Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.400 tác phẩm
2.747 tác giả
582
116.767.305
 
Chuyện viễn mơ thời chiến (chương 2)
Phan Tấn Uẩn

The Legend of New Hardy

 

 

**

 2

 

            Sau khi nộp đơn xin học bổng , Emily điện thoại bảo tôi viết bảng tự thuật. Cô nêu yêu cầu nầy vì đã đọc nhiều truyện ngắn của tôi trên báo Văn Cầm và muốn tôi phản ảnh kỷ năng ấy trong hồ sơ học bổng để Thibault dễ dàng quyết định…

            Emily cho biết cô đã nhận hàng ngàn hồ sơ, kể cả hồ sơ của sinh viên các nước lân cận.Đây là lần đầu tiên New Hardy nhận hồ sơ của những sinh viên ưu tú Giao Thường Miền Nam như tôi. Tôi đã viết bảng tự thuật đầy đủ gởi bổ sung hồ sơ  …

            “ Lúc lọt lòng mẹ ,cha tôi đặt tên tôi là Trác Bạt. Cái tên nầy do một bậc lão nho, bạn của cha tôi đề xuất, vì khi lão lật hai bàn chân của tôi , lão thấy hai vệt son đỏ chói xuất hiện trên đó, mặc dù tôi chưa bao giờ thấy cái vệt son đỏ chói lão nói. Lão phán rằng Trác Bạt là người có tài lạ.Lời phán của lão đã vô tình gây áp lực lên cuộc đời tôi khi tôi lớn. Cha tôi tên là Trần Vĩnh Nghi, mọi người thường gọi là Nghi ông , tức là người đàn ông tên Nghi. Gia đình  tôi chỉ cha tôi có ít nhiều liên quan đến văn học, vì ông là người cọng tác dịch các bài báo hoặc tiểu luận phê  bình văn học của ngoại quốc cho các tập san, tạp chí tại Thủ Phủ. Tôi không biết tôi có thật sự có  năng khiếu thiên bẩm về văn chương hay không, nhưng ngay từ lúc mới biết đọc biết viết, tôi đã say mê đọc sách báo. Năm học lớp Đệ thất, tôi đã rục rịch làm thơ, viết văn và giấu kín những gì đã viết. Một hôm cha tôi kiểm tra bài vở tôi học ở trường, đã phát hiện điều nầy. Cha tôi nói rằng tôi có năng khiếu văn chương.Nhưng ông không muốn “định hướng” tương lai gì cho tôi, mà chỉ để năng khiếu của tôi phát triển tự nhiên. Mấy năm trung học Đệ Nhất Cấp,tôi vẫn theo thói quen viết nhật ký, sáng tác văn , thơ nhưng không ai biết tôi đã viết những gì trong mấy tập vở dày cộm đóng bìa cẩn thận. Năm Đệ Ngũ, tôi học thêm chương trình Đệ Tứ. Nhờ vậy cuối năm Đệ Ngũ, tôi có bằng Trung học Đệ Nhất Cấp  hạng Bình. Tỏi hỏi ý kiến cha tôi khi lên Trung Học Đệ Nhị Cấp cần chọn ban nào trong bốn ban A,B,C,D. Cha tôi cho tôi biết, ban A chuyên về khoa học thực nghiệm, ban B về khoa học tự nhiên, ban C về văn chương ngoại ngữ, ban D về Hán – Nôm. Cha tôi gọi tôi đến ngồi đối diện với ông và đặt ra những câu hỏi bắt tôi phải trả lời. Chẳng hạn, những môn học nào tôi thích nhất ? Lớn lên ra đời tôi muốn làm nghề gì ?vân vân…

            Cha tôi nói rằng, học Toán, giải Toán là tìm tòi, sáng tạo và thách đố trí thông minh của người học, là chìa khóa của ngành khoa học kỹ thuật thích hợp cho người nào muốn trở thành kỹ sư , nhà bác học….

