Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.389 tác phẩm
2.747 tác giả
764
116.718.248
 
Chí-Tôn Ca - Bhagavad Gìtà 2
Nguyễn Quỳnh USA

ĐỐI-THOẠI BỐN

TRI-THỨC LUẬN

Jnànayoga

 

Jnànayoga

 

33. Krishna: “...Mọi hành-động đều rõ-ràng trong tri-thức.”

 

ĐỨC THẾ-TÔN

 

1.                     Ta đã giảng đạo Yoga Bất-tử (Tri-thức luận) này cho Vivasvat. Vivasvat lại dạy đạo này cho Mahu. Mahu truyền đạo này cho Ikshvàku.

 

2.                     Này Parantapa (Arjuna). Nhờ sự truyền-dạy tiếp-tục như vậy, các bậc minh-quân đã đạt Tri-thức. Nhưng với thời-gian, Tri-thức luận bị rơi vào quên lãng.

 

3.                     Hôm nay, Ta mặc-khải cho nhà ngươi về Tri-thức luận ngày xưa (Jnànayoga), vì nhà ngươi là tông-đồ trung-tín và cũng là bạn Ta. Ta bảo thực, đây là huyền-nhiệm Tối-thượng.

 

ARJUNA thua

 

4.                     Người ra đời sau Vivasvat. Làm sao Người có thể mặc-khải Tri-thức cho Vivasvat được?

 

ĐỨC THẾ-TÔN

 

5.                     Này Arjuna. Ta vốn có nhiều kiếp-sinh trong qúa khứ. Nhà ngươi cũng vậy. Này Parantapa (Arjuna). Nhưng ta khác với nhà ngươi, vì ta biết tất cả những kiếp sinh của ta.

 

6.                     Dẫu Ta là Vô-sinh, là Đại-ngã Tối-thượng bất-tử, là Đức Thế-tôn của muôn loài, Ta vẫn hiện-hữu trong bản-ngã của Ta. Nhờ quyền-năng kì-bí (Màyà) nên Ta hiện-hữu.

 

7.                     Này Bhàrata (Arjuna). Khi bổn-phận bị quên-lãng, tội-lỗi bao trùm tất cả. Lúc đó, Ta phải hiện-thân một lần nữa.

 

8.                     Ta tái-sinh từ thế-kỉ này qua thế-kỉ khác (yuge yuge) 1 để tiêu-diệt điều ác và để duy-trì Chính-pháp (Dharmà) và thiện-đức.

 

9.                     Này Arjuna. Kẻ nào biết được những  kiếp-sinh và hoạt-động thánh-thiện của Ta bằng chính yếu-tính của mình, kẻ đó khi rời bỏ xác-thân sẽ không còn tái-

sinh nữa. Kẻ đó đến bên Ta.

 

10.                    Nhiều người đã thoát khỏi đam-mê, sợ-hãi và giận-hờn, tìm cách hiện-hữu trong Ta, và trở nên tinh-khiết (pùtàs) nhờ tri-thức (Jnàna-tapasà)2, nên những người ấy đạt được bản-ngã của Ta.

 

11.                    Này Pàrtha (Arjuna). Hãy theo con đường Vô-thượng của Ta. Bất cứ từ đâu con người đến với Ta, Ta cũng ân-cần đón nhận.

 

12.                    Muốn chóng đạt được chính-qủa thì phải có những công-nghiệp hi-sinh thánh-thiện ở đời.

 

13.                    Theo sự phân-phối các đẳng-tính (Gunas) và hành-động (Karma), Ta lập ra hệ-thống gồm bốn giai-cấp 3. Nhưng vẫn phải hiểu Ta là bản-ngã bất-động vĩnh-cửu.

 

14.                    Hành-động không làm hại Ta, vì Ta không ước-mong kết-qủa. Người nào hiểu Ta như thế, người ấy thoát khỏi hành-động.

 

15.                    Chính vì thế, tổ-tiên chúng ta khi í-thức được điều này, các người khát-khao giải-thoát và hoàn-tất bổn-phận của mình. Vậy nhà ngươi hãy theo gương tổ-tiên để hoàn-tất bổn-phận của mình.

 

16.                    Thế nào là hành-động? Thế nào là không hành-động? Những câu hỏi này đã khiến ngay các bậc đại-hiền thường bối rối. Bây giờ Ta dạy nhà ngươi thế nào là hành-động. Sau khi đã hiểu rõ, nhà ngươi sẽ thoát khỏi đau-buồn 4.

 

17.                    Phải í-thức được thế nào là bản-chất của hành-động tốt, xấu, cũng như thế nào là bất-động. Bản-chất của hành-động rất phức-tạp.

 

18.                    Người nào tri-thức rằng hành-động cũng như không hành-động, và không hành-động cũng như hành-động, người ấy là bậc hiền-gỉa và sẽ hoàn-tất mọi hành-động một cách hoà-đồng 5.                  

 

19.                    Ai thoát khỏi dục-tưởng, diệt-trừ nghiệp-chướng 6 (Karma) bằng Tri-thức (Jnànà), người đó là bậc Hiền-gỉa (Pandidt) đầy Phật-tính (Budhas).

 

20.                    Ai thoát khỏi mê-chấp của hậu-qủa hành-động, thì trở nên ung-dung tự-tại, không ỉ-lại vào người khác. Người như thế, dẫu hành-động cũng như không hành-động.

 

21.                    Ai tiêu-diệt được dục-vọng, làm chủ tinh-thần mình, xa-lánh sở-quyền, không làm điều sằng bậy, người ấy sẽ thoát khỏi tội-lỗi

 

 

22.                    Người nào, khi thành-công hay thất-bại, đều tỏ ra hài-lòng với một tâm-hồn an-nhiên tự-tại, người ấy dễ dàng thoát khỏi yếu-tính đối-nghịch, không còn ghen-ghét đố-kị. Cho nên, trong hành-động người ấy không bao giờ hệ-lụy.

 

23.                    Khi hành-động của một người không còn bị ràng-buộc, người đó hoàn-toàn được giải-thoát, nhờ tâm Tri-thức (Jnànà), nên hành-động của người ấy là một đức hi-sinh.

 

24.                    Hi-sinh và  dâng lễ cho Thẩn-linh là đức Hiền-tính (Brahman). Ai trẩm-thiền về hành-động Hiền-tính (Brahman) sẽ trở thành bậc Đại-trí (Brahman).*

 

25.                    Trong khi có những đạo-sư Tri-thức (Yoga) dâng lễ lên Thần-linh (Dàiva), thì lại có vị khác hiến-dâng hành-động hi-sinh của chính mình trong ngọn lửa Hiền-tính (Brahmàgnàu).

 

26.                    Để giới dục, có những đạo-sư vứt bỏ thính-quan. Trong khi ấy nhiều vị khác bỏ ngay cả âm-thanh và các quan-năng khác.

 

27.                    Có vị dâng-hiến tất cả hành-động thuộc về quan-năng. Vị khác dâng hơi thở của đời sống trong tinh-thần Tri-thức (Yoga) tự hạn-chế chính nình.

 

28.                    Có vị dâng hiến giàu sang thịnh-vượng của mình cùng với công-trình đạo-hạnh (Yoga). Vị khác hiến dâng huân-tập trong kinh-ngữ Vệ-đà, với Tri-thức hi-sinh (Jnànàyajnàs) và qua những lời thế khó.       

 

29.                    Có vị dâng phép hít vào thành thở ra. Vị khác thở ra thành hít vào, tức là điều-ngự được hô-hấp, để hoà-đồng sức-sống. *

 

30.                    Có vị ăn uống thanh đạm, điều-ngự hơi thở, theo tinh-thần hi-sinh Tri-thức, cho nên mọi xấu-xa (Kalmasàs)7 bị lửa hi-sinh (Yajnavidas) tiêu-diệt.

 

31.                    Này Tư-lệnh của đại-tộc Kuru. Khi đạt đến Tâm-tư Tối-thượng Ban đầu (Brahma sanàtanam), con người sống bằng đức-độ hi-sinh và cảm thấy như đã uống được thuốc trường-sinh bất-tử (Amrta). Ai không biết hi-sinh cho thế-giới này, thì còn thế-giới nào đâu để mà hi-sinh.

 

32.                    Qua lời nói của bậc Đại-hiền (Brahman), có biết bao nhiêu đức hi-sinh làm sao kể-hết. Do hành-động mới có đức hi-sinh. Biết thế thì nhà ngươi sẽ được gỉai-thoát.

