Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
808
116.677.686
 
Chuyện anh Hai miền Tây
Minh Tứ

 

 

 

Công việc lu bu, thấy lâu tôi không gọi điện hỏi thăm thì anh Hai, đang ở tít tận Cà Mau gọi điện la: “Mày tiếc tiền điện thoại hay sao hồi này không gọi cho anh Hai mày!”. Nghe vậy tôi chỉ cười trừ vì biết anh bận nhiều việc của một phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam, thường trực tại Thành phố Hồ Chí Minh; công tác nghiệp vụ rất nhiều, anh lại đang là người chủ công tổ chức Giải Báo chí đồng bằng Sông Cửu Long, rồi phải đón tiếp đoàn các tổ chức hội nhà báo các nước đến thăm Việt Nam, ghé thành phố… Bữa trước hai anh em hẹn gặp nhau ở Cửa Việt vào mùa gió Tây Nam cũng không được, bởi anh bận về các tỉnh miền Tây thăm, tặng quà cho các gia đình thân nhân các nhà báo liệt sĩ trong dịp tháng Bảy về.

 

Anh Hai sống cá tính, có thể nói là rất mạnh mẽ; ưa ai thì cứ hết mình, còn ghét ai thì ghét cay ghét đắng, đến mức cực đoan. Còn trong công việc thì anh tận tình, chu đáo, làm rất nhiều việc tốt, có ích cho đời, nhưng trước hết là người trọng nghĩa tình. Điều đó gắn bó tình anh em chúng tôi dài lâu. Cứ nhìn anh là biết ngay được tính tình. Khuôn mặt vuông vức, đôi mắt nhân từ, nhưng khi anh giận trông cũng rất ngầu. Dáng anh thấp, gầy, phong thái an nhiên, như người đứng từ xa quan sát người khác một cách khoáng đạt. Tôi với anh Hai thân thiết đã mấy chục năm rồi. Hồi đó anh làm Tổng Biên tập Báo Cà Mau. Có lần đi công tác Hà Nội về, ghé thăm cầu Hiền Lương, anh thổ lộ, bao nhiêu năm rồi anh mới có dịp đến đây. Tay mân mê lan can thành cầu Hiền Lương, anh khóc suốt trong một chiều hoàng hôn bên dòng Bến Hải. Sau này trong bút ký “Bây giờ đôi bờ Bến Hải” của tôi viết đăng trên Tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, mở đầu tôi dùng hình ảnh anh Hai của cái buổi chiều bên cầu Hiền Lương để vào chuyện: “Hôm ấy là một buổi chiều nắng đã tắt bên dòng Bến Hải. Dừng lại, mân mê từng thanh sắt lan can, sờ nắn từng tấm gỗ của chiếc cầu Hiền Lương được phục chế, anh Nguyễn Hai, người con của đất mũi Cà Mau không dấu được xúc động, nước mắt nhạt nhòa. Tôi hiểu tâm trạng của anh vào thời khắc này có một cái gì đó rất đỗi thiêng liêng, dù làm báo đã lâu nhưng đây là lần đầu tiên anh được đặt chân đến cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, nơi từng diễn ra nỗi đau chia cắt, từng chứng kiến cuộc chia ly dằng dặc hơn hai mươi năm của bao người con đất Việt, trong đó có người thân của anh. Sông cũng hiểu lòng người nên dòng chảy cứ dùng dằng, lặng lờ trôi…”.

Sau mấy lần hẹn hò, rồi cũng có dịp tôi đến thăm miền Tây quê anh. Lần đầu xuống Cà Mau, anh Hai đi Hà Nội. Anh điện thoại bảo: “Mày về đi, có Đỗ Kiến Quốc, Phó Tổng Biên tập báo ở nhà sẽ tiếp chu đáo, không có lo gì đâu, nó cũng như anh mày mà”. Chuyến thăm Đất Mũi, nơi Km 0 ở vùng đất cuối đất cùng trời ấy cho chúng tôi nhiều trải nghiệm thú vị, khi lần đầu được chạm đất mũi, nơi “Rừng biết đi ra biển”, nơi “Tổ quốc ta như một con tàu”… Lần sau về Cà Mau, anh Hai và các bạn Đỗ Kiến Quốc, lúc này mới đi luân chuyển làm phó bí thư thường trực huyện Cái Nước trở về, được đề bạt làm giám đốc Đài  Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Phạm Vũ, Biên tập viên Tạp chí văn nghệ Cà Mau đưa tôi đi thăm rừng U Minh, để thấy “lá phổi xanh” không chỉ của đồng bằng sông Cửu Long mà còn là của cả nước và thế giới. Chuyện ba anh em Cà Mau nài ép tôi ăn bộ lòng con cá lóc to bự bị sốc như thế nào, hay ăn thịt chuột U Minh ngon ra sao, tôi sẽ kể sau, còn về Cà Mau, về rừng U Minh là về miền ký ức của anh Hai. Về đây, ký ức về những năm tháng tuổi thơ chợt ùa về trong lòng anh.

