Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
758
116.631.163
 
Một thời
Hồ Tĩnh Tâm

SCL .Đọc Hồ Tĩnh Tâm,tác giả có nhiều truyện ngắn trên SCL và bạn sẽ yêu anh vì không gian,cá tính và con người Nam Bộ qua truyện ngắn giới thiệu lần này.

 

        Sau giải phóng được hai năm, tôi xin chuyển hẳn sang công tác ở Hội Văn học Nghệ thuật của tỉnh. Công việc chủ yếu của tôi là sáng tác, còn biên tập thì tôi nhát lắm, không dám thọc viết sửa của ai một chữ.

 

        Một lần, hay tin đoàn văn công của tỉnh sắp đi biểu diễn ở một xã biên giới, tôi liền xin tháp tùng đi theo, tính qúa giang bài ký kiếm mấy đồng bạc.

 

        Chúng tôi tới nơi vào lối bốn giờ chiều. Tay trưởng công an xã, thay mặt Ủy ban, đón tiếp rất niềm nở. Sau khi bố trí xong chỗ ở cho anh chị em diễn viên, anh ta nói với tôi: "Ông làm sao mời cả đoàn tới nhà tui nhậu chơi một bữa được không? Nhà tui ở ấp 6, cách chưa tới hai cây số phía bên kia sông. Qua bển tha hồ vui vẻ!".

 

        Anh ta mời tôi điếu thuốc ru bi, rồi rủ tôi đi lai rai ở nhà người bạn tên là Bảy Đực. Hai chúng tôi đi tới bến cây còng, thấy rất đông con nít bu đen bu đỏ, vừa chỉ trỏ vừa cười ré lên thích thú. Té ra lũ nhóc đang coi mấy cô diễn viên vận đồ bộ mỏng dính, vừa tắm vừa đùa giỡn với nhau dưới nước.

 

        Hai Tửng ( tên anh trưởng công an xã ), chẳng nói chẳng rằng một tiếng, lôi phắt khẩu côn ra, chỉa lên trời đòm đòm liền hai phát. Lũ trẻ chạy vắt chân lên cổ, túa ra tứ tán. Đứng dạng chân chàng hảng, hai tay chống nạnh khuỳnh khuỳnh ngang hông, Hai Tửng cười phô mấy cái răng vàng lấp lóa. " Mấy cô cứ yên tâm tắm táp cho thỏa thuê, tui đứng đây tui canh chừng sắp nhỏ. Hổng sợ gì ráo ! ". Nói xong, Hai Tửng quay lưng lại phía bến sông, ghếch chân phải lên rễ cây còng, rung giò nhịp nhịp; tay phải lăm lăm khẩu côn như đang sắp sửa xung trận.

 

        Khi cả năm cô văn công đã chui tọt vào vuông vườn rậm rịt mù u, Hai Tửng nói với tôi: "Trẻ con xứ này kỳ ôn vậy đó ! Ai đời chỗ người ta tắm mà bu coi như coi hát. Mà…  mà cái cô nhỏ nhỏ người ấy, cổ tên Hường à ?".Tôi vừa ngắm bộ điệu rất trai lơ của Hai Tửng, vừa trả lời. " Không ! Hường là cô trắng tuơi, bự chảng. Cô nhỏ nhỏ là Diễm Ái ". Hai Tửng gục gặc cái đầu tóc rễ tre dựng đứng, trề môi ra nói: " Ưà, nhớ  ra rồi. Cô đó đẹp thấy mà  sợ ! Nước da giòn như bánh cam há ông ? Người như cổ chắc đắt bồ lắm! Đờn bà con gái xứ tui ê hề, nhưng quê một cục, tán dễ ợt hà ông ơi !".     

 

        Sáng hôm sau, khi mấy tay hậu truờng lo dựng rạp, Hai Tửng chạy ghe lườn tới ruớc cả đoàn qua ấp 6. Ghe mới ghé bến  đã thấy vợ Hai Tửng xấp xải chạy ra, gương mặt tươi hơn hớn. Hai Tửng nói rổn rảng như kiểu nạt vợ: " Biểu nhốt gà rồi sao hổng nhớ cà !". Tôi cầm chắc là Hai Tửng nói vậy để làm le, chớ cả đêm hôm qua anh ta nhậu với tôi tới quắt cần câu trong nhà Bảy Đực. Cái ghe lườn chở chúng tôi tới đây cũng là ghe của Bảy Đực. Đang lúc vợ Hai Tửng gật đầu chào người này người nọ tới chơi, không biết từ đâu có con heo mọi chừng ba bốn chục ký chạy tới, kêu ụt ịt, ngoắt đuôi mừng rối rít. Hai Tửng toét miệng cười với tôi, rồi rút phắt khẩu côn ra đòm một phát. Con heo bị bắn toác hộp sọ, lăn ra giãy chết đành đạch. Diễm Ái đứng sát bên Hai Tửng, nghe tiếng nổ, giật thót người ôm lấy anh ta. " Heo thôi mà cô Ba, đừng sợ ". Chừng Diễm Ái    buông ra, anh ta quay sang hối vợ: "Lẹ vô lấy chậu thau hứng tiết, đặng còn làm dồi đãi khách qúy bà ơi !".

