Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
828
116.628.085
 
Dọc đường văn nghệ (phần 22) - Ở Đà Lạt mênh mang sương khói cuộc tình
Trần Dzạ Lữ

 

 

Nói đến Đà Lạt là nói đến một thành phố cao nguyên của xứ sở ngàn hoa.Là vùng đất thơ mộng đến lạ kỳ.Con người thì sống chậm và ẩn mình trong không khí se se lạnh nên không thiếu chất lãng mạn , trữ tình…Tôi mê Đà Lạt khi nhìn thiên nhiên và con người ở đây.Càng bị mê hoặc hơn khi nghe những ca khúc viết về Đà lạt của những nhạc sĩ tài hoa như Hoàng Nguyên( Ai Lên Xứ Hoa Đào)Minh Kỳ-Lê Dinh( Đà Lạt Hoàng Hôn ) Trăng Mờ Bên Suối( Lê Mộng Nguyên)...Đà lạt cũng là nơi sản sinh nhiều văn nghệ sĩ, nhạc sĩ, thi sĩ, văn sĩ, họa sĩ.Chỉ tiếc là tôi không có duyên kỳ ngộ nhiều nên chỉ viết một ít người tôi đã từng quen biết trong hồi ức này. Xin bạn đọc thông cảm. 
 NT, GIỜ EM NƠI ĐÂU ?

Tôi cũng “cuồng điên vì nhớ” trong những ngày chộn rộn 75 khi nhận những lá thư liên tục của NT từ Đà Lạt bay về SàiGòn : Anh ơi! Anh ơi! Bây giờ anh ở đâu? Nơi nào đó có nhớ em không ? Riêng em thì mỗi sáng thức giấc trong sương lạnh ,em đều pha một ly cà phê cứt chồn đợi anh.Đợi anh…Nàng là người ái mộ tôi trên tuần báo Khởi Hành, Thời Tập dù chưa gặp mặt nhưng qua liên lạc thư từ thì “Hình Như Là Tình Yêu” theo cách của nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn.Những ngày này tôi cũng “hàng thần lơ láo phận mình ra sao? “ song khó mà quên được tâm tư nàng viết qua thư.Quay quắt và chờ đợi thôi.May thay năm 1982 có người quen lên Đà Lạt.Thế là tôi gửi thư tay nhờ trao đến NT ở địa chỉ…Nửa tháng.Một tháng. Rồi hai tháng không thấy thư hồi âm.Rồi người tôi quen cũng lặn mất tăm. Sao vậy nhỉ? Năm 1983 tôi quyết định lên Đà lạt tìm Nàng.Sau gần một ngày qua bao làng mạc, núi đồi …đến Đà Lạt tôi đã rưng rưng muốn khóc…Nghe đâu người Làng Vân Thê-quê Mạ tôi lên đây lập nghiệp nhiều lắm.Nhưng việc đầu tiên là tôi đi tìm Nàng ở đường C.Quanh quất, hỏi han thì tôi cũng đã đứng trước ngôi nhà gỗ dễ thương đáo để: Cho tôi gặp NT.Một cô gái cao to chừng 1m7 bước ra: Dạ.NT đây.Tôi sửng sờ vì cứ nghĩ là một cô bé nho nhỏ, mềm mại như chữ cô viết trong thư.Tôi là TDL , TVD đây! -Xin lỗi anh cho xem chứng minh thư. Tôi hỏi: Răng rứa em ? Vì trước đây có người mạo nhận là TDL. Lúc này thì tôi hiểu ra vấn đề rồi.Móc chứng minh thư cho nàng xem.Sau cái gật đầu NT mời tôi vào nhà.Thế là bao nhiêu chuyện xưa ,nay chúng tôi hàn huyên không dứt.Nàng nói : Lần đó em cũng mời anh ta uống cà phê.Nhưng khi chia tay anh ta có hành động không như em nghĩ và không xứng đáng tư cách một TDL, nhà thơ em quý trọng.Em đã tặng cho anh ta một cái tát…Tôi nói: Hèn gì tránh anh luôn….Suốt 3, 4 tiếng đồng hồ NT dẫn tôi ngồi cà phê Tùng đã rồi đi dạo quanh đồi Cù.Đi bên nhau lặng lẽ để có thể nghe từng nhịp đập của con tim mình.Tôi hút thuốc.NT quẹt diêm mồi…Hình ảnh này như một bài thơ hay chưa viết ra.Gặp nàng khi tôi đã có gia đình nên chia tay nàng là câu: Em hãy lấy chồng và hạnh phúc .Bút tích của nàng qua thư từ tôi còn giữ là một kỷ niệm đẹp…Qua bao năm tháng dâu bể, giờ này tôi hỏi NT em ở đâu là hỏi để mà hỏi vậy thôi.Chứ mênh mang sương khói cuộc tình rồi cũng bay đi.Dù nơi đâu, thế nào tôi cũng cầu mong cho NT luôn an vui, hạnh phúc.Có một điều tôi là lạ: Là cô giáo dạy TDTT cao to mà lại ẩn chứa thơ, nhạc , văn chương trong một tâm hồn nhạy cảm, trữ tình có phải là miên viễn? Hay rồi cũng phôi pha?
Chia tay nàng tôi còn tìm bà con của tôi nữa.Sáng hôm sau đang cà phê ở chợ Đà Lạt thì gặp một người trông lãng tử ngối kế bên.Đó là Nguyễn Tấn Cứ.Cứ rủ tôi về ở lại nhà vì nhà chỉ có Cứ và bà mẹ.