 

33.                    Này Pàrtha (Arjuna). Tri-thức về đức hi-sinh thì cao hơn dâng hiến bằng vật-chất. Chỉ có trong Tri-thức (Jnàne), ta mới quán-triệt 8 được mọi hành-động mà thôi.

 

 

34.                    Tri-thức qua nghĩa-vụ khiêm-nhường và qua tìm tòi học-hỏi của chính mình. Những người Tri-thức đều là người biết Chân-tính (Tattva) sẽ đến đưa đường dẫn lối ngươi đi.

 

35.                    Này Pandava (Arjuna). Khi đã tri-thức nhà người sẽ không còn lầm-lẫn (Moham). Và nhờ Tri-thức luận này, nhà ngươi sẽ thấy tất cả phù-sinh, trong nhà ngươi (Átmani) và trong Ta (Mayi).

 

36.                    Ngay cả nếu nhà ngươi là con người độc-ác nhất thế-gian (Papakrttamas), nhờ Tri-thức này, nhà ngươi sẽ trở nên thánh-thiện.            

 

37.                    Này Arjuna. Như lửa (Agnis) biến gỗ thành đống tro tàn, Tri-thức (Jnàna) này làm cho mọi hành-động hoàn-toàn tan rã.

 

38.                    Trong thế-giới này không có gì tinh-khiết (pavitram) 9 cho bằng Tri-thức. Kẻ nào giác-ngộ trong đạo Yoga, sẽ thấy Tri-thức ấy ngay trong chân-ngã của mình (Átmani).

 

39.                    Kẻ nào đầy đủ đức-tin về Tri-thức, điều ngự được quan-năng của mình, và đạt được Tri-thức, kẻ đó sống trong miền Hòa-bình Vô-thượng (Paràm sàmtim).

 

40.                    Nhưng kẻ nào ngu-xuẩn (ajna), thiếu đức-tin, lòng đầy hồ-nghi (Sámsaya)10, kẻ đó sẽ bị hủy-diệt. Vì khi tâm-trí còn hồ-nghi, làm sao kẻ ấy hạnh-phúc (Sukham) trong thế-gian này hoặc trong bất cứ thế-gian nào.

 

41.                    Này Kẻ Chinh-phục Vinh-hoa (Dhanamjaya/Arjuna). Ai không bị lụy vào hành-động và từ bỏ hành-động trong dòng Tri-thức (Yoga), lòng hồ-nghi không còn nữa, kẻ đó an-nhiên tự-tại (Átmavantam).

 

42.                    Này Bhàrata (Arjuna). Hãy kiên-trì trong Tri-thức luận (Yoga). Hãy đứng lên vung gươm chém phăng mối hồ-nghi sinh từ ngu-lậu, đã từ lâu len lỏi trong tâm-hồn (Hrtstham) của nhà ngươi.

 

 

ĐỐI-THOẠI BỐN

GHI-CHÚ

 

1.         Yuge Yuge: Thời-đại hay giai-đoạn. Xem thêm trong Đối-Thoại Tám, câu 17.

 

2.         Tùtas:   Tinh-thần khắc-kỉ. Từ ngữ này xuất-hiện rất lâu trong văn-học sử Ấn-độ, và thường dùng trong nghĩa của đạo Yoga, để diễn-tả ‘sự tập-trung năng-lực’. Trong Chí-Tôn Ca, Tùatas ám-chỉ ‘hành-động’, ‘nỗ-lực’, và ‘khả-năng tập-trung’ hay ‘thiền-định’.

 

3.         Càturvarnayam: Hệ-thống bốn giai cấp.

 

4.         Asubhàt: Tính xấu xa, bắt nguồn từ tội-ác hoặc xung-khắc.

 

5.         Yktas: Kỉ-luật, dốc-lòng, định-tĩnh trong đạo Yoga.

 

6.         Karmànam: Hành-động (nghiệp).

 

7.         Kalmasha: Sai-lầm, xấu-xa.

 

8.         Parisamàpyate: Quán-triệt hoàn-toàn.

 

9.         Pavitram: Trở nên tinh-khiết, trở nên trong-sạch (không còn tội-lỗi).

 

10.        Samsaya: Hồ-nghi.

 

*Câu 24:            Phiên-âm từ nguyên-tác Phạn-ngữ:

Brahmàpanam brahma havir                   Brahman hi-sinh, Brahman cúng giường thần-linh,

Brahmàgnàu brahmanà hutam                Trong ngọn lửa của Brahman bởi Brahman tưới ra

Brahmàiva tena gantavyam                    Brahman bởi chính Brahman đạt-đến

Brahmakarmasamàdhinà                        Bởi ai chiêm ngưỡng hành-động của Brahman.

 

Winthrop Sargeant (1979) dịch theo đúng í trên, gần như không thay đổi vị-trí của từ-ngữ, ngoại-trừ cách ngắt câu . (Trang 236).

Sri Samkaràcàrya (1983)/ Dr. A.G. Krishna Warrier (dịch sang Anh-ngữ, trang 162) rât gần với bản-dịch của W. Sargeant.

Swami Prabhupàda (1983,1991), cùng cách phiên-âm trên, dịch như sau:

24.                    Ai hiểu tâm-thức Krishna chắc chắn đạt đến vương-quốc tâm-linh nhờ vào sự hiến-dâng tất cả cho hoạt-động tâm-linh, trong đó sự hoàn-thiện tuyệt-hảo và hướng về cùng bản-ngã tâm-linh.

 

*Câu 29: Phiên-âm từ nguyên-tác Phạn-ngữ:

            apàne juhvati pranam                              Khi thở ra họ dâng hiến hít vào,

            pràne ‘pànam tathàpare                                      Khi hít vào, thở ra kẻ khác

            prànàpànagatì ruddhvà                            Con đường hít vào và thở ra điều-ngự,

            prànàyàmaparàyanàh                             Điều-ngự hơi thở chú-tâm vào.

 

Winthrop Sargeant (1979) chỉ uyển chuyển cách viết quanh í trong nguyên-tác.  

Sri Samkaràcàrya (1983)/ Dr. A.G. Warrier dịch rất gần chính bản và rất hay như sau:

29.                    Có người cố-í điều-ngự hơi thở, chặn đường hơi thở ra vào, hiến-dâng bằng cách hít vào trong cách thở ra và ngược lại.

Swami Prabhapràda (1983, 1991) dịch như sau:

29.        Lại có người cố-í điều-ngự hơi thở giữ yên trong trạng-thái lâng lâng, trong lúc vận-chuyển hơi thờ ra vào, và vẫn trong trạng-thái lâng lâng, rồi ngừng thở. Trong khi, có những người khác, nhịn ăn để thở ra như một hành-động hi-sinh.              

Hai ví dụ trên cho thấy  í-chỉ của Swami Prabhupàda. Trước hết ông là nhà lãnh-đạo Hội Tri-thức Krishna, có rất nhiều trụ-sở trên thế-giới. Cho nên, ông tự cho mình hiểu ẩn-í (vế Krishna) như trong câu 24. Thứ đến, ai cũng biết Yoga trong Chí-Tôn Ca thường có nghĩa ‘thiền-định’. Về sau Yoga là những khổ công về luyện hơi-thở. Nên Swami Prabhupàda cho rằng í câu 29 phải được diễn-tả như  trên., đặc biệt thêm vào cách ‘nhịn ăn để thở’.

 

 

 

ĐỐI-THOẠI NĂM

GIÃ-TỪ HÀNH-ĐỘNG

Karmasannyàsayoga

 

 

10.               Krishna: “Ai dâng-hiến hành-động của mình về Vĩnh-thể (Brahmani), ai không còn hệ-lụy,

 người đó hành-động thanh-sạch, hơn cả cánh sen trong đầm.”

 

 

ARJUNA thưa

 

1.                     Bạch Tôn-gỉa Krishna. Người ca-ngợi Lí-trí Luận (Yoga) và Gĩa-từ Hành-động 1. Trong hai phép ấy, phép nào tuyệt hơn? Xin người dạy cho tôi thật rõ ràng.

 

ĐỨC THẾ-TÔN

 

2.                     Lí-trí Luận và Gĩa-từ Hành-động đều dẫn đến Vĩnh-phúc Tối-thượng. Trong hai phép đó Giã-từ Hành-động là cách tuyệt hơn.

 

3.                     Này Tướng-quân. Hãy chiêm-ngưỡng một nhà đạo-hạnh kiên-trì 2a, là người không ghen ghét, không tham-dục, thoát khỏi đẳng-tính đối-nghịch 2b, nên không còn ở trong kiếp sống nô-vong.

