Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
448
115.987.109
 
Sự trở về của con mèo đen
Hồ Tĩnh Tâm

I. Lai lịch con mèo đen

 

Mùa lũ năm 2000, thị xã ngập nước linh láng khắp nơi, chuột ùn ùn kéo vào mọi ngóc ngách của nhà cửa. Ở đâu cũng nghe người ta ca cẩm về chuột. Người ta mua thuốc chuột. Người ta đánh bẫy chuột. Nhưng chuột vẫn là chuột. Tinh ranh và đáo để. Vợ tôi nói: anh kiếm cho em một con mèo. Tôi hỏi nơi này nơi khác, nhưng kiếm ra mèo còn khó hơn kiếm hòn đá của sao băng rơi xuống. Mèo ở thị xã đã thành tiểu hổ đồng bằng trên thực đơn nhà hàng, trở thành của qúy xuất sang Tàu.

 

Vậy mà vợ tôi lại kiếm được một con mèo. Mèo đen đàng hoàng. Nó chỉ bằng trái dưa leo còi, ốm yếu và bẩn thỉu. Đó là nhờ vợ tôi ăn hủ tiếu ba ngàn ở hẻm tòa soạn. Một bé gái bán vé số nghe vợ tôi thở than về chuột, đã động lòng chạy về nhà, ôm con mèo hen đến biếu. Vợ tôi cho nó mười ngàn, nó không lấy. Vợ tôi mua năm tấm vé số thì nó bán. Tôi cầm năm tấm vé ấy, và trúng thưởng mỗi tấm hai mươi ngàn. Không ngu báo cho giám đốc ngân hàng tại gia, tôi đem khoản đã bạn bè một chầu thịt chó xóm chài.

 

Thịt chó rẻ hơn thịt mèo về mọi khoản. Tất nhiên là thịt chó ta. Những con chó từng một thời trung thành dọn vệ sinh trong nhà cho ông bà, theo ông bà ra ruộng đuổi chuột; lại còn biết sủa đuổi trộm, biết xung trận cắn xé kẻ thù của chủ nhà và kẻ thù từ hàng xóm mò sang tranh miếng ăn của nó. Nhưng giờ dân ta đã văn minh, dân ta không cần chó dọn vệ sinh cho con trẻ, không cần phải nhờ chó canh chừng kẻ trộm, đất nước lại hòa bình, bới đâu ra giặc các kiểu cho chó trổ tài. Vai trò ngàn đời của chó ta đã chấm dứt. Nếu nuôi để lấy le, hậu thế trọng cho Tây, chó Tàu, chó Đức, chó Anh, chó Úc, chó Mỹ, coi chó ta có ra gì.

 

Bạn bè chén thù chén tạc, ai cũng khen con mèo đen sẽ cầm tinh linh miêu, đem lại điềm may tiền bạc vô nhà cho tôi. Có lẽ vui qúa mà họ quên câu thành ngữ: Mèo vô nhà thì khó, chó vô nhà thì sang.

Con bé tám tuổi của tôi thích lắm, nó đặt tên con mèo đen là Miu Miu.

 

II. Miu Miu và ngôi nhà dột

 

Nhà tôi ở trong hẻm. Từ quốc lộ vào phải qua hai lần xẹc. Điều đó không quan trọng, bởi tôi được mua hóa giá của nhà nước chỉ có bảy triệu đồng. Bảy triệu là qúa lớn với đồng lương còm của anh giáo tỉnh lẻ như tôi. Nếu như có nhẫn cưới thì chắc chắn vợ tôi sẽ bán, nhưng vì không có, vợ tôi đã chạy vay ngân hàng để trả tiền cho bên nhà đất, hòng được cầm miếng giấy màu đỏ về chủ quyền. Và tất nhiên, tiền nào của nấy. Ngôi nhà lợp tôn 31 mét vuông, dột tứ giăng. Nhà dột từ nóc, đằng này nhà tôi còn dột cả từ dưới lên. Vợ tôi hát: chuột chê nhà dột ra nằm bụi tre. Tôi không phải tuổi tý nên tôi không chê nhà dột. Còn chuột chê nhà tôi là nhờ tiếng than van não lòng của Miu Miu.

