Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
850
116.684.119
 
Tình thiêng
Trần Dzạ Lữ

 

 

Đó là nơi miếu đền cho hai nửa trái tim giáp múi một cách vô vị lợi và trong trẻo lạ thường.Họ giao hoà rồi yêu thương nồng nàn, quấn quýt nhau như đôi Sam , bất chấp thị phi và giông gió cuộc đời luôn muốn chia lìa đôi lứa…Đó chính là cuộc tình đẹp của Chàng và Nàng:

“ Không ai chấp nhận vợ chồng

Nhưng đã hẹn nên tình rừng nghĩa biển…”

Và nhờ nội lực cả hai mà họ đã đi đến cuộc trăm năm.

Khởi đầu là lá thư của chị Chàng viết cho Nàng đầu năm 1973:

“Mình có đứa em đang thụ huấn ở quân trường Thủ Đức, T. rảnh thì lên thăm cho vui.Nếu không thì chả sao, bởi hắn cô đơn cũng quen rồi "

Có lẽ do mấy chữ nhấn mạnh:” Cô đơn cũng quen rồi” của chị Chàng mà cô sinh viên năm thứ 3 khoa xã hội nhân văn động lòng chăng? Chàng nhận được lá thư vỏn vẹn có mấy chữ” Chị sẽ lên thăm em” Đọc thư chàng mỉm cười thú vị vì Nàng đâu biết chị Chàng nhỏ tuổi hơn chàng và là chị con bà cô ruột.

Đúng ngày hẹn gặp mặt nhau.Chàng ra khu tiếp tân của quân trường với bảng tên của mình và phía trên túi áo phải là dấu hiệu huynh trưởng khăn tím.Nàng không mấy khó khăn khi nhận ra chàng.Chỉ ngạc nhiên và hơi bị “hố” lúc xưng chị với chàng bởi chàng không phải là SVSQ sữa.Thay vào đó là “Anh” “và” Em” chóng vánh. Hết một buổi sáng giao tình toàn chuyện văn nghệ, văn chương.Từ truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, Lý Bạch, Đỗ Phủ đến Tagore, J.P.Sartre, Albert Camus, Krishnamurti, Apollinaire,K.Gibran,Tuệ Sỹ, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Mai Thảo,Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên,Nguyễn Đình Toàn…Chàng cũng không quên đọc thơ mình cho Nàng nghe.Sau buổi gặp gỡ đó, hình như có một sợi dây vô hình nào đó buộc thắt họ vào tương tư.Khi thì Nàng lên thăm chàng ở Thủ Đức.Lúc Chàng về phép, ghé qua viện đại học Vạn Hạnh đón Nàng để cùng dạo phố SG.Trước đây, lúc chưa quen Chàng, Nàng ăn mặc xuề xoà và nhìn đời bằng con nửa mắt. Nhưng khi tình yêu mở cửa, nàng thay đổi hẳn, không còn mặc những bộ áo quần “ thầy tu” nữa mà thay vào đó là những chiếc áo dài màu hồng phấn, màu xanh da trời rất hợp với vóc dáng của Nàng. Và quay qua mê đọc thơ tình Nguyên Sa, Nguyễn Đình Toàn.Nghe nhạc của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Phạm Đình Chương, Vũ Thành An…Có phải tình yêu khiến con người ta thay đổi 180 độ? Rồi những hẹn hò yêu thương cứ thắp đèn trong 2 trái tim Huế-SG.Và Đà Lạt, Vũng Tàu không thể không có họ đến nơi se se lạnh hay nắng gió mênh mang này.

9 tháng quân trường trôi qua.Trên ve áo chàng là lon chuẩn uý.Đơn vị đến là Bến Tre( mặc dù Chàng nộp chứng minh văn nghệ sĩ, văn bằng quản thủ thư viện do Hội Việt Mỹ cấp tại Đà Nẵng nhưng chẳng ăn thua gì) Bến Tre đi dễ khó về-chết là cái chắc ! Khi hay tin Nàng rất buồn.Chàng trấn an nàng: “ sống chết có số , em đừng quá lo”.Ngày Chàng về nhận đơn vị Nàng tiễn đưa đến tận phà Rạch Miễu.Qua bên kia bờ là vời vợi…Nàng quay về SG hiu hiu, trong mắt có những giọt lệ long lanh…

 

