Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.400 tác phẩm
2.747 tác giả
608
116.772.545
 
Ernest Hemingway và chiều kích thứ năm (Kỳ 3)
Phan Tấn Uẩn

 

**

Những tác phẩm sau đây của E.Hemingway có liên quan đến chiều kích thứ tư và thứ năm :

            . Death In The Afternoon , Cái Chết Vào Buổi Chiều (1932)

            . Green Hills of Africa, Những Ngọn Đồi Xanh của Châu Phi (1935)

            . Across The River and Into The Trees, Vượt Sông và Vô Rừng (1950)

            . Và sau cùng là The Old Man and the Sea, Ông Già Và Biển Cả : Hemingway viết năm 1951 tại Cayo Blanco (Cuba), và xuất bản năm 1952. Đây là tác phẩm hư cấu lớn cuối cùng , một  trong những cuốn nổi tiếng nhất của ông, kể về câu chuyện của Santiago, một ngư dân Cuba già nua vật lộn với một con cá cờ khổng lồ trong Dòng hải lưu Gulf Stream ngoài khơi Cuba.

            Cần biết lý do những nhà phê bình chọn tác phẩm Death In The Afternoon để phân tích chiều kích thứ năm của Hemingway, mặc dù tác phẩm nầy chỉ là bước đầu, tiệm cận với chiều kích nầy. Lý do vì đó là tác phẩm mở đầu một phong cách,, muốn phân tích phải đi từ gốc…

            Lưu ý thêm, các tác phẩm về sau mang phong cách chiều kích thứ năm càng hoàn chỉnh theo thời gian và thành công rực rỡ với tác phẩm sau cùng “Ông Già Và Biển Cả”…

 

 

            Tóm tắt nội dung “Cái Chết vào Buổi Chiều” của Hemingway,…

            Ernest Hemingway viết  “Death in The Afternoon” như một nghiên cứu cá nhân về môn đấu bò tót ở Tây Ban Nha trong những năm 1920 và 1930. Ông đến TBN vào mùa hè năm 1923 và nhanh chóng tham gia vào thế giới đấu bò .Ông ở cùng khách sạn, ăn cùng nhà hàng, uống rượu cùng quán bar với các  matador (võ sĩ đấu bò tót). Ông theo dõi họ khi họ biểu diễn ở các thành phố khác nhau.Sau đó,ông thực hiện các chuyến đi hàng năm đến Pamplona, nơi tổ chức các trận đấu bò liên quan đến lễ hội tôn giáo San Fermín. Pamplona trở thành bối cảnh cho những cảnh cao trào của tác phẩm Mặt trời vẫn mọc (The Sun also rises, 1926). Dựa trên nền tảng này, Hemingway viết “ Cái chết vào buổi chiều”  để tôn vinh “cuộc đấu bò Tây Ban Nha hiện đại” và giải thích nó “cả về cảm xúc và thực tế” cho khán giả người Mỹ. Hemingway cho rằng độc giả của ông có thể ghê tởm ý tưởng đấu bò tót, nhưng ông muốn họ cho ông cơ hội để chỉ cho họ biết nó là gì trước khi phán xét.

            Tuy nhiên, “Cái Chết Vào Buổi Chiều” không chỉ là một cuốn sách về đấu bò . Nó còn là một cuốn tự truyện chứa rất nhiều thông tin cá nhân với  nhiều nhận thức, kinh nghiệm và cách nhìn về cuộc sống. Đọc nó để hiểu thêm về cuộc đời của Hemingway.

            Chương 1 bắt đầu với lời tường thuật về trải nghiệm ban đầu của Hemingway về môn đấu bò tót. Ông cho biết lần đầu đến xem các trận đấu là do ảnh hưởng của Gertrude Stein. Thật ra ông không muốn đi khi nghĩ đến cảnh tượng kinh hoàng của  những con ngựa bị giết trên võ đài trong trận đấu bò. Nhưng đi vì mục tiêu phục vụ nhu cầu viết lách -  đang thử nghiệm cách viết những gì thực sự xảy ra trong hành động; những điều thực tế tạo ra cảm xúc.Với mục tiêu này Hemingway đến Tây Ban Nha để nghiên cứu về các trận đấu, nhưng khi đến ông thấy chúng phức tạp và hấp dẫn nên quan tâm nhiều đến lợi ích của nó.

