Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
852
116.685.286
 
Minh Nguyễn: sống và viết
Trần Dzạ Lữ

 

 

Những ngày này thật khủng kiếp vì dịch Covid bùng phát ở Tp SG và các tỉnh Miền Tây,Miền Đông.Ngó đâu cũng nghi ngại FO và các vùng miền đều thực hiện chỉ thị 16.May mắn là mình chưa nhiễm nên còn viết được hồi ức.Tác giả thứ 53 là nhà văn Minh Nguyễn.

Biết nhau từ thập niên 60 nhưng đến thập niên 70 tôi mới quen anh nhờ bị thương,đợi tái khám 29 ngày.Thời gian này, tôi qua Cần Thơ với anh, Trần Hoài Thư, Trần Mộng Hoàng…Chính xác là năm 74.Minh Nguyễn là chuyên viên kỹ thuật sân bay Cần Thơ nên cũng rảnh rỗi.Anh em văn nghệ tụ tập lại cà phê, bàn luận về các tờ tạp chí lớn như Văn, Bách Khoa, Khởi hành…Và chuyện tình cảm của nhau.Minh Nguyễn đã theo sát chuyện tình của tôi với HTTC lúc đó đang học lớp 12 ở Vĩnh Long.Nguyễn hỏi tôi:” Sao mày gan thế, dám mặc đồ trận hẹn hò với nàng trong vườn cây lúc chiến tranh đang hồi dữ dội”.Tôi nói với Nguyễn: “Tình yêu mạnh hơn cái chết..”Và tôi nghĩ sau 3 lần chết hụt ở BT chắc tôi không bao giờ chết.Nguyễn cười có vẻ thông cảm.Tính Nguyễn bộc trực và rất quý bạn bè.Anh khoe tờ tạp chí anh quay ronéo với sự đam mê cùng cực, quy tụ rất đông anh em văn nghệ…Cho tôi đọc những truyện ngắn anh viết bằng tâm cảm về tình yêu, thân phận…Tâm nguyện của anh là được sống, đi và viết trên khắp mọi miền đất nước.

 

  Sau năm 75 cũng như bao thân phận văn nghệ sĩ khác, anh đã chống chọi và vượt qua bao khó khăn đời sống lúc giao thời.

  Năm 1995,khi đất nước mở cửa là lúc anh đã vượt lên chính mình để xê dịch nhiều nơi.Quan sát , đó là điều cần có của một nhà văn khi đã sống để thâu nhận kiến thức và mọi tinh hoa của VN và thế giới.Lúc này, tôi cũng lưu tâm đến anh rất nhiều và đã đọc tất cả truyện ngắn anh viết trên báo chí và trang mạng.Minh Nguyễn trải nghiệm nhiều nhất là vùng đất phía Bắc.Nơi đó, có nhiều chất liệu để ống kính của nhà văn thu dung vào cho việc trước tác.Anh cũng không quên thăm hỏi tôi và luôn nhắc về nàng.Anh nhắn tin: “Sau khi học ra trường và làm cô giáo HTTC vẫn chờ mày đến đến 10 năm mới lấy chồng”.Tôi cảm ơn và nói với Nguyễn:” Còn gì nữa mà chờ.Thôi mừng cô ấy đã yên phận” Dù sao thì tôi cũng không không quên cuộc tình thật đẹp ấy.Khi hẹn hò và hôn cô ấy ở vườn cây nơi thị xã Vĩnh Long ,cô ấy cảm động và hai giọt nước mắt như sương từ từ lăn xuốn môi má.”Tôi hỏi  tại sao em khóc?”.Nàng nói: “ vì quá yêu anh”.Nhưng rồi tình cũng bay xa thăm thẳm chiều trôi, mặc dù Minh Nguyễn luôn mong chúng tôi thành chồng vợ…

   Bây giờ giãn cách, tôi và Minh Nguyễn chỉ còn cách online.Đành sống ảo mà thật vậy nha bạn.Chuyện văn nghệ giữa tôi,Minh Nguyễn và bạn bè nói tới khuya không hết.Xin dừng đây để giới thiệu với bạn đọc một truyện ngắn của anh mà tôi thích nhất:

 

 MINH NGUYỄN

CÔ GÁI MÙ TRÊN ĐỒNG LÚA VÀNG

 

Dựng chiếc xe đạp vào góc sân, Ngạc đi dưới tàn lá rậm rì bên khu vườn nhà. Buổi chiều tới muộn , chiếu rọi qua kẽ lá vô số bóng nắng sáng lấp lánh.Thấp thoáng bên giàn mướp đang trổ hoa, chính là ngôi nhà mà lát nữa thôi Ngạc sẽ trở về. Đó là căn nhà bình thường như bao căn nhà thuộc hàng dân dã nông thôn.Nó được xây dựng trên mảnh đất do nhà trường cấp cho giáo viên dạy xa nhà. Khu đất tương đối rộng và màu mở.Trong những giờ không đứng lớp, Ngạc gieo trồng lên đó một ít cây ăn trái.Và theo yêu cầu của Nụ, chị của Ngạc, anh trồng chen lên đấy vài luống hoa. Dù biết rằng với đôi mắt tật nguyền Nụ chẳng thể thưởng thức được vẽ đẹp qua từng loại hoa; song để làm vừa lòng Nụ,hay đúng ra muốn làm cho chị mình được vui, Ngạc đã nhờ người quen mua về ít hạt giống. Chẳng bao lâu,trước hiên nhà đã mọc lên những khóm hoa xinh xắn. Từ đó, cứ chiều đến Nụ bắc ghế ra ngồi, hít thở trên chút hương thơm dịu dàng của từng bông hoa cùng với chiếc đàn phong cầm trên tay.

 

Có thể vào lúc này, trước hiên nhà chị Nụ đã bước đến ngồi vào chiếc ghế quen thuộc.Và, chẳng bao lâu, dưới đôi bàn tay thuần thục, Nụ bắt chiếc đàn thô thiển như món đồ chơi, phát ra thứ âm thanh mượt mà bay bổng. Ngạc rất thích nghe tiếng đàn của chị; nhất là vào những buổi chiều vàng óng trong mùa giáp hạt. Nghĩ thế,Ngạc vội bước tới đứng tựa người bên cây mận trong vườn,dõi mắt nhìn ra khoảng trời nhuốm màu chiều bên cánh đồng lúa đang chín tới vàng mơ.

 

Lạ ! Ngạc chờ đợi trong sự nôn nóng. Anh thắc mắc tại sao mãi đến tận giờ này tiếng đàn của  Nụ chưa thấy ngân lên. Linh tính tới việc không may xảy đến với người chị mù loà khiến Ngạc vội vã bước qua quảng sân rộng trở về nhà.

 

