Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
853
116.685.553
 
Dọc đường văn nghệ (phần 47) Hà Vũ Giang Châu – ngày nào lịch lãm
Trần Dzạ Lữ

 

Biết nhau từ năm 1969 khi tôi bỏ Huế vào Đà Nẵng.Biết anh làm thơ từ năm học đệ tứ và thường có thơ xuất hiện trên các báo ở SàiGòn.Sự đồng cảm là sợi dây kết nối những con người ưa thích văn nghệ, đam mê văn chương lại với nhau.Đóng quân gần phi trường nhưng mỗi thứ bảy tôi hay về thăm bà chị ở đường Duy Tân và không quên ghé qua đường Phan Chu Trinh thăm anh chị Hà Vũ Giang Châu.Cách tiếp đón, giao lưu của anh thật thân tình và lịch lãm.Lúc đi cà phê hay dùng cơm ở nhà anh-Hà Vũ Giang Châu đều mặc vét, thắt cà vạt rất lịch lãm…Một thói quen lạ với người chưa hiểu anh, lại là nét văn hoá đẹp của người hiểu anh.Nơi anh chị HVGC ở cũng lại là nhà sách ngoại văn lớn ở Đà Nẵng.Nơi nầy HVGC giao tiếp rất nhiều văn nghệ sĩ cả nước.Đặc biệt tôi quý sự thân thiết của anh đối với nhà thơ nữ ( chị tôi) Lê Thị Ái Niệm biết bao ngày tháng là giao cảm văn chương.

 

Một kỷ niệm đẹp với HVGC mà tôi khó quên.Đó là năm 1971 trước khi bay qua Hạ Lào ,tôi đã ghé thăm anh ở trọ đường Chi Lăng( HVGC ra Huế học Luật)Hai thằng cà phê Thành Nội xong thì kéo nhau xuống đò lênh đênh lên điện Hòn Chén.Cảnh Huế thương với trời trăng, mây nước đã khiến cảm xúc hai đứa dâng trào và tất nhiên làm thơ ngay trên mạn đò rồi hôm sau cùng gửi vào BNS VĂN.

 

Năm 1973 tôi rời Đà Nẵng vào phương Nam.Sợi dây liên lạc với HVGC thưa thớt dần do tôi sinh tử trong những cuộc lâm hành.Nhưng vẫn luôn dõi tin anh qua bạn bè.Được biết anh tốt nghiệp trường Luật năm 1974 và bắt đầu hành nghề.Sau năm 1975 anh lại bỏ Đà Nẵng để vào Nam.Tôi thấy tiếc nhà sách ngoại văn của anh ở Đà Nẵng.Nhưng nghĩ lại, HVGC thật chí lý khi vào SG lập nghiệp.Anh như con cá bỏ lạch, bỏ sông để vẫy vùng nơi biển cả bao la.

 

Hơn mười mấy năm ở thành phố lớn SG tôi mới có dịp gặp lại anh.Tay nhà thơ ngày nào bây giờ tất bật vì có nhiều thân chủ cần có luật sư.Mừng cho anh chị ổn định, con cái trưởng thành.Cũng vui khi thấy anh có lối sống khác xưa: Đơn giản, xuề xoà như người SG.Càng vui hơn khi bạn bè vẫn nghĩ tới nhà thơ Hà Vũ Giang Châu qua những bài viết mà tôi đọc được.Làm thơ là thú đau thương nhưng cũng chính là niềm hạnh phúc với chính mình.Tôi nhớ hai câu thơ của thi sĩ Phùng Quán:Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn thơ mà đứng dậy…

Vậy nhé anh Hà Vũ Giang Châu.Còn tôi: “thơ đã cứu rỗi một linh hồn đi hoang…

 

Tiểu sử Hà Vũ Giang Châu

Tên thật: Nguyễn Đình Phùng

Năm sinh: 1950

Quê quán: Điện Bàn Quảng Nam

Hiện sinh sống tại TP Hồ Chí Minh

Đã có nhiều thơ đăng trước 1975 trên VĂN, BÁCH KHOA, KHỞI HÀNH…

Và sau năm 1975 trên các báo trong nước và nước ngoài.

