Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.400 tác phẩm
2.747 tác giả
619
116.768.963
 
Chuyện viễn mơ thời chiến (chương 18)
Phan Tấn Uẩn

 

 

            Ron dẫn Trác Lập đến gặp Thibault, có tôi vào theo. Thibault vào đề bằng một  chi tiết có trong tự truyện của Trác Lập :

            “ Tôi có đọc tự truyện của anh. Anh từng là một chuẩn úy chỉ huy một trung đội thám kích gồm phần lớn là người Thượng Cao Nguyên phải không ?”

            “ Vâng.” Trác Lập trả lời.

            “ Ron đề nghị tôi mời anh cọng tác, lập một trại cưa trong làng Trung Lập, anh thấy thế nào ?”

            “ Xin được hỏi : Trại cưa có liên hệ gì với những người Thượng trong đơn vị thám kích của tôi ?” Trác Lập nêu thắc mắc khi có ý tưởng muốn phác họa một trại cưa trong đầu.

            “ Tôi muốn có một kho gỗ quý của rừng núi nầy.” Nói xong Thibault kéo từ hộc bàn một tấm bản đồ lớn của người Pháp in vào năm 1917.

            “ Đây, anh xem. Cao nguyên vốn là rừng nguyên sinh cho đến khi người Pháp có kế hoạch khai thác.Trước hết, người Pháp khảo sát để vẽ bản đồ vùng rừng núi nầy.”Thibault trãi rộng tấm bản đồ muốn tất cả những người có mặt xem kỹ.Và giải thích.

            “  Bản đồ các tộc người ở Đông Dương phân chia theo nhóm ngôn ngữ. Màu xanh là địa bàn của người Ba-na, Mạ, Stiêng, Lạt, Cơ-ho. Màu xám là vùng của người Gia-rai, cùng nhóm ngôn ngữ với người Chàm, Ê-đê, Raglai, và Churu. Màu đỏ nhạt là vùng của người Giao Thường chiếm một tỉ lệ nhỏ, chủ yếu ở ven biển phía Nam Miền Trung và đồng bằng Miền Nam.”

            Chúng tôi nhìn kỹ từng chi tiết trên bản đồ. Quả thật lúc người Pháp bắt đầu chú ý đến vùng núi nầy, đất sống của người Giao Thường quá nhỏ hẹp, có thể gọi là bọt bèo như một dãi hẹp bám vào rừng núi bạt ngàn. Như chúng ta biết Thibault là con của cố vấn toàn quyền Đông Dương từng mạo hiểm bỏ tiền thăm dò khai thác con tàu Hope Ship trước đây.Đến lượt rừng núi Cao nguyên,người cố vấn nầy đã đóng vai trò chủ chốt trong việc mở đầu kế hoạch khai thác nó. Chuyện Thibault muốn có một kho gỗ quý lấy từ vùng núi nầy, một lần nữa, phản ảnh đúng con người thích ghi dấu lịch sử như đã từng thiết kế con tàu Hardy.

            “ Ông cho chúng tôi một thời gian chuẩn bị.” Trác Lập trả lới Thibault.“ Có thể chúng tôi cần trở lại tìm gặp những ngưới Thượng trong đơn vị cũ của tôi, sau đó mới quyết định được.”

            Hành trang theo Trác Lập và tôi lên cao nguyên không thiếu cuốn sách Cây Cỏ Giao Thường của giáo sư Phạm Hoàng Hộ dùng tra cứu và sưu tầm một số mẫu cây gỗ. Chúng tôi đến thẳng Ty Lâm Nghiệp của một tỉnh miền núi.Trưởng Ty người Nam Thường chuyện trò cởi mở, không màu mè rào đón.

            “ Tôi đã giải ngũ.” Trác Lập vào chuyện.“ Có một công ty ngoại quốc  muốn có gỗ quý của rừng núi cao nguyên để lập một trại cưa lớn. Khi biết tôi từng phục vụ trong một đơn vị đóng quân ở vùng nầy , họ phái tôi lên đây thăm dò xem có thuận lợi hay trở ngại gì không .”

            “ Cao nguyên núi non bạt ngàn, chúng ta chưa có thời gian khai thác hết. Hiện thời có hai phần.Chúng tôi chịu trách nhiệm một phần.Phần kia vẫn giữ nguyên tình trạng cũ.”

            “ Tình trạng cũ là thế nào ?”

