Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.400 tác phẩm
2.747 tác giả
637
116.772.940
 
Chuyện viễn mơ thời chiến (chương 1)
Phan Tấn Uẩn

 

The Legend of New Hardy


**

            Vùng Hóa Châu rất ít người biết về Đại Học New Hardy đang hoạt động tại Thủ Phủ Nam Thường. Tôi chú ý tìm hiểu kỹ New Hardy do bất ngờ đọc một tin trên nguyệt san văn hóa của Bộ Giáo Dục , nơi đề xuất chính phủ cấp phép hoạt động cho New Hardy.

            New Hardy  là Chi Nhánh trong khuôn viên của Đại Học  Hardy . Khuôn Viên Chi nhánh là một khái niệm mới lạ đối với tôi. Thông thường,người ta mô tả các ngân hàng hoặc cửa hàng của cùng một thương hiệu ở các địa điểm khác nhau là "chi nhánh".  Khuôn viên chi nhánh là một cơ sở liên kết với một trường đại học cụ thể nhưng không ở cùng một địa điểm. Ví dụ, Đại học M. của nước Mỹ có cơ sở tại nước Ý..Như vậy, về cơ bản, khuôn viên chi nhánh là một trung tâm học tập ở nước ngoài, là một phần của trường đại học ở một nơi khác trên thế giới.Nếu ta đang học tại khuôn viên chi nhánh, bằng cấp của ta vẫn được trường đại học gốc công nhận.Theo ví dụ trên, một người Ý, sống ở nước Ý, có thể nhận được bằng cấp trường M.mà không cần lên máy bay qua nước Mỹ.

 

 Vì ý tưởng  khuôn viên chi nhánh (branch campus) tương đối còn mới, ta có thể tìm thấy nó với nhiều tên gọi khác vẫn được nhiều người tham chiếu công nhận. Chẳng hạn : vệ tinh, khuôn viên nước ngoài, khuôn viên chi nhánh quốc tế…New Hardy là chi nhánh của Đại Học  Hardy của cường quốc Bắc Mỹ. Quy mô Đại Học nầy không thua kém bất cứ Đại Học nào của thế giới. Văn bằng học tại New Hardy do Hardy cấp phát, có giá trị quốc tế. Nhiều người  đặt vấn đề New Hardy do một nhóm người Giao Thường hải ngoại sáng lập, tại sao  gọi nó là khuôn viên chi nhánh của Hardy. Vấn đề nầy, tôi đã tham khảo tư liệu tại New Hardy. Theo tư liệu nầy cho biết ,Hardy công nhận New Hardy là chi nhánh của họ tại Thủ Phủ ,đồng ý chi nhánh nầy có tên là New Hardy vì  nhóm người Giao Thường hải ngoại đóng góp công sức thành lập nó – nhiều thành viên trong nhóm nầy là giáo sư lâu năm tại Hardy. Họ chỉ đưa ra một điều kiện bắt buộc : các khoa trưởng của New Hardy  phải do Hardy bổ nhiệm. Đây chính là yếu tố hấp dẫn sinh viên quốc tế.

 

   Tìm hiểu thêm, tôi rất ngạc nhiên về số lượng các chi nhánh ! Châu Á và Trung Đông đang chứng tỏ là những địa điểm phổ biến để các trường đại học mở cơ sở chi nhánh, do các nước nầy muốn đa dạng hóa chương trình Đại học hoặc không đáp ứng được chất lượng và nhu cầu giáo dục đại học cho dân chúng. Các trường đại học Hoa Kỳ chắc chắn đang dẫn đầu về việc mở các cơ sở chi nhánh , ví dụ như tại Thái Lan, Nhật Bản, UAE và Tây Ban Nha...Các nước khác như Anh, Châu Âu, Úc đang làm theo Hoa Kỳ. Mỗi năm, ngày càng có nhiều trường đại học dự kiến sẽ mở cơ sở chi nhánh với nhu cầu ngày càng tăng.

 

            Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến lợi ích của việc học tại cơ sở chi nhánh. Có 3 lý do hàng đầu khiến sinh viên  chọn học tại đây. Thứ nhất, lợi ích rõ ràng nhất là tiết kiệm. Du học quốc tế sẽ rất tốn kém , ngoài học phí, còn  phải cộng thêm chi phí máy bay và visa  , chưa kể phí tổn nơi ăn chốn ở. Thứ hai, học tại khuôn viên chi nhánh sẽ không làm xáo trộn cuộc sống của sinh viên. Thứ ba, sinh viên địa phương  vẫn nhận được văn bằng đẳng cấp thế giới từ một Đại học ngoại quốc uy tín.