            Phần còn lại của chương 1 là sự kết hợp thú vị giữa tiểu luận và quan sát cá nhân. Về mặt đạo đức của môn đấu bò, ông viết về sự khác biệt giữa những người đồng cảm về mặt tâm lý đối với động vật (cho rằng các trận đấu là man rợ vì bò đực và ngựa thường bị giết) và những người đồng cảm đối với con người (trở nên khó chịu khi đấu sĩ thể hiện kém hoặc bị thương).Về tính thẩm mỹ của môn đấu bò , ông viết về mức độ thưởng thức nghệ thuật đấu bò tăng lên giống như cách một người phát triển khả năng nghe nhạc hoặc khẩu vị nhạy cảm với rượu vang. Chủ đề cơ bản của câu chuyện luôn là đấu bò , nhưng Hemingway còn tham gia vào những chuyện ngoài lề, kể những giai thoại và đưa ra những bình luận dài dòng về các chủ đề khác. Chính cuốn sách về đấu bò nầy đã tạo ra một nhân vật phát triển qua nhiều năm trở thành tiếng nói của “Papa Hemingway”. Trước khi viết “ Cái chết vào buổi chiều”, những bức thư ông viết  thường có lời xin lỗi về những lời khuyên ông dành cho gia đình và bạn bè, tự gọi mình là một người chú Hà Lan. Đến  thời điểm viết “ Cái Chết trong buổi chiều”,ông bỏ qua chuyện hối lỗi nầy. Xuyên suốt cuốn sách ,giọng điệu của ông là giọng của một người hướng dẫn ân cần, hiểu biết,một người biết nói điều gì tốt nhất cho người đọc.

 

Khi viết “ Cái Chết vào buổi Chiều”,.Hemingway hãy còn trẻ. Sự kiêu ngạo đã khiến nhiều bạn bè của Hemingway phải  trả giá sau đó. Có những đoạn đọc lên người ta nghĩ Hemingway giống như một kẻ bắt nạt hơn là một người hướng dẫn tử tế, và ấn tượng tổng thể mà ông tự tạo cho mình là một người đàn ông lớn tuổi và từng trải hơn nhiều. Sự kiêu ngạo này thể hiện rải rác khắp cuốn sách với mức độ cực đoan trong các cuộc tấn công của ông đối với các tác giả khác. Hemingway gợi ý rằng một số nhà văn viết theo cách họ làm vì họ thất vọng về tình dục; nếu họ quan tâm đến vấn đề này, sáng tác của họ sẽ được cải thiện. Cuốn sách chứa đựng những khía cạnh xấu xa về các nhà văn đồng nghiệp như William Faulkner, Aldous Huxley, André Gide và Jean Cocteau. Cuốn sách đã bị các nhà phê bình lên án mạnh mẽ vì sự ác ý này khi nó xuất hiện lần đầu.

            Hemingway cũng thể hiện niềm đam mê của mình với những câu đố kỹ thuật trong Cái chết vào buổi chiều. Ông yêu thích bất kỳ loại hoạt động nào liên quan đến việc xử dụng các thiết bị phức tạp. Với môn đấu bò, ông đã có thể khơi dậy niềm đam mê này ở một mức độ cực cao. Cuộc thảo luận của ông về các thiết bị khác nhau và các kỹ thuật được sử dụng trong đấu bò chiếm bốn chương. Hemingway cũng thể hiện kiến thức gần như bách khoa về những con bò đực được lai tạo đặc biệt cho các trận đấu bò. Ông dành bốn chương khác để thảo luận về kích thước, trọng lượng, sức mạnh và thói quen giao phối của những con bò đực.