NGUYỄN TẤN CỨ ( CỨ NGUYỄN ) ÁO GIANG HỒ CỨ KHOÁC MÀ ĐI

Duyên gặp gỡ với Cứ trong một thời gian ngắn nhưng lại trở nên thân tình khi cứ đưa tôi về gặp Mẹ của Cứ.Không giàu có về vật chất song lại giàu có tâm hồn và tình thương.Bà xem tôi như con vậy.Nhờ có Cứ mà sau đó tôi gặp thêm được một số người bà con của mình và anh em văn nghệ nữa ở Đà Lạt như nhà thơ Nguyễn Dương Quang, nhạc sĩ Phan Bá Chức, họa sĩ Nguyễn Sông Ba…
Những ngày ở Đà Lạt tôi được nghe thơ của Cứ và đi lang thang để tìm kiếm cảm xúc.Đây là Thiên Đàng của nghệ sĩ ,nói không ngoa chút nào.Thành thử Khánh Ly và Trịnh Công Sơn cất cao tiếng hát liêu trai, ma mị…Họa sĩ Đinh Cường căng bố để ném những gam màu cuộc sống con người, thiếu nữ và thiên nhiên vào cõi miên man của hội họa.Lê Uyên và Phương đã ôm đàn hát tình ca khôn dứt…Thi ca miền xứ lạnh tôi đã đọc của Cứ Nguyễn:

THƠ NGUYỄN TẤN CỨ
NHÀ THỜ TRÊN ĐỉNH ĐỒI

Đêm . với hàng triệu vì sao
Cô đơn như tháp chuông gió hú
một mình em và lời nguyện cầu
bình an cho sớm mai
bình an cho ngày mới

Sẽ không còn những ngày buồn thảm
những cuộc thiên di không ngày không tháng
không còn những căn nhà lang thang không kỉ niệm
những cuộc ra đi . . . không bao giờ trở lại
EM lãng du như một kiếp . . . giang hồ

Sẽ bắt đầu bằng những giọt nước mắt
Xót thương cho những ngày đã qua
Hân hoan cho những ngày sắp tới
Hãy quên đi . . . những lời cầu nguyện
rằng mời hôm qua thôi – em đã nguyện cầu

em cô đơn như tháp chuông
trên ngọn đồi kia - ngôi nhà thờ đơn độc
chỉ có lời kinh đêm - chỉ có lời kinh mưa
rằng ngày mai rồi sẽ đến
rằng em có ra đi - rồi em sẽ quay về

có một ngôi nhà thờ - trên đồi cao
và cũng có một căn nhà trên tầng cao
ở nơi ấy có Chúa của em - một mình khổ nạn
Chúa đóng đinh cho Hạnh phúc của con người

Anh sẽ cầu nguyện cho em vui – em mãi mãi tươi cười
cầu cho những giọt nước mắt sẽ lăn dài trong phúc hạnh
sẽ không còn có anh – trong tháp chuông kia ngân tiếng
trên ngọn đồi kia - ngôi nhà thờ thao thức
chỉ có mình anh thôi - chờ đợi đức tin về .
Nguyễn Tấn Cứ

Những Buổi Chiều Cuối Năm
Nguyễn Tấn Cứ

Vẫn cố um lên những bếp lửa
Dù đã quá tro tàn
Vẫn cố lên xanh những liếp cải
Dù đã quá hẹp thửa vườn
Vẫn chen rồ lên cỏ lau bén ngọt
Cứa vào hồn tôi tan tác
Trên những nỗi buồn của mảnh đất hoang

