Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.400 tác phẩm
2.747 tác giả
578
116.765.449
 
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 13)
Phan Tấn Uẩn

 

            Trong làng Trung Châu, trước phòng trưng bày xe du lịch, đặc biệt xe cũ thuộc các thương hiệu sang cả, nhộn nhịp khách hàng, hai người đàn ông đang chỉ trỏ bàn tán về chiếc xe Toyota hiệu Lexus. Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu một người trong bọn họ không đề cập đến chiếc tàu biển có tên Hardy. Tôi bước ngang qua, nghe được, dừng lại góp ý, hỏi người vừa nhắc tên tàu Hardy. Ông nầy được dịp kể lại hành trình theo tàu Hardy từ một tiểu bang Bắc Mỹ qua Giao Thường. Tôi biết tàu Hardy thuộc loại Ocean liner là tàu vận chuyển hành khách và hàng hóa qua các vùng biển hoặc đại dương.Trong một số trường hợp đặc biệt, tàu có thể thực hiện các chuyến du ngoạn trên biển hoặc làm tàu bệnh viện. Ocean liner được thiết kế vững chắc với mạn tàu cao để chống chọi với biển động và các điều kiện bất lợi gặp phải ở biển khơi. Với lớp mạ vỏ tàu dày, có sức chứa nhiên liệu lớn hoặc thực phẩm và các vật tư khác trong những chuyến hải hành dài ngày, chúng khác hẳn tàu du lịch cruise ship.

 

            Tôi chỉ biết tàu Hardy mỗi năm có vài ba chuyến đưa sinh viên từ các tiểu bang Bắc Mỹ qua Đại Học New Hardy. Những năm đầu là các nghiên cứu sinh. Sau nầy trường mở rộng thu nhận sinh viên năm thứ nhất, tàu Hardy cũng đưa họ đến học. Tuy nhiên làng Trung Châu chỉ phân lô cho nghiên cứu sinh làm nhà ở, sinh viên chưa tốt nghiệp không được quyền lợi nầy. 

 

            Tôi đã không quan tâm gì đến vai trò kinh doanh của tàu Hardy đến khi câu chuyện thú vị của người đàn ông nhắc tôi nhớ lại câu hỏi từ lâu chưa có câu trả lời. Ông khách nầy người Giao Thường làm việc trong một công ty vận tải đường biển, được biệt phái qua tàu Hardy để hộ tống hàng hóa từ hải cảng của Thủ Phủ xuất sang các nước Âu Mỹ và theo tàu nầy chở các loại xe cũ thu gom từ nước ngoài về bán trong nước. Chiếc xe Lexus ông ta vừa chỉ trõ cho người kia thấy, do chính ông ta hộ tống mang từ Bắc Mỹ về Thủ Phủ. Ông ta chỉ có nhiệm vụ hộ tống hàng hóa qua lại, những công đoạn trong quy trình kinh doanh của công ty đã có sẳn các bộ phận khác lo liệu.

 

            “ Tôi có thể nói với anh” . Người đàn ông nhìn thẳng vào tôi . “  Tất cả các loại xe hơi cũ hạng sang đều do tôi theo tàu Hardy hộ tống chở từ các nước , nhiều nhất là Bắc Mỹ, về trưng bày, bán ở Thủ Phủ nấy. Anh cũng biết Thủ Phủ là thủ đô của Nam Thường. Dân Giao Thường có đặc điểm thích sĩ diện. Họ nghe lóm tên các hiệu xe đắc tiền sang trọng trên thế giới, rồi săn tìm xe cũ vừa túi tiền để mua .”

            “ Ông phải rành các loại xe nầy ? ” Nghe tôi nói thế, ông ta tuôn ra một tràng đủ các loại xe sang như Rolls-Royce,Mercedes-Benz,Land Rover, Lexus, BMW, Porsche , Lamborghini ,…khiến người nghe tối tăm mặt mũi. Tôi  cười lớn đưa tay hạ giảm phấn khích nơi người đàn ông quen nghề quảng cáo. Tôi cho ông biết, tôi đang làm việc trong tập đoàn New Hardy chủ sở hửu của con tàu nầy, nhưng chưa lần nào thấy những chiếc xe cũ từ nó bò vào các  kho chứa ở đây. Cũng chưa lần nào thấy hàng hóa ở đây chất vào nó để ra biển.

