Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.400 tác phẩm
2.747 tác giả
601
116.767.715
 
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 6)
Phan Tấn Uẩn

 

 

             Lúc đang là giáo sư một Đại học nổi tiếng tại Pháp lăng Sa, Ricard biết tin sắp thành lập một Đại Học thứ hai ở quê nhà. Tôi ghi lại lời Ricard kể chuyện thành lập Đại Học Hóa Châu…

            Đọc tin trên một tờ báo, Ricard chú ý  ngay lời Tông Tông  Nam Thường nói với nhà tu Cao Triết :

            “ Hóa Châu từng là kinh đô của nước Giao Thường , có trường Quốc Tử Giám là Đại Học Quốc Gia. Hiện giờ thanh niên ưu tú nghèo mà hiếu học của Hóa Châu và các tỉnh thành muốn học lên phải vào Thủ Phủ. Một Đại Học lớn thành lập ngay tại Hóa Châu chứng tỏ chính phủ xem trọng vai trò của vùng đất nầy và cảnh báo trước sẽ bảo vệ Hóa Châu đến cùng .”

            Cụ Tổng giao trọn công việc thành lập Viện Đại Học Hóa Châu cho Cao Triết. Sau khi ổn định các phân khoa căn bản như Sư Phạm, Luật…,nhà tu Cao Triết đi cầu viện nước ngoài. Trên hành trình , ông tìm gặp Ricard Trần Văn ở Pháp Lăng Sa và đề nghị Ricard tham gia...

            Ricard trò chuyện với Cao Triết trong nhà hàng L’Indochine ở Paris. Đây là một trong hơn 10 tiệm ăn nổi tiếng của người Giao Thường , chuyên phục vụ các loại rau trái như salad,đu đủ xanh với thịt gà, hoa chuối kèm nấm. Món ăn duy nhất nhiều dầu mỡ trong thực đơn ở đây có lẽ là bánh xèo tôm chiên vàng giòn.

            “ Hoàn cảnh eo hẹp thế nào đến nỗi cha phải một thân một mình đi cầu viện như vậy ?” Ricard gọi nhà tu Cao Triết là “cha” như Cụ Tổng thường gọi.

            “Tôi cũng như  ông Cụ muốn lập ngay một Viện Đại Học ở Hóa Châu. Ông cụ hứa nếu tôi lo xong việc nầy sẽ giao tôi làm Viện Trưởng.Tôi không nói chuyện danh vọng mà xem lời Cụ là một thách thức. Tôi đồng ý nhập cuộc với điều kiện cầm trên tay nghị định thành lập Viện mới nói chuyện được…” Nói xong, Cao Triết mở cặp tài liệu lôi ra nghị định thành lập Viện Đại Học Hóa Châu và sắc lệnh cử ông làm Viện Trưởng.

            “ Đây, anh xem. Nhiệt tâm của ông Cụ còn lớn hơn cả tôi.”Cao Triết nói.

            “ Chưa có Đại Học mà đã có Viện Trưởng, chuyện nầy thật hiếm có.” Ricard ra vẻ tin tưởng.“ Cha có thể cho chúng tôi biết câu chuyện thành lập Đại Học Hóa Châu như thế nào không ? Chúng tôi đọc báo, biết được quê nhà sắp có một Đại Học cũng mừng lắm…”

            “ Câu chuyện bắt đầu tại tư dinh người thân ruột Ông Cụ với nhiều chức sắc quan trọng trong chính quyền, chỉ bàn duy nhất việc thành lập Đại Học. Hội nghị cho rằng Hóa Châu chỉ nên lập một chi nhánh của Viện Đại học Thủ Phủ và đề cử tôi làm đại diện.”

            “ Như vậy không thể gọi là Viện Đại Học vì nó không phải là một đơn vị độc lập .” Ricard nói.