            “ Như anh biết, vùng đất hoang sơ nầy là nơi sinh sống của hàng nghìn ngôi làng của những sắc tộc bản địa. Anh cũng không lạ gì họ : da đen, đóng khố, đi chân đất, cà răng, căng tai, ăn bốc… Họ sống thành từng làng, gắn bó bền chặt với nhau.Họ không xem rừng là tài sản riêng của gia đình mà rừng là của Yàng, tức là của thần linh.Làng vay mượn rừng của thần linh để lập làng, làm rẫy, và làm nơi sinh hoạt.”

            “ Tôi muốn biết cách họ khai thác gỗ như thế nào ?”

            “ Việc nầy Ty tôi cũng đang tìm hiểu. Nếu anh quen tiếp xúc với họ, anh nên trực tiếp thì hay hơn.”

            “ Tôi nghĩ, muốn làm được gì cũng phải thông qua Ty Lâm Nghiệp, nên mới đến đây trước nhất. Thử đặt vấn đề : nếu công ty ngoại quốc muốn hợp tác khai thác gỗ với Ty Lâm Nghiệp, chúng tôi có được ưu tiên gì không ?”

            “ Rất hoan nghênh. Vì muốn khai thác rừng cao nguyên phải có máy móc cơ khí hạng nặng,cần kinh phí lớn. Tôi biết công ty ngoại quốc có khả năng nầy, nhưng đất nước đang trong thời chiến, vấn đề an ninh phải giải quyết trước. ”

            “ Giai đoạn đầu, chúng tôi muốn khai thác thăm dò, sau đó mới tính chuyện lâu dài.”

            “ Kiểu làm tiểu nông chứ gì ?”

            “ Vâng. Chúng tôi không vào rừng khởi động những cổ máy  lớn làm rung chuyển rừng núi, nhưng có thể cung cấp máy cưa cá nhân (perrsonal chainsaw).”

            “ Ty tôi đang giải quyết chuyện phá rừng của bọn lâm tặc . Bọn nầy chỉ dám luồn lách vào vùng trách nhiệm của Ty, không dám đụng vào ranh giới của mỗi làng người Thượng.”

            “ Làm sao phân biệt được ranh giới giữa các làng người Thượng ?”

            “ Gốc cây cổ thụ, con suối hay tảng đá lớn là những điểm nhấn họ dùng để đánh dấu đất của làng và thông báo với các làng khác.”

            “ Lâm tặc sợ dân Thượng sao ?”

            “ Lối sống rất nguyên tắc của họ không cho phép người lạ vượt ranh giới vào làng. Nếu một làng không đánh đuổi được kẻ lạ,các làng lân cận sẽ tiếp tay chống lại như chống giặc ngoại xâm. Tình đoàn kết của họ, bọn lâm tặc hiểu rỏ hơn ai hết.”

            “ Cám ơn . Tôi sẽ gặp trực tiếp các già làng để hỏi cách khai thác cây rừng của họ, có gì cần đến giúp đỡ của Ty tôi sẽ liên lạc. Để khỏi mất thì giờ, chúng tôi muốn ông trưởng ty cho biết Ty Lâm Nghiệp có thể cung cấp cây gỗ khi chúng tôi mở trại cưa không ?”

            “ Anh chờ tôi một lát.”  Ông nhấc điện thoại gọi một ai đó.Một người đàn ông bậm trợn, to con, mà tôi nghĩ là một kiểm lâm xông xáo, xuất hiện.

            “ Có người dưới xuôi muốn mua cây gỗ ”  Trưởng Ty nói với người đàn ông. “ Chúng ta có thể cung cấp thường xuyên cho họ được không?”

            “ Ty đã tổ chức từng nhóm nhỏ, giao chỉ tiêu vào rừng khai thác. Nếu có khách hàng thường xuyên, các nhóm nhỏ nầy trở thành nhân viên khai thác gỗ của Ty như kế hoạch của ông Trưởng Ty.”

            “ Tốt. ” Trưởng Ty quay qua nói với Trác Lập. “ Anh có thể tin tưởng chúng tôi.”