             “ Tàu Hardy thường chở nhiều nhất các mặt hàng nào của Nam Thường ?” Tôi hỏi.

            “ Các pho tượng đủ loại.”  Ông cho biết. “ Như cặp sư tử đá hoa cương, hay tượng Phật. Sau nầy còn có thêm đồ gỗ chạm khắc công phu của thương hiệu Đông Việt.”

            Nghe tên đồ gỗ Đông Việt tôi nhớ ngay xưởng cưa do Trác Lập quản lý có bộ phận chạm khắc mỹ thuật đồ gỗ.

            “ Tượng Phật gặp nhiều nhất là tượng Phật Bà Quan Âm bằng đá hoa cương, phải không ?”  Tôi hỏi.

            “ Vâng. Nhưng có những pho tượng khổng lồ chở từ Thủ Phủ qua các tiểu bang Bắc Mỹ , mỗi pho nặng tới hơn 4, 5 tấn phải đúc bằng xi-măng cốt thép…”

            “ Chùa nào ở Bắc Mỹ phải cần tới các pho tượng nặng cở ấy ? Để làm gì ? “ Tôi hỏi.

            “ Anh có ngây thơ không ?” Ông nói như trêu chọc tôi. “ Tôi từng hộ tống các xe cần cẩu hạng nặng đưa ba pho tượng như thế đến một ngôi chùa vào nửa khuya vắng xe trên đường …”

            “ Chùa đó chắc chắn phải lớn hơn chùa Vĩnh Nghiêm mới đặt được ba pho tượng khổng lồ đó ?” Tôi thắc mắc.

            “ Lớn nhỏ không cần biết.’ Ông ta phân trần. “ Người ta chỉ cần có các pho tượng tráng lệ như thế .Có gì khó hiểu đâu. Nếu anh có dịp qua Bắc Mỹ ghé thăm bất cứ chùa nào đều thấy tượng Phật đủ loại nằm la liệt khắp khuôn viên. Mỗi nhóm tượng đặt một thùng phước sương to tổ chãng…Anh hiểu rồi chứ ?”

            “ Vâng, tôi hiểu. Hình như các sư trụ trì trong các chùa ấy thuộc thế hệ mới, trẻ tuổi ,năng động, có đầu óc…”

            “ Anh không nên đi quá xa.” Ông ta ra vẻ thạo đời. “Nội chuyện tiền đâu để tậu những pho tượng đó đủ là một dấu hỏi to tướng ?”