Vẫn ngẫn ngơ như một lữ khách không nhà
Vẫn chết ngất như tuổi thơ đã mất

Tâm hồn tôi như khói chiều xưa cũ
Vẫn rưng rưng khi chạm tới tháng năm tàn

Tôi vẫn thương tôi
Dù đã quá những buổi chiều
Sự khủng khiếp của những buổi chiều phố chợ
Những con chó hoang chạy quanh
Những sạp hàng hiu quạnh
Những khói hương bay
Quanh quẩn những hiên nhà

Có về không con nước sông Trà
Đã mệt mỏi lắm
Ôi cuộc đời trôi mỏi mệt
Lang thang mãi cứ ngỡ đời mình bạc phận
Có ngờ đâu chiều vẫn cuối năm…vàng
Nguyễn Tấn Cứ
Và thơ lục bát:

NGUYỄN TẤN CỨ
ĐÃ LÀ EM XƯA

Chu môi em thổi cái vèo
Mối tình ta đã vốn nghèo hai năm
Nhíu mày em liếc lạnh căm
Hai tay che mắt lâm thâm mưa phùn
Em mua chi một nỗi buồn
Bây giờ bán đứt không cần đến tôi
Không cần em mới cong môi
Tôi hôn một cái cho …trôi nỗi buồn.

THÔI

Thôi người bụi ở sau lưng
Thôi môi mắt ấy rưng rưng thị thành
Thôi em đừng cố treo mành
Đừng khuynh nhất tiếu đừng hành hạ tôi..
Nguyễn Tấn Cứ

Cứ tưởng anh chàng này quẩn quanh với xứ sương mù, ai ngờ Cứ lại khoác áo giang hồ lên vai và Hành Phương Nam như thi sĩ Nguyễn Bính ngày nào.Vậy là SàiGòn có thêm một cư dân bởi đây là nơi đất lành chim đậu.Ai nỡ khước từ một người làm thơ phải không Cứ Nguyễn ?

NGUYỄN DƯƠNG QUANG, NHÀ THƠ NHÂN HẬU
Cũng nhờ Cứ mà tôi quen biết anh Nguyễn Dương Quang.Đây là nhà thơ rất nhân hậu và căn nhà anh là nơi giao tiếp tất cả anh chị em văn nghệ mỗi khi bước chân lên xứ ngàn hoa.Chỉ gặp anh chị một lần mà tôi nhớ mãi.Sau này cũng có vài lần lên Đà Lat nhưng đi tour nên chẳng kịp ghé thăm.Vẫn hy vọng một ngày nào đó một mình ghé lên thăm nhà thơ.Cuộc sống nhân hậu nhưng anh không ngớt trăn trở, tư duy về phận người.Những bài thơ sau là một minh chứng: 
NGUYỄN DƯƠNG QUANG
ĐIỀU RẤT KHÓ

Sống trong cuộc sống, điều rất khó
sống ngoài cuộc sống, điều rất khó
chết trong cuộc sống, điều rất khó
chết ngoài cuộc sống, điều rất khó

Lừa dối với người, điều rất khó
lừa dối chính mình, điều rất khó
thành thật với người, điều rất khó
thành thật với mình, điều rất khó

Giương một cánh cung, điều rất khó
bảo ta anh hùng, điều rất khó
nói ta hèn kém, điều rất khó
nghe một lời kinh, điều rất khó

Thốt một lời yêu, điều rất khó
thản nhiên vô tình, điều rất khó
ngày ngày líu lo, điều rất khó
nằm im giấu mỏ, điều rất khó

Đi trước thời gian, điều rất khó
đi ngược thời gian, điều rất khó
chỉ biết có mình, điều rất khó
không biết có mình, điều rất khó

Biết điều rất khó, điều rất khó
làm điều rất khó, điều rất khó
không làm điều khó, điều rất khó
điều rất khó, hừ! điều rất khó


BIỂN TRONG KÝ ỨC KẺ DU CƯ

Kẻ du cư đã gác đời mình trên đỉnh núi
nhưng trong anh vẫn là dòng máu mặn biển xa
buổi chiều lặng yên trên đồi cỏ mượt
nhìn trời xanh anh ngỡ biển quê nhà

Quê nhà anh xưa trải dài trên cát
cát ngủ cùng anh từ trên chiếc võng nôi con
anh lớn lên dưới bóng dừa che chở
trong từng chiếc vỏ ốc khô đều ẩn giấu linh hồn

Anh đã sống và yêu bên biển
ôi! người anh yêu và biển anh yêu
rất xinh đẹp, lúc dịu hiền, khi giông bão
nên đời anh hạnh phúc nép thương đau

Có lúc một mình anh bên gành vắng,
khi cùng ai cuối bãi đợi bình minh
anh cô đơn, biển bao la cô đơn kinh khiếp
anh yêu, yêu đã đầy chưa biển tình?

