Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
852
116.685.292
 
Dọc đường văn nghệ (Phần 74) Nguyên Bình, người siêng năng luyện chữ để tìm vui thú trong văn chương
Trần Dzạ Lữ

 

“Thi ca là cái bóng được chiếu bởi những ngọn đèn đường của trí tưởng tượng”. (Lawrence Ferlinghetti)

Dành suy nghĩ này của Ferlinghetti tặng cho nhà thơ Nguyên Bình là chính xác.Được biết Bình làm thơ từ thời còn đi học.Bài thơ tình đầu tiên anh viết là năm 1973.Đam mê và nung nấu luyện chữ để tìm vui thú trong văn chương là việc đầu tiên, sau khi đã học đọc, trau dồi kiến thức để trở thành nhà giáo, đưa đò tri thức qua bến bờ nhiều thế hệ và nuôi chính bản thân mình và gia đình bằng đồng lương khiêm tốn.Nhà giáo, nhà thơ NB là anh em đồng hương Huế của tôi.NB cũng biết nhanh chóng rời cố thổ để vào miền Nam dạy học- nhận Bà Rịa- là quê hương thứ 2.Nhờ chịu khó, anh đã có cuộc sống ổn định ở đây.Và tất nhiên là chàng không hề rời bỏ thơ ca.Đọc và biết nhau cũng khá lâu trên các trang báo.Năm 2019, NB mời tôi về Bà Rịa chơi.Cuộc gặp gỡ rất thú vị.Bà xã NB cũng là nhà giáo hiền hoà và rất tế nhị với những giao tiếp bạn bè của chồng.NB còn đưa tôi vào rẫy xa thăm nhà thơ Lê Trọng Minh( ẩn sĩ ) thời nay.

 

Nhờ luyện chữ mỗi ngày( như luyện võ) mà NB nhanh chóng được bạn đọc biết đến qua thơ, truyện và cả cảm nhận văn học.Lời thơ chàng luôn bay bổng theo cảm xúc và thi tứ ( có thể nói là thơ trừu tượng.Như ai đó đã nhận định:” Ở điểm khai phá liên hệ, thơ Trừu Tượng giống như những nghệ thuật khác trong phái Trừu Tượng. Nhưng Thơ Trừu Tượng trong định nghĩa đương đại lại có nội dung bao gồm cả các loại thơ chú trọng dùng phần hồn của chữ để diễn đạt những chủ đề hoặc nội dung về đối tượng không cụ thể, không hình dung hoặc vô hình. Tính bao quát này bao trùm cả thơ Siêu Thực, thơ Ấn Tượng, Thơ Thiền, Thơ Biểu Tượng, thơ Biểu Hiện, thơ… thơ…. Và ưu điểm của thơ Trừu Tượng là tiếp cận được sự thật từ nhiều khía cạnh cho dù mơ hồ bằng cảm nhận”.).Truyện thì tỉ mỉ quan sát( điều nhất thiết phải có của một người viết văn) và phơi bày cảm xúc rất thật từ trái tim .Đặc biệt, NB rất có duyên với việc cảm nhận văn học tinh tế,sâu sắc cho gần 40 tác giả trong và ngoài nước.Tôi có trong tay cuốn QUYỀN NĂNG của NGÔN NGỮ Từ TRÁI TIM ( tập 1)của Nguyên Bình.Nhà xuất bản Hội Nhà Văn năm 2021.Phải nói là tôi rất thích khi đọc( phần nhiều tác giả rất đáng trân quý).Nhưng cũng có một ít tác giả NB viết hơi vội… khi chưa thẩm thấu nhân thân và quá trình sáng tác của họ.Nhưng tôi tin rồi NB sẽ cảm nhận tròn trịa hơn ở những tập sách sau bởi công việc “ đãi cát tìm vàng” trong văn chương không hề dễ!Rất hiếm có một Hoài Thanh-Hoài Chân với công trình biên soạnThi nhân Việt Nam, rất khách quan trong phê bình văn học.Mong lắm thay !