Một ví dụ khác về tình yêu của Hemingway đối với những câu đố kỹ thuật là loạt phụ lục của cuốn sách. Một phụ lục gồm 64 trang với 81 bức ảnh đen trắng về những con bò đực, đấu sĩ đấu bò, kỹ thuật chiến đấu, và thậm chí cả vết thương do sừng đâm trên chân đấu sĩ. Hemingway chú thích chi tiết, giải thích tầm quan trọng của mỗi bức ảnh. Một phụ lục khác xác định ý nghĩa của hàng trăm thuật ngữ đấu bò Tây Ban Nha, nhưng cũng có các mục kỳ lạ về móc túi và đồng tính luyến ái ( sodomites) .

 

            Khi Cái Chết Vào Buổi Chiều được xuất bản lần đầu, một số nhà phê bình chê bai Hemingway đã thêm vào cuốn sách những phụ lục không cần thiết . Dĩ nhiên có nhiều phụ lục rất hữu ích cho học viên đấu bò tót, nhưng một số trong đó có lẽ chỉ là phần đệm. Ví dụ, một phụ lục không gì khác hơn là một loạt các ghi chép từ những năm Hemingway ở Paris về phản ứng của bạn bè và các thành viên gia đình ông  khi chứng kiến trận đấu bò đầu tiên của họ.

            Một trong những chủ đề chính của cuốn sách là sự suy đồi của môn đấu bò hiện đại, trái ngược với sự thuần khiết của môn đấu bò truyền thống. Sự suy đồi liên quan đến việc đấu sĩ xử dụng mánh khóe để đến gần hơn với con vật (và do đó dẫn đến nguy hiểm và cái chết). Mánh khóe của matador (đấu sĩ ) làm cho đám đông người xem có cảm xúc giả tạo vì thực sự anh ta không gặp nguy hiểm lớn.

            Vấn đề quan trọng đối với Hemingway, là đấu bò không thực sự là một môn thể thao, vì nó không phải là cuộc thi bình đẳng giữa người và động vật. Sức hút của cuộc chiến là bi kịch. Tỷ lệ matador (đấu sĩ) bị giết là rất nhỏ. Tuy nhiên, đấu sĩ giỏi là khi xông vào con vật với độ chính xác cao để tăng mức nguy hiểm mà không hề hấn gì. Nói cách khác, matador sẽ được ghi công nếu anh ta cố tình làm điều gì đó cực kỳ nguy hiểm. Anh ta sẽ bị sỉ nhục nếu làm điều gì đó nguy hiểm do thiếu hiểu biết hoặc lơ đễnh. Đối với Hemingway, việc một người đàn ông mạo hiểm với cái chết, trong khi cố gắng hết sức để tránh nó, khiến một trận đấu bò trở nên đáng xem.

            Hemingway đánh giá matador dựa trên tiêu chuẩn về tính trung thực của họ trong việc liều chết. Ông từng thảo luận về những matador vĩ đại trong quá khứ, chẳng hạn như Joselito và Belmonte, và những matador cùng thời với ông như Sidney Franklin, một người Mỹ đang sống ở Tây Ban Nha bằng nghề đấu bò vào những năm 1930.

            Trong Death In The Afternoon, có những đoạn Hemingway muốn gây sốc cho độc giả. Ông dùng hình ảnh để mô tả cảnh những con bò húc nhau trên võ đài và các hoạt động tiếp theo trong bệnh viện. Ông còn dùng một trong những truyện ngắn của mình, “Lịch sử tự nhiên của người khuất bóng ” (A Natural History of the Dead)  lồng vào ở cuối chương 12. "Cường độ cảm xúc và tinh thần cũng như vẻ đẹp cổ điển thuần khiết có thể được tạo ra bởi một người đàn ông, một con vật và một mảnh vải đỏ tươi quấn trên một cây gậy."   Qua Hemingway, đấu bò trở thành một môn nghệ thuật, một vở ba lê được dàn dựng công phu, với những người biểu diễn từ những tay nghiệp dư vụng về đến những bậc thầy của sự duyên dáng và xảo quyệt.