 

        Vợ Hai Tửng ríu ríu chạy trở vô. Kể Hai Tửng cũng tinh đời, lựa được cô vợ đẹp như bông bần. Cái lưng ong óng, thắt đáy lưng ong thế kia, mắn đẻ phải biết. Tôi hỏi Hai Tửng: " Được mấy đứa rồi ông ?". Hai Tửng vừa nhét súng vô bao da, vừa nói: " Điếc tịt ! Đã được đứa nào đâu ! Như  người ta, cưới nhau năm năm đã ba bốn đứa !".

 

        Sau này, khi đã trở nên thân thiết với Hai Tửng, tôi mới biết, Hai Tửng cưới vợ hồi cuối năm 73, bấy giờ vợ anh mới tròm trèm mười tám tuổi. Cái sự cưới vợ của anh ta cũng là bất đắc dĩ, là hổng cưới hổng đặng.

 

        Hôm đó Hai Tửng bị tụi lính đồn rượt chạy có cờ vào lối gần nửa đêm. Chúng vừa rượt vừa bắn chát chát inh ỏi. Chạy tới nò cá ông Năm Rựa, Năm Rựa ngoắt lại, biểu chùi chân chun vô mùng con gái ông mà trốn. Mọi sự để đó ông tính. Nước cùng, Hai Tửng phải chun vô mùng của cô gái, nằm day lưng lại với cô. Ông Năm thấy vậy, nạt: " Bây làm gì nhát hít ! Ôm chặt lấy nó đi! Làm vậy tụi nó mới không nghi.".

 

        Khi đám lính sục tới, chúng hỏi: "Ông già ! Nãy giờ thấy đứa nào chạy qua đây không?". Ông Năm ngồi chắp bằng dưới tấm đệm với ve rượu và con rắn nước nướng lèo, nói: "Trời đất! Giờ nầy đứa nào còn dám xớ rớ vô đây ! Đồn Rạch Mướp cách không đầy nửa cây số. Ngu tới đây để chết à ?". "Vậy chớ trong mùng có ai ở trỏng ?". "Vợ chồng con Tím chớ ai ! Chồng nó trước cũng đi lính bảo an, đụng trận bị mấy ổng bắn qùe giò mới được về. Thằng chồng nó hồi chiều lặn sửa miệng nò, giờ ngủ lăn như chết. Dậy ! Dậy trình giấy căn cước Tím ơi !". Thằng thượng sĩ bước tới tốc mùng lên, thấy ràng ràng Tím vừa lồm cồm ngồi dậy, vừa xấu hỗ túm vạt áo che bộ ngực trắng lấp lóa. Ngoảnh gương mặt coi mòi như dân anh chị về phía ông Năm, thằng thượng sĩ phẩy tay, nói: "Thời buổi chiến tranh ì đùng mà mấy người được sướng như vầy, thiệt qúa cha thiên hạ. Thôi, đi tụi bây !".

 

        Đám lính kéo rốc ra ngoài. Hai Tửng ló đầu tính chun ra. Ông Năm ra hiệu biểu chun trở vô. "Nè, nằm im đó ngen mầy ! Tụi nó chưa bỏ đi đâu ! Đám nầy mới đổi về tuần trước, còn hăng rình rập lắm! ". Qủa như lời ông Năm nói, khoảng gần một tiếng sau, thằng thượng sĩ dẫn hai đứa đàn em tới. " Đêm hôm lặn lội cực khổ qúa ông già. Còn tôm cá gì cho tụi nầy xin ba mớ, về nhậu bậy coi !". Chừng xách nặng tay giỏ đệm tôm cá, đám lính mới bỏ đi thật.

 

        Hai Tửng nói với tôi: "Hồi đó tui hăm hai tuổi, tự nhiên được ôm con gái vô lòng, trở về cứ xốn xốn cả tuần không ngủ được. Chịu hết xiết, giữa ban ngày ban mặt, tui liều mạng mò tới nò cá của ổng. Lúc đó sao tui thấy bả đẹp qúa trời. Vậy là tui xin cưới. Ổng nạt, biểu tui phải lo đánh giặc thêm một năm nữa ổng mới gả. Nhưng hồi đó tui là du kích xã, tui guýnh bả theo kiểu du kích, ông ơi !".

 

        Trong một trận chống càn, Hai Tửng bị đạn nhọn bắn lủng bắp vế, vậy là chớp thời cơ, xin nghỉ luôn một mách tới hai tuần. Hết tuần thứ nhất, thấy sức khỏe đã khá hơn, Hai Tửng lặn lội mò tới gần nò cá của ông Năm. Lần này Hai Tửng thành kẻ rình rập. Anh rình lúc ông Năm chở cá đi bán ngoài chợ huyện, mới đầu hôm đã chun vô lều của cô Tím, bịa ra chuyện mình đang chạy công văn bị tụi nó rình bắn sụm giò bên kia Bàu Ráng, giờ xin ở lại qua đêm, tới hừng đông sẽ trốn vô lùm bình bát, chờ mấy ngày cho khỏe sẽ về cứ.   