            “Tôi không đồng ý nhưng phải theo quyết định của đa số.” Cao Triết hạ giọng .“ Bắt tay hoạt động ngày nào là khó khăn chồng chất thêm ngày ấy vì các thủ tục nhiêu khê rắc rối không thể có kết quả tốt được.Tôi yêu cầu chính phủ ban hành qui chế Đại học tự trị cho Hóa Châu ,nếu không được như vậy tôi sẽ rút lui.Kết quả, chỉ sau ba ngày có ngay nghị định thành lập Viện Đại học, đồng thời với sắc lệnh cử tôi làm Viện trưởng.”

            “  Cha có uy tín lớn...” Ricard nói thật lòng.

            “ Tôi xúc tiến nhanh việc tìm trụ sở, lớp học, địa điểm, đồng thời mời các giáo sư khắp Nam Thường và ngoại quốc về hợp tác.Ngay niên khóa đầu tiên, Đại học Hóa Châu mở các chứng chỉ dự bị Luật khoa, Văn khoa, Khoa học.Và chú trọng đặc biệt vào Đại học Sư phạm.Thấy công việc tạm yên, tôi quyết định ra nước ngoài nghiên cứu cách thức tổ chức Đại học đồng thời vận động sự giúp đỡ của các quốc gia Đồng minh.Tôi và nhiều người biết tên tuổi Ricard ở Pháp-lăng-sa , đó là cơ duyên tôi gặp anh hôm nay …” Cao Triết tóm tắt câu chuyện.

            “Dự tính đến những nước nào cha chuẩn bị sẳn rồi ?” Ricard dò hỏi.

            “ Chương trình đã có sẳn…”

            Đợt vận động thứ nhất, nhóm Cao Triết – Ricard nhận được nhiều giúp đỡ thiết thực như hàng trăm ngàn dollar viện trợ và nhiều học bổng từ các Đại Học quốc tế. Tin vui dồn dập đến với Nam Thường khiến ông Cụ chủ trương mở rộng Đại Học Hóa Châu…

            Cao Triết mời  Ricard về Hóa Châu. Họ tham quan nhiều địa điểm.Ricard gợi ý xây dựng một làng Đại Học rộng lớn tương xứng với vùng đất truyền thống.

            “ Ý kiến hay. Nhưng muốn có làng Đại Học phải ra ngoại ô.” Cao Triết nói.“ Ra ngoại ô sẽ phát sinh nhiều vấn đề  về an ninh. Làng Đại Học sẽ trở thành mồi ngon cho phía bên kia …”

            Cuối cùng, các cơ sở mới của Đại học Hóa Châu được xây cất trên các khu đất trống của nhà nước.

            “ Khi các phân khoa hoạt động ổn định,” Cao Triết nói tiếp. “tôi bắt đầu nghĩ đến việc mở đại học Y khoa để có một Viện Đại Học hoàn chỉnh… Anh có biết một  bác sĩ ở Châu Phi chăm lo sức khỏe cho bao nhiêu người dân so với Nam Thường không ?” Cao Triết hỏi Ricard.

            “ Nếu cha chưa có con số cụ thể, tôi sẽ tra cứu …”

            “ Phi Châu, một bác sĩ chăm sóc cho mười ngàn dân. Nam Thường ta , một bác sĩ chăm sóc hơn hai chục ngàn dân. Bác sĩ Nam Thường quy tụ cả vào Thủ Phủ và những thành phố lớn. Ngay cả nội thành Hóa Châu, phòng mạch bác sĩ tư cũng không đủ…”

            Cao Triết tỏ ra phấn khích khi kể lại những lần gặp Cụ Tổng để bàn việc thành lập Đại Học Y Khoa.

            “Ông Cụ hết sức lưu tâm đến vấn đề ,nhưng các ông bộ trưởng đều bác bỏ, họ không muốn có một Đại Học Y khoa thứ hai . Họ nói chỉ cần một là đủ . Họ còn viện lẽ số bác sĩ giảng viên Y khoa  còn thiếu nhiều. Nếu mở thêm ở Hóa Châu, chẳng lấy đâu ra bác sĩ giáo sư.”