Sống trên đời ai cũng có một quê hương để gắn bó, là nơi chốn đi về của một đời người. Anh Hai sinh ra và lớn lên ở Cà Mau nhưng quê gốc ở tỉnh Bến Tre. Sống và viết ở nơi tận cùng của Tổ quốc, nên mỗi lần chứng kiến sự đổi thay của quê hương, anh đều rất vui mừng đón nhận một cách rất riêng. Tôi đọc những dòng trạng thái này của anh mà thấy Đất Mũi này với anh có ý nghĩa đến nhường nào: “Chiếc cầu sừng sững ôm choàng mặt sông như nửa vầng trăng treo lơ lửng ở cuối trời cực Nam Tổ quốc. Tôi đứng giữa dòng sông Cửa Lớn hít tràn lồng ngực từng cơn gió lồng lộng từ biển cả ùa vào. Một màu xanh thẳm của rừng đước Mũi Cà Mau ngập tràn trong mắt. Ngoài khơi xa, đảo Hòn Khoai hiện ra như nét chấm phá cho bức tranh thuỷ mặc của đất trời. Con nước rong đang tràn ngập bãi bờ miên man náo nức. Có lẽ chưa ai đếm hết được có bao nhiêu kênh rạch len lỏi khắp các cánh rừng bạt ngàn kia. Cũng như tôi chưa bao giờ đong đếm được bao nhiêu ký ức dệt nên từ cánh rừng bên sông cứ ráo riết gọi đêm ngày…”.

Qua lời kể của anh Hai, tôi biết anh có một tuổi thơ gian nan trong những năm đất nước đang chiến tranh, loạn lạc. Trong cánh rừng đất phương Nam này, tháng Chạp năm Mậu Thân, lúc Hai mới lên 10 tuổi, anh nhớ thằng Đước, bạn anh khi đó mới 5 tuổi đã biết thế nào là chia ly. Đước là con ông thủ trưởng đơn vị. Sau tập kết ông về Nam chiến đấu, lấy tên là Năm Mắm, đặt tên con là Đước và Dẹt. Trước lúc giã từ căn cứ, Hai trèo lên cây đước cổ thụ lớn nhất, máng cây cần móc cua như trao gởi lại đây gia tài quý giá mà mình có được. Nó quý là vì được chính tay bác Năm Công (Lê Công Cẩn) làm tặng. Bác người Thạnh Phú, Bến Tre, bí thư chi bộ, chính trị viên trên chiếc tàu gỗ Bến Tre ra Bắc chở vũ khí về Nam đánh giặc. Cần móc cua này quý hơn nữa là vì nhờ nó mà Hai bắt được nhiều cua góp thêm cho bữa ăn của các chú thương binh đang điều trị ở trong rừng.

Hai nhớ mãi khi xuồng tách bến là cuộc chia tay chưa hẹn ngày gặp lại. Các cô, các chú quân trang, quân y, hậu cần bến của đường Hồ Chí Minh trên biển - Đoàn 962 ra tiễn đoàn xuồng sắp đi về phía đồng bằng đứng chật mái hiên sàn nước. Bỗng thằng Đước một tay xách thùng đạn Mỹ, là chiến lợi phẩm dùng đựng quần áo rất gọn, gặp giặc càn có thể đạp dưới bùn mà không sợ ướt, một tay với mũi xuồng, miệng mếu máo: “Anh Hai ơi, em cho anh cái thùng này làm kỷ niệm… Anh đi xa thì viết thơ dìa cho em…”. Nghe vậy, Hai thương thằng Đước quá. Khi ngoái lại anh thấy thằng Đước và cảnh vật nhoè trong rừng chiều.

Về đây, anh Hai chìm trong dòng hồi ức. Bến sông chia tay ngậm ngùi ấy nằm dưới tán lá của rừng đước cổ thụ tán che kín cả dòng kinh. Thậm chí là cả khu căn cứ hàng chục ngôi nhà sàn, cả hội trường chứa cả trăm người vẫn khuất dưới tầm nhìn máy bay Mỹ bởi sự chở che đó. Mới đó đã gần năm mươi năm với biết bao nước chảy qua cầu.

Bây giờ anh Hai vẫn còn nhớ về cánh rừng mà anh đã quay quắt cả cõi lòng khi hay tin bom đạn và chất độc của kẻ thù làm biến dạng tưởng chừng chỉ là nơi “thâm sơn cùng cốc”. Bây giờ về thăm anh thấy ngỡ ngàng. Giờ nơi đây đã là thị trấn, nhà cửa khang trang, điện lưới quốc gia giăng mắc như chốn thị thành. Đời sống của người dân dưới tán rừng cũng thay đổi tưởng chừng như giấc mơ. Vui với hiện tại, anh không quê kỷ niệm xưa. Nhớ có lần Hai vào rừng bắt vọp, bắt cua với mấy cô ở quân trang, do mải mê trên rừng, chừng xuống mé sông thì nước ròng đã sát kiệt, xuồng nằm chỏng chơ trên cạn, mọi người đành nhịn đói, đập muỗi chờ khuya nước lên mới về căn cứ. Có gạo, có nước ngọt mang theo mà phải nhịn đói, bởi không có lửa vì cái hộp quẹt không còn đá lửa. Vậy mà hồi tiễn Hai đi học, mấy cô mắng yêu: “Chừng hoà bình thống nhất ra thành phố ngồi xe hơi chắc gì còn nhớ mấy cô!”. “Mấy cô ơi, bây giờ có cần ra thành thị chi nữa, xe hơi đã về tận xứ này rồi. Điện để sử dụng cho xem truyền hình, máy điều hoà, tủ lạnh còn có, huống chi một tia lửa, mồi củi cho bữa cơm tối giữa rừng”, anh Hai như tâm sự với người xưa.

