Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.400 tác phẩm
2.747 tác giả
604
116.767.431
 
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 7)
Phan Tấn Uẩn

 

 

            Sau buổi gặp nhà báo lão thành Bob Wilson, tôi ghi đầy đủ chi tiết buổi đàm đạo thành một bản ghi nhớ và trực tiếp trao cho viện trưởng Ricard. Ông hết lời khen ngợi tôi đã biết cách làm cho Bob Wilson nói ra hết những gì ông làm trong biến cố Tết Mậu Dần Hóa Châu. Wilson đã tạo ra các huyền thoại báo chí “Khoảnh Khắc Wilson” (Wilson Moment) và “Phán quyết Wilson” (Wilson’s Verdict) do các nhà báo đặt tên…

 

***

            Mãn khóa báo chí, tôi được viện trưởng Ricard gọi đến văn phòng.Một vị khách đã ngồi sẳn tại bàn họp trong phòng viện trưởng. Tôi cúi chào họ với tư cách là một sinh viên đứng trước hai giáo sư. Ricard giới thiệu tôi với  khách :

            “ Trác Bạt vừa xong chương trình báo chí, sẽ làm việc tại New Hardy với nhiệm vụ một ký giả thường trực…”

            Vị khách bắt tay tôi và ra dấu mời tôi ngồi đối diện với ông trong lúc Ricard đứng dậy nhìn tôi,nói :

            “ Trác Bạt có dịp đàm đạo với giáo sư Bob Wilson …” và bước ra cửa.

            Bob Wilson là nhà báo lão thành nổi tiếng.Thấy tôi có vẻ lúng túng , Wilson hỏi ngay :

            “ Anh học trong khoa báo chí, có nghe biết gì về tên những ký giả đang hành nghề trong chiến tranh Giao Thường ? ”

            Câu hỏi bắt tôi nghĩ đến một cuộc tra hỏi hoặc đánh giá  tôi đã học được gì về nghề báo ? Tôi bình tĩnh nêu tên một số nhà báo đang muốn làm nhân chứng trong cuộc chiến Giao Thường :

            “ Thưa giáo sư !” Tôi đặt mình vào đúng vị thế. “ Tôi rất vui được gặp giáo sư . Bob Wilson là ký giả nổi bật tôi từng tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp … Tôi cũng biết nhiều ký giả khác như Stanley Karnow , Francois Sully , Peter Arnett , Elizabeth Becker…hiện có mặt trong cuộc chiến Giao Thường … ”

            Bob Wilson là ai ? Tôi ngưỡng mộ ông hơn ai hết vì suốt đời ông phục vụ cho sự nghiệp tìm kiếm sự thật.  Ông là một nhà văn, nhà báo phát thanh truyền hình người Mỹ. Trong những năm 60 thế kỷ trước , theo một cuộc thăm dò dư luận ,ông được nêu danh là "người đàn ông đáng tin cậy nhất ở Mỹ" (the most trusted man in America). Wilson đã báo cáo nhiều sự kiện ngay từ năm 1939, bao gồm các vụ đánh bom trong Thế chiến thứ hai; các thử nghiệm ở Nuremberg;các trận chiến trong Chiến tranh Giao Thường; vụ không tặc Dawson's Field; Cuộc khủng hoảng con tin Iran; và các vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy, nhà tiên phong tranh đấu dân quyền Martin Luther King , và nhạc sĩ John Lennon của The Beatles. Ông cũng được biết đến với việc đưa tin rộng rãi về chương trình không gian của Hoa Kỳ, từ Dự án Sao Thủy đến các cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng ,đến tàu Con thoi. Ông là người duy nhất không thuộc NASA nhận giải thưởng Đại sứ Thám hiểm ( Ambassador of Exploration award).

            Nghe tôi nêu tên mình, Wilson cười rạng rỡ ,và lịch sự cám ơn tôi. Ông hỏi tôi nghĩ thế nào về chiến tranh Giao Thường.

            “ Tôi bị ám ảnh bởi những cái chết của người Giao Thường.” Tôi trả lời.

            “ Nhưng người Mỹ mất mạng đâu phải là con số ít.”

            “ Tôi không muốn nói về mục tiêu chiến lược của nước Mỹ trong chiến tranh Giao Thường vì nó nằm ngoài tầm hiểu biết của tôi…”

            “ Vậy anh muốn nói gì về cuộc chiến nầy ? ”

            “ Tôi muốn giáo sư cho biết những gì liên quan đến nó, nhất là Vụ Tết Mậu Dần ở Hóa Châu.”

            “ Anh không biết gì về nó sao ?”

            “ Tôi là dân Hóa Châu, nhưng may mắn không phải là người trong cuộc. Thời sinh viên tôi được thụ huấn hai tuần tại trung tâm huấn luyện quân đội . Chỉ có thế sau khi nhận học bổng của New Hardy…”

            “ Biến cố Tết Mậu Dần Hóa Châu là một cơn bão của làng báo thế giới… ”

            “ Tôi biết, nhưng chưa lần nào lên tiếng …”

            “ Tại sao ? ”

            “ Nó là một thảm kịch khó nói. Anh em giết nhau.”

