Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.400 tác phẩm
2.747 tác giả
612
116.768.869
 
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 11)
Phan Tấn Uẩn

 

 

            Khách vào làng Trung Châu chỉ thấy những hoạt cảnh đời thường của một thị trấn. Nhưng nhiệm vụ chính của nó chỉ có những người trong cuộc  mới biết. Tôi không có chân trong nhiệm vụ nầy, vì là ký giả của New Hardy phải giữ vị thế trung lập, không được làm tổn hại đến vai trò của New Hardy.Nhân vật chính là các nghiên cứu sinh. Nói ra có người sẽ ngạc nhiên. Vì tôi thật sự biết được công việc nầy của một nghiên cứu sinh chỉ do một dịp rất tình cờ. Một sáng chúa nhật tôi ghé chơi nhà của Ron trong làng Trung Châu, vô tình chứng kiến  Ron phỏng vấn một cựu chiến binh. Bài phỏng vấn được Ron đồng ý cho đăng trên báo Văn Cầm…

      Robert Taylor, một cựu chiến binh , được hãng du lịch giới thiệu đến làng Trung Châu.  Khi  vào cỗng, nhân viên New Hardy hỏi Robert vài câu thăm dò và dẫn anh ta đến phòng ở của Ron… Robert  phục vụ quân đội hai năm trong một tiểu đoàn thủy quân lục chiến Đồng Minh,thể hiện sự dũng cảm, gan dạ nhận được nhiều huân chương chiến công. Robert nói về kinh nghiệm của mình khi phục vụ tại Giao Thường. Ronald Dickson Woodroof mở đầu phỏng vấn…

            RON : Quá trình nhập ngũ như thế nào trước khi bạn chính thức tham chiến ?

            ROBERT : Đến tuổi nhập ngũ,người ta gọi tôi lên làm thủ tục,điền vào tất cả các mẫu đơn. Việc có lên đường nhập ngũ hay không phải qua một lựa chọn trên truyền hình. Giống như một trò chơi : mỗi tháng người ta chọn ra một số ngày sinh trong tháng. Nếu thanh niên nào đến tuổi nhập ngũ có ngày sinh trùng với ngày sinh chiếu trên truyền hình, người ấy xem như “trúng số”. Anh ta phải chọn, hoặc là vào lính, hoặc ngồi tù hai năm.Tôi đã chọn vào lính.

            RON : Những ngày đầu chính thức lá lính chiến, bạn có kỷ niệm gì đáng nhớ ?

            ROBERT : Tôi đến trung tâm huấn luyện bộ binh.. Trong thời gian này, tôi đã hai lần đến Vịnh Shoalwater ở Rock Hampton và đã thực tập ba tuần đánh trận trong rừng rậm Canungra .Có lẻ đó là thời kỳ khỏe nhất trong đời tôi.Tôi hoàn thành khóa huấn luyện trong 12 tháng. Sau đó qua Giao Thường chiến đấu trong hai năm và giải ngũ…May mắn sống sót trở về, tôi vui mừng được thấy mặt cha mẹ, vợ con, quá hạnh phúc, vì rất nhiều người trong đợt nhập ngũ của tôi  đã bỏ xác nơi rừng thiêng nước độc hơn một nửa. Thời gian trong quân ngũ , chúng tôi luôn gặp những tai nạn. Rất nhiều người thiệt mạng vì tai nạn. Tuần đầu tiên trên đường tuần tiểu, hai người lính trong một tiểu đội có xích mích cá nhân trước đó, người đi sau đã bắn vào lưng người đi trước.Một cái chết lãng xẹt. Tên lính phạm tội bị tù chung thân. Trên thực tế những cái chết như thế xẩy ra không phải hiếm.Lính chiến chưa đánh trận nào, đã chết.Bọn nầy thường vào quán bar của khách sạn và uống một loại rượu mạnh vào bất kể giờ giấc. Nếu sĩ  quan chỉ huy bắt gặp, gọi chúng là một “bầy heo” và đưa chúng ra ngay trận tiền, nếu không chúng không khác gì những quả mìn nỗ chậm trong đơn vị…