Tôi với anh Hai có mấy cái chung, là anh em tôi tự tính với nhau. Cả hai cũng từng làm phóng viên, sau đó lần lượt giữ các chức vụ trong cơ quan báo chí rồi trưởng thành, được phân công làm người đứng đầu cơ quan báo chí địa phương; cùng tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Khi anh được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, tôi cũng tham gia Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa X. Trưởng thành từ nghề báo, lại ham đọc - đi - nghĩ - viết trên quê hương miền Tây, anh Hai suy nghĩ thật nhiều chuyện hôm qua và hôm nay, và tương lai mai sau của vùng đất này. Chứng kiến sự đổi thay của quê hương, anh cảm thấy vui mừng bởi giấc mơ hôm qua và hiện thực hôm nay đã hoà thành một. Để có được điều đó, anh nghĩ đó là cả một quá trình chiến đấu không sợ hy sinh, lao động gian khó không ngừng của biết bao thế hệ người Cà Mau. Mà cụ thể và sinh động với nhiều người là câu chuyện tự do đi lại trên sông nước và biến sông nước thành đường để không còn cảnh đò giang trắc trở. Anh Hai bảo khác với các tỉnh thành khác, Cà Mau là đất phù sa mới, dễ lún, nhiều sông rạch nên khi xây cầu, đường rất tốn kém. Vật liệu xây dựng cơ bản như cát, đá phải mua ở xa hàng trăm cây số... Thế nên mấy năm trước, việc xe ô tô về đến trung tâm xã là chuyện bình thường, là đương nhiên với các tỉnh khác, nhưng với người Cà Mau chỉ nghĩ đến thôi cũng thấy lòng mừng khấp khởi.

Tôi đọc được những dòng này từ một bài trên báo của anh Hai khi viết về sự đổi thay của Cà Mau: “Đỉnh cao của giao thông nông thôn ở Cà Mau phải kể giai đoạn 2005-2010, mà “cú hích” là chương trình “Nhịp cầu mơ ước” năm 2009 ráo riết hoàn thành cơ bản 1.588 cây cầu nông thôn. Nhưng chỉ vậy chưa đủ để hân hoan. Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau (2008-2010) Nguyễn Tuấn Khanh thưa với Thủ tướng Chính phủ khát vọng thiết tha: “Bắc cầu qua sông Cửa Lớn để nối Quốc lộ 1 về tận Mũi Cà Mau không chỉ vực dậy kinh tế - xã hội vùng đất cuối trời cực Nam Tổ quốc, đó còn là chiến lược để vùng kinh tế động lực bán đảo Cà Mau ngẩng đầu ra biển lớn giao tiếp thuận tiện hơn với các nước bạn vùng Đông Nam châu Á. Và đó còn là tình cảm thiêng liêng non sông liền một dải từ Lạng Sơn đến Mũi Cà Mau”.

***

Bây giờ khi tôi về thăm đất mũi Cà Mau, được ngồi bên anh Hai trên chiếc xe của Đài Phát thanh - Truyền hình mà bạn tôi - nhà báo Đỗ Kiến Quốc mới về nhậm chức giám đốc, khi xe chạy bon bon trên đường nhựa về xóm Mũi, tôi nhìn ra bên ngoài để cảm nhận về miền đất sông nước mênh mang này, còn anh Hai không nói gì, khoảnh khắc lắng đọng thổn thức miên man, bởi qua một nhịp cầu, một cánh rừng, một xóm thôn là qua một vùng kỷ niệm của anh. Anh kể: “Con rạch này dẫn tới nơi mấy chú thuỷ thủ tàu Không số chiến đấu anh dũng hy sinh để bảo vệ Tàu 69. Cụm rừng xa xa đằng kia là căn cứ hậu cần, nơi mấy chú thương binh tàu Không số dạy học cho bọn trẻ của anh, cũng là nơi an táng chú Bảy Huynh, hy sinh trong trận nhấn chìm bầy tàu giặc trên sông Rạch Gốc… Và đây ngọn Nhưng Miên - Biện Nhạn thuộc Viên An Đông là hậu đất nhà Ngô Hải - Phó Tổng Biên tập Báo Cà Mau. Hải ơi! phải chi mầy ráng sống thêm mấy tháng nữa thì xe hơi đã về tới hè nhà mầy rồi!”.

