Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.400 tác phẩm
2.747 tác giả
617
116.772.277
 
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 4)
Phan Tấn Uẩn

 

 

            Thibault đối mặt với những vấn đề khó khăn rắc rối bắt buộc phải chuẩn bị giải quyết trước khi xây dựng làng Trung Châu. Trước hết phải biết nhu cầu của nghiên cứu sinh quốc tế là gì ? Tiếp theo, làm cách nào để hai phía đối địch trong chiến tranh Giao Thường công nhận tính trung lập của làng Trung Châu để họ có thể tin tưởng vai trò trung gian của New Hardy. Phải kể thêm vấn đề “dân làng” , ngoài thành phần chính là sinh viên, còn những ai có đủ tư cách vào làm việc trong làng như sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…? Quản lý xã hội khi Trung Châu trở nên đông đúc cũng là vấn đề quan trọng…

 

            Ngay lúc mới vào New Hardy, tôi đã rất muốn biết những nghiên cứu sinh đến đây sẽ viết gì về cuộc chiến ủy nhiệm Giao Thường. Tôi mạnh dạn nêu câu hỏi nầy với Emily. Cô cho biết, công việc đầu tiên của khóa học là mỗi sinh viên phải viết một đề án nộp cho giáo sư hướng dẫn. Đề án nầy phải ghi các đề tài sinh viên sẽ viết .Dĩ nhiên mỗi người viết riêng một đề án. Emily đưa ra thí dụ các đề tài do một sinh viên nêu ra về chiến tranh Giao Thường : khái niệm về cuộc chiến ủy nhiệm, hậu quả chiến tranh,quan điểm về chiến tranh trong Trường phái Revisionism (thuộc chủ nghĩa xã hội nghiên về sửa đổi hơn là tinh thần cách mạng thường gọi là chủ nghĩa xét lại), mối liên hệ giữa chiến tranh và sự bất ổn của sinh viên, nguyên nhân và ảnh hưởng của chiến tranh,vai trò của phụ nữ trong chiến tranh , khác nhau giữa chiến tranh Giao Thường và Chiến tranh Cao Ly, hình ảnh nổi bật của chiến tranh, phong trào Dân quyền và Chiến tranh,  lính Đồng Minh gốc Phi châu trong chiến tranh vân vân.

            Tham khảo ý kiến sinh viên, Thibault quyết định cho nhóm đại diện sinh viên gặp  trực tiếp kiến trúc sư  Geoffrey để bàn về ngôi nhà của họ muốn dựng lên trong làng Trung Châu. Thibault  phân lô đất cho sinh viên nào muốn xây nhà riêng trong làng, không bắt buộc. Hầu hết đều rất hoan nghênh. Có nhà riêng, nghiên cứu sinh có thể đưa thân nhân, người yêu từ mẫu quốc của họ vào làng Trung Châu thăm viếng, tạm trú hoặc sinh sống theo ý thích và nhất là mỗi người có thể tìm hiểu, trao đổi thông tin, tài liệu với người của cả hai phía đối địch, phục vụ cho công trình nghiên cứu.

            Giải quyết xong nhu cầu của sinh viên, Thibault còn phải đau đầu gấp nhiều lần hơn với “sứ mạng bí mật”: thăm dò phản ứng bên phía Nam Thường - Đồng Minh và phía Bắc Thường đối với nhu cầu của nghiên cứu sinh quốc tế. Để thực hiện, Thibault nghĩ ngay đến người bạn Alain Delon (xin đừng nhầm tên tài tử lừng danh Alain Delon) lúc còn học ở Sorbonne. Anh nầy từng là lãnh tụ sinh viên trong cuộc biểu tình nổi dậy làm lung lay chính phủ Pháp-lăng-sa. Với tư cách là sinh viên chính thức của New Hardy, tôi đã hỏi Emily về sự kiện lịch sử nầy. Emily nói Thibault đã từng cho cô biết :