 

 

THƠ HÀ VŨ GIANG CHÂU

TRÊN ĐỈNH ĐÈO HẢI VÂN

 

Ở đây ngày lại qua ngày

Ta nghe bấc lụn và mây bạc đầu

Tiếng chim trong lá ngàn sâu

Xanh cây rừng núi như màu mắt em

 

NGHIỆP CHƯỚNG

 

Bạn bè chừ cũng dăm người

Cho nhau cung điệu ru người không tim

Riêng ta cũng liệu lặng im

Bởi trong nghiệp chướng nổi, chìm phải vương

 

NGỰA VỀ RỪNG CŨ

 

Lỏng cương ngựa trốn về rừng

Rêu xanh vách đá chập chùng dấu sương

Qua ngàn rỉ giọt máu bươn

Rung chân sực nhớ ngày đường bon chen

Về đây dư ảnh tìm quen

Thả mông lung vó điệu kèn trên nương

Từ khi xa bụi phố phường

Chợt nghe róc rách trong nguồn suối xa…

 

 

HOA THẠCH MỘC

 

Gởi thân vào chốn bụi hồng

Trắng màu áo lụa hoa trông dáng gầy

Trơ cành hoa nở đất say

Trêu hoa có một lùm cây cúi chào.

 

VỀ LẠI DÒNG SÔNG

 

Em ngồi đó khi nắng chiều xuống thấp

Dòng sông xanh nhè nhẹ lục bình trôi

Gió giao mùa chút hương thoảng xa xôi

Nghe tâm sự ta nhớ về một thuở

Nhớ Quy Nhơn, nhớ người đi ,kẻ ở

Thương trường xưa hoa phượng đỏ vào hè

Chiều Ghềnh Ráng nhớ về Hàn Mặc Tử

Biển Quy Nhơn lồng lộng gió nồm lên…

Có một thời trai trẻ dễ đâu quên

Cùng năm tháng mỏi mòn đời kiêu bạc…

Kết thúc bài viết, tôi trích lời bình của nhà văn Cung Tích Biền về thơ Hà Vũ Giang Châu:

“ Hà Vũ Giang Châu biết thổi linh hồn vào chữ nghĩa, nên sức sáng tạo đa dạng, còn tươi nguyên sức mạnh của nó.Bằng tâm hồn nhạy cảm, thơ giàu thẩm mỹ nghệ thuật.Thi ảnh đậm chất biểu trưng nên tạo khởi rất nhanh biến ảo, trong cái thế giới liên tưởng tâm hồn người đọc.”

 

(SG tháng 5.2020)

Hình ảnh: Hà Vũ Giang Châu thời trai trẻ

 

Trần Dzạ Lữ
Số lần đọc: 1249
Ngày đăng: 30.05.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
“Nghề” bán dừa – Nụ cười và những giọt nước mắt. - Trang Thùy
Người bạn Hà Nội - Minh Tứ
Nửa miền thương nhớ (thương tặng Quảng Nam) - Lê Hứa Huyền Trân
Dọc đường văn nghệ (phần 46) Thị trấn Hoa Vàng – Quê Hương Thứ 2 của nhà thơ Hoàng Ngọc Châu - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ (phần 45) Huỳnh Ngọc Thương – Lãng tử bên đồi Tây nhớ đồi Đông - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ (Phần 44) Nhà văn Thùy An – Kiếp Tằm nên phải nhả tơ - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ ( phần 43) Ninh Giang Thu Cúc – Người chị đồng hương của tôi - Trần Dzạ Lữ
Chuyện anh Hai miền Tây - Minh Tứ
Chim về với nước - Trương Văn Dân
Về một chuyến đi - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Cùng một tác giả
Hương cau quê nhà (truyện ngắn)
Cắt (thơ)
Thư Gửi Chị (tạp văn)
Liếc (thơ)
Nhớ (thơ)
Chờ O (thơ)
Khát (thơ)
Câm (thơ)
Nhớ Bạn (tạp văn)
Tát (thơ)
Cần (thơ)
Tím Nhớ (tạp văn)
Dắt (thơ)
Nhốt (thơ)
Chìa (thơ)
Trượt (thơ)
Trộn (thơ)
Bắt (thơ)
Xa cách (thơ)
Chặt (thơ)
Lấn (thơ)
Cách ly (thơ)
Quỳ (thơ)
Tôi (thơ)
(thơ)
Hoa cà (thơ)
(thơ)