 

4.                     Chỉ có kẻ phàm-phu mới cho rằng Lí-trí Luận (Sàmkhya) và Giã-từ Hành-động (Yoga) khác nhau. Ai đạt được một trong hai đạo đó kể như người đó đạt được cả hai.

 

5.                     Nếu những triết-gia thiên về Lí-trí (Sàmkhyàis) đạt được chân-tính kể trên, thì những bậc đạo-sư thiên về Hành-động (Yoga) cũng đạt được như vậy. Ai í-thức rằng Lí-trí Luận và Hành-động Luận (Yoga) là một, người đó nhận ra chân-tính.

 

6.                     Nhưng này Tướng-quân. Nếu không nhờ Hành-động Luận, thì khó lòng đạt đến Giã-từ Hành Động. Sở-sĩ các bậc hiền-giả đạt đến vĩnh-cửu (Brahman) rất mau vì họ sớm được hòa-đồng trong Hành-động Luận (Yoga).

 

7.                     Kẻ nào nhờ Hành-động Luận của Yoga được hoà-đồng (Yogayuktas) thì Tiểu-ngã của kẻ đó tinh-khiết (visuddha), quan-năng (Indriyas) của kẻ đó điều-ngự. Kẻ đó được Đại-ngã soi-sáng nên Tiểu-ngã của kẻ đó trở-thành Đại-ngã của tất cả phù-sinh (Sarvabhùtàtmabhùtàtmà). Kẻ đó có tâm định-tĩnh ngay khi đang hành-động.                

 

8.                     Người tri-thức về chân-tính, mải miết trầm thiền nên nói rằng: “Tôi không làm gì cả” ngay cả khi người ấy hành-động với thị-giác, xúc-giác, khứu-giác, cũng như khi ăn, khi đi, khi ngủ, khi thở.

 

9.                     Khi nói, khi bài-tiết, khi nhận-thức, khi nhắm mắt cũng như mở mắt, người tri-thức tin rằng “Chỉ có cảm-xúc trong sự-vật của giác-quan thôi (Indriyàrthesu)”.

 

10.                    Ai dâng-hiến hành-động của mình về Vĩnh-thể (Brahmani) 3, ai không còn hệ-lụy, người đó hành-động thanh-sạch, hơn cánh sen trong đầm. *

 

11.                    Nhờ xa-thoát, các bậc hiền-gỉa Hành-động Luận (Yoga) hướng mình về tinh-khiết (Suddhaye), với xác-thân (Kàyema), trí-tuệ (Manasà), thông-minh (Buddhyà) và ngay cả quan-năng (Indriyàis).

 

12.                    Người hòa-đồng là người khước-từ hậu-qủa (Phale)của hành-động, nên người ấy đạt tới hoà-bình tối-thượng (Sàmtim). Người chưa hoà-đồng, thường hành-động theo dục-vọng (Kàmakàrena), nên không sao thoát khỏi hậu-qủa của hành-động.

 

13.                    Người giác-ngộ (Dehì) giã-từ hành-động bằng tri-túc (Manasà), ngồi yên hạnh-phúc sướng như vua, với thân-xác phàm-trần (Pure) 4, không sinh-sự nên chẳng sự-sinh (Kàrayan).

 

14.                    Đức Thế-Tôn (Prabhus) 5 không gây mầm (Kartrtvam) hoạt-động, không sinh chuyện cho người, và cũng không gắn hành-động vào hậu-qủa. Thế mà, ô hô Thiên-đạo (Svabbhàvas) tự bồng-bềnh.6

 

15.                    Đức Thế-Tôn (Vibhus) 7 không nhận hành-động tốt xấu của ai bao giờ. Điều khiến con người u-mê vì ngu-lậu (Muhyanti) che mờ tri-thức.

 

16.                    Khi Tri-thức đập tan ngu-lậu trong bản-ngã, thì Tri-thức khiến cho bản-thể Vô-thượng (Param) rực rỡ như mặt trời (Àdityavat).

 

17.                    Những ai giác-ngộ trong bản-thể Vô-thượng, trầm-mình trong bản-thể Vô-thượng, vì bản-thể ấy là bản-thể cao nhất, Tri-thức của những người ấy đập tan mọi xấu xa (Kalmasàs), nên họ thoát khỏi kiếp luân-hồi (Apunaràvrttim).

 

18.                    Bậc hiền-giả (Panditàs) coi một vị sa-môn (Bràhmane) đắc-đạo, một con bò, một con voi hay ngay cả một kẻ vô-loài (Svapàke) như nhau (sama).

 

19.                    Những ai tâm-trí không còn thiên-vị, người đó thoát khỏi luân-hồi ngay trong cõi đời này. Bậc đại-hiền không còn tội-lỗi vì coi tất cả phù-sinh như nhau (Sàmye/ Samam), cho nên người đó hiện-hữu cùng Đại-ngã (Brahmani).

 

20.                    Đừng qúa vui khi đạt được cái gì mình âu-yếm. Đừng buồn khi thấy cái gì âu-yếm ra đi. Người đã giác-ngộ (Brahmanavid), trí-tuệ rõ-ràng (Sthirabuddhir), tâm-tư sáng sủa, sống trong miền Vô-thượng (Brahmani).                              

 

21                     Ai không hề bị cám-dỗ bởi ngoại-giớ (bàhya), chỉ biết hạnh-phúc trong Đại-ngã (Átmà), chỉ thể-nhập với cõi Phạm-thiên (Brahmayogayuktàtmà) 8 qua đạo Yoga, người đó đạt hạnh-phúc bất-diệt (Aksayam).

 

22.                    Này Nam-tử Kuntì. Lạc-thú (Bhogàs) là cỗi nguồn của khổ-đau, có khởi có tàn (Ádyantavantas). Bậc hiền-gỉa (Budhas) không tìm vui trong lạc-thú.

 

23.                    Trước khi lìa đời, ai có thể cưỡng lại được dục-thú giận-hờn (Krodha), người đó là người hạnh-phúc.

 

24.                    Ai có được hạnh-phúc nội-tại, vui cùng nội-tại, nên có tâm-thức sáng ngời. Người đó là một Sa-môn trút bỏ Tiểu-ngã đễ trở thành Đại-ngã (Brahmanirvànam).

 

25.                    Các bậc hiền-gỉa khi đã hủy-diệt được xấu-xa, lòng hồ-nghi không còn nữa, tự-ngã được điều-ngự, dốc lòng thương-mến phù-sinh (Bhùta), nên đạt được cõi Hoà-bình Vĩnh-cửu (Brahmannirvavàna).

 

26.                    Cõi Hòa-bình Vĩnh-cửu rất gần với những ai đã xóa bỏ được dục-thú, giận-hờn, rất gần với các vị tu-hành có tâm-tư điều-ngự, và cũng rất gần với những hiểu được tự-ngã của mình.

 

27.                    Sau khi đã loại bỏ được những ảnh-hưởng ngoại-lai, bậc hiền-gỉa nhìn xuống khoảng giữ hai chân mày, và dùng mũi hô-hấp (prànà, apàna) điều-hòa.

 

28.                    Mục-đích tối-thượng của bậc hiền-gỉa là giải-thoát (Muktas), cho nên các quan-năng, tâm-trí và thông-minh của người ắy phải được điều-ngự để cho dục-vọng, lo-sợ và giận-hờn biến mất thì người ấy hoàn-toàn giải-thoát 9.

 

29.                    Người nào biết Ta vui với hạnh hi-sinh (Yajnatapasàm), biết Ta là Đấng Thế-Tôn (Mahesvaram) của Thế-gian, và cũng là bạn của tất cả phù-sinh (Sarvaghùtànàm), người ấy là bậc đại-hiền đạt tới hòa-bình.

 

 

ĐỐI-THOẠI NĂM

GHI-CHÚ

 

1.         Sannyàsa: Gĩa-từ hành-động có tính cá-nhân trong xã-hội. Nếu phải hành-động thì hành-động ấy phải ra ngoài đam-mê về hậu-qủa.

 

2a.        Nityasannyàsi (Nitya + Sannyàsin): Người vĩnh-viễn giã-từ hành-động.

 

2b.        Mirdvandvas: Thoát khỏi (không màng đền) những cặp đôi đối-nghịch như ‘nóng lạnh’, ‘đau sướng’...

 

3.         Ádhàya: Hiến-dâng hành-động về đấng Phạm-thiên (Bản-thểTối-thượng hay Brahman) làm như thể chính Tạo-hóa (Prakriti) hành-động.

 

            Từ-ngữ Brahman còn có nghĩa là ‘Vĩnh-thể’ hay ‘Vĩnh-cửu’. Ta lấy ví-dụ câu 10 trong đối-thoại năm này.