 

        Kể tới đó, giọng Hai Tửng trở nên hào hứng, hừng hực như có lửa. Qúa nửa đêm hôm đó tui với bả thành thân. Tui dụ khị bả cả mấy tiếng đồng bả mới chịu. Mùi lắm nghen cha! Không biết lần đầu tiên ông chung đụng ra làm sao, chứ tui thì cứ lịm đi, hổng còn biết trời trăng gió đất gì hết ráo. Cũng may bả hổng đeo bầu, chớ hồi đó mà bả phưỡn ra, dám tui bị kỷ luật cấp kỳ ông ơi ! Thời đó chuyện trai gái cấm kỵ, còn hơn cấm đái sân chùa.".

 

        Đêm hôm sau bữa nhậu tưng bừng ở nhà Hai Tửng, đoàn văn công ra mắt bà con buổi diễn đầu tiên. Vợ chồng hai Tửng được mời ngồi ở dãy ghế đại biểu danh dự. Hai Tửng thủ sẵn dưới ghế một cành bông sứ chiu chít bông trắng. Khi Diễm Ái ca xong bản "Cô gái sài Gòn đi tải đạn", Hai Tửng nhào ngay lên sân khấu, tặng người đẹp cành bông sứ to đùng. Ai cũng tưởng tặng hoa xong hai Tửng sẽ xuống, ai dè anh ta bước tới micro, nói dõng dạc: "Thưa bà con! Thưa các đồng chí diễn viên! Tui là Hai Tửng, Huỳnh Văn Tửng. Ái  mộ giọng hát của cô Diễm Ái , tui xin ca tặng cổ một lớp xuân tình trong "Thoại Khanh, Châu Tuấn", bản ruột của tui". Nói tới đó, Hai Tửng day mặt trở vô phía cánh gà, nói oang oang như lệnh vỡ: "Xuống dây xề Bạc Liêu giùm coi mấy cha!".

        Không ngờ Hai Tửng ca mùi hết sức. Từ đó, nhiều người bắt chước Hai Tửng, bẻ bông trang, bông mận, bẻ cả chùm chùm chôm chôm đỏ rực, bẻ cả chùm chùm vú sữa mơn căng, nhào lên sân khấu tặng các diễn viên, nhào lên sân khấu xin ca, xin hát. Buổi diễn thành ra kéo dài sáng đêm, vui nổ trời nổ đất.

       

        Bài ký "Anh công an vùng biên" của tôi đăng trên tạp chí văn nghệ của tỉnh được gần một tháng, Hai Tửng lù lù tới Tòa soạn kiếm tôi. "Không phải chuyện bài báo đâu cha, tui đi công vụ, tiện thể kiếm ông nhậu chơi. Mà ông viết coi mòi cũng đã ngứa. Dân xứ tui có ai coi đường ranh biên giới ra giống ôn gì. Xưa nay dân hai bên vẫn qua lại mần ăn, đổi chác với nhau. Buôn lậu vài ba chục cây thuốc Samit mà nhằm nhò gì. Bắt hoài cũng vậy. Bắt hoài chỉ khổ dân mốc bụng. Để dân kiếm miếng cháo thì chính quyền lôi mình ra xẻ như xẻ thịt. Công an xã như tui mà nhằm nhò gì! Càng dính ba vụ bắt bớ hàng lậu, càng tổ chúng ghét. Hay hớm gì ! Với nữa, dân ở thành ai thèm hút Hoa mai. Họ có nhu cầu mới khổ dân xứ tui còng lưng cõng thuốc qua biên.".

 

        Tôi đạp xe đi chợ mua nửa ký lòng bò, đem về xào với nấm rơm. Rượu đã có hai chai Anit Hai Tửng đem từ biên giới xuống. Với cánh văn nghệ tỉnh lẻ lúc đó, nhậu một lúc cả nửa ký lòng bò, với hai chai rượu mạnh, đã là dữ dằn lắm rồi, vậy mà Hai Tửng còn nổi hứng, kéo chúng tôi đi đãi một chầu bia bốc tới bến. Bia bốc là bia lên men nước trái cây, đảm bảo trăm phần trăm có pha cồn, uống nhức đầu như búa bổ. Bù lại, có mấy em tươi mát ngồi tiếp, nên cũng đỡ chóng mặt.

 

        Trận nhậu rà rê tới gần chín giờ tối, tôi mời Hai Tửng ngủ lại ở cơ quan cho vui, nhưng Hai Tửng từ chối, nói còn phải đi công vụ. Anh ta đi công vụ bằng chiếc Honda 67 đỏ chói, coi mòi còn sang hơn cả ông Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật của tôi.

 

        Sáng hôm sau, tôi còn đang ngủ, thốt nghe tiếng còi xe tin tin trước cửa. Hai Tửng ngồi trên xe. Quần gin, áo pun; bộ tạng như dân chơi chánh hiệu thành phố. Phía sau là Diễm Ái. Gương mặt sáng trưng như bông bưởi vừa nở trong đêm. Hai người rủ tôi đi ăn sáng ở nhà hàng khách sạn du lịch.