            Cuối cùng, tôi nhận thấy khi đã biết rõ đặc điểm của Chi Nhánh Đại Học trong khuôn viên, sinh viên sẵn sàng xem xét các lựa chọn nghiên cứu xuyên biên giới, bằng cách tìm kiếm chi nhánh nào có địa điểm và chương trình thích hợp nhất cho một chủ đề nghiên cứu.

            Khi đã biết rõ đặc điểm của New Hardy trong Thủ Phủ, tôi thường xuyên theo dỏi hoạt động của nó. Lúc đầu trường chỉ gồm những nghiên cứu sinh quốc tế, sinh viên như tôi không thể bước vào.Phải đến khi biết thông tin về học bổng và nhận giấy mời từ báo Văn Cầm tôi mới có dịp tổ chức một chuyến đi xa.Tôi và cha tôi từ Hóa Châu vào Thủ Phủ, đến văn phòng tìm hiểu học bổng New Hardy.

 

            Nhìn bên ngoài phòng khách không thấy có gì khác lạ, cũng bàn ghế dành cho thư ký, khách mời. Đặc biệt , tủ sách lớn kê sát vách tường bên phải cửa ra vào. Tôi dán mắt vào các tựa sách dùng cho các nghiên cứu sinh bằng tiếng Anh, Pháp hoặc Đức và một số sách khoa học, kỹ thuật.

            Người tiếp chúng tôi mặc chemise trắng choàng vét xanh nhạt , đính trên ngực áo một huy hiệu xinh xắn in tên New Hardy . Áo gài nút kín ngực, mái tóc cắt ngắn, phủ ót, một vài sợi lòa xòa  trước trán mà chủ nhân không buồn vén lên.Khuôn mặt hình trái xoan, da trắng mịn, môi điểm xuyết vết son hồng nhạt. Cô ta trao cho tôi một danh thiếp đề tên Emily , trưởng phòng đối ngoại.

            Emily cho biết, học bổng New Hardy hình thành từ suy nghĩ lớn của một học giả nhìn xa trông rộng. Có thể gọi ông ấy là người đi tìm những tài năng chưa được biết đến để giúp đỡ, hướng dẫn họ đi đúng hướng và phát triển hết tiềm năng của họ.Thibault ,tên ông ta, là người Giao Thường lai Tây. Thibault đúng như tên gọi là một courageous people. Khác với những Tây lai do người Pháp ra đi để lại trên khắp các tỉnh thành Giao Thường, Thibault nghe nói là con của cố vấn toàn quyền Đông Dương có mẹ là một trí thức Giao Thường , được ăn học đầy đủ. Từ nhỏ đến lớn sống ở Giao Thường, Thibault học giỏi và viết văn điêu luyện cả hai ngôn ngữ Giao, Pháp. Trước khi qua Pháp nhận học bổng nghiên cứu sinh tiến sĩ và trở thành giáo sư dạy về đối ngoại và  ngôn ngữ học  Sorbone. Thibault là tác giả nổi tiếng của bộ trường thiên tiểu thuyết Bên Lề Cuộc Chiến viết bằng tiếng Giao-Thường, sau đó được dịch sang tiếng Pháp.Tiểu thuyết nầy là thành quả hơn mười năm Thibault đã dụng công trực tiếp phỏng vấn, điều tra ,ghi chép trên khắp các vùng chiến trận, trước và  sau khi các chiến dịch hoặc trận đánh kết thúc. Không như các phóng viên chiến trường, Thibault làm công việc của một nhà nghiên cứu, sưu tầm, dùng các thông tin ghi nhận làm chất liệu tác phẩm .

