Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.400 tác phẩm
2.747 tác giả
613
116.769.211
 
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 14)
Phan Tấn Uẩn

 

            Học giả Nguyễn Hiến trông coi Tạp chí Văn Cầm, nhưng tôi chưa có dịp nói về ông ta. Nguyễn Hiến là nhà văn, dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục và hoạt động văn hóa độc lập , có hơn 150 tác phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật thuộc nhiều lãnh vực khác nhau như giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du ký, gương danh nhân, chính trị, kinh tế v.v. Viện Trưởng Ricard đã từng phải mất công thuyết phục, ông mới nhận lời…

 

            Ricard  sắp lên đường tham dự một cuộc hội thảo quốc tế cần gặp chúng tôi trước khi đi. Nói là hội thảo quốc tế, thật ra theo tôi biết, Ricard đi học một khóa viện trưởng. Lãnh đạo một Đại học như New Hardy, phải học . Tôi có sao chép một tập tài liệu – chỉ được phép tham khảo, không được phổ biến – về vấn đề đào luyện người trở thành viện trưởng. Mấy thông tin nầy tôi đã nói với cha tôi trước khi đến đây.

            Hôm nay cụ Hiến và chúng tôi đến gặp Ricard tại phòng làm việc trên lầu một để bàn về tương lai của Văn Cầm. Bốn năm trước, cha tôi  từ Hóa Châu vào Thủ Phủ gặp chủ báo Trần Văn nhưng không biết chủ báo nầy chính là viện trưởng có tên mới là Ricard. Ông có cảm giác lạ lẫm khi gặp một Ricard rất khác với Trần Văn trước đây, có lẻ do vị trí công việc thay đổi .

 

            “ Mời ngồi…” Ricard vào ngay vấn đề. “ Tôi có bàn với cụ Hiến cách đây mấy hôm, vẫn để Văn Cầm hoạt động bình thường. Có thay đổi gì , có lẻ phải đến ngày chúng tôi trở về. Nhưng hiện giờ có một công việc quan trọng và khẩn cấp nhờ Ban Biên Tập Văn Cầm tổ chức một buổi họp bàn ,để chọn ra một danh sách chừng 5 nhà văn có tiếng vang nhất với ngoại quốc và gởi ngay cho Ủy Ban Từ Điển Văn Học Quốc Tế . Họ sẽ duyệt xét để chọn đưa tên nhà văn Giao Thường Miền Nam vào Từ Điển. Vì hiện giờ Từ Điển Văn Học thế giới không có tên nào của Giao Thường . Ủy Ban Từ Điển Văn Học Quốc Tế không có niềm tin với các Hội Văn Bút của nước nầy, nên họ không gởi giấy báo. Người ta đã có n h tin với New Hardy, mong bác cùng n hem sẽ hết sức công minh , đánh giá đúng tài năng và ảnh hưởng từng nhà văn ở đây để họ xứng đáng có tên trong Từ Điển Văn Học Quốc Tế…”

            Ricard trao cho cụ Hiến bức thư của Ủy Ban Từ Điển Quốc Tế gởi cho New Hardy.

            “ Cũng xin các bác chuẩn bị cho.” Ông ta nói tiếp. “Như các bác biết New Hardy vừa vượt qua  bước khó khăn đầu tiên là kinh phí xây cất trường mới. Chúng ta đã chọn được đối tác đóng góp kinh phí xây dựng, nên cơ sở mới hoàn thành được như hiện nay (đây là cách nói đặc biệt của người lãnh đạo.Thật ra mọi chi phí đều do một tay Thibault lo liệu tất cả).  Chúng ta thuê đất của khuôn viên hơn 90 hecta nầy trong 50 năm. Nhưng chúng ta chỉ mới thành công về một phía Nam Thường. Phía Bắc Thường đang gây áp lực buộc chúng ta phải làm theo điều kiện họ đưa ra. Sở dĩ họ làm khó dễ chúng ta vì phần đất phía tây của khuôn viên trước đây là một ngôi làng xôi đậu được phía  Nam Thường  đền bù giải tõa và giao cho New Hardy. Phía bên kia cho rằng họ là chủ nhân của ngôi làng cũ.Họ lén lút cho người đến hăm dọa Ban Giám Đốc New Hardy …”