 

        Thật tình tôi không còn nhận ra Hai Tửng công an ở đường biên. Trước mặt tôi là một Hai Tửng hoàn toàn khác. Đỉnh đạc, điềm đạm, lúc nào cũng cười. Chỉ có giọng nói là rổn rảng, y chang như ngày đầu tôi gặp. "Ông à, tui có công vụ đặc biệt, đã xin phép trưởng đoàn của Diễm Ái, mượn cổ tháp tùng mấy hôm. Hổng có cổ, tui vô mấy động có dính dấp với trên biên không được.". Ra là vậy! Không gặp hai Tửng, làm sao tôi biết ở xứ giang biên người ta có kiểu đi công vụ mát trời ông địa như vầy.

 

        Lúc chia tay, Hai Tửng nói với tôi: "Ở trển đang mùa tát đìa. Bữa nào ông lên chơi, tui đãi cá lóc nướng mướp hương, rắn ri voi hầm sả. Nhớ nghen! Lóng rày thịt chuột cống nhum béo bá cháy nghen cha!". Chiếc xe vù qua khúc cua như bó lửa. Thấy ràng ràng cô ca sĩ ôm eo ếch  ông công an xã mùi mẩn như đào kép xi nê.

 

       Phải gần ba năm sau tôi mới có dịp lên lại vùng biên , viết bài và thăm vợ chồng Hai Tửng. Hai người vẫn chống chếnh chông chênh đường con cái. Hai Tửng vẫn dềnh dàng, chịu chơi, điệu đời. Chỉ có vợ anh, không hiểu sao lại héo quắt ra. Chỗ thắt đáy lưng ong ngày xưa, bây giờ càng thắt lại; áng chừng còn độ hai ba cầm tay người lớn.

 

"Bả bị vô sinh. Hồi nhỏ sống với ông già trong rừng tràm, bả trúng một đợt tụi nó rải thuốc rụng lá, người ướt nhẹp, hai mắt muốn lồi lên. Lúc đó có ai biết là thuốc  độc màu da cam. Di chứng để lại tới giờ,  khiến bả ốm teo  ốm quắt. Chiến tranh mà, biết làm sao ông ơi!".

 

        Bấy giờ vùng biên đang mùa lũ. Nước ngập đồng trắng băng, trắng xóa. Ngút ngát cả vùng biên chỉ toàn nước là nước. Hai Tửng giật máy coler, đưa tôi đến chơi nhà người bạn. Anh này tên Hùng, nhà cất sơ sài bằng tre lá trên gò me keo. Trong nhà, ngoài Hùng ra, còn ba đứa con nít, lít nhít đồng trang lứa với nhau. "Con thằng chả- Hai Tửng nói với tôi- mà cũng hổng phải con thằng chả. Mấy đứa nầy bồ côi bồ cút, sống cù bất cù bơ, thằng chả lặn lội sưu tập cặp theo vùng biên đem về. Vợ chồng tui mấy lần năn nỉ, xin sang tay một đứa, vậy mà thằng chả hổng chịu". Cả ba đứa đều là con trai, sàn sàn tuổi mọc mụn trứng cá. Đứa nào đứa nấy tròn trùng trục, khỏe cùi cụi. Thấy có khách, cả ba cùng lủi ra gò.

 

        Nhậu đà đà hơn nửa tiệc, tôi mới biết, Hùng chính là tay thượng sĩ đã rượt nà theo Hai Tửng, khiến Hai Tửng phải chun mùng con gái ông Năm Rựa. Giữa năm 74, chủ lực về lấy đồn Rạch Mướp, Hùng trúng mấy viên đạn nhọn của giải phóng, nhưng vẫn trốn được ra ngoài. Anh ta trườn lết tới được gần nò cá của ông Năm, kiệt sức vì mất máu, ngất lịm ngay tại bờ bình bát. May nhờ  vợ Hai Tửng đi bẻ trái chín bắt gặp, đem về băng bó, chăm sóc thuốc men nên mới toàn mạng. Chính ông Năm là người nhận ra Hùng. Ông nói với con gái: "Thằng này là thằng dẫn lính rượt chồng bây hồi năm nẳm chớ ai. Coi mặt có máu anh chị, chịu chơi, chắc hổng phải người xấu".