Hơn một năm rưỡi lắm gai góc trong lửa đạn,Chàng dạn dày sương gió và nghĩ mình”thí cô hồn” bất cứ lúc nào.Chỉ tội người tình chờ đợi ở phố phồn hoa…Cuối năm 1974, trong một lần đụng độ, Chàng bị một một trái 82 bưng đi 3 thước.Tưởng lấy rổ mà hốt về.May thay, chỉ một mảnh nhỏ ghim vào phổi.Và Chàng được trực thăng vận qua bệnh viện Cần Thơ chữa trị.Để thử lòng những người quen, chàng bắn tin là mình đã cụt giò…Tất cả im re bà rè.Chỉ có Nàng tức tốc lặn lội xuống Cần Thơ chăm sóc Chàng.Khi giáp mặt Nàng ngó trân trân:” Cụt giò đâu anh ? Làm em hết hồn…” Chàng ôm Nàng thật chặt và nói: “ Chỉ có em.Chỉ có em mới đi tìm anh.Ôi tình thiêng của anh” Từ đó tình yêu càng gắn bó hơn với bao dự định, hoài bão về tương lai.

 

Nhưng năm 1975 chính là dấu chấm hết!Chàng mất gần 80 cây vàng khi chưa truy lãnh được lương sĩ quan.Nàng mất tiền trị giá gần 200 cây vàng ở Việt Nam Thương Tín vì SG hoảng loạn không rút ra kịp.( Nàng vừa đi học vừa đi làm) Thế là đôi đời cận kề vực thẳm.Con đường Trương Minh Giảng( nay là Lê Văn Sỹ) mỗi ngày Chàng và Nàng đi lui đi tới như những kẻ mất hồn.Buồn quá, Nàng đề nghị lấy nhau.Khi Chàng mượn người dạm hỏi thì ba nàng không chịu gả cho người” nước Huế”.Vậy là Nàng và Chàng tự đeo nhẫn cưới cho nhau và hồi hương về Huế.

 

Về Huế đó là nỗi đoạn trường khó quên.Chàng và Nàng cùng trở thành nông dân.Được HTX cấp mấy sào ruộng mà là ruộng “đốt lóng”( ruộng xấu nhất) làm không ra lúa- được một ít thì phải giao nộp lên trên, nên vợ chồng Chàng ăn khoai mì thay cơm.( bà con ở đây rất thương Nàng khi biết là cô sinh viên Đại Học Vạn Hạnh SG)

 

Nghiệt nỗi là lúc này Nàng đang mang thai, vẫn phải làm lụng vất vả.Chàng thì ngày ra ruộng, tối lội bộ lên phố kiếm việc làm thêm.Khi hạ sinh đứa con đầu lòng Nàng bị bệnh nhủ hoa không có sữa cho con bú.Tình cảnh thật éo le.Thấy vậy Sa- bạn chàng đang học y khoa dành hết tiền học bổng cho Nàng mua sữa để con uống.Chàng vô cùng cảm kích người bạn gái giàu lòng nhân ái ấy.Lần lữa sống hơn một năm thì NC, con của Chàng và Nàng suy dinh dưỡng phải nhập viện ở bệnh viện Huế.Các bác sĩ nói sao nuôi một đứa con mà đến nông nỗi này.Chàng thật xấu hổ…Nhưng biết làm răng chừ?

 

Bà con láng giềng ai cũng bảo chàng có vợ Nam thì đưa vợ vào trong ấy để cứu đứa con.Thế là “quê không dung rồi đôi vợ chồng thơ(thơ Vũ Hữu Định) Chàng và Nàng “ ù té chạy” vô lại SG.Nhờ nơi đất lành chim đậu, hai người chịu khó làm lụng vất vã để nuôi con.Tóc rễ tre của NC đã dài ra và đen nhánh.Chàng ở rể bên nhà vợ trên 30 năm.Khi cuộc sống ổn định thì Nàng phát bệnh hiểm nghèo.Nỗi âu lo đau đáu trong Nàng.Khi lo chồng được cho con gái xong thì Nàng từ giã cõi đời, để lại Chàng mồ côi nơi dương thế.Di sản bên vợ+ tiền dành dụm của hai người đủ mua được một căn nhà khang trang.Tội nghiệp Nàng chưa có một ngày về nhà mới thì đã bay lên trời.Đúng là số phận.Người làm ra của cải mà không được hưởng!

