.

   _ Ai cũng có một quê hương để yêu và nhớ nhưng riêng các ông thực dân thì lại càng yêu nước của họ đến nỗi mặc sức đi vơ vét, ăn hiếp những xứ nghèo để trở nên giàu có như hôm nay.

    Hắn im lặng. Mạc thản nhiên quan sát gương mặt hắn còn có vẻ điềm tĩnh hơn lúc nhìn nghiêng, sóng mũi thẳng băng, rèm mi hơi cong trên mắt thẫm xanh, sâu và sáng, giọng vẫn chịu đựng, ôn tồn :

    _ Vậy tôi đón cô tối thứ Bảy tới nhé! Từ nhà ga đi bộ ra đấy ít phút thôi.

     Trả lời đồng ý bằng cách nháy mắt với hắn cho có vẻ chịu chơi nhưng bỗng có một cơn nghẹn thắt họng, ôm ngực ho rũ rượu. Hắn ái ngại lắc nhẹ đầu, giọng nghiêm trang :

    _ Này Mạc! Cô bớt hút thuốc đi nhé! Phổi sẽ có vấn đề đấy! Cô muốn chết sớm à? Nữ chúa?

    Vùng vằng đứng lên, chân đá vào khoảng không, Mạc vừa ho vừa gắt :

    _ Anh thì biết quái gì mà nói? Để tôi yên! Làm ơn nhé! Chết sớm thì khoẻ xác chứ sao? Ho thì nốc thêm vài ngụm rượu mạnh là ổn. Cớ gì phải lo? Không hút thuốc thì tôi gặm móng tay, không gặm móng tay thì tôi nhổ tóc. Mọi thứ này đều chẳng hay hớm gì, tôi biết nhưng mặc kệ vì đến một lúc nào cũng ngưng để bắt đầu cho những thói hư tật xấu khác.

 

   ( Còn tiếp )

   

 

 

Đỗ Nguyễn
Số lần đọc: 559
Ngày đăng: 04.08.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện viễn mơ thời chiến ( Chương 9) - Phan Tấn Uẩn
Cùng…bay về tâm dịch ‘Phần I : Từ Milano đến Sài Gòn. ‘ - Trương Văn Dân
Mùa xanh biển lặng (Phần 1) - Đỗ Nguyễn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 7) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 6) - Phan Tấn Uẩn
Hải hành mùa đại dịch 11 (Chương cuối) - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 29) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 23) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 25) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (chương 20) - Phan Tấn Uẩn
Cùng một tác giả
Ngọn gió nào… (truyện ngắn)
Tả ngạn (truyện ngắn)
Cây rừng vô cảm (truyện ngắn)
Chân mây xa vời (truyện ngắn)
Triền dốc lãng quên (truyện ngắn)
Chiều phai Dã Quỳ (truyện ngắn)