            “ Cha cũng có giải pháp nào đó…” Ricard góp chuyện.

            “ Tôi nêu ý kiến yêu cầu các quốc gia Đồng minh biệt phái một số giáo sư Y khoa. Ông Cụ đồng  ý. Ba ngày sau có sắc lệnh thành lập Đại Học Y Khoa Hóa Châu. Ông cụ trịnh trọng trao sắc lậnh cho tôi, nhìn tôi một lúc lâu rồi nói : tôi đặt hết tin tưởng vào cha, nhưng tôi lo sợ nếu cha làm không thành thì bọn trí thức Thủ Phủ, nhất là giới Y khoa ở đây, chẳng những chê cười cha mà còn chê tôi nữa. Cuối cùng ông cụ  cầu chúc tôi thành công.”

            “ Cha đã tiếp xúc với Tòa Đại Sứ ccác nước Đồng Minh ?” Ricard hỏi.

            “ Công việc nầy chúng tôi đã làm xong. Hiệu quả rất tốt. Chúng tôi đã có các cố vấn ngoại quốc về tổ chức mọi mặt để hình thành một Đại Học Y Khoa  đúng  nghĩa. Chuyện tiếp theo là chúng ta cần đi các nước vận động…”

            Cao Triết nhìn Ricard…Thấy Ricard như muốn nói gì đó, nhưng vẫn không thể nói ra, Cao Triết không ngại nói hết thành tựu ông đã làm được :

            “ Tôi vào Thủ Phủ trình bày những kết quả và đề nghị xúc tiến ngay công việc xây cất trường sở.Suy nghĩ một hồi, Cụ Tổng quyết định lấy tiền lời xổ số kiến thiết liên tiếp nhiều kỳ để xây cất ...”

            Thấy chính quyền ưu ái nhiều cho Hóa Châu, lòng đố kỵ ganh ghét manh nha bùng phát từ giới Đại Học và giáo dục ở Thủ Phủ.

            “ Tệ hại nầy xuất hiện càng rỏ,” Cao Triết cho biết.       “ lúc Đại Học Y khoa Hóa Châu thành hình trên thực tế”.

            Ricard chăm chú lắng nghe câu chuyện.Cao Triết càng thêm phấn khích.Ricard gọi người phục vụ bàn mang thêm món bánh xèo tôm chiên.

            “  Xin mời  dùng món ngon đặc biệt nầy…”

            Trong lúc đang nhâm nhi món ngon của L’Indochine, Ricard nói chuyện ngoài lề:

            “ Chúng tôi cũng biết sơ qua tệ nạn của giới bác sĩ Thủ Phủ. Hầu hết sinh viên Y khoa Thủ Phủ là con cháu của giới nầy. Họ bao thầu hết.Vấn đề là không ai bắt bẽ họ được. Để chuẩn bị cho một người con hoặc cháu nào đó trong giới vào hàng ngũ, họ có chương trình ngay từ lúc đứa bé còn nhỏ. Trước hết cho bọn nhóc học Trường Tây. Sau 12 năm, đỗ xong Bac Deux (Baccalauréat Deuxième partie :Tú Tài Phần hai), vốn tiếng Pháp bọn nhỏ nầy ăn đứt học sinh trong các  Trường Giao Thường . Đến khi vào phòng thi, đề thi Y khoa tiếng Pháp không cần phải quá mất công gởi gấm , hầu hết bọn nhỏ đều tự làm bài để vượt qua kỳ thi dễ dàng, chưa kể cha chú ông bà dòng họ đều ở trong giới Y khoa đã chuẩn bị mọi việc cho bọn nhỏ. Biết đâu họ chuẩn bị cho cả đề thi !Cụ Tổng cũng không bắt bẽ họ được, vì chất lượng bác sĩ ra trường vẫn bảo đãm. Đây là yếu tố để họ thao túng ngành Y…”

            “ Anh xa quê hương còn biết được như vậy,” Cao Triết nhận xét, “ thật có lòng với Hóa Châu. Giờ anh còn muốn biết thêm gì nữa không ?”