Khi vui vì con đường đã về với mảnh đất cuối đất cùng trời này, anh Hai lại dự dự phóng tương lai: “Lộ nhựa kề sát bên nhà” - giấc chiêm bao hàng chục năm trước của những lão ngư ở xóm Rạch Tàu, Khai Long… đã trở thành sự thật. Nhưng với anh, còn có niềm mong đợi đến thổn thức: Bao giờ từ Khai Long có con đường vượt biển ra đến Hòn Khoai khi ở đó đã là cảng nước sâu trung chuyển cho tàu vạn tấn toả ra thị trường quốc tế. Bao giờ những sản vật quý giá cơ man dưới tán rừng trở thành thương hiệu đặc sản mang giá trị gia tăng vào siêu thị, nghề nuôi tôm không phụ thuộc bởi trái gió trở trời… Miền Tây mênh mông sông nước, xuồng ghe thì nhiều nhưng tuyệt nhiên bóng dáng của “tàu hoả”, “tàu lửa” chỉ xuất hiện trên phim, ảnh mà thôi. Những chuyến tàu cứ ngược hướng tiến ra phương Bắc mà chưa xuôi về vùng phương Nam cuối đất. Biết đâu ngày nào đó những chuyến tàu sắt xình xịch vượt qua những quãng đường ngoằn ngoèo đến Đất Mũi nối liền một mạch tới Lạng Sơn. Anh Hai chốt một câu thật lãng mạn: “Dòng Cửa Lớn trước mặt tôi như đầy tư lự trước khi hoà mình về biển cả mênh mông. Ôi Cà Mau!, những dòng sông trôi về đâu mà nỗi nhớ chảy vào lòng tôi trăm ngả”.

Trên hành trình nghề báo, mỗi người có một cách thể hiện khác nhau về tình yêu mến đồng nghiệp. Mỗi lần về miền Tây, anh coi tôi như đứa em về nhà, thỉnh thoảng anh điện thoại xem tôi đã đi đến đâu, rồi nhấp nhổm ra vào, chờ tôi nơi đầu ngõ ở Cà Mau. Còn sau này lên công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh, khi có anh em đồng nghiệp ở ngoài Bắc vào, anh có cách thể hiện riêng. Đó là mỗi lần đưa đồng nghiệp từ Hà Nội về công tác các tỉnh miền Tây, đến hết đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, theo quán tính, bao giờ anh cũng cho xe rẽ về cầu Rạch Miễu xuyên thành phố Bến Tre, qua cầu Hàm Luông, rồi tạm biệt Mỏ Cày trên chiếc cầu Cổ Chiên, mới ngược - xuôi về các tỉnh khác. Hành trình này anh thiết kế để anh em làm báo được đi trên những cây cầu mới, cảm nhận hết sự mênh mang của sông nước Cửu Long và màu xanh ngút ngàn của xứ dừa quê nhà Đồng Khởi. Mà Bến Tre, quê hương xứ dừa này là quê hương của anh đó.

Anh chia sẻ với khách đường xa trên dọc hành trình như là một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp: “Này, chú em biết không! Dòng Mekong vào Việt Nam chia hai nhánh, sông Tiền và sông Hậu, về hạ lưu xoè 9 nhánh đổ ra biển. Trong 9 cửa ấy, Bến Tre với 3 mảnh đất cù lao: Minh, Bảo và An Hóa, đẫm mình trong phù sa hết 6 cửa. Trong mỗi cù lao ấy còn có biết bao sông, rạch len lỏi dưới rợp mát bóng dừa. Đất đai màu mỡ, sông nước mênh mang hữu tình, nhưng cũng vì vậy mà Bến Tre cứ “đò giang cách trở”. Đi trong màu xanh xuyên qua ba chiếc cầu trên những dòng “Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy”, đồng nghiệp của anh ai cũng náo nức lạ thường. Còn riêng anh Hai như “tắm mình” trong miền ký ức đầy bóng hình của những người thương yêu cùng quê nhà - đất Bến Tre. Câu chuyện trong miền ký ức của anh kể thật là lắng đọng.

Miền ký ức ấy bắt đầu khi Hai mới tròn 5 tuổi với kỷ niệm về hình ảnh mẹ tất tả vượt chặng đường xa hết xe đò, xe ngựa, tàu đò dắt tay Hai về quê nội Bình Khánh - Mỏ Cày. Dù chỉ lần đầu chạm ngõ đất quê, với cảm nhận của một cậu bé 5 tuổi, nhưng sao Hai vẫn nhớ rõ từng chi tiết. Và dường như tình yêu Bến Tre, tình yêu những dòng sông quê trong Hai cũng bắt nguồn từ ấy.

Trong kháng chiến, mẹ Hai làm công tác binh - địch vận, có giấy tờ của chính quyền Sài Gòn cấp nên ra vào thành thị dễ dàng, không bị mật vụ nổi chìm dòm ngó. Năm đó, Hai mới tròn 5 tuổi, được mẹ cho về thăm quê nội. Xe đò dừng ngã ba Trung Lương, mẹ dắt tay Hai lên chiếc xe lam ba bánh xuống bắc Rạch Miễu. Sông Tiền đoạn này rộng mênh mông, phà chạy lâu lắm mới tới bờ bên kia. Lên bờ, Hai níu áo mẹ bước lên xe ngựa. Chiếc xe nhỏ xíu mà con ngựa lộc cộc chở bảy, tám người. Lần đầu tiên đi xe ngựa dù khoái trong bụng mà sao Hai cảm thấy thương nó quá. Tới thị xã Bến Tre, mẹ dắt Hai vào chợ nhà lồng mua thịt heo, gà, vịt, rau quả đầy giỏ xách để về nấu cơm cúng ông bà nội. Rồi mẹ hỏi đò Cái Quao đi về Bình Khánh. Ngồi trong đò một đỗi, trước mắt Hai là con sông rộng chưa từng thấy, mưa mịt mù, sóng lượn nhào dễ sợ. Sau này lớn lên Hai mới biết đó là sông Hàm Luông. Hai im re vì lo sợ sông rộng, sóng to cho đến lúc tàu đò rẽ phải vào con sông nhỏ êm ru.