            Chuyện kể trên mới trả lời được câu hỏi thứ nhất về những chiếc xe du lịch và các pho tượng. Quan trọng hơn, nó trả lời một câu hỏi khác đáng chú ý hơn, liên quan đến Đại Học New Hardy. Tôi đã có dịp nói qua về thân thế và sự nghiệp của Thibault, nhưng điều cốt lõi làm nên một Thibault như hiện nay vẫn chưa có bất cứ người nào chạm đến, vì nó nhuốm đầy những giai thoại và huyền thoại (anecdotes and legends). Lúc cha tôi và tôi vào Thủ Phủ đến gặp Trần Văn, sau nầy đổi tên là Ricard, ông giới thiệu New Hardy hình thành do một nhóm giáo sư Giao kiều đóng góp công sức và tiền của. Điều nầy đúng một phần về cơ sở vật chất nhưng đúng toàn phần về cơ sở pháp lý. Ricard mãi mãi là viện trưởng, nhưng bộ não và xương sống của New Hardy chính là Thibault, cố vấn. Con tàu viễn dương lấy tên Hardy của một trường học Bắc Mỹ , mới là nguồn gốc của Đại Học New Hardy xuất hiện tại Thủ Phủ của Nam Thường, vì nó là tài sản của Thibault. Tiết lộ một sự thật như thế nầy không khác gì kể lại các giai thoại hoặc huyền thoại. Bạn có tin không, một phần của con tàu đắm giữa đại dương mang theo khối tài sản khổng lồ trở thành gia tài thừa kế của Thibault. Cha của Thibault là cố vấn cho toàn quyền Đông Dương, đã phiêu lưu bỏ tiền ra thuê một đội chuyên gia danh tiếng thế giới ,trục vớt một con tàu trong vùng biển Colombia. Ông dám làm điều nấy, vì nắm được thông tin bí mật về một con tàu đắm có tên là  Hope Ship (con tàu hy vọng). Lịch sử ghi nhận có khoảng 1.000 tàu bị chìm ngoài khơi Colombia, đang chờ được phát hiện. Không biết bằng cách nào, viên cố vấn toàn quyền Đông Dương lại chọn con tàu Hope Ship giữa hàng ngàn con tàu khác, để đầu tư. Khi biết tin trục vớt tàu Hope Ship,Tây Ban Nha đã lên tiếng yêu sách, rồi đến lượt quốc gia bản địa Bolivia cũng đòi quyền khai thác. Trong nhiều thế kỷ,Hope Ship đã bị mất tích dưới đáy đại dương, nhưng giờ đây nó đang là trung tâm của cuộc tranh chấp con tàu mang theo khối tài sản nhiều tỉ dollar.Lần lại lịch sử,tàu Hope Ship của Tây Ban Nha đã bốc cháy ngoài khơi bờ biển Colombia khi giao chiến với quân Anh.Ngọn lửa bùng phát , con tàu chìm xuống đại dương, mang theo hơn năm trăm người với số vàng, bạc và đồ trang sức trị giá lên tới 30 tỷ đô la. Thông tin nầy là huyền thoại hấp dẩn thế giới  tồn tại trong nhiều thế kỷ. Hope Ship nằm cô đơn dưới đáy đại dương đến khi viên cố vấn toàn quyền Đông Dương nắm được đầu mối của nó do một tài liệu bí mật. Phải mất ba năm , toán chuyên gia do ông ta tài trợ với hậu thuẫn của chính phủ Pháp-lăng-sa, mới âm thầm tìm thấy. Những bí ẩn của Hope Ship dần dần sáng tỏ. Nó nằm ở độ sâu hơn nửa cây số. Các bên tranh chấp đều tuyên bố quyền sở hữu đối với nó. Sự thật chỉ có nhóm chuyên gia của viên cố vấn biết chính xác vị trí của Hope Ship.Nó  nằm gần quần đảo Rosario và công viên quốc gia cách Cartagena 30 km. Điều nầy có nghĩa là hơn ba trăm năm nay hàng loạt thuyền lớn nhỏ chở khách du lịch vẫn phóng trên mặt nước mỗi ngày mà không biết nằm sâu bên dưới hơn 500 mét là  một con tàu cô đơn giàu có. Bạn không nên nhầm lẩn con tàu Hope Ship với tàu San José trong tác phẩm Love in The Time of Cholera (Tình yêu thời dịch tả) của tác giả đoạt giải Nobel Gabriel García Márquez trong đó nhân vật chính đã lên kế hoạch lặn xuống biển để chinh phục con tàu giàu có phục vụ suốt đời cho tình yêu của nhân vật. Con tàu kho báu Hope Ship có một lịch sử được ghi trong tập tư liệu riêng của Đại Học New Hardy.Tôi không phải là người chuyên viết chuyện ly kỳ hấp dẫn, phiêu lưu mạo hiểm,nên không kể  về quá trình từ khi viên cố vấn tìm được manh mối con tàu đến khi trục vớt thành công và trở thành một phần sở hữu chủ con tàu kho báu nầy. Tôi chỉ nhấn mạnh đến cuộc chiến pháp lý giữa viên cố vấn có chính phủ của ông ta hổ trợ với các bên liên quan là Tây Ban Nha và Bolivia trong gần 30 năm. Tàu Hope Ship là tâm điểm cung cấp thông tin về lịch sử thuộc địa. “Nó đại diện cho gần 300 năm lịch sử thuộc địa từ châu Âu và đặc biệt là từ Tây Ban Nha đến lãnh thổ Hoa Kỳ.” Ngoài khối tài sản vàng bạc, đá quý và nữ trang kếch xù, còn có những  khẩu đại bác bằng đồng, có khắc các hình ảnh minh họa của lịch sử thuộc địa. Mặc dù cuộc tranh chấp pháp lý diễn ra gay gắt  nhưng không bên nào muốn làm hại đến Hope Ship với các kho báu của nó . Cuối cùng, một tòa án quốc tế phán xét : 55% khối tài sản của Hope Ship là di sản văn hóa của nhân loại , 45% còn lại chia đều cho các bên tranh chấp. Chính phủ Pháp-lăng-sa chia cho viên cố vấn, người cha của Thibault, số tiền gần hai tỉ dollar. Chuyện tôi kể có mục đích giúp những ai muốn tìm hiểu trường New Hardy biết nguồn tài chánh từ đâu để phát triển Đại Học nầy. Nhưng tại sao từ một con tàu đắm có tên là Hope Ship trở thành tàu Hardy mà người đàn ông tôi gặp trước phòng trưng bày là người đi theo hộ tống hàng hóa. Câu chuyện nầy xẩy ra do tính lãng mạn của con người Thibault.

