Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.400 tác phẩm
2.747 tác giả
632
116.766.626
 
Ernest Hemingway và chiều kích thứ năm (Kỳ cuối )
Phan Tấn Uẩn

 

**

 

Chiều kích thứ tư và thứ năm trong “Cái Chết vào Buổi Chiều”.

            Nghiên cứu về  “ Hemingway‘s fifth Dimension”, có các nhận định, quan điểm khác nhau. Frederic I. Carpenter cho biết nhiều nhà phê bình đã phân tích các biểu tượng và ý nghĩa thần thoại trong văn xuôi của Hemingway. Một số người đã cố gắng hình dung ý tưởng của ông khi nói về “chiều thứ tư và thứ năm”. Nhưng hầu hết đều đồng ý rằng cụm từ nầy khá mơ hồ.

Malcolm Cowley đã gọi “chiều thứ năm” là một “hình tượng thần bí hoặc vô nghĩa của lời nói“ . Nhưng nghệ thuật của Hemingway luôn tự ý thức, và trong những năm vào nghề ở Paris, ông thường thảo luận về nghệ thuật này với Gertrude Stein – một triết gia được đào tạo bài bản, đồng thời là người ngưỡng mộ lý thuyết của Henri Berson về hai loại “thời gian”. (Henri Berson’s theories of the two kinds of “time”) . Hai loại thời gian nầy là  thời gian vật lý và thời gian tâm lý . “Chiều kích thứ năm” thuộc về thời gian tâm lý. .

 

Bản in của KIM CƯƠNG ẤN QUÁN (2023)

 

            Jace Gatzemeyer (6) trong “The Hemingway Writing Technique You’ve Never Heard ” (Phong cách Hemingway mà bạn chưa từng nghe đến ) đã viết về chiều kích thứ năm của Hemingway. Phần đầu Jace Gatzemeyer nhắc lại lý thuyết tảng băng trôi, ảnh hưởng của văn phong Hemingway…Rồi lần lượt đi vào những gì Hemingway phát triển về sau.

            Theo Jace Gatzemeyer, hành trình tìm kiếm “cái có thật” của Hemingway cần được nhấn mạnh. Đối với Hemingway, khó khăn khi viết liên quan đến việc tiếp cận “sự thật”. Chịu ảnh hưởng của Pound, Hemingway làm việc theo phong cách tưởng tượng (Imagist Style), trình bày những hình ảnh đơn độc, trần trụi bằng văn xuôi sắc nét, rõ ràng mà không cần giải thích. Tuy nhiên, ngoài dự định tưởng tượng về việc trình bày những hình ảnh xác thực, thách thức của Hemingway là tìm ra cách chính xác để cung cấp cho độc giả một tập hợp thực tế các “sự vật” khách quan, những mảnh ghép tạo ra cảm xúc. Nói cách khác, Hemingway đã cố gắng tạo ra trong văn xuôi những điều kiện mà nhờ đó người đọc có thể trải nghiệm và cảm nhận được “sự thật”.

            Khó khăn đầu tiên Hemingway nhận ra, là muốn nắm bắt được “sự thật”, thì phải bằng cách nào đó thoát khỏi cách diễn giải và trình bày chủ quan về kinh nghiệm của chính mình khi viết thành tác phẩm.Ông cho rằng, với tư cách là một tác giả, bạn phải tách biệt “những gì bạn cảm thấy” với “những gì thực sự đã xảy ra” để hiểu được “sự thật. . . đã tạo nên cảm xúc”:

            Chúng ta càng khám phá sâu hơn ý định của Hemingway đối với phong cách văn xuôi của ông liên quan đến việc nắm bắt và chuyển tải “cái thực”, thì càng thấy rõ dự tính này vượt qua bao nhiêu đặc điểm “chuẩn mực” chính của “phong cách Hemingway”như chúng ta biết. Để theo đuổi “sự thật” và sự truyền tải không qua trung gian của nó đến người đọc, rõ ràng Hemingway đã làm nhiều việc hơn là chỉ viết văn xuôi ngắn gọn. Hemingway nói rằng “việc viết những câu đơn giản xác thực không  đủ làm cho câu chuyện có những chiều kích mà tôi đang cố gắng đưa vào đó.”  Như vậy,chúng ta có thể suy đoán rằng “các chiều” mà Hemingway ám chỉ ở đây có liên quan đến sự thiếu sót trong nội dung  của “ lý thuyết tảng băng trôi,” hoặc thậm chí là những cộng hưởng mang tính biểu tượng mà ông đặt vào các vật thể và phong cảnh. Tuy nhiên, trong khi những đặc điểm “kinh điển” này của “phong cách Hemingway” nhất định bổ sung thêm giá trị thông thường, thì chúng cũng không đưa chúng ta đến gần hơn với việc nắm bắt và chuyển giao “sự thật”. Các chiều kích bổ sung mà Hemingway đề cập ở đây tương ứng với “chiều thứ tư và thứ năm có thể đạt được”, một khái niệm được mô tả ngắn gọn và mơ hồ trong Green Hills of Africa như đã dẫn ở trên.

 

            Như vậy, để đạt được các“kích thước” bổ sung, Hemingway cho rằng viết những câu xác thực đơn giản vẫn chưa đủ,mà muốn tạo ra thứ gì đótốt đẹp hơn, người ta cần phải phá vỡ “toàn bộ sự việc và xây dựng lại những gì thật bền vững.. Hemingway đã cố gắng trình bày rõ ràng cách thức ông dự định đạt được mục tiêu này, nhưng vẫn nói một cách mơ hồ về các “kích thước thứ năm của một tác phẩm văn xuôi “chưa bao giờ được viết”. Ông vẫn đang tìm cách nắm bắt cái mà ngày nay chúng ta thường gọi là “ảnh hưởng” trong văn xuôi của ông , tìm cách nắm bắt các phản ứng cơ thể đối với các kích thích khách quan bên ngoài tương tác với nhận thức và sau đó tạo ra cảm xúc.

            Hemingway tìm cách thực hiện mục tiêu tạo ra cảm xúc như thế nào ? Việc nầy,Philip Young đã mô tả các phương tiện và phương pháp Hemingway tìm cách thực hiện để cho người đọc thấy “điều thực tế” thông qua văn xuôi của ông. Mặc dù Young không tìm được một tập hợp thuật ngữ ổn định để mô tả phương pháp này, nhưng những lời giải thích của Young rất hữu ích trong việc nhấn mạnh điều Hemingway biết cách kích thích giác quan người đọc để tạo ra một số phản ứng vật lý tích cực. Philip Young mô tả “những điều thực tế tạo ra cảm xúc” của Hemingway như sau : “ Trong văn xuôi của Hemingway, nhận thức đến trực tiếp với người đọc, không trộn lẫn với bình luận, và quan trọng hơn, không có chủ ý sắp xếp lại hoặc phân tích chúng.” Theo Young, điều nổi bật về phong cách của Hemingway là tự tách mình ra khỏi quá trình chuyển tải “cái có thật” cho độc giả , không những cung cấp cho người đọc những chi tiết khách quan của thế giới bên ngoài mà còn có những kích thích vật lý để gợi ra các phản ứng của cơ thể

            Baker, giống như Young, nhấn mạnh quan điểm rằng, để có được “sự vật có thật” và sau đó trao nó cho người đọc, không qua trung gian của ý thức diễn giải, Hemingway trình bày cho người đọc không chỉ một hình ảnh được mô tả khách quan, mà còn trình bày trực tiếp với người đọc bằng các kích thích giác quan vật lý. (Trong Death In The Afternoon, Hemingway đã dành hẳn 81 bức ảnh minh họa cho các cảnh tượng của trận đấu bò với các ghi chú rõ ràng  trong hơn 100 trang .Cách dàn dựng tiểu thuyết như vậy khiến  một số nhà phê bình tỏ ra khó chịu lúc tác phẩm mới ra mắt,nhưng họ không hiểu mục đích của Hemingway)

            Tóm tắt,Hemingway muốn đưa trực tiếp những điều kiện khách quan, vật chất của thế giới bên ngoài đến với người đọc, đặc biệt là cung cấp những kích thích cảm giác vật chất nhất định, nhằm giúp người đọc tạo ra cảm giác của riêng mình..Đây chính xác là cách Hemingway xác định “làm cho người đọc  tin rằng những điều đó cũng đã xảy ra với anh ta.” Đó là mục đích tạo ra chiều kích bổ sung theo quan điểm của Jace Gatzemeyer.