            “ Đây là cuộc bất ổn dân sự đã xảy ra trên khắp nước Pháp-lăng-sa, kéo dài khoảng tám tuần.Đã xẩy ra các cuộc biểu tình, tổng đình công, chiếm giữ các trường đại học và nhà máy . Đỉnh điểm của các sự kiện,là nền kinh tế  bị đình trệ. Các cuộc biểu tình nổi loạn đến mức các nhà lãnh đạo chính trị lo sợ xẩy ra  nội chiến hoặc cách mạng. Chính phủ quốc gia đã ngừng hoạt động trong một thời gian ngắn sau khi Tổng thống bí mật trốn sang nước khác. Các cuộc biểu tình đã thúc đẩy các phong trào trên toàn thế giới, với các bài hát, hình vẽ graffiti giàu trí tưởng tượng, áp phích và khẩu hiệu.

            Tình trạng bất ổn bắt đầu với một loạt các cuộc biểu tình chiếm đóng của sinh viên chống lại chủ nghĩa tiêu dùng, và các thể chế truyền thống. Việc cảnh sát đàn áp nặng tay những người biểu tình khiến các liên minh công đoàn kêu gọi đình công,gây nên làn sóng 12 triệu công nhân, hơn 20% tổng dân số quốc gia vào thời điểm đó tham gia phong trào. Đây là cuộc tổng đình công lớn nhất từng được thực hiện ở đất nước nầy, và là cuộc tổng đình công đầu tiên trên toàn quốc. Cuộc nổi loạn trên khắp nước đã vấp phải sự đối đầu gay gắt của các nhà quản lý trường đại học và cảnh sát. Những nỗ lực của cảnh sát nhằm dập tắt các cuộc đình công chỉ làm tăng thêm tình hình căng thẳng, dẫn đến các cuộc chiến trên đường phố với cảnh sát ở Khu phố Latinh.

            Tuy nhiên, đến cuối tháng, diễn tiến của các sự kiện đã thay đổi nhanh chóng. Hiệp định Grenelle, được ký kết giữa chính phủ, công đoàn và người sử dụng lao động, đã giành được mức lương đáng kể cho người lao động. Một cuộc biểu tình phản đối do phía chính phủ tổ chức ở trung tâm thủ đô đã mang lại cho Tổng Thống sự tự tin để giải tán Quốc hội và kêu gọi bầu cử quốc hội sau đó. Bạo lực nhanh chóng bị dập tan. Công nhân quay trở lại công việc .Cuộc biểu tình kinh hoàng nầy tiếp tục ảnh hưởng đến xã hội Pháp-lăng-sa, được coi là thời kỳ bước ngoặt về văn hóa, xã hội và đạo đức trong lịch sử.Alain - một trong những nhà lãnh đạo thời đó - sau đó tuyên bố rằng phong trào đã thành công "như một cuộc cách mạng xã hội, không phải là cách mạng chính trị."

 

            Nhớ lại chuyện cũ,Thibault viết thư liên lạc với Alain. Họ trao đổi ý kiến gì không ai biết .Chỉ biết sau đó ít lâu, Alain từ ngoại quốc bay qua Bắc bộ phủ. Tên tuổi  Alain không xa lạ gì với giới lãnh đạo chính trị của Bắc Thường. Họ rất nhiệt tình chào đón Alain qua Giao Thường và trang trọng tổ chúc chuyến đi cho Alain theo giao liên vào Nam Thường viếng thăm các khu giải phóng, từ đó có người bí mật đưa Alain vào Thủ Phủ gặp Thibault vào một đêm mưa phùn. Đôi bạn gặp nhau mừng rở , Alain lưu lại Thủ Phủ mấy tháng bên cạnh Thibault không gặp trở ngại gì. Không những an toàn vui chơi ở Thủ Phủ, Alain còn gặp bạn học cũ đang là một Bộ Trưởng Văn hóa Thể Thao  trong chính phủ Nam Thường, ông nầy trước đây du học ở thủ đô Pháp -lăng-sa. Ngoài thuận lợi nầy, thái độ của  Alain không bị coi là thành phần ủng hộ Bắc Thường khi tuyên bố cuộc biểu tình năm nào chỉ là cách mạng xã hội, không phải là cách mạng chính trị nghiêng về một phía nào..