Trước hiên, trên chiếc ghế Nụ vẫn thường hay ngồi, bị bỏ trống trơn. Ngạc không thể tin nổi vào mắt mình. Bởi từ khi dọn nhà về đây, chưa lần nào Ngạc thấy chị Nụ rời khỏi chổ ngồi nơi chiếc ghế quen thuộc. Anh đứng kiểng chân nhìn vào trong nhà, từ trước ra đến sau, cố tìm kiếm xem Nụ đang ở đâu. Căn nhà khá im ắng. Sự im lặng đáng sợ làm cho Ngạc chùn chân trong nỗi lo âu.Trời ơi ! Nếu để xảy ra chuyện gì cho Nụ thì liệu anh có chịu đựng nổi bao điều dằn vặt về tinh thần ? Ngạc không muốn nghĩ tới sự tệ hại ấy. Nhưng càng cố trốn chạy sự thật bao nhiêu thì, hình ảnh Nụ lại càng hiện rõ hơn bao giờ. Phải thừa nhận Nụ là người con gái xinh đẹp .Chị lớn hơn Ngạc năm tuổi nhưng ở cái tuổi hai bảy trông Nụ trẻ trung hơn nhờ mái tóc đen tuyền được chăm sóc đơn giản bằng những trái bồ kết nướng chín. Mùi thơm bồ kết nấu sôi trong nước lạnh cứ như một phép lạ lưu giữ lâu bền chút hương dân dã, đặc trưng miệt vườn. Đến như mỹ phẩm,son phấn đôi khi cũng phải ghen tị với làn da trắng mịn màng trời ban cho Nụ. Và. Nếu không vì đôi mắt tật nguyền do hậu quả  của một căn bệnh quái ác để lại. Hẳn khuôn mặt trái xoan cùng sống mũi dọc dừa kia sẽ làm tôn vinh thêm nhan sắc của Nụ lên rất nhiều. Chính vì sự bất hạnh đó Ngạc không đành lòng bỏ mặc chị mình sống tẻ nhạt bên bốn bức tường tu viện. Cho nên bằng  mọi cách Ngạc đã cố gắng thuyết phục, kể cả phải năn nỉ, xin Nụ về sống với mình cho có chị có em .Không ngờ sự thể lại diễn ra đầy tính bi kịch hôm nay.Chị Nụ.Ngạc bước tới đứng tựa người vào cạnh chiếc bàn làm việc nhìn ra ngoài. Phía sau vuông cửa, màu nắng cuối chiều hanh vàng đậu quanh giàn mướp. Vào lúc này, sau từng cơn mưa,những chiếc hoa mướp nham nhám như muốn khoe hết sắc màu vàng óng trên đám lá xanh; hòng dẫn dụ từng đàn ong bướm tìm tới lượn lờ. Xa hơn chút. Trên con đường mòn bị cỏ lá che lấp phần lối đi.Ngạc bắt gặp mảnh vải đỏ chói chang bị vướng vào bụi tre gai,run phần phật trước gió.Cái màu đỏ quen thuộc Ngạc không thể lầm lẫn với màu chiếc khăn voan mà Nụ vẫn thương quấn ngang cổ.

 

Như một gã tâm thần Ngạc lao nhanh ra cửa.Chiếc khăn gặp cơn gió mạnh thổi bùng lên như ngọn lửa. Ngạc quơ tay túm lấy chiếc khăn mềm mại nhưng mắt vẫn không rời khỏi hướng bờ sông đỏ quạch phù sa.Con sông đang tuôn chảy một cách hối hả và trở nên hung hản. Hứa hẹn sẽ kéo trôi bất kỳ vật cản nào trên đường di chuyển. Ngạc rùng mình sợ hãi. Hai mắt chợt nhoè đi trong màn nước. Không ! Không thể như thế ! Không thể có chuyện Nụ đã bị con nước nhận chìm bên dòng nước đáng nguyền rủa kia. Nhưng dù muốn hay không. Sự thật là Nụ vẫn chưa thấy xuất hiện quanh đây.Thất vọng . Ngạc đứng nhìn trân trối dòng nước đỏ quạch màu phù sa tuôn chảy mà đôi chân như sắp quị xuống.Chết.Ngạc nghĩ :chỉ có cái chết mới mong xoá bỏ được nỗi ân hận.Chị Nụ ! Ngạc cất tiếng gọi thật to bên sự vô vọng.

 

Giữa lúc mọi chuyện tưởng chừng như hoàn toàn bế tắc. Ngạc chợt nghe văng vẳng từ đâu đó trong không gian từng mớ âm thanh trầm bổng quen thuộc được cất cao lên một cách mơ hồ. Ngạc chưa dám tin vào tai mình vì biết đâu chúng  chỉ là thứ tiếng động dấy lên từ tìm thức? Như để trả lời cho sự nghi hoặc nơi Ngạc.Âm thanh huyễn hoặc từ chiếc đàn phong cầm một lần nữa vang rền trên bầu trời lộng gió.