            RON : Lúc nhập ngũ,bạn có biết gì về dư luận xã hội đối với những người như bạn…

            ROBERT : Ban đầu, xã hội tỏ ra lo lắng, nhưng khi chiến tranh leo thang, các bà mẹ trở nên kích động: họ không muốn con mình bị giết. Sau đó, họ bắt đầu các cuộc biểu tình chống chiến tranh.Khi chiến tranh tiếp diễn, họ liên tục đưa tin trên báo về những cái chết rùng rợn để kích động dư luận. Cuối cùng,các cuộc biểu tình trở nên dữ dội đến mức gây áp lực buộc chính phủ  đưa tất cả quân nhân về nước. Tình hình xã hội xoay chuyển, cách nhìn của người dân đã thay đổi…

            RON : Sau chiến tranh, có liệu pháp hoặc hướng dẫn gì  để giúp những cựu binh nầy không ?

            ROBERT : Lúc đầu không có gì, bởi vì người ta gán cho những cựu binh nầy chứng giả loạn thần kinh hay giả điên sau chấn thương . Sau bị công chúng phản đối quá, họ đã có các chính sách tử tế hơn…

            RON : Bạn có nghĩ rằng điều này là do không ai muốn nói về chiến tranh, hoặc đề cập đến nó?

            ROBERT : Đúng. Từng có  những người vợ bị đối xử tàn nhẫn vì cứ thích nhắc đến thảm cảnh chiến tranh. Ngày nay, chính phủ đang thực sự giúp đỡ  những người trở về từ Giao Thường. Bản thân những cựu binh cũng cần được tư vấn và giải đáp thắc mắc vì có nhiều điều vẫn còn ám ảnh họ. Giống như chúng tôi trước kia, hôm nay đang ở trong rừng  hôm sau lên máy bay qua đêm, sáng hôm sau nữa họ để chúng tôi lang thang trong thành phố, đột ngột có cảm giác như ở trên một hành tinh khác. Quân đội không để ý những câu chuyện lặt vặt nầy.Đó là một cú sốc văn hóa khá lớn đối với nhiều chàng trai. Rất nhiều người  rời bỏ thành phố, đi bụi đời đến khi quên hẳn những ám ảnh chiến tranh. Tôi nhớ tôi đã về nhà ,sau đó đi dự tiệc với tất cả bạn bè và không ai hỏi gì,nói gì về chiến tranh…

            RON : Bạn có nghĩ rằng mọi người cũng có thái độ muốn quên chuyện chiến tranh và các vấn đề liên quan đến nó ?

            ROBERT : Vâng, đúng thế.Nhưng không phải mọi chuyện đã diễn ra bình thường như vậy.Rất nhiều người có phản ứng trái chiều về chiến tranh. Người thì trầm tĩnh ổn định. Người thì bị gọi là tên sát nhân trẻ em. Người thì hung hăng với quá khứ “anh hùng” tại Giao Thường. Thỉnh thoảng người ta hỏi tôi về Giao Thường, tôi chỉ trả lời chung chung bên ấy vẫn ổn thôi, và không bao giờ giải thích nó như thế nào với bất cứ ai. Thật khó để giải thích  với ai khi họ chưa từng trải qua quá khứ như mình. Có một câu nói cũ: "Trừ khi bạn uống nó từ cốc, bạn sẽ không biết nó như thế nào." (There’s an old saying: ‘unless you drink it from the cup, you don’t know what it’s like.’)

 

Được tin “rút quân”

            RON : Bạn có nghĩ rằng hậu quả chiến tranh tác động

ngay sau khi người lính trở về hay phải  chờ đến nhiều năm sau ?

            ROBERT : Nó đa dạng. Một số người đã thực hiện hai hoặc ba chuyến qua Giao Thường. Những người đó không thể hòa nhập trở lại xã hội do kinh nghiệm từ quá khứ. Khi bạn còn trẻ, trí óc của bạn có thể xử lý nó nhưng khi bạn già đi, thậm chí ở độ tuổi 70 và 80, bạn có thể mắc chứng loạn thần kinh chiến tranh. Nó có thể tấn công bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi khi họ trở về từ chiến trường.

            RON : Kích hoạt có làm người khác dễ bị ảnh hưởng không ?