            Trác Lập đi tìm thượng sĩ già người Thượng trước đây là thường vụ của đơn vị. Mấu chốt để tìm ra manh mối ông nầy, Trác Lập dựa vào hai cái tên là A Jar và Kon Klor .A Jar là tên người thượng sĩ già. Kon Klor là tên làng mà A Jar từng giải thích cho Trác Lập biết đó là làng Cây gạo (klor :cây gạo), nằm cạnh làng Kon Hơ Ngo (Hơ Ngo : Cây thông). Làng cây gạo gần làng cây thông, Trác Lập vừa đi vừa nhắc thầm.Làng Kon Klor vẫn cảnh cũ người xưa, như chưa từng thấy chiến tranh xẫy ra ở đây vì nằm khá sâu trong khu rừng vắng. Trác Lập rảo quanh làng một vòng cố tìm gốc cây, tảng đá, con suối cũ đánh dấu ranh giới làng. Trông thấy một cô gái Bahnar cõng một gùi củi , Trác Lập bước nhanh đến hỏi tên ông A Jar hy vọng gặp được người cận vệ cũ trong đơn vị thám kích. Cô gái Thượng lắc đầu, bảo vào mà hòi già làng. Trác Lập nghĩ, già làng chắc đang có mặt trong ngôi nhà  rông giữa làng và hỏi nhà rông ở phía nào, cô gái ra dấu bảo chúng tôi đi theo. Chúng tôi ngở ngàng bước vào căn nhà gỗ không phải nhà rông, có đông người đứng quanh một bà già đang cầm một ống đu đủ thổi vào tai một đứa bé. Không khí  trang nghiêm của một buổi lễ lạ mắt. Trác Lập rón rén đứng nép sau cánh cửa lớn,tôi đứng xa hơn bên ngoài. Dáo dát nhìn vào,không biết già làng là người nào trong đám đông, bất ngờ một lão Bahnar mạnh mẽ né bước qua mặt Trác Lập định vào nhà. Bất chợt ông ta dừng lại, nhìn nghiên qua Trác Lập, cả hai nhận ra nhau. Tức thì , A Jar kéo Trác Lập và tôi ra khỏi cửa đi về phía tảng đá lớn.

            “ Thượng sĩ Jar đang làm gì ở đây ?” Trác Lập hỏi.A Jar vẫn còn vẻ mặt ngạc nhiên khi nhìn Trác Lập.

            “ Làm rẫy. Thượng sĩ bỏ ngũ về làm rẫy ”

Chuyện bỏ ngũ của người Thượng trong các đơn vị chiến đấu Nam Thường Trác Lập không lạ gì. Họ đổi sắc lính như thay áo hoặc trốn về buôn làng trong rừng sâu, chỉ huy Nam Thường chỉ có việc báo cáo… 

            “ Tôi sắp mở trại cưa . A Jar cung cấp gỗ được không ?”Trác Lập vào việc ngay.

            “ Muốn có gỗ phải có voi , bò kéo…” A Jar có vẻ rành nghề.

            “ Làng Kon Klor làm được không ? ”

            “ Nếu ông chủ cần nhiều gỗ, già làng sẽ gọi làng Kon Hơ Ngo đến làm chung .”

            “ Vậy là công việc khai thác gỗ ở đây do các già làng tổ chức. Tốt quá. Thượng sĩ có cần chúng tôi đến gặp các già làng không ?”Trác Lập vẫn quen miệng gọi A Jar là thượng sĩ.

            “ Các già làng phải thấy mặt người lạ.” A Jar cho biết.

            A Jar dẫn chúng tôi qua làng bên cạnh , có lẻ ông ta không được phép lám ngưng buổi lễ của bà già trong làng nầy. Chúng tôi luồn lách qua một khu rừng không quá rậm và đến một mô đất rộng là chỗ canh giữ những voi, bò kéo gỗ sau khi chúng làm xong việc. Hai chú voi và mấy con bò đang “thư giản”. A Jar giơ cao hai tay làm hiệu. Một ông già Bahnar quắc thước đến ngay bãi đất trống chúng tôi đang đứng.A Jar nói gì đó với ông già một hồi lâu. Xong, ông già đến bắt tay Trác Lập thông báo : “Được rồi” và cười nói hồn nhiên , cái cười không khác gì diễn viên đóng trong phim “Thượng Đế cũng phải cười ” khi vừa chạy vừa quăng chai nước lên cao giữa trời xanh.