 

        Sau giải phóng, Hùng đi học tập cải tạo một thời gian, rồi trở về sống ở vùng biên. Thời gian đầu, anh ta rất siêng mua trà, mua thuốc lá đi thăm ông Năm Rựa. Từ khi ông Năm say rượu té ngoài bờ bao, trúng gió qua đời, việc qua lại nhà Hai Tửng mới thưa thớt dần. Tuy vậy, vợ chồng Hai Tửng vẫn giữ mối tình thân với Hùng như người trong nhà với nhau. Khi Hùng đi buôn thuốc lá với số lượng lớn, chở bằng ghe máy, bị biên phòng bắt giữ, chính Hai Tửng đã đi xin cho anh tại ngoại. Khi Hùng bị xơ gan cổ chướng, nằm chịu trận mình ên ngoài gò, chính vợ chồng Hai Tửng đã bán tống bán tháo cả bầy vịt đẻ để chạy tiền thuốc thang, chữa trị cho anh. Lạ một điều là, không hiểu vì sao Hùng không chịu lấy vợ, mà cũng không thấy léng phéng quan hệ thậm thụt với đàn bà con gái. Hùng sống trơ ra như thách đố hết thẩy mấy bà giá chồng vốn ê hề ở  xứ đường biên từng ì đùng chiến trận. Thắc mắc, gậm gạ mãi, cuối cùng Hai Tửng mới biết: Hùng bị miễng cối 82 của giải phóng tiện đứt mất hơn phân nửa cái ấy. Đàn ông mà không có cái ấy thì căng thật.

 

        Một lần, Hùng nhậu với tay Chủ tịch xã, không biết hai bên đối đáp qua lại sao đó, tay Chủ tịch bắt quạu, nói văng vào mặt Hùng: "Thứ đờn ông không có con giống như mầy, làm đờn bà cũng không xong, ở đó đòi tranh luận. Nghe mắc  ỉa!". Vốn lành tính và chịu nhịn từ trước tới nay, nhưng khi bị đụng tới chỗ đau kín, Hùng nổi đóa, vung tay giáng cho ông chủ tịch một cú thôi sơn. Cú đấm mạnh tới mức, tay chủ tịch văng đánh             rầm vào vách lá, gãy hai cái răng, máu mồm máu mũi xối ra ồng ộc. Sau vụ đó, Hùng bị bắt giam vì tội hành hung người lãnh đạo chính quyền. Ân hận về việc hở miệng chuyện kín của bạn với người khác, Hai Tửng xộc tới nhà tay chủ tịch, lớn tiếng chửi ông ta một trận ra trò. Rồi đích thân Hai Tửng, không cần hỏi ý kiến Ủy ban, ký tên, đóng dấu, thả cho Hùng về nhà. Ai cũng tưởng, sau vụ đó, Hai Tửng và ông chủ tịch sẽ mâu thuẫn với nhau, làm căng với nhau, nhưng rồi mọi chuyện đều êm thấm, đều xuôi chèo mát mái. Đã vậy, thiên hạ còn thấy Hai Tửng kéo được ông chủ tịch tới nhà Hùng ăn nhậu, chuyện trò vui vẻ.  

 

        Ngày tôi cưới vợ, tôi có gởi thiệp mời Hai Tửng, nhưng anh ta không xuống được. Nghe nói anh ta bị kỷ luật.

 

        Sau này tôi mới biết, Hai Tửng bị kỷ luật vì tội làm mất chiếc xe Honda 67 của xã. Hôm đó Hai Tửng mượn xe đi công tác, rồi đem xe về dựng ở nhà ngoài. Nửa đêm nghe tiếng động lịch kịch, anh giật mình tỉnh giấc. Thấy chiếc xe không còn, anh vọt lẹ ra ngoài, vừa chạy đuổi theo trên đường, vừa lớn tiếng tri hô: Trộm! Trộm! Dân xóm đổ ra kìn kìn, có người còn xách xe máy đuổi theo trợ lực. Đông người là vậy, nhưng chiếc xe vẫn mất tăm mất tích. Hơn hai tuần sau, nhờ la cà quán xá, Hai Tửng truy tìm ra thủ phạm. Tay đạo chích  khai rằng: Biết nhà anh chỉ có hai người, nó bẻ khóa vào bằng cửa trước, rồi nhẹ chân đẩy chiếc xe ra nhà sau. Khi thấy anh và vợ anh  đã tông cửa trước chạy ra ngoài, rồi dân xóm túa ra truy đuổi, bấy giờ anh ta mới nổ máy, bật đèn pha chạy theo, vừa chạy vừa bóp còi, qua mặt hết thảy mọi người. Hai Tửng hỏi: "Sao bây không dong bằng cửa trước cho lẹ?". Tay đạo chích trả lời: "Anh nằm trên bộ ngựa ở nhà ngoài, day mặt ra sân, tui dẫn xe qua ngạch cửa, nhứt định gây tiếng động làm anh thức giấc. Thức giấc anh sẽ ngồi dậy, sẽ hướng mặt ra ngoài, sẽ nhìn thấy tui. Một là tui vứt xe chạy tháo thân. Hai là tui quýnh quáng đạp máy không nổ. Tỷ như máy có nổ cũng không chạy lẹ được, bởi đường trong xóm vừa nhỏ, vừa nhiều cầu. Chắc ăn là đợi mọi người túa ra thiệt đông, bấy giờ tui ung dung chạy xe đuổi theo, mọi người tưởng tui đuổi trộm, sẽ nhường đường cho tui". Hai Tửng lại hỏi: "Vậy bây không sợ bị nhận mặt hay sao mà lại dám giỡn mặt hùm?". Tay đạo chích tỏ ra yên tâm, trả lời: "Trời tối thùi lùi, tối đen tối đặc, đèn pha soi chói mắt, ai còn nhận ra tui là ai". Hai Tửng phát cười khà khà: "Giỏi! Bây thật đáng mặt con cháu đạo chích! Phải còn chiến tranh, tao tuyển bây vô đặc công, chắc được việc. Mà tao hỏi thiệt, sao bây không chọn nhà ai hành nghề, lại chọn ngay tao là công an xã?". Tay đạo chích cúi mặt, bóp bóp hai bàn tay chai cộm, trả lời: "Nói anh bỏ qúa đi cho! Hổng phải em ghét bỏ gì anh chị, nhưng xe anh dựng ở nhà là xe chùa của xã, mua bằng tiền của xã, còn xe người ta là xe mua bằng tiền mồ hôi nuớc mắt; em lâm cảnh ngặt nghèo mới liều kiếm tiền trị bịnh cho vợ, chứ tiệt tình, em nỡ lòng nào chôm chỉa của thiên hạ". Hai Tửng tới nhà anh ta, thấy ràng ràng gia cảnh anh ta đang hồi túng bấn, trong khạp không còn hột gạo, lại thêm cô vợ còn trẻ bị bệnh hậu do trụy thai, thương qúa mới tha cho. Đã vậy, còn bỏ mớ tiền chuộc xe thay cho anh ta, bỏ thêm mớ tiền giúp anh ta nuôi vợ. Cấp ủy xã cho rằng, Hai Tửng không lập trường cách mạng, thương người không đúng chỗ, làm phương hại chánh sách giáo dục con người xã hội chủ nghĩa của xã. Chuyện còn đang kiểm thảo chưa xong, lại nhồi thêm chuyện Hai Tửng uống rượu say cầm dao chặt cầu khỉ trong ấp.