 

Giữ chặt chiếc khăn voan trong tay, Ngạc vui mừng khôn xiết, chạy tràn lên đám cỏ dại, hướng về phía đã phát ra âm thanh réo rắt từ những tiếng đàn.Cứ thế Ngạc chạy mãi .Chạy đến khi bắt gặp con đê chặn hết lối đi mới chịu dừng lại.Con đê của một thời xa lắc, giờ đã trở thành con đường giao thông huyết mạch, nối liền xã vùng trũng với khu dân cư mới.Biến mọi sinh hoạt thường nhật dễ dàng hơn so với việc di chuyển,học hành của người dân nông thôn, chỉ biết dựa vào ghe thuyền đi lại mua bán. Nhìn con đê vượt cao trên tầm mắt, Ngạc bồi hồi nhớ tới những ngày đầu ra quân đi xây dựng con kênh thuỷ lợi.Con kênh  đã có không ít con người trầm mình dưới nước,dưới cái nắng nóng như thiêu như đốt mùa hè khắc nghiệt.Thách đố thiên nhiên,đào đắp hàng trăm ngàn mét khối đất cùng với hàng ngàn ngày công lao động,chỉ mong đổ chút mồ hôi đổi lấy mùa sống phong phú cho con trẻ sau này.Ngày nay,bất kể ai, mỗi khi có dịp di chuyển trên con đê bạc màu nâu đất,người ta tưởng vẫn còn nghe vẳng đến bên tai tiếng len,cuốc;tiếng trai gái hát hò cởi mở;tiếng lội nước bì bỏm trong sình lầy. . . và cả tiếng đàn phong cầm đang réo gọi từ trên con đê cao kia nữa.

 

Chị Nụ.Ngạc thật sự ngạc nhiên trước bóng dáng cô thôn nữ có mái tóc đen dầy đang ngồi chơi những bản nhạc do mình sáng tác trên một chiếc phong cầm.Chị Nụ.Có phải chị đó chăng ? Không cưởng lại được sự tò mò, Ngạc cố tìm cách leo lên con đê .Con đường ẩm ướt, trơn tuột,không một nơi nào có thể bám víu;chỉ cần sơ sẩy một chút Ngạc có thể rơi xuống hố sâu bên dưới.Vậy mà không hiểu bằng cách nào, Nụ đã cùng chiếc đàn của mình, leo lên tận đó một cách an toàn đáng khâm phục ?

 

Loay hoay mãi với con đường một lúc lâu.Cuối cùng Ngạc cũng đã đặt chân lên tới mặt đê.Vừa mệt vừa phải gắng sức khiến Ngạc thở hào hển.Chỉ tới khi thật sự ngồi cạnh bên Nụ, Ngạc mới lên tiếng :

- Chị Nụ ! Dưng không chị bỏ ra ngồi đây.Làm em phải một phen bị thót tim đi tìm.

Những âm thanh đang bay bổng đột nhiên im bặt khi Nụ đặt chiếc đàn xuống bên cạnh.Nụ cười  hiền hoà nói:

- Chị xin lỗi em.Đây chỉ là sự tình cờ.Ừ ! Mà sao em tìm ra chị ở đây?

Không cần dấu diếm.Ngạc nói ngay:

- Mới đầu không thấy chị ở nhà em thật sự trở nên hốt hoảng.Em đã đi tìm chị khá lâu.Sau đó nhờ nghe tiếng đàn từ nơi này em mới phát hiện ra chị.

 

Đang trò chuyện, Nụ như chợt nhớ ra điều gì quan trọng nên vội khoát tay ra hiệu cho Ngạc chờ đợi. Nụ làm động tác vừa dóng tai nghe ngóng, vừa nhăn mũi hít hà nơi khoảng không . Hoàn toàn im ắng. Sự im lặng bởi chỉ nghe có mỗi tiếng gió xào xạt thổi ;ngoài ra chẳng còn gì khác, ngoại trừ cánh đồng lúa chín đang nhảy múa rập rờn quanh cái màu vàng rực rỡ... bất ngờ Nụ kêu to:

- Nó ! Chính nó.Nụ hân hoan reo lên khi mùi hương ập tới .