 

            Nhận được tài sản thừa kế từ người cha, Thibault muốn ghi dấu ấn lịch sử lên số tài sản nầy. Ông liên hệ với một công ty đóng tàu và chuyên gia phục hồi di sản văn hóa đến phòng trưng bày lịch sử hàng hải, mô phỏng tàu Hope Ship để đóng mới một con tàu bên ngoài giống hệt tàu Hope Ship (dĩ nhiên là động cơ và các kỹ thuật đóng tàu tân tiến được áp dụng thay thế kỹ thuật thời xưa) . Thibault đặt tên tàu là Hardy khi ông ta và nhóm giáo sư Giao Thường hải ngoại thành lập Đại Học New Hardy. Số tiền đồng đều của  mỗi thành viên đóng góp thành lập trường ban đầu, không đáp ứng đủ phí tổn phình to khi xây dựng Đại Học New Hardy, Thibault một mình gánh hết phần thiếu hụt nầy. Đặt tên tàu Hardy như một thương hiệu uy tín trong thương trường, công ty vận tải đường biển do Thibault có cổ phần lớn đã sinh lợi từ khi New Hardy mở rộng hoạt động.

 

            Biết rỏ hoạt động tàu Hardy, chúng tôi thường ra cãng nước sâu Thủ Phủ theo dõi lịch trình. Thật khó để trực tiếp đứng xem nó bốc dỡ , hoặc nhận chuyển hàng hóa, vì các hoạt động nầy thường xẩy ra vào đêm khuya. Nhưng với khách du lịch, quang cảnh ban ngày quanh tàu Hardy là một hoạt cảnh thú vị. Những khách du lịch thường đi cruise ship, nhưng chúng tôi thích một lần ngồi trên tàu Hardy. Miễn sao được ngồi trên nó. Nó có thể chạy bất cứ đâu, chở bất cứ thứ gì. Tôi chỉ muốn có cảm giác ngồi trên con tàu có hơi thở của New Hardy, nhất là gặp được một vài du khách người đồng hương, khoe với họ đây là con tàu của trường tôi đã học và đang làm việc.Một vài khách nói tiếng ngoại quốc, tôi cũng được dịp làm hướng dẫn viên lành nghề, giới thiệu lịch sử của nó, nhất là nhắc đến hình ảnh con tàu Hope Ship cách đây hơn ba thế kỷ. Tôi nói vui với họ, con tàu huyền thoại Hope Ship là tàu mẹ của Hardy. Họ thích thú cười vang dội cả boong tàu. Tôi hỏi họ tại sao không đi cruise ship lại lên ocean liner như Hardy, họ bảo họ muốn xem bản sao của con tàu huyền thoại Hope Ship. Đúng là con tàu Hardy vẫn còn mang hơi ấm lịch sử. Đây là lý do tàu Hardy vẫn có thể thay thế cho tàu du lịch.