*

*     *

            Sanjay Kumar, giáo sư chuyên ngành tiếng Anh Đại Học Varanasi (Ấn Độ), một học giả ngưỡng mộ Hemingway, đã có một nghiên cứu công phu về “Chiều Kích Thứ Tư và Thứ Năm ” trong tác phẩm Death In The Afternoon trên trang mạng CRITERON. Đây là bài viết đáng chú ý nhất bàn về đề tài nầy.

            Trước hết, Sanjay Kumar cố gắng làm rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của cụm từ “Chiều kích thứ tư và thứ năm” trong văn xuôi Hemingway thông qua việc phân tích tác phẩm Death In The Afternoon. S. Kumar nhắc lại cuộc trò chuyện tình cờ của Hemingway với Kandinsky trong Green Hills of Africa (1935), Hemingway đưa ra một nhận xét hấp dẫn nhưng có ý nghĩa : “Có loại văn bản có thể thực hiện được. Văn xuôi có thể tiến xa nếu bất cứ ai đủ nghiêm túc và gặp may mắn. Có một chiều thứ tư và thứ năm có thể đạt được.” Bản thân Hemingway không giãi thích cụm từ nầy, chỉ nói thêm : “Nó khó hơn nhiều so với thơ.Nó là loại văn xuôi chưa bao giờ được viết ra. Nhưng có thể viết nó mà không cần phải dùng đến tiểu xảo và lừa mị.Sau đó sẽ không có điều gì tồi tệ . ” Trong cụm từ nầy, chỉ có “chiều kích thứ năm” mới tạo  nhiều quan điểm khác nhau. Với chiều kích thứ tư dường như có sự nhất trí giữa các nhà phê bình.Joseph Warren Beach gợi ý chiều thứ tư phụ thuộc  và liên quan đến “yếu tố thẩm mỹ”khi nhân vật chính tham gia vào một số “nghi thức hoặc chiến lược” (ritual or strategy) truyền thống. Malcolm Cowley cũng có quan điểm tương tự, xem chiều thứ tư của thời gian liên quan đến việc thực hiện gần như liên tục các nghi thức và nghi lễ dẫn đến các mô hình kinh nghiệm của con người được lập đi lập lại.

            Để đạt được chiều kích thứ tư một cách bền vững, cần phải tăng cường triệt để kinh nghiệm, như Carpenter nói :“ Cảm giác về thời gian ở chiều thứ tư thường đạt được bằng cách mô tả chi tiết về các mô hình kinh nghiệm đã kết tinh trong các nghi thức, nghi lễ ,truyền thống, thói quen hành động hoặc quy tắc ứng xử.” Đấu bò tót là một trong những mô hình kinh nghiệm được nghi thức hóa như vậy. Đó là một nghi lễ được sắp xếp hợp lý mà Hemingway gọi là bi kịch liên quan đến cái chết của bò tót và mối nguy hiểm lớn mà đấu sĩ (matador) phải đối mặt trên võ đài. Trận đấu bò không chỉ liên quan trực tiếp đến matador và con bò, mà đến cả hàng trăm hàng ngàn người vô danh trong các vòng tròn mở rộng dần dần … Âm vang của chúng bao gồm gần như cả một quốc gia và một nền văn hóa trải dài hàng thế kỷ trong quá khứ. Đấu bò tót trở thành biểu tượng của dân tộc và văn hóa Tây Ban Nha. Cấu trúc tổng thể của một trận đấu bò mang tính chất của một nghi lề. Mỗi giai đoạn của hành động  được thần thánh hóa bởi truyền thống và văn hóa lâu đời. Khi các chi tiết của nghi lễ nầy được kích hoạt, môn thể thao đấu bò nhắc đến các mô hình kinh nghiệm được  lập lập lại của con người. Đó là cách Hemingway đạt được chiều thứ tư của cảm giác thời gian.