 

Trở lại chuyện tôi và nhà giáo, nhà thơ Nguyên Bình.Sau buổi gặp gỡ nhau lần đầu, chàng thường liên lạc với tôi.Năm 2020, tôi về định cư ở Xuyên Mộc-Bà Rịa nên chúng tôi có nhiều lần cà phê, trò chuyện.Ngay khi dịch bùng phát mạnh NB cũng ao ước gặp bạn bè bên tách cà phê.Thật cảm động với ý chân thành đó.Song, tôi nhắn nhủ chàng:” Hãy giữ mạng sống trước nhất bởi vì có sinh thì có diệt nên đừng sợ Virus.Hãy biết chờ đợi.Thế nào rồi anh em văn nghệ cũng có ngày hội ngộ.”

 

Mỗi ngày mở mạng, tôi luôn thấy đèn xanh của chàng.Hễ thức dậy là NB luyện chữ.Có lúc làm thơ.Có khi viết truyện.Có hồi nhắn tin với bạn bè.Thú vui văn chương ấy sẽ đưa chàng đến thành công hơn bởi đã chọn nghiệp” Con tằm thì phải nhả tơ” đúng không?

Giới thiệu với bạn đọc những bài thơ mà NB tâm đắc:

 

Bài thơ tình đầu tiên của NGUYÊN BÌNH:

 

ĐỘC HÀNH

 

Buổi sáng trên sân ga

Người hành khách đầu tiên

Là ta.

Cô đơn như sợi khói lam gầy!

Trong góc toa vắng vẻ

Khởi đầu cuộc độc hành

Buồn tẻ!

Và Em

Dung nhan - nụ cười - màu áo

Muôn thuở

hững hờ

Và Tôi

Một ngày

Tình cờ

Màu áo - nụ cười - dung nhan.

Mang theo tiếc nhớ vô vàn

Mà nghe hy vọng chợt tàn trong tim..

Đà nẵng, 1973

 

BÊN BỜ MỘNG TƯỞNG

(Tặng chị Phan Thị Bạch Yến)

 

Ta bỗng thấy hoang đường“đêm thắp nến”*

Em tuyệt vời hàng sao vỡ trên mi

Tiếng hát trổ bông nở đóa xuân thì

Trong khúc hát đêm thầm thì xúc cảm…

Người dâng hương bằng long lanh mắt sáng

Mái tóc huyền rớt “từng sợi lênh đênh”

Ta thương thương- dù rất khẽ - chuyện mình

Như ảo vọng từ ban sơ kết lại…

Bao ngôn từ trên đầu môi ái ngại

Bao nhiêu lần tim gõ nhịp thiết tha

Tay cô đơn kề tay trắng ngọc ngà

Người có thấy tình luân lưu trong máu?

Sao người chẳng dỗi hờn như mười sáu ?

Để thơ ngây còn lặng lẽ trên vai

Đường phố khuya âu yếm bóng đổ dài

Ta đón bắt bằng vòng tay ôm vỡ ?

Đưa người về cuối đường - lòng còn sợ

Đêm tàn phai - trên vũng tối ê chề

Đưa người về dấu hết nỗi đam mê

Bước chân lạc chập chùng bờ mộng tưởng…

Tam Kỳ, 1974

 

QUAY VỀ

 

Nơi ra đi cũng là chốn quay về

mùa nhung nhớ nụ đầu cành xanh biếc

mây lang thang một mình em nhật nguyệt

nắng vỗ tình đôi cánh lụa là yêu.

Lời hờn ghen như bóng gã thủy triều

tràn lấp em rồi hồn nhiên rút chạy

bờ quạnh hiu dịu êm muôn đời ấy

thùy dương xanh xanh thắm lá đợi chờ

Tích sự gì - ngọng nghịu* mấy vần thơ

mà xé lụa vấn hồn em vàng nắng

mà cánh gió vờn má em thầm lặng

mà linh hồn đêm trắng đắm say hương.

Tiền kiếp ơi lồng lộng bóng ngàn phương

mây tình ái giăng tơ lòng đón đợi

đồi thạch thảo nở bừng hương diệu vợi

chút gió đông lay động trái tim gầy.

Chưa ra đi em đã vội về đây

nhóm trong tim ngọn lửa hồng ấm áp

dạo cho đời cung đàn xưa thánh thót

Đêm nguyện cầu rước thánh lễ Noel.