            Dự kiến của Thibault không sai.Alain là trung gian để hai phía Nam-Bắc Thường, được cả hai bên tin tưởng. Đó là mấu chốt của một thành quả bất thành văn để làng Trung Châu hoạt động an toàn sau nầy. Những gì họ đã thảo luận, thỏa thuận nhau, mãi sau nầy, khi điều kiện cho phép, báo Văn Cầm đã hé lộ một vài chi tiết.Các buổi họp bí mật diễn ra gồm đại diện hai phía và New Hardy. Mở đầu buổi họp, Thibault thay mặt New Hardy, nói :

            “ Chúng tôi chỉ bàn về văn hóa giáo dục. Và mục đích duy nhất là được các bạn đồng ý giúp đỡ các sinh viên ngoại quốc yên tâm học hỏi và làm việc trong làng Trung Châu.Về mặt pháp lý,chúng tôi đã tham khảo quy chế trung lập song hành của Thụy Sĩ và Hội Hồng Thập Tự Quốc tế.”

            Đại diện Bắc Thường đề nghị Thibault nhắc lại bốn nhiệm vụ của một khu trung lập.Thibault diễn đạt bốn nhiệm vụ của làng Trung Châu dựa theo quy chế trung lập của nước Thụy Sĩ :

            “ Thứ nhất, Trung Châu tuyệt đối không tham gia bất cứ hành động thù địch nào, vì chúng tôi chỉ hoạt động trong ngành văn hóa giáo dục. Thứ hai, chúng tôi phải đối xử công bằng với hai bên, tuyệt đối không thiên vị bên nào.Thứ ba, chúng tôi không cho phép một trong các bên tham chiến xử dụng làng Trung Châu làm căn cứ hoạt động. Cuối cùng, chúng tôi được phép cấm quân đội hoặc xe quân sự di chuyển qua làng Trung Châu.”

            Im lặng bao trùm.Không ai lên tiếng. Một lúc sau, đại diện Nam Thường hỏi :

            “ Các anh gọi tên làng là Trung Châu, vậy dân làng là những thành phần nào ? ”

            “ Thành phần chính là các sinh viên ngoại quốc.” Thibault trả lời.“ Vì New Hardy phục vụ họ. Các thành phần khác là dân chúng làm ăn lương thiện…”

            “ Thế nào là làm ăn lương thiện ?” Đại diện Bắc Thường hỏi lại.

            “ Vấn đề nầy chúng ta cần thảo luận ở đây.”  Thibault đề nghị.“ Nếu có trở ngại gì về các thành phần bên ngoài vào, chúng tôi sẽ thông báo cho các bạn để cùng nhau giải quyết. Điều chúng tôi mong muốn là cho phép sinh viên quốc tế được tiếp xúc với cả hai phía”

            Tôi thấy chỉ nên đưa lên báo các vấn đề về dân sự.Câu chuyện các sinh viên muốn tiếp xúc với những người trực tiếp tham dự cuộc chiến của cả hai bên là vấn đề nhạy cảm, cần thảo luận riêng tư mất nhiều thời gian và không tiện đưa lên báo.Người ta thường nói những câu chuyện nầy được thực hiện bằng các dấu hiệu kín đáo có khi là bí mật. Mặc dù có vướng mắc trở ngại phải thảo luận nhiều, nhưng cuối cùng Alain đã giúp các sinh viên được làm việc theo ý muốn của họ.