 

        Chặt cầu của dân, Hai Tửng sai lè lè, nhưng nghĩ cho cùng thì cũng tội. Bữa đó Hai Tửng đang nhậu với Hùng thượng sĩ, thốt nghe tin vợ té cầu khỉ chết chìm. Bỏ bàn rượu chạy tới nơi, thấy cái nhịp tre vắt ngang bị vuột dây rớt xuống nước, khiến vợ bị té lọt  dưới kinh, Hai Tửng nổi nóng máu, chụp cây rựa của người qua đường, vừa vung tay chém chặt lia lịa, vừa chửi đổng um sùm chuyện cầu cống trong xã. Nhồi ba vụ vô một lượt, Hai Tửng bị kỷ luật cách chức, khai trừ Đảng. 

 

        Vậy là về làm phó thường dân Nam Bộ. Đang bay nhảy, giờ ở nhà quanh quẩn heo cúi, Hai Tửng đâm ra sầu đời, vùi vào bạn bè với rượu. Gặp lúc Nhà nước có chủ trương khoán rừng tràm, Hai Tửng nhờ mối quan hệ quen biết cũ, chạy chọt nhận khoán được hai chục héc ta, nghiễm nhiên trở thành ông chủ rừng, lùi về ẩn dật trong bưng. Sống riết giữa cánh rừng hoang vắng, tóc tai đâm ra tua tủa, bộ tạng Hai Tửng hệt như người rừng. Ngay cả láng giềng, giả như có gặp, cũng khó mà nhận ra anh.

 

        Sốt ruột chuyện Hai Tửng bị kỷ luật, tôi sắp xếp lên vùng biên thăm anh. Chuyến đi đó cũng vào mùa mưa, mùa nước nổi. Rừng tràm nằm hun hút giữa đồng nước, xanh um xanh mướt màu lá. Đang mùa đơm bông. Hương tràm thoang thoảng. Không gian rì rầm âm thanh của hàng muôn muôn cánh ong vo ve đi tìm mật. Đưa tôi vô rừng tràm là một chàng thanh niên to cồ cộ, con nuôi của Hùng thượng sĩ. Chàng trai nói với tôi: "Lóng rày cô Diễm Ái ở ngoài thành, lâu lâu hay thả vô thăm Bác Hai, ngó bộ mùi mẩn  còn hơn thanh niên, dám chừng sắp được nhậu rượu cưới tới nơi".

 

        Giáp mặt Hai Tửng, tôi ngạc nhiên tới muốn bật ngửa. Cốt cách Hai Tửng, coi mòi hệt như đạo sĩ  trong phim Tàu, phim Nhật. Tóc chảy dài qúa bờ vai. Râu ria xanh um, phủ kín mặt. Hai mắt trủng sâu, sáng quắc như có lửa. Anh ngồi tiếp tôi trên sàn nhà kết bằng cây tràm, hai chân khoanh lại theo thế đạo sĩ ngồi thiền. Bộ đồ trà đẻo bằng đá núi vùng Thoại Sơn. Mâm đựng đồ mồi tiện sắc nét từ gỗ núi (chắc là được cưa ra từ một gốc còng cổ thụ). Chén dĩa bằng sành, giả màu men đồ cổ.