 

TIỀN KIẾP

 

 

Một chút xuân thì còn sót lại

Má hồng em giấu giữa chiều hoang

Nét môi em cất trong xa vắng

Chờ đợi ngày anh đến muộn màng

Hình như đã gặp từ tiền kiếp

Cái thuở hồng hoang ta nợ nhau

Rồi sóng trầm luân xô dạt mãi

Năm tháng mù lòa bao nỗi đau...

Cất giữ đi anh... xuân thì đây

Ép giữa trang thơ ngát hương say

Còn bao nhiêu đó em trao hết

Chẳng giấu gì đâu cho mai này.

 

 

Và bài cảm nhận thơ mà NB tâm đắc:

Tác phẩm ĐƯỜNG CHÂN TRỜI

Phạm Trung Tín

 

Hơi thở truyện Kiều thơm trang sách.

Ngôn ngữ thơ là chất liệu ban đầu trong quá trình sáng tác và sáng tạo một tác phẩm thi ca. Ngôn ngữ thơ được biểu đạt bằng nhiều phương tiện ngôn ngữ, và trong tiến trình phát triển, các thể loại thơ lần lượt xuất hiện…Thể thơ lục bát ra đời gắn liền với đời sống tinh thần và tâm hồn Việt, mà đỉnh cao là Truyện Kiều. Có thể nói thơ Việt truyền thống và hiện đại đều mang ít nhiều dấu ấn của lục bát. Chính vì vậy, tôi không hề ngạc nhiên khi tập thơ ĐƯỜNG CHÂN TRỜI (ĐCT) của nhà thơ Phạm Trung Tín (PTT) viết theo thể lục bát, mà hơi thở thi ngôn thoang thoảng hương vị truyện Kiều.

Xin được phép trích dẫn vài dòng về anh, nhà thơ PTT, hội viên Hội nhà văn Việt Nam, qua lời giới thiệu của nhà thơ Đặng Nguyệt Anh: “Phạm Trung Tín sống mộc mạc, chân tình. Nửa đời sau anh lui về vui thú điền viên…”. “Tâm hồn nhà thơ đã hòa quyện với thiên nhiên , vạn vật…” “Thật thà tử tế mà vấp phải nghiệp phận éo le. Cuộc sống đang bình yên thì người vợ hiền bỏ anh mà đi, để lại hai đứa con nhỏ. Từ nay gà trống nuôi con…” “Sống hiền rồi cũng gặp lành! Trời bắt anh phải chia lìa ngườ vợ trước nhưng đã bù đắp, đưa đến cho anh người phụ nữ thứ hai, cũng hiền hậu nết na…”

Tôi thở phào nhẹ nhõm và chậm rãi bước vào vườn thơ anh, thưởng lãm những nụ hoa đẫm hương lục bát. Dừng chân ở cuối vườn, nép mình trong một khoảng lặng, tôi bắt gặp PTT thả hồn ưu tư cùng thân phận nàng Kiều:

Thấp cao lạc bước hồng trần

Kiều sao đếm được bao lần được - không?

Hồn hoang trắng kiếp không chồng

Cứ cười cho cuộc tang bồng nhẹ tênh.

Vâng , theo tôi nghĩ, sau bao cuộc phong trần dâu bể, nhà thơ PTT đã nếm trải sự éo le giữa cái tài cái mệnh của một kiếp người, thấm nỗi truân chuyên Thúy Kiều, anh nương theo hồn Nguyễn Du, tâm hồn anh ứa tràn cảm xúc từ chính cuộc đời ba chìm bảy nổi của mình để cho ra đời tập thơ ĐƯỜNG CHÂN TRỜI với điệu vần lục bát, một thể thơ dễ viết khó hay.

Trong tác phẩm ĐCT, lục bát của PTT khoác màu áo mới, màu áo thời đại, dù cái cốt cách hiền lương, mộc mạc vẫn hiện diện trong từng trang viết của anh.