            Chúng tôi trở lại làng Kon Klor, mang theo một số mẫu gỗ sưu tầm được. Buổi lễ trong ngôi nhà kia đã chấm dứt. Nhiều người tản mát ra đứng giữa đất vườn.A Jar đến gặp già làng và giới thiệu chúng tôi.Họ lại nói gì đó một hồi lâu, có điều tôi thấy ông già làng nầy coi bộ làm việc kỷ lưỡng và thận trọng hơn, vì ông cứ đặt ra nhiều câu hỏi bắt A Jar trả lời.Cuối cùng, chúng tôi được thông báo, các nhóm khai thác gỗ của hai làng người Thượng sẽ cung cấp cây gỗ quý cho công ty ngoại quốc.Việc họ làm như thế nào chúng tôi không cần biết, chỉ nhận cây gỗ họ khai thác và trả tiền cho họ.Nhưng việc nầy cần có hợp tác của Ty Lâm Nghiệp.Trác Lập bảo A Jar giải thích cho già làng biết.        

            Trưởng Ty Lâm Nghiệp tổ chức buổi họp có cả thông dịch viên người Thượng ngồi bên cạnh.Trác Lập thông báo kết quả chuyến vào rừng tìm hiểu vấn đề khai thác gỗ tại hai làng người Thượng diễn tiến thuận lợi. Trưởng Ty với tư thế là người có trách nhiệm với người dân miền núi, tỏ ra am hiểu vấn đề :

            “  Nhìn lui lịch sử, chúng ta còn nhớ một thời triều đình Hóa Châu  đã đàn áp khốc liệt Thiên chúa giáo.Thời vua Minh Đức, triều đình đã bắt đầu cấm đạo. Đến đời vua thứ tư, từ năm 1848 đến năm 1860, ở Bắc Thường, có hàng chục giáo sĩ bị tàn sát cùng với hàng vạn giáo dân bị lưu đày hay bị giết.Giáo sĩ và giáo dân miền Trung Giao Thường cũng không tránh khỏi cuộc truy sát này. Một số đã trốn lên lánh nạn ở vùng cao nguyên Trường Sơn .Người Giao Thường đến đây một thời gian thấy sinh sống dễ dàng nên bắt đầu định cư. Các giáo sĩ bắt đầu truyền đạo cho dân Thượng, lập các làng Công giáo, mở trường học... Nổi bật trong đó có Hội Truyền giáo.”

            Ngừng một lát, ông nói tiếp :

            “ Công sứ Pháp đã từng viết về tỉnh chúng ta như sau: Đây là vùng đất của tương lai với nhiều cao nguyên mênh mông đất đỏ phì nhiêu. Vùng đất rộng lớn nầy có dạng hình vuông mỗi cạnh khoảng 100km, trong tương lai hoàn toàn thích hợp với trồng cà phê và trồng bông. Hiện nay, cuộc sống chan hòa Kinh – Thượng đã dần dần đi vào nền nếp, chúng ta không phân biệt Kinh – Thượng trong hợp tác làm ăn …”

            Sau đó, ông đề cập chuyện hợp tác khai thác gỗ của Ty và hai làng người Thượng :

            “ Kon Klor và Kon Hơ Ngo cứ làm theo khả năng, có được bao nhiêu cây rừng, voi bò kéo về tập trung tại lâm trường của Ty .Ty sẽ ghi sổ, tính công trả tiền sòng phẳng sau khi chúng ta đã bàn kỷ công việc hợp tác. Ty cũng thông báo cho công ty ngoại quốc biết để họ trực tiếp giao tiền cho người Thượng.”

            Tôi không phải nói thêm gì chuyện Trác Lập lên cao nguyên tìm hiểu, vì phần việc cung cấp gỗ xem như đã dàn xếp xong.

            Chúng tôi trở về trường New Hardy báo cáo trực tiếp với Thibault và Ricard. Với Thibault, ông đang chủ trương mở rộng Công Ty Đông Việt đang kinh doanh in ấn và văn hóa phẩm, nay muốn sáp nhập các sản phẩm gỗ mỹ nghệ và gỗ xây dựng vào chung hoạt động, nếu có thêm nhà máy cưa. Ricard lại quan tâm đến học thuật : muốn mời nhà dân tộc học Georges Condominas mở khoa nầy để tiếp tục lên cao nguyên nghiên cứu về cọng đồng các dân tộc thiểu số.

            Trác Lập trình bày xong kết quả chuyến đi , Thibault vui vẻ hỏi :

            “ Dự định công việc sắp tới của anh như thế nào ?”