 

Sir Edwin Arnold (1965):

10.        Ai khi hành-động, dâng hiến tất cả hành-động  vế Vĩnh-cửu (Brahman), với tâm sa-thoát, người ấy không bị tội-lỗi, như cánh sen nước. (Trang xii)

 

Khi chuyển sang thơ, Arnold dịch là ‘Đấng Phạm-Thiên hay Vô-thượng:’

10.        Ai hành-động trong tư-tưởng Vô-thượng (Brahman)

                        Thế-gian của cảm xúc không đụng tới linh-hồn người ấy

                        Cũng như lá sen không bị ướt trong nước.         

 

4.         Thân-xác phàm-trần (Pure) hay nói ví von ‘Thành-phố chín cửa’, tức là hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi, miệng, hậu môn, và cơ-quan sinh-dục.

 

5.         Prabhus: Đại-ngã Vô-thượng, hay Đấng Chí-tôn.

 

6.         Mượn câu sấm của Trạng-trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Ô hô Thế-sự tự bồng-bềnh” để dịch câu “Thiên-đạo tuần-tự như tiến”.

 

7.         Vibhus: Đức Thế-Tôn, Thường-trụ, Thường-hằng,Vĩnh-cửu, Đại-ngã (Átman. Nên nhớ nghĩa này thường dùng trong Chí-Tôn Ca).

 

8.         Brahmayogayukttàmà (Brahma + Yuga + Yokta +Átman): Tiểu-ngã hợp nhất với Bản-thể tối-thượng nhờ đạo Yoga (Giã-từ Hành-động).

 

9.         Muktas: Giải-thoát (được giải-thoát).      

 

 

 

 

ĐỐI-THOẠI SÁU

THIỀN-ĐỊNH*

Dhyànayoga

 

 

7. Cái tâm vô-thượng (Paramàtmà)10 của người thanh-tịnh (Pasàntasya) điều-ngự được chính mình vững vàng trong nóng cũng như lạnh, đau buồn cũng như vui sướng, danh-dự cũng như nhục-nhằn.

 

ĐỨC THẾ-TÔN

 

1.                     Bậc đại-hiền (Yogin) chăm làm nghiêp-sự1 là người xả-kỉ 2, biết giã-từ hậu-qủa. Người thiếu đức hi-sinh bỏ bê sự-nghiệp linh-thiêng3 không phải là bậc đại-hiền.  

 

2.                     Này Nam-tử Pàndu. Giã từ hành-động là quán-triệt đạo hiền (Yoga). Nên ai đã từ bỏ í-đồ sẽ trở thành vị đại-hiền (Yogin).

 

3.                     Đối với một vị hiền-gỉa4 chỉ ước mong đạt đến Chân-như (Yoga), thì hành-động chỉ là phương-tiện5. Đối với một vị hiền-giả đã đạt Chân-như thì Tâm Định-tĩnh6 trở thành phương-tiện.

 

4.                     Ai không còn mê-chấp quan-năng và hành-động, đồng thời biết từ-bỏ mọi í-đồ (dâm-chí)7, người đó đạt-đạo Thánh-hiền (Yoga)8.

 

5.                     Lấy Đại-ngã nâng cao Tiểu-ngã, chứ đừng dìm Tiểu-ngã. Tiểu-ngã có thể là bạn (Bandhus) và cũng có thể là kẻ thù (Ripus) của Đại-ngã (Àtmanas)9.

 

6.                     Tiểu-ngã của ai đã được Đại-ngã điều-ngự, thì Tiểu-ngã ấy là một người bạn. Còn đối với ai Tiểu-ngã chưa được điều-ngự, thì Tiểu-ngã của người ấy như một kẻ thù, đầy sân-hận.

 

7.                     Cái tâm vô-thượng (Paramàtmà)10 của người thanh-tịnh (Pasàntasya) điều-ngự được chính mình vững vàng trong nóng cũng như lạnh, đau buồn cũng như vui sướng, danh-dự cũng như nhục-nhằn.

 

8.                     Với tâm-thức chan-hoà trong kinh-nghiệm tâm-linh (Jnàna) và kinh-nghiệm phàm-trần (Vijnàna)11, bậc hiền-minh (Yogin) điều-ngự được quan-năng trở nên nhất quán (Kùtasthas), coi một hòn đất, một hòn đá và một thỏi vàng có giá-trị ngang nhau.

 

9.                     Ai công bằng (Udàsìna) với bạn-hữu, người quen, cũng như kẻ thù. Ai không thiên-vị giữa bà-con và kẻ thù. Ai công-bình (samabuddhis) trước ngườiquân-tử cũng như kẻ tiểu-nhân. Người đó là người xuất-chúng (Visisyate) ở thế-gian.

 

10.                    Bậc đại-hiền luôn-luôn chú-tâm vào Đại-ngã, sống trong cô-tịch (Rahasi), một mình với tư-duy (Citta) và tâm (Àtmànam) định-tĩnh (yata), nên không còn dục-vọng và ham muốn sở-hữu của riêng mình (Aparigrahas)12.

 

11.                    Người ấy chọn một chỗ sạch sẽ, không quá thấp cũng không qúa cao, rồi lần lượt trải trên chỗ ấy, dưới cùng là lớp cỏ thơm (Kusa), trên lớp cỏ thơm là một tấm da hươu, và trên mặt tấm da hươu này là một vuông vải13.

 

12.                    Người ấy hướng tâm (manas) vào một vật, điều-ngự tư-duy và hoạt-động của quan-năng, ngồi yên trầm-mặc về đạo cả (Yoga) để Tiểu-ngã trở nên tinh-khiết (Visuddhaye).

 

13.                    Ngồi yên, đầu với cổ cho thẳng. Đừng nhìn đâu cả, chỉ nhìn vào đầu mũi của mình (svam) mà thôi.

 

14.                    Tâm đã định, sợ-hãi không còn, dốc một lòng thanh-sạch (Brahmacàrivrate) tinh-thần và thể-xác14. Với tâm định-tĩnh, hướng mọi tư-tưởng về Ta, và dâng hiến cho Ta (Matparas).

 

15.                    Cứ tiếp tục điều-ngự như thế, thì tâm-trí của vị sa-môn hiền-hoà (niyatamànasa) tiến về cõi Niết-bàn15, tức miền Hoà-bình Vô-thượng, để hợp nhất cùng Ta (Matsansthàm).

 

16.                    Này Arjuna. Đạo dạy rằng: “Đừng ăn ít, chớ ăn nhiều. Đừng thức qúa, chớ ngủ nhiều.”16  (Không như con đường Trung-đạo của Phật-giáo)

 

17.                    Đạo giệt khổ (Dhuhkhahà) cho ai biết điều hòa ăn uống và tránh viển-vông (Vihàrasya), điều-ngự hành-động và quân-bình trong thức ngủ.

 

18.                    Để điều ngự chính mình thì người ấy phải trầm-mình trong Tiểu-ngã, chính tư-duy, không khát-khao, không dục-thú.

 

19.                    Như ngọn đèn không lung-linh trong nơi kín gío, nụ cười không nhạt-phai trên khuôn mặt vị sa-môn (Yoginas) có tâm định-tĩnh khi huân-tập đạo Yoga (Yogam) về Đại-ngã (Àtmanas).17

 

20.                    Bậc sa-môn hòa vui trong tâm-thức (Àtmani) khi tư-tưởng an-tịnh (uparamate) nghiêm-túc trong Thiền-định (Yoga) để đưa Tiểu-ngã trầm-tư về Đại-ngã.

 

21.                    Ai biết nơi nào là Vĩnh-phúc (Sukham) nhờ trí-tuệ (Buddhigràhyam)18 vượt thoát khỏi quan-năng (Atìndriyam), người đó không ra ngoài chân-tính.

 

22.                    Khi đã đạt được chân-tính, người đó biết không còn gì vĩ-đại (Adhikam) hơn chân-tính. Khi đã trụ trong chân-tính thì người đó thoát khỏi đau buồn (Duhkhena).

 

23.                    Đạo diệt khổ. Cho nên hãy quyết-tâm (Cetasà) huân-tập Đạo này (Yoga) với tâm-tư sáng-suốt (Anirvinnacetasà).

 

24.                    Từ bỏ tất cả dục-thú có cỗi-nguồn từ dâm-chí (Samkalpa). Dùng trí-tuệ điều-ngự mọi quan-năng (Indriyagràmam).

 

25.                    Rồi từ từ  mọi hoạt-động lắng xuống (Uparamet)19 khi trí-tuệ đã hoàn-toàn điều-ngự và tâm-tư nằm trong Đại-ngã, thì lúc đó đừng nghĩ gì cả.

