Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
855
116.683.954
 
Dọc đường văn nghệ (Phần 65) Huỳnh Văn Dung, tác giả bài thơ rất Huế
Trần Dzạ Lữ

 

Bài thơ Rất Huế của nhà thơ Huỳnh Văn Dung được nhạc sĩ Võ Tá Hân phổ thành ca khúc nổi tiếng với tiếng hát ngọt như mía lùi của ca sĩ Trung Hậu( dù trước đây có bài thơ Rất Huế của thi sĩ Phong Sơn,nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc và Bảo Yến hát) khiến bao kẻ xa quê,cũng như tôi lìa xứ, se lòng, quắt quay nhớ về đất thần kinh yêu dấu, nơi đã sản sinh ra nhiều văn nghệ sĩ tài hoa cùng lắm giai nhân tuyệt thế.Và người Huế( nhất là phái nữ) lúc mô cũng mang mang hai tiếng dạ, thưa trên môi cười dịu ngọt.( Phải chăng là ảnh hưởng của nền giáo dục căn cơ và đạo lý làm người?)

 

Tôi quen biết Huỳnh Văn Dung từ thập niên 90 khi in tập thơ Hát Dạo Bên Trời.Lúc đó, HVD là giám đốc nhà in của tuần báo Văn nghệ TP.Là giám đốc nhưng cốt cách của anh rất Huế với hai tiếng dạ, thưa đã ăn sâu vào tiềm thức.( không chỉ riêng tôi mà cả với khách hàng)Dung không chỉ tay 5 ngón mà đích thân điều hành nhà in bằng với nhiệt tình và đam mê của một người yêu văn chương( cả vợ Dung cũng thế)Tôi in hai tập thơ ở đây đều đúng hẹn nên rất vui.Ngoài công việc, tôi và Dung là đồng hương, cũng cùng làm thơ nên rất thấu hiểu nhau và thường cà phê sau giờ làm việc.Cùng tâm trạng ly hương nên biết” Huế đáng yêu nhưng ra đi để mà nhớ” và lâu lâu về thăm thì thú vị hơn là ở một chỗ, dễ trở nên gia trưởng và cực đoan( đất sinh người?)HVD sinh ra ở Thành Nội vì vậy có rất nhiều cảm hứng khi làm thơ về cảnh quan ở đây. Nào là Đường Phượng Bay, Tám cửa thành, Tịnh Tâm ngát hương sen…hay những bước đi kiêu sa lồng lộng bóng hoàng thành của các nàng Tôn Nữ.Khi đã nghìn trùng cách trở, mỗi xa xăm là một quan hà trong tâm tưởng nên chàng đã có bài thơ Rất Huế như một nhắn gửi tấc lòng mình về cố đô xưa( Rất Huế):

Giữ chút gì rất Huế đi em

Nét duyên là trời đất giao hoà

Dẫu xa một mai anh gặp lại

Vẫn được nhìn em say lá hoa

Giữ chút gì rất Huế hiền ngoan

Xin em chớ cắt mái tóc thề

Để cho gió thổi bay suối tóc

Và mùa đông ấm đôi vai gầy

Giữ chút gì rất Huế trang đài

Nón nghiêng bóng nắng dáng thơ ngây

Gặp anh, nón hỡi đừng nghiêng xuống

Cho anh trông mắt ngọc mày ngài

Giữ chút gì rất Huế mặn mà

Dạ thưa ngọt lịm ai mê say

Em đi gót nhẹ xanh hồn cỏ

Và hơi thơ mềm sương khói bay

Giữ chút gì rất Huế đi em

Cánh thơ áo trắng chắp hai tà

Để vạt lụa bay trên đường chiều

Ngỡ mình lạc chân trong cõi mơ

Dẫu em rất Huế tự bao giờ

Đừng để lòng em như cung điện

Đừng cho anh suốt đời đứng đợi

Trước cấm thành gọi mãi chẳng ai thưa.(HVD)