 

Miu Miu chỉ được ăn cơm trắng với nước cá kho. Coi như vua rồi nhé! Tuổi thơ ngập ngụa chiến tranh của tôi, làm gì được như vậy. Con bé Chiêu thương Miu, thường lén mẹ cho nó cái đầu cá nục. Với Miu, đó là đại tiệc. Nó ngồi trước cái đầu cá, dùng hai chân trước lắc qua lắc lại vờn chơi bữa tiệc thịnh soạn, chán chê rồi mới ăn. Miu ăn nhẩn nha, đài các như tiểu thư con nhà danh gia vọng tộc. Ăn uống như tộc trưởng thời tiền sử, nhưng Miu vẫn cứ lớn lên. Lớn lên. Đẹp một cách thanh mảnh và duyên dáng. Mãi sau này tôi mới biết, Miu không phải tiểu thư, Miu là hoàng tử.

 

Hoàng tử bắt đầu học võ từ năm mười ba tuổi mèo. Chàng nhảy lên yên chiếc cup 70 và cào cho kỳ rách nát mỗi khi vợ chồng tôi sơ ý. Đến năm được công nhận công dân mèo, chàng lập nên chiến tích thứ hai, cào rách tơi bời bộ xa lông vải giả da tôi mua trả góp. Rồi chàng luyện võ trên tầng cao, báo hại tô chén nhà tôi bể gần hết. Khi chàng biết yêu mới khổ, chàng leo lên nóc nhà, thảm thiết gọi người tình rền rỉ cả đêm. Tôi buộc phải chấp nhận tất cả, bởi nhờ có Miu Miu mà không một ả chuột nào, gả chuột nào, dám léo hánh ở nhà tôi. Mất cái này được cái khác. Sự  công bằng đòi hỏi phải vậy thôi!

 

III. Miu Miu ra đi biệt tích

 

Đầu năm 2003, tôi lớ xớ trúng được hai giải thưởng cho cá tính sáng tạo không giống ai. Một văn, một nhạc. Vợ tôi quyết định chống dột từ trên nóc và từ dưới đáy. Vậy là đập tanh bành tất cả. Con gái tôi sơ tán về bên ngoại với mẹ nó.  Tôi đồn trú tại chỗ để giữ gìn những gì Miu Miu chưa làm hư hỏng. Không có chỗ nấu cơm, tôi phải ăn bụi giá ba ngàn rưỡi một xuất ở vỉa hè.  Chẳng biết do đãng trí hay do vô tình, tôi quên mất chàng hoàng tử phá phách. Miu Miu hờn dỗi, thỉnh thoảng đến cọ cái mũi mềm mềm vào chân tôi, rên rỉ oán trách. Tôi bồng chàng trai trẻ đen mướt lên, hứa với nó sẽ mua cho một con cá giá năm trăm. Nhưng rồi tôi vẫn cứ quên. Cứ quên.

 

Vì không có tiền cục, tôi phải chờ nhuận bút từng bài báo để mua từng bao xi măng, từng cục gạch. Tiến độ của “đại công trường” có đồ thị thi công gần như ngang chàng. Tôi đâm ra bực bội. Tại sao người ta dám bán trả góp xe máy Tàu mà lại không bán trả góp xi măng và gạch. Cuộc cách mạng trả góp ở nước ta rõ ràng là chưa triệt để. Nếu cá, rau, gạo và nươc mắm cũng bán trả góp, thì bếp núc sẽ thơm thảo cỡ nào. Ngành thương nghiệp là bà đỡ của xã hội, ràng ràng chưa hoàn thành thiên chức trọng yếu của mình. Tôi rất muốn Miu Miu hiểu cho điều đó.

Một hôm vợ tôi chợt hỏi:

- Ủa, con Miu Miu đâu rồi cà?

- Hôm qua nó vẫn nằm vuốt râu trên đống bít tông.

- Anh nhớ chắc không? Đã mấy hôm nay em không nhìn thấy nó.

Tôi không dám tin vào bộ nhớ chỉ vài mê bai của mình. Hình như vợ tôi đúng hơn tôi về chuyện đã mấy hôm không nhìn thấy Miu Miu. Có lẽ nó phải xông xáo đi kiếm ăn trên chạn bếp các nhà hàng xóm. Tội nghiệp Miu quá. Buổi chiều tôi mua một con cá bạc má về cho nó. Con cá nằm thiền lặng lẽ trên cái dĩa cũ kĩ còn hơn cả đồ cổ thời Hán Thái Tổ. Đến sáng thì thấy cả một vương quốc kiến vàng đã yến tiệc con bạc má còn trơ khung xương và cái đầu gai góc. Không còn dữ liệu để tin rằng Miu Miu vẫn quanh quẩn trong nhà.