            Nhưng tôi lại hỏi cha tôi, muốn trở thành nhà văn thì phải học ban nào ? Câu hỏi của tôi khiến cha tôi phải mất công dài dòng trò chuyện với tôi về chuyện viết lách.Cha tôi bảo,không ai dạy người khác trở thành nhà văn cả. Ai cũng có thể trở thành nhà văn  nếu biết viết, biết đọc và thích viết…Cứ viết và đọc sách mãi sẽ trở thành nhà văn…Học ban nào cũng có thể trở thành nhà văn được hết. Tôi rất hoang mang,trả lời cha tôi, như vậy có nghĩa là muốn trở thành nhà văn chỉ cần học xong tiểu học là đủ…Cha tôi xác nhận có vài trường hợp như vậy, nhưng hiếm lắm. Người được gọi là văn hào, học giả là những người có tài năng, kiến thức vượt trội thường có điều kiện vật chất đầy đủ để sống theo sở thích và mục đích của những danh nhân. Nghe vậy, tôi nói rằng, cũng có những văn hào, học giả nghèo khổ.Nhưng cha tôi bảo họ đã bị chính trị hảm hại. Lương tâm của họ làm cho những tên độc tài thù oán, vì họ là những cái gai trước mắt chúng.Đã là văn hào, học giả thì tiền tài vật chất của xã hội sẽ tự động tìm đến nuôi sống họ vì xã hội cần tác phẩm của họ. Cha tôi nhấn mạnh,nếu chạy theo hư danh nhà văn mà sống nghèo khổ quá thì ông có một chút suy nghĩ về những gì họ viết.Tôi hỏi ông đó là những suy nghĩ gì. Cha tôi nói đến những hạn chế về đời sống mọi mặt của họ do nghèo khổ .Điều kiện sống của họ không cho phép họ được tiếp xúc với nhiều hạng người thuộc đủ giai tầng trong xã hội.Họ khó có điều kiện nghiên cứu học hỏi những kiến thức rộng lớn của bậc Đại học để viết những tác phẩm lớn và trở thành nhà văn lớn. Tôi cười đùa nói với cha tôi,nhà văn đâu cần phải nói chuyện với nhà giàu, với tỉnh trưởng, thị trưởng hoặc thiếu tướng, trung tướng…Cha tôi cũng cười và công nhận như vậy trên lý thuyết. Nhưng thực tế, ông bảo bọn người ăn trên ngồi trước của xã hội thực tâm không muốn gần bọn nhà văn nghèo khổ vì sợ bọn nầy nói xấu . Nếu có chuyện tâng bốc nịnh bợ, ta nên nghĩ đến những tên bồi bút , viết theo đơn đặt hàng, tức là nhận tiền của ai phải làm theo ý muốn của người đó. Giống như mua bán vậy. Tôi nêu thắc mắc, thế giới văn chương là một thế giới bất vụ lợi, trong sáng, sống vì lý tưởng, nhưng cha tôi bảo tôi chưa gặp thực tế nên tin vậy. Ông nói, thực ra đó là thế giới của bọn cai đầu dài. Bọn nầy nắm trong tay mọi cơ quan ngôn luận như các tạp chí văn học nghệ thuật, sách báo văn chương… Cuối cùng, cha tôi không có ý ngăn cản, nhưng muốn tôi phải cân nhắc lợi hại. Ông nói rằng, nước Giao Thường  chưa có nghề văn truyền thống, không có cha mẹ nào hướng tương lai con mình vào cái nghề bạc bẻo nầy. Chỉ nên coi đó là một đam mê tinh thần giúp ta sống khác với loài thú mang lốt người. Ông đưa thí dụ nếu tôi thấy một người học hành không ra gì, không trang bị một nghề bảo đảm đời sống khi trưởng thành ,chỉ mang cái nhản nhà văn với xác thân tiều tụy , ăn uống kham khổ viết gì thì thù oán  chữi bới mọi người với tâm địa nhỏ nhen, hẹp hòi, bảo tôi nhận xét nhà văn đó thế nào ? Tôi cười lớn gọi anh ta là kẻ lang thang, bụi đời ! Tôi không ngờ câu nói bông đùa của tôi đã bắt ông nói đến những vấn đề nghiêm trọng hơn do chuyện viết lách gây ra. Ông bảo tôi, nói vậy không sai,nhưng đó chỉ là mặt nổi. Mặt chìm mới tội nghiệp cho hắn ta.Nhà văn nào có kiến thức rộng lớn, sâu xa không ai dụ dổ họ được.Nhưng các nhà văn nghèo hèn thường rất dễ bị người khác giật dây. Tôi thắc mắc, ông giải thích đó là chuyện chính trị , vì có một loại người chuyên săn tìm những nhà văn ! Tôi hết hồn không ngờ câu chuyện đã đi xa như vậy, cha tôi đề cập chuyện gì dễ sợ quá ? Ông nghiêm chỉnh hỏi tôi đã nghe người ta nói ngòi bút mạnh hơn một sư đoàn lần nào chưa ? Coi chừng mỗi chữ nhà văn viết ra có thể là một bản án  chưa tuyên hoặc bị chui đầu vào rọ ! Từ đó tôi mới thấy chuyện viết văn chuyên nghiệp là cả một vấn đề lớn đối với nhà văn…