            “ Ngay trong gia đình anh ?”

            “ Biết nói sao cho giáo sư thông cảm.Không phải thảm kịch Mậu Dần xẫy ra trong gia đình tôi, vì lúc đó chúng tôi đang ở trong làng trung lập. Nó nhấn chìm Hóa Châu trong biển máu.Tôi không xác quyết bất cứ điều gì vì không phải là người trong cuộc.Tôi mong sẽ có dịp cùng đi với giáo sư một chuyến dài ngày ra Hóa Châu tìm gặp trực tiếp thân nhân của những nạn nhân Tết Mậu Dần, may ra mới biết sự thật. Chuyện dân Hóa Châu bị chôn sống hàng ngàn người so với bọn Đức Quốc Xã dùng  hơi ngạt giết dân Do Thái tôi chỉ hình dung được mức độ man rợ  của thời trung cổ. Nỗi đau đánh vào tôi nằm ở chỗ người Đức giết người Do Thái, còn người Giao Thường giết người Giao Thường. Chưa kể chuyện anh em bà con bạn hửu thuộc hai phe Giao Thường trở mặt giết nhau có thể là chuyện có thật ,nhưng thật bao nhiêu phần trăm vẫn là con số mù mịt…”

            “ Đúng là chuyện nội bộ của người Giao Thường.” Giáo sư Wilson lên tiếng. “ Tôi hiểu những điều anh nói - chúng thường được triển khai trong các tác phẩm văn chương. Tôi đã viết hàng trăm bài báo về cuộc chiến Giao Thường. Anh muốn biết chỉ cần tra cứu trên nhiều sách báo và các phương tiện truyền thông.”

            Wilson kéo cặp sách lấy một chiếc hộp xinh xắn và mở ra trao tặng tôi. Một cây bút Parker rất đẹp, loại bút tôi đã từng mơ ước lúc còn nhỏ. Kể từ khi thành lập vào năm 1888, Parker đã trở thành  người bạn thân quen của gia đình, lớp học và văn phòng của hàng triệu người trên thế giới. Điều đầu tiên người dùng Parker yêu thích là sự tự tin do nó mang lại trong công việc và học tập.Công ty Bút Parker được biết đến là nơi sản xuất nhiều loại bút khác nhau như bút bi .

            Tôi thích thú xử dụng ngay cây bút Wilson trao tặng để ghi chép trong cuộc đàm đạo. Lấy tập giấy mang theo cùng với bút đặt lên bàn, tôi chờ nghe ông nói. Ông hào hứng  kể lại câu chuyện Tết Mậu Dần của riêng ông :

            “ Biến cố Mậu Dần là một hiệu ứng bước ngoặt trong cuộc chiến được gọi là hiệu ứng Tết (Tet effet).Tôi đến Giao Thường vào những ngày đầu đẫm máu của Tết Mậu Dần, chứng kiến một trung sĩ của Sư đoàn Dù  hướng dẫn một trực thăng đến nhận những người lính bị thương trong một cuộc tuần tra gần Hóa Châu. Sau chuyến đi, một chương trình phát sóng vào khung giờ vàng của tôi kéo dài một giờ đã được các nhà báo nâng lên thành huyền thoại.Họ gọi đó là Khoảnh khắc Wilson(Wilson Moment). Giống như rất nhiều điều về Giao Thường, “Khoảnh khắc Wilson” vẫn còn gây tranh cãi, bởi vì nó là trung tâm của cuộc tranh luận dường như bất tận về việc đưa tin về cuộc chiến và liệu các phương tiện truyền thông có phơi bày sự thất bại đang diễn ra hay làm suy yếu chính nghĩa của người Mỹ hay không.”

            Được Wilson đi vào vấn đề mấu chốt, tôi chăm chú lắng nghe và ghi lại lời mở đầu của ông. Tôi nêu ý kiến :

            “ Nội dung của chương trình phát sóng tạo ra huyền thoại  “Khoảnh Khắc Wilson” tôi chưa nghe lần nào.”

            “ Các nhà báo làm việc toàn thời gian tại Giao Thường đã có mối quan hệ không suôn sẻ với các quan chức Mỹ ngay từ đầu.” Wilson diễn giải. “ Họ cho rằng sự can thiệp của Hoa Kỳ được xây dựng trên nền tảng của sự dối trá.Họ đưa ra  ví dụ, ban đầu, Mỹ tuyên bố rằng các quân nhân Mỹ chỉ là quan sát viên, không phải là chiến binh. Lúc đó,phần lớn nỗ lực của Mỹ là “bình định” nhằm tiêu diệt tận gốc các chiến binh du kích ở Nam Thường. Trong khi đó, một trận chiến khác – đòi Mỹ rút quân -  cũng đang diễn ra trên đất Mỹ. Sự tán thành của công chúng đối với nỗ lực chiến tranh dần dần bị từ chối. Trước tình thế nầy, Tổng thống thề sẽ không trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên thua trận. Các tướng lãnh của ông tuyên bố đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Tướng tư lệnh Mỹ lại nói "Hy vọng của kẻ thù đã bị phá sản."