 

Ba ngày. Rồi bốn ngày. Rồi ba tuần, bốn tuần.  Hoàng tử đen không hề ló dạng. Chàng đã đi biệt tăm biệt tích xứ nào. Người ta khi cùng cực còn đi bụi, con nhà giàu nổi đóa còn đi bụi, huống nữa là mèo. Tôi cầu cho điều đó là hiện thực. Bởi được như vậy, còn hơn là Miu bị thiên hạ đánh bả chuột, hay đánh bẫy sập để dâng cho các đấng thiêng liêng ăn nhậu. Mà tại sao lại cứ phải mèo đen mới nên thuốc cơ chứ. Các bợm nhậu hôm nào hay tin có thịt mèo đen là hai con mắt sáng rực lên như đèn pha. Để có mèo đem bán, người ta dùng đủ mánh đánh bả, đánh bẫy. Mèo nhỏ vậy, làm sao thoát được đòn ra tay của con người. Mai mốt đây hết mèo đen, chắc người ta sẽ nhuộm lông cả mèo trắng, mèo vàng, mèo mướp. Nhuộm chó, nhuộm chim được, sá gì thiên hạ không nhuộm mèo trục lợi.

 

Một hôm tôi đi làm về, nghe người ta lao xao có con mèo rớt xuống thùng phi sắp chết. Nhà đó cách nhà tôi gần trăm mét, tôi lo thót bụng, vì biết đâu Miu Miu là nạn nhân. Ghé vào nhìn, chỉ thấy con mèo tam thể đang ngoi ngóp, sắp chết tới nơi. Thỉnh thoảng nó ngước mắt lên, nhìn chúng tôi một cách van lơn, cầu cứu. Nhưng ai dám cứu nó, khi mà ông chủ nhà đang lăm lăm cây gậy, xoay xở tìm cách dìm cô nàng xuống nước.

- Nó phá nhà tui đủ thứ. Bữa tha mất con cá. Bữa tha mất miếng thịt. Có bữa nhảy bể cả xống chén.

- Bán nó chứ?

- Không! Làm thịt nó ăn cho bỏ ghét.

- Tui ké chai rượu ngâm chuối cơm nghen!

- Không, rượu đó ngọt, khó uống. Phải lít Sơn Đông mới được.

Dẫn xe quay trở ra, tôi nghe bà bán ve chai nói mỉa:

- Thằng chả quanh năm căng giấy nhựt trình trên miệng thùng phi, đặt miếng thịt lên đó nhử mèo thiên hạ; tháng nào không vài lần nhậu thịt mèo bị trấn nước.

Trời ạ! Biết đâu hoàng tử Miu Miu của tôi cũng đã lâm vào cảnh ấy.

 

IV. Miu Miu trở về nhà mới

 

Cách đây vài hôm, đang ngồi đọc tờ nhật trình, tôi bỗng nghe tiếng ngoao ngoao ngoài cửa. Nhìn ra thì thấy Miu Miu đã trở về. Nó ốm nhom ốm nhách, bộ lông xơ xác; vóc vạc coi như đứa bụi đời. Vợ tôi lật đật chạy xuống bếp, đem lên nửa con cá.

 

Có vẻ như hoàng tử đang rất đói, nhưng chàng không hề thèm đoái hoài tới bữa tiệc hải sản. Chàng lững thững bước vào nhà, tới nằm cuộn dưới chân tôi.

Vợ tôi nói:

- Phải cột nó lại, không nó lại bỏ nhà ra đi.

- Mèo chứ có phải chó đâu mà cột. Chỉ cần đóng hết các cửa lại.

Miu Miu dụi mũi vào chân tôi, ngoao ngoao như muốn xin xỏ một điều gì. Tôi cúi xuống, định ôm nó lên vuốt ve, nhưng chợt nghĩ: nó đi bụi hơn hai tháng, biết đâu bị nhiễm si đa hay nhiễm sác. Ngoài phố bây giờ nhiều nhà hàng bia ôm lắm. Có chỗ, tới ăn tô cháo lòng cũng ôm được, uống ly cà phê đen cũng ôm được. Cảnh giác một chút đã sao nào. Nhưng canh cánh nỗi lo Miu Miu lại bỏ nhà ra đi, tôi làm bộ yêu thương, thông cảm, dùng bàn chân phải chà chà lên bộ lông của nó. Hoàng tử co người lại, rên lên grừ grừ. Như vậy thì có thể yên tâm được rồi, chắc chắn Miu Miu đã hoàn lương.