            “ Cám ơn …”

            Hai người hẹn gặp hôm sau sẽ bàn tiếp. Họ chia tay. Cao Triết về phòng khách sạn. Ricard về nhà riêng trong cư xá Đại Học. Suốt đêm, Ricard trằn trọc không ngủ được, vì đã nhận nhiều cú điện thoại áp lực của đủ hạng người Giao Thường tốt có, xấu có. Đáng chú ý là câu hỏi của một người bạn thâm giao .

            “ Nè , Ricard. Toa (toi ) có lần nào hỏi Cao Triết đi cầu viện như vậy với tư cách một linh mục hay viện trưởng không ?”

            “ Không cần đặt câu hỏi nầy. Cao Triết mang theo sắc lệnh bổ nhiệm viện trưởng…”

            “ Nhưng người ta thấy ông ấy vẫn mặc áo thụng của một linh mục. Phải chăng Đại Học Hóa Châu là một trường của Công Giáo ?”

            “ Không ngờ toa  đã lái câu chuyện qua vấn đề kỳ thị tôn giáo. Rắc rối quá.Không nên đặt ra câu hỏi nầy.Moa (moi) thấy Cao Triết và ông Cụ thật lòng vì một Hóa Châu đang cần phục hồi vai trò lịch sử của nó.”

            “ Moa sẽ cho toa biết dư luận đang bàn tán xôn xao về một tin thời sự…” Giọng nói quen thuộc trên điện thoại bỗng cắt ngang, Ricard không hiểu chuyện gì đã xẫy ra.

            Hôm sau gặp lại Cao Triết, Ricard trịnh trọng trao cho vị linh mục tờ giấy ghi đầy đủ tên tuổi những đồng nghiệp nổi tiếng của mình dạy trong các Đại Học quốc tế với ghi chú nhiều chi tiết cần thiết .

            “ Đêm qua tôi đã gọi điện cho hơn 10 giáo sư tiến sĩ, viện trưởng các Đại Học nổi tiếng của Hoa Kỳ, Đức, Pháp , Hòa Lan, Canada…Tất cả đều hứa hẹn sẽ giúp Hóa Châu thành lập Đại Học Y Khoa.”  Ngừng một lát,Ricard với giọng thân tình khi trao tờ giấy cho Cao Triết. “ Hôm qua cha cũng nhận ra  chúng tôi không biết diển tả suy nghĩ của bản thân như thế nào, vì không thể cùng cha đến các Trường Đại Học quốc tế gặp những giáo sư quen biết…”

            “ Lý do ?” Cao Triết hỏi.

            “ Công việc chúng tôi tại Trường quá cấp bách. Không cách nào thu xếp được.”Ricard có vẻ quyết đoán.

            “ Không sao. Nếu anh bận quá, tôi và bác sĩ Lê Quýnh có thể lo được …Cám ơn.”

            Bạn có biết vì sao Ricard chia tay Cao Triết không ? Đây là câu trả lời …

            “ Ricard , hôm qua đường dây điện thoại bị hỏng moa không nói hết thông tin ”

            “ Dư luận bàn tán xôn xao là dư luận gì, hôm qua đang nghe bỗng nhiên bị cắt.”

            “ Moa nghe dư luận dân Giao Thường bàn tán,lúc nầy có hiện tượng người nào muốn thăng quan tiến chức phải theo Đạo Công Giáo.Nếu toa tiếp tục theo một linh mục mặc áo thụng đi cầu viện quốc tế, chắc chắn toa sẽ lãnh đủ hậu quả.…”

            Ricard không sợ lãnh hậu quả như người bạn cảnh cáo, nhưng muốn tránh xa những rắc rối kiểu nầy. May mắn cho truyền thống Hóa Châu, Cao Triết và Lê Quýnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.Sau khi biết chuyện, người bạn lại gọi điện gợi ý :

            “ Ricard ! Chúng ta nên chúc mừng Cao Triết và Lê Quýnh. Về phần chúng ta, moa nghĩ toa nên làm một việc gì đó, vì chúng ta không phải là những người vô cảm .”