 

            Tiếp theo, Ricard cho biết.“ Vấn đề không phải là họ đòi đền bù bao nhiêu mà là họ không muốn New Hardy hiện diện tại đây. Chúng ta sẽ phải giải quyết hai vấn đề rắc rối liên quan đến chính trị giữa hai phía đối địch. Đó là New Hardy phải có được quy chế trung lập hoàn toàn và chủ nhân pháp lý cũng phải là tổ chức quốc tế trung lập. Chúng tôi chuẩn bị chuyến đi nầy với một đoàn chuyên gia luật quốc tế để tìm hiểu và tìm cách giải quyết, ngoài chuyện hội thảo… Tương lai của Văn Cầm thế nào chúng tôi đã bàn sơ qua với cụ Hiến, trước mắt Văn Cầm vẫn hoạt động bình thường.”  Viện trưởng kết thúc. “ Có thể vài ngày nữa sẽ có bộ phận văn học, truyền thông quốc tế đến sắp xếp chuẩn bị hoạt động. Bộ phận nầy thuộc Khoa Báo Chí Truyền Thông của Đại Học New Hardy, Văn Cầm không có liên quan gì .”  Nói xong, Ricard im lặng chờ cụ Hiến lên tiếng.

 

            “ Dịp nầy .” Cụ Hiến nói. “ Văn Cầm định tổ chức, ngoài việc bầu chọn danh nhân, còn soạn thảo mô hình tạp chí mới và các văn bản phụ thuộc . Và bàn về tình hình văn học hiện nay .”

            “ Có phải Văn Cầm muốn đề cập đến vấn đề Khủng Hoảng văn học ? “ Ricard hỏi.

            “ Đúng vậy. “ Cụ Hiến  xác nhận.

            “ Chúng tôi đã chuẩn bị” Cha tôi góp lời.

 

Viện trưởng Ricard đứng dậy bắt tay chúng tôi. Tôi chào Ricard và đón nhận nụ cưới thân thiện của ông.Chính ông ta đề nghị tôi hành nghề ký giả viết bài thường xuyên cho tạp chí Văn Cầm. Mọi hoạt động lớn nhỏ tại New Hardy, văn phòng đều báo tôi biết trước . Công việc rất nặng nhọc nhưng có nhiều hứng thú…

            Ra khỏi phòng Ricard, chúng tôi ngạc nhiên trước một hành lang đầy người đứng lố nhố, trái hẳn khi vào vắng khách. Nhiều phái đoàn đang chờ gặp viện trưởng Ricard …

 

***

            Ricard lên đường, cha tôi gọi ngay cựu Hiệu Trưởng trường Quốc Hữu Lê văn Hanh ở Hóa Châu , bảo cần vào gấp Thủ Phủ để dự họp. Hai năm trước, Lê văn Hanh bị bãi chức hiệu trưởng do quá trực tính đến gần như  cực đoan. Ông đã thẳng thắn đứng dậy phản đối trong một buổi họp với đại diện chính quyền yêu cầu các trường học, trong mỗi lớp phải treo cờ lãnh tụ quốc gia, nói rằng không được dùng giáo dục để tuyên truyền chính trị.Triết lý Nhân Bản, Dân tộc, Khai Phóng của nền giáo dục phải là định hướng cho con em chúng ta. Con người trực ngôn đó bị bãi chức. Có sự lạ là sau khi Lê văn Hanh không còn làm hiệu trưởng Quốc Hữu, người ta lại làm theo lời phản đối của ông, nghĩa là không có chuyện treo cờ lãnh tụ trong lớp học. Câu chuyện Lê Văn Hanh trở thành chuyện anh em trong nhà “nói thật mất lòng”, chỉ thế thôi. Cha tôi, hơn ai hết, hiểu rõ con người nầy, nên muốn ông ta có mặt trong buổi họp bàn về tư cách các nhà văn Giao Thường Miền Nam.