 

            Tôi cần nói thêm ở đây. Ngành du lịch đại dương được quy định rất chặt chẽ. Mọi tàu thương mại, bao gồm cả tàu du lịch, phải được đăng ký với một quốc gia để đi trên vùng biển quốc tế. Một quốc gia chỉ có thể đăng ký tàu nếu quốc gia đó là thành viên của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO: International Maritime Organization). IMO là một cơ quan của Liên hiệp quốc. LHQ bao gồm hầu hết các quốc gia độc lập trên thế giới và được thành lập để thúc đẩy hòa bình và an ninh. Bất kỳ quốc gia nào đăng ký tàu theo IMO đều phải thông qua các Nghị quyết và Công ước của IMO về an toàn hàng hải. Ngành công nghiệp du thuyền đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy an toàn trên biển. Hội đồng quốc tế về các tuyến du thuyền (ICCL: International Council of Cruise Lines) là một nhóm phi chính phủ làm việc với IMO để thúc đẩy an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường.

 

Một kiểu Ocean Liner

 

            Ngoài việc đăng ký tàu, quốc gia nơi tàu cập cảng, được gọi là quốc gia có cảng biển, cũng có thể áp dụng các hạn chế đối với tàu du lịch. Bắc Mỹ Quốc nổi tiếng về việc thực thi nghiêm ngặt các quy tắc an toàn. Cảnh sát biển Bắc Mỹ kiểm tra mọi tàu viễn dương tại các cảng của họ bốn lần mỗi năm. Họ áp đặt các hạn chế bổ sung đối với các tàu được đăng ký tại Bắc Mỹ, bao gồm cả việc xây dựng và sở hữu con tàu phải là người Mỹ. Điều này dẫn đến nhiều tàu du lịch đăng ký ở các quốc gia khác, bao gồm Na Uy, Liberia, Panama và Bahamas. Hơn 90 tàu du lịch được đăng ký tại Liberia và Panama. Tàu Hardy thuộc sở hửu của công dân Mỹ, một lý do khiến Thibault chuyển đổi quốc tịch từ Pháp-lăng-sa qua Bắc Mỹ quốc. Hiện nay ngành du lịch đại dương đã chuyển hướng kinh doanh. Họ không thể quảng bá các chuyến du hành đi về , mà thay đổi sang khái niệm của một kỳ nghỉ theo mùa. Các con tàu bắt đầu đi đến những địa điểm kỳ lạ và cung cấp nhiều dịch vụ hơn.Dong ruỗi trên đại dương du khách còn có dịp biết thêm thế nào là du lịch sinh thái và câu cá trên đại dương.Du lịch sinh thái tập trung vào môi trường tự nhiên mà không làm tổn hại đến nó. Chẳng hạn những người lặn biển tận hưởng vẻ đẹp rực rở trong lòng đại dương với những đàn cá,rạn san hô, cá voi lưng gù hoặc cá heo.

 

            Tàu Hardy không thể đóng vai trò một khách sạn nổi lớn với nhà hàng,hồ bơi, cửa hàng, rạp chiếu bóng… nhưng nó vẫn cung cấp đủ các dịch vụ cần thiết cho du khách. Lần gần nhất trên tàu Hardy, tôi đã thử thời vận trong một sòng bài..Đáng tiếc là phải nướng mất một nắm dollar, không biết bao nhiêu, chỉ nhớ rằng khi bước vào chốn nầy phải bỏ ra ít nhất cũng trên dưới một ngàn đô (thường các sòng bài có ra điều kiện số tiền tối thiểu khi vào sòng )…

 

(Còn tiếp)

 

Phan Tấn Uẩn
Số lần đọc: 983
Ngày đăng: 28.12.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 12) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 11) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 8) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 5) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 4) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (chương 3) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (chương 2) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (chương 1) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (chương mở đầu) - Phan Tấn Uẩn
Kỳ 3/7 (Tập truyện ngắn: Không phải lần đầu: Áo bà ba) - Huyền Văn
Cùng một tác giả
Đêm Mù Mộ Địa (truyện ngắn)
Chuyến về quê (truyện ngắn)
Giấc mơ chiếu manh (truyện ngắn)
Trên sợi tóc buồn (truyện ngắn)
Quán về khuya (truyện ngắn)
Phố đỏ (truyện ngắn)