 

Miu Miu hoàn lương thật. Suốt ngày đầu tiên nó chỉ ở trong nhà. Sang ngày thứ hai, một vài lần nó ra cửa, nghiêng nghé nhìn ra ngoài qua tấm kính màu bả trà. Sang ngày thứ ba, nó bắt đầu leo lên gác. Từ trên gác, nó chui qua ban công, phóng xuống mái nhà. Nhưng nó chỉ đi đâu đó một lúc rồi trở về. Có điều, hình như nó không hề đụng tới các món ăn mà tôi ưu ái dành để bồi dưỡng cho nó. Nó lặng lẽ như một chiếc bóng. Nhưng mỗi lần tôi trở về, còn đang mở cửa, đã nghe tiếng nó ngoao ngoao chào đón. Lúc thì nó từ trên gác xuống. Lúc thì nó từ đâu đó chui ra. Và… nó vẫn không đụng tới các món ăn.

 

Mặt trời mọc rồi lặn. Ngày nối ngày trôi qua vùn vụt. Miu Miu vẫn chê tất cả những bữa tiệc mà vợ chồng tôi ưu ái dành cho nó. Và tất nhiên, Miu càng ngày càng gầy rạc ra. Tôi phát hiện nó bị bệnh. Vợ tôi khẳng định nó bị bệnh phong tình. Điều đó rất dễ nhận thấy, bởi lòng vòng trong xóm phố, mèo cái lông màu sáng của thiên hạ, đẻ toàn những đứa con lông đen lem nhem. Miu Miu đã phải trả giá cho hơn hai tháng bỏ nhà đi theo tiếng gọi của ái tình. Có lẽ nó bị kiệt sức, không vồ được những con chuột nhanh nhẹn, đã chấp nhận những con chuột chết vì thuốc Tàu.

 

Vợ chồng tôi bàn cách nhờ bác sĩ thú y cứu nó. Tốn một trăm hai lăm đồng với gói ba số. Nhưng tình thế có vẻ như đã lâm vào thế khó cứu vãn. Hoàng tử đen mỗi ngày chỉ liếm láp vài miếng lấy có. Thời gian còn lại, nó ra nằm cuộn tròn trước ngạch cửa. Thỉnh thoảng chàng chống hai chân trước ngồi dậy, dõi mắt nhìn vô vọng một cách lơ mơ vào bầu khí quyển vốn sặc mùi ô nhiễm bụi khói  và tạp âm. Rất có thể hoàng tử đang nhớ lại thời oanh liệt của mình. Mà cũng rất có thể, hoàng tử đang hy vọng vào những viên thuốc đặc trị chẳng rõ xuất xứ từ xó xỉnh nào, hay đang hy vọng vào một điều thần siêu linh diệu nào.

 

Vợ tôi nói:

- Nếu chữa trị được cho nó khỏe lại, có thể phải thiến đi mới xong.

Tôi thấy thương nó qúa. Thiến thì còn gì là đường đường trang hoàng tử. Không thiến thì nó lại bỏ nhà ra đi. Mà ở cái tuổi sắp xế chiều của nó, liệu nó có kham nổi những cô ả đang chực chờ tình yêu trong xóm. Ở xóm tôi ấy à, dường như người ta chỉ thích nuôi mèo cái, chứ không mấy ai thích nuôi mèo đực. Đó là sự lựa chọn giải pháp tinh khôn và nhân đạo. Nuôi mèo đực thì sợ nó theo cái. Thiến đi thì sợ phạm vào điều ăn chay niệm phật. Xích cổ thì sợ nó rên gọi bạn tình thảm thiết cả đêm. Như con Miu Miu của tôi ấy, ốm yếu nhão ra rồi, mà mỗi ngày vẫn vài bận cuộn tròn hoài vọng ngoài ngạch cửa. Nuôi mèo cái khác hẳn, còn có cơ bán con cháu của nó sang xư người, kiếm dăm ba đồng bạc bù đắp vào lương hướng. Nhất cử lưỡng tiện. Thời buổi kinh tế thực dụng, tính vậy mà còn chưa ăn ai.

 

V. Chưa đến hồi kết

 

Trước cửa ngôi nhà mới của tôi có mấy cái chậu trồng mấy cây kiểng loại rẻ tiền. Một buổi sáng, tôi mở cửa ra tưới kiểng, chợt nhìn thấy có một cô nàng lông trắng nằm gối đầu lên người Miu Miu. Nhìn kĩ thì biết đó là con mèo hàng xóm. Chúng hé mắt nhìn tôi nhưng vẫn không chịu đứng dậy. Biết là sự công khai bộc lộ tình yêu, tôi trở vào nhà, ngồi xuống gõ bàn phím. Khi trở ra thì con mèo trắng đã bỏ đi.