 

Ngạc nhìn theo hướng Nụ chỉ, dễ dàng nhận ra cánh đồng lúa mênh mông phía trước.Cánh đồng trãi dài từ chân đê chạy xa tít tắp mãi tận chân trời.Lúa.Biết cơ man nào lúa đang mùa chín tới vàng ươm làm dậy lên mùi sữa non lạ lẫm.Thứ hương thơm ngan ngát khó thể đánh lừa được khứu giác con người.Đây chính là nguyên nhân đưa đẩy đôi bàn chân Nụ lạc bước tới đây ?Tiếc là đôi mắt tật nguyền của Nụ không cho phép chị nhìn tận mắt cái màu vàng óng ả, được phủ che lên trên lớp vỏ cứng thô ráp, nhung tơ để biết thế nào là hạt gạo.Ngạc thấy thương chị mình vô hạn.Ước gì trên này có được phép lạ nào đó, cho phép Ngạc hoán đổi con mắt mình sang Nụ để cả hai cùng trông thấy mặt nhau?

 

Để giãi mã cho điều bí ẩn mà Nụ chưa hề biết.Ngạc nhẹ nhàng giữ lấy bàn tay Nụ trong bàn tay mình giải thich :

- Chị biết không ! Những gì mà chị đã cảm nhận được qua chút hương thơm kia,mọi người  vẫn hay gọi là lúa.Lúa.Phải !Lúa đang mùa chín tới.Lúa đang vây quanh ta và có mặt khắp nơi.Lúa màu vàng ươm.Lúa thơm lừng mùi sữa mẹ.

 

Nghe Ngạc nói Nụ thử đưa hai tay mình ra phía trước, dò dẫm tìm trong khoảng trống không, xem có thể bắt gặp vật thể lạ lùng mà Ngạc vừa nhắc tới.Không ! Nụ chẳng thấy gì ngoài đôi tay mình đang chấp chới.

- Lúa như thế nào ? Nụ thất vọng ra mặt.Hỏi:

- Là những hạt gạo do người nông dân bỏ công dài ngày, cày sâu cuốc bẩm,gieo trồng,gặt hái, phơi khô và sau cùng đem đi xay sát tách võ lấy hạt.

- Nghe em nói.Có phải khi lúa chín tới nó sẽ toát ra mùi hương sữa mật ngọt lẫn trong màu vàng đặc trưng ?

- Màu vàng.Phải .Một màu vàng đầy ắp tình tự quê hương.Một màu vàng của hoa đồng cỏ nội.

- Có giống với màu vàng bông mướp?

- Không !

- Màu vàng lá úa?

- Không !

- Màu ánh trăng ?

- Không.

 

Suốt đêm.Nụ không thể nào chợp mắt ngủ được.Chị lục đục làm việc miệt mài bên chiếc đàn,bên từng nốt nhạc.Đến gần sáng. Có lẽ cũng là lúc đã có thể kết thúc sự đam mê của riêng mình .Nụ hốt nhiên mừng rở reo to lên khi công việc đã hoàn thành.

 

Như cần có người để sẻ chia sự sung sướng. Nụ bước thẳng tới chỗ Ngạc đang ngũ.Không đợi cho em mình kịp có phản ứng gì .Nụ cầm ngay lấy chiếc đàn chơi luôn bản nhạc do mình vừa sáng tác trong đêm.Mới đầu Ngạc chưa hiểu Nụ muốn mươn ngôn ngữ âm nhạc để thể hiện điều gì, nhưng càng nghe Ngạc càng bị cuốn hút sâu vào cái thế giới ngồn ngộn sắc vàng.Thứ màu vàng chuyển động vùn vụt từ ánh nắng bình minh rực rỡ sang hoàng hôn cháy bỏng,từ màu vàng  mùa thu lá chết sang màu vàng ánh trăng lãng mạn,từ màu vàng bông bí dân dã sang màu lúa chín bạt ngàn ...

 

 Minh Nguyễn

 

TIỂU SỬ TÁC GIẢ MINH NGUYỄN

_____________________________

 

Tên thật                                     :  NGUYỄN ĐỨC MINH

Bút danh                                    : MINH NGUYỄN

Giấy khai sinh                            :  11-10 tại Bến Tre

Hoat động VHNT trước 75.