            Nhiều người Giao Thường không ưa Thibault. Tuy vậy, ông là người rất kính trọng những nhà văn hóa kỳ cựu của Giao Thường  như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Huỳnh Tịnh Của, Phạm Quýnh…Đối với phong trào bần nông, Thibault biết rất rõ nguồn gốc phát sinh đảng phái nầy và lý lịch cá nhân của những người cầm đầu khi làm luận án tiến sĩ tại một Đại Học ở Paris. Thibault cũng rất am tường lịch sử Giao Thường với nhận xét chung, cho rằng lịch sử quốc gia nầy trước sau vẫn do những người nông dân lãnh đạo. Những bài báo Thibault viết về các đề tài nầy khiến một số người Giao Thường gọi ông là tên thực dân cuối mùa.Sau  một thời gian lưu tại Pháp để dạy tại Đại Học Sorbone, Thibault trong nhóm sáng lập New Hardy, trở về giữ vai trò nòng cốt . Một trong các trọng trách đó, là đề ra các điều kiện thu nhận sinh viên xin học bổng  và  trực tiếp phỏng vấn những sinh viên nầy.Học bổng New Hardy còn có tên là học bổng Thibault vì do chính  ông đề xuất. Học bổng thành hình trong một dịp bất ngờ. Một hôm có người cho Thibault xem hai cái chứng chỉ Bac I và Bac II (tú tài bán phần và toàn phần) đều đỗ hạng Ưu.Tìm trong hàng ngàn thí sinh, không dễ thấy một người như thế. Trong chứng chỉ có ghi chú lời khen ngợi của Hội Đồng Giám Khảo.Thibault thực hiện một cuộc điều tra xem thanh niên ưu tú nầy hiện đang làm gì. Sự thật đã làm ông  tiếc nuối. Sự nghiệp của anh nầy là Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên tại một Đại Học Bắc Mỹ khi nhận học bổng và học tại trường nầy .Chuyện thành lập hội đoàn trong các trường Đại Học Bắc Mỹ là bình thường.Vấn đề là ai đưa sinh viên nầy lên làm chủ tịch. Khi mãn khóa , lẻ ra anh ta cần tiếp tục ở lại nước sở tại để làm việc trong các công ty, viện khảo cứu…, xây dựng sự nghiệp.Nhưng anh ta đã trở về Thủ Phủ để lãnh đạo các cuộc biểu tình phá rối . Sau các cuộc biểu tình, anh vào bưng biền một thời gian, sau đó trốn rừng núi trở lại Thủ Phủ và tuyệt tích.Những bậc thức giả nhiều kinh nghiệm nói rằng, chuyện người thanh niên nọ thật ra rất dễ hiểu. Chẳng qua anh ta  ngây thơ về chính trị, nghĩ rằng, mình là người yêu nước, về  đây ra mắt kích động biểu tình phá rối xã hội, sau nầy sẽ trở thành nhà lãnh đạo tương lai. Thanh niên ấy đâu ngờ , anh không thuộc về một bên nào cả. Nam Thường xem anh ta là một tên ngu ngốc bị giật dây, Bắc Thường dùng anh như một công cụ ngắn hạn, khi anh ta bị vỡ mộng tỏ thái độ  chống đối đã nhận lấy hậu quả… Câu chuyện thanh niên hai văn bằng đậu Ưu khiến Thibault suy nghĩ.Không thể để những tài năng nầy bị lợi dụng hoang phí như vậy.Và đó là sự ra đời của học bổng Thibault. Người nhận học bổng phải do đích thân Thibault phỏng vấn tuyển chọn. Mục đích của học bổng là đào tạo nhân tài về văn hóa và giáo dục cùng với khoa học kỹ thuật và kinh tế. Theo Thibault, dân Giao Thường còn chậm tiến ,phải dùng văn hóa giáo dục nâng cao dân trí. Công việc trước mắt :  những  người ưu tú phải nắm giữ vai trò chính trong hai lãnh vực văn hóa và giáo dục, sau đó là khoa học và kinh tế…Thibault còn là người thiết lập tạp chí Văn Cầm với mục đích tham gia vào các hoạt động văn học nghệ thuật Nam Thường. Ông chủ trương tách riêng hoạt động của New Hardy ra khỏi Văn Cầm và đã mời học giả uy tín Nam Thường Nguyễn Hiến đứng ra trông coi, điều hành mọi hoạt động của Văn Cầm.

            Sau khi giới thiệu học bổng New Hardy, Emily hướng dẫn tôi làm thủ tục xin học bổng. Cha tôi cũng muốn biết hoạt động của tạp chí Văn Cầm, vì ông là  dịch giả của những tiểu luận, bài báo nghiên cứu phê bình văn học trên các tạp chí của Thủ Phủ, kể cả Văn Cầm, từ nhiều năm nay. Tôi cũng nhắc đến các truyện ngắn và những bài thơ của tôi đã đăng trên Văn Cầm. Dường như Emily biết rỏ những sáng tác của tôi trên Văn Cầm, cũng như tên tuổi cha tôi trên các tạp chí văn học Thủ Phủ và Văn Cầm , nên đã vui vẻ cho biết sẽ dành thời gian tiếp đón chúng tôi vào một dịp thuận tiện. Cô ta xin số điện thoại của chúng tôi …

            Sau nầy, với vai trò ký giả của New Hardy,tôi có nhiều dịp làm việc với Emily. Cô có bằng thạc sĩ về chính sách đối ngoại, quan hệ quốc tế kể cả khoa học chính trị.Sau khi mãn khóa, Emily thực tập chuyên ngành ở cấp độ đại học và sau đại học - những công việc rất quan trọng đối với các cá nhân cố vấn chính sách đối ngoại.Viết vài hàng về chuyên ngành của Emily để biết vai trò quan trọng của cô trong New Hardy.