 

Sáng hôm sau, tôi lại thấy con mèo trắng nằm kề bên hoàng tử. Và nhiều ngày sau nữa, vẫn xãy ra điều ấy. Tôi biết cô nàng là tình đầu của hoàng tử. Nhưng rõ ràng là hoàng tử thời sung mãn đã phản bội người tình, bỏ đi rong theo những cuộc phiêu lưu tình ái. Điều gì đã gắn bó cô nàng với kẻ bội tình tệ bạc đến chuốc họa vào thân? Tôi nhớ tới những người bạn gái. Nếu vợ tôi biết tất cả, nàng có tha thứ cho tôi như cô nàng lông trắng này không? Soi mặt vào tấm gương lúc cạo râu trong buồng tắm, tôi chợt nhận ra mình đã già đi rất nhiều. Ai đó đã có lần nói với tôi: soi gương mới biết mình già, không soi mình ngỡ mình là thanh niên. Qủa là một quy luật không cưỡng lại được của thời gian và của nhân tính con người. Cần phải làm tất cả để cho Miu Miu khỏe lại. Cuộc tình thủy chung với mối tình đầu sẽ giúp hoàng tử nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống chân chính.

 

Vợ tôi cười khi nghe tôi bày tỏ điều đó.

- Giống đực ấy à! Chỉ khi nằm liệt một chỗ mới khôn ra.

Tôi đâm hoảng thật sự, khi mà mới chiều nay thôi, một cô nàng tam thể ở đâu đã lượn qua lượn lại tới mấy lần trước cửa nhà tôi. Sự quyến rủ của cuộc sống thường tình đã xuất hiện. Người ta có thể chống đỡ được nhiều thứ cám dỗ vật chất, nhưng chống đỡ lại sự quyến rủ của ái tình thì… Miu Miu mà phiêu lưu lần nữa, không biết hồi kết của số phận nó sẽ thế nào.

 

Đứng trước lavabo cạo râu để chuẩn bị cho một chuyến công tác dài ngày, tôi thấy thương cho Miu Miu quá. Nó cũng chỉ là một con đực, thuộc về giống mèo mà thôi. Có điều quái lạ ở chỗ, nó còm nhom, còn sinh khí lực đâu nữa mà đám cái mượt lông, tinh mắt vẫn mò tới chứ? Có lẽ tôi phải sắp xếp đi tại chức vài khóa về tâm lý mèo. Không hiểu được con vật mình nuôi, làm sao tôi dám xưng là người, là ông chủ của nó.

Hồ Tĩnh Tâm
Số lần đọc: 3049
Ngày đăng: 02.05.2006
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
DướI chân cầu Tà Xăng - Trần Lệ Thường
Thấp thoáng Trương chi - Nguyễn Văn Ninh
Những chiếc lông cò - Bích Ngân
Ngụ ngôn sông nước - Liêm Trinh
Em tôi, ngày về - Đinh Lê Vũ
Thằng bé chết - Hồ Tĩnh Tâm
Ăn chay - Nguyễn Nguyên An
Ruồi có thể ăn được . - Nguyễn Hiếu
Kỳ tích - Nguyễn Ngọc Tư
Trái tim bướng bỉnh - Bích Ngân
Cùng một tác giả
Ngũ long công chúa (truyện ngắn)
Nàng (thơ)
Thầy Thi (truyện ngắn)
Có một mùa mưa (truyện ngắn)
Bến thần Kê (truyện ngắn)
Cu Đồ cháy mấn (truyện ngắn)
Chết giữa dòng sông (truyện ngắn)
Đêm Noen (truyện ngắn)
Vi rút rừng xuân (truyện ngắn)
Huynh đệ thần kê (truyện ngắn)
Gà đẻ gà cục tác (truyện ngắn)
Công an xã (truyện ngắn)
Hoành (truyện ngắn)
Bập bùng giai điệu (truyện ngắn)
Dòng sông tuổi thơ (truyện ngắn)
Cõi hoang thăm thẳm (truyện ngắn)
Mùa xuân dìu dịu (truyện ngắn)
Chuyện ở Làng Gao (truyện ngắn)
Chú Bảy (truyện ngắn)
Dấu ấn cuộc đời (truyện ngắn)
Một thời (truyện ngắn)
Thằng bé chết (truyện ngắn)
Tư Sẹo (truyện ngắn)
Nhỡ xe (truyện ngắn)
Con cà con kê (tạp văn)
Xóm phố (truyện ngắn)
Vòng quay của ngựa (truyện ngắn)
Con ngựa (truyện ngắn)
Giai điệu (truyện ngắn)
Bên hồ sen trắng (truyện ngắn)
Út Hường (truyện ngắn)
Bông điên điển (truyện ngắn)
Anh Dần (truyện ngắn)
Bạn cùng làng (truyện ngắn)