Chủ trương tạp chí                    :  Sinh Hoạt (Ronéo)

Cộng tác với các nhật báo       :  Công Luận, Sóng Thần, Tiền Tuyến

Tuần san, tạp chí  :  Thao Trường, Đời,  Lý Tưởng, Ngôn Ngữ, Phù Sa, Mây Trường Sơn . . .

 

Sau 1975 :  Có truyện đăng trên các báo và tạp chí: Người Lao Động,

 Long An, Văn, Văn Nghệ, Thanh Niên, Nghệ Thuật,

  Văn Tuyển, Bản Thảo Tác Giả và một số Web trong và ngoài nước                                                                                                                                                  

Tác phẩm đã in :  - Người Dưng Khác Họ (NXB Đồng Nai) - Tình Yêu Sợi Khói

Mong Manh ( GP Văn Nghệ Châu Đốc) - Chiếc Hôn In

Hình Trái Tim ( NXB Mũi Cà Mau) - Tình Yêu Thuở Ban Đầu

( GP Văn Nghệ Châu Đốc) - Đánh Mất Tình Yêu ( NXB Trẻ)

 - Lên Mù Sương Xuống Mù Sương ( NXB Hội Nhà Văn và NXB Nhân Ảnh - HK tái bản) - Minh Nguyễn Và Những Truyện ngắn (NXB Hội Nhà Văn và Nhân Ảnh HK tái bản) - Lên Mù Sương Xuống Mù Sương  . . . Ra Biển ( NXB Nhân Ảnh HK)

 

Tác phẩm in chung                                                                   

                         

 Tập truyện ngắn 9 Tác Giả (NXB Thanh Niên) - Tập truyện ngắn in chung Đêm Hát Cuối Cùng ( Văn Nghệ Châu Đốc) -

 18 Tác Giả Miền Nam Trong và Ngoài Nước ( NXB Thư Ấn Quán) - Tuyển tập truyên ngắn Văn Chương Việt ( NXB.                                       CAND).

Lời  sau cuối là cầu mong nhà văn an bình để bước qua đại dịch để còn sáng tác mạnh mẽ hơn và hội ngộ anh chị em văn nghệ sĩ trong mừng rỡ yêu thương…

 

 

 

Trần Dzạ Lữ
Số lần đọc: 701
Ngày đăng: 31.07.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
NĂM 1906 Giosué Carducci (Ý, 1835-1907) - Lê Ký Thương
NĂM 1905 Henryk Sienkiewicz (Ba Lan, 1846 – 1916) - Lê Ký Thương
Phạm Đức Mạnh – Nhà báo, đời thơ ! (phần 1) - Hoàng Thị Bích Hà
NĂM 1904 2.José De Echegaray (Tây Ban Nha, 1832 - 1916) - Lê Ký Thương
NĂM 1904 1.Frédéric Mistral (Pháp, 1830 - 1914) - Lê Ký Thương
NĂM 1903 – Biornstjerne Bjornson (Na-uy, 1832 - 1910) - Lê Ký Thương
NĂM 1902 – Theodor Mommsen (Đức,1817 - 1903) - Lê Ký Thương
NĂM 1901: Sully Prudhomme (Pháp,1839 - 1907) - Lê Ký Thương
Họa sĩ, nghệ nhân Thân Văn Huy tài hoa tâm huyết - Trang Thùy
Nguyên Cẩn, nhìn qua lăng kính. - Trương Văn Dân
Cùng một tác giả
Hương cau quê nhà (truyện ngắn)
Cắt (thơ)
Thư Gửi Chị (tạp văn)
Liếc (thơ)
Nhớ (thơ)
Chờ O (thơ)
Khát (thơ)
Câm (thơ)
Nhớ Bạn (tạp văn)
Tát (thơ)
Cần (thơ)
Tím Nhớ (tạp văn)
Dắt (thơ)
Nhốt (thơ)
Chìa (thơ)
Trượt (thơ)
Trộn (thơ)
Bắt (thơ)
Xa cách (thơ)
Chặt (thơ)
Lấn (thơ)
Cách ly (thơ)
Quỳ (thơ)
Tôi (thơ)
(thơ)
Hoa cà (thơ)
(thơ)