            Cũng bàn chuyện dân làng, viện trưởng Ricard chủ trương giải quyết nội bộ. Ông triệu tập ban điều hành bàn thảo và đề ra các biện pháp, điều kiện để chọn các gia đình bên ngoài vào sinh sống, làm việc trong làng. Càng thảo luận càng gặp nhiều vấn đề phức tạp nhất là giải quyết thế nào về nghĩa vụ công dân.Chẳng hạn, thi hành nghĩa vụ quân dịch, chiêu mộ du kích, binh lính của hai bên, đóng thuế…Cuối cùng, làng Trung Châu quyết định không nhận người bên ngoài vào sinh sống trong làng. Nhưng New Hardy sẽ quy hoạch các khu nhà ở cho sinh viên, khu kinh doanh, dịch vụ với cửa hàng ,tiệm buôn, chợ , khu giải trí … và mời gọi các nhà kinh doanh bên ngoài vào hợp tác , thuê cơ sở…

            Bước đầu của chương trình thành lập Trung Châu, căn bản đã được giải quyết. Từng nhóm nghiên cứu sinh các quốc tịch khác nhau bắt đầu tham gia xây dựng nhà ở. Việc nầy hoàn toàn tự nguyện, không phải nghiên cứu sinh nào cũng xây dựng nhà ở trong làng.Ký túc xá vẫn là nơi ở chính của họ. Chỉ ngoài giờ tham gia học khóa người nào có nhà riêng mới đến Trung Châu, những người khác thích đến làng để vui chơi, thư giãn. Quang cảnh hoạt động nhộn nhịp đánh thức vùng cận sơn trở mình đứng dậy.Chỉ từ ba đến sáu tháng làng Trung Châu trở thành một thị trấn, không khác gì mô hình công xã Pháp, communes of France, đúng như dự tính quy hoạch ban đầu của New Hardy.Hân hoan vui thích nhất là giới nghiên cứu sinh quốc tế của Đại Học New Hardy. Họ đưa thân nhân, người yêu từ quê hương qua Trung Châu thăm viếng vui chơi, ở lại hàng tháng, có người mang cả gia đình qua Nam Thường có ý định cư lâu dài. Niềm hạnh phúc có thật …

            Làng Trung Châu càng phát triển, phát đạt, càng phát sinh nhiều vấn đề phức tạp. Vấn đề phân chia lợi nhuận từ các loại thuế thu được trong làng cho các phe phái trong cuộc chiến buộc New Hardy phải kín đáo tổ chức nhiều cuộc họp. Đại diện của tất cả ba phía Nam, Bắc Thường và New Hardy đều xác nhận  sự xuất hiện và vươn lên về mặt kinh tế của làng Trung Châu mang lại lợi ích cho tất cả và cần được duy trì. Kết thúc các buổi họp, Nam-Bắc Thường đồng ý để New Hardy chịu trách nhiệm thu thuế trong phạm vi làng Trung Châu và có nghĩa vụ phân chia lợi nhuận theo tỉ lệ hợp lý cho các bên liên quan…

            Tôi thường đến làng Trung Châu vào những ngày rảnh rỗi cùng với vài sinh viên, ngồi thư giản trong các quán cà-phê dã chiến. Một khung cảnh gần như đã quen thuộc.Làng nầy không có những building cao hàng chục tầng.Trong tập tài liệu của một sinh viên tôi đọc thấy 35 kiểu nhà, nhưng hầu hết nhà ở trong làng Trung Châu là loại nhà Bungalow.

            Tôi không biết phải dịch chữ Bungalow như thế nào. Kiến trúc sư Geoffrey cho biết kiểu nhà gỗ nầy có nguồn gốc từ những ngôi nhà nhỏ ở Ấn Độ, bắt nguồn từ “ngôi nhà của người Bengali”.Các thủy thủ người Anh của Công ty Đông Ấn xác định bungalow lấy tên từ tiếng Hindi vào cuối thế kỷ 17. Thuật ngữ bungalow như chúng ta biết ngày nay - một ngôi nhà nhỏ, thường là một tầng - được phát triển vào thế kỷ 20, mặc dù định nghĩa của nó khác nhau ở các khu vực trên thế giới. Ví dụ, ở Ấn Độ ngày nay, thuật ngữ này thường đề cập đến bất kỳ ngôi nhà nào.Ở Canada và Vương quốc Anh, nhà gỗ hầu như chỉ đề cập đến các loại nhà một tầng.Nhà gỗ ở Úc chịu ảnh hưởng từ nhà gỗ California, đây là loại nhà gỗ phổ biến ở Hoa Kỳ từ khoảng năm 1910 đến năm 1940 và mở rộng ra nước ngoài khi những bộ phim của Hollywood có hình ảnh những ngôi nhà bungalow trở nên phổ biến và tăng sự yêu thích của các sản phẩm do Mỹ sản xuất.Hiện nay khi nói đến bungalow, người ta nghĩ đến ngôi nhà gỗ một tầng nhỏ kiểu nông thôn hoặc cabin, nhưng cũng có thể là những nhà gỗ rộng rộng lớn.