            Câu nói của người bạn đã gây cảm hứng cho Ricard. Nhưng phải chờ đến nhiều năm sau, khi Ricard có dịp đàm đạo với Thiền sư Nguyên Đạo tại Đại Học Sorbonne, ông mới có dự tính thành lập một Đại Học thứ ba .

             Ricard nói với Trác Bạt tôi :

            “ Báo chí và dư luận thế giới viết quá nhiều về  Thích Nguyên Đạo. Hôm nay,chào mừng sinh nhật ông (22 tháng 1),chúng ta nhắc đến ông như một nhà lãnh đạo Phật Giáo  có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây chỉ sau Đạt-lại Lạt-ma. Trác Bạt muốn viết gì về ông ? ” 

            “ Trước hết, xin kể câu chuyện nhỏ về đưa cháu tham gia Trường Thanh Niên Phật Giáo Dấn Thân do thầy Nguyên Đạo sáng lập. Nó tham gia tổ chức từ thiện nầy từ năm nào tôi không biết. Một hôm, tôi và một anh bạn mặc quân phục sĩ quan Nam Thường,bất ngờ gặp nó ở ga xe lửa với đồng phục của Trường nầy. Nó không chào tôi, mà chăm chăm nhìn vào bộ quân phục thẳng nếp của bạn tôi với thái độ thách thức, khinh bỉ .Tôi ngạc nhiên đến sửng sốt. Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao nó có thái độ đó ? ”

            “ Trác Bạt thử nhớ lại phong cách của người bạn mình  có làm nó khó chịu không , vì thanh niên nào tình nguyện vào Trường nầy đều có lý tưởng riêng của nó.”

            Có lẻ Ricard nói đúng. Tôi nhớ tên bạn hôm đó mặc bộ quân phục vừa lấy ra từ một cửa hàng giặt ủi, hồ bột thẳng nếp, đi đứng đỏm dáng, cười nói vô tư trước mặt một thanh niên có lý tưởng, tự nguyện đi xây dựng lại các thôn làng bị bỏ bom, xây trường học , trạm xá, và giúp các gia đình vô gia cư trong chiến tranh. Thái độ của nó là câu trả lời thích đáng đối với người bạn ? Tôi nghĩ Ricard đã giải đáp thắc mắc của tôi và nói tiếp :

            “ Thích Nguyên Đạo đã viết hơn 100 cuốn sách, trong số đó hơn 70 cuốn bằng tiếng Anh. Một người như vậy, cá nhân tôi không dám lạm bàn. Nhưng một bài thơ của ông đăng trên một tuần báo Phật giáo nếu người nào không biết tên tác giả sẽ không tin đó là của một tu sĩ Phật Giáo.”

            “ Đúng vậy.Nguyên Đạo là người khởi xướng và thực hành phong trào Phật Giáo Dấn Thân, đưa Phật Giáo vào xã hội. Ông làm như vậy, chúng ta không lạ gì xã hội luôn có hai mặt ủng hộ và chống đối ông. Chuyện thường, vì đó là đặc tính nhị nguyên của cõi ta bà !!!Giới Phật giáo cũng không thể chỉ trích hoặc bác bỏ chủ trương của ông, vì ông làm gì đều dựa vào lời dạy của Đức Phật.”