Những đêm mùa hè anh nằm gối tay trên cát
biển ru anh vào những giấc mơ,
biển nói cùng anh về tình yêu thương, lòng tàn bạo
về những nỗi âm u sâu thẳm khôn dò

Biển đã thấm vào anh tình yêu, nỗi đau và niềm yên ủi
anh ra đi, lạc vào cõi sương mù
anh vẫn mơ ngày cuối cùng trở về chốn cũ
mãi mãi là con sóng nhỏ biển thiên thu.


EM Ạ! CHÚNG TA VÀ NỖI CÔ ĐƠN
gửi...

Hình như con người không thể thấy
được hết nỗi cô đơn của mình
dù khi em viết những dòng thơ tình
đã tự xé lòng đau đến vậy

Bài thơ em khúc nhạc buồn chơi vơi
con chim hít cô kêu trong chiều hiu hắt
ta, cùng nỗi mênh mang một hồn gió giạt
mưa xanh, nắng bạc rũ bên trời

Có khi ta thầm hỏi lòng da diết
tại sao mình không thể thiếu cô đơn?
muốn thành trăng tự tròn, khuyết rồi tan
đọng thành mây rồi trôi… trôi biền biệt

Khi tha thẩn trên đồi cao hay bên bờ biển vắng
lòng ta biêng biếc cõi tình quên
làm sóng hát cùng con thuyền trống
làm gió đùa cùng đám lá đầu non

Em ạ! làm sao chúng ta san sẻ được nỗi buồn?
mỗi người riêng một trái tim chưa khép
vậy xin ấp yêu đóa hoa lòng thật đẹp
là Cô Đơn! chất ngất cô đơn.

Nguyễn Dương Quang

Hình 1: NT chụp hình Trần Dzạ Lữ năm 1983 và chữ ghi trên tấm ảnh là của Nàng 


Hình 2: Nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ( Cứ Nguyễn )


Hình 3: Nhà thơ Nguyễn Dương Quang

 

Dọc Đường Văn Nghệ ( phần 22 còn tiếp ) Ở Đà Lạt

 

 

 

 

Trần Dzạ Lữ
Số lần đọc: 2094
Ngày đăng: 21.08.2017
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Làm vợ thi sĩ - Lâm Bích Thủy
Trường Sainte Marie, Phú Xuân, ký ức một thời xa vắng - Sâm Thương
Sao ứng với đời tôi đến thế - Lâm Bích Thủy
Hoa lửa đất Tây Đô - Nguyễn Thanh
Đến phù cát để…mở luân xa - Từ Sâm
Kỷ niệm vần thơ đầu đời của tôi - Trần Thoại Nguyên
Hoang Tưởng Nhân Ngày Thiếu Nhi 1 – 6 - Phạm Nga
Dọc đường văn nghệ (tiếp theo phần 19) Phan Kim Thịnh, chủ bút tạp chí Văn Học) - Trần Dzạ Lữ
Chiếc cầu ký ức - NP Phan
Dọc đường văn nghệ "Lê Ngộ Châu" chủ nhiệm tạp chí Bách Khoa - Trần Dzạ Lữ
Cùng một tác giả
Hương cau quê nhà (truyện ngắn)
Cắt (thơ)
Thư Gửi Chị (tạp văn)
Liếc (thơ)
Nhớ (thơ)
Chờ O (thơ)
Khát (thơ)
Câm (thơ)
Nhớ Bạn (tạp văn)
Tát (thơ)
Cần (thơ)
Tím Nhớ (tạp văn)
Dắt (thơ)
Nhốt (thơ)
Chìa (thơ)
Trượt (thơ)
Trộn (thơ)
Bắt (thơ)
Xa cách (thơ)
Chặt (thơ)
Lấn (thơ)
Cách ly (thơ)
Quỳ (thơ)
Tôi (thơ)
(thơ)
Hoa cà (thơ)
(thơ)