            Một trong những điểm thu hút chính của bungalow là mô hình nhà một tầng có rất nhiều sơ đồ phong phú. Đây là điều quan tâm của giới trẻ. Do cách xây dựng theo truyền thống, nội thất có thể dễ dàng tùy chỉnh để phù hợp với nhu cầu sinh hoạt . Các bungalow ban đầu được thiết kế sao cho việc xây dựng thật dễ. Điều này cũng giúp họ dễ dàng sửa đổi hoặc bảo trì và tiết kiệm chi phí. Kiến trúc truyền thống của bungalow có khả năng chống chọi được các thử thách của thời gian..  

            Nói về nhà hàng (restaurant) trong làng Trung Châu, hầu hết do tư nhân bên ngoài vào đấu thầu, được hình thành dựa trên kinh nghiệm hoặc sở thích cá nhân của chủ nhân thường kiêm luôn đầu bếp. Kiểu nhà hàng nầy hội đủ các khái niệm về di sản, nguyên liệu địa phương và truyền thống gia đình. Nếu bạn thấy một vài kiểu nhà hàng mới lạ khác xuất hiện trong làng, bạn có thể  xác định ngay chủ nhân đã có kinh nghiệm du lịch, được đào tạo trong các khóa học ẩm thực hoặc quan tâm đến một lãnh vực nghệ thuật, khoa học hoặc văn hóa nào đó.

            Nhìn chung, nhà ở và nhà hàng do chính chủ nhân thiết kế xây dựng, trường New Hardy chỉ phân lô đất và chỉ định vị trí theo quy hoạch. Riêng những căn phòng cho thuê làm dịch vụ như tiệm buôn,phòng sửa chữa đồ gia dụng, phòng bán vé máy bay hoặc đại diện các hãng du lịch, nhà trưng bày xe … do New Hardy xây sẳn thành từng hàng dài đủ tiện nghi cuốn hút khách…

(Còn tiếp)

 

 

 

           

 

Bungalow type micro-house 16M2

(Một kiểu nhà bungalow siêu nhỏ 16 mét vuông)

 

 

 

 

 

 

Kiểu nhà Bungalow thông dụng hiện nay

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phan Tấn Uẩn
Số lần đọc: 505
Ngày đăng: 10.11.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện viễn mơ thời chiến (chương 3) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (chương 2) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (chương 1) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (chương mở đầu) - Phan Tấn Uẩn
Kỳ 3/7 (Tập truyện ngắn: Không phải lần đầu: Áo bà ba) - Huyền Văn
Kỳ 2/7 (Tập truyện ngắn: Không phải lần đầu) - Huyền Văn
Kỳ 1/7 (Tập truyện ngắn: Không phải lần đầu) - Huyền Văn
Vòng tay hư ảo (Phần cuối) - Đỗ Nguyễn
Vòng tay hư ảo (Phần 7) - Đỗ Nguyễn
Vòng tay hư ảo (Phần 6) - Đỗ Nguyễn
Cùng một tác giả
Đêm Mù Mộ Địa (truyện ngắn)
Chuyến về quê (truyện ngắn)
Giấc mơ chiếu manh (truyện ngắn)
Trên sợi tóc buồn (truyện ngắn)
Quán về khuya (truyện ngắn)
Phố đỏ (truyện ngắn)