Hình ảnh Mẹ bao giờ cũng được dệt bằng những vần thơ máu thịt nhất của thi nhân. Trong ca dao, mẹ gần gủi, dẻo thơm, ngọt ngào: “Mẹ già như chuối bà hương /Như xôi nếp một như đường mía lau” (Ca dao). Với nhà thơ PTT, hình ảnh mẹ lại sống động với bao nỗi nhọc nhằn triền miên từ thuở “lưng xanh”:

Lưng xanh cõng nắng triền đê

Khói đồng cay mắt bốn bề...Mẹ tôi

(bình yên bên mẹ)

Giá trị của tác phẩm thơ dựa trên sự sáng tạo và vận dụng ngôn ngữ, tạo nên cái đặc sắc, cái mới, sự khác biệt. PTT không rập khuôn so sánh hình ảnh Mẹ với những sản phẩm thảo thơm đặc trưng của văn minh lúa nước, mà là những hy sinh tận tụy triền miên từ thuở “lưng xanh” và “cõng nắng” cho đến khi bạc đầu. Ôi, lưng gầy Mẹ tôi qua bao năm tháng “cõng nắng” ban trưa, và khi chiều đến thì “khói đồng cay mắt” để lòng mẹ đau đáu “nhớ mòn cả mắt những ngày con xa”. Chỉ với hai câu sáu tám, ta ghi nhận sự sáng tạo trong ngôn ngữ thơ : lưng xanh, cõng nắng. Điều ngày nói lên sự lao động nghiêm túc trong quá trình sáng tác, tạo ra dấu ấn riêng cho tác giả và thi phẩm.

Tình nghĩa vợ chồng, tình yêu lứa đôi trong thơ PTT qua những dòng lục bát cũng chất chứa những sắc thái khác biệt và mới mẻ. Hình như, trong ĐCT, nhà thơ viết nhiều về nỗi chia ly khi phu thê âm dương cách biệt mà số phận dành cho anh. Nỗi đớn đau tận cùng trong tim anh vắt kiệt tinh lực và nén thành những vần thơ quặn thắt ruột gan, đau đến xé lòng:

Giật mình gối chiếc đêm đêm

Huơ tay chạm phải thinh thênh biển trời…

Tôi hình dung trong từng đêm vắng, khi người bạn đời đã bỏ anh mà đi, nhà thơ chơi vơi bên gối chăn lạnh lùng, trống trải, đơn chiếc, bất giác huơ tay về phía thân quen, giờ đây không còn là hơi ấm của hiền thê đầu ấp tay gối mà chạm phải “thinh thênh biển trời” để chỉ biết tự hỏi vào hư vô trống vắng:

Em đi đã mấy mùa rồi

Tháng ngày vỡ nửa đứng ngồi ngổn ngang.

ĐCT còn là một xâu chuổi của tự sự, trở trăn, chiêm nghiệm và triết luận về cuộc đời dâu bể, qua bao biến chuyển của chính cuộc đời nhà thơ :

Đường chân trời – nỗi bể dâu

Chỉ thơ lưu dấu nỗi đau của đời

Lại về kiếp hạt bụi rơi

Thơ còn ở lại muôn đời nhân gian.

(Đường chân trời)

Vâng, chúng ta đã mang nghiệp thơ vào thân, chọn nơi gởi gắm và chốn tìm về ẩn náu cũng chính là thơ, là tiếng lòng thi nhân vắt từ tim óc, tôi tin chắc hẳn nhiều nhà thơ khác cũng đều tâm nguyện như vậy. Qua mấy câu thơ chân tình mà anh bộc bạch, tôi thấu cảm được triết lí nhân sinh trong tâm thức anh. Phải chăng kiếp người chỉ là hạt bụi, trăm năm cũng chỉ là một thoáng phù du, và anh tin, tôi cũng tin cái bất hủ chính là những vần thơ tâm huyết để lại cho nhân gian khi ta trở về với cát bui.

Theo nhà thơ PTT, cái “thân nghiệp” của con người trước hết là những dây oan trói buộc người ta trong cõi tình, để từ đó hạnh phúc và khổ đau, hạnh ngộ và chia ly, con người ngụp lặn trong bể ái, mấy ai thoát ra được lưới tình:

Cái hôm lỡ bước xuống đời

Gian nan thân nghiệp – đầy vơi cõi tình

(Tự sự)

Mang nặng cái thân nghiệp ấy, nhà thơ đã yêu và đã để lại những vần thơ tình ngát hương ái ân, ứa tràn diễm mộng, không gian trữ tình bát ngát với điệu vần lã lơi say đắm:

Tiếng chiều gọi suối chơi vơi

Võng còn ru mãi những lời hẹn xưa

Nụ cười nương rẫy mây mưa

Mùi da thịt ấy như vừa đâu đây

Chiều nghiêng bóng núi vai gầy

Mọng môi em ấm nồng đầy trinh nguyên.