 

            Xong chuyện văn báo, cha tôi quay sang hỏi tôi về việc học.Tôi  nói, thích giải những bài toán khó. Và cũng mơ ước cầm cuốn sách tiếng Anh đọc hiểu trực tiếp nguyên bản, không qua bản dịch tiếng Việt. Cha tôi muốn biết trình độ Anh, Pháp văn của tôi ngang đâu,tôi nói học đầy đủ các bài học trong chương trình Trung Học Đệ Nhất cấp. Đọc được những câu chuyện tiếng Anh trình độ trung cấp.Thỉnh thoảng phải tra tự điển. Ông bảo tôi,phải thường xuyên đọc tiếp tiếng Anh hoặc Pháp , nếu không tiếp tục sẽ quên hết. Nhà văn có trình độ phải thuần thục ít nhất một ngoại ngữ…Đọc quanh quẩn tác phẩm quen thuộc sẽ trở thành bản sao của những người nầy.Và rất dễ trở thành nhà văn của địa phương nhỏ hẹp. Ông nói, ông thích những nhà văn dạy Đại Học mà có tác phẩm lớn, nhưng bây giờ ngay trước mắt, ông muốn tôi phải suy nghĩ kỷ để chọn cho bản thân một nghề sinh sống khi vào đời. Tôi hiểu tấm lòng của cha tôi và gật đầu lẩm bẫm : “Một nghề sinh sống kèm theo một nhản hiệu mang tên nhà văn ?” Cha tôi nhìn tôi dò xét và bảo tôi, nói sao cũng được ,quan trọng là thực tế làm nghề gì.

 

            Sau buổi nói chuyện với cha tôi, tôi tự ý học song song hai chương trình để cuối niên khóa đệ tam, nộp đơn thi Tú Tài bán phần. Học băng, nhưng tôi vẫn đỗ Tú Tài bán phần hạng Bình. Chuyện học của tôi do tôi tự biết khả năng để quyết định học thi vượt cấp. Giáo sư biết chuyện vẫn khuyến khích và hướng dẫn thêm chứ không hề có ý ngăn cản tôi. Khi tôi  báo tin cho cha biết, ông ngạc nhiên , lập tức lên xe đến hội đồng thi xem kết quả. Đúng là tôi đỗ hạng Bình ban C lúc mới 16 tuổi.  Suốt năm nay cha tôi cứ tưởng tôi đang học ban Toán.Nay thấy vậy ông biết tôi đã có dự tính riêng cho tương lai một cách độc lập. Từ đó, cha tôi không đề cập gì đến chuyện tôi học ban nào, chỉ im lặng theo dỏi việc làm của tôi để góp ý. Một hôm tôi mang chồng tạp chí văn học cả mười tập đến gặp cha tôi và muốn ông đọc thơ, truyện của tôi đăng trên tạp chí Văn Cầm. Cứ tưởng cha tôi sẽ vui lòng, không ngờ ông nổi giận trách mắng tôi, nói rằng một niên  khóa học hai chương trình, thì giờ đâu còn viết chuyện vớ vẩn.Tôi phải tìm cách nói cho cha tôi bớt giận và nói ba đừng lo, vì chỉ cần vài giờ thư giản sau giờ học hoặc tập làm bài thi , con đã có một bài thơ hoặc một truyện ngắn đăng báo rồi. Nghe thế, ông có vẻ hạ hỏa, cầm lấy tập báo Văn Cầm và đọc qua. Tôi muốn biết nhận xét của ông , nhưng cha tôi không đưa ra nhận xét gì, chỉ hỏi tôi, động cơ nào bắt tôi phải khổ sở như vậy. Tôi đưa bức thư riêng của ông chủ bút tòa báo Văn Cầm gởi cho tôi để ông xem. Xem xong, ông nói : “ ừ… họ khen ngợi…có ông gọi mầy là thiên tài…Thúc giục mầy gởi bài…Kiểu nầy làm tao lo quá. Có thể chúng nó làm hỏng cả cuộc đời mầy…” Ông hỏi tôi chỉ có những lá thư riêng nầy thôi sao ?Tôi cho cha tôi biết, ông chủ báo Văn Cầm yêu cầu con cho ông biết nguyện vọng. Con chỉ yêu cầu tòa báo nếu có lòng tốt gởi giúp con đầy đủ các bộ sách giáo khoa văn học , triết học lớp Đệ Nhị và Đệ Nhất C. Và nếu được ,gởi luôn các sách Anh văn, Pháp văn trong chương trình hai lớp nầy. Tôi cho cha tôi biết họ gởi gần đủ các sách tôi muốn có. Nghe vậy, cha tôi gật đầu nhẹ giọng,bảo trong Thủ Phủ có cai thầu văn nghệ, nhưng cũng có người thiện tâm.