Bài thơ được nhạc sĩ Võ Tá Hân chắp cánh bay bổng qua nhạc điệu chậm,tha thiết.Nghe xong tôi càng nhớ Huế lại muốn mọc cánh bay về…( ai muốn nghe thơ nhạc của HVD và VTH thì vào youTube gõ tên bài và tác giả)

Duyên gặp gỡ nhau đến năm 2010, tôi có việc đi làm ăn nơi xa.Mấy năm sau quay về thì nghe tin HVD thôi làm giám đốc nhà in báo văn nghệ và đã đi định cư nước ngoài.Thế là, tôi chẳng còn liên lạc được với người Rất Huế.Tôi biết, qua xứ người không dễ dàng gì vì chàng và gia đình phải từng bước thích nghi với cuộc sống mới.Phải” cày bừa” liên tục mới bảo đảm được đời sống áo cơm.Tôi hy vọng với sự chịu khó, chịu thương của người sinh ra và lớn lên ở Huế HVD sẽ mau chóng ổn định cuộc sống.Cũng mong chàng có được ngày về cố hương, để thấy con người thanh cảnh ấy có mập lên chút mô không hè…

Ta hãy đọc thơ HVD với hoài niệm cũ:

 

THƠ HUỲNH VĂN DUNG

 

MỜi NGƯỜI TRONG TRANH UỐNG RƯỢU

 

Mời em, Tôn nữ yêu kiều

Bước ra nâng chén uống liều cùng tôi

Vàng rơi trải lá em ngồi

Mặc đôi tà áo muốn trôi phương nào

Uống cho đôi má hồng đào

Cái nhìn ươn ướt xô nhào thế gian

Uống ru duyên nợ bẽ bang

Nồn nương theo khói ôm vầng trăng nghiêng

Men nồng bóng ảo đêm thiêng

Thấy em là suối nhiệm huyền trôi qua

Cho tôi lá thắm hương hoa

Từ khi ngồi cạnh đã là tình nhân

Uống đi cho mướt tay đàn

Ngoan ngoan mười ngón tình tang mê cuồng

Lay ngàn hoa hé nụ sương

Năm khúc tương ái vấn vương đất trời…

Về thôi trăng đã phai rồi

Đàn ngưng rượu cạn-chia đôi đời buồn.

 

TÂM SỰ MỘT TƯỢNG ĐÁ TRONG CẤM THÀNH

 

Ru tôi nến lụn, nhang tàn

Giữa cung điện lạnh nét vàng son phai

Tháng năm đè nặng trên vai

Tôi ơi mong được một ngày hoá thân

Mơ làm gười giữa cõi trần

Đôi hài lấm bụi vui ngàn dặm xa

Được say trước mỗi mùa hoa

Dưới trăng cô quạnh biết da thịt buồn

Thịt da ôm ấp quả chuông

Nhịp ngân sâu thẳm từ nguồn ái ân

Một ngày bơi giữa trầm luân

Hơn làm thánh giữa thiên đàng mù câm.

 

NẮNG và MƯA

 

Anh không muốn là nắng

Nên em đừng là mưa

Hai cảnh đời trái ngược

Làm sao có tương phùng

Khi nắng buồn ghé thăm

Mưa không còn ở đó

Bao lần mưa trở lại

Nắng đã về hư vô

Thiên thu giưa đất trời

Có bao giờ gặp gỡ

Nắng biết tìm mưa đâu

Từng hoàng hôn rạn vỡ

Anh lấy mẫu tự đầu

Thầm gọi mưa là M

Rồi bảo rằng là N

M,N…gần nhau mãi

Nắng mưa không duyên nợ

Nắng tìm mưa bạc đầu

Mưa đợi nắng rét buốt

Chẳng bao giờ bên nhau

Ôi tình yêu tình yêu

Thiên đường giưa thế gian

Đâu là phép nhiệm mầu

Cho mình đừng ly tan…

 

CÕI NHÂN GIAN TỪ ĐỘ CÓ EM VỀ

 