            “ Họ chỉ cung cấp cây gỗ đã khai thác . Chúng ta phải có phương tiện lên chỡ về. Trở ngại trên đường vận chuyển phải giải quyết là vấn đề an ninh.”  Trác Lập nêu vấn đề.

            “ Cần đi theo một lộ trình riêng ” Với nhản quan sắc bén của con người kinh doanh, Thibault chỉ nói thế. Ông bảo Trác Lập cứ xúc tiến công việc.Mọi chuyện sẽ được giải quyết.

            Quả đúng như lời Thibault, chuyến gỗ đầu tiên từ Ty Lâm Nghiệp trên cao nguyên về Thủ Phủ, chiếc xe vận tải hạng nặng chạy trên con đường do hai phía Nam và Bắc Thường dàn xếp sao đó mà Trác Lập không thấy bất cứ trở ngại nào.Nếu có trở ngại, xét hỏi gì trên đường, cứ việc điện thoại về New Hardy giải quyết…

            Cuối cùng ,Thibault nêu lên một thí dụ như thăm dò hiểu biết của Trác Lập (đây là cách làm việc quen thuộc của ông ta):

            “ Tôi biết một loại gỗ quý đặc biệt của cao nguyên là gỗ mun sọc. Dĩ nhiên còn nhiều loại gỗ khác, nhưng tôi thích tìm hiểu loại gỗ nầy . Gỗ mun sọc thường dùng để tạc những pho tượng, làm vòng hạt  trong các đền chùa. Những gia đình giàu có cũng sở hữu đồ vật, nội thất được chế tác từ nó.Anh cũng cần biết các thông tin về nó.”

            “ Mun sọc còn có những tên gọi khác như mun sừng, mun đen.” Trác Lập nói.“Nó là loại gỗ quý hiếm được khai thác từ cây mun sọc và thường được xử dụng để làm đồ nội thất, ứng dụng trong lãnh vực thủ công mỹ nghệ.Loại gỗ này cho những đường vân đẹp, rất đặc trưng. Thân gỗ nặng không thể thả trôi theo các dòng sông, suối.”

 

            Nhà máy cưa thành hình, nằm khuất trong một góc làng Trung Lập ngay dưới chân núi, hoạt động rầm rộ với nhiều nhân công Kinh – Thượng do Trác Lập điều hành. Vài tháng sau, bộ phận sản xuất đồ gỗ nội thất mỹ nghệ hình thành trong công ty Đông Việt, việc quản lý giao cho chú Nghiên. Chú tôi chuyển đổi công việc từ văn phòng Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế qua Đông Việt, do trước đây chú là một viên chức cảnh sát Nam Thường đã nghỉ việc. Tôi không hiểu lý do nào, khi chú Nghiên chuyển qua Đông Việt khoản mấy tuần lễ,thì ông Ngãi cũng có mặt trong nhà máy cưa làm việc chung với Trác Lập. 

            Con tàu Hardy của Thibault từ đó còn chở theo đồ nội thất gỗ mỹ nghệ Đông Việt xuất sang các nước khác…

            Về học thuật, liên quan đến vùng cao nguyên, Ricard thiết lập ngành dân tộc học sau khi mời được giáo sư Georges Condominas. Không phải là chuyên ngành của tôi, nhưng loạt bài khảo cứu về các lễ hội, thói tục người Thượng đăng trên Văn Cầm đã làm tôi chú ý. Lễ hội, thói tục thì vô số, nhưng cái ống đu đủ thổi vào tai một đứa bé mà tôi trực tiếp chứng kiến mới là niềm vui cực hiếm khi đọc bài báo “ Tục Thổi Tai” của người Bahnar…

            Trước khi làm lễ thổi tai, một nghi thức đơn giản được thực hiện sau vài ngày đứa trẻ ra đời là cho nó ăn cơm (Sẽm Por). Bé mới chào đời không thể ăn cơm được, các bà mụ sẽ "làm phép" bằng việc lấy một ít rượu ghè, cơm và một chút gan của con gà quệt vào miệng bé với mong muốn nó lớn lên sẽ hay ăn, mau lớn và khoẻ mạnh.