            Các nhà báo Mỹ có trụ sở tại Thủ Phủ không tin những tuyên bố tích cực của quan chức Mỹ. Họ phải tự mình đi tìm cuộc chiến hay nói cách khác chiến tranh đã đến với họ. Tại Thủ Phủ, 21 du kích cho nỗ bức tường bên ngoài tạo thành một lỗ hổng để tiến vào khuôn viên Đại sứ quán Mỹ . Chúng đều bị tiêu diệt. Nhưng khắp Thủ Phủ và các tỉnh thành Nam Thường đều xẫy ra các trận đánh…”

            Thấy tôi tập trung háo hức ghi lại những chi tiết giá trị trong nghề báo của vụ Mậu Dần Hóa Châu, Wilson  tỏ ra rất vừa ý. Ông chờ tôi dừng hẳn công việc, nhìn tôi một lát như thăm dò điều gì. Và tiếp tục :  

            “ Khi nhận được những bản tin đầu tiên về biến cố Mậu Dần,tôi đã rất kinh ngạc, vì cứ nghĩ rằng chúng ta đã chiến thắng…Trên thực tế chiến trường,đúng là chúng ta và các đồng minh Nam Thường đã chiến thắng, nhưng chỉ ở cấp độ chiến thuật. Bắc Thường thất bại trong việc lật đổ chính quyền Thủ Phủ hoặc thuyết phục những người nông dân đi theo họ.Tuy nhiên, những hình ảnh đánh nhau trên đường phố Thủ Phủ đã gây chấn động dư luận Mỹ, vì nó trái ngược với niềm tin chiến thắng của người Mỹ…Những tin tức về Tết Mậu Dần đã bị nghi ngờ.Ai đã thực sự chiến thắng cuộc chiến này? Tôi quyết định đi tìm chính mình…”

            Ngang đây, Wilson dừng lại chờ tôi ghi xong…

            “ Anh có biết phán quyết Wilson (Wilson’s verdit) theo các nhà báo đặt tên lúc đó là gì không ?” Ông hỏi tôi, và nói tiếp, “ tôi chưa bao giờ có quan điểm công khai về cuộc chiến. Tôi nghĩ rằng điều đó sẽ giúp mình có vị thế đặc biệt để đánh giá điều gì đang thực sự diễn ra.Tôi bay đến Thủ Phủ và lúc đầu ở khách sạn Caravelle, nơi ưa thích của các nhà báo muốn chứng kiến cuộc chiến một cách thoải mái trong quán bar mở cửa về khuya. Nhưng khi đến cố đô Hóa Châu, cuộc chiến khốc liệt  đang diễn ra ngày này qua ngày khác,cận chiến từ nhà này sang nhà khác. Phải mất gần hết một tháng, người Mỹ và các đồng minh Nam Thường mới đẫy hết địch quân ra khỏi thành phố. Tôi thu thập thông tin, kể cả thông tin từ các tướng lãnh Mỹ và rời Hóa Châu trên một chiếc trực thăng chở hài cốt của 14 Thủy quân lục chiến trong các túi đựng thi thể.

            Sau đó, một chương trình phát sóng “Báo Cáo từ Giao Thường” mở đầu bằng hình ảnh chúng tôi với áo ngắn tay của người đi săn đứng dưới ánh nắng khắc nghiệt trước đống đổ nát của Thủ Phủ. Tôi không nói gì về thương vong của quân đội. Thay vào đó, tôi đánh giá tiến trình của cuộc chiến và đặt ra những câu hỏi. Liệu chương trình “bình định” có xóa bỏ được ảnh hưởng của Bắc Thường ra khỏi nông thôn Nam Thường? Ai thắng ,ai thua trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Dần vào các thành phố ? Sau cùng là kết luận đanh thép : “Hơn bao giờ hết, tôi tin chắc kinh nghiệm xương máu của Giao Thường đã kết thúc một cách bế tắc và cách giải quyết hợp lý duy nhất cuộc chiến nầy là đàm phán. Đàm phán không phải với tư cách là người chiến thắng, mà với tư cách là người tôn trọng danh dự, cam kết bảo vệ nền dân chủ và làm những gì tốt nhất có thể.”

            Khi tôi ghi xong những chữ cuối cùng, Wilson đưa tôi xem một bảng danh sách 152 bài báo của ông và đồng nghiệp viết về chiến tranh Giao Thường, kèm thêm những sách do ông viết.