 

        "Ông à! Tui tính tháng sau mướn xáng múc, lên cái nền nhà, rước vợ chồng thằng Long Kều ra sống cho vui. Tui vừa mua thêm được hai chục công ruộng, bốn ngàn thước đìa. Chừng đó dư xăng cho vợ chồng nó mần ăn nuôi con". Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, Hai Tửng giải thích: "Thằng đó là thằng đạo chích, từng chôm xe của tui. Con vợ ốm yếu quanh năm, mần ăn hổng ra tiền, hai đứa con ốm nhách như cá lẹp. Mình làm phước, đặng giúp nó qua cơn ngặt nghèo. Mai sau con cái nó nên người, chúng biết trọng mình. Vậy cũng được cái tiếng ở đời".

 

        Đang nhậu xôm xả thì chàng trai lớn con cồ cộ, từ trong rừng chống xuồng về tới. Chàng trai nói giọng hồ hởi: "Chú Hai, dính được mấy con rắn. Có con ri voi hơn hai ký. Hầm sả nghen chú Hai?". Hai Tửng vừa gật đầu, vừa nói với tôi: "Ai mà dè được ông ơi! Tía ông Hùng thượng sĩ, trước giải phóng là tư sản có cỡ ở Long Xuyên. Trào đàng mình chủ trương oánh tư sản, ổng đem vàng ròng đúc thành dây lòi tói, quét dầu hắc đen ngòm, cuộn thành nùi, khóa ở đuôi ghe. Đàng mình rà qua kiểm lại năm lần bảy lượt, hổng ai ngờ được cái sợi lòi tói nằm hơ hỏng chình ình một đống lại là vàng ròng. Sau có thằng làm công trong nhà khai báo, sợi lòi tói bằng vàng mới bị tịch thâu đem về kho bạc. Ổng tiếc của, vượt biên qua Mỹ, mở tiệm bán cơm hộp. Giờ lại giàu nứt ra. Té ra người Mỹ cũng khoái cơm hộp như khoái đồ hộp ở xứ họ. Tui nghiệm ra rồi. Ở đâu thì ở, cứ biết tính toán mần ăn thì khá lên mấy hồi".  Nghe giọng Hai Tửng, tôi biết anh rất phục chuyện làm giàu của ông già Việt kiều bên Mỹ. Anh đặt ly rượu xuống cái mâm gỗ, dằn mạnh tay mấy cái trong không khí, khẳng định: "Mình có giàu mới giúp đỡ được thiên hạ thiết thực. Giúp bằng mồm thì nhằm nhò gì. Tía thằng Hùng, ai cùng quê qua bển cũng được ông bảo bọc, lo cho công chuyện mần ăn. Cha con thằng Hùng không chịu qua bển cũng có cái lý của nó. Đồng đất xứ  mình  còn rộng rãi ê hề, có vốn đổ vô, thâu lời mấy hồi. Chừng mình biết mần ăn giàu lên, ở bển không ghen ngược trở lại, tui chớ kể làm người. Mà cha con thằng hùng cũng sắp kéo rốc cả nhà vô đây nhận khoán đất mần ruộng, nuôi cá đìa, trồng tràm. Mươi năm nữa vùng này sung lên, cất nhà lầu, tậu ghe máy cho thiên hạ lác mắt".

 

        Tôi dợm chuyện Diễm Ái, Hai Tửng cười khùng khục: "Cổ dân thành quen ăn trắng mặc trơn, vô đây ăn nước lóng phèn, sợ hổng hạp. Với nữa, vô đây thì hát cho ai nghe. Đợi mấy thằng đực của thằng Hùng có vợ, có con, chừng đó tui đứng ra lập gánh hát, rước bả vô làm đạo diễn luôn thể".

                                                           

        Buổi trưa ngày hăm sáu, tôi đang dự cuộc họp khai mạc Trại sáng tác văn học, cô thư ký văn phòng chạy lên nhắn tôi có điện thoại. Ở đầu dây bên kia, giọng Diễm  Ái run lên thổn thức: "Anh Ba… Anh Hai bị tụi cướp đâm trọng thương… đang hấp hối trên biên… Nhanh lên mới kịp".

 

        Tôi đã nhanh hết sức mình, hết khả năng của mình, nhưng vẫn muộn.

 

        Nhà Long Kều đang đêm bị tụi cướp đồng cặp ghe vô trấn lột. Long Kều chụp cây mác chống cự. Cuộc vật lộn giằng co cả chục phút. Long Kều đơn thế, bị đâm mấy nhát dao, gục chết trong vũng máu giữa nhà. Thằng con lớn của anh lợi dụng bóng đêm đen đặc, lỏn được ra ngoài, chống ghe đi kêu cứu Hai Tửng. Khi Hai Tửng tới nơi, toán cướp đang hè hụi dọn đồ xuống ghe. Xiết ga máy yanmar hết cỡ, Hai Tửng lao thẳng mũi ghe của mình vào ngang hông ghe toán cướp. Chiếc ghe cướp vỡ toác tanh bành. Hai Tửng tay không nhảy vọt lên bờ, tung cú song phi, đá quét ngay trân giữa mặt thằng cướp cạn gần anh nhất. Bồi thêm cho thằng này một đá, khiến y văng đập đầu vô lu nước bất tỉnh, Hai Tửng chạy vọt vọt vào nhà. Trượt chân trên vũng máu chảy xối ra từ thi thể của Long Kều, Hai Tửng ngã đánh huỵch xuống đất. Anh vừa chỏi tay vùng dậy, đã bị một thằng cướp phóng ngập lưỡi dao vào phía sau lưng. Hộc lên một tiếng, Hai Tửng tung quyền cước, đá quét vào chân thằng cướp. Thằng này té đập đầu vào cột nhà nghe đánh chát một tiếng, nhưng nó vẫn còn đủ sức vùng đứng dậy, hét gọi đồng bọn: "Chạy tụi bây ơi! Thằng này có nghề!".