Khi em cười ánh mắt cũng reo lên

Anh thấy cả bầu trời xuân trong ấy

Từ bóng tối niềm tin yêu đứng dậy

Vỗ cánh bay về phía mặt trời hồng

Khi em cười nỗi đau anh hoá ngọc

Phải chăng em là sen trắng hiện thân

Bao ưu phiền trả về cho dĩ vãng

Hoa hồn nhiên nở trên đá âu sầu

Khi em cười đất trời thêm giàu có

Hồn ao tù đã dậy sóng miên man

Nụ cười em vượt qua năm qua tháng

Đến thiên thu còn nguyên nét trăng rằm

Cõi nhân gian từ độ có em về

Là từ đó có tình anh chiêm bái

Chỉ em hiểu lòng anh còn thơ dại

Em chính là định nghĩa của tương lai.

 

( Trích từ tập thơ Gởi Lòng Tôi Theo Với-NXB văn Học 2002

Và tập Cõi Nhân Gian Từ Độ Có Em Về-NXB Thanh Niên 2009)

TIỂU SỬ;

Huỳnh Văn Dung sinh năm 1953

Tại Thành Nội Huế

Tác phẩm đã in:

-Dẫu Ngày Xưa Rất Xưa.Nhà xuất bản Văn Nghệ 1992

-Từ Em,anh bước Đến Thi Ca-NXB Trẻ 1998

-Gửi Lòng Tôi Theo Với-NXB Văn Học 2002

-Cõi Nhân Gian Từ Độ Có Em Về-NXB Thanh Niên 2009

***

Bây giờ, nơi núi rừng heo hút này, nhớ HVD chỉ còn cách mở lại youTube để nghe tiếng hát ngọt lịm của ca sĩ Trung Hậu qua bài thơ Rất Huế của chàng và nhạc sĩ Võ Tá Hân vậy.

 

( Xuyên Mộc 11.2021)

 

 

 

 

 

Trần Dzạ Lữ
Số lần đọc: 644
Ngày đăng: 24.11.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dọc đường văn nghệ (Phần 63) Họa sĩ Nguyễn Đình Thuần: thả nỗi nhớ, niềm thương vào sắc màu hội họa - Trần Dzạ Lữ
Hiu hắt đời người - Ngữ Yên
Dọc đường văn nghệ (Phần 60) Ngô Đình Hải, nhà văn rất Sài Gòn - Trần Dzạ Lữ
Dầu Tiếng – ký ức miền thơ ấu - Phan Văn Thạnh
Dọc đường văn nghệ (Phần 61) Chàng Pilot gãy cánh đêm xưa… - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ (Phần 62) Hoàng Thị Bích Hà, nhà bình luận văn học của xứ thần kinh - Trần Dzạ Lữ
Ba tôi - Nguyễn Đại Duẫn
Dọc đường văn nghệ (Phần 59) Huỳnh Minh Lệ, nhà thơ thâm trầm…xứ Phù Cát - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ (Phần 56) Nguyễn Liên Châu, nhà thơ sinh ra để biên tập tác phẩm văn học - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ (Phần 57) Âu Thị Phục An, cây viết nữ lạ thường - Trần Dzạ Lữ
Cùng một tác giả
Hương cau quê nhà (truyện ngắn)
Cắt (thơ)
Thư Gửi Chị (tạp văn)
Liếc (thơ)
Nhớ (thơ)
Chờ O (thơ)
Khát (thơ)
Câm (thơ)
Nhớ Bạn (tạp văn)
Tát (thơ)
Cần (thơ)
Tím Nhớ (tạp văn)
Dắt (thơ)
Nhốt (thơ)
Chìa (thơ)
Trượt (thơ)
Trộn (thơ)
Bắt (thơ)
Xa cách (thơ)
Chặt (thơ)
Lấn (thơ)
Cách ly (thơ)
Quỳ (thơ)
Tôi (thơ)
(thơ)
Hoa cà (thơ)
(thơ)