            “ Xin cám ơn giáo sư.” Tôi nói. “ Tôi sẽ dành thời gian suy nghiệm về những gì giáo sư đã cho biết.Buổi gặp rất có ích cho tôi…”

            “ Anh sẽ là một ký giả sáng giá …” Wilson đứng dậy bắt tay tôi…

            Tôi chỉ ghi chú các chi tiết thuộc về Mậu Dần Hóa Châu , mặc dù Wilson có đề cập đến nhiều thông tin khác của chiến tranh Giao Thường…

 

***

            Cũng liên quan đến chuyện mãn khóa báo chí, sinh viên các khóa sau tôi đã khẩn khoản yêu cầu tôi kể lại buổi thi cuối cùng.

            Cuộc tổng dợt cuối cùng tập trung vào đề tài phỏng vấn. Tôi kể lại những gì còn nhớ được không theo thứ tự hay chuẩn mực nào cả…

            Sau kỳ học lý thuyết , tôi đã có một loạt thực tập phỏng vấn các đối tượng trên đường phố, trong văn phòng,hội trường, sân vận động… Tôi biết chất lượng bài viết của phóng viên được đánh giá bằng nội dung các cuộc phỏng vấn, đó là lý do mãn khóa người ta tập trung hỏi về các nguyên tắc cần biết trước khi thực hiện phỏng vấn.

            Các phóng viên thực hiện phỏng vấn để lấy tin tức hoặc xác minh hồ sơ cá nhân.Mục đích là thu thập thông tin để giải thích một sự kiện, ý tưởng hoặc tình huống trong tin tức. Dựa vào một tin tức giá trị để xác minh hồ sơ. Để có cuộc phỏng vấn hiệu quả, các phóng viên chuẩn bị kỹ lưỡng và đặt những câu hỏi khiến người được hỏi trao đổi thoải mái. Các câu hỏi hướng đến việc thu thập thông tin về một chủ đề mà phóng viên đã nghĩ đến trước khi bắt đầu cuộc phỏng vấn. Các phóng viên ghi lại những gì được nói , những gì không được nói hoặc nói như thế nào …

            Tổng thể là như vậy. Nhưng trong buổi phỏng vấn mãn khóa, lớp học hơn 100 sinh viên hầu như người nào cũng được yêu cầu phát biểu ngay về các nguyên tắc cần phải tuân thủ khi thực hiện một cuốc phỏng vấn. Chẳng hạn các loại câu hỏi : trực tiếp, mở , đóng , kết thúc, hóc búa , xâm nhập vào đời tư vân vân.Sinh viên lần lượt chuyển tiếp qua bốn hoặc năm phòng khảo thí. Mỗi phòng gặp một giáo sư báo chí phỏng vấn,hầu hết họ đều đã từng là các ký giả tài ba, kinh nghiệm…

            Giám khảo đầu tiên đưa tôi đọc đoạn nhập đề của một phóng viên thể thao …

            Trong phòng thay đồ của sân vận động, vận động viên vượt rào đang nhét bộ đồ khởi động và đôi giày thể thao vào một chiếc túi đen bị rách. Ngồi trên một chiếc ghế dài gần đó, một phóng viên trẻ tuổi lấy một cây bút chì và một cuốn sổ ghi chú trong túi áo khoác.

             “Tôi làm việc cho một tờ báo trong thành phố nầy.” phóng viên mở lời. " Xin cảm phiền nếu tôi hỏi bạn một số câu hỏi?" Vận đông viên gật đầu.

            "Có phải đây là lần đầu tiên bạn đến thành phố này?" phóng viên hỏi. Một cái gật đầu nữa.

 

             Giáo sư  yêu cầu tôi nhận xét về đoạn nhập đề trên. Tôi nói rằng phóng viên thể thao đã thất bại vì không tạo ra được một câu chuyện hay cho tờ báo. Giám khảo đưa ra một mở đầu khác với phóng viên thứ hai .

            Phóng viên nầy hỏi người đàn ông cao gầy đứng trước băng ghế là một kỷ lục gia thế giới về vượt rào.

            "Bạn nghĩ gì về thị trấn của chúng tôi?" Người vận động viên dường như lần đầu tiên nhìn thấy phóng viên.

             “Tôi không biết gì về thị trấn này,” anh ta trả lời. "Tôi đến đây để chạy. Người ta cấp cho tôi vé xe, vé  máy bay để di chuyển. Công việc của tôi là chạy."

 

            Tôi nhận ra trong trường hợp nầy, vận động viên vượt rào chưa thực sự mở lời, coi như phóng viên nầy cũng thất bại. Và tôi đưa ra ý kiến, muốn có câu chuyện hay, đầu tiên phóng viên nên tìm kiếm thông tin về người được phỏng vấn để có thể biết được điều gì đó về hồ sơ của anh ta từ đó khai thông câu chuyện. Hoặc có thể hỏi anh ta về tình trạng của đường đua,hay  một điều gì đó mà anh ta đã biết rõ . Càng hiệu quả hơn, nếu phóng viên nói sao cho vận động viên nầy tự động  dẫn về nơi anh ta đã ở trong thời gian qua.

            Nói xong, tôi nhìn giám khảo. Ông cười và gật đầu, xem như tôi đã vượt qua rào cản thứ nhất.