Tàu ghim mũi vào một bến hói của bờ sông rồi lại dạt ra, ghim vào lần nữa. Một người thanh niên mặt mày tươi tắn kêu “thím Tám”, bước lên mũi tàu bồng xốc Hai lên bờ. Mấy ngày liên tiếp sau đó, anh cõng Hai lội bùn sình thăm mộ ông bà, thăm hỏi bà con cô bác. Bây giờ cái bực lở bờ sông mà Hai kêu là “bến hói” ấy vẫn còn đó. Nền nhà cũ của bác Hai giờ là căn nhà tình thương mà đoàn thể cất cho ông anh cựu chiến binh của Hai. Cảnh vật chung quanh chẳng khác gì khi Hai còn bé về đây, ông anh đốt đuốc lá dừa cõng Hai đi trong lầy lội. Giờ xe hơi chạm ngõ. Nhà khuất trong rặng dừa cũng có lộ xi măng men theo mương vườn vào đến tận sân.

Ngồi ở Cà Mau mà nhớ Bến Tre. Anh Hai nói: “Người  Bến Tre qua nhiều thế hệ ở Cà Mau nhiều lắm. Đơn vị Bến của đường Hồ Chí Minh trên biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu về Cà Mau, Rạch Giá, cán bộ chiến sĩ người Bến Tre cũng không ít. Gặp nhau, mở ba lô lấy ra bọc thuốc bánh giồng Mỏ Cày vàng ươm, xới ra gói vào lá chuối tươi chia nhau là món quà vô giá. Hân hoan kể nhau nghe chiến công đánh bọn thủy quân lục chiến ở quê nhà. Rồi mắt rực lửa căm thù khi nghe máy bay B52 Mỹ ném bom chết cả gia đình người đồng đội ở Thạnh Phong, Thạnh Phú. Tình yêu xứ Dừa trong ai cũng nồng nàn, cũng đau đáu...”.

Anh Hai kể anh theo công tác cùng nhà thơ Nguyễn Bá hàng chục năm trời. Cứ sau trận giặc càn hụt chết hay đêm qua lộ, vượt sông an toàn lại nghe chú kể chuyện xứ Dừa. Sau này, gặp ai đó là người Bến Tre “tha phương cầu thực”, làm ăn cơ nhỡ, ông lại buồn rười rượi. Còn khi hỏi thăm ra mấy cháu sinh viên là người Bến Tre, ông tươi rói lạ thường. Mới thấy trong ông, nỗi hoài vọng day dứt nhớ thương quê nhà sâu đậm nhường nào. Lớn lên từ mảnh đất Lương Hòa - Giồng Trôm, Bến Tre, sống chiến đấu ở Cà Mau, không nén nỗi lòng mình, nhà thơ Nguyễn Bá đã nói hộ nỗi lòng người xa xứ: “Đã lâu không về thăm quê cũ/ Tôi đến đây thăm đất bạn bè/ Để tìm trong bóng dừa Tân Phú/ Một chút màu xanh của Bến Tre”… (Chiều Tân Phú - Thơ Nguyễn Bá).

Nội anh Hai ở Mỏ Cày, Bến Tre, ngoại của anh ở Vị Thanh, Hậu Giang, anh lớn lên ở U Minh - rừng đước Cà Mau. Hai tâm sự rằng nơi này không một ai máu mủ ruột rà, vậy mà mỗi lần phải rời xa Cà Mau, lòng anh thấy nhớ thương đến lạ. Chợt mắt cay xè khi nhớ về ánh mắt nhìn xa xăm của người cha của anh mỗi khi ông nhớ về xứ Dừa. Anh thương cha hơn khi cha phải sớm rời xa nơi “chôn nhau cắt rốn”, gần ba mươi năm từ ngày “nóp với giáo mang ngang vai” cho đến lúc làm tròn nợ nước, ước mơ của cha chỉ là một ngày về lại quê nhà. Trong tình yêu và nỗi nhớ Bến Tre khôn nguôi, như những người cùng quê xứ Dừa của mình, những chuyến về lại đất quê của anh Hai ngày càng nhiều hơn. Đôi khi chỉ là hành trình xuyên qua để đến vùng đất khác, như khi anh đưa các đồng nghiệp từ Hà Nội vào miền Tây công tác, nhưng sao trong anh bao giờ cũng bồi hồi nhiều cảm xúc.