 

            Emily là chuyên gia  phân tích các vấn đề đối ngoại giúp các tổ chức phi chính phủ, các tập đoàn khu vực tư nhân xây dựng hoặc sửa đổi các chính sách của họ dựa trên những gì đang diễn ra ở những khu vực quan trọng trên thế giới.

            Emily có hiểu biết sâu sắc về cách các quốc gia liên hệ với nhau về mặt chính trị, kinh tế và ngoại giao.Thibault đã chọn Emily làm cố vấn chính sách đối ngoại.Cô làm việc dưới quyền của Thibault giúp thực hiện nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến lãnh vực chuyên môn có thể ảnh hưởng đến chính sách và vị trí của New Hardy.Công việc cũng bao gồm hỗ trợ xây dựng kế hoạch và hình thành chính sách cũng như tác động của các chính sách nầy đến quan hệ quốc tế.

            Tôi nhận thấy,việc phân tích các vấn đề đối ngoại giúp New Hardy xây dựng hoặc sửa đổi các chính sách dựa trên những gì đang diễn ra ở những khu vực quan trọng . Nhà phân tích các vấn đề đối ngoại như Emily  phải am hiểu lịch sử, văn hóa và hệ thống chính trị của quốc gia hoặc khu vực mà họ nghiên cứu, và phải cập nhật các sự kiện thời sự. Như vậy, Emily có trách nhiệm quản lý các lợi ích chính trị và thương mại.

            Dù  muốn viết đầy đủ những công việc hàng ngày rất bận rộn của Emily, tôi cũng chỉ biết ghi lại một số trong đó, bao gồm xây dựng các đề xuất chính sách hoặc chương trình về các vấn đề được giao phó ; chuẩn bị giấy tờ và tài liệu giao ban; hợp tác với các đối tác nước ngoài ; phát triển và chuẩn bị các phân tích chuyên sâu về các vấn đề được giao ; đánh giá và nâng cao hiệu quả của chương trình liên quan đến các quy định, luật pháp hoặc nguồn lực được đề xuất; đặt vấn đề mới về chính sách và kế hoạch làm việc cho các bài báo hoặc báo cáo ; nỗ lực phân tích và viết báo cáo ; đề xuất chính sách cho các báo cáo ; viết thuyết trình cho các dự án nghiên cứu…

             Những dòng cuối cùng tôi viết về Emily, có thể tóm lược, rằng Emily thành công nhờ có kỹ năng viết, nói và giao tiếp cá nhân tuyệt vời ; thành thạo trong việc hiểu các thông tin kinh tế xã hội và chính trị phức tạp … Emily có thể làm việc cho bất kỳ Đại Học hoặc tập đoàn đa quốc gia nào. Emily cũng có thể làm việc cho các hãng truyền thông để đóng vai trò đầu mối liên lạc giữa giới truyền thông với các chính phủ và doanh nghiệp quốc tế.Trong các bối cảnh này, các nhà phân tích đối ngoại như Emily sẽ viết các bảng tóm tắt liên quan đến các chủ đề có ý nghĩa quốc tế, sau đó cung cấp cho các nhà báo về các chủ đề đó. Công việc nầy rất quan trọng để tạo ra nội dung tin tức quốc tế toàn diện, chính xác…

 

 

 

 

 

 

 

Phan Tấn Uẩn
Số lần đọc: 581
Ngày đăng: 21.10.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện viễn mơ thời chiến (chương mở đầu) - Phan Tấn Uẩn
Kỳ 3/7 (Tập truyện ngắn: Không phải lần đầu: Áo bà ba) - Huyền Văn
Kỳ 2/7 (Tập truyện ngắn: Không phải lần đầu) - Huyền Văn
Kỳ 1/7 (Tập truyện ngắn: Không phải lần đầu) - Huyền Văn
Vòng tay hư ảo (Phần cuối) - Đỗ Nguyễn
Vòng tay hư ảo (Phần 7) - Đỗ Nguyễn
Vòng tay hư ảo (Phần 6) - Đỗ Nguyễn
Vòng tay hư ảo (phần 5) - Đỗ Nguyễn
Vòng tay hư ảo (Phần 4) - Đỗ Nguyễn
Tiểu thuyết: Một nỗi đau riêng (Chương 13) - Lê Ký Thương
Cùng một tác giả
Đêm Mù Mộ Địa (truyện ngắn)
Chuyến về quê (truyện ngắn)
Giấc mơ chiếu manh (truyện ngắn)
Trên sợi tóc buồn (truyện ngắn)
Quán về khuya (truyện ngắn)
Phố đỏ (truyện ngắn)