 

26.                    Bất cứ khi nào thấy tâm20  bất-an (Asthiram), giao-động đó đây, phải giữ tâm lại và điều-ngự Tiểu-ngã.        

 

27.                    Khi tâm-thức trì-cửu, đam-mê (Rajasam) lắng xuống thì bậc hiền-gỉa thoát khỏi xấu-xa hợp-thể với Pham-thiên (Brahman), và đạt tới Hoà-bình vô-thượng (Sukham uttamam).

 

28.                    Cứ thế mà điều-ngự lấy mình, xa lánh xấu-xa21, thì con người học Đạo dễ dàng giáp mặt Phạm-thiên, thỏa vui với hạnh-phúc vô-cùng tận (Atyantam).

 

29.                    Hãy có tâm trong cả phù-sinh, hãy để phù-sinh tất cả trong tâm. Tâm ai đắc Đạo thấy cái gì cũng bình-đẳng như nhau (Samadasamas)22.

 

30.                    Ai thấy Ta ở mọi nơi và thấy vạn-vật trong Ta23 (Mayi), thì Ta ở bên người đó, và người đó ở bên Ta.

 

31.                    Bậc hiền-gỉa đã hợp-thể cùng Vô-thượng 24 (Ekavam) tôn-kính Ta (Màmn) như bản-thể hiện-hữu trong vạn-vật (Sarvabhùtasthitam). Thì dù người ấy làm gì cũng vẫn hiện-hữu trong Ta.

 

32.                    Này Arjuna. Ai thấy mình là một trong mọi hoàn-cảnh, dù đau buồn25 hay sung-sướng, người đó là bậc đại-hiền vô-thượng.

 

ARJUNA thưa

 

33.                    Bạch Đức Thế-Tôn 26 (Người tiêu-diệt ngạ-qủi). Vì tâm-trí của tôi còn giao-động, nên tôi chưa hiểu được nền-tảng giáo-huần của người về cái tâm bình-đẳng (Sàmyena).

 

34.                    Bạch Đức Thế-Tôn. Theo tôi, tâm-trí chưa trụ, còn nhiều phiền-toái (Pramàthi), còn cường-điệu(Balavat) và căng-thẳng (Drdham). Để chế-ngự tâm đó, theo tôi thật là khó, khó như chế-ngự cuồng-phong (Vàyos).

 

ĐỨC THẾ-TÔN

 

35.                    Này Dũng-tướng Arjuna (Mahàbàho). Dĩ-nhiên, khi tâm chưa định thì khó lòng điều-ngự. Nhưng này Nam-tử Kuntì, cứ năng huân-tập và đừng để í tới những cám-dỗ trần-gian (Vàiràgyena), thì tâm sẽ định.

36.                    Ta nghĩ rằng, đạt Đạo thì khó cho người tâm-thức chưa điều-ngự. Nhưng nếu người đó cứ cố-gắng (Yatatà) điều-ngự Tiểu-ngã, thì người đó vẫn ngộ được bằng một phương-pháp (Upàya) riêng nào đó.

 

ARJUNA thưa

 

37.                    Bạch Đấng Krishna. Người có tâm chưa điều-ngự nhưng đã có đức-tin (Sraddhayà) song le, tâm-trí vẫn xa vời Đạo cả nên không đạt Đạo (Yoga), thì có con đường nào khác cho người ấy không?

 

38.                    Này Dũng-tướng Krishna. Liệu người ấy có lạc đường như một thoáng mây bay (Abhram), rơi vào hư-vô giữa trời và đất, không có cơ-sở rạch-ròi, nên hoang-mang trên đường (Pathi) tìm Vô-thượng (Brahmanas) hay không?

 

39.                    Bạch Đức Thế-Tôn. Chỉ có Người mới có thể khai tuệ27  cho tôi. Nếu không chẳng còn ai giúp tôi ra khỏi hồ-nghi. Xin người hãy giúp tôi.

 

ĐỨC THẾ-TÔN

 

40.                    Này Nam-tử Prithà. Hắn không sao đâu 28. Không ai làm tốt mà chịu bất-hạnh bao giờ.

 

41.                    Ai đã đến với những thế-gian đầy công-đức (Punyakytàm), đã sống bao năm liên-tục trong vùng hào-quang (Sucìnàm) và tiếng tăm lừng lẫy (Srìmatàm), thì dù chưa đạt Đạo, người ấy sẽ tái-sinh.

 

42.                    Có thể người đó sẽ tái sinh trong gia-đình của bậc đại-hiền (Dhìmatàm). Kiếp sinh như thế còn khó hơn là trở lại trần-gian (Loke).

 

43.                    Này Nam-tử Kuru. Sau khi tái-sinh, người ấy dùng tất cả kiến-thức thu-tập từ kiếp trước (Pàurvadehikam), để lại cố-gắng tiến về Giác-ngộ (Samsiddhàu).

 

44.                    Dù người ấy không muốn thì công đức kiếp trước của người ấy vẫn đưa người ấy đi. Nếu người ấy chỉ muốn biêt Đạo, người ấy còn hiểu xa hơn cả từ-ngữ  (Sabda) Phạm-thiên (ví-du: đọc Kinh Vệ-đà).

 

45.                    Nhờ nỗ-lực trì-cửu (Prayatnàt) và tâm-trí điều-ngự, bậc tu-hành rửa sạch xấu xa và trở nên hoàn-thiện qua nhiều kiếp sinh. Sau đó người ấy đạt được Mục-đích Tối-hậu (Paràm).

 

46.                    Người đạt-đạo (Yogì) cao hơn kẻ tu-hành khắc-khổ (Tapasvibhyas), cao hơn học-gỉa (Jnànibhyas), cao hơn cả những người cúng giường chư Phật (Karmibhyas). Này Arjuna, hãy là người đạt-đạo.

 

47.                    Ai trong số những người đạt đạo này đã đến bên Ta với tâm sâu thẳm (Antaràtmannà)29,  và ai kính-ngưỡng ta với tất cả niềm tin, người đó là người trung-tín nhất của Ta.                                                                                                 

 

 

ĐỐI-THOẠI SÁU

GHI-CHÚ

 

*           Dhyànayoga: Thiền-định. Các bản dịch Chí-Tôn Ca bằng tiếng Anh Pháp thường dùng từ ‘Meditation’ (Suy-niệm/Suy-tư) để dịch chữ Dhyànayoga. Trong truyền-thống triết-học Tây-phương, Suy-niệm hay Suy-tư là phương-pháp lí-luận và phê-bình tư-tưởng trong lĩnh-vực siêu-hình hay thực-tiễn mà đối tượng thường là kiến-thức hoặc kinh-nghiệm ở trần-gian. Ví-du: Suy-tư về Triết-học Ban Đầu của R. Descartes, Suy-niệm trong Tinh-thần Descartes của E. Husserl, ...Thiền-định trong Chí-Tôn Ca, và trong các tư-tưởng Đông-phương  không có tính triết-học, và đòi hỏi phải xa lánh kiến-thưc, như  vậy rất khác với chữ ‘Meditation’.

 

1.         Karma:  Nghiệp-sư. Ở đây có nghĩa công-đức theo tinh-thần tôn-gíao.

 

2.         Samnyàsì: Xả-kỉ. Người giã-từ hành-động.

 

3.         Akriyas: Bỏ bê nghiệp-sư linh-thiêng.

 

4.         Munes: Hiền-giả.

 

5.         Kàranam: Phương-tiện, phương-pháp.

 

6.         Samas: Định-tĩnh.

 

7.         Dâm-chí: Tôi dùng từ này, và trong trường-hợp này, không phải để dịch chữ ‘Samkalpas’ (mục-đích, í-chí, dục-vọng) mà để làm sáng-tỏ í-đồ trong hành-động có thiếu tự -nhiên. Từ ‘Dâm-chí’ không có nghĩa ‘Í-dâm-dục’ mà là ‘dục-vọng’ hay ‘vọng-tưởng’ nghịch lẽ tự-nhiên. Tôi mượn từ này trong Nho-Giáo của Trần Trọng-Kim, đoạn Lão-tử trả lời Khổng-tử, như sau:

“Người quân-tử gặp thời thì đi xe, không gặp thời thì đội nón lá mà đi chân ... Ông nên bỏ cái khí kiêu-căng, cái lòng ham-muốn, cùng cái sắc-dục và dâm-chí đi; những cái ấy đều vô-ích cho ông.”  Trần Trọng-Kim, Nho-Giáo, c.1930, Khai-Trí, In lần thứ tư, không ghi năm, trang 23, dựa trên những bài viết trả lời Phan Khôi năm 1933, sau khi xuât-bản lần thứ nhất, không ghi năm.)