            “ Anh còn muốn nói gì nữa không ? ”  Giám khảo hỏi .

            Tôi nhắc lại bốn nguyên tắc phải theo khi thực hiện phỏng vấn.

            “ Do phần lớn công việc hàng ngày của nhà báo cần đáp ứng  đòi hỏi thông tin của mọi người nên việc nắm vững các kỹ thuật phỏng vấn là điều cần thiết. Bốn nguyên tắc làm nền tảng cho các kỹ thuật khác nhau  để phóng viên sử dụng. Rõ ràng, những rắc rối của người viết thể thao bắt đầu khi anh ta không chuẩn bị được thông tin cơ bản về vận động viên mà anh ta sẽ phỏng vấn. Thiếu nền tảng, phóng viên không thể hỏi những câu hỏi có thể rút ra từ nguồn tin. ”

            Dừng  một lát, tôi nói tiếp :

            “ Nếu chúng ta phân tích các câu chuyện tin tức, chúng ta sẽ thấy chúng dựa trên thông tin từ một số loại nguồn: nguồn vật lý, chẳng hạn như hồ sơ, tài liệu tham khảo; sự quan sát trực tiếp của phóng viên; phỏng vấn nguồn nhân lực; nguồn trực tuyến. Hầu hết các câu chuyện là sự kết hợp của hai hoặc ba nguồn này…Tôi biết giá trị của các cuộc phỏng vấn tùy thuộc vào nội dung câu chuyện : cung cấp thông tin chi tiết về con người và sự kiện. Tôi cũng biết những người được phỏng vấn nhiều sẽ cảm thấy mệt mỏi với những câu hỏi cũ giống nhau. Muốn được nổi bật với tư cách là một người phỏng vấn và có được một câu chuyện hay, điều nầy phụ thuộc vào sự chuẩn bị và trí thông minh…”

            Tôi đã nói với giám khảo tôi từng viết ra các câu hỏi và mang theo đến buổi phỏng vấn. Khi phỏng vấn, tôi nhẹ nhàng hướng dẫn đối tượng của mình sau khi thiết lập được lòng tin của họ. Gặp đối tượng hăng say trả lời, tôi không đường đột ngắt lời và không thách thức quá sớm để người đó rơi vào thế phòng thủ. Tôi thích phỏng vấn tại nhà đối tượng để có thể quan sát quần áo, đồ vật trên tường và bàn làm việc của họ. Tôi quan sát phong thái của họ, cách họ di chuyển, ngồi, uống cà phê, trả lời điện thoại, nói chuyện với người khác. Để biết được cá tính người mình quan tâm, tôi thường nói chuyện với bạn bè, cộng sự, người thân của đối tượng. Tôi còn biết Samuel Johnson, văn hào Anh xuất sắc ở thế kỷ 18, đã khuyên các nhà văn rằng “có thể thu được nhiều kiến thức hơn về tính cách thực sự của một người đàn ông qua một cuộc trò chuyện ngắn với một trong những người giúp việc cho anh ta hơn là từ một câu chuyện chính thức và được nghiên cứu từ tiểu sử và sự nghiệp của anh ta …

 

            Tiếp theo , giám khảo hỏi tôi, trong tòa soạn, giới nhà báo thường nhắc đến châm ngôn “hai chữ P”, đó là gì vậy ?          “ Đó là sự kiên trì và chuẩn bị (persistence and preparation ).” Tôi trả lời ngay. “ Kiên trì  để thuyết phục đối tượng được phỏng vấn. Phải chuẩn bị , vì nghiên cứu toàn diện là nền tảng cơ bản của một cuộc phỏng vấn thành công.Nghiên cứu bắt đầu với những mẩu tin của tòa báo về chủ đề mà phóng viên nhắm đến. Những nguồn này có ba mục đích: cung cấp cho phóng viên những lời dẫn dắt đến các chủ đề dự kiến và các câu hỏi cụ thể,  cung cấp cho phóng viên cảm giác về đối tượng và cung cấp nền tảng hữu ích. Việc chuẩn bị giống nhau cho dù bạn sẽ phỏng vấn một nhà ngoại giao, một tay đua ngựa hay một nhà hải dương học. ”

            “ Anh muốn nói gì them về “hai chữ P ” ? Giám khảo khuyến khích .