            Chương trình làm việc của Ban Biên Tập Văn Cầm sẽ diển ra trong hai ngày. Ngày thứ nhất  họp bàn tại phòng khánh tiết của tạp chí Văn Cầm để lập danh sách nhà văn đưa vào từ điển danh nhân văn học thế giới. Ngày thứ hai tổ chức buổi hội thảo bàn về khủng hoảng văn học.

            Hôm nay bầu chọn danh nhân. Hơn ba chục người dự họp,bao gồm 6 ký giả kỳ cựu hiện là chủ nhiệm các nhật báo lớn của Thủ Phủ, 5 nhà nghiên cứu phê bình văn học đang hợp tác với các các tạp chí liên quan và 7 giáo sư Đại Học văn khoa, còn lại hầu hết là nhà văn, nhà thơ  sáng tác.

            Sau khi giới thiệu một số nhân vật được gởi giấy mời, Tổng Biên Tập (Editor - in-chef) Nguyễn Hiến ,nói về mục đích buổi họp . Sau đó ông cám ơn các vị đến dự họp , nhường lời cho cha tôi và xin rút lui vì bận việc. Cha tôi tiếp lời Nguyễn Hiến, không quên giới thiệu tên ông Lê Văn Hanh …

            “ Thưa các bạn, có mặt hôm nay tại đây là người bạn đặc biệt của tôi, cựu hiệu trưởng Quốc Hữu Lê văn Hanh ở Hóa Châu, người đã vài lần gây sóng gió trên văn - thi giới Giao Thường Miền Nam… “  Cha tôi chưa nói hết lời, cả phòng họp đứng dậy người thì vỗ tay thích thú, người thì la ó phản đối. Cha tôi ra dấu ngăn lại.

            “ Điều nầy cũng dễ hiểu thôi.Mấy câu chuyện cũ đó xin gác lại. Bây giờ chúng ta đi vào nôi dung buổi họp…”  Cha tôi đề nghị. “ Chúng tôi đã chuẩn bị nội dung mà các thành viên dự họp hôm nay sẽ cho ý kiến trên một mẫu in gồm các đề mục : thứ nhất, cho biết 5 tên nhà thơ hoặc nhà văn của Giao Thường xứng đáng có tên trong Từ Điển Quốc Tế. Xin lưu ý, Ban tuyển chọn tác giả Nobel văn học sẽ căn cứ vào Từ Điển nầy để xem xét đánh giá trao giải; thứ hai, ghi nhận xét của người đề xuất lý do chọn 5 tên tuổi nầy. Có thể kèm theo tiểu luận bàn về các tác giả được đề bạt…”

            Tôi là thư ký buổi họp, phân phát  các mẫu giấy in cho họ.Một cánh tay giơ lên muốn phát biểu. Cha tôi ra dấu đồng ý.

            “ Tôi có thắc mắc .“  Người ấy nói. “ Nếu chỉ ghi vào mẫu in là xong việc, cần gì phải mời chúng tôi đến đây. Ban biên tập chỉ cần cho người mang đến giao cho từng thành viên, hoặc bận lắm thì nhờ Bưu Điện gởi trước một tuần lễ.”

            “ Anh nói đúng”. Cha tôi trả lời. “ Ban chủ biên dự định, sau khi nhận được kết quả của tất cả thành viên dự họp, chúng tôi sẽ lập ngay bản tổng kết và rút gọn để có 5 vị uy tín nhất được đề bạt.”