            ROBERT : Vâng, chỉ cần một điều nhỏ nhặt cũng có thể làm mọi người nỗi giận. Rất nhiều tác nhân nhỏ, thậm chí rất nhỏ, khiến người khác phải tức điên lên.Giống như vợ tôi, Maxy, từng nổi điên với những người chèn ép chỗ đậu xe của cô ta. Đó chắc chắn là một kích hoạt. Nói chung,đó là di chứng sau chiến tranh, ngưới ta gọi là di chứng PTSD (Post-Traumatic Stress Disorder : chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương.) Đôi khi một loạt kích hoạt được khởi động và chúng không thể dừng lại. Có một anh chàng đã vào Bộ Cựu chiến binh và rất tức giận vì không nhận được lương hưu do không đủ tiêu chuẩn.  Anh ta đã bắn chết cô gái đứng sau quầy. Đây đúng là một trường hợp kích hoạt…

RON : Chiến tranh Giao Thường đã định hình đất nước bạn như thế nào trong những năm sau đó?

            ROBERT : Thế hệ của cha mẹ tôi có kỷ cương khuôn phép ổn định, nhưng sau chiến tranh, mọi thứ trở nên tự do phóng khoáng hơn rất nhiều. Đó là giai đoạn hippie.Họ đã phá bỏ rất nhiều rào cản. Bạn biết đấy, với The Beatles luôn luôn có viên thuốc ngừa thai đi kèm. Nếu ngày xưa một cô gái chưa chồng  có thai được xem là điều tồi tệ đã xảy ra. Gia đình cô gái bị chế giễu. Những viên thuốc ngừa thai đã triệt tiêu mọi trở ngại. Xã hội đã thay đổi và trở nên tự do hơn…

            RON :  Cám ơn bạn…

            Sau lần chứng kiến cuộc phỏng vấn, những người lính ngoại kéo nhau vào Trung Châu vui chơi nhộn nhịp chưa từng thấy, hầu như người nào nghỉ phép, xuất ngũ hoặc có dịp đến Thủ Phủ đều ghé thăm ngôi làng trung lập đôc đáo nầy. Tôi có nhiều dịp chuyện trò thoải mái với họ nơi các góc quán êm đềm không xa bờ suối. Không có mục đích rỏ rệt như các nghiên cứu sinh, tôi chỉ muốn nghe những câu chuyện bên lề cuộc chiến do những người lính ngoại kể lại, mà dù có hỏi họ cũng không chịu kể cho những người địa phương như tôi…

            Một anh chàng Bắc Mỹ vui tính ngồi với tôi trong một quán kem.

            “ Ai giới thiệu bạn đến đây ?” Tôi hỏi.

            “ Đi theo nhóm. “ Anh ta trả lời.

            “ Ở đây có gì khác với những nơi bạn đã từng biết trong Thủ Phủ ?”

            “ Không sợ chết bất đắc kỳ tử.( Not afraid of sudden death) ”. Anh ta nói rất tự nhiên.“ vì tôi nghe tụi bạn nói đây là làng trung lập các bên tham chiến không được phép xử dụng nó để thực hành chiến tranh”.

            “ Có trung lập, nhưng bất thành văn.”Tôi giải thích thay vì trả lời.“ New Hardy, Nam Thường và Bắc Thường ,chỉ có thỏa thuận miệng, không có văn bản ký kết. Rất bấp bênh, nhưng nhờ thiện chí của cả ba phía nên không khí chiến tranh không chường mặt tại đây.”

            “ Tôi cũng nghĩ lướt qua như vậy.” Anh ta tỏ ra hiểu biết.“ Dù sao cũng tốt hơn bất cứ nơi nào tôi đến trên xứ sở nầy.”

            “ Bạn ở đơn vị chiến đấu hay hậu cần ?” Tôi hỏi.

            “ Hậu cần, lo tiếp tế .”  Anh ta nói gọn lõn như thế.

            “ Chuyện gì ở Giao Thường sẽ làm bạn nhớ mãi ? Chuyện vui lạ thôi .”Tôi gợi ý.