            “ Tôi rất thích lời khuyên của phóng viên bậc thấy A.J. Liebling. Ông nói rằng,từ quá khứ của một người, bạn có thể tìm được những câu hỏi có khả năng kích thích phản hồi. "

            Thấy giám khảo đồng tình với câu nói của mình,tôi hào hứng nói thêm về Fred Zimmerman, một phóng viên lâu năm của The Wall Street Journal. Ông nầy có những gợi ý sau về cách chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn: một là,nghiên cứu về chủ đề phỏng vấn và người được phỏng vấn, không chỉ để bạn có thể đặt câu hỏi phù hợp và hiểu câu trả lời, mà còn có thể chứng minh với người được phỏng vấn rằng bạn đã dành thời gian để hiểu về chủ đề này và còn giúp bạn không thể dễ dàng bị lừa ; hai là ,đề ra một chủ đề dự kiến cho câu chuyện của bạn. Mục đích chính của cuộc phỏng vấn sẽ là thu thập các trích dẫn, giai thoại và các bằng chứng khác để hỗ trợ chủ đề đó; ba là, liệt kê trước các chủ đề với câu hỏi càng nhiều càng tốt; bốn là, khi chuẩn bị cho các cuộc phỏng vấn về các chủ đề nhạy cảm, hãy đặt giả thuyết về thái độ của người đó đối với ta và chủ đề ta đang hỏi, vai trò của họ trong sự kiện này là gì? Người đó đứng về phía ai? Những loại câu trả lời nào ta có thể mong đợi một cách hợp lý cho các câu hỏi chính của mình? Dựa trên các dự báo này, hãy phát triển một kế hoạch tấn công mà ta nghĩ có thể phù hợp với thái độ có thể xảy ra của đối tượng và vượt qua sự phòng thủ có thể xảy ra của họ.

            “ Anh nghĩ thế nào về các quy tắc căn bản khi hành nghề ?” Giám khảo chuyển đề tài.

            “ Để hành nghề phóng viên,người phỏng vấn phải thuộc nằm lòng các quy tắc cơ bản.” Tôi nói.“ Cả hai bên – người phỏng vấn và người được phỏng vấn - trong cuộc đều có những giả định và kỳ vọng nhất định. Phóng viên mong đợi người được phỏng vấn nói sự thật và đứng đằng sau những gì họ đã nói với người phỏng vấn. Người được phỏng vấn cho rằng phóng viên sẽ viết câu chuyện một cách công bằng và chính xác…”

            Giám khảo đồng ý như vậy, nhưng hỏi tôi có thừa nhận các trường hợp ngoại lệ nào không ? Tôi trả lời, công nhận  các nguồn tin có thể che giấu, trốn tránh, bóp méo và nói dối khi họ tin rằng điều đó có lợi cho họ. Người làm báo phải cảnh giác trước những dấu hiệu của sự xa rời sự thật.Các quy tắc chi phối hành vi của phóng viên trong cuộc phỏng vấn có thể được chi tiết hóa một cách chắc chắn. Các phóng viên cũng vậy, che giấu, lừa dối và đôi khi, nói dối. Rất ít phóng viên biện minh cho những hành động này. Sau cùng tôi nêu ra các quy tắc cơ bản mà hầu hết phóng viên nên làm . Nhận diện bản thân ngay từ đầu cuộc phỏng vấn. Nêu mục đích của cuộc phỏng vấn.Nói rõ với những người không quen được phỏng vấn rằng tài liệu sẽ được xử dụng. Cho họ biết thời gian phỏng vấn.Thực hiện phỏng vấn càng nhanh càng tốt. Đặt những câu hỏi cụ thể để người có đủ thẩm quyền có thời gian trả lời. Yêu cầu họ nói rỏ hơn những câu trả lời phức tạp hoặc mơ hồ. Đọc lại câu trả lời nếu được yêu cầu hoặc khi nghi ngờ về cách phân loại của tài liệu quan trọng.

            “Anh quan niệm thế nào về một nhà báo giỏi ?” Giám khảo chuyển đề tài.

            “ Nhà báo tường thuật giỏi, chỉ hỏi “những câu hỏi phù hợp”, các câu hỏi nầy sẽ mở ra nguồn tin, giúp nhà báo theo dõi chặt chẽ những hồi ức và suy ngẫm của đối tượng.” Tôi nói. “ Theo cách nầy, nguồn tin đôi khi đến một cách tuyệt vời không ngờ tới. Nhà báo luôn tin rằng mọi người đều có một câu chuyện hay và tường thuật tốt sẽ giúp đối tượng tiết lộ mọi bí mật. Tường thuật là công việc trung tâm của nhà báo.”

            Tôi nói thêm,những phóng viên thường xuyên vi phạm các quy tắc này sẽ có nguy cơ bị mất nguồn tin. Nguồn tin thường chỉ nói chuyện với một phóng viên lành nghề .Khi nguồn tin nhận ra rằng người phỏng vấn đang được sử dụng để nâng cao nghề nghiệp hoặc triết lý cá nhân của phóng viên, nguồn tin sẽ đóng lại. Các nguồn tin cũng có nguy cơ gặp rắc rối khi họ khai thác báo chí. Các phóng viên phải hiểu rằng các nguồn tin của họ thỉnh thoảng chỉ là các thử nghiệm , không đầy đủ, thậm chí sai lệch. Vá cần nhớ một điều quan trọng, đó là  việc lạm dụng báo chí liên tục và trắng trợn dẫn đến việc các nhà báo bị trả thù.