           

Dĩ-nhiên thái-độ vô-vi của Lão-tử khác với giã-từ hành-động trong Chí-Tôn Ca. Lão-tử không thuộc về xã-hội con người, nên Lão-tử nhìn con người với cặp mắt hư-vô, i như trong Đạo-Đức Kinh: “Trời-Đất coi người như chó rơm.” Trái lại, quan-niệm ‘hành-động và không hành-động’ trong Chí-Tôn Ca nghĩ đến con người và chính-nghĩa, cho nên những người như Gandhi hiểu được í-nghĩa ‘hành-động và không hành-động’ trong Chí-Tôn Ca và dùng tư-tưởng ấy để đấu-tranh dành độc-lập cho Ân-độ. Con đường ‘bất bạo-động’ chỉ là cách hành-động không dùng đến vũ-lực và bạo-động mà thôi.

 

8.                     Nghiệp Hành-Động (Karmayoga) là tư-tưởng tốt vì hành-động tức là không sao nhãng bổn-phận. Khi con người suy-tư (Dhyànayoga) nhờ Nghiệp Hành-Động như một í-chí để thành-công. Khi đã thành công trong tư-duy vế Đại-ngã (Átman), thì Tri-thức Luận (Jnànayoga) hướng người đó tới giải-thoát. Nói tóm lại, hành-động rồi quán-triệt hành-động để vượt lên. Có người cho rằng triết-lí về Tri-thức Luận ảnh-hưởng tới Phật-giáo.

 

9.                     Tiểu-ngã/Đại-ngã: Tiểu-ngã là ‘ngã chưa được giác-ngộ’. Đại-ngã là ‘tiểu-ngã đã giác-ngộ.’ Như thế, tiếng Việt và tiếng Phạn rất rõ ràng. Tuy cùng gốc chữ Àtmà (ngã), nhưng cách chia theo văn-phạm của Phạn-ngữ cho thấy khi nào phải hiểu là Đại-ngã, và khi nào phải hiểu là Tiểu-ngã.

                        Ví-du:

Àtmannà (Danh-tự, giống-đực, túc-từ chỉ-định (instrumental), số it): Bởi Tiểu-ngã hay bởi Đại-ngã, tùy nghĩa trong câu)

Àtmànam (Danh-tự, giống-đực, túc-từ gián-tiêp cách, số ít): Tiểu-ngã hay Đại-ngã, tùy nghĩa trong câu)

Àtamà (Danh-từ, giống-đực, chủ-tự, số ít): Tiểu-ngã hoặc Đại-ngã, tùy nghĩa trong câu.

Àtmanas (Danh-tự, giống-đực, thuộc-từ, số ít): Thuộc về Tiểu-ngã hay Đại-ngã, tùy ngĩa trong câu.

           

Trong tiếng Anh, ‘self’ là ‘Tiểu-ngã’, còn ‘Self’ là ‘Đại-ngã’. Nểu bản Anh-ngữ không minh bạch cách dùng ‘self’ và ‘Self’, thì nội-dung tư-tưởng dễ bị hiểu lầm, có khi trở nên vô-nghĩa. Ta hãy đọc hai ví-dụ sau đây.

Winthrop Sargeant (1979), trang 289.

6.         For him who has conquered his self by the self,

                        The self is a friend;

                        But for him whose self is not conquered,

                        The self remains hostile, like an enemy.

 

Vì ‘Đại-ngã’ không thể bị chinh-phục, nên ta có thể đoán nghĩa. Nếu không đoán nghĩa được thì bản dịch sang Việt-ngữ sẽ như sau:

 

6.                   Ai đã điều-ngự được Tiểu-ngã nhờ Tiểu-ngã,

Tiểu-ngã là bạn;

Tiểu-ngã của ai chưa được điểu-ngự,

Tiểu-ngã vẫn còn sân-hận, như một kẻ thù.

Ta hiểu rằng ít nhất một ‘Tiễu-ngã; trong những câu trên phải là ‘Đại-ngã’.

Shri Sankaràcárya/ Dr. A.G. Krishna Warrier (1983), trang 223.

6.       The Self is the friend of that self by which the self has been subdued. The Self alone operates as the foe of one unsubdued by the self.

 

Trong trường-hợp này ‘Self’ và ‘self’ được dùng khá rõ ràng nhưng vẫn nghịch với í của bản văn, ở những chữ tôi gạch dưới. Chúng ta hãy đọc:

 

6.         Đại-ngã là bạn của Tiểu-ngã vì Tiểu-ngã được điều-ngự. Đại-ngã hành-động như một kẻ thù với ai chưa được điều ngự bởi Tiểu-ngã.

 

Đúng ra nên viết là: “Tiểu-ngã hành-động như một kẻ thù đối với ai chưa được điều-ngư.” Hoặc là “Đại-ngã hành-động như một kẻ thù đối với ai Tiểu-ngã chưa được điều-ngự. (... of the one whose self is unsubdued.)

 

10.        Paramàtmà: Tiểu-ngã cao nhất trong đạo Yoga tức cái tâm vô-thượng.

 

11.        Vijnàna: Kiến-thức, nhận-thức, hay kinh-nghiệm hồng-trần theo tinh-thần phân-tích. Kinh-nghiệm hay nhận-thức tâm-linh (Jnàna) theo đạo Yoga. Tiểu-ngã phải biết rõ hai thức ấy.

 

12.        Aparigrahas: Không màng sở-hữu ngay cả chuyện lập gia-đình. Trong Chí-Tôn Ca, ngôn-ngữ cũng như tư-tưởng và hầu hết danh-từ chỉ dành riêng cho nam-tính. Bởi thế, Aparigrahas cũng có nghĩa không lấy vợ, và những từ khác như Tiểu-ngã (Àtmà) đều là giống đực. Điều này không những cho ta thấy tính ‘trọng nam’ hay ưu-việt của người nam  trong văn-hóa Chí-Tôn Ca, mà còn gián tiểp bỏ vai trò của nữ-giới ra ngoài đời sống tâm-linh, một điều nghịch với tôn-chỉ bình-đẳng của đạo Yoga.

 

13.        Ajina: Da con hươu. Trong câu này tính ‘kì-thị’ và ‘cầu-kì’ nghịch với tôn-chỉ giản-dị và thanh bạch của đạo Yoga. Tại sao phải dùng cỏ thơm ‘kusa’ và da con hươu? Muốn dùng da hươu phải giết hươu. Không có cỏ thơm thì hậu-qủa sẽ ra sao? Cách sửa soạn ngồi thiền như thế dựa trên minh-triết (hiểu rõ căn cơ) hay dựa trên tập-quán?

 

14.        Brahmacàrivrate: Dốc lòng thanh-sạch tinh-thần và thể-xác. ‘Thể-xác’ ở đây đây đúng nghĩa là ‘điều-ngự giới-dục và cơ-quan bài-tiết’.

 

15.        Nirvana: Niết-bàn. Có nghĩa là ‘Tiểu-ngã biến đi trong Giác-ngộ Vô-thượng (Brahman).

 

16.        Í này chỉ cách huân-tập vô-cùng khắc-khổ theo đạo Yoga. Cho nên không cùng nghĩa với tư-tưởng ‘Trung-Đạo’ của Phật Thích-ca.

 

17.        Àtmanas: Có thể hiểu theo hai nghĩa: a)‘Của Tiểu-ngã’ tức về cách tu-tập dành cho cái ngã, b)‘vể Đại-ngã’ có nghĩa ‘về giác-ngộ’. Tôi chọn í thứ hai.

 

18.        Buddhigràhyam: Đạt được nhờ thông-minh hay trí-tuệ. Nghĩa trong nguyên-tác là ‘thông-minh’, nhưng từ này ít dùng trong kinh-điển Ân-độ nói chung, nên tôi chọn từ ‘trí-tuệ’.

 

19.        Uparamet: Ngưng hoạt-động, giã-từ hoạt-động, tĩnh-mặc. ‘Hoạt-động’ ở đây có nghĩa là những cử-động thông-thường của thân-xác và trí-tuệ.