 

            Với chiều kích thứ năm, Beach cho rằng đó có thể là một “yếu tố đạo đức.” Với Carpenter ,văn xuối chiều thứ năm là một nỗ lực của Hemingway nhằm truyền đạt kinh nghiệm của hiện tại vĩnh cửu  - the perpetual now (7). Với ý nghĩa nầy, chiều kích thứ năm là một chuyển động trong vòng tròn, tức là một lập lại, một tái diễn. Nó tăng cường trải nghiệm, tạo ra một trạng thái ngây ngất và hạnh phúc vượt qua giới hạn của thời gian và của bản thân. Chiều kích  thứ năm như vậy, nhuốm màu thần bí và có thể thực hiện được bằng cách dịch chuyển thời gian và tăng cường cảm giác trong ý thức con người !

            “ Cường độ chiều kích thứ năm của trải nghiệm vượt thời gian có thể đến từ một ý thức sâu sắc về việc tham gia vào những mô hình kinh nghiệm sống truyền thống .” (Carpenter) Đối với Hemingway, đấu bò được coi là một mô hình thu nhỏ của cuộc đấu tranh của con người với những thế lực tàn bạo của tự nhiên. Đó là những thế lực tử thần không hề mơ hồ và vô vị, được tạo hình cụ thể dưới dạng một con bò tót và những yêu cầu khắt khe của cuộc đấu. Matador đến càng gần đối thủ càng khiêu khích nguy hiểm chết người nhưng kiểm soát được mối nguy đó để thể hiện sự thống trị hoàn toàn đối thủ, xứng đáng được gọi là đấu sĩ giỏi. Đấu sĩ giỏi luôn luôn mang lại cảm xúc cho người xem và cuối cùng, khi đã cải thiện phong cách của mình, anh ta trở thành một nghệ sĩ. Hemingway nắm bắt ý nghĩa nầy và chuyển tải vào tác phẩm Death In The Afternoon .Nhà văn nào có khả năng nắm bắt và miêu tả cuộc sống trong tất cả khía cạnh phức tạp của nó được xem như có phong cách của chiều kích thứ năm. Hemingway thực hiện điều nầy trong tác phẩm phi hư cấu Death In The Afternoon,ngoài việc mô tả toàn diện về môn đấu bò, còn là cách nắm bắt được kịch tính của những khoảnh khắc cao trào mãnh liệt mang đến cho người đọc cảm giác về sự sống và cái chết …

 

“ Lúc đó tôi cố gắng viết và thấy khó khăn lớn nhất, ngoài việc biết bạn thực sự cảm thấy gì, thay vì những gì bạn phải cảm thấy, là viết những gì xảy ra trong thực tế hành động; những điều thực sự đã tạo ra cảm xúc mà bạn đã trải qua…” (E. Hemingway : Death In The Afternoon)

 

            Để thực hiện “nghệ thuật nắm bắt những cảm xúc chân thực” , Hemingway phải mất  5 năm nỗ lực  rèn luyện để  hoàn thiện kỷ  năng viết. Sau đó ông mới bắt đầu “có được sự thật ,chuỗi hành động và sự kiện tạo nên cảm xúc và sẽ có giá trị trong một năm,mười năm hoặc, nếu may mắn và nếu bạn nói đúng sự thật thì sẽ là mãi mãi ”

 

*

*     *

            Kết luận , Frank DEMARCO dẫn lời Hemingway nói về chiều kích thứ tư và thứ năm trong hai tác phẩm của ông như sau :

 

            (Về Chiều kích thứ tư)

            “ Được rồi… Bạn có thể nêu  quan điểm theo thời gian,hoặc quan điểm vượt ra ngoài quan điểm,hoặc quan điểm tổng thể, hoặc quan điểm thực tế mà không làm biến dạng quan điểm. Bây giờ bạn có thể thấy rằng để viết  theo phong cách vượt ra ngoài quan điểm  như vậy là rất khó, vì không chỉ đòi hỏi kỹ năng và sự may mắn của người viết mà còn cả giả định, kỹ năng và sự chú ý của người đọc. Kể cả may mắn nữa, vì người đọc phải ở trong không gian tinh thần thích hợp (right mental space) mới có thể hiểu được.