            Giám khảo tiếp tục đề nghị tôi nói về cách tìm kiếm niềm tin nơi người khác. Vấn đề thật khó chịu. Tôi kể trường hợp của một nữ phóng viên đang phỏng vấn các nguồn tin cho loạt bài về trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Nữ phóng viên nhận ra , nhiều người trong số những người cô phỏng vấn không quen nói chuyện với phóng viên. “Tôi đã giao dịch với những người tốt nhưng kém tinh tế,” cô nói, “ họ có thể dễ dàng thao túng câu chuyện. Đó là một thách thức phải vượt qua “ . Cô ta  tập trung vào một người phụ nữ bị buộc tội bỏ con trong một chiếc hộp gần thùng rác và phải phát triển mối quan hệ với người phụ nữ ấy. “Tôi chỉ đơn giản là cố gắng thẳng thắn nói về những gì tôi đang làm,” cô ta  nói, “và khiến bà ấy tin tưởng tôi sẽ giữ lời hứa với bà ta không viết về những gì bà ấy không muốn đưa lên mặt báo. Nhờ đó,tôi đã thiết lập được mối quan hệ thoải mái.”

            Tôi không rõ giám khảo đánh giá cách tìm kiếm niềm tin của tôi giá trị đến đâu, vì ông chỉ mĩm cười và quay sang hỏi về thông tin cá nhân tức là hồ sơ của người được phỏng vấn. Tôi nói rằng hồ sơ nên được xem như một minidrama, pha trộn giữa mô tả, hành động và đối thoại. Thông qua lời nói và hành động của chủ thể, với sự trợ giúp giải thích của phóng viên, nhân vật sẽ được chiếu sáng. Nội dung hồ sơ bao gồm hoàn cảnh của nhân vật (sinh ra, lớn lên, học vấn, nghề nghiệp) ; giai thoại và sự cố liên quan đến chủ đề ; trích dẫn của cá nhân có liên quan đến mức độ tin cậy của họ ; quan sát của phóng viên ; tham khảo các nhận xét của những người biết về nhân vật được phỏng vấn...

            Ngang đây, giám khảo hỏi tôi, nghĩ thế nào về diễn đạt và trích dẫn. Tôi hiểu ông ta muốn tôi có ý kiến rõ ràng về cách hành nghề của nhà báo là thích diễn đạt theo ý riêng hay thích trích dẫn lời của người được phỏng vấn khi viết tường thuật. Tôi nói rằng, tôi thích nhân vật của mình làm công việc thúc đẩy câu chuyện bằng đối thoại hơn là tự mình viết ra, tức là tôi chỉ đứng phía sau nhân vật, vì độc giả muốn nghe nhân vật nói chứ không phải nghe tác giả bài viết. Tôi không rõ lý do tại sao các phóng viên có xu hướng diễn giải hơn là trích dẫn trực tiếp. Trên thực tế, một số bài báo đã xuất hiện trên các ấn phẩm báo chí ủng hộ việc diễn giải như một cách hiệu quả để kể một câu chuyện. Điều nầy có hiệu quả hơn không. Tôi không biết. Nhưng đối với tôi tốt nhất là nên tiếp xúc trực tiếp với cá nhân được phỏng vấn bằng cách để người được phỏng vấn nói. Nghiên cứu cho thấy rằng trích dẫn rất hữu ích, vì “độ tin cậy và chất lượng của những câu chuyện có trích dẫn cao hơn đáng kể so với những câu chuyện giống hệt không có trích dẫn”. Giám khảo gật đầu đồng ý phát biểu của tôi.

 

            Cuối  cùng, giám khảo bảo tôi ghi lại các loại câu hỏi mà nhà báo phải thực hiện khi hành nghề. Và ông đứng dậy bước ra khỏi phòng. Tôi ngồi chép lại các thông tin đã đọc trong các báo về các loại câu hỏi mà không cần biết khi nào ông ta trở lại…

            Trước hết là câu hỏi trực tiếp. Hầu hết các câu hỏi đều xuất phát từ những gì mà phóng viên cho là chủ đề của nhiệm vụ. Ví dụ ,tai nạn chết người: Một cách tự động, phóng viên biết rằng họ phải tìm ra ai đã chết và cái chết xảy ra như thế nào và ở đâu. Quy trình tương tự được sử dụng trong cuộc phỏng vấn phức tạp hơn.

Một phóng viên sẽ phỏng vấn một nghệ sĩ nổi tiếng. Phóng viên quyết định hỏi về những trải nghiệm của nam ca sĩ đã khiến anh viết những bài hát gây chú ý đến chiến tranh, nghèo đói, phân biệt giới tính và phân biệt chủng tộc. “Bánh mì,” ca sĩ nói khi trả lời câu hỏi đầu tiên mà phóng viên hỏi. “Tiền,” anh giải thích. Có một thị trường tốt trong những bài hát như vậy. Sau đó, phóng viên nhanh chóng chuyển chủ đề và đặt câu hỏi về tính kinh tế của âm nhạc đại chúng và niềm tin cá nhân của ca sĩ.