            Hơn ba mươi con người tai mắt của văn học Giao Thường Miền Nam  bắt đầu hành sự. Có những khuôn mặt nôn nóng. Những bàn tay run rẫy muốn viết nhanh những ý nghĩ đã ấp ủ lâu nay. Những trăn trở hằn lên trên những nếp nhăn của những lão phê bình gia, nghiên cứu văn học. Những khuôn mặt kênh kiệu coi ta là cái rốn vũ trụ. Lác đác ,có vài người chẳng biết viết gì trên mẫu in, và tỏ ra rất khó tìm chọn…

            Ban chủ biên không ra thời hạn nộp bản mẫu, nhưng khoảng ba giờ ngồi viết, hơn ba mươi thành viên đều hoàn tất công việc. Họ được mời ra ngồi nhâm nhi cà-phê hoặc ăn uống miễn phí tại căn-tin dành cho khách. Họ chờ kết quả làm việc của ban chủ biên…

            Lúc trở vào phòng họp họ thấy một tấm bảng lớn có màn vải trắng che kín không biết người ta giấu diếm điều gì. Có người nhanh trí bảo có thể tấm bảng ghi sẳn những tên tuổi nổi tiếng trên văn đàn được đề xuất.

            Cha tôi  từ căn-tin bước vào, tiêp tục hướng dẫn cuộc họp.

            “ Lưu ý các bạn” Nghi ông lên tiếng và cầm phấn viết lên tấm bảng xanh hai bút hiệu nhà thơ nổi tiếng nhất… Cả  phòng hội ồ lên loạn xạ. “ Đây là hai nhà thơ được đề xuất nhiều nhất. Ông Lê văn Hanh đã từng gây sóng gió vì cho rằng hai nhà thơ nầy là những người điên.”   

            Lê văn Hanh lên tiếng xác nhận lại không ủng hộ hai nhà thơ kia. Một cuộc tranh cãi nổi lên. Cha tôi phải can thiệp. Hội trường im lặng. Nghi ông đến kéo màn vải trắng che trước tấm bảng lớn. Tấm bảng ghi tên gần 100 nhà văn nhà thơ Nam Thường  được đề xuất hiện ra như chồng lên, đạp thẳng vào nhau. Không có bất cứ một tên tuổi nào đủ số đề bạt tuyệt đối. Ai cũng có phần, không ai thua ai. Tiếng xầm xì trong hội trường cứ râm ran mãi đến khi có tiếng cười lớn của một lão nhân, tiếng ồn mới im hẳn.

            “ Đề nghị của tôi là…”  Lão nhân hạ giọng . “ Không lập danh sách gởi cho ban biên soạn từ điển văn học thế giới, bởi vì không có ai có ảnh hưởng đến văn chương thế giới”

            Lão nhân ngồi xuống thỏa mãn. Cha tôi bảo rằng, dù kết quả thế nào, ban chủ biên cũng cần có bản danh sách đề nghị tên năm người gởi cho ban Soạn Thảo Từ Điển. Và ông đã nêu tên năm vị đó. Tên  Nguyễn Hiến đứng đầu – không có tên hai nhà thơ điên. Phòng họp im lặng hẳn. Đây là dấu hiệu cho thấy tất cả đều công nhận cái nhìn khách quan của ban chủ biên tạp chí Văn Cầm… 

*

            Ngày thứ hai của chương trình, học giả Nguyễn Hiến chủ trì, bàn về khủng hoảng văn học. Ông trực tiếp gọi điện thoại mời hai nhân vật có tiếng nói quan trọng trong giới học thuật tham dự hội thảo là tiến sĩ triết học Uyên Nam đang dạy Đại Học và giáo sư hàng đầu Vương Bật về nghiên cứu văn học .

            Xin tường trình nội dung buổi hội thảo quan trọng nầy. Mở đầu, học giả Nguyễn Hiến điểm lại các khái niệm phê bình ,nghiên cứu hay lý luận văn học. Sau đó nói về lịch sử của ngành học nầy qua các thời kỳ :  cổ điển và trung cổ, phục hưng, thời khai sáng, lãng mạn thế kỷ 19, tân phê bình.