            Đó là những gì tôi đã cố gắng đạt được trong Across The River and Into The Trees(8) . Tôi kể câu chuyện dường như từ trong đầu của Đại tá Cantwell, nhưng không chính xác. Trong tâm trí của ông ta - cơ chế phi vật lý mà tất cả chúng ta đang sống, như bạn nhận thấy – ông ta chuyển dịch qua các yếu tố quá khứ của mình, cả những gì bản thân ông ấy trải nghiệm  hoặc trải nghiệm gián tiếp qua đọc sách, hoặc từ các hướng dẫn khác . Tôi tin rằng tôi đã đạt được chiều không gian thứ tư  và thật đáng thất vọng khi nó không được công nhận - tất nhiên là vì Renata” (tình nhân bé gỏng của Cantwell)”

 

            (Về Chiều kích Thứ Năm)

            “ Bây giờ đây là một cái gì đó không ai nhìn thấy. Tôi đã đạt được chiều không gian thứ năm với Santiago(9), người nằm mơ thấy những con sư tử ở phần cuối. Tuy nhiên, tôi đã đạt được điều đó không phải ở phần cuối, mà là xuyên suốt, bởi vì khi kể lại cẩn thận từng khoảnh khắc hành động, suy nghĩ hoặc từng khoảnh khắc ký ức hoặc cảm xúc của Santiago, tôi đã ở rất gần với hiện tại ,cảm động đến nỗi chúng ta vượt thời gian đến vô tận. Bạn có nghĩ rằng có một cảm giác kỳ lạ xung quanh câu chuyện đến từ đâu không ?

            Nó không được kể lại từ quan điểm của Santiago, hoặc từ quan điểm của Manolin. Nó có thể được cho là do Chúa kể lại, hoặc những người ở một cảnh giới bên trên, hoặc một phần của ông già Noel sống bên ngoài thời gian và không gian. Đó là cuộc sống của chúng tôi được mô tả không phải từ bên trong nó cũng không phải từ bên ngoài .

            Vâng, đó chính là câu chuyện - ông già phấn đấu, chiến thắng, thua cuộc và giữ lại chính mình. Có ảnh hưởng đến cậu bé. Nhưng vượt trên tất cả đó là vùng tranh tối tranh sáng kỳ lạ mà mọi người cảm thấy nhưng không hiểu lắm, và điều này là do bối cảnh câu chuyện nói với chúng ta về những điều bên ngoài câu chuyện.

            Tôi không thể thực hiện  câu chuyện theo yêu cầu. Nó đến như một món quà, và tôi đã chuyển tặng món quà đó. Những ai nghĩ rằng nó đơn giản hoặc đầu óc nông cạn chỉ nhìn thấy một nửa họ sẽ không thể cảm nhận được sự hiện diện của chiều bổ sung đó (chiều kích thứ năm).

Đó là một nghịch lý kỳ lạ, phải không? Để vượt qua thời gian, có một cách là ngồi ở rìa của đường chuyển động. Cũng có nhiều cách khác - Tolstoy đã làm điều đó trên quy mô khổng lồ - nhưng cách này là của tôi.”

 

            Nếu vẫn còn mơ hồ về chiều kích thứ năm trong văn phong Hemingway, điều đó chẳng có gì khó hiểu , vì cuộc hành trình của nó vẫn :“ Khó nhất là do đời người quá ngắn,không thể giúp anh ta tồn tại để hoàn thành công việc của mình.