Anh Hai thương quê Bến Tre đất chật người đông, địa hình cách trở, sang sông lụy đò. Bến Tre một thời bị kẻ thù khủng bố trắng. Đã nghèo, chiến tranh càng làm nghèo khó hơn. Nhưng Bến Tre kiên cường vùng lên đồng khởi. Từ năm 1960 của thế kỷ XX cho đến ngày hòa bình kiến thiết quê hương, ý chí đồng khởi luôn rực cháy trên mảnh đất cù lao này. Nhớ thời học Trường Trung học kháng chiến Lý Tự Trọng của Khu Tây Nam Bộ, khi nghe anh Hai khoe với lũ bạn rằng quê mình Bến Tre, tụi nó cười ha hả: “Cà Mau ăn cá bỏ đầu/Bến Tre thấy vậy xỏ xâu đem về”. Thời ấy, anh chỉ nghiệm ra quê nhà không nhiều cá tôm như xứ Cà Mau. Còn bây giờ anh bỗng thấy môi mằn mặn, không phải vì tủi cho dân quê mình khó khăn mà chợt hiểu ra nhiều điều, để rồi càng tự hào về người và đất Bến Tre. Người dân xứ mình luôn cần cù, chịu khó, biết chắt chiu dành dụm để làm nên những điều diệu kỳ.

Trong chuyến về dự kỷ niệm 40 năm tờ báo đảng Bến Tre, từ tờ báo Chiến Thắng thành tờ Đồng Khởi, nghe một đồng nghiệp tâm tình, ở Mỏ Cày, bà con quê mình còn nghèo lắm, ai ai cũng đang nỗ lực để cuộc sống đi lên, anh Hai an ủi đầy niềm tin: “Lộ làng, đường sá như vầy cũng mừng lắm rồi. Còn nữa, cách đây hơn chục năm, số học sinh Trường Trung học phổ thông Mỏ Cày (lúc chưa chia tách thành Mỏ Cày Nam - Mỏ Cày Bắc) chưa chắc thua một số trường trong khu vực đồng bằng. Đây là nền tảng để quê hương Mỏ Cày và cả Bến Tre sẽ khởi sắc trong tương lai không xa”. Lại thêm, anh nói chưa từng thấy nơi nào mà các sản phẩm từ cây trồng lại được người dân tận dụng tối đa, đa dạng hóa mẫu mã, càng khai thác, chế biến thì giá trị càng được nâng lên như cây dừa ở Bến Tre. Rồi cây mía cũng vậy. Trước đây, ngoài ép lấy đường, bã mía chỉ để đốt lò hay chất thành đống làm ô nhiễm môi trường. Thì nay, qua bàn tay, sự sáng tạo của dân xứ Dừa, nó là phân bón cao cấp, thức ăn quý cho nuôi thủy sản. Tất cả những điều ấy, với mỗi người con đất Bến Tre, quả thật rất tự hào.

Mỗi lần về, anh Hai lại thấy Bến Tre mới hơn, ba cây cầu thế kỷ, hai lần bắc qua sông Tiền, một lần sông Hậu, phá thế “ốc đảo” của 3 cù lao: Minh, Bảo và An Hóa, để không còn cách trở đò giang. Phù sa mỡ màu ươm thêm mầm xanh cho vùng đất trải rộng. Hè năm đó, anh Hai cùng mấy anh em đồng hương Mỏ Cày quyên góp gạo, tiền, xe đạp, sách, vở về trao cho bà con Minh Đức, An Thới, Bình Khánh. Trong buổi trao quà, đứng bên cạnh anh Hai, đưa mắt nhìn con đạp chiếc xe đạp tíu tít nơi sân trường, mẹ của cháu học sinh lớp 6 được trao tặng xe đạp bộc bạch: “Biết sắp có xe đạp, đêm hôm cháu không ngủ được, bảo là sẽ ráng học hơn. Con ham học vậy, dù còn khó khăn, gia đình cũng cố hết sức”. Nghe đến đây, niềm tin về xứ Dừa phát triển, vươn mình sánh ngang với các tỉnh bạn trong khu vực càng được củng cố trong Hai. Anh thấy rất rõ tinh thần quật cường, ý chí đồng khởi của thế hệ cha ông đi trước trong ánh mắt đầy quả quyết của người mẹ nghèo ấy, của người dân Bến Tre, của lớp lớp các cháu sinh viên, học sinh hôm nay.

Đứng trên những cây cầu nối liền một dải Bến Tre, nhìn về mênh mang sông nước, ngút ngàn màu xanh của dừa, niềm tự hào về xứ sở, anh Hai mỉm cười cùng đồng nghiệp từ Hà Nội: “Đất này, xứ Dừa quê tôi đây”. Và anh biết, như những người con của quê hương Việt Nam luôn mong ngóng về đất quê, những người con Bến Tre, dù ở đâu, đi đâu, vẫn từng ngày truyền mãi ý chí đồng khởi của quê mình và để: “Xẻ trái tim làm hai gửi về Minh Bảo/ Bến Tre ơi rồi tôi sẽ theo về/ Cắm một cành hoa đẹp bến sông xưa” (Có một màu hoa làm ta yêu Tổ quốc - Thơ Nguyễn Bá).