            Về tình trạng phê bình hiện nay, học giả Nguyễn Hiến cũng đề cập đến, cuối cùng, nhấn mạnh giá trị của phê bình học thuật. Đến phần tham gia thảo luận, ông giới thiệu lần lượt hai nhân vật chính do ông trực tiếp mời tham dự hội thảo lên đọc tham luận.Nội dung các bản tham luận nầy sẽ gợi mở các vấn đề cho các tranh luận trong hội trường.

            Tham luận thứ nhất, giáo sư Vương Bật bàn về văn chương Giao Thường có hay không có khủng hoảng.Theo Vương Bật trước khi kết luận văn học Giao Thường khủng hoảng ta phải nghĩ thế nào về hai trường hợp Nobel văn chương được trao cho nhà báo Svetlana Alexievich và ca nhạc sĩ Bob Dylan . Hiện tượng nầy cho thấy văn học thế giới rỏ ràng đang bị khủng hoảng. Bob Dylan nghe tin được giải Nobel văn chương cảm thấy mình như người từ một hành tinh khác, ngẩn ngơ không hiểu ra sao cả . Ông ta suốt đời chỉ lo ca hát có liên quan gì đến văn chương.Còn nhà báo Svetlana Alexievich thì nhận giải bằng tác phẩm là một phóng sự. Đúng là văn chương thế giới đang thời khủng hoảng. Ngược với quan điểm vừa kể, người ta tôn vinh ca từ Bob Dylan là những bài thơ tuyệt tác tuyên xưng các thông điệp nhân văn, còn văn phóng sự  của Svetlana Alexievich lại mở ra một thể loại mới là thể văn dung hòa giữa văn chương và báo chí. Thể văn nầy hiện đang phổ biến trên thế giới. Tóm tắt, theo quan điểm thứ hai, việc trao giải Nobel văn học cho báo chí và âm nhạc là cách mở rộng phạm vi văn chương ra khỏi ranh giới truyền thống.

            Nhà nghiên cứu văn học Vương Bật có kết luận của một học giả thuộc phái “ba phải” : nói văn học khủng hoảng cũng đúng mà không khủng hoảng cũng không sai. Người ta nhận ra Vương Bật không dám đụng vào câu chuyện khủng hoảng văn học của Giao Thường.

 

            Trên đây tôi chỉ tóm tắt phần chính trong tham luận thứ nhất. Vương Bật phải đọc hơn một giờ,với nhiều giải thích,thí dụ dài dòng… Tiếp theo,tiến sĩ triết Uyên Nam lên đọc tham luận thứ hai, mất hơn một giờ rưỡi.

            Uyên Nam am tường triết học – dĩ nhiên – đã dùng Friedrich Nietzsche (1844-1900) làm điểm tựa cho đòn bẫy phê bình đánh giá văn học Giao Thường. Các luận điểm của Uyên Nam xem ra không có gì mới , các bậc thức giả đàn anh nhiều người đã nói từ 10 năm trước. Luận điểm thứ nhất cho rằng văn chương Giao Thường trước sau vẫn núp bóng nàng Kiều của Nguyễn Du, bằng chứng là chưa có nhà thơ Giao Thường nào qua mặt thơ nôm lục bát của thi hào Nguyễn Du. Từ đó, Uyên Nam nêu luận điểm thứ hai, cho rằng văn chương Giao Thường thiếu sáng tạo, không có chiều sâu tư tưởng. Nhà văn Giao Thường ít người có khả năng viết truyện dài hay , quanh quẩn chỉ làm có ba việc là làm thơ, viết truyện ngắn và dịch sách ngoại ngữ. Luận điểm thứ ba,vì không tìm ra nguyên nhân tại sao văn học Giao Thường quá yếu kém so với các nền văn học trên thế giới, Uyên Nam ta thán : phải chăng đây là một định mệnh văn hóa ? Nhận xét sau cùng của Uyên Nam nhắm vào căn bệnh cá nhân của nhà văn Giao Thường : chỉ biết đắm say đọc văn của chính mình…

            Bản tham luận của Uyên Nam chấm dứt bằng những tràng pháo tay hoan hô, tán thưởng. Uyên Nam trở về chỗ ngồi, được học giả Nguyễn Hiến đến bắt tay trước khi lên bục giảng đón nhận ý kiến của độc giả...