            Cuối cùng, Hemingway cho ta cảm nhận được,trí tuệ càng sâu càng tiến vào lãnh vực tâm linh vô hình. Lời ông nói về Chiều kích Thứ Năm trong The Old Man The Sea  (Nó có thể được cho là do Chúa kể lại, hoặc những người ở một cảnh giới bên trên, hoặc một phần của ông già Noel sống bên ngoài thời gian và không gian. Đó là cuộc sống của chúng tôi được mô tả không phải từ bên trong nó cũng không phải từ bên ngoài ), khiến chúng tôi liên tưởng đến  32 cảnh  giới trong Vi Diệu Pháp của Phật Giáo……

Phan Tấn Uẩn

(May -2023)

-----------------------------

Chú Thích :

         (6) Jace Gatzemeyer là một nhà văn và cựu giảng viên đại học với bằng tiến sĩ tiếng Anh.

          (7) The Perpetual Now (hiện tại vĩnh cửu)là một thuật ngữ được dùng theo ý nghĩa xem câu chuyện như một quá trình phản ánh đang diễn ra kể cả những ký ức. Giã Từ Vũ Khí là một mô tả của hiện tại vĩnh cửu , vì nó  là “một tác phẩm hướng nội, một câu chuyện về ý thức đang hình thành,” chứ không phải là câu chuyện tình yêu/chiến tranh như  người khác nghĩ.

Michael D. Lemonick dùng thuật ngữ The Perpetual Now làm tiêu đề cho cuốn sách của ông để kể một một câu chuyện về mất đam mê, kỷ niệm và tình yêu (a story of amnesia, memory, and love). Nhân vật Lonni Sue Johnson sống trong một "hiện tại vĩnh cửu", hầu như không có ký ức về quá khứ và gần như hoàn toàn không có khả năng hình thành những ký ức mới.

            (8) Tiêu đề “Across The River and Into The Trees” (Vượt Sông và Vô Rừng) xuất phát từ tuyên bố cuối cùng của vị tướng trong Nội chiến Hoa Kỳ, Thomas J. (Stonewall) Jackson : “Chúng ta hãy băng qua sông và nghỉ ngơi dưới bóng cây.” Câu chuyện chính của truyện nầy tập trung vào mối tình lãng man của hai nhân vật chính là lão đại tá Richard Cantwell và tiểu thư Renata, một nữ bá tước. Sau ba ngày ở Venice để thưởng thức đồ ăn thức uống và làm tình với Renata, Cantwell đã trích dẫn những lời cuối cùng của Stonewall Jackson và báo trước cái chết của mình. Sau đó, ông xuống băng ghế sau xe và chết vì đau tim…

            (9) Nhân vật Santiago trong Ông Già và Biển Cả của Hemingway.

 

 

 

 

 

Phan Tấn Uẩn
Số lần đọc: 186
Ngày đăng: 19.07.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đến với bài thơ hay của cố thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm - Hoàng Thị Bích Hà
Thơ Phạm Ngọc Thái đối chiếu với thi phẩm nổi tiếng của Hàn Mặc Tử - Nguyễn Thị Hoàng
Ernest Hemingway và chiều kích thứ năm (Kỳ 3) - Phan Tấn Uẩn
Đời lá hay là nỗi đau kiếp người - Hoàng Xuân
Cung bậc của nỗi xót xa hay là nỗi đau trần thế - Hoàng Xuân
Ernest Hemingway và chiều kích thứ năm (Kỳ 2) - Phan Tấn Uẩn
Ernest Hemingway và chiều kích thứ năm (Kỳ 1) - Phan Tấn Uẩn
Vẻ đẹp tình tứ trong thơ Thiên Di - Hoàng Thị Bích Hà
Khúc tráng ca trong tuyển tập “ Thời tôi mặc áo lính” của nhà văn Nguyễn Quang Hà - Hoàng Thị Thu Thủy
Khát vọng tình yêu và cảm thức sinh thái - Sự hợp hôn diệu kỳ trong thơ Hoài Vũ * - Trần Hoài Anh
Cùng một tác giả
Đêm Mù Mộ Địa (truyện ngắn)
Chuyến về quê (truyện ngắn)
Giấc mơ chiếu manh (truyện ngắn)
Trên sợi tóc buồn (truyện ngắn)
Quán về khuya (truyện ngắn)
Phố đỏ (truyện ngắn)