(Mùa em vẫn xanh)

Tiễn biệt một bạn thơ thân thương đi vào cõi vô cùng, hồn thơ PTT nức nở chân thành, thảng thốt đến nghẹn lời, những câu thơ của một nhà thơ hiện đại bỗng hóa cổ thi ngàn năm, như ta lần giở thư tịch cổ nhân khóc bằng hữu xưa nay:

Thế là thôi!

Thế thì thô!

Tà dương đã khuất

Bên đồi gió thu

Quê nghèo vọng tiếng mẹ ru

Đầu ghềnh cuối bãi mịt mù sương giăng

Vô tình gió

Hững hờ trăng

Nghiệp duyên đã tịnh!

Hồn thăng cuối trời.

(Huynh ơi)

Tôi cho rằng đây là những câu thơ khóc bạn tuyệt bút, khó bắt gặp đâu đó lần thứ hai, bởi cảm xúc anh trong giây phút ấy bay theo hương hồn bạn để thăng hoa về trời.

Nhà thơ PTT đi đây đi đó nhiều, tới đâu anh cũng ghi lại được những đặc điểm con người, cảnh sắc đặc hữu vùng miền. Tôi không chắc nhà thơ có phải là một anh chàng lãng tử hào hoa hay không, chỉ biết ánh mắt anh chạm giai nhân là lòng say đắm, như một tối chạm hương em Đà Lạt: “Khuya rồi Đà Lạt và ta /Chỉ còn nghe tiếng thông hòa gió đêm /Hương chiều còn đọng tay em /Rối lòng nhau đến tóc thèm sương rơi”. Và khi dừng chân bên nhà thờ Đá Sa Pa , chàng lãng tử nghiêng cả trời chiều vào đôi mắt sơn nữ: “Chiều nghiêng vào măt lá răm /Tôi như lạc giữ trời thăm thẳm mùa”. Hãy tha thứ cho trái tim lãng mạn của nhà thơ PTT, cũng như tôi tự tha thứ cho trái tim dễ xao động của mình, bởi, hãy rộng lượng, người làm thơ vốn được trời ban cho một tâm hồn nhạy cảm, để yêu thương và để phóng bút vào trăng sao.

Với quê hương, anh thường thỏ thẻ tự tình với sông nước miền Tây quê vợ: “Vô tình em một dòng sông / Tôi đi một cuộc có – không lục bình. Hay là: “Từ em đến chợ xa xôi/ Cơn mưa Đồng Tháp ướt người Cần Thơ/Khôn tôi thành kẻ dại khờ/Chợ tan rồi cứ thẫn thờ với sông (Áo bà ba). Những câu thơ tha thiết cứ xốn xang vang vọng trong lòng tôi.

Muốn dừng bút, nhưng tôi không nỡ bỏ qua bài ca hạnh phúc, tôi xin chúc phúc cho cuộc sống lần thứ hai tươi sáng mà cuộc đời dành cho anh:

Sáng nào mắt chạm vào nhau

Miệng xưng chú cháu mà sau thành đời

Ngược chiều định mệnh em ơi

Gặp gỡ nhau để ngỏ lời trái tim. ..

Trai học giỏi gái lớn khôn

Mười lăm năm ấy tôi ơn em nhiều

Việc đời còn lại bao nhiêu

Câu thơ – chén rượu, những điều trăm năm

(Hạnh phúc nở hoa)

Bạn có nghe mùi trầm hương đêm đọc truyện Kiều thoang thoảng trên những trang thơ của thi phẩm ĐƯỜNG CHÂN TRỜI như tôi đang hít thở?