 

            Một cánh tay giơ cao muốn lên tiếng. Đây là một độc giả, được gọi là “mọt sách”. Anh ta hăng hái phát biểu :

            “ Tôi chờ đợi buổi hội thảo nầy đã lâu.Đáng lý ra, học giả Nguyễn Hiến cần tổ chức sớm hơn, không phải đợi đến hôm nay. Trước khi nêu ý kiến cá nhân, tôi xin cám ơn giáo sư Uyên Nam đã can đảm nói lên những luận điểm mà người khác không dám nói. Sau đây, tôi xin có ý kiến.Tôi khẳng định khủng hoảng văn học Giao Thường là có thật với hai chứng cứ. Thứ nhật, từ ngày Tướng Về Vườn chết đến nay, không có tác giả lớn và tác phẩm lớn. Thứ hai, trong đời tôi, chỉ có thởi buổi nầy mới có hiện tượng, một tạp chí gọi là văn học nghệ thuật mà có đến hơn hai trăm tên tác giả. Điều nầy đã trở thành bình thường khi người cầm đầu một tạp chí nọ dám quảng cáo, nếu ai muốn có bài đăng báo điều kiện đầu tiên là phải mua báo của ông ta.Người ta trắng trợn khai thác thói hư danh của con người… Xin hết”

             Ông Nguyễn Hiến trả lời độc giả “mọt sách”:

            “ Tôi nghĩ đây chỉ là hiện tượng nhất thời. Cái gì đi ngược lại với truyền thống nghệ thuật trước sau rồi cũng bị đào thải. Giá trị văn chương chân chính sẽ trở lại khi một tài năng lớn  xuất hiện. Lúc đó mọi chuyện sẽ khác bây giờ. Tôi chỉ ngại tài năng đó không nằm trong quỹ đạo của ngôn ngữ văn chương Giao Thường…”

            Cánh tay của một độc giả khác giơ cao và được phép nêu ý kiến :

            “ Tôi không phải là nhà văn, mà chỉ là người trong giới thưởng ngoạn. Theo ý kiến tôi,sự non kém của văn học Giao Thường bắt nguồn từ dân trí và ngôn ngữ của người Giao Thường, nói như triết gia Uyên Nam, đó là một định mệnh văn hóa. Nói về  cách viết của nhà văn ta, tôi có nhận xét là họ dùng quá nhiều chữ để diển tả mà thiếu ý tưởng. Tôi thử chuyển dịch một đoạn văn của một tác giả nổi tiếng từ tiếng Việt-Thường qua tiếng Anh, tiếng Pháp, đã phải mệt mỏi với những câu văn dài lê thê toàn cả tỉnh từ có nghĩa gần giống nhau ,không biết phải chuyển dịch thế nào. ..Xin hết ”.

            Phải chăng ước mong Giao Thường có một Nobel văn chương chỉ là một viễn mơ ?

 

 

 

Phan Tấn Uẩn
Số lần đọc: 467
Ngày đăng: 03.01.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 13) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 12) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 11) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 8) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 5) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 4) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (chương 3) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (chương 2) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (chương 1) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (chương mở đầu) - Phan Tấn Uẩn
Cùng một tác giả
Đêm Mù Mộ Địa (truyện ngắn)
Chuyến về quê (truyện ngắn)
Giấc mơ chiếu manh (truyện ngắn)
Trên sợi tóc buồn (truyện ngắn)
Quán về khuya (truyện ngắn)
Phố đỏ (truyện ngắn)