            Tôi giở trang cuối hộp thư bạn đọc của một số báo Văn Cầm, đưa cha tôi xem bạn đọc yêu cầu tôi viết nhiều cho họ đọc. Ông không nói gì, chỉ hỏi   tôi viết gì trong đó và nêu ý kiến,viết cho đúng ngôn ngữ văn chương của một truyện ngắn không phải là chuyện đơn giản. Phải có năng khiếu và vốn sống.Tôi nói, con chỉ viết chuyện học thôi và kể câu chuyện đã viết trong một truyện ngắn cho ông nghe.Đó là chuyện tự học của một học sinh trường Nội Đô. Anh tên là Huỳnh Mễ học Đệ Ngũ, cuối năm Đệ Ngũ thi đỗ hạng Ưu Trung học Đệ Nhất Cấp. Niên khóa tiếp theo thi Tú Tài bán phần, lại đỗ hạng Bình . Năm cuối Trung Học Đệ Nhị Cấp, Huỳnh Mễ đỗ luôn hạng Ưu .Ba năm thi ba kỳ đỗ một hạng Bình, hai hạng Ưu . Sau đó được học bổng du học Nhật Bản tại Đại Học Đông Á và là Chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Giao Thường tại Nhật Bản. Trong truyện ngắn nầy, tôi kể một lần gặp Huỳnh Mễ đi xem phim tại Rạp Tân Dân. Mấy thằng bạn của tôi bảo thằng Mễ không biết nó học thế nào mà kinh khủng quá. Ngày nào cũng thấy nó ngồi quán cà phê, dạo phố, la cà trong mấy cơ sở văn hóa, thư viện…Không thấy nó dùi mài kinh sử gì cả, vậy mà hễ thi thì rinh luôn những tấm bằng nổi tiếng Hóa Châu. Nghe mấy người bạn ca tụng như thế, tôi mới tò mò quan sát kỷ Huỳnh Mễ. Tôi thấy hai cái túi quần sau đít anh ta nhét đầy sách, vở…Tôi nghĩ Huỳnh Mễ  vừa chơi vừa học, chứ không phải đóng cửa suốt ngày đêm ngồi phòng kín để gạo bài… Chuyện tự học, mỗi người có cách riêng khác nhau.Không bắt chước được…Nghe tôi kể xong câu chuyện, cha tôi hỏi tôi tự học như thế nào, tôi trả lời tôi cũng có cách riêng vừa học vừa chơi.Cha tôi kết luận khi thấy tôi không lêu lổng chơi bời mà chăm chỉ đèn sách nên ông không muốn xen vào .Cuối cùng, ông bảo tôi cần mua sắm gì, ghi vào giấy, ông sẽ giúp tôi thành công hơn nữa trong tương lai.