 

        Toán cướp mạnh thằng nào thằng nấy tháo chạy, vứt lại hiện trường cả đống đồ nghề gây án. Bấy giờ sức lực của Hai Tửng đã đuối lắm rồi, nhưng anh vẫn gượng sức lết về phía cột nhà, nơi vợ Long Kều đang bị trói ghì ở đó. Quật sức ngồi dậy, Hai Tửng dùng tay, dùng răng, ráng hết sức cởi trói cho người đàn bà. Nhưng sợi dây gân cột thắt qúa chặt, anh không thể nào tháo ra được, khi chính bản thân anh cũng đang càng lúc càng kiệt sức. Khi Hùng với ba người con nuôi lực lưỡng tới nơi, Hai Tửng đã gục xuống ngất lịm.

 

       Tôi tới được rừng tràm vào lúc trời nhập nhoạng. Suốt dọc giăng trâm bầu, nơi cất de ra cái nhà sàn bằng cây đước của Hai Tửng, ghe xuồng của bà con trong xóm ùn ra, neo đậu đặc ngừ đặc nghịt. Hơn chục cái đèn măng xông thắp sáng choang như ban ngày.

Đập vào mắt tôi là cái dáng ngồi xõa xượi của Diễm  Ái. Chị vận đồ đen, đầu vấn khăn tang như  vợ chịu tang chồng.

 

        Vậy là Hai Tửng đi rồi! Đi thật rồi!

 

        Tôi ngồi phịch xuống một gốc cây, đầu óc càng lúc àng lịm đi trong những tiếng  thút thít thổn thức của đám đàn bà con gái.

 

        Một cơn gió đồng thảng thốt nổi lên. Hương tràm thoang thoảng. Dường như lẩn quất tận đâu đâu trong đó, có tiếng cười khùng khục của Hai tửng: "Chừng đó tui đứng ra lập gánh hát, rước bả vô làm đạo diễn".

 

        Vậy mà Hai Tửng đi rồi! Đi thật rồi!

        Một thời đã thành xa thăm thẳm...

Hồ Tĩnh Tâm
Số lần đọc: 3278
Ngày đăng: 10.04.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kẻ đạo văn - Hòa Vang
Ngày đã qua - Nguyễn Ngọc Tư
Đi xa - Nguyễn Văn Ninh
Bến cây ổi - Nguyễn Đức Thiện
Lương - Nguyễn Ngọc Tư
Đứa con không về - Bích Ngân
Có Vợ - Phan thị Vàng Anh
Muốn có tự do, một cõi cho mình thì hãy mặc lòng chấp nhận - Nguyễn Thị Thu Hiền
Người về - Đinh Lê Vũ
Trong vườn trúc - Trần Thanh Giao
Cùng một tác giả
Ngũ long công chúa (truyện ngắn)
Nàng (thơ)
Thầy Thi (truyện ngắn)
Có một mùa mưa (truyện ngắn)
Bến thần Kê (truyện ngắn)
Cu Đồ cháy mấn (truyện ngắn)
Chết giữa dòng sông (truyện ngắn)
Đêm Noen (truyện ngắn)
Vi rút rừng xuân (truyện ngắn)
Huynh đệ thần kê (truyện ngắn)
Gà đẻ gà cục tác (truyện ngắn)
Công an xã (truyện ngắn)
Hoành (truyện ngắn)
Bập bùng giai điệu (truyện ngắn)
Dòng sông tuổi thơ (truyện ngắn)
Cõi hoang thăm thẳm (truyện ngắn)
Mùa xuân dìu dịu (truyện ngắn)
Chuyện ở Làng Gao (truyện ngắn)
Chú Bảy (truyện ngắn)
Dấu ấn cuộc đời (truyện ngắn)
Một thời (truyện ngắn)
Thằng bé chết (truyện ngắn)
Tư Sẹo (truyện ngắn)
Nhỡ xe (truyện ngắn)
Con cà con kê (tạp văn)
Xóm phố (truyện ngắn)
Vòng quay của ngựa (truyện ngắn)
Con ngựa (truyện ngắn)
Giai điệu (truyện ngắn)
Bên hồ sen trắng (truyện ngắn)
Út Hường (truyện ngắn)
Bông điên điển (truyện ngắn)
Anh Dần (truyện ngắn)
Bạn cùng làng (truyện ngắn)