 

TIỂU SỬ:

Bút danh: NGUYÊN BÌNH

 

Tên thật: Nguyễn Bá Bĩnh

Sinh: 1953. Tại Thừa Hiên Huế

Hiện sống tại TP. Bà Rịa

-Làm thơ từ thời sinh viên

-Bài thơ tình đầu tiên: 1973

-Sách in dưới dạng bản thảo:

***

+ Thầm lặng yêu người, thơ (2006)

+ Những mùa trăng cũ, truyện ký (2013)

+ Nhặt nhạnh ý đời, thơ (2013)

+ Giấc mơ tôi, thơ (2015)

+ Mùa hoa dã quỳ, thơ (2017)

+ Khắc bóng thời gian, thơ, (2021)

+ Thắp nên tôi để dành, thơ, 2021)

-Sách đã xuât bản:

+ Tiền Kiếp, thơ, NXB HNV, 2019

+ Hoa Vàng Trên Áo Xanh, thơ, NXB HNV, 2020

+ Dòng Nhựa Thơm Nguyện Ước, thơ, NXB HNV, 2021

+ Quyền Năng Của Ngôn Ngữ Từ Trái Tim, cảm nhận văn học, NXB HNV, 2021.

-Sách sắp xuất bản:

+ Thắp nến tôi để dành (thơ)

+ Khắc bóng thời gian (thơ)

+ Quyền Năng Của Ngôn Ngữ Từ Trái Tim II. (Cảm nhận văn học)

***

-Viết tựa cho nhiều đầu sách:

+ Lục Bát Phương Nam I ( thơ, NXB HNV, 2019)

+ Luc Bát Phương Nam II ( thơ, NXB HNV, 2021)

+ Lục Bát 68. (thơ Xuân Trà, NXB HNV, 2019)

+ Lắng Tâm Nghe Sóng (thơ Tâm An, NXB HNV, 2021)

+ Mùa Tình (tuyển tập thơ, nhà xb Nhân Ảnh)

+ Sóng Tình (thơ Lê Ngọc Mai, NXB HNV, 2021)

+ Vũng Tàu Thương Nhớ ( thơ, Đường Xoan, chưa xb)

+ Lung linh Miền Nhớ (thơ Ben Oh, 2021)

-Viết cảm nhận văn học hơn 40 tác phẩm của hàng chục tác giả trong và ngoài nước.

-Nhiều tập thơ in chung, tập san, tạp chí và bài đăng trên các trang trong và ngoài nước.

Lời kết:

Với bút lực như thế( nhất là từ năm 2006 đến nay 2021) và một tâm hồn cùng trái tim đam mê viết lách không ngơi nghỉ, chắc chắn NB sẽ còn tung cánh trên đường bay nghệ thuật dài lâu.

 

( Xuyên Mộc 12.2021)

Hình ảnh: Nhà giáo,nhà thơ Nguyên Bình và tôi

 

 

Trần Dzạ Lữ
Số lần đọc: 545
Ngày đăng: 15.02.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dọc đường văn nghệ (Phần 73) Đinh Ngọc Diễm Thư, nhà thơ xứ An Giang - Trần Dzạ Lữ
Quán hớt tóc - Nguyễn Đức Tùng
Hải hành mùa đại dịch 9 - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Hải hành mùa đại dịch 8 - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Tết ở Trường Sơn Tây - Nguyễn Đại Duẫn
Tết sắp về! Tôi lại nhớ Tết xưa. - Hoàng Thị Bích Hà
Dọc đường văn nghệ (phần 71) Trịnh Công Truyền, người mê thơ, thích hát & rất giàu tình cảm - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ (Phần 72), Bích Mai Phan : giọng thơ lạ mà rất Huế - Trần Dzạ Lữ
Mùa Xuân trên đỉnh Hòn Chè - Trần Khởi
Dọc đường văn nghệ (Phần 69) Đạo diễn Trần Ngọc Phong (Phong Trần): Người của nghệ thuật thứ bảy - Trần Dzạ Lữ
Cùng một tác giả
Hương cau quê nhà (truyện ngắn)
Cắt (thơ)
Thư Gửi Chị (tạp văn)
Liếc (thơ)
Nhớ (thơ)
Chờ O (thơ)
Khát (thơ)
Câm (thơ)
Nhớ Bạn (tạp văn)
Tát (thơ)
Cần (thơ)
Tím Nhớ (tạp văn)
Dắt (thơ)
Nhốt (thơ)
Chìa (thơ)
Trượt (thơ)
Trộn (thơ)
Bắt (thơ)
Xa cách (thơ)
Chặt (thơ)
Lấn (thơ)
Cách ly (thơ)
Quỳ (thơ)
Tôi (thơ)
(thơ)
Hoa cà (thơ)
(thơ)