            Tiếp theo là loại câu hỏi mở , đóng và kết thúc. Câu hỏi mở không yêu cầu câu trả lời cụ thể. Câu hỏi kết thúc yêu cầu một câu trả lời ngắn gọn, rõ ràng. Áp dụng đúng cách, cả hai đều có giá trị của chúng. Như chúng ta đã thấy, các phóng viên thường bắt đầu cuộc phỏng vấn của họ bằng những câu hỏi mở, cho phép nguồn tin phổ biến thoải mái. Nếu các câu hỏi kết thúc được  hỏi ngay từ đầu cuộc phỏng vấn đối tượng có cảm tưởng như như bị đe dọa . Ví dụ sau đây là một đoạn trong bài báo có thể chấp nhận được. Hai tháng trước khi ngân sách được đệ trình, một phóng viên của tòa thị chính có thể hỏi giám đốc thành phố rằng bà ấy nghĩ gì về tình hình tài chính chung của thành phố - một câu hỏi chưa kết thúc. Câu trả lời có thể bao gồm việc doanh thu dự kiến không đạt được kỳ vọng, chi phí xây dựng tăng cao bất thường, lãi suất cao hơn và các yếu tố khác đã gây ra khó khăn cho thành phố. Sau đó, phóng viên có thể hỏi một câu hỏi đã kết thúc, "Chúng ta có cần tăng thuế không?"

            Thế nào là một câu hỏi hóc búa ? Đôi khi một phóng viên trẻ nhận thấy rằng việc đặt ra một câu hỏi đúng là rất khó vì câu hỏi đó có thể khiến người được phỏng vấn lúng túng hoặc xúc phạm. Một nhà báo can đảm dám hỏi các nhà lãnh đạo thế giới những câu hỏi mà các phóng viên khác không dám. Phải kể tên nữ ký giả Fallaci, một nhà báo cán đảm đầy mình.

            “Một số phóng viên chỉ can đảm khi họ viết, khi họ ở một mình với chiếc máy đánh chữ của mình, chứ không phải khi họ đối mặt với người nắm quyền. Họ không bao giờ đặt một câu hỏi như thế này, 'Thưa ông,có khi nào ông tự nhận mình là nhà độc tài và tham nhũng không ? “ Vậy mà Fallaci dám hỏi như vậy. Đáng chú ý, các nguyên thủ quốc gia, các vị vua và các thủ lĩnh du kích lay rất cởi mở với Fallaci. Một lý do cho điều này là cô cho rằng công chúng được quyền trả lời và cô không muốn bị đối xử bằng sự thờ ơ. Khi võ sĩ quyền anh vô địch hạng nặng Muhammad Ali trả lời cho một trong những câu hỏi của cô, cô đã ném micrô của máy ghi âm vào mặt anh ta.

            Một lý do khác cho sự hiệu quả của cô ấy là “tài năng gần gũi của cô ấy,” như một nhà báo đã nói. “Cô ấy dễ dàng thiết lập bầu không khí tự tin, gần gũi và tạo ấn tượng rằng cô ấy sẽ nói với bạn bất cứ điều gì.Do đó, bạn cảm thấy an toàn hoặc gần như an toàn khi làm điều tương tự với cô ấy ” Diana Loercher viết trên The Christian

            Loại câu hỏi xâm nhập : Ngoài loại câu hỏi hóc búa, còn có những câu hỏi mà ít phóng viên muốn hỏi. Hầu hết những điều này liên quan đến cuộc sống riêng tư của các nguồn tin , chẳng hạn sự chậm phát triển trí tuệ của con trai một cặp vợ chồng, căn bệnh hiểm nghèo của một cầu thủ bóng chày.Loại câu hỏi nầy,chỉ một số là cần thiết. Các hướng dẫn về mức độ phù hợp liên tục thay đổi, và các phóng viên có thể thấy họ ngày càng được yêu cầu đặt những câu hỏi mà họ cho là xâm phạm đời tư nên không thích hỏi những câu hỏi này…

            Giữa rừng lý thuyết về báo chí, tôi chỉ nhớ được một số nguyên tắc căn bản để trả lời trong buổi mãn khóa. Giám khảo trở vào phòng khảo thí, và tuyên bố ngắn gọn : hôm nay chúng ta chỉ mới thực hành khúc dạo đầu của báo chí…Câu nói của ông nhắc tôi biết chặng đường cam go phía trước khi vào nghề…

 

(Còn tiếp)

 

 

Phan Tấn Uẩn
Số lần đọc: 382
Ngày đăng: 21.07.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 6) - Phan Tấn Uẩn
Hải hành mùa đại dịch 11 (Chương cuối) - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 29) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 23) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 25) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (chương 20) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 19) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (chương 18) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (chương 17) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 16) - Phan Tấn Uẩn
Cùng một tác giả
Đêm Mù Mộ Địa (truyện ngắn)
Chuyến về quê (truyện ngắn)
Giấc mơ chiếu manh (truyện ngắn)
Trên sợi tóc buồn (truyện ngắn)
Quán về khuya (truyện ngắn)
Phố đỏ (truyện ngắn)