 

            Cái Chết Vào Buổi Chiều là một tác phẩm mô tả thực tế hiện tượng, hoàn toàn phi hư cấu. Hemingway đào sâu vào văn hóa và gốc rễ môn đấu bò cũng như trải nghiệm trực tiếp của chính ông. Chạy đua  với những con bò đực ở Pamplona là điều mà nhiều người như ông  muốn làm để kiểm tra dũng khí của mình. Rõ ràng ,Hemingway sùng kính và yêu mến văn hóa đấu bò. Ông nâng tầm văn hóa nầy ở cả thơ ca lẫn tôn giáo, giải thích nó bằng chính ngôn từ của mình, và vì thế, nó thuộc một trong số những tác phẩm hay nhất  viết về thể thao từng được biết đến. Độc giả còn có thể tìm biết rất nhiều thông tin kỹ thuật về đấu bò . Viết về nghi lễ và truyền thống đấu bò của Tây Ban Nha, ông cho rằng nó  chứa đựng sự chiêm nghiệm sâu sắc  về bản chất của sự sợ hãi và lòng dũng cảm. Xa hơn, ông cảm nhận một thứ siêu hình học xuất hiện trong môn đấu bò - một hoạt động gần như mang tính tôn giáo, được nghi thức hóa. Ông coi nó tương tự như việc nhà văn tìm kiếm ý nghĩa và bản chất của cuộc sống tức là bản chất của sự sống và cái chết.

            Hemingway ngự trị ở đỉnh cao của năng lực sáng tạo và cũng ở đỉnh cao của sự kiêu ngạo. Ông không ngần ngại mô tả những gì mình thích hay không thích.Hình ảnh này không phải lúc nào cũng mang tính tâng bốc. Nó chứa đựng sự vĩ đại xen lẫn nhỏ nhen , kể cả độc ác , nhưng cực kỳ chính xác. Bất cứ ai muốn hiểu Hemingway đều phải đọc Death in theAfternoon…

 

(Kỳ cuối : Phân tích Chiều kích thứ tư và thứ năm

trong “Cái Chết vào Buổi Chiều”.)

 

( 6/2023)

 

 

 

Phan Tấn Uẩn
Số lần đọc: 378
Ngày đăng: 04.07.2023
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cung bậc của nỗi xót xa hay là nỗi đau trần thế - Hoàng Xuân
Ernest Hemingway và chiều kích thứ năm (Kỳ 2) - Phan Tấn Uẩn
Ernest Hemingway và chiều kích thứ năm (Kỳ 1) - Phan Tấn Uẩn
Vẻ đẹp tình tứ trong thơ Thiên Di - Hoàng Thị Bích Hà
Khúc tráng ca trong tuyển tập “ Thời tôi mặc áo lính” của nhà văn Nguyễn Quang Hà - Hoàng Thị Thu Thủy
Khát vọng tình yêu và cảm thức sinh thái - Sự hợp hôn diệu kỳ trong thơ Hoài Vũ * - Trần Hoài Anh
Đọc “Qua đêm” của Nguyễn Tiến Nên - Hoàng Xuân
“Chân dung người hàng xóm” – một truyện hay về bọn Trung Quốc xâm lược. - Nguyễn Anh Tuấn
Đọc bài thơ “Say Yêu” nghĩ về thơ tình của Đặng Xuân Xuyến * - Vũ Thị Hương Mai
Phồn Sinh một trường ca khổng lồ - Đỗ Hoàng
Cùng một tác giả
Đêm Mù Mộ Địa (truyện ngắn)
Chuyến về quê (truyện ngắn)
Giấc mơ chiếu manh (truyện ngắn)
Trên sợi tóc buồn (truyện ngắn)
Quán về khuya (truyện ngắn)
Phố đỏ (truyện ngắn)