*

Chuyện về anh Hai thì nhiều lắm, làm sao kể xiết. Và cũng có nhiều điều làm sao tôi hiểu hết. Chẳng hạn như thời làm báo, rồi làm lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, anh đã đi đến bao nhiêu vùng đất. Anh cũng có một thời gian dài sống ở Thủ đô Hà Nội để theo nghiệp đèn sách thời học Đại học báo chí và chính trị với bao kỷ niệm thời sinh viên gian khổ. Anh cũng đang sống ở một thành phố sôi động nhất phía Nam là Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng rồi nơi neo giữ hồn anh, cũng là nơi anh chọn làm chốn đi về là quê nhà đất mũi Cà Mau và quê cha đất tổ là xứ dừa Bến Tre.

Còn mãi trong tôi kỷ niệm cái hôm dừng chân thăm rừng U Minh, như tôi đã kể ở phần đầu. Hôm đó anh nhờ mấy anh chị ở Ban quản lý rừng kiếm chút đặc sản U Minh để đãi thằng em từ miền Trung vào, tôi biết tính anh Hai rồi nên không thể từ chối. Mấy anh chị vào bếp, lát sau trên mâm bưng ra đã có một con cá lóc nướng bẹ chuối to bằng bắp tay, dài gần ba gang tay; có thêm một đĩa thịt chuột chiên; một con lươn áng chừng một ký lô um với lá rừng. Và một nồi lẫu thập cẩm đủ loại cá và vô thiên lủng các loại rau. Nhấp chén rượu sủi tăm, anh Hai gắp bỏ vào chén tôi bộ lòng cá lóc còn màu đỏ, xem chừng lửa chưa thâm nhập vào tới khi nhà bếp nướng. Bên cạnh là Đỗ Kiến Quốc và Phạm Vũ, cả ba người nhìn chắm vào tôi bảo ăn đi, nếu không thì giận đó! Tôi biết tập tục của người miền Tây mỗi khi có khách đến chơi là mời cả bộ lòng, như nói lên rằng họ dành cả tấm lòng cho người phương xa. Tôi nhắm mắt nhắm mũi đưa bộ lòng, nặng chừng vài ba lạng quét qua đĩa muối, đẩy vào miệng nhai ngang, rồi như… không chịu nỗi cái chất nhờn nhờn nơi bộ lòng cá lóc, tôi xin phép đi ra bờ kênh. Anh Hai nói với theo: “Mày vục nước kênh mà uống cho khỏe!”. Tôi nghe anh, lấy tay vục xuống kênh, nhìn thấy nước màu đỏ quạch nhưng trong vắt, làm một hơi thấy đã trong người, hình như có mùi thơm lá tràm. Vậy là cả một chiều hôm đó, tôi không còn có thể ăn thêm được món gì nữa, dù có món chuột chiên rất thơm, ngon; có món lươn đồng thịt dày béo ngậy nấu lá chua ăn đến đâu sẽ biết đến đó, bởi vì tôi đã được thưởng thức trọn vẹn… tấm lòng của anh Hai, của các đồng nghiệp miền Tây.

Để biết thêm những miền đất thiêng liêng của Tổ quốc, tôi với anh Hai cũng đã từng cùng nhau ngược Bắc thăm mũi Sa Vỹ ở vùng Đông Bắc Quảng Ninh; rồi cũng có ngày anh Hai về thăm Cửa Việt quê tôi. Mùa hè năm ấy trời Quảng Trị và cả miền Trung nắng cháy da người, gió Lào ngùn ngụt quạt lửa. Biển đã đông đúc trở lại khi đón dòng người đổ về tắm biển, thăm thú, du lịch sau hai năm xảy ra sự cố môi trường biển do Formosa gây ra. Tôi đưa anh Hai về đây để anh cảm nhận thêm ý nghĩa của câu hát “… Ôi có những vì sao thức cùng ta đêm nay/ Như mắt em sáng lên muôn niềm tin/ Ta nhớ má Năm Căn/ Ta thương em Cửa Việt/ Mười bốn năm rồi giấc ngủ chưa tròn/ Cả miền Nam đang gọi chúng ta đi”… trong nhạc phẩm “Bài ca Trường Sơn” của nhạc sĩ Trần Chung. Hôm đó có một cái duyên mà sau này anh em đồng nghiệp hay nhắc mãi là không hẹn mà gặp, chiều ấy bên biển Cửa Việt lộng gió biển khơi, bỗng dưng hội đủ anh em đồng nghiệp, từ đoàn của Hội Nhà báo Lạng Sơn ở đỉnh đầu Tổ quốc đến đoàn của Báo Cà Mau ở cuối trời đất mũi, hội quân ở Cửa Việt, trên Vĩ tuyến 17. Có phải nhờ cái duyện vậy không mà hôm ấy câu chuyện của chúng tôi với anh Hai cứ nối dài cho đến… qua đêm. Hôm đó một đồng nghiệp đã phỏng vấn tôi: “Vì sao những trang viết của anh thường xuyên có bóng hình của sông, của biển?” . Tôi đã chia sẻ với bạn đồng nghiệp rằng: “Như là một cách giải bày, mỗi khi có niềm vui hay nỗi buồn, tôi đều tìm về Cửa Việt, dù còn nhiều cửa biển và bãi biển đẹp và hấp dẫn hơn. Biển nơi này bao đời nay vẫn xanh biếc và sóng vẫn vỗ liên hồi vào bờ không ngừng nghỉ, một cách miệt mài, bao dung. Đứng trước biển, tôi có cảm giác mọi nỗi buồn đều tan biến, bởi suy cho cùng, mỗi con người cũng chỉ như là hạt cát nhỏ giữa đại dương bao la”…