            “ Chúng tôi đã đọc một bài trên tuần báo Time tựa đề "Nhà sư dạy thế giới về Sống Tỉnh Thức đang chờ ngày chấm dứt cuộc đời" (The Monk Who Taught the World Mindfulness Awaits the End of This Life).Bài báo nhận xét ,Thích Nguyên Đạo được nhiều người Tây phương gọi là cha đẻ của mindfulness. Ông dạy rằng ai cũng có thể là những vị bồ tát, bằng cách sống hạnh phúc trong những công việc tầm thường : thực hành chánh niệm .Rất nhiều người góp phần làm cho mindfulness trở thành một phong trào mà ông là người dẫn đầu phong trào nầy. Đối với giới truyền thông Tây phương khi nói đến ông, họ nghĩ tới mindfulness, và ngược lại.”

            “ Vâng.” Ricard góp ý .“Ông còn là người có công nối kết các tư tưởng sâu xa của Bắc Tông vào Nam Tông, có công làm cho thế giới biết Phật Giáo Giao Thường cũng có truyền thống riêng bên cạnh các truyền thống Phật Giáo Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Tây Tạng, Miến Điện, Thái Lan, vân vân.”

            Tôi nhắc lại một đoạn cha tôi viết về cuốn sách “Không diệt, không sinh. Đừng sợ hãi” của Nguyên Đạo :

            “ Ông bác bỏ khái niệm về cái chết bằng lời dạy của Đức Phật : không có sinh; không có diệt; không có đến; không có đi; không có giống nhau; không có  khác biệt; không có bản ngã vĩnh cửu; không có hư vô. Hiểu được như vậy có thể giải phóng mọi người khỏi nỗi sợ hãi cái chết và cho phép họ an hưởng cuộc sống theo cách thanh thản nhất."

 

            Ngang đây, Ricard chuyển qua vấn đề chính :

            “ Mục đích chúng ta nhắc đến tên tuổi và sự nghiệp thầy Nguyên Đạo là để chúc mừng sinh nhật ông. Bây giờ trở lại câu chuyện tôi đã gặp Nguyên Đạo bàn về Đại Học New Hardy.”

            Ricard muốn tôi ghi lại cuộc gặp quan trọng qua lời kể  của ông. Ricard muốn mời Nguyên Đạo vào nhóm sáng lập Đại Học New Hardy.

            “ Chắc thầy có nghe anh em chúng tôi gần đây bàn việc lập một Đại Học thứ ba sau hai đại học  Thủ Phủ và Hóa Châu ?”

            “ Tôi có nghe dư luận không hay nói rằng,Đại Học Hóa Châu là một Đại Học Công Giáo. Chúng ta không nên suy nghĩ theo kiểu nầy, mà nên xem xét nội dung chương trình giảng dạy thực tế.”

            “ Đúng vậy. Đại Học Hóa Châu phục vụ dân chúng Nam Thường, không phân biệt lương giáo.”

            “ Đại Học thứ ba có gì khác với hai đại học kia ?”

            “ Khác ở chỗ “cảm hứng” !!!” Ricard cười.

            “ Có cảm hứng sao không mở luôn đại học thứ tư ?”

            “ Thầy về với chúng tôi chắc sẽ có khởi đầu tốt đẹp…”  

            “ Không về được. Nếu về, tôi sẽ hợp tác với anh em và  mở một Đại Học Phật Giáo.”                                                            “ Những sinh viên ban đầu của trường chúng tôi là các nghiên cứu sinh sau đại học qua Nam Thường nghiên cứu cuộc chiến ủy nhiệm.”

            “ Các anh khởi sự đúng lúc, hợp thời. Một số nghiên cứu sinh của tôi sẽ thay tôi đến với các anh…”

            Một năm sau cuộc gặp trên, Đại Học New Hardy xuất hiện tại Thủ Phủ. Ricard là viện trưởng (rector).

            Chức danh Rector, President, hoặc Chancellor tùy theo quốc gia, chỉ một quan chức cao cấp nhất trong một cơ sở giáo dục, đặc biệt  trong trường đại học. Viện trưởng rector có nghĩa là nhà cai trị (rector meaning ’ruler’). Bên ngoài thế giới nói tiếng Anh, rector thường là quan chức cao cấp nhất trong trường đại học, trong khi ở Hoa Kỳ, quan chức cấp cao nhất còn được gọi là president, ở Anh thường gọi là chancellor.