            Thật ra, người Bahnar gọi "lễ thổi tai" là uống rượu thổi tai (tiếng Ba Na gọi là Et Hlôm đon). Sinh ra đứa trẻ , người ta cầu mong nó những điều tốt đẹp bằng nghi thức thổi tai nó. Họ nghĩ rằng, sau lễ thổi tai, đứa bé sẽ được thần linh, gia đình và cọng đồng đón nhận nó là một thành viên mới của thôn làng.Đây cũng là dịp bà con đến chia vui và trả ơn bà mụ đã giúp cho mẹ tròn con vuông trong ngày sinh nở.

            Nghi thức thổi tai chỉ được thực hiện khi đứa trẻ phải được ít nhất một tháng tuổi và muộn nhất là lúc 3 tháng tuổi để người mẹ và con mới sinh đủ khỏe mạnh và cứng cáp khi làm lễ.

            Trước ngày làm lễ thổi tai, gia chủ chuẩn bị một một con heo lớn, nhà giàu thì mổ bò, trâu rồi mời bà con, anh em trong họ hàng, xóm làng đến dự. Bà mụ cùng với gia đình được mời đến từ sáng sớm, dù lễ thổi tai thường được tổ chức vào buổi chiều.

            Lễ vật bắt buộc phải có trong nghi lễ gồm 3 ghè rượu, 3 con gà dành cho bà mụ, chồng con bà mụ và 1 con gà thái sẵn cùng với một ít thịt heo được thái ra đặt trong lá dâu.

            Sau bữa ăn, bà mụ bắt đầu tiến hành làm lễ. Cha mẹ và đứa bé ngồi quanh ghè rượu. Bà mụ dùng một cái ống dài khoảng 30-40 cm, rỗng hai đầu và thổi vào hai tai đứa trẻ. Nếu không có ống, bà mụ úp hai bàn tay vào nhau rồi thổi nhẹ vào tai đứa bé.Khi thổi tai ,bà mụ cầu xin Yàng (các thần linh) cho đứa bé có sức khỏe, có cái đầu thông minh, sáng suốt; có cái tay, cái chân chăm chỉ lao động.

            Nếu là con trai thì “cái tay trong nhà, cái chân trong rừng”. Tức là khi ở nhà thì phải biết đan lát, chế tạo những vật dụng lao động sản xuất cho gia đình; còn khi đi rừng thì biết cầm cái nỏ săn bắn, khi đi rẫy phải biết cầm cái rìu, cái cuốc để trồng hái; phải biết cầm cái giáo để bảo vệ làng, phải làm được nhiều việc lớn và được mọi người kính nể.

            Còn nếu là con gái, bà mụ sẽ cầu xin cho nó lớn lên được xinh đẹp, biết quay sợi, dệt vải, giã gạo, giữ cho cái bếp luôn đỏ lửa, biết giọt nước đầu làng để mỗi sáng thức dậy lấy nước về nấu cơm rồi giặt quần áo cho cả nhà…

            Sau khi khấn xin Yàng, bà mụ sẽ lấy một chút rượu quệt lên miệng đứa bé, nhai một ít gan gà, gan heo cho đứa bé ăn rồi trao đứa bé lại cho người mẹ. Đó cũng là lúc nghi lễ kết thúc và mọi người bắt đầu chuyển sang ăn uống tới khi nào say mới thôi, bà mụ luôn là người được kính trọng mời ăn trước nhất.

            Tục thổi tai là nét văn hóa đẹp và thiêng liêng mà người Bahnar đã nối tiếp truyền từ đời nầy qua đời khác…

            Trong một buổi họp đầy đủ nhân viên công ty Đông Việt, tôi thích thú nhắc lại Tục Thổi Tai của người Bahnar. Thấy ông Ngãi cười đùa  giữa đám đông, tôi không biết ông định sơn màu gì cho làng Trung Châu ?

(Còn tiếp)

 

Phan Tấn Uẩn
Số lần đọc: 441
Ngày đăng: 15.02.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện viễn mơ thời chiến (chương 17) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 16) - Phan Tấn Uẩn
Kỳ 4/7 ( Tập truyện ngắn: Không phải lần đầu: Hai người đàn bà) - Huyền Văn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 15) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 14) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 13) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 12) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 11) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 8) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 5) - Phan Tấn Uẩn
Cùng một tác giả
Đêm Mù Mộ Địa (truyện ngắn)
Chuyến về quê (truyện ngắn)
Giấc mơ chiếu manh (truyện ngắn)
Trên sợi tóc buồn (truyện ngắn)
Quán về khuya (truyện ngắn)
Phố đỏ (truyện ngắn)