20.        Manas: Tâm-trí tức khả năng nhận-thức các sự-kiện trong đời sống.

 

21.        Vigatakalmasas: Thoát khỏi tội-lỗi xấu xa.

 

22.        Samadasamas: Tôi xin dùng lời bình của Ràmànuaja, trong sách của Winthrop Sargeant (1979, trang 312). Từ Samadasamas ít khi có nghĩa ‘thấty như nhau’. Tất cả những cái ngã (Àtmans) của phù-sinh đều giống nhau nếu tách chúng ra khỏi xác phàm. Thế thì, Ràmànuaja giải-thích ‘Đem ‘ngã’ (Àtman) vào Đạo (Yoga) sẽ thấy các ngã đều như nhau.’

 

23.        Mayi: Chữ TA Trong câu này và trong những câu khác ám-chỉ Krishna, Tinh-thần Vô-thượng (Siêu Việt) tự hạ mình xuống bản-ngã thế-gian (Àtman).

 

24.        Sarvabhùtasthitam: Sống trong mọi phù-sinh. Ở đây cũng có nghĩa: “Người có khả năng nhận ra tất cả phù-sinh là một, và mọi phù-sinh đều được cưu mang bởi Tinh-thần Vô-thượng.

 

25.        Sukha và Duhkha: Sukha là ‘vui-sướng, hạnh-phúc’, còn Duhkha là ‘đau-buồn, bất-hạnh’. Theo lối phân-tích lịch-sử ngữ học, hai từ này có liên quan tới cách lập nghĩa Phạn-ngữ của người Aryan thời cổ. Người Aryan dùng tiếp đầu-ngữ ‘su và du’ cổ để chỉ tình-trạng của bánh xe ngựa ‘tốt/su’ hoặc ‘xấu/du’. Từ ‘Kha’ trong Phạn-ngữ có nghĩa là ‘bầu trời, thể khi, không-gian’ nhưng nguyên ngữ của ‘Kha’ là cái lỗ, để chỉ cái lỗ trong trục bánh xe. Do đó, ‘Sukha’ có nghĩa ‘một cái lỗ trục xe tốt’, còn ‘duhkha’ có nghĩa ‘một cái lỗ trục xe tốt’. Tóm lại cả hai thuật ngữ trong nguyên-ủy nhằm diễn-tả tình-trạng của cảm-giác, ‘thoải mái hay không thỏai mái’. (Theo W. Sargeant, trang 315). 

 

26.        Madhusùdana:   Madhu, người diệt-quỉ. Danh-vị của Krishna.

 

27.        Chettà: Vất đi, xóa bỏ. Người xoá bỏ hồ-nghi khỏi tâm-trí của người khác là người ‘khai tuệ’ cho người khác.

 

28.        Vinàsas: Hủy  diệt, lạc đường. Câu dịch của tôi tóm tắt từ í sau:

            ‘Người ấy không bị diệt-vong (lạc đường) ở cõi trần hay trên thiên-giới.’

 

29.        Antaràtmannà: Với tâm sâu-thẳm, với tất cả tấm lòng hay hay yêu qúi (Bhakti).

 

 

 

ĐỐI-THOẠI BẢY

KIẾN-THỨC VÀ NHẬN-THỨC

Jnànavijnàyoga

6. Krishna: “...Ta là Căn-Nguyên và cũng là Hủy-diệt của vũ-trụ này.”

 

ĐỨC THẾ-TÔN

 

1.                     Này Nam-tử Prithà. Làm sao nhà ngươi hiểu Ta trọn vẹn nều nhà ngươi không hồ-nghi (Asamsayam) ? Thì hãy nghe đây. Hiểu Ta là có tâm (Manas) trì-cửu trong Ta, là huân-tập đạo Yoga, và theo Ta 1.

 

2.                     Ta sẽ cho nhà ngươi biết thế nào là kiến-thức (Jnànam) và thế nào là tri-thức (Savijànam).

 

3.                     Cứ hàng nghìn người trong nhân-loại (Manusyànàm) họa chăng mới có một người cố gắng trở nên toàn-thiện (Siddhaye); mà ngay cả trong số người cố-gắng và đã toàn-thiện (Siddhànàm), hoạ-hoằn mới có một người thực-sự biết Ta.

 

4.                     Cái diện vật-chất (Prakrtis) của Ta có tám thành-phần: Khí, Mộc, Thủy, Hỏa, Thồ, Gió, Thông-minh (Buddhis) và Tự-Thức (Ahamkàras)2 .

 

5.                     Này Uy-dũng Tướng-quân (Mahàbàho). Diện đó là diện thấp. Diện cao khiết nhất của Ta là các hợp-thể tâm-linh để phù-trì vũ-trụ (Jagat)3.

 

6.                     Hãy hiểu rằng, tất cả phù-sinh đều có cỗi-nguồn (Yonìni)4 trong bản-ngã tâm-linh của ta. Ta là căn-nguyên (Prabhavas) và cũng là hủy-diệt (Pralayas) của vũ-trụ này.            

 

7.                     Này Arjuna. Không có gì cao hơn Ta. Toàn-thể vũ-trụ như một chuỗi ngọc trai (Maniganàs) dính vào Ta.

 

8.                     Này Nam-tử Kuntì. Ta là chất lung-linh (Rasas) trong nước, là tia-sáng của mặt trăng, mặt trời, là nguyên-âm ‘Ôm’ trong các tập Vệ-đà, là âm-thanh trong không-khí, và là nhân-tính (Pàurusam)5 của con người.

 

9.                     Ta là hương thơm tinh-khiết trên trần-thế (Prthivyàm), là sự ngời-sáng của mặt trời, là nguồn sống của muôn-loài, và là đức khổ-hạnh(Tupas) của các bậc chân-tu thánh-thiện.

 

10.                    Này Nam-tử Prithà (Arjuna). Hãy biết rằng Ta là hạt-nhân nguyên-thủy (Bìjam) của tất cả muôn-loài. Ta là thông-minh của kẻ thông-minh (Buddhimatàm), là sự ngời sáng của con người tuyệt-diệu (Tejasvinàm). TA.

                                   

11.                    Này Hổ-tướng Bharatas (Arjuna) 6. Ta là sức-mạnh của con người dũng-lược (Balavatàm), thoát khỏi đam-mê và dâm-dục. Ta là tình-thương theo chính-pháp (Dharma) trong các phù-sinh.

 

12.                    Ngay cả những cảm-quan chân-thiện mĩ (Sàttvikas) cũng như những cảm-quan tối-tăm lười biếng (Tàmasàs) đều đến từ Ta. Nhưng ta không nằm trong chúng; mà chúng nằm trong Ta.

 

13.                    Vì ba cảm-quan của thực hữu (đam mê và quyền-lực (Rajas), tối-tăm lười biếng (Tàmasàs), và Chân Thiện Mĩ (Sattva) nên thế-gian này mê-hoặc không nhận ra Ta là bản-thể cao hơn và vĩnh-cửu.

 

14.                    Thực vậy, khó mà có thể vuợt qua sức mạnh ảo-hoá thần-bí (Màyà) của Ta. Chỉ có ai trú-ngụ trong Ta mới vượt ra khỏi lưới ảo-tưởng này (Màyàm). 

 

15.                    Bị ảo-tưởng che mờ minh-triết (Jmànas), kẻ phàm-phu (Adhamàs) cũng như người độc-ác (Duskrtinas) không trú-ngụ trong Ta vì họ chỉ mê-man cuộc đời ‘ma đưa lối, quỉ đưa đường’.

 

16.                    Này Hổ-tướng Bharatas. Có bốn loại (Caturvidhà) người chính-đẳng (Sukrtinas) 7 (xem WS,346, và SS, 263) đến với Ta là: a) Loaị khổ đau (Àrtas), b) Loại đi tìm Minh-triết (Jijnàsus), c) Loại đi tìm vinh-hoa (Arthàrthì), và d) Loại hiền-minh (Jnàni) khát-khao Vô-thượng (Vishnu).

 

17.                    Trong bốn loại người đó thì chỉ có loại người hiền-minh khát-khao Vô-thượng thực-sự  hội-nhập vào Ta, hoàn-toàn huớng tâm  (Ekabhaktis) về Ta 8, cho nên ta gần-gũi (Priyas) người đó, và người đó cũng gần gũi với Ta.                     

 

18.                    Cả bốn loại người ấy đều cao-qúi, nhưng bậc hiền-minh mới là người i như là Đại-ngã của Ta, vì Tiểu-ngã của người đó vững-vàng (Yuktàtmà). Cho nên người đó trú-ngụ trong Bản-ngã Tối-thượng (Anuttamàm) của Ta.

 

19.                    Sau nhiều kiếp-sinh (Janmanàm), con người có đức hiền-minh đến với Ta và nghĩ thế này “Đấng Thế-Tôn (Vàsudeva)9 là tất cả.” Một cái tâm vĩ-đại  (Mahàtmà) như thế thật là hiếm có.