            “ OK. Chuyện lạ.”  Anh ta lên tiếng.“ Mức độ  khốc liệt của cuộc chiến Giao Thường đã để lại ấn tượng sâu sắc cho những người lính phục vụ ở đây như chúng tôi.Xung đột cũng  làm phát sinh một số mê tín dị đoan và các cuộc gặp gỡ huyền bí. Chẳng hạn mùa xuân năm nọ, một nông dân Nam Thường đang trên đường ra đồng gặt lúa thì gặp bà vợ và hai đứa con. Người vợ ngồi trên một tảng đá và chào anh ta một cách "khinh bỉ", trong khi hai đứa con thu mình nép sau lưng mẹ chúng. Cuộc gặp khiến người nông dân bị sốc, vì vợ và hai con của ông đã thiệt mạng khi ngôi làng bị tấn công và căn nhà của họ đã bị thiêu rụi.”

            “ Anh có biết những câu chuyện như thế này rất phổ biến ở Giao Thường ,nơi các cộng đồng nông thôn tin vào những cuộc gặp gỡ tâm linh có ý nghĩa sâu sắc đối với họ.” Anh ta hỏi tôi và tự trả lời.“ Trong trường hợp này, người đàn ông hiểu rằng mộ của vợ mình đã bị bom đào xới trong thời gian gần đây, và cần được cải tán ngay.”

            Ngừng một lát, ăn hết cốc kem và uống ngụm nước, anh ta lại hỏi tôi:

            “ Anh ở Thủ Phủ có biết những căn nhà ma ám ở  đây không ?” Hỏi , rồi cũng tự trả lời. “Tòa nhà 918 đường Thánh Thiện  từng là nơi ở của lính ngoại. Nhưng việc xây dựng nó bị cản trở ngay từ ngày khởi công với tai nạn thảm khốc giết chết cả chục công nhân xây dựng . Nhiều người đổ lỗi cho con số 13 tầng,một con số được coi là xui xẽo.Để xoa dịu nỗi sợ hãi và hoàn thành tòa nhà, kiến trúc sư đã quyết định gọi một thầy cúng đến sửa chữa các vấn đề phong thủy của tòa nhà. Người ta nói rằng ông thầy cúng đã mang xác chết của bốn trinh nữ từ bệnh viện địa phương và chôn họ ở bốn góc của tòa nhà, điều này sẽ bảo vệ nó khỏi những linh hồn ma quỷ.Cho đến ngày nay, cư dân nói vẫn còn nghe thấy tiếng la hét kinh hoàng vào giữa đêm, tiếng rầm rập của một đoàn quân diễu hành qua tòa nhà và hình ảnh một người lính ngoại đang tản bộ, nắm tay bạn gái Nam Thường.”

            “ Bạn kể như vậy, nhưng bạn có tin chuyện ma ám là có thật không ?” Tôi hỏi lại anh ta.

            “ Tôi chỉ trả lời ngay,” Anh ta nói. “ rằng, nhờ có những câu chuyện như vậy mới gọi là quân nhân của chiến tranh Giao Thường” .

            Tôi bật dậy,vỗ vai chàng trai, cả hai cười lớn. Khách trong quán không hiểu chuyện gì đã xẩy ra, ngơ ngác nhìn chúng tôi.Anh ta còn muốn tiếp tục trổ tài kể chuyện, nhưng tôi hẹn anh dịp khác.Tên anh ta là Terry Factor không lạ gì trong giới tấu hài.Tôi dẫn Terry đến nhà ở của Ron.Cả hai mau chóng trở thành đôi bạn thân từ đó. Có lần Ron nói với tôi , Terry là tay chuyên kể chuyện viễn mơ…

(Còn tiếp)

 

Phan Tấn Uẩn
Số lần đọc: 498
Ngày đăng: 13.12.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 8) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 5) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 4) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (chương 3) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (chương 2) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (chương 1) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (chương mở đầu) - Phan Tấn Uẩn
Kỳ 3/7 (Tập truyện ngắn: Không phải lần đầu: Áo bà ba) - Huyền Văn
Kỳ 2/7 (Tập truyện ngắn: Không phải lần đầu) - Huyền Văn
Kỳ 1/7 (Tập truyện ngắn: Không phải lần đầu) - Huyền Văn
Cùng một tác giả
Đêm Mù Mộ Địa (truyện ngắn)
Chuyến về quê (truyện ngắn)
Giấc mơ chiếu manh (truyện ngắn)
Trên sợi tóc buồn (truyện ngắn)
Quán về khuya (truyện ngắn)
Phố đỏ (truyện ngắn)