            Trước khi chọn học Văn Khoa, tôi có buổi tham khảo ý kiến của cha tôi. Ông nói rằng, hơn chín mươi phần trăm học sinh học xong năm cuối Đệ Nhị Cấp đều ghi tên thi Sư Phạm. Tốt nghiệp Sư Phạm Đại Học coi như đặt một chân vào nhóm người cao danh vọng…Không Sư Phạm ba năm dạy Đệ Nhị Cấp, thì một năm dạy Đệ Nhất cấp cũng được xã hội trọng nể. Còn lại hầu hết là giáo viên tiểu học, muốn vươn lên phải nổ lực học thêm để có bằng cử nhân, từ đó mới chuyển ngạch được. Cha tôi còn đề cập đến Trường Sư Phạm Nhân Văn đào tạo giáo sư đệ nhất cấp và nhấn mạnh ,hơn năm chục phần trăm sinh viên Sư Phạm Nhân Văn đều là dân Hóa Châu. Ước muốn lớn nhất của thanh niên ở đây chỉ có thể là giáo sư Trường Quốc Hữu. Thấy tôi tỏ vẻ hờ hững, cha tôi kể câu chuyện  của một giáo sư Toán Đệ Nhị Cấp trường Quốc Hữu để biết giá trị của chức danh nầy, đồng thời xem phản ứng của tôi. Anh giáo sư nầy chưa lập gia đình, nên bọn người chuyên mối mai duyên số đến gặp trực tiếp cha mẹ anh, trong đó có một tay cò mồi đặt giá cho chàng rễ tương lai năm chục lượng vàng. Dĩ nhiên không ai biết “bí mật”  nầy. Chỉ sau khi cưới hỏi xong thành gia thất đàng hoàng, người ta mới vô tình làm rò rỉ câu chuyện. Cha tôi cứ tưởng dư luận cười chê, nhưng không, thiên hạ ai biết cũng trầm trồ thán phục  anh giáo sư toán tuổi trẻ tài cao.

            Tôi biết rỏ tại sao cha tôi trưng ra một loạt hình ảnh về nghề giáo. Và tôi đã lên tiếng, khẳng định,chưa bao giờ nghĩ mình sẽ là một giáo sư trung học nào cả. Đó là lý do tôi ghi danh vào Văn Khoa Anh văn Trường Hóa Châu. Tốt nghiệp văn khoa, tôi dự định học hết chương trình cao nhất của trường nầy để có thể tìm được một học bổng nghiên cứu hậu đại học tại một trường quốc tế hoặc một chân giáo sư đại học trong nước.Tôi vẫn muốn đi xa hơn.Nếu là giáo sư đại học, tôi có thể tiếp tục học tập bằng cách nghiên cứu các vấn đề mình ưa thích để nâng cao hiểu biết.

            Bốn năm văn khoa, tôi đã trang bị vốn liếng cần thiết để chọn một hướng đi mới. Trong các thư viện lúc tham khảo, đọc và ghi chép tài liệu, tôi đã đúc kết, nghiên cứu thêm ngoài chương trình học để hình thành ba cuốn sách biên khảo về văn học và đã được xuất bản trong thời gian tôi đang là sinh viên Văn Khoa.

            Học bổng New Hardy đến với tôi sau khi kết thúc chương trình bốn năm văn khoa. Dịp may đến đúng lúc, vì Trường New Hardy bắt đầu mở rộng hoạt đông, thu nhận sinh viên các nước khác ngay từ năm thứ nhất đại học và công bố học bổng dành cho sinh viên Nam Thường…”                                                                                                          

 

 

 

 

 

 

 

 

Phan Tấn Uẩn
Số lần đọc: 583
Ngày đăng: 25.10.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện viễn mơ thời chiến (chương 1) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (chương mở đầu) - Phan Tấn Uẩn
Kỳ 3/7 (Tập truyện ngắn: Không phải lần đầu: Áo bà ba) - Huyền Văn
Kỳ 2/7 (Tập truyện ngắn: Không phải lần đầu) - Huyền Văn
Kỳ 1/7 (Tập truyện ngắn: Không phải lần đầu) - Huyền Văn
Vòng tay hư ảo (Phần cuối) - Đỗ Nguyễn
Vòng tay hư ảo (Phần 7) - Đỗ Nguyễn
Vòng tay hư ảo (Phần 6) - Đỗ Nguyễn
Vòng tay hư ảo (phần 5) - Đỗ Nguyễn
Vòng tay hư ảo (Phần 4) - Đỗ Nguyễn
Cùng một tác giả
Đêm Mù Mộ Địa (truyện ngắn)
Chuyến về quê (truyện ngắn)
Giấc mơ chiếu manh (truyện ngắn)
Trên sợi tóc buồn (truyện ngắn)
Quán về khuya (truyện ngắn)
Phố đỏ (truyện ngắn)