 

20.                    Những ai minh-triết bị dục-vọng che mờ (Jnànàs) tìm tới những thần-linh khác (Devatàs), lánh mình trong hết tông-giáo này đến tông-giáo khác (Niyamam) cho nên họ bị ngự-trị bởi lòng ham vật-chất (Prakrtyà).

 

21.                    Ai khát-khao danh-dự, tin vào những thể linh-thiêng10 thì Ta ban cho người ấy đức-tin (Sraddhàm) Vĩnh-cửu (Acalàm).

 

 

22.                    Ai có đức-tin này (Seaddhayà), khát-khao hoà vui với Tinh-thần Vô-thượng11 thì ao-ước của người ấy sẽ được đền bù vì khát-khao ấy do chính Ta ban cho.12

 

23.                    Nhưng phần-thưởng (Phalam) này chỉ là tạm-thời (Antavat) đối với ai sự hiểu-biết còn hạn hẹp (Alpamedhasàm). Ai cầu thần-linh đi với thần-linh (Devàn). Ai cầu Ta (Madbhaktàs), đi với Ta.

 

24.                    Chỉ có ai thiếu cách vật trí-tri (Abuddhayas) mới tưởng rằng (Manyante) Ta, Đức Thế-Tôn có bản-thể thường-hằng lại không thị-hiện (Vyaktim), cho tới bây giờ mới thị-hiện 13.

 

25.                    Không phải ai cũng thấy Ta, Đấng Vô-sinh Bất-tử. Thế-gian này u-mê không thấy Ta vì Đạo bị che mờ bởi ảo-giác Màyà (Yogamàyàsamàvrtah).                      

26.                    Này Arjuna. Ta biết ai đã qua đời, ai đang sống và ai sẽ sinh ra (Bhavisyàni). Nhưng chẳng ai biết Ta.

 

27.                    Này Nam-tử Bharata. Con người sinh ra (Sarge) thiếu tinh-tấn vì ảo-tưởng nhị-nguyên (Dvandvamohena) đến từ lòng luyến-mộ và tị-hiềm (Dvesa).

 

28.                    Nhưng ai đã tiêu-diệt được xấu-xa, thì hành-động của người ấy thanh-sạch, không còn lầm-lẫn bởi đẳng-tính nhị-nguyên (Dvandva). Người đó kính-yêu (Bhajante) Ta với tất cả tấm lòng (Drdhavratàs).

           

29.                    Ai muốn thoát cảnh lão-tử (Jaràmarana), hãy trầm-mặc về Ta, và hãy quán-triệt Đức Thế-Tôn (Brahma) hoàn-toàn, tức là quán-triệt cái Tâm sâu thẳm (Adhyàtman) và vận-hành toàn-diện của cái Tâm sâu-thẳm ấy 14.

 

30.                    Ai biết Ta là Bản-thể Vô-thượng (Adhibhùta) và cũng là Đức Thế-Tôn (Adhidàiva), hay Đấng Hi-sinh (Adhiyajnam), và đặc-biệt ai biết Ta ở lúc lâm-chung (Prayànakàle). Người đó hiểu Ta sâu-sắc vẹn toàn (Yuktacetasas).

 

 

ĐỐI-THOẠI BẢY

GHI-CHÚ

 

1.         Madàsrayas: Tuỳ thuộc vào Ta, trú-ngụ trong Ta.

 

2.         Ahankàras: Tự-thức, một trong những thức của Tri-thức (Sàmkhya).

 

3.         Jìvabhùtàm: Bao gồm hữu-thể Tâm-linh. Bản-thể Vô-Thượng trong Chí-Tôn ca gốm hai diện (Prakrtis). Diện trên và diện dưới. Diện dưới (hình nhi hạ) gồm hằng hà sa số vật-thể, phương-tiện và vận-hội của kinh-nghiệm vật-chất. Chúng chia thành tám dạng (xem câu số 4). Diện-trên (Hình nhi hạ) là kinh-nghiệm của bản-thể tâm-linh. – Theo Ràmànuja.

 

4.         Yonìni: Cũng có nghĩa là ‘bọc’ hoặc ‘bào-thai’.

 

5.         Pàurusam: Nhân-tính, có khả-năng tính-dục, xanh-tươi. Trong câu này ‘mặt trăng’ (Sasin) mang biểu-tượng ‘ngọc-thỏ’. ‘Sasain’ hợp với ‘Sasànka’ (thỏ đóng dấu) để chỉ ‘mặt trăng’. Người Ân tin rằng họ thấy một ‘con thỏ trên mặt trăng’.

 

6.         Bharatarsabha: Con Bò Mộng của đại-tộc Bharatas, hỗn-danh của Arjuna. Tôi dịch là Hổ-tướng Bharatas.

 

7.         Winthrop Sargeant (1979), trang 346, dịch như sau:

16. Trong số những con người chính-đẳng, bốn loại người thờ Ta, này Arjuna: Những người bị áp-chế mong lấy lại sức-mạnh tâm-linh, những người khát-khao hiểu biết, những người khát-khao đạt đến Chân-tính Vô-thượng, và những con người minh-triết ...

 

            Sri Sankaràcàrya và Dr. A. G. Krishna Warrier (1983), trang  263 dịch như sau:

16. Này Arjuna. Có bốn loại người chính-đẳng đều trú-ngụ trong Ta: a)Những người đau khổ, b) những người đi tìm hiểu-biết, c)những người đi tìm phú-qúi, và d) những con người tri-thức.

            Câu số tám trong đối-thoại tám sẽ bàn kĩ hơn về ba loại người  sau (b,c.d)

 

8.         Winthrop Sargeant (1979), cũng trang 346, câu trên  dịch là ‘Chân-tính Vô-thượng (Arthàthì)”. Trong khi ấy, Sri Sankaràcàya và Dr. A. G. Krishna Warrier (1983), cũng trang 263,  trong phần bình-luận,  dịch là “Chân-tính của Đấng Vô-thượng (Vishnu).”

 

9.         Vàsudeva: Đúng ra là ‘Nam-tử Vàsudeva”, hỗn-danh của Krishna. Trong câu này, Krishna chính là Đấng Tối-thượng (Brahman).

 

10.        Ekabhaktis: Chỉ dốc lòng về một Đấng. Thờ một vị-thần duy nhất mà thôi.

 

11.        Àràdhanam: Đáp lại tiếng gọi của (hoà đồng với) Đấng Vô-thượng.

 

12.        Mọi tông-giáo đều nằm trong í-niệm này: Thượng-đế (Đấng Chí-Tôn) cắt nghĩa  rằng mọi cách thờ cúng phải quay về Đấng Thế-Tôn. Đồng thời cũng có nghĩa là mọi hồng-ân đến từ các thần-linh khác đều được chính Đấng Thế-Tôn chấp nhận. Đây chính là quan-niệm nhất thần trong Chí-Tôn Ca.

 

13.        Sri Sankaràcàya và Dr. A. G. Krishna Warrier (1983), trong lời bình diễn chữ Adhyàtman là ‘Đại-ngã’. Do đó câu này cũng có nghĩa là: “quán-triệt Đại-Ngã và toàn-diện việc làm của Đại-ngã’.

Nguyễn Quỳnh USA
Số lần đọc: 2714
Ngày đăng: 13.09.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chí-Tôn Ca - Bhagavad Gìtà 1 - Nguyễn Quỳnh USA
Ngồi Bên Lề Rất Trái - Nhiều Tác Giả
Về một nhà thơ mới qua đời - Lê Văn Ngăn
Gặp Nhau Lúc-O-Giờ Với Trần Hữu Dũng - Nhị Ka
Bản Quyền Lục Bát 2-Trong-1, Tại Sao Không? - Bùi Hoằng Vị
Bát Cú 6-Trong-1, Tại Sao Không? - Bùi Hoằng Vị
Thông báo: Về lễ tưởng niệm đồng bào chiến sĩ hi sinh - Nhiều Tác Giả
Tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng đã từ trần vào lúc 11 giờ 00, ngày 22 tháng 7 năm 2011 - Nhiều Tác Giả
Thân mẫu thi sĩ Lê Vĩnh Tài qua đời. - Lý Đợi
Chia buồn Nhà thơ Văn Hữu Tứ vừa đột ngột qua đời tại Huế - Nhiều Tác Giả
Cùng một tác giả
Suy-Tư Hai (triết học)
Một Tí “Rilke” (tiểu luận)
Khoảnh-Khắc (tiểu luận)
Nắng Hè (tạp văn)
Fôi-Fa (tạp văn)
Bến-Xưa (tạp văn)