Mới đó mà thời gian trôi đi quá nhanh. Tôi thương anh Hai hơn từ cái hôm đi công tác với anh theo lời mời của Hội Nhà báo Thái Lan. Hai anh em có thêm nhiều kỷ niệm khi giao lưu với các đồng nghiệp Thái; cùng nhau tắm biển Ấn Độ Dương khi đến thăm tỉnh Krabi ở miền nam nước Thái. Hôm chuẩn bị bay từ sân bay quốc tế Bangkok về Thành phố Hồ Chí Minh, khi qua hàng rào an ninh ở sân bay, nhân viên an ninh cứ ra hiệu bảo anh Hai vào phòng riêng để kiểm tra. Thì ra trong ống chân của anh còn có chiếc đinh nẹp bằng kim loại hồi làm phẫu thuật năm nào; cứ đi qua cửa sân bay là thiết bị kiểm tra an ninh kêu lên. Anh bảo đi nhiều nước, đã gặp phải tình cảnh này rồi. Anh và tôi giải thích mãi nhân viên an ninh sân bay mới cho đi. Nhưng sau đó một tình huống khác xảy ra. Cả tôi, anh Cao Tư ở Đài Phát thanh - Truyền hình Bến Tre, em Lê Xuân ở Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, đoàn gồm bốn anh em mà khi vào sân bay mãi nói chuyện đã để lạc mất anh Hai. Mấy anh em chia nhau chạy ngược chạy xuôi trong dòng người tấp nập để tìm anh Hai mà chẳng thấy tăm hơi. Khi máy bay chuẩn bị cất cánh, chúng tôi cân nhắc sẽ cùng ở lại để tìm thì thấy anh Hai thủng thẳng… xuất hiện trước mặt. Khi tôi bày tỏ mấy đứa em cứ sợ anh Hai bị lạc mất rồi, anh cười: “Tao sợ tụi mày đi lạc… thì có” rồi mấy anh em khấp khởi mừng vui bước lên máy bay.

Mấy hôm nay trời Quảng Trị mưa nhiều lắm. Tôi ngồi buồn, chợt nhớ anh Hai. Bấm máy hỏi thăm anh, kẻo lâu không gọi sợ anh la. Đầu dây bên kia anh báo tin, con gái út Ngân Phương của anh đã trúng tuyển vào học đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh. Vậy là quá vui rồi, vì Khánh Phương, con trai đầu của anh đã trở thành nhà báo, nối nghiệp anh, đang công tác ở báo Cà Mau; còn chị Thùy Phương vợ anh đang làm Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục thành phố Cà Mau. Chị Phương tính tình đặc sệt chất Nam Bộ, vui tươi, đẹp, trẻ hơn anh gần chục tuổi. Tôi cũng đã có mấy lần đi chung với anh chị ngược xuôi đất nước.

 Anh Hai tâm sự chắc hết nhiệm kỳ này anh xin nghỉ công tác, rời chức vụ phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam để “về Cà Mau với chị Hai mày”. Tôi hiểu đã đến lúc anh Hai muốn “rửa tay gác kiếm”, dừng bước quan trường để về lại đất mũi và xứ dừa quê anh. Không biết nói gì hơn, tôi chỉ nhắn sẽ thu xếp một chuyến về miền Tây thăm anh. Có lẽ lần này tôi cũng sẽ theo lộ trình về cầu Rạch Miễu xuyên thành phố Bến Tre, qua cầu Hàm Luông, rồi tạm biệt Mỏ Cày trên chiếc cầu Cổ Chiên, trước khi về thăm anh Hai ở Cà Mau - đất mũi.

Đông Hà, tháng 3/2020

 

 

 

 

 

 

Minh Tứ
Số lần đọc: 1317
Ngày đăng: 07.04.2020
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chim về với nước - Trương Văn Dân
Về một chuyến đi - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Trắng đêm cùng tiếng sóng - Nguyễn Tiến Nên
Tình Cha Mẹ - Trần Yên Hòa
Ánh mắt thầy - Tuệ Thiền
Nhà thơ Lê Văn Ngăn, người anh lớn của tôi - Võ Quê
Những vì sao ngày ấy - Vương Kiều
Đêm nằm nghe Pê – Đê hát - Phạm Nga
Thượng nguồn nước rơi,rơi,rơi - Nguyễn Hàng Tình
Lá thư cuối cùng - Trần Dzạ Lữ
Cùng một tác giả
Về làng (truyện ngắn)
Ảo ảnh (truyện ngắn)
Bạn cũ (truyện ngắn)
Nỗi buồn ký giả (truyện ngắn)