Nhớ tình thiêng, Chàng đã viết bài thơ cho vợ bằng lửa của trái tim mình:

 

THƠ TRẦN DZẠ LỮ

THƠ VIẾT CHO VỢ Ở NGÔI NHÀ MỚI

 

Gần cuối đời rồi cũng có ngôi nhà tử tế

Để đi về tránh nắng ,che mưa

Tiếc là vợ mình không cùng ở

Di sản còn đây, mà em lại đi rồi…

Số phận sao như mặt trăng ,mặt trời?

Có nhiều khi mình bần thần tự hỏi

Vợ tích lũy cả đời khốn khó

Để chưa một lần sang nhà mới làm dâu !

Bây giờ anh đây ,em đâu?

Rất an bình vì có nơi có chỗ

Để bày thơ mà không sợ căn gác gỗ

Cháy thình lình không chỗ mà chui…

Có được như bây giờ anh thấu hiểu rồi

Vợ tằn tiện gần như quá mức

Cái áo không may , đôi giày không sắm

Cứ tềnh toàng ở chợ hôm, mai...

Hạnh phúc cho con bởi tháng rộng năm dài

Con gái rượu làm sao không cưng quý?

Có phải con mình thấm ơn cha ,nghĩa mẹ

Dọn tương lai mát mặt cùng người?

Ngôi nhà thoáng, có thể nhìn trời

Và ngắm đất, ngắm hoa hồi hổi

Nhưng điều gì khiến lòng anh chùng lại ?

“ Cơm nguội bay xa…đâu còn nữa bên đời ! “

Nên thơ viết bằng ngòi bút ngậm ngùi

Trên trang giấy tinh khôi ngày mới

Anh vẫn tin cõi vĩnh hằng ngời ngợi

Em mỉm cười …di sản vẫn còn nguyên !

 

*

Lần giỗ thứ 7 của Nàng (7.7.2020) nhằm ngày 17.5.CanhTý.Thời gian không chờ đợi ai !Tóc chàng đã thêm sợi bạc để bước lần về phía hoàng hôn…

Nơi này, ngày này Chàng lặng lẽ lạy tạ ơn Tình Thiêng !

 

(SG 7.7.2020)

Hình ảnh: Cô Sinh viên năm thứ 3 khoa xã hội nhân văn đại học Vạn Hạnh-SG

 

Trần Dzạ Lữ
Số lần đọc: 1004
Ngày đăng: 12.07.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nén hương lòng mừng Châu Hương Viên - Trang Thùy
Dọc đường văn nghệ (phần 49) Phù hư – Nhà thơ “Ngậm thẻ qua sông” - Trần Dzạ Lữ
Chiếc áo len Và Cha tôi - Trần Yên Hòa
Dọc đường văn nghệ (phần 48) Ngô Cang, một phận người nghiệt ngã - Trần Dzạ Lữ
Bến quê - Trần Khởi
Dọc đường văn nghệ (phần 47) Hà Vũ Giang Châu – ngày nào lịch lãm - Trần Dzạ Lữ
“Nghề” bán dừa – Nụ cười và những giọt nước mắt. - Trang Thùy
Người bạn Hà Nội - Minh Tứ
Nửa miền thương nhớ (thương tặng Quảng Nam) - Lê Hứa Huyền Trân
Dọc đường văn nghệ (phần 46) Thị trấn Hoa Vàng – Quê Hương Thứ 2 của nhà thơ Hoàng Ngọc Châu - Trần Dzạ Lữ
Cùng một tác giả
Hương cau quê nhà (truyện ngắn)
Cắt (thơ)
Thư Gửi Chị (tạp văn)
Liếc (thơ)
Nhớ (thơ)
Chờ O (thơ)
Khát (thơ)
Câm (thơ)
Nhớ Bạn (tạp văn)
Tát (thơ)
Cần (thơ)
Tím Nhớ (tạp văn)
Dắt (thơ)
Nhốt (thơ)
Chìa (thơ)
Trượt (thơ)
Trộn (thơ)
Bắt (thơ)
Xa cách (thơ)
Chặt (thơ)
Lấn (thơ)
Cách ly (thơ)
Quỳ (thơ)
Tôi (thơ)
(thơ)
Hoa cà (thơ)
(thơ)