            Tại Đại Học New Hardy,viện trưởng Ricard còn được gọi theo kiểu Mỹ là President. Theo quy định rector được hội đồng quản trị Đại Học bầu bốn năm một lần như Tổng Thống Bắc Mỹ. Tại New Hardy cũng theo quy định đó. Chỉ có khác là mỗi kỳ bầu rector, nhất nhất vị nào trong Hội Đồng Quản Trị đều yêu cầu Ricard tại vị, ngay cả Thibault. Có lẻ do Ricard được coi là người sáng lập New Hardy. 

            Nói về người đứng đầu Đại Học New Hardy, trưởng đối ngoại Emily từng cho tôi biết, Ricard là người có công lớn tạo dựng huyền thoại New Hardy. Ông từng sinh hoạt trong Hiệp Hội Giáo Sư Đại Học Quốc Tế quy tụ những văn hào, học giả tên tuổi sáng giá của các cường quốc. Uy tín ông đối với giới trí thức học thuật Giao Thường ở nước ngoài là điểm mấu chốt tập hợp họ dưới mái nhà New Hardy.

            Mấy năm đầu, New Hardy chỉ phục vụ cho nhu cầu của nghiên cứu sinh quốc tế.Mở rộng hoạt động, Ricard chuẩn bị gánh thêm trọng trách.

            Nghe Emily bảo Ricard sẽ đi học khóa Viện Trưởng, tôi bỗng giật mình. Hầu hết viện trưởng của Đại học Nam Bắc Thường từ trước đến nay, chẳng ông nào chuẩn bị gì.Muốn làm viện trưởng, điều kiện đầu tiên là bằng cấp, sau đó chỉ cần được Bộ Trưởng Giáo Dục hoặc Tổng Thống, Thủ Tướng…tin tưởng. Không cần học.Như trường hợp Võ Bình.Dù thế nào tôi vẫn xem câu chuyện học làm viện trưởng Đại Học của Ricard là điều mới lạ lần đầu biết đến.Tôi hỏi Emily, muốn cô ta nói rõ hơn.Không cần giấu diếm, Emily trao cho tôi tập tài liệu nghiên cứu vấn đề nầy. Vì tài liệu hiếm hoi rất ít người biết, ngay cả những ông viện trưởng Giao Thường hiện nay, tôi đã đề nghị Emily được sao giữ làm hồ sơ tham khảo cho sinh viên .Emily đồng ý với điều kiện “phổ biến hạn chế”.

            Các trường Đại Học trên khắp thế giới bắt buộc phải chuyển mình để phù hợp với thời đại toàn cầu hóa. Tài liệu không cho biết “chương trình học” của Ricard gồm những gì, nhưng đã buộc những đầu óc chậm tiến như tôi phải công nhận : Các Viện trưởng Đại Học toàn cầu là những người định hướng cho tương lai nhân loại . Đó là câu trả lời của câu hỏi : Viện Trưởng, Ông là Ai ?

 

(Còn tiếp)

 

Phan Tấn Uẩn
Số lần đọc: 400
Ngày đăng: 11.07.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hải hành mùa đại dịch 11 (Chương cuối) - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 29) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 23) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 25) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (chương 20) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 19) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (chương 18) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (chương 17) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 16) - Phan Tấn Uẩn
Kỳ 4/7 ( Tập truyện ngắn: Không phải lần đầu: Hai người đàn bà) - Huyền Văn
Cùng một tác giả
Đêm Mù Mộ Địa (truyện ngắn)
Chuyến về quê (truyện ngắn)
Giấc mơ chiếu manh (truyện ngắn)
Trên sợi tóc buồn (truyện ngắn)
Quán về khuya (truyện ngắn)
Phố đỏ (truyện ngắn)